Chanh Minh - Bo Thi BaLaMat
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Bố Thí Độ
(Dāna Pāramitā)

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


Bố Thí (dāna).

Dāna từ ngữ căn là nghĩa là cho, dâng hiến.

Ngày nay người Phật tử đã hiểu biết nhiều về "sự đem cho", ý nghĩa "đem cho" trở nên quen thuộc và rất bình thường.

Nhưng nếu ngược dòng lịch sử, trở về thời cổ đại, chúng ta thấy rằng: "Đây là nét độc đáo của người Ấn cổ và pháp môn bố thí được hoàn chỉnh từ Đức Phật". Đức Phật xác nhận rằng:

"Bố thí, này các tỳ khưu, được bậc hiền trí tuyên bố (paṇḍitapaññattāni), được bậc chân nhân tuyên bố (sappurisapaññattāni)."[1]

Các tôn giáo khác như Khổng, Lão, Hồi, Thiên chúa giáo... không hề đề cao, phân tích, hay tìm hiểu sâu sắc về "pháp đem cho" như Phật giáo.

Trước thời Đức Phật đã có pháp bố thí (dāna dhamma), nhưng hình thành từ bao giờ? Do nhân nào? Hẳn rất khó tìm ra câu trả lời chính xác.

Trên phương diện lịch sử cổ Ấn, có thể hiểu "sự đem cho" ban đầu chỉ là sự tương trợ vật chất giữa người với người.

Người Ấn cổ đa phần sống về nghề nông, nhưng bối cảnh xã hội Ấn cổ là một chuỗi dài khắc nghiệt của thiên nhiên, điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên làm cho mùa màng bị thất thu dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, chết chóc cùng các tệ nạn cướp bóc, trộm cắp ... làm rối loạn sinh hoạt xã hội đương thời.

Chính vùng đất trù phú Đông Ấn, cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vào thời Đức Phật, vẫn có nạn đói ở ngay kinh thành Vesāli, Đức Phật cùng chư Tỳ khưu cũng bị nạn đói ở xứ Verañja[2]...

Thậm chí, do nhu cầu nước để sử dụng trong nông vụ, cả hai họ nội - ngoại dòng Thích Ca tranh nhau giòng sông Rohinī, suýt nữa máu đã đổ nếu như không có Đức Phật khuyên giải[3].

Sự phân chia giai cấp ở Ấn cổ, lại tạo nên sự chênh lệch mức sống giữa người với người, giai cấp thống trị ra sức vơ vét đồng thời bức hại giai cấp nô lệ, "người quá dư thừa, kẻ lại thiếu thốn cùng cực", giai cấp khốn khổ lại chiếm phần lớn, dần dần dẫn đến sự rối loạn xã hội như trộm cắp, giết người cướp của ...

Để ổn định và tạo cho xã hội có bộ mặt thanh bình an ổn, các nhà hiền triết cổ Ấn hoặc các vị lãnh đạo của giai cấp thống trị đưa ra giải pháp "đem cho rộng rải" (bố thí - bố có nghĩa là khắp nơi, rộng rải).

Như vậy, có lẽ do điều kiện: "nghèo đói và sự bức hại người khác vì thiếu thốn", là nguyên nhân hình thành "minh triết về bố thí".

Kinh điển có ghi: "Các vị vua Chuyển Luân thường trị nước bằng vương pháp, trong đó bố thí được nêu trước tiên nên đời sống dân chúng an lành, những hình phạt không cần dùng đến"...

"Về sau các hậu duệ của vua Chuyển Luân Vương không còn thực hành pháp bố thí, thế là trộm cắp khởi lên, rồi hình phạt được thiết lập, sát sanh hình thành, nói dối hiện khởi..."[4]

Tóm lại, do nghèo đói các ác bất thiện pháp nương khởi sanh lên, bố thí là một trong những điều kiện ngăn trừ hoặc tiêu diệt các ác bất thiện pháp ấy.

Pháp bố thí góp phần tạo sự an ổn của cộng đồng xã hội, mang lợi ích đến người với người. Về sau, Đức Phật khai triển rộng rải pháp môn "đem cho" đến mọi giới.

Có lần Du sĩ Vacchagotta bạch hỏi Đức Phật rằng:

"Thưa Sa môn Gotama, được nghe rằng: Sa môn Gotama có dạy rằng: hãy bố thí cho ta và đệ tử của ta, không nên bố thí đến người khác". thưa Sa môn Gotama, lời ấy có thật không hay là là lời xuyên tạc."

Đức Phật đáp rằng: "Đó là lời xuyên tạc Như Lai". Rồi Ngài dạy rằng:

"Này Vacchagotta, Ta nói như sau: "những ai đổ đồ phế thải trên mâm, hay đồ rữa chén, bát vào hố rác" với ý nghĩ để các hữu tình trong ấy, nhờ đó mà được ăn được sống". Này Vaccha, ta nói còn đem lại công đức nói gì đến loài người"[5].

Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy: "chẳng phải đối tượng thọ vật thí chỉ là nhân loại, Đức Phật còn mở rộng đến chúng sanh hạ đẳng đang sống ở hố rác", có điều là "khi hành pháp bố thí cần phải có tác ý đến (cetanā)".

Chính câu hỏi của du sĩ Vacchagotta cho chúng ta thấy: "Sự bố thí trước đó, tuy không còn trong phạm vi hẹp: Ta và đồ chúng của ta (sẽ bị chỉ trích nếu vị Giáo chủ nào tuyên bố như thế), nhưng có thể chưa được mở rộng "đến tất cả chúng sanh". Và lời dạy của Đức Phật đã xóa bỏ ranh giới "đối tượng nhận vật thí".

Ngày nay hàng phật tử dường như nằm lòng câu phật ngôn:

"Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi: Này các chư Tỳ khưu! Như Lai tuyên bố tác ý (cetanā) chính là nghiệp". Và cũng xem "có ý đem cho" rất bình thường.

Nhưng nếu trở lại 2.500 năm trước, câu Phật ngôn này quả thực là một tư tưởng tuyệt vời, độc đáo.

Tuy các nhà hiền triết Ấn cổ cũng có chủ trương nghiệp (kamma), nhưng "nghiệp nào là quan trọng nhất?", đa phần cho rằng "thân nghiệp" là quan trọng nhất chứ không phải là ý nghiệp.

Chính Nigantha Nātaputta vị Tôn sư nổi tiếng trước khi Đức Phật xuất hiện, cũng chủ trương "thân tội là quan trọng nhất".[6]

Không có cetanā (sự cố ý) giống như loại chữ viết trên nước, nên quả phước khi hình thành trở nên bé nhỏ. Có cetanā ví như loại chữ viết trên cát hoặc chữ khắc trên đá [7], nó hình thành quả bố thí đáng hài lòng, thích ý.

Từ đây, chúng ta có bài học: "khi bố thí đến bất cứ đối tượng nào, nên có "ý nghĩ" đến đối tượng đó". Và sự bố thí này lưu lại công đức.

Mặc khác, trước thời Đức Phật đối tượng nhận vật thí chỉ là người hay những vị thần trong giáo hệ Bàlamôn qua những tế đàn, không hề có tư tưởng "thương tưởng" đến những con vật, dù rằng họ vẫn bố thí đến chúng. Thậm chí các giáo sĩ Bàlamôn còn dùng chúng hoặc chính con người làm lễ vật tế thần.

Trái lại, Đức Phật nêu lên 14 đối tượng thọ thí, bố thí đến súc sanh có được trăm lần phước, bố thí đến người ác giới có ngàn lần phước... tức là: cho 10 lần đến súc sanh bằng cho 1 lần đến người ác giới, cho 10 lần đến người ác giới bằng cho 1 lần đến người có giới...[8]

Tuy có sự phân biệt đối tượng, nhưng rõ ràng Đức Phật đã xác nhận "bố thí đến loài thú (tiracchāna) vẫn có phước".

Đức Phật cổ súy hành pháp bố thí rộng rải đến mọi giới, vì pháp bố thí giúp chúng sanh thoát ra cái khổ "do thiếu thốn", thoát ra khổ cảnh (duggati).

Khi đến một vùng chưa có ánh sáng giáo pháp, Đức Phật thường thuyết lên "Tuần tự pháp" (anupubbakathā dhammā). Tức là:

- Nói về bố thí (dānakathā).

- Giải về giới hạnh (sīlakathā).

- Nêu lên các cõi trời (saggakathā).

- Nói lên sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục lạc (kāmādinavakathā).

- Sau cùng nói đến an lạc, lợi ích của viễn ly (nekkhammakathā) [9].

Trải qua hơn 2500 năm, pháp môn bố thí vẫn luôn luôn rực sáng, đồng thời có giá trị bất khả phủ bác.

 

Dứt Bỏ (cāga).

Chữ pariccāga = pari+ cāga; pari là trọn vẹn, cāga là lìa bỏ, bỏ đi.

Chữ pariccāga theo nguyên ngữ  là "buông bỏ trọn vẹn" và thường dùng như chữ cāga (dứt bỏ).

Trong Bổn sanh Mahāvaṃsa Jātaka của bộ Asīlinipata có nêu lên 10 pháp trị nước của vị minh quân là:

1.        Bố thí (dāna).

2.        Trì giới (sīla).

3.        Dứt bỏ (pariccāga).

4.        Công minh (ājjava).

5.        Hòa nhã (maddava).

6.        Cố gắng dứt bỏ điều ác (tapa).

7.        Không độc ác (akodha).

8.        Độ lượng, không làm hại kẻ khác (do có tâm bi mẫn) (avihiṃsā).

