BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

7. A-LA-HÁN - ARAHANTA 1 VAGGA

Bậc thoát tục không còn đau khổ

1. Gataddhino visokassa -vippamuttassa sabbadhi

Sabbaganthappahīnassa -pariḷāho na vijjati.

1. Ðối với người đã trải qua suốt cuộc hành trình 2, chấm dứt mọi ưu phiền 3, hoàn toàn siêu thoát 4, cắt đứt mọi trói buộc 5, nhiệt độ (tham ái) không còn nữa 6. 90.

Tích chuyện

Ðại đức Ðề-Bà-Ðạt-Ða (Devadatta) mưu toan sát hại Ðức Phật bằng cách xô một tảng đá to từ trên đồi cao xuống, lúc Ðức Phật đi ngang qua. May thay, tảng đá va nhằm một tảng khác, bể tách ra, và một mảnh nhỏ chạm vào chơn Ðức Phật, làm Ngài đau xiết. Vị lương y Jivika băng bó vết thương rồi ra đi, nói rằng ông vào thành thăm một bệnh nhơn và sẽ trở lại mở chỗ bó ra. Khi ông trở ra thì cửa thành đã đóng nên không đến đúng như đã hẹn. Ông lo sợ cho Ðức Phật, vì chỗ bó không mở ra, có thể phải chịu đau thêm. Ðức Phật đọc tư tưởng ông, bảo Ðại đức Ananda mở băng ra. Sáng hôm sau, ông Jivika lật đật chạy lại tịnh thất để thăm Ðức Phật. Chừng ấy Ngài mới giải thích thái độ tinh thần của người thoát tục.

Chú thích

1. A-La-Hán - Arahanta, là một danh từ có nhiều nghĩa, có thể dịch là "Ứng Cúng", "Không Còn Dục Vọng", hay là người không còn làm điều bất thiện, dầu việc làm ấy không ai có thể biết. Vị A-La-Hán đã thoát ra ngoài vòng sanh tử. Sau khi chết, với danh từ thông thường, ta nói - các Ngài nhập đại Niết-bàn (parinibbāna). Cho đến ngày đại Niết-bàn, các Ngài không ngừng phục vụ tha nhơn bằng cả hai lối, lời dạy và gương lành.

2. Cuộc hành trình - Cuộc hành trình của đời sống trong vòng luân hồi. Chấm dứt cuộc hành trình, tức đắc quả A-La-Hán.

3. Hành giả chấm dứt mọi ưu phiền lúc đắc quả A-Na-Hàm (Anāgāmi), từng thánh thứ ba. Ðến từng thánh ấy, hành giả đã tận diệt mọi luyến ái đeo níu theo dục vọng và mọi hình thức bất mãn.

4. Hoàn toàn siêu thoát - sabbadhi, hoàn toàn tự do, thoát ra khỏi mọi dính mắc đối với thân ngũ uẩn v.v...

5. Có bốn loại trói buộc (gantha) là:

a) tham muốn (abhijjhā),
b) oán ghét (vyāpāda),
c) dễ duôi nương theo nghi thức lễ bái và cúng tế (sai lầm) (sīlabbataparāmāsa, giới cấm thủ),
d) cố chấp trong thành kiến, khư khư chấp rằng thành kiến của mình là chơn lý (idam saccābhinivesa, kiến thủ).

6. Câu nầy đề cập đến phẩm hạnh của một vị A-La-Hán. Có hai loại nhiệt độ, tinh tần và vật chất. Lúc còn sống, vị A-La-Hán còn thọ cảm nhiệt độ của thể xác, nhưng kkhông quan tâm đến. Còn sức nóng tinh thần, nhiệt độ của tham vọng hay lửa tham ái, Ngài không còn nữa.

Chư vị A-La-Hán không còn luyến ái

2. Uyyunjanti satimanto -

na nikete ramanti te

Hamsa ûva pallalaṁ hitvā -

okaṁ okaṁ jahanti te.

2. Người chuyên chú tận lực cố gắng, không luyến ái nơi trú ẩn nào. Tựa như những con thiên nga bay lìa ao hồ, người ấy rời bỏ nhà nầy sang nhà khác (và ra đi) 1. 91.

Tích chuyện

Vài vị tăng sĩ hiểu lầm phẩm hạnh của Ðại đức Ca-Diếp (Kassapa) và bàn tán với nhau rằng Ngài còn luyến ái những thí chủ và họ hàng thân thuộc. Nghe vậy, Ðức Phật giải thích rằng Ðại đức Ca-Diếp (Kassapa) đã cắt dứt mọi luyến ái.

