Chanh Minh - Tri Gioi BaLaMat
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Trì Giới Độ
(Sīla Pāramitā)

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[III-b]

B) Giới có ba chi.

1- Ba loại giới (theo cách thọ trì).

- Liệt giới (hīnasīla).
- Trung giới (majjhima sīla).
- Cao quý giới (paṇīta sīla).

Giải:

Khi bốn yếu tố: dục (chanda), tinh tấn (viriyā), tâm (citta) và trí thẩm sát (vimaṃsāñāṇa) đi cùng với giới được thọ trì. Tùy theo sức mạnh của bốn yếu tố này, giới có phẩm chất bậc thấp, gọi là liệt giới (hīnasīla), có phẩm chất trung bình, gọi là trung giới, có phẩm chất cao, gọi là cao quí giới.

Hoặc là:

- Giới thọ trì với ước muốn được danh tiếng là liệt giới, thọ trì giới như vậy là hành động đạo đức giả, không có chủ tâm trong sạch đối với phước thật sự, nên giới này có tính hạ liệt (hīna).

- Sự thọ trì giới với ước muốn có được sự tái sanh về nhàn cảnh. Dĩ nhiên có đi chung với tham muốn, nhưng đó là ước muốn kết quả thành tựu từ thiện pháp, loại thiện pháp có tâm sở tín (saddhā) và tâm sở Tư (cetanā) đi chung. Sự thọ trì này cao hơn so với "thọ giới để được danh tiếng".

Vì vẫn còn bị ô nhiễm bởi mong ước "kết quả lợi ích trong luân hồi", nên sự thọ trì này không được xếp vào bậc cao, chỉ ở bậc trung.

- Giới được thọ trì không phải với hai mục đích trên. Sự thực hành giới với mục đích "là pháp hành cao quí cho đời sống thanh tịnh".

Tức là: "Thực hành giới với hiểu biết rằng: Đây là pháp hành cao quý, đưa đến giải thoát khỏi luân hồi". Khi thực hành không hề có mong ước điều gì trong luân hồi, thực hành chỉ vì sự cao quí của giới.

Giới có phẩm chất tốt đẹp, được thọ trì với ý trong sạch như vậy, không dính mắc bất kỳ hình thức tham muốn nào, giới ấy được xem là giới balamật (sīla pārami).

Khi Bồ tát sanh làm rắn Campeyya[1] hay rắn Bhūridatta[2], Ngài không thể tinh tấn thực hành giới bậc cao mà chỉ thọ trì giới hy vọng được tái sanh làm người.

Trong ý nghĩa này, giới mà Ngài thọ trì là bậc trung. Tuy nhiên, vì Ngài không làm hư hoại giới, trái lại kiên quyết thọ trì chúng cho dù phải mất mạng, sự tinh tấn trì giới ấy, được xem là "thực hành giới Ba la mật".

(Rắn Campeyya là Mãng xà vương sống ở sông Campā, giữa xứ Aṅga và Magadha).

Lại nữa:

- Khi giới bị ô nhiễm bởi những ý nghĩ bất thiện có nội dung "tự tán phỉ tha" như: ta cao quí vì có giới, những người khác thấp kém hơn ta vì họ không có giới. Đó là giới bậc hạ.

- Giới không bị ô nhiễm như vậy nhưng là giới hợp thế của phàm nhân, hành giả là phàm nhân đang thực hành những giới hạnh mong chứng đắc đạo quả Siêu thế. Đây là giới bậc trung.

- Giới thoát ra khỏi mọi ô nhiễm và kết hợp với thánh đạo hay thánh quả (Thánh giới). Đây là giới cao quí.

Lại nữa:

- Liệt giới là giới được thọ trì với quan điểm sai lệch (tà kiến).

- Trung giới là giới được thực hành để giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi như sự thực hành của các vị Bồ tát Thinh văn hoặc Bồ tát Độc giác.

- Thắng giới là giới thực hành của chư vị Bồ tát Chánh giác với mục đích tế độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi.

Lời giải này, chỉ liên quan đến mục đích thọ trì giới, không có nghĩa: "giới của bồ tát Thinh văn hay Bồ tát Độc giác không phải là giới balamật".

2- Ba loại giới Uposatha (uposathasīla).

Theo nguyên tự thì Upa + osatha = uposatha.

Upa là gần, kề cận, osatha là 'thuốc trị bịnh" (uposatha âm là Bốtát, dịch là trai giới - giới trong sạch).

Chữ Uposatha có năm tính chất:

a. Sự tụng đọc Pātimokkha.
b. Tên riêng của người hay thú.
c. Ngày thọ trì giới.
d. Cách thọ trì giới uposatha.
e. Giới được thọ.

 Trong năm nghĩa này:

- Sự tụng đọc Pātimokkha chỉ liên quan đến chư tỳ khưu, đồng thời dùng ngày uposatha để thực hiện việc dọc tụng giới bổn.

-Tên riêng của người như: Hoàng tử Uposatha, hay tên thú như:voi Uposatha, ngựa Uposatha của vua Chuyển luân vương.

Hai loài này, sở dĩ có tên như thế vì xuất hiện cho vua Chuyển luân vào ngày 14 của mỗi nửa tháng (xuất hiện vào ngày 15 thì có tên là Chaddanta, như: voi Chaddanta...). Tức là cũng nương vào ngày uposatha để định danh.

Hai ý nghĩa này không liên quan gì đến ý nghĩa uposatha, chỉ ba tính chất sau có liên quan đến ý nghĩa uposatha nên được xét đến.

Ba ý nghĩa sau đều có gốc từ chữ uposatha (gần với thuốc trị bịnh).

Về ngày uposatha.

Có ba loại ngày trai giới (uposatha).

- Pakati Uposatha: ngày bốtát thường lệ.
- Pātijāgara uposatha: ngày bố tát (được) lập lại.
- Pātihariya uposatha. ngày bố tát đặc biệt

Sự phân chia này dựa theo Tăng Chi Bộ nói rằng: "Uposatha upovasanti patijagaranti: Trai giới và trai giới lập lại".[3]

Cātuddisaṃ pañcaddasiṃ.
Yā ca pakkhassa atthamī.
Pātihāriya pakkhañca.
Atthaṅga susamāgataṃ.

"Ngày 14, ngày rằm.
Ngày 8 trong nữa tháng.
Kể cả phần đặc biệt.
Khéo đầy đủ cả tám...
[4].

- Ngày trai giới thông thường: theo câu kệ Pāli trên, những dòng "dasiṃ pañcaddasiṃ, yā ca pakkhasā atthami (ngày 14, 15 và 8 mỗi nửa tháng)" chỉ về những ngày trai giới thông thường.Theo nội dung này, mỗi nữa tháng (là thượng huyeền và hạ huyền) có ba ngày, do đó một tháng có sáu ngày trai giới (mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30).

Ngày nay Phật tử thường thọ 8 ngày trong một tháng, xem như ngày trai giới thường lệ, bao gồm: ngày 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29 và 30.

- Ngày trai giới tỉnh thức:

Chữ Pāti của pāli nghĩa là "lập lại", jāgara là "tỉnh thức".

Pātijāgara uposatha có thể hiểu là "trai giới tỉnh thức trước giấc ngủ ô nhiễm".

ngày trai giới tỉnh thức là ngày trước và ngày sau của ngày trai giới thường lệ.

Cách tính số ngày như sau: ngày mùng 5 thì có thêm ngày mùng bốn đứng trước và mùng sáu đứng sau.

Ngày mùng tám thì có ngày mùng 7 đứng trước, ngày mùng 9 đứng sau.

Ngày 14 chỉ có ngày 13 đứng trước, (không có ngày sau vì ngày 15 là ngày trai giới chính thức).

Ngày 15 không có ngày trước, có ngày 16 đứng sau.

Liệt kê theo thứ tự thì ta có: mùng 4, mùng 6, mùng 7, mùng 9, mùng, 13 và 16. Như vậy, mỗi nữa tháng có mười Uposatha, một tháng có hai mươi ngày: tám ngày trái giới thường lệ và mười hai ngày trai giới tỉnh thức.

- Ngày trai giới đặc biệt:

Đây là ngày trai giới có oai lực hơn cả ngày trai giới tỉnh thức, vì trai giới tỉnh thức còn có "kẻ hở" trong nữa tháng thượng huyền hay hạ huyền. Nhưng ngày trai giới đạc biệt thì liên tục không gián đoạn trong tháng.

