Pham Kim Khanh - Hanh Huong Xu Phat

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Hành Hương Xứ Phật

Phạm Kim Khánh


-08-

KUSINĀRĀ
(CÂU THI NA)

Lúc bấy giờ Đức Phật đã tám mươi tuổi thọ. Dầu là một nhân vật phi thường, còn mang thân ngũ uẩn này thì Ngài vẫn còn bệnh hoạn, và như chính lời của Ngài, cơ thể này tựa hồ như "một cái xe quá cũ". Ngài quyết định trút hơi thở cuối cùng, không phải ở các đô thị lớn như Sāvatthi hay Rājagaha, nơi Ngài thường ngự và có nhiều tín đồ, mà ở trong một làng xa xôi hẻo lánh như Kusinārā.

Lúc ấy hai vị đại đệ tử Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Mahā Moggallāna (Mục Kiền Liên) đã nhập diệt được ba tháng. Hai vị, Tỳ Khưu Rāhula (La Hầu La) và Tỳ Khưu Ni Yasodharā (Da Du Đà La) cũng đã viên tịch.

Kinh Mahā Parinibbāna Sutta (Đại Niết Bàn) của bộ Dīgha Nikāya (Trường A Hàm) đề cập đến những ngày cuối cùng của Đức Thế Tôn với nhiều chi tiết rất cảm động.

 

Những ngày cuối cùng

Ngài bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng từ Rājagaha (Vương Xá), kinh đô xứ Magadha (Ma Kiệt Đà), tại núi Gijjhakūta (Linh Thứu), rồi đi đến Ambalatthikā, Nalanda, Patalīgāma, vượt qua sông Ganges, hướng đến Kotigāma, Nādikā, Vesāli, Beluva. Tại đây Đức Phật nhập Hạ và viếng thăm đền Cāpāla, giảng đường Kutagara ở Mahāvana, rồi Ngài đi đến Bhandagāma, Hatthigāma, Ambagāma, Jambugāma, Bhoganagara, Pāvā và cuối cùng là Kusinārā.

Trước khi Đức Phật lên đường, Vua A Xà Thế có sai một vị đại thần đến thăm dò tôn ý Ngài về mưu định của vua muốn gây chiến với dân tộc Cộng Hoà Vajjians, thủa ấy rất trù phú. Đức Phật giảng cho bảy điều kiện thịnh suy của một quốc gia, tức bảy điều kiện để một quốc gia được phồn thịnh và dân cư được sống an lành, thì vị đại thần biết chắc rằng vua xứ Magadha không thể nào chiến thắng.

Nhân dịp này, vì lợi ích của chúng Tăng Đức Phật truyền dạy bảy điều kiện thịnh suy của chư Tăng như sau:

1. Này hỡi các đệ tử, ngày nào mà chư tỳ khưu còn thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau;

2. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn tụ họp trong tinh thần đoàn kết, vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết, làm tròn nhiệm vụ tăng sĩ trong tinh thần đoàn kết;

3. Ngày nào mà chư tỳ khưu không tạo ra những giới luật mới mẻ chưa từng được ban hành, và nghiêm trì những giới luật đã được ban hành;

4. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn hộ trì, kính trọng, và đảnh lễ những vị cao hạ, có nhiều kinh nghiệm, bậc cha của chúng Tăng, những người chưởng quản Giáo Hội, và kính trọng những lời dạy quý báu của các Ngài;

5. Ngày nào mà chư tỳ khưu không bị ảnh hưởng của tham ái, có thể phát sanh bất cứ lúc nào và lôi cuốn các vị trong vòng sanh tử triền miên;

6. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn tìm thích thú trong công phu chú tâm hành thiền ở những nơi vắng vẻ nhàn tịnh;

7. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn cố gắng phát triển chánh niệm, khiến các bạn đồng tu chưa đến có thể đến ở, và các đạo hữu đã đến được sống an lành.

