Hoa Ngoc Lan - 2-2-12
[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Hoa Ngọc Lan
Thích Chơn Thiện, Sài gòn, 1998


Chương 2 - Phần 2 (tiếp theo)

Năm đức tính của Sa Di

  1. Phát tâm xuất gia là do lòng cảm mến đạo giải thoát.
  2. Từ bỏ hình hài đẹp đẽ để thích ứng với pháp phục.
  3. Lìa xa ân ái, từ giã thân thích vì không còn thân sơ.
  4. Buông bỏ thân mạng vì tôn sùng Phật Pháp.
  5. Chí cầu Ðại thừa vì để hóa độ mọi người.

Năm đức tính trên nói lên nhận thức và chí sống của người xuất gia một cách rõ ràng: Mọi sự biểu hiện của thân tâm chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là giải thoát sinh tử cho mình và người.

Người ta không thể hiểu lầm nếp sống đó là tiêu cực, lánh đời , hay ích kỷ.

Về đức tính thứ nhất:

Lý do đích thực của xuất gia là ý thức rõ con đường giải thoát và mến mộ giải thoát, mà không phải là do những động cơ khác. Trên thực tế, mỗi người đến chùa vì một lý do riêng, nhưng chỉ thực sự được nhận vào hàng ngũ xuất gia khi nào giác ngộ 'con đường'.

Ở lãnh vực giáo dục học đường, hướng dẫn một học viên chọn nghề cần dựa vào hai nhân tố quyết định:

- Sở thích ngành nghề,
- Khả năng ngành nghề.

Tại đây, lòng cảm mến, tôn sùng giải thoát là một nhân tố quyết định. Cảm mến đạo giải thoát là do hiểu đạo; đây là khả năng để thực hiện giải thoát.

Về đức tính thứ hai:

Nếp tu hành thì xa lìa các ham muốn phàm thế, hướng tâm vào chỗ rời dục, rời ác pháp bất thiện pháp, và nuôi dưỡng lòng từ, nên các hình thức làm duyên, làm dáng, làm đẹp thân thể không được duy trì. Làm vậy để nuôi dưỡng tâm, chí giải thoát.

Về đức tính thứ ba:

Người xuất gia chỉ có một hướng đi dốc chí hành giải thoát, và bình đẳng giúp tất cả đi vào giải thoát, nên các tình nghĩa, ân ái riêng tư cần được lánh xa.

Chỉ khi tình riêng không còn, thì tình thân thương với mọi chúng sinh mới có thể tu tập, thực hiện được.

Về đức tính thứ tư:

Sự nghiệp chính và duy nhất của người xuất gia là sự nghiệp giải thoát, nên thân mạng chính bây giờ là thân huệ mạng, là thân giải thoát. Vì thế, không thể vì lý do duy trì thân mạng vật lý (như là phương tiện) mà hy sinh thân huệ mạng. Việc làm chỉ có thể ngược lại.

Về đức tính thứ năm:

Vấn đề giải thoát trọn vẹn cần được thực hiện với tâm đại bi và đại trí. Vì thế cần nghĩ đến vấn đề giải thoát cho tất cả. Chỉ khi lòng đại bi ấy được mở rộng, thật rộng, thì tất cả tập khí chấp thủ tự ngã mới tiêu tan, và đại tuệ mới bung vỡ.

Vấn đề thực hiện giải thoát của tự thân là thế.

Năm đức tính trên là giá trị về nếp sống giải thoát của người xuất gia. Trong đời sống xuất thế đó, không có mặt của danh vọng, lợi dưỡng, và các ham muốn trần thế khác.


Mười điều giới luật Sa Di

  1. Không sát sinh
  2. Không lấy của không cho
  3. Không dâm dục.
  4. Không nói dối.
  5. Không uống các chất men say.
  6. Không trang sức đẹp, không xức thoa các thứ hương
  7. Không hát, vũ; không hòa tấu, không biểu diễn văn nghệ; không đi xem nghe.
  8. Không nằm ngồi chỗ cao sang.
  9. Không ăn phi thời (chỉ ngọ trai)
  10. Không cất giữ vàng, bạc, tiền và các vật quý.

Giới được thiết lập trên nền tảng Bi và Trí. Về mặt từ bi, giới giúp người tu loại bỏ ác tâm, hại tâm, dục tâm, để tránh gây tổn hại đến chúng sinh, người đời, vừa để bảo vệ hạnh phúc và niềm tin giải thoát cho đời.

Về mặt trí tuệ, giúp người tu loại bỏ tham, sân, si của tự tâm, chế ngự dục vọng hầu tăng trưởng định và tuệ giải thoát.

Thử phân tích tác dụng của một giới "không sát sinh" thì sẽ rõ.

Giới nầy nhằm bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và các loài sinh vật khác, vừa để loại bỏ ác tâm, sân tâm, hại tâm và dục tâm của người tu.

Nhưng không phải vì hạn chế các sinh hoạt sai lầm mà Giới hạn chế sự thoải mái , tự do của tâm thức. Thực sự, cứ sống đời sống xuất gia, bạn sẽ thấy Giới giúp bạn mở rộng phương trời tự do. Càng giới hạn dục vọng, tự do tâm lý càng được mở rộng.

Về mặt nhân quả, Giới không những chỉ đem lại an lạc cho mình và người trong hiện tại, mà còn đem lại an lạc cho đời sau nữa.

Ðó là nếp sống khôn ngoan, hiền thiện và trí tuệ không phải để tiêu hủy mầm sống, mà là để khai mở sức sống.

Như một người nhà nông cần giữ đúng một số quy luật gieo trồng để có mùa gặt tốt, cũng vậy, người xuất gia cần giữ giới luật để chờ đợi mùa gặt của an lạc và giải thoát.


[Chương kế][Mục lục]


[Thư Mục]

Last updated: 20-01-2000

Web master: [email protected]
[email protected]