Nếu người cư sĩ muốn thọ trì ngày trai giới đặc biệt, nên thọ trì trọn ba tháng an cư mùa mưa. Nếu không thể thọ trì trọn ba tháng, nên thọ trì tháng cuối của mùa an cư, không thể thọ trì trọn một tháng, nên thọ trì 15 ngày sau cùng của mùa an cư.

Tuy nhiên, theo Sớ giải Sutta Nipāta (kinh Tập), bài kinh Dhammika (hành chánh pháp), thọ trì ngày trai giới đặc biệt bao gồm 5 tháng: trước khi chư Tăng an cư một tháng và khi chư Tăng mãn mùa an cư, thọ tiếp 1 tháng, cộng với ba tháng an cư thành năm tháng.

Theo bài kinh Visakh' uposatha sutta, Đức Phật chỉ mô tả ba loại trai giới (uposatha) và cách hành trì "trai giới bậc Thánh", không có bài kinh nào nói đến những ngày uposatha đặc biệt, được Đức Phật thuyết giảng.

Ngày trai giới: mùng 8, 14 và 15 mỗi nửa tháng cùng trai giới đặc biệt (pāṭihāriya uposatha) được nêu ra, không phải do Đức Thế Tôn định đặt (là uposatha).

Thực ra, chính vua trời Sakka đã nói với các vị Chư thiên ở cõi 33:

"Các vị hãy thanh tịnh (uposatha) vào ngày 14, 15 và mồng 8, vào những ngày "đặc biệt (pāṭihāriya) cũng vậy, các vị sẽ được như ta". Và những ngày này được chư thiên Tú đại vương tuần tra cõi nhân loại để liệt kê những người có giới đức, người có tâm tỉnh giác (patijāgarenti)....

"Này các tỳ khưu, trong ngày thứ 8 của mỗi nửa tháng, các vị đại thần cố vấn cho bốn Đại vương, đi du hành trong thế giới này, để xem trong loài người, nhiều người hiếu với cha mẹ, có kính các samôn, Bàlamôn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ uposatha, có đề cao cảnh giác (patijāgarenti), có làm các công đức...

"Này các tỳ khưu, trong ngày 14 của mỗi nửa tháng, các hoàng tử của bốn Đại vương...

"Này các tỳ khưu, trong ngày 15, lễ uposatha, bốn vị Thiên vương tự mình..."[5].

Rồi Tứ đại vương báo lại cho vua trời Đế thích đang ngồi tụ hội tại giảng đường Sudhamma có nhiều thiện nhân thì thiên chúng hoan hỷ (sđd). Các đạo sĩ thời xưa có thắng trí biết được điều này, nên loan báo cho mọi người biết để thực hành giới hạnh "tích cực" vào những ngày này (để Tứ đại vương ghi tên vào bảng vàng, trình lên vua trời Đế thích).

Sự giao tiếp với chư thiên, được xác nhận bởi đức Phật:

"Này các tỳ khưu, sau một thời gian Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tưởng tri ánh sáng, thấy các sắc và cùng chư thiên ấy, giao thiệp, nói chuyện và thảo luận..."[6]

Đức Phật nói lại những điều này, để nhân loại hoan hỷ thục hành những thiện pháp, vì ngay chính chư thiên cũng hoan hỷ với thiện pháp.

Đồng thời Đức Phật khéo nhắc nhở mọi người, nhất là chư tỳ khưu là: "vua trời Đế thích đã hát sai, vì vua trời Sakka chưa giải thoát khỏi sanh, già, chết... và câu hát đó chỉ đúng với vị tỳ khưu đã ly tham, ly sân, ly si"[7].

Tức là nhắc nhở hàng phật tử lẫn tỳ khưu: "trì giới không phải mục đích sanh về cõi trời, trì giới với mục đích giải thoát khỏi luân hồi". 

Đức Phật chỉ thuật lại những lời của vua trời Sakka. Và những ngày Uposatha (14, 15 và mồng 8)  trở thành ngày truyền thống thọ gì giới hạnh "tích cực" của người Ấn cổ.

Khi sadi Sānu có ý muốn hoàn tục, một dạ xoa (mẹ kiếp trước) đã nhập vào vị ấy. Và người mẹ hiện tại đã nói:

"... Ngày 14, mười lăm.
Và ngày tám nửa tháng.
Cả ngày lễ đặc biệt
Khéo tu tập trai giới
..."[8]

Không có bài kinh nào do Đức Thế Tôn thuyết giảng có tính cách áp đặt: "Giới uposatha phải được thọ trì vào những ngày này, hay không được thọ trì vào những ngày này".

"Vào lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo vào ngày 14, vào ngày 15, vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng đã tụ hội lại và giảng pháp".[9]

Du sĩ ngoại đạo vẫn có ba ngày này, chứng tỏ không do Đức Thế Tôn định ra, mà là những ngày truyền thống lâu đời của dân tộc Ấn cổ.

Ban sơ, ngày uposatha chỉ có ba ngày  mỗi nửa tháng, về sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng kinh "các lễ uposatha" (sđd), giảng về lợi ích của 6 cách thọ trì uposatha. Tức là, ngày trai giới niệm tưởng về 1 trong 6 ân đức: Phật. pháp, tăng, giới, thí và thiên.

"Này Visākhā. người có chủ quyền cai trị 16 quốc độ lớn, tràn ngập bảy báu.... Không bằng một phần 16 của một trai giới thực hành đầy đủ tám mặt. Vì cớ sao? Nhỏ nhoi thay, này Visākhā, là vương quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư thiên"(sđd).

Các cư sĩ hoan hỷ thọ trì trai giới, để rồi tự hào "tôi thọ được 10 ngày, 15 ngày...", dẫn đến "tự khen mình chê người". Để chấm dứt "thọ trì trai giới với mục đích khoe khoang", các Ngài đặt ra thêm ngày 5 mỗi nửa tháng và quy định là những ngày trai giới thường lệ, (dĩ nhiên là sau khi Phật Nípbàn). 

Đức Phật không quy định ngày Uposatha nào cả, vì mọi người có thể thọ trì trai giới bất kỳ ngày nào mà họ thích, hay thấy thuận tiện.

"Lành thay, thường chánh niệm.
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng
...."[10]

Khi đề cập những ngày trai giới tỉnh thức (patijāgara uposatha) và ngày trai giới đặc biệt (pāṭihāriya uposatha). Các Sớ giải sư ghi lại các pháp hành khác nhau theo truyền thống tập tục, cho nên có những điểm khác biệt trong các bộ chú giải.

Có câu hỏi rằng: "Vì sao Đức Thế Tôn không định ra ngày uposatha, lại noi theo truyền thống cỗ?".

Đáp: Đức Phật là bậc thiện xảo từ ngữ, những bài kinh được Đức Phật thuyết gọi là Vohāra desanā, vì những thuật ngữ trong các bài kinh có thể không giống nhau

Việc quy định ngày uposatha không nhất thiết là "khuôn mẫu", vì rằng: "người thọ trì trai giới có mục đích nhắm đến giải thoát", thì ngày nào chẳng được. Trong bộ Sớ giải Suttanipāta, có nêu lên quan điểm:

"Người thọ trì giới chọn những ngày trai giới thích hợp và thọ trì giới với mục đích làm tăng trưởng phước báu, (nên các nhà chú giải ghi lại các ngày và cách thức mọi người đã áp dụng).

"Người thọ trì trai giới với mục đích thoát ra luân hồi, có thể  thọ trì bất kỳ ngày nào, xét thấy là thích hợp".

Bài kinh  "các vị Sakkā (Thích tử)"[11] đã nói lên điều này.

Trong vài bài kinh Suttanta Desanā, ngay cả Đức Phật cũng trình bày lại theo cách ứng dụng "truyền thống" của một số người, như "người Licchavī ngủ trên đống rơm"... để liên hệ đến pháp mà Ngài giảng cho chư tỳ khưu thực hành.

Tại sao Đức Thế Tôn lại thuyết giảng theo cách này? Vì Ngài không muốn họ phá bỏ những truyền thống tốt đẹp.

Ngay cả "tri túc trong bốn món vật dụng" không phải do chính Đức Phật đặt ra, mà là truyền thống tốt đẹp lâu đời.

"Có bốn truyền thống bậc Thánh này, này các tỳ khưu, được biết là tối sơ (aggaññā), đã có lâu đời, được biết là truyền thống....