Ngày nào mà bảy điều kiện cần thiết ấy còn được thực hiện đầy đủ thì các tỳ khưu không thể suy đồi, trái lại, còn phồn thịnh hơn trước. Ngày nào mà bảy điều kiện an toàn ấy còn được bảo tồn và duy trì trong hàng Tăng chúng, ngày nào mà các tỳ khưu được dạy dỗ rành mạch trong tinh thần bảy điều kiện ấy thì chúng tỳ khưu không thể suy đồi, trái lại, còn phồn thịnh hơn.

Rồi Đức Phật soi sáng thêm như sau:

"Ngày nào mà chư tỳ khưu không còn tham muốn, thích thú, hay dấn thân trong thế sự, trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách, trong sự ưa thích ngủ nghỉ, trong sự dể duôi để câu chuyện ngoài đời lôi kéo. Ngày nào mà chư tỳ khưu không còn chứa chấp hay rơi vào ảnh hưởng của khát vọng thấp hèn. Ngày nào mà chư tỳ khưu không còn bạn bè xấu xa hay những khuynh hướng đê tiện.

"Ngày nào bảy điều kiện trên được thực hiện đầy đủ thì các tỳ khưu sẽ không dừng bước nửa chừng, không ngừng cố gắng khi đã thành đạt một vài thành quả trên đường tu học và không bỏ dở công trình trước khi thành đạt Đạo Quả A La Hán".

Trong một cơ hội khác, Đức Phật dạy rằng ngày nào mà chư tỳ khưu còn tâm đạo vững chắc, khiêm tốn, chuyên cần, cố học, kiên cố tinh tấn, luôn luôn giữ chánh niệm và phát triển trí tuệ thì các thầy không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn.

Lời Kêu Gọi Của Đức Phật.- Trong năm ấy Đức Phật lâm bệnh trầm trọng và rất đau đớn, gần như sắp chết. Nhưng với ý chí sắt đá, Ngài giữ tâm bình thản. Chánh niệm và giác tỉnh Ngài chịu đựng cơn đau không một lời rên siết. Đức Phật biết rằng đã đến lúc sắp lìa bỏ thế gian, nhưng nghĩ rằng sẽ không hợp lẽ nếu ra đi mà không có vài lời đến vị đệ tử hầu cận rất trung kiên và nhắc nhở Giáo Hội chư tỳ khưu. Do đó Ngài khắc chế bệnh trạng bằng pháp hành thiền và sau khi bình phục, Ngài mở lời kêu gọi:

"Này Ānanda, Giáo Hội các đệ tử còn mong gì ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy Giáo Pháp mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chân lý, Như Lai không khi nào có bàn tay nắm lại của một ông thầy.

"Có người nghĩ rằng: 'Chính ta sẽ lãnh đạo Giáo Hội các tỳ khưu', hoặc, 'Giáo Hội các tỳ khưu sẽ tùy thuộc nơi ta', hoặc 'Chính Đức Phật phải dạy điều gì có liên quan đến Giáo Hội'.

"Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo Giáo Hội các tỳ khưu, hoặc Giáo Hội phải tùy thuộc nơi người nào. Tại sao Như Lai phải truyền dạy một điều nào có liên quan đến Giáo Hội?

"Này Ānanda, giờ đây Như Lai đã kiệt lực, già yếu và gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã tám mươi, không khác nào chiếc xe quá cũ kỹ phải cần có những sợi dây để cột lại các bộ phận, giữ nó khỏi rã rời. Thân của Như Lai cũng cần những sợi dây thừng tương tợ.

"Này Ānanda, lúc nào Như Lai yên lặng, không còn dấu hiệu của sự sống, tâm an trụ vào một điểm bằng cách chấm dứt mọi cảm thọ và không biết đến sự vật xung quanh, đến lúc ấy thân của Như Lai mới thật là thoải mái.

"Vậy, này Ānanda, hãy tự coi chính con là hải đảo (chỗ ẩn náu) của con, chính con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài. Hãy xem Giáo Pháp như hải đảo của con. Giáo Pháp như chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài."

Thầy tỳ khưu phải sống cách nào như coi chính mình là hải đảo, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa bên ngoài?

"Này Ānanda, thầy tỳ khưu sống chuyên cần, tinh tấn, giác tỉnh, chánh niệm, từ khước mọi tham ái trong thế gian, luôn luôn phát triển tâm định đối với thân, thọ, tâm và pháp.