Chú thích

1. Chư vị A-La-Hán đi lang thang, rày đây mai đó, không luyến ái một nơi ở nhứt định nào, bởi vì các Ngài đã hoàn toàn tự do, đã thoát ra khỏi mọi quan niệm về "Ta" và "Của Ta".

Không nên luyến ái vật thực

3. Yesaṁ sannicayyo natthi -ye pariññātabhojanā

Suññato animitto ca - vimakkho yassa gocaro

Ākāse ûva sakuntānaṁ - gati tesaṁ durannayā.

3. Những ai không tích trữ 1, nhiếp tâm chánh niệm khi dùng vật thực 2, thành đạt Giải Thoát 3- vốn Hư không và Vô Tướng - như đối tượng của mình. Lộ trình của các vị ấy không khác nào lộ trình của đàn chim bay trên không trung, không thể vẽ lại được. 92.

Tích chuyện

Một vị Tỳ-khưu cất vật thực để dùng về sau. Ðức Phật khuyên thầy không nên làm như vậy và giải thích thêm tác phong chơn chánh của một vị Tỳ-khưu thuần thành.

Chú thích

1. Tích trữ- có hai loại tích trữ là: hoạt động có liên quan đến nghiệp hành, và bốn món cần thiết cho đời sống của thầy Tỳ-khưu (tứ vật dụng: thuốc men, chỗ ở, y bát và vật thực).

Loại tích trữ thứ nhất có khuynh hướng kéo dài cuộc hành trình trong vòng luân hồi. Loại thứ nhì, mặc dầu cần thiết, có thể là một trở ngại cho tiến bộ tinh thần.

2. Dứt khoát từ bỏ mọi thèm muốn về vật thực.

3. Giải thoát hay Niết-bàn là thoát ra mọi đau khổ (vimokka). Gọi là hư không vì không còn tham, sân,si, không phải vì Niết-bàn là hư vô hay tuyệt diệt. Niết-bàn là một trạng thái siêu thế tích cực, có thật mà ngôn từ tại thế không diễn đạt được. Vô tướng, vì không còn dấu vết của tham, sân, si. Chư vị A-La-Hán chứng nghiệm quả vị Niết-bàn lúc còn ở trong kiếp sống này. Nói rằng sau khi chết một vị A-La-Hán "còn" hay "không còn", "tại" hay "bất tại", đều không đúng, bởi vì Niết-bàn không phải trường tồn vĩnh cửu, cũng không phải hư vô, tuyệt diệt.

Chư vị A-La-Hán chứng nghiệm hạnh phúc Niết-bàn bằng cách thành đạt quả A-La-Hán trong chính kiếp sống hiện tiền.

Người không ô nhiễm sống tự do

4. Yassāsavā parikkhīṇā - āhāre ca anissito

Suññato animitto ca - vimokkho yassa gocaro

Ākāse'va sakuntānaṁ - padaṁ tassa durannayaṁ.

4. Người tận diệt ô nhiễm, không luyến ái vật thực, thành đạt Giải Thoát - vốn Hư Không và Vô Tướng - như đối tượng của mình. Con đường của vị ấy không khác nào của đàn chim bay trên không trung, không thể vẽ lại. 93.

Tích chuyện

Vì thiện tín đem vật thực dồi dào dâng đến Ðại đức Anuruddha, nên có vài vị Tỳ-khưu bàn tán rằng Ngài đã dặn dò các thí chủ làm như vậy để tỏ ra mình có nhiều uy tín. Ðức Phật lưu ý rằng chính tâm trong sạch bố thí của thiện tín tự nhiên phát sanh chớ không phải do Ðại đức Anuruddha xúi giục, và Ðức Phật thêm rằng người không ô nhiễm không mất thì giờ để nói chuyện về tứ vật dụng, (hay bốn món cần thiết cho đời sống Tỳ-khưu).

Người biết tự chế được tất cả quý mến

5. Yass'indriyāni samathaṁ gatāni - assā yuthā sārathinā sudantā

Pahīnamānassa anāsavassa - devā'pi tassa pihayanti tādino.

5. Người chế ngự lục căn cũng giống như tuấn mã được rèn luyện thuần thục, người đã tiêu trừ ngã mạn và không bị ô nhiễm, người vững chắc như thế, chí đến chư Thiên cũng quý mộ. 94.

