BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Con Báo
(Số 426. Tiền thân Dìpi)


"Bác ơi, bác có được an khang …"

Bậc Đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một con dê cái.

Một thời Trưởng lão Moggallàna ở trong một am thất có một cửa, trong một vùng đất được rào và núi đồi bao bọc. Lối đi có mái che của nhà ngài ở gần cửa ấy. Một vài mục tử nghĩ rằng hàng rào ấy là chỗ tốt cho đàn dê nên họ lùa dê vào đó và sống thoải mái. Một hôm họ đến vào buổi chiều đem cả bầy dê đi. Nhưng có một con dê cái đã lang thang quá xa không thấy bầy dê ra đi, và bị bỏ lại một mình. Sau đó khi nó ra đi, một con báo thấy nó, muốn ăn thịt bèn đứng bên cửa của hàng rào. Dê cái nhìn quanh và thấy con báo. "Báo đứng đó vì nó muốn giết ta và ăn thịt." Dê suy nghĩ: "Nếu ta quay đầu bỏ chạy, ta sẽ mất mạng. Vậy ta phải can đảm lên." Rồi dê giương đôi sừng, vùng chạy thẳng trước mặt báo với tất cả dũng lực. Dê thoát được móng vuốt báo, dù con báo rung mình vì nó tưởng sẽ chụp được dê. Rồi chạy hết tốc lực, con dê bắt kịp cả đàn.

Vị Trưởng lão quan sát cách các súc vật ấy đối xử với nhau. Hôm sau vị ấy đi trình Đức Như Lai:

-- Bạch Thế Tôn, con dê cái đã đạt được một kỳ công nhờ có sẵn mưu lược và thoát được con báo.

Bậc Đạo sư đáp:

-- Này Moggallàna, lần này con báo không bắt được dê, nhưng ngày xưa báo đã giết dê dù dê kêu lớn, rồi ăn thịt nó. Và theo lời thỉnh cầu của tôn giả Moggallàna, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa có thời Bồ tát được sanh vào một làng ở quốc độ Magadha, trong một gia đình giàu. Khi lớn lên, ngài từ bỏ tham dục và sống đời tu hành, đạt được Thiền định viên mãn. Sau khi sống rất lâu ở Tuyết Sơn, ngài đến Rajagàha để tìm muối và giấm, rồi về cư trú trong thảo am ngài đã dựng trong một thung lũng có rào chắn.

Giống như ở phần duyên khởi, các mục tử lùa bầy dê ra đi và cũng như trên, một hôm, khi một dê cái đi ra chậm hơn bầy kia, một con báo đợi sẵn ở cửa, nghĩ cách ăn thịt nó. Khi con dê thấy con báo, nó suy nghĩ: "Đời ta tàn rồi; bằng một mưu kế nào đó ta phải dụ nó vào cuộc chuyện trò vui vẻ ân cần để làm dịu lòng nó và cứu mạng ta." Vừa đứng từ xa bắt đầu nói chuyện thân thiện với con bao, dê ngâm vần kệ đầu:

Bác ơi, bác có được khang an,
Và bác lâu nay mạnh khỏe chăng?
Mẹ cháu nhắn đưa lời kính hỏi,
Cháu mong cùng bác kết thân bằng!

Nghe vầy, báo suy nghĩ: "Con bé này muốn đánh lừa ta bằng cách gọi ta là 'bác'; nó không biết ta hung dữ ra sao cả." Vì thế báo ngâm vần kệ thứ hai:

Cô dẫm đuôi ta đấy, bé dê,
Và làm ta phải bị đau ghê,
Tưởng rằng nhờ gọi ta là 'bác',
Cô được tự do để trở về!

Khi nghe vậy, dê đáp:

-- Thưa bác, xin đừng nói như vậy.

Và nó ngâm vần kệ thứ ba:

Tôi đi phía trước mặt, thưa ngài,
Ngài vẫn ngồi kia đối diện tôi,
Đuôi của ngài nằm sau phía ấy,
Làm sao tôi lẫm lên đuôi?

Báo đáp:

-- Này dê cái, cô nói gì vậy? Có nơi nào lại không có đuôi của ta trải ra chứ?

Và nó ngâm vần kệ thứ tư:

Suốt cả trong toàn bốn đại châu,
Với sông hồ biển núi non cao,
Đuôi ta trải rộng ra cùng khắp,
Sao cẳng dê không dẫm nó nào?

Khi nghe vầy, dê cái nghĩ: "Con ác thú này không bị lời ngon ngọt quyến rũ. Vậy ta sẽ đáp lại nó như một kẻ thù." Rồi dê ngâm kệ thứ năm:

Ta biết đuôi ông ác thật dài,
Vì ta đã được báo tin rồi,
Anh em cha mẹ đều khuyên bảo,
Lúc trước ta bay bổng giữa trời!

Báo lại nói:

-- Ta biết cô đã bay giữa trời. Nhưng khi cô đến cô đã làm hỏng miếng mồi của ta bằng cách đáp xuống ấy!

Rồi báo ngâm vần kệ thứ sáu:

Bóng dáng cô dê ở giữa trời
Bay qua không khí ấy mà thôi,
Đã làm kinh sợ đàn nai nọ,
Vì thế mồi ta bị hỏng rồi!