9.        Nhẫn nại (khanti).

10.    Không độc tài, độc đoán (avirodhana).

* Lại nữa, vị Thánh có 7 loại tài sản là:

1.        Đức tin (là) tài sản (saddhā dhanaṃ).

2.        Giới tài sản (sīla dhanaṃ).

3.        Hổ thẹn tội lỗi (là) tài sản (hiri dhanaṃ).

4.        Ghê sợ tội lỗi (là) tài sản (ottappa dhanaṃ).

5.        Nghe nhiều (là) tài sản (bahusutta dhanaṃ).

6.        Dứt bỏ (là) tài sản (cāga dhanaṃ).

7.        Trí tuệ (là) tài sản (paññā dhanaṃ)[10].

Đức Phật có giải thích về "dứt bỏ là tài sản của bậc Thánh" như sau:

"Ở đây, này các tỳ khưu. vị Thánh đệ tử có tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả (muttacāgo), với bàn tay rộng mở (payatapāṇi), ưa thích xả bỏ, sẳn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ  vật bố thí. Này các tỳ khưu, dứt bỏ  (là) tài sản." (sđd).

Một bài kinh khác nói về gia chủ Ugga người làng Vesāli, Đức Thế Tôn tán thán: "Này các tỳ khưu, gia chủ Ugga người làng Vesāli có được tám pháp vi diệu".

Nghe vậy, một vị Tỳ khưu đến gặp Ugga hỏi về tám điều kỳ diệu đó.

Gia chủ Ugga nói: vị ấy không biết Đức Phật nói về 8 điều vi diệu nào, riêng vị ấy nhận biết 8 điều vi diệu mình có. Tóm lược như sau:

1.        Vừa trông thấy Đức Thế Tôn từ xa, phát sanh tâm tịnh tín.

2.        Nghe xong thời pháp thoại đầu tiên từ Đức thế Tôn, chứng quả Dự lưu.

3.        Giải tán bốn người vợ trẻ.

4.        Thưa tôn giả, có những tài sản ở trong gia đình tôi, chúng được phân chia (appativibhatta) giữa những người có giới và những người tốt lành. Thưa tôn giả, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư, được có ở nơi tôi.

5.        Cúng dường chu đáo đến bất cứ vị tỳ khưu nào.

6.        Nghe pháp từ vị tỳ khưu ấy rất cẩn thận, nếu vị tỳ khưu không thuyết pháp thì gia chủ Ugga thuyết pháp đến vị tỳ khưu.

7.        Được nghe chư thiên nói chuyệrn, nhưng tâm không có tự hào (cittassa unnatiṃ) vì nhân duyên ấy.

8.        Chứng đắc Anahàm (anāgāmi).

Vị tỳ khưu ấy trở về bạch trình lên Đức Thế Tôn câu chuyện trên, Đức Phật dạy:

-"Lành thay, lành thay này tỳ khưu, như gia chủ Ugga người Vesāli, nếu có trả lời một cách chân chánh, có thể trả lời như vậy".

Điều kỳ diệu thứ tư  nói lên ý nghĩa"bố thí (dāna)", điều kỳ diệu thứ 5 nói lên ý nghĩa "dứt bỏ (pariccāga)," tuy mỗi pháp có những điểm giống nhau, nhưng cũng có những điểm khác nhau.

* Gia chủ Ugga.

Trong kinh ghi nhận có hai gia chủ Ugga đều thành tựu 8 pháp vi diệu giống nhau, một ở làng Vesāli một ở Hatthigāma (làng nuôi voi). Có thể cả hai cũng chỉ là một, khi so sánh duyên khởi của hai bài kinh này, chúng ta thấy rất rõ:

a- "Một thời, Thế Tôn ở Vesāli, tại Đại lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn....."[11]

b- "Một thời, Thế Tôn trú ở gữa dân chúng Vajji, tại làng Hatthi...."[12]

Và Vesāli là kinh thành xứ Vajji của người Licchavī. Điều này đã được lập lại trong Saṃyutta nikāya (Tương ưng kinh): Gia chủ Ugga (một ở làng Vesāli, một ở làng Hatthi) đến bạch hỏi Đức Thế Tôn: "Vì sao có chúng sanh hoàn toàn giải thoát trong hiện tại, có chúng sanh lại không?"[13]

Có lẽ một trong hai gia chủ Ugga trên là người có tám điều kỳ diệu, nhưng nhà biên soạn Pāli không nắm rõ chính xác, nên ghi cả hai trú xứ. Vì theo bản Sớ giải kệ Trưởng lão Tăng (theragāthātthakathā) và Tăng chi kinh, thì:

- Gia chủ Ugga người làng Hatthi, là một trong những gia chủ được Đức Phật tán thán: "người đứng đầu hạnh phục vụ Tăng chúng (saṅghupaṭṭhākānāṃ) tốt đẹp".[14]

-  Còn gia chủ Ugga thành Vesāli, được Đức Phật tán thán "là người đứng đầu trong bố thí vật đáng hài lòng (manāpadāyakānam)".[15]

Gia chủ Ugga người làng Hatthi.

Khi cha qua đời, vị ấy kế nghiệp nhà, trở thành trưởng giả (seṭṭhi).

Khi Đức Phật du hành đến Hatthigāma ngụ tại Nāgavanuyyāna, bấy giờ gia chủ Ugga cho mở lễ hội 7 ngày để vui chơi.

Cuối ngày thứ bảy, Đức phật ngự đến nơi gia chủ Ugga tổ chức lễ hội. Khi đang vui chơi lễ hội cùng với các vũ công, nữ nhạc, trông thấy Đức Phật từ xa ngự đến, gia chủ Ugga vô cùng xấu hổ và tỉnh rượu ngay.

Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi xuống một bên. Đức Phật thuyết lên tuần tự pháp, nghe pháp xong gia chủ Ugga trở thành bậc Thánh Dự lưu (sotapannā), về sau vị ấy chứng quả vị Anahàm (anāgāmī).

Sau khi nghe pháp xong, gia chủ Ugga cho giải tán đoàn vũ, nhạc công và tự nguyện trở thành người hầu cận (upapaṭṭhāṇa) của Chư tăng (chữ upa nghĩa là kế cận, paṭṭhāna là trú xứ, upapaṭṭhāna được hiểu là thân cận, phục vụ).

Vào ban đêm, chư thiên đến thuật cho vị ấy nghe về sự thành tựu của nhiều vị tỳ khưu, đề nghị gia chủ Ugga nên chọn các bậc Thánh để dâng cúng. Nhưng những gì vị ấy bố thí thì đều dành cho tất cả chư tỳ khưu với niềm hoan hỷ như nhau.[16]

Có lần, Đức Thế Tôn tuyên bố:

"Này các tỳ khưu, gia chủ Ugga làng Hatthi thành tựu tám điều kỳ diệu..."(sđd).

Gia chủ Ugga người làng Vesāli.

Tên ban đầu của gia chủ này không được biết đến, vì có thân thể vạm vỡ cao lớn nên được gọi là Ugga, đồng thời tính tình vị ấy hiền hòa, dễ mến. Ngay lần đầu gặp Đức Phật, và nghe pháp từ Đức Phật, vị ấy chúng quả Dự lưu, về sau trở thành bậc Anahàm.

Khi lớn tuổi, một ngày nọ  đang ngồi một mình, một ý nghĩ phát sanh đến vị ấy rằng:

"Ta sẽ cúng dường đến Đức Phật cùng chư Tăng những gì ta cho là tốt đẹp nhất. Vì ta được nghe Đức Thế Tôn dạy: "Ai cho vật đáng hài lòng hằng đạt được ước nguyện". Ta mong Đức Thế Tôn cùng chư Tăng ngự đến nơi này".

Biết được ước muốn của gia chủ Ugga, Đức Phật cùng chư Tăng xuất hiện ngay tại tư gia của gia chủ. Vị ấy vô cùng hoan hỷ, cung nghinh Đức Thế Tôn cùng chư Tăng, sau đó cúng dường vật thực đáng hài lòng đến Đức Phật và chư Tăng. Gia chủ Ugga liệt kê ra những món vật thực đáng hài lòng[17], bản kinh ghi nhận rằng: "Không bao lâu sau, gia chủ Ugga mệnh chung, được tái sanh với thân khả ý (manomayaṃkāyaṃ)".

 

* SỰ KHÁC NHAU GIỮA BỐ THÍ VÀ DỨT BỎ

1- Khác nhau về tâm lý (cetanā).

Theo Hậu Sớ giải (Anuṭīkā) của bộ Jātaka, các Giáo thọ sư cho rằng:

"Khi cho những vật thí như: cơm, nước, y phục,... để mong ước hưởng quả hữu vi trong những kiếp sống tương lai. Đó là bố thí.

Khi cho những vật thí như: cơm, nước, y phục,... mong người thọ dụng được an lạc trong hiện tại, người cho không mong cầu chi cả. Đó là dứt bỏ".

Trong chừng mực nào đó, dāna (bố thí) và dứt bỏ (pariccāga) đều có nghĩa là "lìa bỏ tham luyến (virāga)", nhưng sự lìa bỏ này khác nhau:

"Lìa bỏ trong hiện tại, tương lai mong cầu hưởng tài sản thế gian, đó là bố thí. Lìa bỏ trong hiện tại lẫn vị lai, đó là dứt bỏ".