Ở đây, vị tỳ khưu biết đũ với bất cứ y phục nào....

Ở đây, vị tỳ khưu biết đủ với bất cứ loại đồ ăn khất thực nào...

Ở đây, vị tỳ khưu biết đủ với bất cứ loại sàng tọa nào...

Lại nữa, này các tỳ khưu, tỳ khưu ưa thích tu tập, vui thích tu tập, ưa thích đoạn tận, vui thích đoạn tận, mà không khen mình chê người..."[12] 

Tuy mục đích của Đức Thế Tôn là nói lên Thắng nghĩa pháp (paramatthadhamma) hay thực tại cùng tột như danh-sắc (nāma-rūpa) để tế độ chúng sanh chứng đắc Đạo Quả và Níp Bàn.

Nhưng nếu Ngài thuyết giảng bằng những danh từ trừu tượng cao sâu, chỉ có thể đem lợi ích đến cho những người hiểu biết đúng đắn, đối với người thiếu trí, họ sẽ hiểu sai, phạm vào những ác nghiệp để rồi dẫn họ xuống bốn khổ cảnh.

Có lần du sĩ Vacchagotta hỏi Đức Phật:

- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?.

Đức Thế tôn im lặng, du sĩ Vacchagotta hỏi tiếp.

- Thưa Tôn giả Gotama, có phải không có tự ngã?

Đức Thế Tôn im lặng, rồi du sĩ Vacchagotta bỏ đi. Sau khi du sĩ Vacchagotta bỏ đi, Đức Ānanda bạch hỏi " Vì sao Đức Thế Tôn không trả lời câu hỏi của du sĩ vacchagotta?".

- Này Ānanda, nếu ta trả lời "có tự ngã", là thuộc về các Samôn, Bàlamôn chấp thường.

Nếu Ta trả lời "không có tự ngã", là thuộc về pháp chấp đoạn. Này Ānanda, với câu hỏi "có tự ngã không", và trả lời "có tự ngã" thì câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên: "tất cả các pháp là vô ngã" không?.

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Này Ānanda, nếu được hỏi; "có phải không có tự ngã" và ta trả lời "không có tự ngã", làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác, hoang mang hơn nữa "trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa".[13]

Vì du sĩ Vacchagotta đang chấp vào thường kiến. "Cái ta" chỉ là sự chấp giữ vào danh-sắc, và nếu không khéo, du sĩ Vacchagotta sẽ rơi vào đoạn kiến, như một vài chủ thuyết đang hiện hành của Makkhali Gosala, của Purāṇa kassapa chẳng hạn.

Nếu không có "kẻ khác" sẽ không có "cái của người khác", "không có ta" sẽ không có "cái của ta". Từ đây, nếu diễn dịch sai lệch vấn đề này sẽ dẫn đến thuyết phi nghiệp báo.

Người ta sẽ cho rằng: "sát sanh, trộm cắp..." đều vô hại, vì "không có ta lẫn kẻ khác", họ tự do phá hoại những luật lệ của xã hội và làm những điều ác, khiến phải tái sanh vào các khổ cảnh đọa xứ.

Từ sự thật thông thường (samutti sacca) qua ngôn từ dễ hiểu, từ những truyền thống tốt đẹp, Đức thế Tôn dẫn dắt người có duyên lành đi đến nhận thức "sự thật tột cùng (paramattha sacca)",[14].

 "Chấp vào danh-sắc là đồng nghĩa với thân kiến", tức là cho rằng "danh sắc sau khi hoại là còn hay không còn đều là tà kiến". Thân kiến còn sâu dày thì Đạo quả Nípbàn càng xa vời.

Một số Giáo thọ sư nói rằng: Trong tạng Luật có điều luật dành cho các vị tỳ khưu là: "không được tụng đọc các giới bổn Pāṭimokkha vào những ngày không phải uposatha, nếu làm như vậy họ sẽ phạm tội tác ác (dukkaṭa āpatti). Và chỉ tụng đọc giới bổn vào ngày uposatha" [15].

Cũng vậy, người cư sĩ không nên thọ trì Bát quan trai giới vào những ngày không phải Uposatha.

Nên hiểu rằng: Theo văn học phật giáo, sự thuyết giảng Luật (vinaya desanā) của Đức Thế Tôn, được gọi là anādesanā (không phải giảng thuyết) mà là "điều luật chính thức do Đức Phật ban hành". Nếu vị tỳ khưu phạm vào một điều cấm ngay cả với ý định tốt cũng phạm tội, vì đã đi ngược lệnh của Đức Thế Tôn". Tức là "Luật là điều cần thiết phải thực hành", Pháp thì "vị tỳ khưu có thể hành pháp này, không hành pháp kia vẫn được", còn Luật thì bất cứ điều nào cũng phải thực hành, không thực hành là phạm Luật".

 Có lần vào ngày uposatha, Trưởng lão Mahā Kappina suy nghĩ: "Ta nên (tham dự) lễ Uposatha hay không tham dự, Ta nên (tham dự) hành sự của hội chúng hay không nên, trong khi Ta đã được thanh tịnh với sự thanh tịnh tối thượng".

Đọc được tư tưởng trên của Trưởng lão, Đức Phật phóng hào quang hiện ra trước trưởng lão, sau khi trưởng lão Mahā Kappina xác nhận có tư tưởng trên, Đức Phật dạy:

"Nếu các ngươi là những người có phạm hạnh, không tôn trọng, không quý trọng, không kính trọng, không cúng dường lễ Uposatha, thì còn ai sẽ tôn trọng, kính trọng, quý trọng, cúng dường lễ Uposatha nữa..".[16]

Cho rằng điều luật này (chỉ dành cho tỳ khưu) cũng áp dụng với người cư sĩ trong việc thọ trì Uposatha, nói rằng "mọi người thọ trì trai giới vào những ngày không phải là Uposatha sẽ có tội", rõ ràng là sự diễn giải sai lầm về Luật.

Tóm lại, trai giới là sự thọ trì thanh tịnh và cao quý, có thể được thực hành bất cứ ngày nào. Sự thọ trì càng nhiều thì phước càng tăng trưởng.

Do đó, Hậu sớ giải của bài kinh Mahā Sudassana sutta (kinh Đại thiện kiến) trong Trường bộ, có ghi rằng:

"Uposatha vuccati atthaṅgasa annāgataṃ sabbadivasesu gahatthehi rakkhitabbasīlaṃ: trai giới là giới có 8 điều, người cư sĩ có thể thọ trì trong tất cả mọi ngày".

(Hậu sớ giải này do Đại trưởng lão Dhammapāla biên soạn. Ngài cũng biên soạn các bộ Anutīkā phụ chú giải của bộ mūlatīkā, bộ Visudhimagga- mahātīkā và nhiều bộ Sớ giải khác).

Cách thọ trì.

Ba loại thọ trì Uposatha là:

a- Gopālakuposatha: Trai giới người chăn bò.
b- Nigantha uposatha: Trai giới của Nigantha.
c- Ariya uposatha: Trai giới của bậc thánh.

Ba loại giới này được Đức Thế Tôn thuyết giảng cho Thánh nữ cư sĩ Visākhā[17]. Các nghĩa chính là:

- Trai giới  người chăn bò (gopālakuposatha sīla):

Sau khi lùa bò ra đồng ăn cỏ suốt ngày, buổi chiều sau khi đếm đủ số bò, người chăn bò lùa bò trở về giao cho chủ.

Khi đến nhà anh ta chỉ suy nghĩ: "ngày hôm này ta đã lùa bò đi ăn ở đồng cỏ này, cho chúng uống nước ở nơi này, ngày mai ta sẽ lùa chúng đi đến cánh đồng này để ăn cỏ và đến chỗ này để uống nước".

Tương tự người thọ trì giới Bốtát, chỉ biết đếm số lượng giới thọ trì (như người đếm bò), đồng thời có ý nghĩ tham đắm vật thực, suy nghĩ rằng: "hôm nay đã dùng loại vật thực này, ngày mai ta sẽ dùng loại vật thực kia".

Như vậy người này sống cả ngày với tâm tham dục, gọi là trai giới người chăn bò.

- Trai giới Nigantha.