"Dầu ngay hiện giờ hay sau khi Như Lai nhập diệt, người nào sống đúng theo như vậy, xem chính mình là hải đảo của mình, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa đâu bên ngoài. Xem Giáo Pháp như hải đảo, như chỗ nương tựa, không tìm nương tựa nơi đâu bên ngoài, những tỳ khưu ấy sẽ đứng hàng đầu trong những người sống hoàn toàn trong kỹ cương."

Nơi đây Đức Phật đặc biệt ghi nhận tầm quan trọng của sự cố gắng cá nhân để thành đạt mục tiêu tối hậu là tự thanh lọc và giải thoát ra khỏi mọi phiền não khổ đau của đời sống. Cầu xin van vái hay lệ thuộc vào người khác không đưa đến hậu quả thiết thực nào.

Nhưng ta có thể tự hỏi tại sao người Phật tử lại tìm nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng trong lúc mà rõ ràng Đức Phật dạy rành mạch rằng không nên tìm nương tựa nơi đâu khác, ngoài chính mình? -- Trong khi tìm nương tựa nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) người Phật tử chỉ xem Đức Phật là một vị Thầy, một Huấn Luyện Viên, đã vạch ra con đường giải thoát, Pháp như con đường duy nhất hay phương tiện duy nhất và Tăng như những gương lành của một lối sống đáng noi theo. Người Phật tử không bao giờ nghĩ rằng chỉ quy y Tam Bảo, chỉ nương theo Phật, Pháp, Tăng là đủ để giải thoát.

Đức Phật Báo Trước Ngày Nhập Diệt.- Đức Phật xuất hiện trên thế gian để truyền dạy thực tướng của đời sống, cho những ai muốn tìm chân lý. Trên con đường hoằng pháp dài dẳng và vô cùng rực rỡ Ngài đã thực hành sứ mạng cao cả và quý trọng ấy một cách mỹ mãn và lợi ích, cho ngài và cho hàng tín đồ. Vào năm tám mươi, thấy nhiệm vụ đã hoàn thành viên mãn, đã truyền dạy tất cả những điều cần thiết cho những ai muốn cố gắng theo chân Ngài, cả bậc xuất gia lẫn hàng cư sĩ, và chẳng những các vị này đã nắm vững giáo lý mà còn đủ khả năng để rộng truyền đến người khác, Đức Phật quyết định không dùng tâm lực và thiền tập để duy trì kiếp sống và sức khoẻ trong những ngày còn lại. Lúc ấy, ngự tại đền Cāpāla, Ngài báo trước cho Đại Đức Ānanda rằng trong ba tháng nữa Ngài sẽ nhập diệt.

Rồi Đức Phật tuyên ngôn kêu gọi chư vị tỳ khưu như sau:

"Hãy nhìn lại đây, các tỳ khưu, tất cả các pháp hữu vi (các hành, tức các pháp được cấu tạo, phát sanh do điều kiện) đều là vô thường. Hãy liên tục tận lực và chuyên cần. Đã sắp đến ngày Như Lai nhập diệt. Còn ba tháng nữa là Như Lai sẽ từ giả các con.

"Như Lai đã đến tuổi. Đời sống của Như Lai quả là ngắn ngủi. Rời các con Như Lai sẽ ra đi. Như Lai đã tự mình làm chỗ nương tựa cho mình. Hỡi các tỳ khưu, hãy tinh tấn, giữ chánh niệm và sống đời phạm hạnh. Hãy giữ gìn tâm các con bằng những tư tưởng có chiều hướng tốt. Những ai kiên trì cố khép nếp sống của mình trong những khuôn khổ dạy trên sẽ bước ra khỏi con đường phiêu bạt bất định của đời sống và chấm dứt đau khổ."

