BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Hiền mẫu Kaccàni
(Số 417. Tiền thân Kaccàni)


"Mặc áo trắng và tóc xõa vai…"

Bậc Đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người phụng dưỡng mẹ mình.

Một hôm vị cư sĩ này đến Kỳ Viên nghe pháp, đảnh lễ bậc Đạo sư xong, cháng đứng một bên. Bậc Đạo sư hỏi xem có phải chàng vẫn không xao lãng bổn phận cũ, và vẫn tận tụy chăm sóc mẹ già chăng.

Chàng đáp:

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Mẹ con đem về cho con một cô gái để làm vợ trái với ý con, nàng ấy đã làm nhiều việc không xứng đáng như vậy.

Rồi chàng kể hết mọi việc cho Ngài nghe:

-- Song nàng ấy không thể ly gián mẹ con với con được, nên bây giờ nàng ấy lại chăm sóc bà hết sức cung kính.

Bậc Đạo sư nghe chuyện và bảo:

-- Ngày nay ông không nghe theo lời vợ, song ngày xưa ông đã bỏ mẹ vì nghe lời vợ xúi giục và nhờ ta đưa bà ấy về lại nhà cho ông chăm nom.

Rồi theo lời thỉnh cầu của chàng, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, có một thanh niên trong gia đình nọ hết lòng chăm sóc mẹ già khi cha cậu từ trần, giống như phần duyên khởi chuyện này, các chi tiết cũng được nêu ra đầy đủ như trên. Nhưng trong trường hợp này, khi người vợ bảo nàng không thể sống với bà chằn kia và chàng phải quyết định một trong hai người phải ra đi, thì chàng theo lời vợ cho rằng mẹ mình có lỗi và bảo:

-- Mẹ ơi, mẹ luôn gây chiến trong nhà này, từ nay mẹ đi sống nơi nào khác tùy ý mẹ.

Bà mẹ nghe vậy, vừa khóc vừa đi đến nhà bạn đâu đó, làm thuê chật vật để sống qua ngày. Sau khi bà ra đi, con dâu bà mang thai sinh con trai, nên thường rêu rao với chồng và hàng xóm rằng việc sinh con ấy chưa hề xảy ra trước kia, khi còn có bà chằn ở trong nhà.

Sau khi sinh con, nàng bảo chồng:

-- Tôi chưa bao giờ sinh con lúc mẹ chàng còn ở trong nhà, nay tôi đã có con, như thế chàng có thể thấy rõ bà ấy đúng là bà già chằn thuở trước rồi đó.

Bà già nghe chuyện sinh con trai được con dâu bà xem là do bà ra khỏi nhà, liền suy nghĩ: "Chắc chắn Thần Công Chánh đã chết trên đời này, vì nếu không phải như vậy, những kẻ này đã không sinh con trai và sống sung sướng sau khi đánh đuổi mẹ mình. Ta muốn làm lễ cúng tế Thần Công Chánh đã chết."

Vì vậy một ngày kia, bà đem mè xay, gạo cùng một cái nồi và muỗng nhỏ, bà ra nghĩa địa đốt lửa trong cái lò làm bằng ba sọ người, rồi bà xuống suối tắm rửa đầu mình, giặt áo quần xong trở lại nơi lò lửa, xõa tóc ra và bắt đầu vo gạo.

Thuở ấy Bồ tát là Thiên chủ Sakka [1], và chư Bồ tát luôn chú tâm cảnh giác. Ngay lúc ấy Ngài nhìn xuống trần gian và thấy bà già khốn khổ kia đang làm lễ tống táng Thần Công Chánh như thể Thần Công Chánh đã chết. Muốn chứng tỏ uy lực của ngài trong sự cứu giúp bà, ngài giáng trần giả dạng một Bà la môn du hành trên đường; khi nhìn thấy bà, ngài rời đường cái đến đứng bên bà, bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi:

-- Mẹ ơi, người ta thường không nấu cơm trong nghĩa địa. Mẹ định làm gì với cơm và mè này khi nấu xong?

Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:

1. Mặc áo trắng và tóc xõa vai,
Kac-cà-ni lại nấu nồi sôi,
Gạo mè bà rửa đằng kia đó,
Bà có dùng không lúc chín rồi?

Bà ngâm vần kệ thứ hai nói cho ngài biết:

2. Đạo sĩ ơi, tôi chẳng muốn ăn,
Mè xay và cả món cơm hầm:
Giờ đây đã chết Thần Công Chánh,
Tôi muốn cúng dâng lễ tế thần.

Thiên chủ, hiện thân của Thần Công Chánh, đáp vần kệ thứ ba:

3. Khi quyết định, bà phải nghĩ suy:
Bà nghe ai nói vọng ngôn kia?
Ngài ngàn mắt [2] ấy đầy uy lực,
Công Chánh Thần không thể chết đi.

Nghe ngài nói, bà già ngâm đôi vần kệ tiếp theo:

4. La môn, tôi chứng kiến rành rành,
"Công lý chết rồi" tôi phải tin:
Tất cả kẻ nào theo ác hạnh
Hiện giờ đang hưởng đại phồn vinh.

5. Dâu của tôi ngày trước hiếm hoi,
Đánh tôi, rồi lại đẻ con trai,
Nó thành bà chủ trong nhà ấy,
Tôi bị lãng quên, bị bỏ rơi.

Thiên chủ Sakka liền ngâm vần kệ thứ sáu:

6. Không phải đâu, ta sống mãi mà,
Nay ta giáng thế, chính vì bà,
Dâu bà đánh mẹ, song dâu, cháu
Sẽ hóa tro trong lửa của ta.