(Chữ nigatha = ni + gantha; ni là không, gantha là trói buộc. Đây là những đạo sĩ lõa thể, nhưng khi Mahāvīra (Nigantha Nātaputta) trở thành giáo chủ thì cho đồ chúng mặc vải để che phần thân phía dưới và những đạo sĩ lõa thể có tên là Acetaka để phân biệt với nhóm Nigantha của Nātaputta)[18].

Sự trì giới của nhóm đạo sĩ Nigantha có giới hạn, như: về giới không sát sanh, chúng sanh ở cách xa họ 1oo do tuần trở đi về hướng Đông, Tây, Nam, Bắc không được giết.

Như vậy, chúng khích lệ vì lòng thương, vì lòng từ,ẫn đối với một số sinh loại mà thôi.

Trong ngày uposatha, chúng khích lệ đệ tử như sau: "này các ngươi, hãy quăng bỏ tất cả quần áo và nói: "không có cái gì là của ta". Nhưng chúng vẫn rõ biết: "đây là cha mẹ ta, đây là vợ con ta...". Ta (Đức Thế Tôn) tuyên bố là sự nói láo.

Sau đêm ấy đã qua, nó thọ dụng tất cả tài sản chưa được cho. Ta tuyên bố là "lấy của không cho". Đây là trai giới Nigantha.

- Trai giới bậc Thánh;

Là trai giới nhằm mục đích thanh lọc các pháp ô nhiễm trong tâm qua các pháp tùy niệm (anusati).

Trai giới bậc Thánh có 6 là:

*- Phật trai giới (Buddhuposatha).
*- Pháp trai giới (Dhammuposatha).
*- Tăng trai giới (Saṅghuposatha).
*- Giới trai giới (sīluposatha).
*- Thí trai giới (dānuposatha).
*- Thiên trai giới (devatuposatha).

- Thực hành 8 giới và niệm ân đức Phật, như: Arahaṃ sammāsambuddho, Vijjācaranasampanno... gọi là Phật trai giới.Brahmuposatha.

- Thực hành 8 giới và niệm ân đức Pháp, gọi là Pháp trai giới.

- Thực hành 8 giới và niệm ân đức Tăng, gọi là Tăng trai giới.

- Thực hành 8 giới và niệm ân đức giới, gọi là Giới trai giới.

- Thực hành 8 giới và niệm ân đức bố thí, gọi là thí trai giới.

- Thực hành 8 giới và niệm ân đức thiên, gọi là thiên trai giới.

Là quán niệm rằng "trong thế gian có những vị Chư thiên và Phạm thiên là những bậc từng có những đức tánh cao quý như tín, giới, đa văn, bố thí... trong những kiếp quá khứ, nhờ vậy được tái sanh vào cõi Chư thiên và Phạm thiên. Những đức tánh cao quý như vậy cũng có trong tôi".

Người ấy thọ trì giới Uposatha cố gắng hành trì những pháp chư thiên có. Tức là quán tưởng rằng: "chư thiên có đầy đủ đức tin, Ta cũng đầy đủ đức tin như vậy. Chư thiên có đầy đủ giới, ta cũng đầy đủ giới như vậy....". Bốtát (uposatha) như vậy được gọi là Thiên trai giới (ở đây Devatā hàm ý Chư thiên và Phạm thiên).

Sau khi nguyện thọ trì tám giới, hành giả quán niệm như vầy: "cũng như các vị A la hán không bao giờ giết hại một chúng sanh nào và luôn luôn có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Tôi cũng vậy, sẽ không bao giờ giết hại chúng sanh. Do sự thực hành này, tôi sẽ sống theo gương các vị A la hán".

Quán niệm theo từng giới như vậy, gọi là Atthaṅg'uposatha (tám chi trai giới hay bát quan trai giới).

Cần lưu ý rằng: sự phân chia Uposatha thành sáu loại là tùy theo cách thọ trì (Phật trai giới, Pháp trai giới...), tuy nhiên, cách phân chia đầu tiên về Uposatha là chỉ có hai loại: atthaṅga uposatha (trai giới có 8 chi phần) và navaṅga uposatha (trai giới có 9 chi phần).

Giới uposatha.

a- Trai giới có 8 chi (aṭṭhaṅga uposatha sīla).

Còn gọi là Bát quan trai giới. Bát quan giới bao gồm tám giới là: không sát sanh, không lấy của không cho, không quan hệ tình dục, không nói dối, không uống rượu và các chất say, không dùng vật thực sái giờ, không ca múa- xem ca múa- sử dụng nhạc cụ - nghe tiếng nhạc cụ - trang điểm, và không nằm giường cao-xinh đẹp.

Có câu hỏi: "Ngũ giới chỉ dùng chữ  "pañca sīla", thập giới chỉ dùng "dasa sīla". Riêng tám giới không dùng "aṭṭha sīla", vì sao phải đính kèm thêm uposatha?

Đáp: Về ngũ giới và thập giới, đối với những người có giới đức chẳng có ngày đặc biệt nào được định đặc ra cả.

Chỉ có tám giới được thọ trì vào những ngày cố định đặc biệt. Do đó, từ ngữ Uposatha dành cho tám giới này.

Có điểm khác cần xét đến là:

- Năm giới không nhiều như tám giới và được thọ trì hằng ngày nên không có ngày đặc biệt để đặc tên cho sự thọ trì.

- Thập giới thì cao hơn tám giới, những bậc thọ trì  10 giới trong quá khứ, lý ra phải định ngày đặc biệt để thọ trì. Nhưng ở đây, tại sao các Ngài không làm như vậy?

Lý do có thể chấp nhập là: "tám giới đặc biệt thích hợp cho người cư sĩ, trong khi mười giới thì không".

Theo bộ Thanh Tịnh Đạo, mười giới dành cho các vị Sadi và Sadi ni.

Bộ Sớ giải Khuddakapātha cũng giải thích rằng: "giới cuối cùng (jātarūpiya sikkhāpada- điều học không thọ nhận vàng bạc) trong mười giới là giới đặc biệt dành cho các vị Sadi".

Rõ ràng mười giới chỉ đặc biệt dành cho các vị Sadi, không dành cho người cư sĩ.

(Thời xưa, người ta dùng vàng hay bạc thay tiền, nên giới này có thể xem là "không thọ nhận tiền" - Ns).

Do đó, những cư sĩ có trí trong quá khứ đã thọ trì hai loại giới liên quan đến họ, và chọn ra tám giới để thọ trì vào ngày ấn định đặc biệt. Do đó, chỉ có tám giới được gọi là Uposatha như đã giải thích trong bộ Visuddhimagga.

Vì rằng, bậc cư sĩ thiện hạnh (sucaritta) không chỉ thỏa mãn với giới hạnh được thọ trì, mà còn muốn làm các việc phước thiện qua bố thí. Để có vật thí phải có sự mua sắm, kết quả là họ không thể thọ trì điều học "không nhận tiền" cho đúng pháp được. Do đó, người xưa đã định đặc "thọ trì 8 gipới vào ngày uposatha".

Hơn nữa, bộ Sớ giải Khuddakapātha giải thích về tám giới có nguồn gốc từ mười điều học như sau:

"Trong mười giới là:

1- Không sát sanh (pānātipātā).

2- Không lấy của không cho (adinnādāna).

3- Không hành dâm (abrahmacariyā).

4- Không nói dối (musāvādā).

5- Không uống rượu và chất say (surāmeraya).

6- Không dùng vật thực phi thời (vikālabhojana).

7- Không xem hay múa hát, nghe hoặc xử dụng nhạc khí (naccagīta vādita visūka dassana).

8- Không trang điểm (mālāgandha vilepana dhārana mandana vibhūsanattha).

9- Không nằm giường cao và xinh đẹp (uccāsayaṇa mahāsayana).

10- Không nhận tiền (Jātarūpa rajata patiggahana).

Bốn giới (1, 2, 4 và 5) Sadi và cư sĩ thọ trì như thường giới (niccasīla), giới thứ ba là thường giới của sadi, nhưng không được kể là thường giới của cư sĩ, giới này được thọ trì chỉ vào ngày uposatha.

 Giới thứ 6 không thay đổi, giới thứ 7 và 8 gom lại thành giới thứ 7 của bát quan trai giới. Giới thứ 9 là giới thứ tám của bát giới.

Điều học cuối cùng "không thọ nhận tiền", không được kể vào trong tám giới.

Về giới "không nhận tiền".

Có rất nhiều ý kiến về giới này.