Bữa Thọ Thực Cuối Cùng.- Đức Phật lần hồi đến Pāvā, ngự trong vườn xoài, và tại đây người thợ rèn tên Cunda thỉnh Ngài và chư tỳ khưu về nhà trai Tăng. Với tâm rất trong sạch Cunda dâng lên Đức Phật một vật thực đặc biệt có tên là sukara-maddava. Theo bản chú giải, đó là thịt một con heo rừng không già lắm cũng không tơ lắm, nhưng không phải cố ý giết nó để dâng Đức Phật (pavattamansa). Có chỗ nói rằng đó là một loại nấm, mộc nhỉ. Cũng có chỗ cho rằng đó là tên một món ăn rất quý. Theo lời chỉ dạy của Đức Phật Cunda chỉ dâng vật thực ấy đến Ngài mà thôi, còn lại bao nhiêu phải đem chôn, sẽ không có ai khác dùng đến Sau khi thọ thực xong Đức Phật bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết trầm trọng, rất đau đớn, gần như sắp chết. Nhưng Đức Phật nhẫn nại chịu đựng, điềm tĩnh, không một lời rên siết.

Mặc dầu bệnh tình trầm trọng và người đã kiệt sức, Đức Phật quyết định đi bộ đến Kusinārā, nơi Ngài định nhập diệt. Theo bản chú giải, Đức Phật chọn Kusinārā để nhập diệt vì ba lý do. Lý do đầu tiên là để thuyết bài Pháp Mahāsudasana Sutta (Kinh Đại Thiện Kiến) để khuyến khích đời sống đạo hạnh. Thứ nhì là để dắt dẫn Subhadda, người đệ tử cuối cùng, vì ngoài Đức Phật ra không ai có thể cảm hóa vị này được. Thứ ba là để cho vị Bà La Môn Dona có thể phân chia xá lợi của Ngài một cách êm thắm giữa những người sùng mộ Ngài.

Trên đoạn đường cuối cùng này, kinh sách ghi chép rằng Đức Phật phải ngồi lại nghỉ mệt lối hai mươi lăm nơi, vì bệnh và yếu sức. ở một nơi nọ Ngài ngồi lại dưới gốc cây to và dạy Đại Đức Ānanda đi tìm nước uống vì Ngài nghe khát. Ngài A Nan bạch: "Bạch Thế Tôn, đây là một dòng nước nhỏ, lại có khoảng 500 cỗ xe vừa đi ngang qua, quậy cặn làm đục cả nước. Bạch Đức Thế Tôn sông Kakutthā cách đây không xa, nước trong trẻo và mát mẻ dễ chịu. Ngài có thể uống nước và làm mát dịu chân tay."

Lần thứ nhì. Rồi lần thứ ba, Đức Phật lặp lại, bảo Đức Ānanda xuống múc nước cho Ngài giải khát. Đại Đức Ānanda vâng lời lấy bát, đi đến con sông nhỏ. Trong dòng sông lúc ấy nước cạn và bị khuấy động đục ngầu. Khi Đại Đức A Nan đến, nước liền trở nên trong veo, sáng lặng, không còn đục như trước. Đức A Nan tự nghĩ: "Thật là kỳ diệu, hy hữu thay, thần túc và oai lực của Đức Thế Tôn! Dòng sông nước cạn và bị khuấy động đục ngầu, khi ta đến liền trở thành trong trẻo, sáng lặng." Sau khi Đức A Nan dùng bát lấy nước và dâng đến Đức Phật, Ngài uống nước.

Lúc bấy giờ, Pukkusa, dòng họ Malla, đệ tử của Ngài Alāra Kālāma đang đi trên con đường từ Kusinārā đến Pāvā, thấy Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây liền đến đảnh lễ và bày tỏ lòng thán phục trước thái độ trầm lặng khác thường của Ngài. Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng về trạng thái an tĩnh, không chao động, Pukkusa dâng lên Ngài hai bộ y màu vàng chói. Theo lời dạy của Đức Phật Pukkusa dâng một bộ đến Ngài và một bộ đến Đại Đức Ānanda. Khi Ngài A Nan đắp y cho Đức Phật thì lấy làm ngạc nhiên thấy nước da của Đức Phật chiếu sáng lạ thường.

-- Bạch Đức Thế Tôn, tại sao có chuyện lạ thường, rất là kỳ diệu. Màu da của Đức Thế Tôn trở nên sáng lạng, rực rỡ một cách lạ thường. Khi con đắp y vàng lên mình Ngài thì hình như màu sắc của bộ y lu mờ đi mất.