2- Vì sao không mong cầu được gọi là dứt bỏ?

Có hai loại mong cầu (chanda: ước muốn) là: mong cầu những tài sản trong đời (tục sản) và mong cầu những tài sản bậc thánh (thánh sản - ariyadhāna).

Khi không buông bỏ những vật thí, còn mong cầu "trong tương lai ta sẽ hưởng được: tài sản, sắc đẹp, danh vọng, quyền uy, an lạc... những tài sản này còn nằm trong quyền lực của tham ái, là duyên hấp dẫn làm cho tham ái sanh khởi". Loại mong cầu này dẫn vào sinh hữu, đưa chúng sanh trôi lăn trong luân hồi, nên gọi là mong cầu tục sản.

Loại mong cầu thứ hai là: buông bỏ những vật thí, chỉ mong cầu đạt được Nípbàn để giải thoát khỏi già, bịnh, chết".

Khi nói "bố thí có mong cầu" là nói đến "mong cầu tục sản".

Có câu hỏi rằng: "Sự mong cầu thánh sản không phải là do tham ái chi phối sao ?".

Đáp rằng: Được gọi là Thánh sản do ý nghĩa "chấm dứt nghiệp dẫn đến tái sanh".

Nguyên nhân dẫn đến tái sanh trong luân hồi là do vô minh với ái dục. Sự mong ước đạt được Thánh sản không nằm trong quyền lực của tham ái, mà nằm trong quyền lực của pháp dục (dhammacchanda).

Có ba loại ước muốn (chanda) là:

- Ước muốn thụ hưởng sắc, thinh, hương, vị, xúc, gọi là tham dục (kāmacchanda).

- Ước muốn thành tựu những pháp thượng nhân như thiền định, Đạo, quả Siêu thế, Nípbàn, gọi là pháp dục (dhammacchanda).

- Ước muốn thực hành để tế độ chúng sanh được giải thoát trọn vẹn như mình, gọi là tác dục (kriyachannda). Đây là ước muốn của vị Thánh Alahán.

Do đó, mong cầu "đạo, quả giải thoát khỏi sinh tử luân hồi" được xem như "không có mong cầu". Vì "tâm thật sự không còn dính mắc trong đời, tâm lìa bỏ trọn vẹn (pariccāga) tham ái".

Câu chuyện về Ngài Jotika[18] minh họa cho vấn đề hai loại mong cầu này, tóm lược như sau:

"Có hai trưởng giả là anh em ruột, cùng nhau chung trồng một ruộng mía.

Ngày kia, người em sau khi đi thăm ruộng mía mang về hai cây mía, nghĩ rằng: "anh ta một cây, còn ta một cây".

Trên đường về, người em gặp vị Sa môn đang trì bình (là vị Phật Độc giác), người em hoan hỷ cúng dường cây mía của mình vào bát vị Độc giác Phật.

Theo truyền thuyết, loại mía thời ấy khi chặt bỏ gốc và ngọn, nước mía tuôn chảy, giống như một loại giây leo có chứa nước ở trong thân.

Khi người em cúng dường nước mía vào bát vị Phật Độc giác, để làm tăng trưởng phước báu cùng sự hoan hỷ của thí chủ, Đức Độc giác thọ dụng nước mía ấy ngay.

Hoan hỷ trước sự kiện này, người em suy nghĩ, "nay còn cây mía của anh ta, ta sẽ cúng dường đến Ngài luôn. Khi trở về, ta sẽ thuật rõ câu chuyện, nếu anh ta cần tiền ta sẽ trả tiền, nếu anh ta cần phước, ta sẽ trao phước này đến anh ta".

Người em cúng dường nốt cây mía còn lại đến vị Độc giác Phật.

Khi về nhà thuật lại câu chuyện đến anh, người anh nói:

- Ta không cần tiền, ta chỉ cần phước thôi.

- Nếu vậy, anh hãy thọ dụng phước ấy đi.

Người anh hoan hỷ, tưởng niệm đến ân đức bố thí rồi phát nguyện:

"Do phước báu mà em tôi đã làm, trao lại cho tôi, xin cho tôi đắc được an lạc pháp (sukhadhamma) mà Ngài đã đắc".

An lạc pháp (sukhadhamma) mà vị Độc giác Phật chứng đắc là "sự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi".

Nghe anh mình phát nguyện như vậy, người em cũng phát nguyện rằng:

"Do phước mà tôi cúng dường nước mía đến Ngài, xin cho tôi đắc được an lạc pháp mà Ngài đã chứng đắc, đồng thời sẽ là vị đệ nhất trưởng giả trong thành này."

Sau khi mệnh chung, hai anh em đều sinh về Thiên giới, người anh vẫn là anh. người em vẫn là em.

Vào thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp), hai người tái sanh về thành Bandhuvatī trong một gia đình trưởng giả, người anh vẫn là anh, người em vẫn là em.

Sau khi cha mẹ qua đời, địa vị đệ nhất Trưởng giả trong thành Bandhuvatī  thuộc về người anh.

Khi ấy, Giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa (Cadiếp) đang rực chiếu trong thế gian. Một lần nọ, khi nghe được giáo pháp thù diệu của Đức Phật Kassapa, người anh chán nản đời sống thế tục, xuất gia nhường tài sản lại cho em và không bao lâu sau Ngài chứng đạt đạo quả Alahán.

Người em trở thành vị đệ nhất Trưởng giả trong thành Bandhuvatī, theo lời chỉ dạy của anh, vị ấy cúng dường một Hương thất đến Đức Phật Kassapa.

Từ thời Đức Phật Kassapa đến Đức Phật hiện tại, người em chỉ có hai sinh thú: người hoặc chư thiên.

Đến thời Đức Phật hiện tại, vị ấy là đệ nhất Trưởng giả trong thành Rājagaha (Vương Xá) có tên Jotika.

Khi duyên lành chín muồi, Ngài Jotika xuất gia trong Giáo pháp này, chứng đạt quả Alahán.

Câu chuyện trên cho thấy: "Sự mong ước được "đệ nhất Trưởng giả", là mong cầu tục sản, đó là bố thí. Sự mong ước được "an lạc pháp", là mong cầu Thánh sản, đó là dứt bỏ".

Đồng thời, cho thấy rằng "do mong cầu tục sản nên người em phải trôi lăn trong luân hồi suốt một thời kỳ Đức Phật Toàn giác (từ Đức Phật Kassapa đến Đức Phật Gotama hiện tại).

Trái lại, người anh có tâm dứt bỏ tài sản thế gian, nên chứng đắc Alahán thoát ra sinh tử luân hồi nhanh chóng hơn người em suốt thời một vị Phật. Đây chỉ là thời kỳ giữa hai vị Phật ngắn nhất, có khi thời kỳ giữa hai vị Phật kéo dài cả nhiều kiếp trái đất.

3- Khác nhau về cách thực hành.

Khi thực hành bố thí, nghĩa là có sự "trao đến người nhận".

Được gọi là thí sự (dānakicca) do đầy đủ bốn chi phần:

- Có người cho

- Có ý  (cetanā) đem cho.

- Có người nhận.

- Có vật thí.

Trong bốn chi phần này, người nhận chỉ có thể nhận những gì người cho trao đến. Đó là bố thí.

Còn "dứt bỏ": người nhận được tự do chọn lấy những gì mình cần thiết.

Câu chuyện chứng minh cho sự khác biệt giữa hành động bố thí và hành động dứt bỏ, được nêu ra trong Sớ giải bộ Hạnh tạng (cariya - atthakatha) và trong Sớ giải Bổn sanh. Đó là câu chuyện Terasanipāta jātaka[19], tóm lược như sau:

Trong quá khứ, Bồ tát là vị Bàlamôn uyên bác có tên là Akitta, sau khi  cha mẹ qua đời, Ngài thừa hưởng đại tài sản do cha mẹ để lại.

Trong lúc vị tổng quản, đưa Bồ tát đi từng nơi để bàn giao tài sản: "Đây là kho vàng có chừng này vàng, đây là kho bạc có chừng này bạc, đây là kho tiền có chừng này tiền, đây là kho thóc có chừng này thóc...".

Bồ tát hỏi: những tài sản này có từ đâu?

- Thưa chủ! Ông nội của Ngài đã tích lũy những tài sản trên, sau khi mệnh chung, trao lại cho cha Ngài gìn giữ. Nay cha mẹ Ngài mệnh chung, nên tài sản này thuộc về Ngài.

Bồ tát suy nghĩ:

- Ông nội ta tích lũy tài sản, rồi từ bỏ chúng ra đi. Cha mẹ ta gìn giữ chúng rồi cũng lìa bỏ chúng để ra đi. Nay đến ta, một lúc nào đó ta cũng phải bỏ chúng. Chúng có ích lợi gì khi phải gìn giữ chúng chứ, vậy ta hãy làm cho chúng trở thành ích lợi cho người khác và cho cả chính ta.

Bồ tát vào triều tâu lên Đức vua ý nguyện xả ly tài sản của mình, Đức vua hoan hỷ với tâm nguyện của Bồ tát, nên tán thành việc làm của Ngài.

Bồ tát cho người đánh trống truyền rao khắp nơi: "sẽ có cuộc đại thí trong bảy ngày".