Một số Giáo thọ sư cho rằng: "Người cư sĩ không thể giữ được giới này, chỉ có thể giữ được khi nào "quyết định không nhận tiền" như thợ gốm Ghātikāra".

Phài thừa nhận rằng: Sách Thanh tịnh đạo và bộ Sớ giải Khuddaka pātha đều do Đại Luận sư Buddhaghosa viết ra, nên không thể khác nhau.

Đoạn văn trong sách Visuddhimagga:

"Upasaka kanti sīlavasena pañca sikkhāpadāni sātivā ussāhe dasa: Năm giới là thường giới của cư sĩ, 10 giới là giới thỉnh thoảng (niyama sīla) của cư sĩ". Và trong 2 bộ Sớ giải của Khuddakapātha Itivuttaka cũng phù hợp như thế.

Tuy Sớ giải tập Khuddaka pātha có đề cập: "không nhận tiền là sadi giới". Nhưng sadi vi phạm vào học giới này, cũng không bị trục xuất khỏi đời sống Sadi.

Trong Mahāvagga (Đại phẩm), Đức thế Tôn có ban hành "điều luật trục xuất sadi", trong đó năm giới đầu tiên của thập giới được kể đến, còn năm giới sau không được kể đến.

Do đó, dầu phạm một trong năm giới sau vị Sadi cũng không bị trục xuất, vị ấy chỉ phạm tội làm hoen ố điều học, phải chịu hành phạt.

Và khi sadi chịu hình phạt do vị thầy đưa ra như: gánh nước, quét dọn khắp tịnh xá... vị ấy sẽ trở thành vị sadi tốt trong sạch.

Tuy Sadi có bổn phận phải thọ trì thập giới, nhưng dầu có vi phạm điều học "thọ nhận tiền" cũng không bị trục xuất khỏi đời sống Sadi.

Rõ ràng: Trong mười giới, năm giới sau không quan trọng như năm giới đầu của vị Sadi.

Và 10 giới chỉ là giới "được cư sĩ thực hành thỉnh thoảng", chứng tỏ cư sĩ vẫn giữ được 10 giới.

Và thật không thích hợp khi nói rằng "cư sĩ phải như Ngài Ghātikāra, mới giữ được giới này". Vì rằng: "Học giới này ngay cả sadi cũng không được xem là quan trọng".

Đòi hỏi người cư sĩ thọ 10 giới phải như Ngài Ghātikāra (bậc Thánh Bất lai tại gia) trọn đời, là một yêu cầu quá cao. Như giới "không hành dâm", bậc Thánh Bất lai hoàn toàn dứt hẳn, nhưng cư sị vẫn thỉnh thoảng thọ trì, cũng tạo nhiều phước báu, tương tự như thế đối với giới "không nhận tiền".

Hơn nữa, trong mười phận sự của vị vua được nêu ra trong Mahāvaṃsa Jātaka của Asīti Nipāta.

Sớ giải nói rằng chữ "sīla" hàm nghĩa: ngũ giới và thập giới. Do đó, điều rõ ràng là các vị vua cũng thọ trì thập giới như một trong những phận sự của đức vua.

Nếu nói rằng "mười giới nên được thọ trì trọn đời" thời các vị vua có các bà Hoàng hậu, thứ phi, nữ quý nhân và kho báu đầy vàng và bạc sẽ không thể thọ trì thập giới, vì vi phạm vào điều thứ ba (abrammacariya) và các điều học thọ nhận vàng, bạc (jāta rūpasikkhāpada).

Nếu các vị vua không thể thọ trì 10 giới, thì các nhà chú giải đã không ghi lời bình giải mười giới trong 10 phận sự của vị minh quân.

Do vậy, mười giới không phải là thường giới (nicca sīla), chúng là giới được thọ trì thỉnh thoảng.

Trong bộ Visuddhimagga Mahāṭīkā (tác giả là Ngài Dhammapāla), có đề cập ba loại giới là:

- Ngũ giới được thọ trì thường xuyên (nicca sīla).
- Tám giới được thọ trì vào những ngày uposatha (uposatha sīla).
- Mười giới được thọ trì thỉnh thoảng (niyama sīla).

Lại nữa, trong bộ kinh Tương Ưng chúng ta thấy câu chuyện sau đây:

Vua trời Đế thích (sakka) từ cung điện Vejayanta đi xuống, khi sắp bước vào chiếc xe của mình vị ấy lễ bái các phương hướng hướng.

Chư thiên đánh xe Mātali hỏi rằng: "Thưa Thiên chủ! Ngài đang lễ bái ai vậy".

Vua Đế thích đáp rằng:

"....Ye gahaṭṭhā puññakarā
Sīlavanto upāsakā
Dhammena dāram posenti
Te namassāmi mātali".

".... Ngoài ra, các gia chủ
Làm công đức, giữ giới.
Nuôi dưỡng vợ đúng pháp.
Các cư sĩ như vậy.
Ta cũng đảnh lễ.
Hỡi này Mātali.[19]

Sớ giải có giải thích chữ "sīlavanti" trong câu trả lời của vua trời Sakka như sau:

"Sīlavanto ti upasakatthe patiṭṭhāya pañcahi sīlehi samannāgatā. Những người có giới là những những cận sự quy y Tam Bảo, an trú trong năm giới và 10 giới".

Theo bộ Sớ giải này rõ ràng: "Những người được Thiên chủ Sakka lễ bái, là những người sống với gia đình, thọ trì năm giới và mười giới".

Trong Hậu sớ giải Tương ưng kinh, có đoạn bình giải như vầy:

"Niccasīlavasena pañcahi niyamavisena dasahi: Năm giới nên được thọ trì thường xuyến, mười giới nên thỉnh thoảng thọ trì (niyama sīla)".

b-Trai giới có 9 chi (navaṅga sīla).

"Này các tỳ khưu, ngày trai giới (uposatha), thành tựu chín chi phần  được thực hành, có quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn".[20]

Khi kể ra các giới, Đức Thế Tôn nói tám giới trước từ pānātipātā sikkhāpada đến uccāsayanamahāsayana sikkhāpada, nhưng kết thúc bằng phương pháp thực hành rải tâm tử như vầy:

"Mettā sahagatena cetasā ekaṃ disaṃ pharitvā viharāmi: An trú với tâm câu hữu với từ (mettā) biến mãn một phương".

"Và an trú như vậy phương thứ hai... với phương thứ ba..."

Theo bài kinh này, sau khi nguyện thọ trì bát quan trai giới, người ta thọ trì thêm pháp thiền đề mục "từ  (mettā)".

Người thọ trì tám giới không khuyết phạm và  thực hành thiền"tâm từ", gọi là người thọ trì chín giới uposatha.

Và không cần phải đọc thọ trì "giới thứ chín", chỉ nguyện thọ trì tám giới là đủ và tu tập pháp rải tâm từ càng nhiều càng tốt. Như vậy, người ấy được xem là đang thực hành chín giới (navaṅga uposatha).

Đức Thế Tôn đã nêu ra "ekaṃ disaṃ pharitvā" rải tâm từ đi khắp một phương, hơn là chỉ trú tâm trong "từ" mà không rải đi.

Nên hướng tâm đang an trú trong từ đến tất cả chúng sanh trong mười phương (bốn hướng chính bốn hướng cộng thêm, hướng trên và hướng dưới) rải lần lượt từng hướng bắt đầu từng hướng nào cũng được.

Cho dù có bốn pháp vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), Đức Thế Tôn chỉ chọn pháp từ (mettā) thêm vào tám giới.

Người tu tập tâm từ, có được 11 lợi ích là:

1- Ngủ an vui.
2- Thức dậy cũng an vui.
3- Không thấy ác mộng.
4- Được người thương mến.
5- Được phi nhân thương mến.
6- Được chư thiên bảo vệ.
7- Không bị lửa, thuốc độc và khí giới làm hại.
8- Tâm vào định dễ dàng.
9- Gương mặt tươi sáng và trầm tỉnh.
10- Người ấy chết với tâm không rối loạn và.
11- Nếu chưa thể nhập đạo quả A la hán, được tái sanh vào cõi Phạm thiên.

Rõ ràng là pháp thiền tâm từ có oai lực nhiều hơn ba pháp vô lượng tâm kia.

c- Phạm hạnh giới (brahmacariya).

Đây là giới dành cho người cư sĩ thọ trì vào ngày uposatha.