Nhân đó Đức Phật giải thích rằng trong hai trường hợp, màu da của Như Lai trở nên sáng lạng, rực rỡ lạ thường. Đó là trong đêm Ngài đắc Quả Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác và đêm Như Lai nhập diệt.

Đức Phật công bố rằng trong đêm ấy vào lúc canh ba, Ngài sẽ diệt độ trong khu rừng sāla (long thọ) của dòng họ Malla, giữa cặp long thọ, gần Kusinārā.

Rồi Đức Phật cùng đại chúng tỳ khưu đi đến con sông Kakuthā, xuống sông tắm, sau đó qua sông, ngự trong khu vực rừng xoài và sau khi nghỉ Ngài dạy Đức A Nan:

"Chuyện sau đây có thể xảy ra, này Ānanda. Có người sẽ làm cho Cunda ăn năn hối hận vì họ nói rằng: "Này Cunda, ông thật là người có tội. Ông sẽ bị chìm đắm sa đọa vì Đức Thế Tôn đã lìa trần sau khi thọ thực lần cuối cùng với các món ăn của ông dâng." Mỗi lần Cunda ăn năn hối hận như thế con phải giải thích như vầy: "Này Cunda, Ông có rất nhiều phước báo. Ông sẽ hưởng nhiều lợi lộc vì Đức Phật đã thọ thực lần cuối cùng với các vật thực do Ông dâng. Này Cunda, bần tăng có nghe chính Đức Phật dạy rằng có hai vật thực cúng dường đem lại phước báo bằng nhau, tạo quả bằng nhau, và vô cùng quý báu hơn tất cả. Hai vật ấy là gì? Đó là vật thực cúng dường mà Bồ Tát thọ lần cuối cùng trước khi chứng ngộ Đạo Quả Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác, và vật thực cúng dường mà Đức Phật thọ lần cuối cùng, trước khi Ngài Nhập Diệt. Hai vật cúng dường ấy đem lại phước báo bằng nhau, tạo quả bằng nhau, và vô cùng quý báu hơn tất cả các món khác. Và vật thực cuối cùng mà Đức Thế Tôn thọ là chính tay của Cunda dâng lên. Nghiệp tốt này sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng, được hưởng phước báo trên cảnh Trời và trong hàng vua chúa, quyền quý cao sang. Này Ānanda, con hãy an ủi khuyên lơn Cunda như thế ấy."

Đức Phật lần hồi đến rừng cây sāla (long thọ) của dòng tiểu vương Malla và dạy Đại Đức Ānanda chuẩn bị chỗ để Ngài yên nghỉ giữa cặp cây long thọ, đầu hướng về phía Bắc. Rồi Đức Phật nằm xuống nghiêng mình về bên hông mặt, chân trái gác dài trên chân mặt và giữ chánh niệm, hoàn toàn tự kiểm soát tâm, hoàn toàn giác tỉnh.

Theo bản chú giải, hai cây sāla (long thọ), phía dưới chân và phía trên đầu chỗ Đức Phật nằm giống như nhau, từ dưới đất mọc lên chia làm hai nhánh. Vì thế ấy nên hai cây này được gọi là "cặp song long thọ".

Đức Phật Cảm Hóa Subhadda.- Vào thủa ấy tại Kusinārā có một đạo sĩ tên Subhadda. Vị này nghe tin đồn rằng vào canh chót đêm ấy Đức Gotama (Cồ Đàm) sẽ nhập diệt nên nghĩ rằng:

"Ta có nghe những vị thầy đứng tuổi và các vị khác cao niên hơn, và các ông thầy của các vị ấy, các vị khất sĩ du phương, nói rằng rất hiếm hoi, thật là hy hữu mới có một Đấng Thế Tôn, Đấng Toàn Giác xuất hiện trên thế gian. Đêm nay, vào canh chót, Đức Gotama sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn. Ta có điều hoài nghi và tin tưởng nơi Ngài. Hẳn vậy, Đức Cồ Đàm sẽ giảng dạy Giáo Pháp để đánh tan mối hoài nghi của ta."