Trong bảy ngày, Bồ tát bố thí rất nhiều tài sản, nhưng tài sản vẫn còn rất nhiều, Ngài suy nghĩ rằng: "Ta đã có ý xả bỏ tài sản này, tại sao ta phải điều hành thí sự chứ".

Ngài cho mở rộng các kho tài sản, kho ngũ cốc... truyền rao rằng: "ai muốn nhận loại tài sản nào, hãy vào mà nhận".

Sau khi bố thí hết tài sản, Bồ Tát xuất gia vào ẩn tu trong núi Tuyết.

Câu chuyện trên cho thấy: trong bảy ngày đầu là hành động bố thí, vì người thọ nhận không có quyền quyết định đối với vật thí, cho vật gì thì nhận vật ấy

Sau bảy ngày là hành động dứt bỏ, vì người thọ nhận được quyền chọn vật thí theo ý.

Nói cách khác: hành động bố thí là: "người nhận, nhận vật thí theo ý người cho".

Hành động dứt bỏ là: "người nhận, nhận vật thí theo ý mình ".

Ngày nay, một số nước như Thái Lan, Miến Điện thực hiện hành động dứt bỏ này. Trong các cuộc cúng dường vật thực đến chư Tăng, các vị sư chọn loại vật thực mà mình cần thọ dụng, với số lượng theo ý.

Tuy  "dứt bỏ sự" vẫn có bốn chi phần của bố thí sự, điểm khác biệt ở đây là: người cho còn biết rõ người nhận và vật thí mà người ấy nhận, đó là bố thí. Còn dứt bỏ thì hai điểm sau, người cho không biết.

Mặt khác, khi còn nhận biết người thọ thí, nếu không khéo tác ý sẽ rơi vào ý nghĩ: "người này đã từng nhận vật thí của ta". Thế là tâm còn bị vướng mắc, khi tâm bị dính mắc thì không thể gọi là "dứt bỏ trọn vẹn (pariccāga)", bao giờ tâm không còn có ý nghĩ  "người cho, người nhận", gọi là "lìa bỏ trọn vẹn".

Sau 7 ngày, Bồ tát Akitta đã buông bỏ tài sản, tuy Ngài biết "có người nhận tài sản của mình", nhưng cụ thể là ai thì Ngài không biết, do đó ý nghĩ "ta là người cho, kẻ ấy là người thọ vật thí" không có trong tâm của Ngài. Hành động sau 7 ngày là " hành động dứt bỏ".

Tóm lại, trao quyền sở hữu tài vật nào đó đến người khác, nhưng vẫn biết rõ người cho, người nhận, là bố thí.

Trao quyền sở hữu đến người khác, không vướng mắc ý tưởng "người cho, người nhận", là dứt bỏ.

Ý nghĩa này đã lý giải bố thí và dứt bỏ trong 10 vương pháp. Tức là, khi Đức vua Chuyển Luân kiến tạo những thánh địa, những nơi tôn kính như đền, tháp.... hoặc làm công trình lợi ích chung đến thần dân, mọi người đều có quyền thọ dụng công ích ấy, hay xuất kho bố thí tài sản đến những người nghèo khổ gọi là dứt bỏ. Ban thưởng những bảo vật đến các Đại thần... là bố thí.

Vua Chuyển luân Daḷhanemi có dạy vị Hoàng tử kế vị rằng:

"Ye ca te tāta vijite adhanā assu, tesañ ca dhanaṃ anuppadajjeyyāsi:

- "Này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con, có người không có tiền của, hãy đem tiền của sanh khởi đến người ấy..."[20]

Lời dạy này hàm ý "dứt bỏ tài sản".

BàVisākhā có xin Đức Phật 8 điều:

1.        Xin được dâng y  tắm mưa đến chư Tăng trọn đời.

2.        Xin được dâng y Kaṭhina đến chư Tăng trọn đời.

3.        Xin được dâng y tắm mưa đến chư Tỳ khưu ni trọn đời.

4.        Xin được dâng y Kaṭhina đến chư Tỳ khưu ni trọn đời.

5.        Xin cúng dường vật thực đến vị Tỳ khưu sắp đi xa.

6.        Xin được cúng dường vật thực đến vị Tỳ khưu ở xa mới đến.

7.        Xin cúng dường vật thực đến vị Tỳ khưu nuôi bịnh.

8.        Xin cúng dường vật thực đến vị Tỳ khưu bịnh.

Đức Phật có hỏi rằng:

- Này Visākhā, vì sao nàng xin 8 điều này ?

- Bạch Thế Tôn, vì sau khi mãn mùa an cư, chư Tăng thường đi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Sau đó, sẽ bạch hỏi Đức Thế Tôn về những tầng Thánh chứng đắc cùng sinh thú của những vị Tỳ khưu mệnh chung và được Đức Thế Tôn giảng giải.

Bạch Thế Tôn, thế rồi con sẽ đi đến đảnh lễ và hỏi vị ấy rằng: Bạch Ngài, vị Thánh tỳ khưu vừa mệnh chung ấy có đến trú trong thành Sāvatthi này bao giờ chưa? Khi được biết vị ấy có lần đến thành Sāvatthi, tâm con sẽ hoan hỷ vì nghĩ "mình có lần được cúng dường vật thực, hay đã dâng y Kaṭhina đến Ngài".

Bạch Thế Tôn, đó là lý do con xin tám đặc ân này.

- Lành thay, này Visākhā! Như lai ban cho nàng tám đặc ân này.

Và rõ ràng, tuy bà Visākhā bố thí nhưng tâm không hề lưu ý đến người thọ thí, đó là cāga (dứt bỏ), vì không còn sự phân biệt đối tượng: thân quen hay xa lạ, mọi đối tượng nằm trong 8 điều ấy, đều được thọ vật thí như nhau và tâm bà Visākhā không hề nhận biết đối tượng thọ vật thí cụ thể là ai.

Đây là lý giải: "Dứt bỏ là tài sản của bậc Thánh".

4- Khác nhau về vật thí.

Trong thí sự thì vật thí cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phân biệt bố thí hay dứt bỏ.

Có ba loại bố thí (thông qua vật thí) như sau[21]:

- Nô bộc thí (dāsadānaṃ): là người cho dùng vật quí trọng, nhưng khi đem cho thì vật thí là những vật tầm thường, kém phẩm chất, như  y cũ rách, vật thực tầm thường... Ví như người chủ cho tôi tớ những vật mà chính mình không muốn xử dụng. Đức vua Pāyāsi đã thực hiện cách bố thí này.[22]

- Bằng hữu thí (sahāyadānaṃ): là người cho dùng vật như  thế nào, sẽ cho vật như thế ấy. Ví như hai người bạn thân cùng dùng chung một vật.

- Gia chủ thí (sāmīdānaṃ): là người cho dùng những vật tầm thường, nhưng khi đem cho lại là những vật quý trọng, như người nô lệ dâng đến người chủ những món ngon vật lạ mà mình không dám dùng.

Về gia chủ thí có câu chuyện của Dārubhaṇḍhaka, được ghi nhận trong Cūlavaṃsa (Tiểu Sử) như sau:

Tại ngôi làng Mahāgāma của nước  Sri lanka (Tích Lan)., có một người đàn ông nghèo khổ tên Tissa, sinh sống bằng nghề kiếm củi, nên người ta gọi là Dārubhaṇḍhaka Tissa (Tissa người có tài sản là củi).

Một lần nọ, ông bàn luận với vợ rằng:

"Tuy Đức Phật có dạy lợi ích về sự bố thí thường kỳ (nibaddhadāna), nhưng chúng ta không thể thực hiện được vì cuộc sống chúng ta quá thiếu thốn và thấp kém.

Chúng ta chỉ có khả năng cúng dường vật thực mỗi tháng hai lần với vật thực mà mình có được. Khi có khả năng hơn sẽ cúng dường vật thực tốt bằng phiếu thực (salākabhatta) để phân biệt sự cúng dường vật thực bình thường."

Vợ của Dārubhaṇḍhaka Tissa đồng ý và hôm sau họ cúng dường vật thực theo khả năng có được của mình.

Thời ấy, chư Tỳ khưu ở Tích lan được cúng dường vật thực thượng vị rất dồi dào. Một số Tỳ khưu trẻ cùng Sadi khi nhận vật thực của vợ chồng Tissa, đã  quăng bỏ trước mặt hai người thí chủ ấy.

Người vợ bảo chồng rằng : "Các vị sa môn đã quăng bỏ vật thục cúng dường của chúng ta rồi." Tuy nhiên, bà không có ý buồn phiền về việc quăng bỏ ấy, bà nghĩ rằng : "các vị sa môn quăng bỏ vật thực này xét ra cũng đúng. Vì những loại vật thực mà chúng ta có được là loại vật thực đáng quăng bỏ đối với mọi người".

Thấy thế, Dārubhaṇḍhaka nói với vợ:

- Chúng ta quá nghèo, không thể dâng loại vật thực làm hoan hỷ đến các Ngài.

Người vợ an ủi chồng rằng:

- Nhưng những người có con thì không thể nghèo, chúng ta hãy bán con gái  làm nô tỳ cho người để lấy tiền.

Ông Dārubhaṇḍhaka nghe theo lời vợ, bán con gái cho một nhà khá giả,  được 12 đồng tiền vàng và với số tiền có được, ông mua con bò sữa về nuôi.

