BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

19. CÔNG BẰNG, HAY CHÁNH HẠNH - DHAMMA ṬṬHA VAGGA

Người công bằng phải điều tra thích đáng không thiên vị là người thật sự công bằng

1. Na tena hoti dhammaṭṭho - yen' atthaṁ sahasā naye

Yo ca atthaṁ anatthañ ca - ubho niccheyya paṇḍito.

2. Asāhasena dhammena - samena nayatī pare

Dhammassa gutto medhāvi dhammaṭṭho' ti pavuccati.

1. Người ấy hấp tấp phân xử, do đó, không công bằng. Người thiện trí phải thận trọng xem xét cả hai trường hợp, phải và quấy. 256.

2. Người thông minh không lãnh đạo kẻ khác bằng thuật gian trá, mà đúng theo luật pháp, và không thiên vị. Người gìn giữ luật pháp, người ấy được gọi là sống nương theo luật pháp. 257.

Tích chuyện

Vài vị tăng sĩ lưu ý rằng có mấy ông quan nhận của hối lộ và phân xử không công minh. Nghe câu chuyện, Ðức Phật mô tả trạng thái của ông quan thật sự công bằng.

Không phải vì nói nhiều mà người ta cho rằng có trí tuệ

3. Na tena paṇḍito hoti - yāvatā bahu bhāsati

Khemī averī abhayo - paṇḍito' ti pavuccati.

3. Không phải chỉ nói nhiều mà người ấy là người học rộng. Người châu toàn, không sân hận và không sợ sệt, được gọi là học rộng. 258.

Tích chuyện

Một nhóm sáu vị Tỳ-khưu đi đó đây rêu rao rằng mình là người học rộng và do đó làm mất trật tự. Ðức Phật đọc câu kệ trên để giải thích.

Ham nói không phải là đặc tánh của người thông suốt giáo pháp

4. Na tāvatā dhammadharo - yāvatā bahu bhāsati

Yo ca appam pi sutvāna - dhammaṁ kāyena passati

Sa ve dhammadharo hoti - yo dhammaṁ nappamajjati.

4. Không phải chỉ vì nói nhiều mà thành người thông suốt Giáo Pháp. Người nghe ít, trực chứng 1 và không xao lãng Giáo Pháp, người ấy quả thật thông suốt. 259.

Tích chuyện

Một vị Tỳ-khưu sống trong rừng chỉ thuộc một câu kinh và trong những ngày giới thường đọc câu ấy. Chư Thiên trong vùng hết lòng hoan nghênh. Hai vị Tỳ-khưu khác, vốn thuộc nhiều kinh kệ, cũng đến nơi ấy thuyết Pháp nhưng không được chư Thiên hoan nghinh. Bất mãn, hai vị bỏ đi nơi khác, và khi trở về, bạch lại với Ðức Phật về thái độ của chư Thiên. Ðức Phật dạy những lời trên.

Chú thích

1. Trực chứng - thấy Giáo Pháp bằng con mắt của tâm (tâm nhãn). Danh từ Pālikāyena tức là nāmakāyena có nghĩa là xuyên qua thể xác của tâm hay, nói cách khác, xuyên qua sự tự chứng ngộ.

Chỉ có tóc bạc không làm ra một vị Ðại đức, Ðại đức là người không còn ô nhiễm

5. Na tena thero hoti - yen' assa phalitaṁ siro

Paripakko vayo tassa - moghajiṇṇo' ti vuccati.

6. Yamhi saccañ ca dhammo ca ahiṁsā saññamo damo

Sa ve vantamalo dhīro - thero iti pavuccati.

5. Không phải chỉ vì đầu bạc mà người ấy là Ðại đức 1. Người ấy chỉ là người lớn tuổi, và được gọi là "ông sư già rỗng tuếch". 260.

6. Bên trong vị nào có chơn lý 2, chánh hạnh 3, vô hại, tự chế 4, và tự kiểm soát, hạng người trí tuệ đã thanh lọc mọi ô nhiễm 5 ấy quả thật đáng gọi là Ðại đức. 261.

Tích chuyện

Có vài vị Tỳ-khưu tỏ vẻ không bằng lòng khi nghe Ðức Phật gọi một thầy Sa-di là Ðại đức (thera). Ðức Phật đọc câu kệ trên để giải thích.

Chú thích

1. Ðại đức - Thera, là danh từ được dùng để gọi những vị Tỳ-khưu đã có trên mười hạ, nghĩa là đã tu được mười năm sau khi thọ cụ túc giới. Ðúng theo nguồn gốc của danh từ, thera là người đã vững chắc, đã ổn.

2. Chơn lý - Saccaṁ, tức bốn Chơn Lý Cao Thượng, hay Tứ Diệu Ðế.

3. Chánh hạnh - Dhammo, là đã đắc chín trạng thái siêu thế.

4. Tự chế - Saññamo, là nghiêm trì giới luật và thu thúc lục căn.

5. Thanh lọc mọi ô nhiễm - bằng bốn Thánh đạo.

Hình dáng bề ngoài không làm con người trở nên lương thiện

7. Na vākkaranamattena - vaṇṇapokkharatāya vā

Sādhurūpo naro hoti - issukī maccharī saṭho.