Giới thứ ba trong năm giới gốc: "kāmesu micchā cārā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi: Tôi vâng giữ điều học là cố ý lánh xa sự hành sái quấy trong dục lạc", được thay thế bằng:

"Abrahmacariyā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi: tôi vâng giữ điều học là cố ý lánh xa sự dâm dục."

Giới này cộng bốn giới: không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối và không uống rượu cùng chất say, các Ngài gọi là "năm phạm hạnh giới".

Năm giới này do thiện nam Gavesī thọ trì vào thời Đức Phật Ca Diếp.

"Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī đi đến 500 nam cư sĩ ấy, nói như sau: "Bắt đầu từ hôm nay, này các tôn giả, ta sẽ thọ trì phạm hạnh, sống viễn ly, tử bỏ dâm dục hạ liệt".[21] 

Trong thời của Đức Phật, giới này được thọ trì bởi các cư sĩ như cận sự nam Dhammika, gia chủ Citta, cận sự nữ Nandamāta (bà Veḷukaṇḍakī), gia chủUgga, quan thủ quỷ của thành Vesāli và Ugga, người thủ quỷ của làng Hatthi, xứ Vajjī...

Gia chủ Ugga có bốn người vợ, hai người vợ cả được phép tái giá, rồi lần lượt hai người vợ còn lại cũng như thế, sau đó gia chủ Ugga sống độc thân.  Gia chủ Ugga là bậc Bất lai tại gia.

Không nên hiểu lầm rằng những người có gia đình trong thời hiện tại, muốn thọ trì phạm hạnh giới phải từ bỏ vợ. Nói cách khác, không nên cho rằng họ không thể thọ trì loại giới này, trừ khi phải bỏ vợ.

Theo giải thích của bộ Sớ giải Khuddakapātha thì trong mười giới, chỉ có bốn giới là "không sát sanh, không lấy của không cho, không nói dối và không uống rượu và chất say" được xem là thường giới.

Rõ ràng giới "không hành dâm" và những giới còn lại như "không ăn phi thời"... không phải là thường giới.

Những giới trên  (ngoài thường giới) là giới có thời hạn (niyama sīla), thọ trì những giới này với thời gian càng dài thì càng tốt.

Điều nên ghi nhận là: Gia chủ Ugga là bậc Thánh Bất lai, nên tham dục không còn, nên từ bỏ những người vợ không còn chút luyến ái và thọ trì trọn đời.

Những người là phàm nhân hay Thánh Dự lưu hoặc Thánh Nhất lai thực hành theo gương của gia chủ Ugga "thọ trì giới không hành dâm" được thì tốt, đồng thời không nhất thiết phải từ bỏ vợ. Nếu không được "trọn đời", nên thọ trì theo khả năng chế ngự của mình (riêng bậc xuất gia thì phải dứt khoát không được vi phạm).

Xét về tại gia giới, bộ Thanh Tịnh Đạo nói rằng:

"Upāsaka upāsikānaṃ niccasīlavasena pañca sikkhāpadāni sāti vā ussāhe dasa uposathaṅga vasena aṭṭhāti idaṃ gahaṭṭha sīlaṃ".

"Năm giới là pháp thọ trì trọn đời, mười giới chỉ khi nào có thể và tám giới là sự thọ trì đặc biệt vào những ngày Bốtát (uposatha), đó là tại gia giới, các cận sự nam-nữ cần phải thọ trì".

3- Ba loại giới khác.

a- Ngã tăng thượng giới (attādhipateyya sīla).
b- Thế gian tăng thượng giới (lokadhipateyya sīla).
c- Pháp tăng thượng giới (dhammādhipateyya sīla).

- Ngã tăng thượng giới:

Là giới được thọ trì do "lấy ta làm chủ", tức là do lòng tự trọng về giòng dõi, do địa vị, do sợ bị chê trách... nên từ bỏ những điều ác xấu.

Hoặc giả, do sợ khổ cảnh, hình phạt... nên giữ gìn giới.

- Thế gian tăng thượng giới:

Là giới được thọ trì vì thế gian cho là tốt. Như trước và trong thời Đức phật, những hình thức khổ hạnh được ưa chuộng, được thế gian cho là "bậc thánh thiện". Câu truyện Ngài Bāhiya trong Sớ giải kinh Pháp cú là điển hình.

Nói gọn hơn: "Những giới nào mà đa số chấp nhận thực hành, thì thực hành theo giới đó, những giới này có thể rơi vào "mê tín dị đoan", một dạng khác của giới cấm thủ (silabbataparāmāsa sīla).

- Pháp tăng thượng giới:

Là giới được thọ trì do tôn kính pháp. Pháp thoại của Đức Phật nói về Đạo, quả và Nipbàn, Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến giải thoát sanh tử luân hồi và cách duy nhất để tỏ sự tôn kính và cúng dường pháp là hành trì pháp.

Sự thọ trì giới để làm nền tảng tiến tu định và tuệ để thoát ra luân hồi, theo lời dạy của Đức Phật, gọi là "giữ giới do lấy pháp làm chủ".

4- Ba loại giới khác.

a- Chấp thủ giới (parāmaṭṭha sīla).
b- Vô chấp thủ giới (aparāmaṭṭha sīla).
c- An tịnh giới (patippassaddha sīla).

- Chấp thủ giới:

Giống như giới (có) nương tựa, là sự thọ trì giới dựa trên ái dục hoặc tà kiến.

Do ái dục, người ta hài lòng với ý nghĩ rằng giới của họ sẽ cho quả tái sanh vào cõi hạnh phúc mà họ ao ước và giới ấy cao hơn giới của kẻ khác.

Do tà kiến người ta chấp rằng giới của họ là linh hồn hay tự ngã.

Trong cả hai trường hợp, đều thuộc loại chấp thủ giới.

Ngay cả khi thực hành, loại giới này "thắp sáng" ngọn lửa ái dục và tà kiến. Hai ngọn lửa này không chỉ sáng rực khi người ta thụ hưởng dục lạc, nó vẫn sáng rực khi người ta hành pháp trì giới hay bố thí ... với sự "nắm giữ".

Chỉ khi nào thực hành thiền Minh sát, hai ngọn lửa này mới "không cháy sáng". Qua pháp hành thiền Minh sát, hành giả hiểu rằng thân này không phải "ta", chỉ là chuỗi hiện tượng sanh diệt của danh - sắc, chỉ khi ấy người ta mới làm "lu mờ" ngọn lửa thân kiến (sakkāya diṭṭhi) và ái dục (taṅhā).

- Vô chấp thủ giới:

Là phàm nhân nương nhờ Tam Bảo, nguyện thọ trì giới để tu tập bát chánh đạo với mục đích chứng đắc đạo quả, giới ấy gọi là vô thủ giới.

Đây cũng là giới của bậc Thánh Hữu học (sekkha), là bậc đã tu tập bát Thánh đạo, đã chứng đắc một trong ba Thánh đạo - quả, nhưng còn phải tu tập để đạt đến mục tiêu rốt ráo là Thánh quả Alahán.

- An tịnh giới.

Là giới được thanh tịnh do sự chứng đắc bốn thánh quả (Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai và A la hán).

Theo Luận Atỳđàm: "đây là loại giới nhận Nípbàn làm cảnh. tức là 3 tâm sở chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng trong tâm quả Siêu thế".

5- Ba loại giới khác:

- Tịnh giới (visuddha sīla).
- Bất tịnh giới (avisuddha sīla).
- Si tưởng giới (vematika sīla).

- Tịnh giới:

Là giới của vị tỳ khưu chưa vi phạm (trong luật Tỳ khưu) hoặc có phạm nhưng đã sám hối rồi.

Hay giới của người cư sĩ được gìn giữ cẩn thận, hoặc có vi phạm đã xin thọ trì giới trở lại.

- Bất tịnh giới:

Là giới bị ô nhiễm, hoặc bị rách, lủng lổ...

- Si tưởng giới:

Là giới của vị tỳ khưu hoài nghi về vật thực mà vị ấy đã thọ lãnh (không biết đó là thịt gấu bị cấm dùng hay thịt heo được phép dùng), là người đã hoài nghi về tội mà vị ấy đã phạm (không biết đó là tội pācittiya āpatti hay dukkata āpatti) và là người có sự phân vân về hành động mà vị ấy đã làm có phạm tội hay không.

Vị tỳ khưu chuyên tâm hành thiền thì nên cố gắng thanh lọc giới của mình nếu nó chưa trong sạch.