Với tâm lành của hai vợ chồng, con bò cái cho rất nhiều sữa. Vào buổi chiều, họ lấy sữa bò nấu thành sữa đặc và bơ, vào buổi sáng họ lấy sữa nấu nấu thành món cháo sữa, rồi cúng dường đến chư Tăng cùng với sữa đặc và bơ ban chiều. Loại vật thực này đã làm hoan hỷ đến chư Tăng. 

Và người ta nói rằng : "Kể từ đó trở đi, phiếu vật thực (sālakabhatta) của ông Dārubhaṇḍhaka chỉ dành cho bậc Thánh chứng đạt cao" (các vị có Thắng trí bố trí các bậc Thánh đến thọ thực tại tư gia của Dārubhaṇḍhaka).

Thế rồi, một hôm gia chủ Dārubhaṇḍhaka nói với vợ:

- Nhờ con gái, chúng ta đã làm hoan hỷ đến các bậc Thánh, con gái chúng ta đã nhận lãnh tủi nhục này thay chúng ta. Bà đừng quênb việc cúng dường vật thực đến chư Tăng, tôi sẽ đi tìm việc làm để chuộc con gái chúng ta về.

Ông ra đi tìm việc và được làm trong nhà máy đường, sau sáu tháng nổ lực làm việc, ông dành dụm được 12 đồng tiền vàng, ông mang 12 đồng tiền vàng trở về làng để chuộc con gái.

Vào sáng sớm ông Dārubaṇḍhaka lên đường về quê, trên đường về ông gặp Trưởng lão Tissa cũng đang đến làng Mahāgāma, để hành lễ trong một tự viện. Trưởng lão Tissa là bậc đang thực hành hạnh đầu đà (dhutaṇga) khất thực. Gia chủ Dārubhaṇḍhaka theo sau lưng Ngài, hỏi pháp từ nơi Ngài.

Khi đến đầu làng, đã đến giờ thọ thực, gia chủ trông thấy một người đàn ông mang một mo cơm theo để ăn, ông đề nghị người ấy bán mo cơm cho ông với giá một đồng tiền vàng.

Người kia suy nghĩ: "Mo cơm này chỉ đáng giá một phần mười số tiền trên, hẳn là có gì đặc biệt đây, nên người này mới trả giá cao như thế." Và ông từ chối không bán mo cơm ấy, gia chủ Dārubhaṇḍhaka tăng dần giá mo cơm lên đến 12 đồng vàng, nhưng người kia vẫn không bán vì nghĩ: "Người này hẳn có rất nhiều tiền".  Cuối cùng, Dārubhaṇḍhaka nói rằng:

- Này ông, tôi mua mo cơm này không phải dành cho tôi, tôi mua để dâng đến vị Trưởng lão đang ngồi dưới gốc cây. Tôi chỉ có 12 đồng vàng, nếu có hơn tôi sẽ cho ông tất cả, hãy bán mo cơm này cho tôi với tất cả số tiền tôi có trong tay đi.

Và người kia sau khi xem xét kỹ đã đồng ý bán mo cơm với 12 đồng tiền vàng. Gia chủ Dārubhaṇḍhaka mang mo cơm đến cúng dường vào bát vị Trưởng lão, khi được nửa mo cơm, vị trưởng lão ngăn lại. Gia chủ Dārubhaṇḍhaka bạch rằng:

- Bạch Ngài, phần cơm này chỉ đủ cho một người dùng. Mong Ngài từ bi tế độ con, xin Ngài hãy thọ lãnh trọn vẹn phần cơm này.

Vị trưởng lão thọ nhận trọn vẹn mo cơm, sau đó hai người tiếp tục lên đường đi vào làng. Trên đường đi, vị trưởng lão hỏi thăm gia cảnh của Dārubhaṇḍhaka, gia chủ thật thà tường thuật lại gia cảnh của mình. Nghe giá trị mo cơm bằng sáu tháng trời làm việc của gia chủ, tâm vị Trưởng lão xúc cảm: "Ôi ! Người này đã thực hiện một thí sự khó làm (dukkāradāna), ông đã cúng dường đến ta với niềm tịnh tín trong một hoàn cảnh khó khăn như thế. Ta thọ vật thực ấy, xem như nợ ông rất lớn, ta phải tinh tấn chứng đạt quả vị A la hán để tỏ lòng tri ân ông, ta sẽ tìm nơi thích hợp để hành đạo, cho dù da, thịt, máu... của ta có khô cạn, ta sẽ không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi chứng đạt quả vị A la hán."

Khi vào trong làng, mỗi người đi theo hướng riêng của mình. Khi đến Tịnh xá Mahāvihāra, trưởng lão Tissa được bố trí ngụ trong một căn phòng yên tịnh. Chính tại nơi này, Ngài phát nguyện "không rời khỏi tư thế ngồi cho đến khi nào chứng đạt quả vị A la hán". Trưởng lão tinh cần hành pháp suốt 7 ngày, cả đến việc đình chỉ dùng vật thực, vào sáng thứ bảy Ngài chứng đắc A la hán với tuệ phân tích (paṭisambhidā ñāṇa).

Quán xét thọ mạng, Ngài thấy sự chết đã gần kề. Sau khi sắp xếp ngăn nắp mọi thứ trong chỗ ngụ, Ngài cầm lấy y bát đi đến giảng đường, trung tâm của tịnh xá, đánh chuông triệu tập Tăng chúng.

Khi Tăng chúng tề tựu đầy đủ, vị Đại trưởng lão tịnh xá hỏi:

- Hiền giả nào đã triệu tập tăng chúng ?

- Bạch Ngài, chính là tôi. Trưởng lão Tissa đáp lời.

- Vì sao hiền giả lại triệu tập tăng chúng ?

- Bạch Ngài, 7 ngày qua tôi đã tinh cần hành pháp và đã thành tựu quả vị A la hán, trong chư Tăng có ai hoài nghi về quả vị này, xin hãy hỏi tôi về giáo pháp.

- Này hiền giả, không ai nghi ngờ về quả vị A la hán mà hiền giả đã chứng đạt được. Nhưng do duyên gì, nhân gì mà hiền giả nổ lực tinh cần như thế?

Trưởng lão thuật lại mọi chuyện khi gặp gia chủDārubhaṇḍhaka, rồi bạch rằng:

-- Kính bạch chư Tăng, giờ viên tịch (parinibbāna) của tôi đến rồi, cổ quan tài của tôi sẽ bất động, cho đến khi nà0 được gia chủ Dārubhaṇḍhaka đưa tay nhắc lên, khi ấy mới đến được giàn hỏa.

Và Trưởng lão viên tịch sau đó. Vị Sãi vương lúc bấy giờ là Đại trưởng lão Kākavaṇṇa Tissa đi đến tự viện, cho những người mai táng của hoàng gia, đặt thi hài vị trưởng lão Tissa vào quan tài, cho mang đến đài hỏa táng. Kỳ lạ thay, cổ áo quan không thể nhắc lên được dù đã dùng nhiều phương cách.

Khi hiểu được nguyên nhân, Đức vua cho mời gia chủ Dārubhaṇḍhaka đến, truyền cho gia chủ nhắc cổ áo quan. Gia chủ Dārubhaṇḍhaka dùng đầu đội cổ áo quan, đưa hai tay nhắc bổng cổ áo quan và cổ quan tài ngự trên đầu của gia chủ, như người ta dùng hai tay nâng chiếc hộp giấy rỗng để trên đầu. Sau đó cổ quan tài được đưa lên đài hỏa táng.

Dĩ nhiên, hoan hỷ với thí sự khó làm của gia chủ Dārubhaṇḍhaka, Đức vua đã ban thưởng trọng hậu và gia chủ Dārubhaṇḍhaka trở nên giàu có.

Một ví dụ khác về loại bố thí này được tìm thấy trong tích truyện Sadi Sukha[23]. Hoặc câu chuyện tiền thân nàng Ummadantī trong Bổn sanh Paññāsa Nipāta, tóm lược như sau:

Một cô gái nghèo khổ, làm công trong ba năm để kiếm bộ y phục vừa ý. Khi nàng có bộ y phục rồi, sắp mặc vào người, tình cờ nàng thấy vị Tỳ khưu Alahán trong thời giáo pháp của đức Phật Kassapa, vị ấy mặc chiếc y củ rách, động lòng bi mẫn, nàng cúng dường bộ y ấy đến Ngài.

Tóm lại, "gia chủ thí được gọi là: bố thí khó làm (dukkāra dāna)."    

Trong ba cách bố thí này, xét về khía cạnh từ bỏ vật thí thì:

- Nô bộc thí tuy có sự từ bỏ vật thí, nhưng lại là việc dễ thục hiện, nên không xếp vào "dứt bỏ", đồng thời được xếp vào bố thí thấp kém nhất trong ba loại bố thí.

- Gia chủ thí là sự từ bỏ vật thí rất khó thực hiện và vì dứt bỏ được ái luyến vật thí, nên gia chủ thí  được xếp vào "dứt bỏ".

5- Khác nhau về đối tượng.

Trong bố thí sự, có ba loại  đối tượng nhận vật thí là:

- Đối tượng có ân đức cao trọng hơn người cho.

- Đối tượng có ân đức ngang với người cho.

- Đối tượng thấp kém hơn người cho.