8. Yassa c'etaṁ samucchinnaṁ mūlaghaccaṁ samūhataṁ

Sa vantadoso medhāvī - sādhurūpo' ti vuccati.

7. Không phải chỉ có tài hùng biện suông hay hình dáng đẹp đẽ mà con người trở nên lương thiện nếu người ấy còn mang tật đố kị, ích kỷ và ngã mạn. 262.

8. Nhưng người đã trọn vẹn cắt đứt, nhổ tận gốc rễ và dập tắt, người thiện trí ấy đã thanh lọc lòng sân hận, quả thật đáng gọi người lương thiện. 263.

Tích chuyện

Vài vị sư và Sa-di trẻ tuổi tỏ ra cung kính thầy mình. Có vài vị sư cao hạ hơn và thuyết Pháp giỏi hơn ông thầy ấy mà không được tôn trọng bằng nên sanh lòng ganh tỵ. Các thầy mới đến hầu Phật và thỉnh cầu Ðức Phật khuyên dạy những vị trẻ tuổi kia không nên đọc lại Giáo Pháp trước khi được các thầy sửa dạy. Hiểu biết lý do thấp hèn đã thúc đẩy các thầy Tỳ-khưu ganh tỵ, Ðức Phật đọc hai câu kệ trên.

Ðầu tròn vai vuông không tạo nên thầy Tỳ-khưu

9. Na muṇḍakena samaṇo - abbato alikaṁ bhaṇaṁ

Icchālobhasamāpanno - samaṇo kiṁ bhavissati.

9. Không phải do nơi cái đầu cạo trọc mà người không giới hạnh 1, người vọng ngữ, trở thành Tỳ-khưu. Làm thế nào một người đầy tham vọng và luyến ái có thể trở thành Tỳ-khưu? 264.

Người đã vượt khỏi điều ác là thầy Tỳ-khưu

10. Yo ca sameti pāpāni - aṇuṁ thūlāni sabbaso

Samitattā hi pāpānaṁ - samaṇo ‘ ti pavuccati.

10. Người đã trọn vẹn khắc phục các hành động ác lớn nhỏ, người ấy đáng gọi là Tỳ-khưu vì đã vượt khỏi mọi điều ác. 265.

Tích chuyện

Một vị tăng sĩ nọ có thói quen, mỗi khi tranh luận với ai mà thấy đuối lý, mời người ấy đến một nơi, vào một giờ hẹn trước, để tiếp tục thảo luận cho ra lẽ. Nhưng đến ngày, thầy lại chỗ hẹn trước giờ và tuyên bố là vị kia đã thua vì không đến. Khi câu chuyện được bạch lại với Ðức Phật, Ðức Phật giải thích thái độ của người thật sự đáng là Tỳ-khưu.

Chú thích

1. Người không giới hạnh - Người không thực hành giới luật cao thượng (Sīla) và hạnh kham khổ (dhūtanga, hạnh đầu đà).

Không phải chỉ đi khất thực mà trở thành Tỳ-khưu người có đời sống của bậc Thánh nhơn đáng gọi là Tỳ-khưu

11. Na tena bhikkhu hoti - yāvatā bhikkhate pare

Vissaṁ dhammam samādāyā bhikkhu hoti na tāvatā.

12. Yo' dha puññañ ca pāpañ ca bāhetvā brahmacariyavā

Sankhāya loke carati - sa ve bhikkhū' ti vuccati.

11. Không phải chỉ vì đi xin người khác mà người ấy trở thành Tỳ-khưu 1. Chắc chắn là nhờ nghiêm trì toàn thể giới luật mà người ta trở thành Tỳ-khưu chớ không phải chỉ vì đi xin như vậy. 266.

12. Người đã vượt khỏi cả thiện lẫn ác, người có phẩm hạnh cao thượng, người thông suốt thế gian này, người ấy, quả thật vậy, được gọi là Tỳ-khưu. 267.

Tích chuyện

Một vị Bà-La-Môn từ bỏ thế gian để sống đời đạo sĩ du phương hành khất. Một hôm ông gặp Ðức Phật và thỉnh cầu Ðức Phật gọi ông là Tỳ-khưu (bhikkhu) vì ông cũng đi trì bình khất thực. Ðức Phật đáp rằng không phải chỉ đi khất thực mà trở thành Tỳ-khưu.

Chú thích

1. Tỳ-khưu - Bhikkhu, đúng theo nghĩa uyên nguyên của danh từ, là người đi xin. Các thầy chỉ lặng lẽ đứng trước cửa để người ta sớt thức ăn vào bát và chỉ sống với vật thực nào mà người thí chủ vui lòng đặt vào bát một cách hồn nhiên. Xem Chú thích câu 31.

"Không phải vì lý do giản dị là đi xin kẻ khác mà người ấy là Tỳ-khưu. Người đã chấp nhận toàn thể giới luật là Tỳ-khưu, chớ không phải chỉ chấp nhận từng phần". -- Radhakrishnan.