Tích chuyện

Sakka, Trời Ðế-Thích, cung kính đảnh lễ Ðại đức Kaccāyana. Vài thầy Tỳ-khưu cho rằng Trời Ðế-Thích thiên vị. Ðức Phật sửa lời các thầy và lưu ý rằng chư vị A-La-Hán như Ðại đức Kaccāyana đã chế ngự lục căn nên được cả Trời lẫn người kỉnh mộ.

Như đất, chư vị A-La-Hán không chao động

6. Paṭhavi samo no virujjhati - indakhīlūpamo tādi subbato

Rahado'va apetakaddamo - samsārā na bhavanti tādino.

6. Như đất, người giữ tâm quân bình và có nếp sống kỷ cương không còn xúc động. Người ấy như trụ đồng Indakhìla 1, như ao hồ phẳng lặng, không bị bùn đất làm nhơ bẩn. Với người có tâm quân bình như thế 2, cuộc đi lang thang bất định của đời sống không còn lặp lại nữa 3. 95.

Tích chuyện

Ngày kia Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) vô tình chạm nhằm vành tai của một tăng sĩ vốn đã có lòng ganh tỵ với Ngài. Vị nầy đem câu chuyện bạch lại với Ðức Phật. Khi được đến hỏi, Ðại đức Xá-Lợi-Phất không tự bào chữa mà chỉ mô tả lại đời sống khiêm tốn của Ngài từ lúc xuất gia. Thầy Tỳ-khưu nghe xong lấy làm ăn năn hối hận, xin sám hối với Ðại đức Xá-Lợi-Phất và Ngài Xá-Lợi-Phất cũng vậy, xin sám hối trở lại, nếu Ngài có làm điều chi lỗi lầm, phạm đến thầy. Nhơn đó Ðức Phật ca ngợi Ðại đức Xá-Lợi-Phất, ví Ngài như đất, im lìm, trầm lặng không hề xao xuyến.

Chú thích

1. Indakhīla- là một cây cột vừa vững chắc vừa cao như cây cột của vua Trời Ðế-Thích, hoặc là cây trụ chánh ở cổng vào một thị trấn.

Các nhà chú giải ghi nhận rằng Indakhīla nầy là những trụ cột vững chắc, dựng lên bên trong hay bên ngoài các thị trấn cho đẹp mắt. Thông thường, các trụ cột nầy làm bằng gạch hoặc bằng gỗ, hình bát giác. Những trụ cột này được chôn thật sâu dưới đất, do đó có thành ngữ "vững chắc như Indakhīla".

2. Tādi - là người không còn luyến ái những gì ưa thích, không bất mãn với điều không ưa, cũng không bám víu điều gì. Giữa tám điều kiện thăng trầm của thế sự - được và thua, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ - một vị A-La-Hán sống hoàn toàn bình thản. Tâm quân bình, không chao động, không biểu hiện lòng ưa thích hay bất mãn, không hỉ hạ vui cười mà cũng không lo âu sầu muộn.

3. Bởi vì các Ngài không còn sanh sanh tử tử triền miên nữa.

Người trầm tĩnh sống an tịnh

7. Santaṁ tassa manaṁ hoti -santā vācā ca kamma ca

Sammadaññāvimuttassa - upasantassa tādino.

7. Tâm trầm tĩnh, ngôn ngữ trầm tĩnh, hành động trầm tĩnh, người ấy, hiểu biết chơn chánh, trọn vẹn siêu thoát 1, hoàn toàn an tịnh 2 và quân bình. 96.

Tích chuyện

Khi lấy cây quạt đánh thức một người học trò, ông thầy nọ lỡ tay chạm nhằm con mắt của trò. Về sau, lúc đóng cửa, ông thầy ấy lại vô tình làm kẹt tay trò kia một lần nữa. Nhưng người học trò không tỏ ý buồn phiền sự vô ý của thầy mình. Ðức Phật ngợi khen người học trò biết tự kềm chế.

Chú thích

1. Siêu thoát - không còn vướng chút ô nhiễm.

2. An tịnh - vì tâm Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh.

Người không nhẹ dạ là cao quý

8. Assaddho akataññū ca - sandhicchedo ca yo naro

Hatāvakāso vantāso - sa ve uttamaporiso.

8. Người không nghẹ dạ 1, thấu triệt trạng thái Vô sanh 2 (Niết-bàn), cắt đứt mọi hệ lụy 3, chấm dứt mọi cơ hội 4 (cho điều thiện và điều ác phát sanh), tận diệt 5 mọi tham ái 6, người ấy quả thật là tối thượng. 97.