Khi trao quyền sở hữu đến những đối tượng có ân đức cao, có địa vị cao, thông thường được gọi là cúng dường (pūjā). Đây được gọi là bố thí với tâm kỉnh trọng.

Khi trao quyền sở hữu đến những đối tượng có địa vị thấp kém là dứt bỏ. Như Đức vua khi cúng dường đến Đức Phật cùng Tăng chúng, các Bà la môn có thắng trí... việc làm này gọi là bố thí.  Còn khi vị ấy ban thưởng hay bố thí vật dụng đến dân chúng là "dứt bỏ".

Có năm pháp bố thí của bậc có trí (sappurisa dāna) [24] là:

- Bố thí với đức tin (saddhāya dāna).

- Bố thí với tâm kỉnh trọng (sakkaccaṃ dānaṃ).

- Bố thí hợp thời (kālena dānaṃ).

- Bố thí với tâm tế độ (anuggahacittena dānaṃ).

- Bố thí không hại mình lẫn hại người (attānañca parañnca anupahacca dānaṃ).

Xét về khía cạnh bố thí hay dứt bỏ trong năm pháp ấy thì:

- Bố thí với tâm kỉnh trọng là xác định địa vị của người thọ thí có ân đức cao thượng hơn người cho.

Khi địa vị người thọ thí được xác định là cao thượng, cúng dường đến bậc cao thượng với sự tin tưởng: "sẽ tăng trưởng phước báu", như cúng dường chư Tăng, Đức Phật... được gọi là bố thí với đức tin.

Còn với những đối tượng thấp kém nhận vật thí, như súc sanh, người ác giới (dussīlaka)... chẳng hạn, với niềm tin vào lý nghiệp báo, lý nhân quả, là thiện pháp cần thực hành để đến nơi an vui tuyệt đối .... Đây là "sự dứt bỏ với niềm tin".

"Bố thí với tâm tế độ", thông thường là xác định: địa vị người thọ thí thấp kém hơn người cho. Và là "sự dứt bỏ".

Hai cách bố thí còn lại: hợp thời, không hại mình lẫn hại người, tùy theo đối tượng mà xác định "bố thí hay dứt bỏ".

 

* SỰ GIỐNG NHAU GIỮA BỐ THÍ VÀ DỨT BỎ.

Ý nghĩa sai biệt của bố thí -  dứt bỏ được lý giải như trên, nhưng khi đứng trên phương diện chân pháp (paramattha dhamma) thì bố thí và dứt bỏ không khác nhau, vì bố thí hay dứt bỏ đều có chung ý nghĩa "vô tham (alobha)" .

Trong bộ Chánh giác tông (Buddhavaṃsa), chỉ đề cập đến bố thí ba la mật (dānapāramī), không nói đến dứt bỏ (cāga) vì bố thí được nói đến theo ý nghĩa cùng tột (paramattha) là "vô tham ".

Tùy thuộc vào tác ý (manasikāra) còn dính mắc hay không dính mắc, sự "đem cho" ấy  được gọi là dứt bỏ hay bố thí.

1- Tác ý (manasikāra).

Khi cho một vật gì đến người nhận, dù trực tiếp hay gián tiếp. Người cho còn có ý nghĩ: "ta đã cho", khi ấy "có sự dính mắc trong tâm". Việc làm này trở thành bố thí.

Khi ý nghĩ về "người cho, người nhận không có trong tâm" thì thí sự này là "dứt bỏ".

Câu chuyện tiền thân của ngài Jotika nói lên ý nghĩa này[25].

Theo sự hướng dẫn của vị Alahán là người anh khi còn tại gia, vị Trưởng giả (tiền thân của ngài Jotika) kiến tạo một Hương thất cúng dường đến Đức Phật Kassapa.

Ông muốn mọi người đến nghe pháp nên dùng bảy loại ngọc quý, nghiền nhỏ cúng dường trước hương thất Đức Thế Tôn, rao truyền rằng: "ai đến nghe pháp, muốn nhặt ngọc thì nhặt theo tùy thích". Khi hết ngọc, ông lại trải thêm lần nữa và ông đã ba lần trải ngọc như thế.

Ngoài ra, ông còn cúng dường viên bảo châu lớn dưới chân Đức Phật, với ý nghĩ rằng: "ai nhìn thấy bảo châu sẽ có dịp chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, người ấy có nhiều phước báu".

Một người Bàlamôn già đã lấy đi viên bảo châu, tâm vị Trưởng giả không hài lòng về việc làm của ông Bà la môn.

Như vậy :"ba lần trải ngọc cúng dường là tâm dứt bỏ", "cúng dường viên bảo châu lớn là tâm bố thí".

Một ví dụ khác được tìm thấy: câu chuyện bố thí lớn nhất (Vô song thí - asadisa dāna) của vua Pasenadi.

Đức vua Pasenadi (Ba tư nặc) thực hiện cuộc đại thí suốt bảy ngày đến Đức Phật và Tăng chúng.

Khi mãn cuộc đại thí, do nhận biết tâm bỏn xẻn của một vị đại thần và tâm hoan hỷ phước của vua Pasenadi của vị đại thần khác. Đức Phật suy nghĩ " Nếu Như lai chúc phúc tương xứng, vị đại thần không hoan hỷ sẽ tức giận rồi ói máu chết, còn vị đại thần hoan hỷ sẽ chứng đắc quả Dự lưu".

Vì lòng bi mẫn với vị đại thần không hoan hỷ, Đức Thế tôn chỉ chúc phúc bằng kệ ngôn ngắn, Đức vua không hài lòng vì cho rằng: "Đức Thế Tôn chúc phúc như thế không xứng đáng với sự cúng dường của Ta".

Sau đó, Đức vua đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch lên ý nghĩ của mình. Đức Phật giải thích việc làm của Ngài vì nhận thấy 2 tư tưởng trên. Đức vua cho vời hai vị đại thần đến hỏi, sau đó Đức vua ban thưởng cho đại thần hoan hỷ phước với mình, đồng thời đuổi vị kia ra khỏi quốc độ.

Tiếp theo Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:

" Na ve karayirā devalokaṃ vajanti.
Bālā have nappasaṃsanti dānaṃ
Dhīro ca dānaṃ anumodamāno.
Teṅeva so hoti sukhī parattha.

"Keo kiết không sanh thiên.
Kẻ ngu ghét bố thí.
Người trí thích bố thí.
Đời sau được hưởng lạc.
[26].

Như vậy, việc cúng dường của vua Pasenadi là bố thí, không là dứt bỏ.

Khi người cho có tâm "lìa bỏ trọn vẹn (pariccāga)" vật thí, cho dù đối tượng thọ thí có ân đức thấp, ngang bằng hay cao hơn người cho, hành động "đem cho" ấy  đều được xem là bố thí ba la mật.

Nói cách khác, bố thí ba la mật hàm ý dứt bỏ trọn vẹn những gì thuộc thế gian.

Lại nữa, chính vì "dứt bỏ trọn vẹn đồng nghĩa với bố thí ba la mật", nên các bậc Thánh hữu học như ngài Ugga, bà Nandamātā, trưởng giả Citta, bà Visākhā, trưởng giả Cấp cô độc (Anāthapiṇḍika)... vẫn thực hành bố thí hạnh (dānacāriya), nhưng chỉ có "dứt bỏ (cāga) là tài sản".

Rõ ràng trong ý nghĩa dứt bỏ (cāga) ngầm chứa ý nghĩa bố thí.

Khi người phật tử hành pháp bố thí, nên có ý nghĩ rằng: "ta không còn là chủ vật thí này, ta không dính mắc với vật thí, không dính mắc với đối tượng thọ nhận (vật thí)", thí  sự ấy trở thành "dứt bỏ", là bố thí ba la mật.

2- Vật thí nào được gọi là đại dứt bỏ (mahā pariccāga)?

Bất cứ vật thí nào cũng có thể  trở thành đại dứt bỏ và đều có thể gom vào bố thí balamật.

Tuy nhiên, có những vật thí có giá trị thấp, có giá trị bình thường có giá trị cao tột. Giá trị cao có hai loại:

- Cao theo thông thường, như bà Visākhā cúng dường chiếc áo choàng có giá trị 90 triệu lẻ 100 ngàn đồng vàng.

- Cao theo cách có được của người cho, như ông Bàlamôn Cūḷekasātaka chỉ có chiếc áo choàng, nhưng mang cúng dường đên Đức Phật. Đối với ông "đây là tài sản cao nhất mà ôn có được. 

Trong Sớ giải (atthakathā) của kinh Sīlakkhandhasutta (Giới uẩn kinh) và trong phần giải thích về ý nghĩa "Như lai ( tathāgato)", nêu lên năm vật thí mà Bồ tát dứt bỏ, đó là:

- Dứt bỏ tài sản.

- Dứt bỏ vương quốc.

- Dứt bỏ vợ con.

- Dứt bỏ tứ chi

- Dứt bỏ mắt.

Trong Sớ giải Mūlapaṇnāsa, bài kinh Tiểu kinh Sư tử hống (Cūḷasīhanāda sutta)[27], cũng nêu ra năm loại như trên.

Trong Sớ giải kinh Ratanasutta (kinh Châu báu)[28], nêu ra năm loại thí vật là:

- Dứt bỏ tài sản.

- Dứt bỏ vợ.

- Dứt bỏ con.

- Dứt bỏ tứ chi.

- Dứt bỏ mạng sống.