Nếu vị ấy phạm một tội nhẹ (tức là một trong 92 tội pācittiya), nên đối trị nó bằng cách sám hối với một vị tỳ khưu và nhờ đó giới của vị ấy được trong sạch.

Nếu vị ấy phạm tội nặng (tức là một trong mười ba tội tăng tàn), vị ấy  nên thọ phạt theo Luật để giới thanh tịnh trở lại.

Nếu phát sanh nghi ngờ về đặc tánh của vật thực, vị ấy nên xem xét kỹ vật thực rồi hãy thọ dụng.

Nếu nghi ngời "có phạm hay không phạm? phạm vào tội gì?", nên tham khảo ý kiến với vị tỳ khưu rành luật và nhờ vậy đoạn diệt được những hoài nghi và làm trong sạch giới của mình.

6- Ba loại giới khác.

- Hữu học giới (sekkha sīla).
- Vô học giới (asekkha sīla).
- Phi hữu học phi vô học giới (nevasekkhanāsekkha sīla).

- Hữu học giới: Là giới được thọ trì bởi người đã chứng đắc ba Thánh đạo -quả.

- Vô học giới: Là giới của bậc không còn phải tu tập gì nữa. Đó là giới của những vị Thánh A lahán.

Nhóm phàm giới không ở trong hai loại trên, gọi là phi hữu học phi vô học giới.

Đó là giới của phàm nhân.

C) Giới bốn chi.

1- Giới bốn chi.

a- Thối giảm giới (hānabhāgiya sīla).
b- Yên trụ giới (ṭhitibhāgiya sīla).
c- Tấn hóa giới (visesabhāgiya sīla).
d- Thể nhập giới (nibbedhabhāgiya sīla).

-Thối giảm giới.

Là giới chắc chắn bị suy thối, như vị tỳ khưu sống chung với những người không có giới và không thân cận với những bậc có giới, vị ấy không biết hoặc không thấy mình đang đi trên con đường phạm tội, và vì không hộ trì các căn nên thường sống trong bất thiện pháp. Giới của vị tỳ khưu như vậy không tiến bộ, thay vào đó là suy thoái dần.

"Ekassa caritaṃ seyyo
Natthi bāle sahāyatā.
Eko care na ca pāpāni kayirā
Appossukk mātaṅgaraññ'ev nāgo.

Tốt hơn sống một mình,
Không người ngu, kết bạn.
Độc thân, không ác hạnh,
Sống vô tư vô lự.
Như voi sống rừng sâu".[22]

- Yên trụ giới.

Là giới đứng yên, vị tỳ khưu thỏa mãn với giới mà mình đã an trú và không tích cực tu tiến pháp định tâm để tiến xa hơn. Vì thỏa mãn với giới như vậy, giới của vị ấy không tiến bộ cũng không suy thối chỉ đứng yên, loại giới này xem như tù đọng.

"Phussāī nekkhammasukhaṃ
Aputhujjanasevitaṃ.
Bhikkhu visāsaṃ āpādi
Appatto āsavakkhayaṃ.

"Ta hưởng được an lạc.
Phàm phu chưa hưởng được.
Tỳ khưu chớ tự tin.
Khi lậu hoặc chưa diệt."[23]

- Tấn hóa giới (visesa).

Là giới đưa đến chứng đạt thiền định và thắng trí. Vị tỳ khưu sau khi đã an trú trong giới, không thỏa mản hay hài lòng kết quả đó, tích cực hành phàp thiền định và chứng đạt các tầng thiền hay thằng trí, giới ấy đã dẫn đến (bhāgiya) tấn hóa (visesa), gọi là tấn hóa giới, hay giới đưa đến chứng đạt pháp định tâm hay thắng trí. (thắng trí ở đây chỉ cho 5 pháp thần thông).

- Thể nhập giới (nibbedha).

Là giới đi sâu vào nội tại, diệt trừ những pháp ô nhiễm. Vị tỳ khưu nương vào giới, nỗ lực tu tập để đạt được tuệ quán lực (balavipassanā ñāṇa), là tuệ nhàm chán khổ sinh tử luân hồi.

Giới của vị tỳ khưu ấy đã xuyên thấu và loại trù bóng tối ô nhiễm qua đạo và quả, tức là chứng ngộ được Nípbàn, gọi là giới thể nhập (Nípbàn).

2- Bốn loại giới khác.

a- Tỳ khưu giới (bhikkhu sīla).
b- Tỳ khưu ni giới (bhikkhunī sīla).
c- Sadi giới (anupasampanna sīla).
d- Tại gia giới (upaāsaka sīla).

- Tỳ khưu giới:Là những điều luật được Đức Thế Tôn ban hành dành cho các tỳ khưu.

- Tỳ khưu ni giới: Là những điều luật được Đúc Phật ban hànnh, dành cho các tỳ khưu ni và những điều mà các tỳ khưu ni cũng phải thọ trì, dầu  được ban hành dành cho các vị tỳ khưu.

- Sadi giới: Mười điều học do các vị Sadi và Sadi ni thọ trì được gọi là "chuẩn cụ túc giới" (những người chuẩn bị xuất gia thọ cụ túc giới).

Theo nghĩa này, người cư sĩ cũng là "chuẩn cụ túc giới", nhưng được phân biệt theo giới thọ trì riêng (là cư sĩ giới), do đó không đề cập ở đây.

Chỉ những giới của Sadi và Sadi ni mới được xem là anupasampanna (chuẩn bị cụ túc).

Tuy có một loại giới dành cho Học nữ (sikkhāmāna). Sadi ni  muốn thọ tỳ khưu giới (khi đủ tuổi đời là 20 tuổi trở lên), phải thọ giới Học nữ trong 2 năm không gián đoạn, đó là 5 giới Sadi ni và giới không ăn phi thời. Sự khác biệt ở đây là: Sadi ni dùng vật thực phi thời chỉ bị hình phạt, còn dùng vật thực phi thời trong Học nữ giới. bị vi phạm xem như thời gian thọ trì bị hủy bỏ (dĩ nhiên là bị hình phạt để sadi ni giới được trong sạch). Vì thế, Học nữ giới được liệt vào Sadi ni giới.

- Tại gia giới (hay cư sĩ giới): Giới được thọ trì bởi người tại gia cư sĩ nên được gọi là tại gia giới.

Nói về sự vi phạm các giới cấm, bộ Sớ giải Khuddakapātha có ghi:

 "Người cư sĩ, sau khi nguyện thọ trì năm giới, nếu đứt giới nào, chỉ riêng giới ấy thôi. Và nếu giới ấy được nguyện thọ trì lại thì năm giới được hoàn toàn trở lại".

Nhưng có một số Giáo thọ sư cho rằng: "nếu năm giới được nguyện thọ trì từng giới, thì đứt một giới sẽ không ảnh hưởng những giới còn lại. Tuy nhiên, nếu thọ trì chung 5 giới một lần: "pañcaṅga samennāgataṃ sīlaṃ samādriyāmi: tôi nguyện thọ trì năm giới", một trong năm giới bị đứt thì cả năm giới đều đứt."

 Về điểm này, bộ Sớ giải Sammohavinodanī, phần phân tích học giới (Sikkhapadā vibhaṅga) có giải thích:

 "Gahattha yaṃ vītkkamanti taṃ tadeva khandaṃ hoti bhijjati, avasesaṃ na bhijjati kasmā gahattha hi anibuddhasīlā honti yaṃ yaṃ sakkaronti taṃ tadeva gopenti"

 Sau khi nguyện thọ trì các giới nếu người cư sĩ phạm một trong những giới ấy, chỉ có giới ấy bị phạm, những giới khác không ảnh hưởng".

Đối với người cư sĩ, tuy năm giới là thường xuyên thọ trì, nhưng trong năm giới, họ có thể thọ trì bất cứ giới nào có thể thọ trì được, không nhất thiết phải thọ trì đầy đủ (dĩ nhiên sự thọ trì trọn vẹn 5 giới là tốt nhất), mỗi giới có quả báo riêng, và: "khi đứt giới này, không ảnh hưởng đến giới kia là điều rõ ràng".

Không thể nói rằng "khi cư sĩ đứt một giới thì mọi quả báo "của giới khác" cũng mất".

Trái lại, Sadi phải thường xuyên thọ trì đầy đủ 10 giới: "năm giới đầu mang tính "bị tẩn xuất", năm giới sau "bị hình phạt". Đứt một trong 5 giới đầu "đều bị tẩn xuất", đứt một trong 5 giới sau "đều bị hình phạt" như nhau.