Nghe vầy, dệ sợ chết không còn có thể tìm cớ nào khác nữa, bèn kêu lớn:

-- Bác ơi, xin đừng phạm một việc ác độc như thế, xin tha mạng cháu đi.

Nhưng dù dê kêu lớn, báo vẫn chụp vai nó, giết chết và ăn thịt dê.

Chính dê kêu lớn để cầu ân,
Song máu thịt kia mới thỏa lòng,
Dã thú chụp dê vào cổ họng;
Ác nhân không tỏ chút ân cần.

Kẻ ác không sao biết tỏ ra
Ân tình, chánh hạnh, tránh đường tà,
Nó thù ghét những người lương thiện,
Thượng sách là nên xáp lá cà!

Đây là hai vần kệ phát xuất từ Tối Thắng Trí (của Đức Phật)

Một vị Thánh nhân khổ hạnh chứng kiến tất cả câu chuyện của hai con thú này.

*

Sau pháp thoại, bậc Đạo sư nhận diện Tiền thân: Thời ấy, con dê cái và con báo là con dê cái và con báo bây giờ, và vị Thánh nhân khổ hạnh chính là Ta vậy.

-ooOoo-

Nhận xét:

Đây là một chuyện Tiền thân liên hệ đến những sự việc thường xảy ra ở đời: mạnh được yếu thua.

Những kẻ mạnh có ác tâm thường dùng những lời lẽ ngụy biện hết sức vô lý để ức hiếp những kẻ yếu kém hơn mình rồi sau đó tiêu diệt các nạn nhân không chút thương tiếc.

Con dê ở đây tượng trưng hạng người yếu kém thường bị thua thiệt ờ đời và có khi phải mất mạng. Nhưng nếu nó có quyết tâm vùng lên chống lại kẻ thù to lớn hung hãn thì nó có thể thoát nạn và thành công.

Bồ tát là vị hiền nhân khổ hạnh chứng kiến tận mắt sự can đảm và thành công của con dê, đã nói lời khen ngợi con dê biết nỗ lực tự vệ trước kẻ thù tàn ác không hề biết lẽ phải là gì. Sau đó ngài khuyên răn người đời trong những hoàn cảnh tương tự, "thượng sách là nên xáp lá cà" để có cơ may sống còn, nếu không kẻ hèn yếu phải bị tiêu diệt là điều tất nhiên theo quy luật sinh tồn giữa muôn loài.

Chuyện Tiền thân Đức Phật là một kho tàng văn hóa được kết hợp hài hòa giữa lời Đức Phật dạy và truyền thuyết cổ tích dân gian. Rất nhiều chuyện liện hệ đến phép xử thế đạo đức ở đời, nên đã được truyền tụng qua nhiều thời đại và đã vượt biên giới Ấn Độ để lan khắp nơi với ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nền văn học trên thế giới.

Vào thế kỷ XVII ở Pháp có thi hào La Fontaine (1621-1695) nổi tiếng với những chuyện Ngụ ngôn (Les Fables). La Fontaine công nhận ông đã lấy tài liệu từ những kho tàng cổ tích Hy Lạp, La Mã và Ấn Độ để sáng tạo những mẩu chuyện ngụ ngôn và ông nhấn mạnh: Mục đích đạo đức của ông là "dùng loài vật để dạy loài người". Ông tự xem mình như người tiếp nối truyền thống giảng dạy đạo đức của các nhà ngụ ngôn cổ đại đã sử dụng những câu chuyện đơn giản đầy thú vị kể khuyến dụ loài người về cách xử thế đúng mực. Do vậy, những chuyện ngụ ngôn của ông dần dần được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới, và ở nước ta, những chuyện này đã được học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra theo thể thơ Việt Nam lần đầu tiên và từ đó đã được đưa vào sách giáo khoa ở các bậc tiểu-trung học. Ta thấy trong số đó rất nhiều chuyện có nội dung tương tự với các chuyện Tiền thân, như chuyện Con nhái muốn to bằng con bò, Chó sói và con cừu, v.v… Đặc biệt, chuyện 'Chó sói và con cừu' có lời đối thoại giữa hai con vật tương tự lời con báo và con dê ở đây: con sói kết tội con cừu làm đục nước suối của nó trước khi vồ con cừu để ăn thịt.

Như vậy, ta thầy rõ rằng La Fontaine đã tìm nguồn cảm hứng ở những chuyện cổ dân gian Ấn Độ để xây dựng những câu chuyện ngụ ngôn có tính cách tân kỳ theo óc sáng tạo của ông mà vẫn giữ được một nét truyền thống đặc biệt của các cổ tích ngụ ngôn từ ngàn xưa: đó là nhân cách hóa các loài vật để cho chúng có thể đối thoại với nhau và qua đó chứa đựng quan niệm sống chân chính ở đời. Nhờ phương pháp dạy đạo đức uyển chuyển, nhẹ nhàng và thú vị như vậy, các câu chuyện ngụ ngôn này đã được truyền bá khắp thế giới, và ta có thể nói rằng những bài học đạo đức của các chuyện Tiền thân đã có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp khắp nơi trên thế giới qua mọi thời đại.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 64, 07-2001)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 09-03-2003