Trung A Ham - Thich Tue Sy dich
Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H� m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
117. Kinh Nhu Nhuyến
118. Kinh Long Tượng
119. Kinh Thuyết Xứ
120. Kinh Thưyết Vô Thường
121. Kinh Thỉnh Thỉnh
122. Kinh Chiêm-Ba
123. Kinh Sa-Môn Nhị Thập Ức
124. Kinh Bát Nạn
125. Kinh Bần Cùng
126. Kinh Hành Dục
127. Kinh Phước Ðiền
128. Kinh Ưu-Bà-Tắc
129. Kinh Oán Gia
130. Kinh Giáo
131. Kinh Hàng Ma
132. Kinh Lại-Tra-Hòa-La
133. Kinh Ưu-Bà-Ly
134. Kinh Thích Vấn
135. Kinh Thiện Sanh
136. Kinh Thương Nhân Cầu Tài
137. Kinh Thế Gian
138. Kinh Phước
139. Kinh Tức Chỉ Ðạo
140. Kinh Chí Biên
141. Kinh Dụ
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

11. PHẨM ÐẠI
(Phần Ðầu)

119. KINH THUYẾT XỨ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ở đây có ba thuyết xứ[02], chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó nói mà nói[03] rằng: ‘Ta thấy, nghe, hiểu, biết’, Tỳ-kheo nói mà nói rằng: ‘Đây là điều tôi biết’.

“Những gì là ba? Tỳ-kheo nhân vấn đề quá khứ nói mà nói[04] như vầy: ‘Trong thời quá khứ có’. Tỳ-kheo nhân vấn đề vị lai nói mà nói như vầy: ‘Trong thời vị lai có’. Tỳ-kheo nhân vấn đề hiện tại nói mà nói như vầy: ‘Trong thời hiện tại có’.

“Đó gọi là ba thuyết xứ chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó nói mà nói rằng: ‘Ta thấy, nghe, hiểu biết’. Tỳ-kheo nói mà nói rằng: ‘Đây là điều tôi biết’. Do điều được thuyết, khéo tập được nghĩa, do không thuyết, không khéo tập được nghĩa.

“Hiền Thánh đệ tử với hai tai nhất tâm nghe pháp. Vị ấy sau khi với hai tai nhất tâm nghe pháp, đoạn một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc[05] một pháp. Vị ấy sau khi đã đoạn được một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp rồi, liền được chánh định. Hiền Thánh đệ tử sau khi đã được chánh định, liền đoạn trừ hết tất cả dâm, nộ, si. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử chứng đắc tâm giải thoát, giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Do điều được nói[06] nên có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này với câu hỏi xác quyết mà không trả lời xác quyết, với câu hỏi phân biệt mà không trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà không trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà không trả lời xả trí[07]. Như vậy, Hiền giả này không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận.

“Nếu Hiền giả này với câu hỏi xác quyết mà trả lời xác quyết, với câu hỏi phân biệt mà trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà trả lời xả trí. Như vậy, Hiền giả này có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận.

“Lại nữa, do điều được nói nên lại có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này không an trụ trên xứ phi xứ, không an trụ trên sở tri, không an trụ trên thuyết dụ, không an trụ trên đạo tích[08]; như vậy thì Hiền giả này không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận.

“Nếu Hiền giả này an trụ trên xứ phi xứ, an trụ trên sở tri, an trụ trên thuyết dụ, an trụ trên đạo tích; như vậy thì Hiền giả này có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận.

“Do điều được nói, với lời nói trầm tĩnh[09], xả bỏ sở kiến của mình, xả bỏ ý kết oán, xả bỏ tham dục, xả bỏ sân nhuế, xả bỏ si ám, xả bỏ kiêu mạn, xả bỏ bất ngữ[10], xả bỏ tật đố, không háo thắng, không ép người, không chấp chặt khuyết điểm, nói nghĩa nói pháp[11]. Sau khi nói nghĩa nói pháp, khuyên dạy, rồi lại khuyên dạy cho bỏ[12], tự mình hoan hỷ, khiến người kia cùng hoan hỷ. Thuyết nghĩa như vậy, thuyết sự như vậy, là Thánh thuyết nghĩa, là Thánh thuyết sự[13]; nghĩa là đã cứu cánh tận diệt hết lậu.”