Sớ giải kinh Chánh giác tông (Buddhavaṃsa), nêu ra năm loại thí vật là:

- Dứt bỏ tài sản (dhānapariccāga).

- Dứt bỏ vương quốc (ratthapariccāga).

- Dứt bỏ vợ con.

- Dứt bỏ tứ chi (aṅgapariccāga).

- Dứt bỏ thân mạng (jīvitapariccāga).

Qua những liệt kê vật thí được ghi nhận trong Kinh tạng cùng những bộ Sớ giải, vật thí được phân chia làm ba loại:

- Vật ngoài thân như tài sản, vương quốc, vợ, con... Trong vật thí loại này, tùy theo mãnh lực ái luyến chúng trở thành cao, thấp khác nhau.

Một người có tâm ái luyến tài sản mãnh liệt thì vợ hay con trở thành thứ yếu, y có thể hy sinh cả vợ con để bảo vệ tài sản của mình.

- Vật trong thân như tay, chân... Đây là vật thí được xem là cao trọng, vì "không ai thương mình bằng chính mình thương mình".

- Vật thí là mạng sống. Đây là vật thí cao trọng nhất.

Nên ghi nhận rằng: "Dứt bỏ thân thể" có hai cách:

- Vật thí tuy là chỉ là một thành phần của thân thể, nhưng khi mất chúng thì tổn hại hoặc có thể tổn hại đến tính mạng sống, như mắt, tim, gan... khi dứt bỏ những chi phần thân thể ấy, được xem là "dứt bỏ mạng sống".

- Vật thí là thành phần thân thể, nhưng khi dứt bỏ không tổn hại đến mạng sống như tay, chân, máu...

- Và vật thí là mắt, tim, gan.. hay cả thân thể được xem là "dứt bỏ mạng sống". Như Đức vua Sīvi bố thí mắt, được xem là bố thí sinh mạng.

 

* ĐIỀU KIỆN CỦA BỐ THÍ SỰ (dāna kammaṃ).

Được gọi là bố thí do đủ bốn điều kiện:

- Có người cho.

- Có ý  (cetanā) đem cho.

- Vật đem cho.

- Người thọ nhận.

1- Có ý (hay tác ý) đem cho.

Có ba loại tác ý đem cho:

- Có ý (dứt bỏ) trước khi cho (pubba cetanā).

- Có ý (dứt bỏ) trong khi cho.

- Có ý (dứt bỏ) sau khi cho.

Có ý  đem cho được xem là thành phần chủ yếu của bố thí, Pāli có dẫn:

Dīyāti anenāti dānaṃ = dānacetanaṃ: điều khiển sự đem cho, gọi là " có ý bố thí".

Ở đây, hành động quyết định đem cho là do "có ý ( cetanā)", không thể có sự bố thí mà không có sự "có ý" đem cho. Và hành động đem cho chỉ xẩy ra khi nào có cetanā (có ý).

a- Có ý trước khi cho: ý khởi sanh vào lúc dự định đem cho, gọi là "có ý trước khi cho".

Trong giai đoạn trước khi cho này, cần nhận định rằng:

- Khi có sẵn vật đem cho, nhưng chưa có người thọ nhận, đó là "có ý trước khi cho", như Bồ tát Vessantara [29] tuyên bố "ai cần vật gì ta sẽ cho vật ấy". Sau đó có 8 vị Bàlamôn đến xin con voi hạnh phúc (maṅgalahatthi), Bồ tát cho voi ấy ngay. Loại "có ý" này được xem là "có ý trước khi cho".

- Nếu như không có sẵn vật cho, tác ý này chỉ là "ý thiện", không thể gọi là "có ý bố thí".

Như trường hợp nàng Suppiyā[30], khi đi đến Kỳ viên tịnh xá, thấy vị Tỳ khưu đang bị bịnh, bạch hỏi rằng: "Bạch Ngài, Ngài cần dùng loại thuốc chi để trị bịnh".

- Này cô, tôi cần nước thịt để trị bịnh. Vị Tỳ khưu ấy đáp lời nàng Suppiyā.

­- Bạch Ngài, vào ngày mai, tôi sẽ dâng nước thịt đến Ngài.

Loại "có ý cho" của nàng Suppiyā trong thời điểm ấy, chỉ là "ý thiện".

Vào hôm sau, vì không tìm được thịt, nàng cắt thịt đùi của mình, nấu thành bát canh thịt dâng đến vị Tỳ khưu. Khi nàng cắt thịt đùi của mình để bố thí, khi ấy loại tác ý này, gọi là "có ý trước khi cho". 

b- Có ý trong khi cho (còn gọi là muñca cetanā).

Chữ muñca nghĩa là sự buông bỏ, dứt bỏ. Vì đi chung với hành động đem cho, nên có ý trong khi cho chính thức là bố thí sự.

Hai loại "có ý" này đều được xem là bố thí khi đã có vật thí.

c- Có ý sau khi cho:

Là sau khi đã cho rồi, tâm còn nghĩ đến "người nhận, vật thí" thì hành động này chỉ được xem là hành động bố thí (dānakammaṃ).

Còn như "sau khi cho" chĩ nghĩ đến hành động tốt đẹp của thiện sự, không nghĩ đến "người nhận cùng vật thí", khi ấy bố thí sự trở thành dứt bỏ.

Đức Phật có dạy:

Idha modati pecca modati
Katapuñño ubhayattha modati.
So modati so pamodati.
Disvā kammavisuddhamattano.

"Ở đây hoan hỷ, sau đây hoan hỷ. Trong cả hai trạng thái người hành thiện đều hoan hỷ. Hoan hỷ vô cùng hoan hỷ, vì nhận thức tánh cách trong sạch của chính hành động mình." [31]

2- Vật thí

Những vật đem cho cũng là một thành phần của thí sự như Pāli giải:

Dīyāti dānaṃ = dānavatthuṃ: vật đem cho, gọi là vật thí.

Trong Kinh tạng có đề cập đến: tâm thí và vật thí.

Có câu hỏi rằng: "vì sao vật thí cũng được xem là thí sự, trong khi điều quan trọng là tâm thí? Vì chỉ có tâm thí mới có khả năng tạo ra quả của bố thí, còn vật thí thì không có khả năng này?"

Về điểm này, như đã giải thích "được gọi là thí sự, khi có sẵn vật thích hợp đem cho". Nếu không có vật thí thì không thành thí sự và loại tâm tốt đẹp ấy chỉ có thể gọi là tâm thiện, không thể gọi là tâm thí được.

Do đó, vật thí cũng là một yếu tố quan trọng trong thí sự.

Tác năng của vật thí có khả năng tạo ra quả của thí sự không?. Vật thí tuy không có khả năng tạo quả trực tiếp, nhưng gián tiếp sản sinh quả lợi ích tương ứng với vật thí. Như Hoàng hậu Anojā co` màu da xinh đẹp như hoa anojā, vì trong quá khứ cúng dường hoa anojā đến bảo tháp với ước nguyện có được màu da xinh đẹp như hoa anojā.

Vua Asoka (Adục) có màu da sần sùi, xấu xí là do trong thời Đức Phật, cúng dường cái bánh bằng cát đến Đức Phât.

Đức Phật có dạy:

"Manāpadāyī labhate manāpaṃ.
Aggassa dātā labhate punaggaṃ.
Varassa dātā varalābhī ca hoti.
Seṭṭhandado seṭṭhamupeti ṭhānaṃ.

"Người cho vật hài lòng, được vật hài lòng.
Người cho vật quý, được vật quý.
Người cho vật báu, được vật báu.
Người cho trú xứ tốt, đi đến nơi quý trọng."
[32]

Lại nữa, vị Alahán sau khi xả thiền diệt (nirodha samāthi), tuy các Ngài có tâm tế độ người nghèo khổ, nhưng trước đó Ngài quán xét "người này có tịnh tín với ta không?, có dâng đến ta vật chi chăng?", khi thấy rõ có tâm thí lẫn vật thí, Ngài ngự đi tế độ người có duyên lành ấy.

Các Giáo thọ sư  có cho ví dụ như sau:

Khi chúng ta nói "cơm được nấu chín nhờ có lửa", nhưng không có củi thì không có lửa. Cũng vậy, thí sự ( cơm chín) hình thành do có tâm thí (lửa), nhưng không có vật thí (củi) thì tâm thiện này không trở thành tâm thí.

Vật thí có vai trò quan trọng trong thí sự (dānakamma) như thế, nên Đức Phật có dạy: có năm loại vật thí khi đem cho không có phước, đó là:

- Cho rượu (majjadānaṃ).

- Cho tiếng hát (sammajjadānaṃ). (Loại âm thanh quyến rủ tâm người nghe rơi vào tham ái, dục lạc).

- Cho nữ nhân (itthīdānaṃ) làm vợ người nam (ám chỉ bố thí tình dục).

- Cho bò cái đến bò đực (usabhadānaṃ) (ám chỉ sự phối giống).

- Cho hình tượng (lõa thể) (cittakammadānam), ám chỉ những tranh, tượng có tính cách khiêu khích tình dục.

Phân loại vật thí.

Các bài kinh trong bộ Suttanta  (Kinh tập) có nêu ra 10 loại vật thí là:

- Cơm (anna), nước (pāna), y phục (vattha), xe (yāna), vòng hoa (mālā), chất thơm (gandha), chất xoa bóp (vilepana), giường (seyyā), chỗ trú ngụ (vasatha) và ánh sáng (dīpa).