Nghĩ vậy, đạo sĩ du khất Subhadda liền đi ngay đến cụm rừng Upavattana Sāla của dòng Malla và xin yết kiến Đức Thế Tôn. Nhưng Ngài A Nan nói rằng Đức Thế Tôn đã mệt mỏi lắm rồi, chớ nên làm rộn Ngài.

Subhadda lặp lại lời thỉnh cầu, xin vào hầu Phật, nhưng lần thứ nhì và lần thứ ba Đại Đức Ānanda không chấp thuận, muốn để cho Đức Phật nghỉ ngơi.

Đức Phật nghe được câu chuyện, kêu Đại Đức Ānanda vào dạy rằng:

"Không nên, này Ānanda, không nên ngăn cản Subhadda. Hãy để Subhadda vào yết kiến Như Lai. Bất luận điều gì mà Subhadda sẽ hỏi Như Lai cũng do nơi ý muốn hiểu biết, chớ không phải muốn làm phiền. Và những gì Như Lai dạy sẽ được lãnh hội nhanh chóng."

Ngài A Nan đưa Subhadda vào, đảnh lễ, chúc tụng Đức Phật, rồi ngồi lại một bên và hỏi:

"Có nhiều vị đạo sĩ và giáo sĩ lãnh đạo những giáo phái và giáo đoàn, là những người đứng đầu những tập đoàn tôn giáo nổi tiếng, những nhà truyền giáo trứ danh, được nhiều người tôn sùng như Pūrana Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambali, Pakudha Kāccāyana, SaÒjaya BelaÔÔhiputta, Nigantha Nātaputta. Tất cả những vị ấy có thông suốt chân lý như các Ngài đã nói vậy không, hay chỉ có vài vị thông suốt còn các vị khác thì không?

Hãy để yên đó, này Subhadda, không nên thắc mắc, bận trí với việc tất cả hay vài vị đã chứng ngộ chân lý, hay không có ai chứng ngộ. Như Lai sẽ dạy con. Hãy nghe và ghi nhớ, Như Lai giảng đây.

Đức Phật dạy:

"Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chánh Đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng Sa Môn (Samana), cũng không có nhị đẳng, tam đẳng, hay tứ đẳng Sa Môn. (tức Tu Đà Huờn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán).

"Trong giáo đoàn nào có Bát Chánh Đạo, này Subhadda, thì cũng có hạng nhất đẳng Sa Môn, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng Sa Môn.

đây, trong giáo đoàn này, hỡi Subhadda, có Bát Chánh Đạo. Quả thật vậy, ở đây có hạng nhất đẳng Sa Môn, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng Sa Môn. Các nơi khác không có hạng Sa Môn. Này Subhadda, nếu chư đệ tử hành đúng giáo lý, có đời sống chân chánh, thì thế gian sẽ không vắng bóng các bậc A La Hán.

"Lúc tuổi còn hai mươi chín, Như Lai ra đi để tìm cái gì tốt đẹp. Hôm nay, năm mươi mốt năm đã trôi qua kể từ ngày Như Lai đắp y mang bát. Ngoài những người ở đây, không có một đạo sĩ nào hành đúng giáo pháp khả dĩ đưa đến sự thành đạt Đạo Quả. Dầu nhiều hay ít."

Khi được nghe vậy Subhadda bạch với Đức Phật như sau:

"Lành thay! Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, tựa hồ như có người kia sửa lại ngay ngắn một vật đã bị lật đổ, hay khám phá một vật đã được giấu kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay đốt lên ngọn đèn trong giữa đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy. Giáo Lý mà Đức Thế Tôn truyền dạy bằng trăm ngàn phương cách cũng dường thế ấy.

"Xin Ngài cho phép con được thọ lễ quy y Phật, Pháp, Tăng, Kính Bạch Đức Thế Tôn hoan hỷ cho con thọ lễ xuất gia sa di và tỳ khưu trước mặt Ngài."