Tích chuyện

Ðức Phật nêu ra nhiều câu hỏi cho Ðại đức Xá-Lợi-Phất có liên quan đến đức tin. Ðại đức Xá-Lợi-Phất giải đáp rằng vì đã chứng ngộ các đạo và các quả, Ngài không còn hành động theo niềm tin suông nơi Ðức Phật. Các vị Tỳ-khưu khác nghe vị đại đệ tưû chối niềm tin nơi Ðức Phật thì không hoan hỉ. Bấy giờ Ðức Phật mới giải thích rằng Ðại đức Xá-Lợi-Phất không đáng bị khiển trách bởi vì Ngài đặt niềm tin nơi sự chứng ngộ bản thân chớ không còn nương nhờ nơi người khác.

Chú thích

1. Nhẹ dạ - theo đúng văn tự, danh từ assaddho có nghĩa là không trung thành. Vị A-La-Hán không chấp nhận suông những nguồn hiểu biết khác vì chính các Ngài đã tự chứng ngộ chơn lý.

2. Vô Sanh - Akatā, là Niết-bàn. Gọi như vậy vì không có ai tạo ra Niết-bàn. Akataññū cũng có thể được dịch là vô ơn.

3. Hệ lụy - những dây nối liền trong kiếp nhơn sanh. Sandhicchedo cũng có nghĩa là người phá nhà, tức một tên trộm.

4. Chấm dứt cơ hội - Hata + avakāso là người đã tiêu trừ cơ hội.

5. Vanta + āso, người ăn đồ ói mửa, là một định nghĩa khác của danh từ này.

6. Tận diệt mọi tham ái - bằng bốn Thánh Ðạo. Những hình thức thô kịch của tham ái được chế ngự trong ba từng Thánh đầu tiên. Hình thức vi tế, trong từng thánh cuối cùng.

Tịnh lạc thay, nơi nào có A-La-Hán trú ngụ

9. Gāme vā yadī vā' raññe - ninne vā yadi vā thale

Yatthārahanto viharanti - taṁ bhūmiṁ rāmaṇeyyakaṁ.

9. Dầu ở trong làng mạc hay rừng sâu, ở non cao hay trũng thấp 1, bất luận nơi nào A-La-Hán trú ngụ, nơi ấy quả thật tịnh lạc. 98.

Tích chuyện

Revata, em út của Ðại đức Xá-Lợi-Phất, từ bỏ đời sống trần tục và sớm thành đạt đạo quả A-La-Hán. Ngài rất thỏa thích sống đơn độc trong rừng sâu. Ngày kia, nhân dịp thỉnh Ðức Phật và chư vị đệ tử Ngài về nhà trai tăng bà Visākhā hỏi thăm về khu rừng mà Ðại đức Revata đang trú ngụ trong ấy. Bấy giờ Ðức Phật mới đề cập đến tánh cách hấp dẫn của những khu rừng có một vị A-La-Hán đang trú ngụ.

Chú thích

1. Trũng thấp- Ninnathala, đúng văn tự, là những lớp thấp và những đất cao.

Người không dục vọng thỏa thích trong rừng sâu

10. Ramaṇīyāni araññāni - yattha na ramatī jano

Vītarāgā ramissanti - na te kāmagavesino.

10. Quả thật tịnh lạc, chốn rừng sâu mà người trần tục không thích ở. Người không dục vọng 1 sẽ thỏa thích an trú (ở nơi ấy), vì các Ngài khhông tìm dục lạc. 99.

Tích chuyện

Vị tăng sĩ nọ đang hành thiền trong vườn chơi. Một cô gái giang hồ cũng có hẹn hò trong khu vườn ấy, nhưng bạn không đến. Ði qua đi lại chờ người hẹn mãi mà không thấy, cô gặp nhà sư đang ngồi một mình, lại gần trêu ghẹo. Dùng thiên nhãn thấy vậy, Ðức Phật xuất hiện trước mặt vị Tỳ-khưu và giải thích về tánh cách hấp dẫn của khu rừng trong ấy người không dục vọng trú ngụ.

Chú thích

1. Người không dục vọng - Chư vị A-La-Hán, đã dứt bỏ dục vọng, thích ở nơi vắng vẻ ẩn dật, trong rừng sâu, nơi mà người trần tục không thích ở.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004