Trong tạng Luật thì nêu ra bốn loại vật thí là: vật thực, y phục, chỗ trú và thuốc trị bịnh.

Nên hiểu rằng: bốn loại vật thí này, Đức Phật ám chỉ đến sự thọ dụng của chư Tỳ khưu, tức là bốn vật thí cần yếu cho đời sống Sa môn.

Còn 10 loại vật thí trong Tạng Kinh dùng cho mọi đối tượng thọ nhận, ngoài ra còn những vật thí khác như giày, dép, dù...

Trong tạng Luật, phẩm giày, dép có nêu lên hai loại vật thí này. Trong Bổn sanh, Bồ tát Saṅkha dâng đến Đức Phật Độc giác dù, giày...

Trong Tạng Luận (Abhidhamma), không đề cập đến vật thí chế định, chỉ đề cập đến vật thí theo cái nhìn của paramattha (thực tính pháp) là: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp.

3- Người nhận.

Đức Phật nêu ra có 14 đối tượng thọ thí [33]. Và tùy theo phẩm hạnh của đối tượng thọ thí mà phước báu của thí sự được nâng cấp. Như vậy đối tượng thọ thí được phân ra hai loại: Cá nhân và tập thể.

Trong cách thức cúng dường (hay bố thí) đến tập thể Tăng (gọi là trai tăng), có nêu ra bảy cách tập thể thí (ở đây là hội chúng Tăng) như sau:

"Này Ānanda, có 7 loại cúng dường cho Tăng chúng.

1.        Bố thí  cho cả hai Tăng chúng (Tỳ khưu và Tỳ khưu ni) với Đức Phật là vị lãnh đạo.

2.        Bố thí cho cả hai Tăng chúng, sau khi Đức Phật viên tịch (parinibbāna).

3.        Bố thí cho chúng Tỳ khưu Tăng.

4.        Bố thí cho chúng Tỳ khưu Ni.

5.        Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỳ khưu và Tỳ khưu Ni như vầy".

6.        Bố thí và nói rằng; "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỳ khưu như vầy.

7.        Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỳ khưu Ni như vầy.

Bản sớ giải có giải thích: đối với những vùng có ít chư Tăng hay chư ni, chỉ cần bốn vị Tỳ khưu hay bốn vị Tỳ khưu ni cũng được gọi là Tăng thí (saṅghadāna). Vì sao? Vì rằng: bốn vị ấy biểu tượng cho bốn quả Sa môn là: -

- Sa môn bất động (samaṇamacala).
- Sa môn sen đỏ (samaṇpaduma).
- Sa môn sen trắng (samaṇapundarīko).
- Sa môn tinh luyện (samaṇasukhumālo).

Đối với trú xứ có nhiều chư Tăng, chư Ni thì số lượng thọ thí phải là tám vị, tượng trưng cho bốn đạo và bốn quả Sa môn.

Và với lời "mong chư Tăng chỉ định cho tôi một số Tăng" thì dù xin một vị, nhưng không nêu tên cũng gọi là Tăng thí. Vì rằng khả năng của gia chủ chỉ có thể cúng dường đến một vị mà thôi.

Bản Sớ giải ghi rằng: Người có tâm cúng dường, đi đến tự viện thỉnh cầu vị Trưởng lão trụ trì trong tự viện rằng:

- Bạch Ngài, vào ngày mai con xin thỉnh một vị Sa môn, đến thọ thực tại nhà của con.

Khi vị Trưởng lão đã nhận lời, ngày hôm sau bất cứ vị Sa môn nào đến nhà thọ thực (cho dù đó là Sa di), thí sự này cũng được xem là Tăng thí (hay tập thể thí).

Có câu chuyện như sau:

Có một cận sự nam sau khi xây dựng một tự viện cúng dường đến tang chúng, có lần ông đến tự viện xin thỉnh một vị Sư về nhà làm phước vào ngày hôm sau.

Hôm sau, vị Trưởng lão quản tăng cho vị sư ác giới đến thọ thực tại nhà cận sự nam, vì đến phiên vị ấy nhận phiếu thực.

Tuy biết rõ sở hành của vị sa môn này, nhưng vị cận sự nam vẫn cung kính đảnh lễ, rữa chân vị ấy, dùng dầu xoa bóp chân vị ấy, xong rồi cung thỉnh vị sư ngồi vào chỗ soạn sẵn, tự tay cúng dường vật thực rất kỉnh trọng.

Thấy vị cận sự nam này hoan hỷ, tịnh tín với mình như thế, vào buổi chiều vị sư ấy đến nhà cận sự nam, nói rằng: - Này cận sự nam, tôi cần mượn cái cuốc để làm cỏ.

- Này sư, hãy lấy đi.

Cận sự nam dùng chân hất cái cuốc sang vị sư. Thấy được việc làm vào ban sáng lẫn buổi chiều của cận sự nam, những người chung quanh hỏi rằng:

- Này ông, vì sao ban sáng ông cung kỉnh vị sư ấy, bây giờ lại có cử chỉ khinh bạc như thế.

- Thưa các ông, ban sáng vị ấy đại diện cho chư Tăng đến, tôi cung kỉnh là cung kỉnh chư Tăng. Bây giờ vị ấy không phải là đại diện chư Tăng, là vị sa môn không giới hạnh, nên tôi không thể cung kỉnh như ban sáng.

Câu chuyện này cho thấy thí sự của cận sự nam này: vừa là tập thể thí vừa là bố thí dứt bỏ, vì không chọn đối tượng cá nhân nào cả.

Đối tượng cung kỉnh của cận sự nam là chư Tăng, bất kỳ vị sư nào đến thọ vật thí là do Tăng cử đến, ví như bất kỳ thị giả nà0 của Đức vua mang chiếu lịnh đến tuyên đọc, các quan đại thần cũng phải quỳ xuống đảnh lễ, không phải đảnh lễ thị giả mà đảnh lễ vương lịnh của Đức vua.

Câu chuyện tiền thân Sa di Paṇḍita [34] minh họa rõ về Tăng thí một vị này.

Do vậy, người phật tử khi bố thí, cho dù thỉnh Đại chúng tăng, nhưng tâm kỳ vọng một vị đại Trưởng lão nào đó đến dự, hoặc thấy trong nhóm Tăng có vị sư không giới hạnh thì không vui thíc, khi ấy tập thể thí trở thành cá nhân thí.

Có ý kiến cho rằng: "Sau khi Đức Phật đã viên tịch (parinibbāna), cúng dường Tăng thí có Đức Phật đứng đầu không thể thực hiện được".

Nên trả lời rằng : "Tăng thí có Đức Phật là vị thượng thủ vẫn thực hiện được. nếu thí chủ có cung thỉnh Xá lợi Phật (sārīrika dhātu) đến ngự, xem như thí sự có Đức Thế Tôn dự".

 

[1] - A.i, 151 – Phẩm nhỏ.

[2] - Luật Tạng, Mahā vibhaṅga bikkhu ( Đại phân tích tích tỳ khưu).

[3] - DhA, câu số 197 – 198 – 199 .Phẩm hạnh phúc

[4] - D.ii, kinh Tiểu Chuyển luân vương sư tử hống.

[5] - A.i, 57 (Du sĩ Vacchagotta).

[6] - M.iii, kinh Upāli.

[7] - A.i, 283.

[8] - M.iii, kinh Cúng dường phân biệt (dakkhiṇāvibhaṅgasutta)..

[9] - A.iv, 208. Phẩm gia chủ.

[10] - A.iv, 4. Phẩm tài sản.

[11] - A.iv, 208.

[12] - A.iv, 212.

[13] - S.iv. 109 - 110

[14] - ThagA. i. 174 – A.i, 26

[15] - A.i, 26.

[16] - DhA. iii. 465-9; theo ThagA. i. 65 Mahā Subhaddā cũng sống tại  thành Ugga.

[17] - A.iii, 49

[18] - DhpA. kệ ngôn số 416.

[19] - JA, số 480.

[20] - D.iv, kinh Chuyển luân thánh vương (Cakkavatti- sīhanāda sutta).

[21] - Đức Bửu Chơn – Kho tàng Pháp bảo (dhammadhana), tr 25.

[22] - D.ii, kinh Tệ Túc.

[23] - DhpA, kệ ngôn số 145.

[24] - A iii, 172. Chương năm pháp,  phẩm Tikandaki

[25] - DhpA, kệ ngôn số 416.

[26] - Dhp A, kệ ngôn số 177,

[27] - MA.i, Cūlasīhanādasutta (Sư tử hống tiểu kinh).

[28]  - SnA – Chương 2 - phẩm nhỏ, Sn.39.

[29] - Đại trưởng lão Hộ Tông - Thập độ, bổn sanh Bồ tát Vessantara.

[30] - Luật Đại phẩm (mahāvagga)- Chương dược phẩm, Tụng phẩm 2 - Đại đức Nguyệt Thiên dịch.

[31] - Dhp,  câu số 16 - Đại trưởng lão Nārada – ông Phạm Kim Khánh dịch.

[32] - A.ii, chương năm pháp - phẩm vua Munda.

[33] - M.iii, Dakkhiṇavibhaṅgasutta (Kinh Cúng dường phân biệt).

[34] - DhpA, câu kệ số 8o

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01| 02 | 03

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 09-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-09-2004