Đức Phật dạy:

"Này Subhadda, người sống trong một hệ thống giáo lý khác muốn xuất gia sa di và tỳ khưu phải trải qua một thời kỳ học tập bốn tháng, sống biệt trú trong bốn tháng ấy. Sau đó, khi được chấp thuận, giới tử có thể thọ lễ xuất gia sa di và được nâng lên hàng tỳ khưu. "Tuy nhiên, do sự hiểu biết của con hôm nay, Như Lai cho phép làm một ngoại lệ cho riêng cá nhân con."

Rồi Đức Phật dạy Đại Đức Ānanda cử hành lễ xuất gia, truyền giới sa di và tỳ khưu cho Subhadda trước mặt Ngài. Sau khi thọ đại giới không bao lâu Đại Đức Subhadda sống đơn độc một mình ở nơi vắng vẻ, cố gắng, kiên trì tinh tấn và nhiệt tâm cần mẫn, chứng ngộ chân lý trong kiếp sống ấy. Ngài sống trong trạng thái mà, để thành đạt, bao nhiêu vương tôn công tử đã chân chánh từ khước đời sống phong phú của người cư sĩ, chấp nhận làm người không nhà cửa, không tài sản sự nghiệp. Đại Đức Subhadda trở thành một trong những vị A La Hán.

Ngài là người cuối cùng được Đức Phật thâu nhận làm đệ tử.

Quang Cảnh Cuối Cùng.- Đức Phật dạy Đại Đức Ānanda:

"Này Ānanda, có thể con sẽ nói rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy. Chúng con không còn Đạo Sư. Không nên, Ānanda, con không nên suy tư như thế. Giáo Huấn và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. Khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là Đạo Sư của chúng con."

Một lần nữa Đức Phật dạy như sau:

"Này các đệ tử, nếu các con còn bất luận một phân vân thắc mắc nào liên quan đến Phật, Pháp, Tăng, Đạo hay Phương Pháp, hãy nêu lên câu hỏi. Về sau chớ ăn năn hối tiếc vì nghĩ rằng: "Lúc ấy, ở trước mặt Đức Thế Tôn mà ta không hỏi."

Tất cả đều im lặng. Đức Phật lặp lại câu hỏi. Lần thứ nhì, lần thứ ba, các vị đệ tử vẫn giữ im lặng.

Nhân đó Đại Đức Ānanda bạch với Đức Phật như sau: "Quả thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn. Quả thật tuyệt vời! Bạch Đức Thế Tôn. Con lấy làm hoan hỷ. Không có vị đệ tử nào còn bất luận hoài nghi hay thắc mắc về Đức Phật, về Giáo Pháp, về Giáo Hội Tăng Già, về Con Đường hay về Phương Pháp."

Rốt cùng Đức Phật dạy: "Hãy nghe đây, này các đệ tử, Như Lai khuyên dạy các con: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần."

Đó là di huấn tối hậu của Đức Phật.

Đức Phật Viên Tịch.- Đức Thế Tôn nhập sơ thiền. Xuất sơ thiền Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền Ngài nhập không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ Ngài nhập thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ Ngài nhập vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ Ngài nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ Ngài nhập diệt thọ tưởng định.

Lúc ấy Đại Đức Ānanda, vì không có thiên nhãn, hỏi Đại Đức Anurudha có phải Đức Thế Tôn đã nhập diệt rồi không. Ngài Anurudha cho biết rằng Đức Thế Tôn chưa diệt độ, Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.

Lúc bấy giờ Đức Phật xuất diệt thọ tưởng định nhập phi tưởng phi phi tưởng định. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ Ngài nhập vô sở hữu xứ định. Xuất vô sở hữu xứ Ngài nhập thức vô biên xứ định. Xuất thức vô biên xứ Ngài nhập không vô biên xứ định. Xuất không vô biên xứ Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền Ngài nhập nhị thiền Xuất nhị thiền Ngài nhập sơ thiền.

Xuất sơ thiền Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, và tức khắc sau đó, Đức Phật cuối cùng nhập diệt.

Khi Đức Thế Tôn diệt độ Trời Phạm thiên Sahampati than:

"Tất cả đều phải ra đi. Tất cả chúng sanh đã sanh vào cõi đời đều phải bỏ lại thân ngũ uẩn được cấu thành này.