Câu chuyện dẫn tích làm sáng tỏ ý nghĩa câu kệ. Ông Bà-La-Môn, đã chấp nhận đời sống du phương hành khất, đòi hỏi quyền được gọi là Tỳ-khưu chỉ vì mình cũng đi trì bình khất thực như các đệ tử của Ðức Phật, mặc dầu ông không thực hành các giới khác của thầy Tỳ-khưu.

Vậy, Vissaṁ dhammam có thể được phiên dịch là toàn thể giới luật có liên quan đến đời sống Tỳ-khưu.

Im lặng suông không làm nên bậc hiền thánh, trở nên bậc thánh hiền nhờ diệt ác

13. Na monena munī hoti - mūḷharūpo aviddasu

Yo ca tulaṁ' va paggayha - varaṁ ādāya paṇḍito.

14. Pāpāni parivajjeti - sa munī tena so munī

Yo munāti ubho loke - munī tena pavuccati.

13. Không phải (chỉ) giữ im lặng (suông) mà người đần độn, si mê, trở nên bậc thánh hiền. Nhưng ai, như cầm cán cân, biết chọn điều tốt nhứt 1 và lánh xa điều xấu, bậc thiện trí ấy quả thật là thánh hiền. 268.

14. Vì lý do ấy 2 Ngài là thánh hiền. Ai thông suốt cả hai thế gian 3 người ấy được gọi là thánh hiền. 269.

Tích chuyện

Một vị đạo sĩ trong một hệ thống không phải Phật giáo có thói quen hồi hướng phước báu đến thí chủ sau khi thọ trai, nhưng các đệ tử của Ðức Phật thì im lặng ra đi sau khi độ ngọ. Trước thái độ hình như bất nhã ấy, thiện tín lấy làm khó chịu. Nhơn cơ hội, Ðức Phật khuyên dạy các thầy Tỳ-khưu nên hồi hướng công đức đến thí chủ sau khi thọ thực. Ðến lúc ấy các vị đạo sĩ kia lại im lặng ra đi, còn chê các thầy Tỳ-khưu nói chuyện dông dài. Lúc ấy Ðức Phật giải thích thái độ của bậc thánh hiền.

Chú thích

1. Ðiều tốt nhứt - như giới, định, tuệ v.v...

2. Vì lý do ấy - là chọn điều tốt nhứt và dứt bỏ điều ác.

3. Thế gian - là những uẩn ở trong và ở ngoài.

Do bản tánh không gây tổn hại con người trở thành bậc thánh

15. Na tena ariyo hoti - yena pāṇāni hiṁsati

Ahiṁsā sabbapānāṇaṁ - ariyo' ti pavuccati.

15. Người ấy không phải là Ariya (cao quí) vì lẽ đã gây tổn hại cho chúng sanh khác. Do bản tánh không gây tổn hại chúng sanh khác người ấy được gọi là Ariya (cao quý). 270.

Tích chuyện

Một người mang tên Ariya làm nghề đánh cá, Ðức Phật dạy rằng không phải bằng cách gây tổn thương cho chúng sanh khác mà có thể trở thành Ariya (Cao Quí).

Cho đến khi tận diệt tất cả dục vọng, thầy Tỳ-khưu không nên mãn nguyện

16. Na sīlabbatamattena - bāhusaccena vā puna

Atha vā samādhilābhena - vivicca sayanena vā.

17.Phusāmi nekkhammasukhaṁ aputhujjanasevitaṁ.

Bhikkhu vissāsam āpādi - appatto āsavakkhayaṁ.

16. 17. Không phải chỉ nhờ nghiêm trì giới luật và hạnh kham khổ 1, hay lại nữa, do tài học rộng 2, hay phát triển tâm định, hay sống ẩn dật, (mà nghĩ rằng) "Ta đang thọ hưởng phước báu của hạnh từ khước, điều mà người thế gian không thể hưởng" 3. Này Tỳ-khưu, không nên vì (các hạnh ấy) mà tự mãn, không lo thanh lọc trọn vẹn nhiễm ô. 271. 272.

Tích chuyện

Vài vị Tỳ-khưu đã thành đạt những tiến bộ tinh thần khá cao nhưng không kiên trì tinh tấn để đắc quả A-La-Hán, nghĩ rằng các Ngài có thể trở thành A-La-Hán lúc nào cũng được. Ðức Phật khuyên dạy các Ngài không nên tự mãn trước khi thành đạt mục tiêu cuối cùng.

Chú thích

1. Hạnh kham khổ - là bốn loại giới cao thượng của các thầy Tỳ-khưu và mười ba loại thực hành cao thượng (dhutānga, hạnh đầu đà) (Bản chú giải).

2. Học rộng - tức là thông suốt Tam Tạng.

3. Hưởng phước báu của hạnh từ khước - đó là từng A-Na-Hàm.

4. Thanh lọc trọn vẹn mọi ô nhiễm - tức là đạo quả A-La-Hán.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004