Rồi thì, Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Luận tranh và luận nghị,
Ý tạp, lòng cống cao;
Nghịch Thánh, chê Thánh đức,
Mong cầu khuyết điểm nhau,
Khai thác lỗi bất cẩn,
Khăng khăng khuất phục người,
Đối địch đều háo thắng;
Thánh không nói như vậy.
Nếu mong thành luận nghị,
Người trí biết tùy thời,
Có pháp và có nghĩa,
Chư Thánh luận như vậy.
Người trí nói như vậy,
Không cãi, không cống cao,
Ý không biết nhàm đủ,
Không kết, không oán thù;
Tùy thuận, không điên đảo;
Mỗi lời hợp chánh tri.
Khéo nói thì có thể
Trọn không lời xấu xa;
Không luận vì luận tranh,
Không tùy người thách đố;
Biết xứ và thuyết xứ,
Là điều được luận bàn.
Đây là lời Thánh nhân;
Người trí, hai mục đích[14],
Cho đời này bình an,
Cho đời sau khoái lạc.
Nên biết người thông đạt,
Thuyết phi đảo, phi thường[15].

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.iii.67 Kathāvatthu. Kinh số 86 ở trên cùng tên với kinh này.
[02] Thuyết xứ 說 處. Pāli: tīni kathāvatthūni, “ba luận sự”. Tam ngôn y 三 言 依, xem Tập dị 3 (Đại 26, tr. 378 c - 78 a).
[03] Thuyết nhi thuyết 說 而 說.  Pāli: Katham katheyya, có thể nói về vấn đề.
[04] Nhân quá khứ thuyết nhi thuyết 因 過 去 說 而 說. Pāli: atītam vā addhānam ārabbha katham katheyya, có thể nói về vấn đề liên hệ thời quá khứ.
[05] Hán: tác chứng 作 證.
[06] Nhân sở thuyết 因 所 說. Pāli: Kathāsampayogena, bằng sự liên hệ với ngôn thuyết.
[07] Nhất hướng luận 一 向 論 (ekaṃsavyākaranīyam), phân biệt luận 分 別 論
(vibhajjhavyākaranīyam), cật luận 詰 論(paṭipucchāvyākarannīyam), chỉ luận 止 論 (thapanīyam), Bốn trường hợp đặt câu hỏi và phải trả lời, bốn ký vấn (Tập dị 8, Đại 26 tr. 401a-11a): Nhất hướng ký vấn, phân biệt ký vấn, phản cật ký vấn, xả trí ký vấn.
[08]Xứ phi xứ 處 非 處 (Pāli: thānāthāna), (không được xác định là) hợp lý hay không hợp lý; sở tri 所 知 (Pāli: parikappa) (có hay không có) chủ đích; thuyết dụ 說 喻 (Pāli: aññātavāda) ngôn ngữ được chấp thuận (của bậc trí); đạo tích (Pāli:paṭipadā), thực tiễn (được xác định bằng thực tiễn hành động).
[09] Chỉ tức khẩu hành 止 息 口 行.
[10] Hán: bất ngữ 不 語, không rõ nghĩa. Có lẽ Pāli: dubbhāsitaṃ, lời nói khó nghe, ác ngữ.
[11] Hán: nghĩa thuyết pháp thuyết 義 說 法 說. Pāli: atthavādī dhammavādī, lời nói hữu ích, lời nói đúng pháp.
[12] Hán: giáo phục giáo chỉ 教 復 教 止.Có lẽ Pāli: sataṃ ve hoti mantanā, được lưu ý và thật sự được khuyến cáo.
[13] Pāli: evaṃ kho ariyā mantenti, esā ariyāna mantanā, “Các Thánh đàm luận như vậy; đó là những điều được các Thánh đàm luận”.
[14] Hán: câu đắc nghĩa 俱 得 義, được lợi (nghĩa) cả hai đường.
[15] Pāli: etad aññāya medhāvī na samusseyya, sau khi nhận thức được điều đó, bậc trí không nói lời khoa đại.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]