Nghe thế, bà lão kêu to:

-- Than ôi, ngài vừa nói gì thế? Tôi sẽ cố sức giúp cháu tôi khỏi chết.

Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Thiên chủ, mong sao hợp ý ngài,
Vì tôi, ngài đến tự trên trời,
Ước mong đôi trẻ và thằng cháu,
Được sống đời hòa thuận với tôi.

Sau đó Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tám:

8. Ka-ti [3] sẽ mãn nguyện, vì ta
Bị đánh, song bà tin tưởng ta
Công Chánh, vậy cùng con, cháu nội
Sống đời hòa thuận ở trong nhà.

Bấy giờ sau khi nói xong, Sakka Thiên chủ hiện ra đủ mọi vẻ uy nghi của ngài, dùng thần lực đứng trên không và nói:

-- Kaccàni, bà đừng sợ, nhờ thần lực của ta, con và dâu bà sẽ đến đây đem bà về nhà; hãy sống hòa thuận với chúng.

Rồi ngài trở về cõi của ngài.

Nhờ uy lực của Thiên chủ, con và dâu bà nghĩ đến mọi tính tốt của bà trước kia và đi tìm khắp thôn làng, họ thấy bà đã đi về phía nghĩa địa. Họ theo con đường ấy và gọi bà, khi gặp lại bà, họ quỳ xuống chân bà xin lỗi bà và được bà tha thứ lỗi lầm cũ.

Bà vui mừng chào đón cháu nội. Vì vậy cả bọn họ cũng hoan hỷ trở về nhà và từ đó sống chung với nhau.

9. Với con dâu theo lại vui mừng
Bà lão Ka-ti đã sống chung,
Thiên chủ giải hòa xung đột cũ,
Cháu con săn sóc thật ân cần.

Vần kệ này được cảm tác do Tối thắng trí của Đức Phật.

*

Sau pháp thoại, bậc Đạo sư tuyên thuyết các Thánh đế và nhận diện Tiền thân: -- Khi kết thúc các Thánh đế, vị cư sĩ được an trú vào sơ quả Dự lưu. Thời ấy, vị cư sĩ phụng dưỡng mẹ mình là người đang phụng dưỡng mẹ ngày nay, người vợ thời ấy là người vợ ngày nay và Sakka Thiên chủ chính là Ta vậy.

-ooOoo-

Nhận xét:

Đây là một chuyện Thiền thân liên hệ đến lòng hiếu thảo của một vị đệ tử tại gia của Đức Phật.
Chúng ta đã từng đọc những chuyện Tiền thân liên hệ lòng hiếu thảo của một số Tỷ kheo có cha mẹ già cần phụng dưỡng, và việc ấy cũng được Đức Phật tán đồng. Còn đối với các đệ tử tại gia, lòng hiếu thảo được Đức Phật nêu lên làm một trong những bổn phận hàng đầu của họ.

Tuy nhiên trong chuyện này, Đức Phật lại kể về một người con bất hiếu được cảm hóa nhờ tình thương bao la của bà mẹ già đối với con cháu. Ở đây, bà mẹ già hiền lành tội nghiệp ấy bị con và dâu đuổi ra khỏi nhà một cách tàn nhẫn, nên bà nghĩ rằng Thần Công Lý đã chết và bà đi đến nghĩa địa làm lễ tống táng vị Thần tối cao ấy. Cảnh tưởng này làm động lòng Sakka Thiên chủ, vị Thần Công Chánh ở cõi trời, khi ngài nhìn xuống cõi trần.

Ngài muốn chứng tỏ ngài vẫn còn sống để cứu giúp những người tốt gặp hoạn nạn như bà già và trừng phạt những kẻ ác như con dâu bà theo đúng quy luật công bằng về Nhân quả. Nhưng bà mẹ già ấy là mẹ hiền rộng lượng, nên bà vội cầu xin Thiên chủ tha tội cho con dâu và chỉ mong được sống hòa thuận với con cháu mình thôi chứ không muốn ngài trừng phạt họ.

Sakka Thiên chủ, tiền thân của Đức Phật là vị Thần Công Lý thời ấy, đã đồng ý với bà già và dùng thần lực cảm hóa con và dâu của bà để họ ăn năn hối lỗi, rồi đi tìm bà về sống chung hòa thuận trong cuộc đời còn lại theo tinh thần đạo đức cổ truyền để có thể hưởng hạnh phúc an lạc ở đời này và đời sau.

Nhân dịp lễ Vua Lan -- mùa Báo hiều, tôi xin gởi đến chư vị đạo hữu gần xa câu chuyện Tiền thân thắm đậm tình người hòa lẫn hương đạo này. Nội dung câu chuyện nêu rõ tình thương bao la của một bà mẹ hiền và cũng là của vô số bà mẹ hiền ở cõi đời luôn sẵn sàng rộng lượng tha thứ mọi lỗi lầm của con cái và chỉ ước mong hạnh phúc cho con cháu mình dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải chịu đựng mọi sự thiệt thòi phần mình đến đâu đi nữa.

-ooOoo-

Ghi chú:

[1] Sakka (Đế Thích): Thiên chủ cõi trời Ba mươi ba.

[2] Ngài ngàn mắt: một danh hiệu của Sakka vì ngài có một ngàn con mắt.

[3] Ka-ti: viết tắt của Kaccàni, tên bà mẹ.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 65, 08-2001)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 09-03-2003