 Nên lưu ý rằng: cho dù người cư sĩ không thể thọ trì cả thảy năm giới, chỉ một số giới nào đó, cũng được phước về giới đó.

Về điểm này, bộ chú giải Pātisambhidāmagga bình luận về giới pariyanta pārisuddhisīla (giới thanh tịnh có giới hạn), được nêu ra trong "nhóm giới có 5 chi".

Có hai loại giới hạn liên quan đến giới, giới hạn về số lượng các điều học được thọ trì và giới hạn về thời gian thọ trì.

Người cư sĩ có thể thọ trì một hai, hai, ba, bốn, năm, tám hoặc mười giới. Đây là giới hạn về số lượng giới được thọ trì, (riêng Sadi phải thọ trì đủ 10 giới).

Ý nghĩa chính ở đây là: nếu người cư sĩ nguyện thọ trì một, hai, ba, bốn, năm, tám hoặc mười giới, và thọ trì một cách cẩn trọng thì giới của người ấy gọi là  sikkhāpada pariyanta pārisuddhi sīla (cư sĩ giới thanh tịnh hữu hạn), đây là thanh tịnh có hạn lượng về số lượng.

Người cư sĩ thọ trì 5 giới, tám giới hay 10 giới một cách cẩn trong trong một thời gian nào đó, như 8 giới trong "một đêm một ngày", gọi là thanh tịnh giới hạn định về thời gian.

Do đó, dù trong sự thực hành người ta nguyện thọ trì cả năm giới, nhưng quả thật là khó giữ trọn vẹn 5 giới (chỉ trừ bậc Thánh). Ở khía cạnh này, người cư sĩ không bắt buộc phải thọ trì tất cả năm giới, nếu chỉ có thể thọ trì một, hai, ba giới, thì nên thọ trì cẩn trọng những giới ấy.

Chính trong thời Đức Phật, nhiều cư sĩ có trình bày "thật khó giữ tròn năm giới", mỗi người đều có một hay hai giới không giữ được. Đức Phật dạy:

- Không có giới nào là quan trọng ít, giới nào là quan trọng nhiều. Tất cả các giới đều khó giữ.[24]

Có thể có câu hỏi:

"Người cư sĩ có thể thọ trì bất cứ giới nào mà họ thấy có thể giữ được. Nhưng vì sao trong Thanh tịnh đạo lại nói: "upāsakopasikānaṃ niccasīlavasena pañca sikkhāpadāni - người cư sĩ thường xuyên thọ trì năm học giới"?.

Đáp rằng: Sách Thanh tịnh đạo nói đến "niccasīlavasena pañca sikkhāpadāni - thường xuyên thọ trì 5 học giới", là nói đến nguyên tắc chủ yếu. Còn cư sĩ thọ trì như thế nào là do nổ lực của người ấy. Ví như  một học sinh phải học tốt 5 môn học, mới có thể lên lớp cao hơn, cũng vậy 5 học giới này là nền tảng để người cư sĩ tiến tu thành tựu những pháp cao hơn.

Lại nữa, năm giới này vừa là học giới vừa là nghiệp, cho dù không nguyện thọ trì, nhưng vi phạm vẫn bị nghiệp xấu, không vi phạm vẫn có nghiệp tốt. Và không ai có quyền cho rằng: "được phép bỏ đi một hay  bất cứ giới nào".

Ngoài bát quan giới, thập giới, phạm hạnh giới mhư đã giải. Cư sĩ còn có một giới khác, gọi là "phạm hạnh nhất thực giới (ekabhattika sīla)" (ekabhattika là: ăn một lần, nghĩa là trong ngày chỉ ăn một lần vào buổi sáng trước 12 giờ).

Cư sĩ muốn thọ trì giới này, sau khi nguyện thọ trì phạm hạnh giới, sẽ thọ tiếp: "vikālabhojanā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi: tôi nguyện giữ điều học là "cố ý xa lánh dùng vật thực phi thời".

Hoặc nếu muốn nguyện thọ trì một lần, có thể nguyện như sau: "brahmacariya pañcama ekabhattika sīlaṃ samādiyāmi: Tôi nguyện giữ 5 giới phạm hạnh và không dùng vật thực phi thời".

Vào thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp), thiện nam Gasevī cùng 500 tùy chúng của mình đã thọ trì giới này. [25]

3- Bốn loại giới khác.

a- Tự nhiên giới (pakati sīla).
b- Truyền thống giới (ācāra sīla).
c- Pháp tánh giới (dhammatā sīla).
d- Tiền nhân giới (pubbahetu sīla).

- Tự nhiên giới:

Sự không vi phạm ngũ giới của những người ở cõi Bắc cưu lô châu (kurudīpa) gọi là tự nhiên giới.

Chúng sanh ở cõi này kiêng tránh 5 ác nghiệp như sát sanh... một cách tự nhiên mà không cần nguyện thọ trì.

- Truyền thống giới:

Là giới thực hành theo truyền thống như:

Sự kiêng tránh điều ác bởi vì tổ tiên đã từng thực hành như vậy gọi là kula ācara sīla (gia tộc Bồtát Dhammapāla thực hành loại giới này).

Sự kiêng tránh điều ác vì đó là phong tục của địa phương, gọi là desa ācara sīla.

Sự kiệng tránh điều ác vì đó là giới trong tông phái của mình, gọi là pāsaṇda ācāra sīla.

- Pháp tánh giới:

Là giới được thọ trì bởi mẹ của Bồtát vào lúc bà có thai, do oai đức kiếp cuối cùng của vị Chánh đẳng giác, gọi là Pháp tánh giới (dhammatā sīla).

Mẹ của Bồtát, từ lúc thụ thai Bồtát bà luôn giữ gìn năm giới cẩn trọng và không ham muốn đàn ông ngay cả chồng mình.

Điều này do uy đức của một chúng sanh vô cùng cao quý, tức là Bồtát đang nằm trong bào thai của bà.

Giới này là một quy luật tự nhiên, nên gọi là Pháp tánh giới.

- Tiền nhân giới:

Sự thọ trì giới do bởi có đời sống trong sạch trong quá khứ, nhưthanh niên Pippali (về sau là trưởng lão Mahā Kassapa) và nàng Bhaddā,hoặc của Bồtát khi làm vua Mahā Sīlava, do căn tánh tự nhiên .

Nói cách khác, giới được thực hành một cách tự nhiên, không do sự chỉ dạy của bất cứ ai thì gọi là Tiền nhân giới (pubbahetu sīla).

4- Tứ thanh tịnh giới.

Là bốn loại giới chính yếu liên quan đến tỳ khưu (như đã giải).

Khi đạo sĩ Sumedha được thọ ký,  Ngài suy xét về giới Ba la mật đã tự nhủ:  "Tath'eva tvam catūsu bhūmisu silāni paripūraga: ngươi nên hoàn thành bốn lãnh vực thanh tịnh của giới".

Trong sách Thanh Tịnh Đạo có nêu ra phần giới có 5 chi phần, là 5 thanh tịnh giới (xin xem Thanh tịnh đạo).

-ooOoo-



[1] - JA, truyện số 506.

[2] - JA. truyện số 543.

[3] - A.ii, 142.

[4] - A.i, 143.

[5] - A.i, 142.

[6] - A.iv, 302.

[7] - A.i, 143

[8] -S.i, 209.

[9] - Mhv, chương lễ Uposatha, tụng phẩm 1. - Đại đức nguyệt Thiên dịch.

[10] - S.i, 208.

[11] - A.v, 83.

[12] - A.ii, 27

[13] - S.iv, 400.

[14] - Xem A.i,168 - Bàlamôn Saṅgārava.

[15] - Mhv, chương lễ Uposatha. Đại Đức Nguyệt Thiên dịch.

[16] - Mhv, chương lễ Uposatha (153).

[17] - A.i, 205.

[18] - DhpA, câu số 316 - 317.

[19] - S. i, 234.

[20] - A.iv, 388.

[21] -A.iii, 214

[22] - Dhp, câu 330.

[23] - Dhp- câu 272. HT. Thích Minh Châu dịch.

[24] - DhpA, câu số 246 - 248.

[25] - A.iii, 214.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01| 02 | 03.a | 03.b | 04

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 11-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 03-01-2005