"Đúng vậy! chí đến Đức Bổn Sư, Đấng tuyệt luân, vô song, không ai bì kịp, bậc trí tuệ cao minh, bậc toàn giác, cũng đã lìa đời."

Vua Trời Đế Thích, Sakka, tiếp lời:

"Tất cả các nguyên tố cấu thành đời sống đều vô thường. Chúng được sanh ra, kết hợp lại, rồi tan rã, Quả thật là an tịnh, khi mà các thành phần ấy chấm dứt vĩnh viễn."

Lúc bấy giờ vua nước Magadha là Ajātasattu, nghe tin Đức Thế Tôn đã diệt độ liền gởi sứ giả đến các người Malla ở Kusinārā, thỉnh một phần xá lợi về thờ: "Thế Tôn là người kshatrya (sát đế lỵ). Ta cũng người sát đế lỵ. Vậy ta xứng đáng được một phần xá lợi của Đức Thế Tôn. Ta sẽ dựng tháp tôn thờ xá lợi."

Rồi người Licchavi ở Vesāli, người Sākya ở Kapilavatthu, người Buli ở Allakappa, người Koli ở Rāmagāma, Bà La Môn VeÔhadipaka, người Malla ở Pāvā, tất cả bảy nước đều dành phần xá lợi.

Người Malla ở Kusinārā nghe vậy liền tuyên bố: "Thế Tôn đã diệt độ tại lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho một phần xá lợi nào của Ngài."

Trong hoàn cảnh tranh chấp sôi nổi thì có vị Bà La Môn Dona đứng ra hoà giải, nói với đại chúng, "Phật dạy chúng ta nên nhẫn nhục hy sinh, nếu có sự tranh giành thì quả thật là không tốt khi Đức Thế Tôn vừa diệt độ".

Và ông đề nghị:

"Chúng ta hãy đoàn kết nhất tâm, hoan hỷ chia xá lợi làm tám phần, và chúng ta sẽ dựng tháp thờ khắp mọi phương."

Mọi người đồng ý, và xá lợi được phân chia êm đẹp.

-ooOoo-

Hình ảnh:

Vesali (Thành Quảng Nghiêm): Ngoài những di tích của trụ cột Asoka và một bảo tháp, ngày nay ta còn có thể trông thấy các tường gạch đổ nát, phế tích của khu đền đài thời Đức Phật.

Nơi đây ta được nghe thuật lại câu chuyện vua khỉ dâng mật ong đến Đức Phật như sau: Ngày kia Đức Phật và chư Tăng phơi bát gần bên hồ. Vua khỉ lén đến gần, ôm đúng cái bát của Đức Phật, trèo lên một cây long thọ, lấy mật ong đặt vào bát, rồi đem dâng lên Ngài. Câu chuyện thuật rằng khi thấy Đức Thế Tôn bình thản độ món vật thực của nó dâng, vua khỉ lấy làm thỏa thích nhảy múa và chết vì quá đổi vui mừng. Sau khi chết khỉ liền tái sanh vào trong một gia đình ở giai cấp Bà La Môn.

Gần bên trụ cột Asoka có một cái hồ gọi là hồ khỉ {markatarada), được nói là trong một mùa nóng khô hạn, bầy khỉ đào hồ cho Đức Phật.

Nalanda: Được sáng lập vào thế kỷ thứ V TL, là Đại học Phật giáo xưa nhất thế giới.

Pava: Trên nền nhà của Cunda, người đã dâng đến Đức Phật bửa cơm cuối cùng.

Trên bờ một dòng nước, nơi đây, sau khi có năm trăm cỗ xe bò vừa đi qua, Ngài Ananda lấy làm khó khăn mới tìm được nước để dâng lên Đức Phật.

Kusinara: Đền thờ tượng "Phật Nhập Niết Bàn".

Nơi cử hành lễ Trà Tỳ, hỏa táng Đức Thế Tôn

Thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ)

Đền thờ Hoàng hậu Maya

Di tích Bảo tháp tôn thờ Xá lợi tại Kapilavatthu.

Di tích Bảo tháp tôn thờ Xá lợi tại Vesali.

Di tích Bảo tháp tôn thờ Xá lợi tại Rajagaha.

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | Mục lục


Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 09-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-09-2004