BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU-Times font


Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật

Tỳ kheo Thiện Minh
(Bhikkhu Varapanno)

Soạn dịch từ Miến Ngữ
Phật Lịch 2547 - Dương Lịch 2003


 Lưu ý: Đọc với phông chữ VU-Times (Viet-Pali Unicode)

-ooOoo-

Phần 1

CÁC CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN BỐ THÍ

1. Chuyện đại tướng Siha
(Kinh Sihasenapatisutta)

Cách đây hơn 2500 năm về trước, tại nước Ấn Độ, vào thuở nọ Đức Phật ngự trong khu rừng gần thành Vesali, có vị đại tướng tên là Siha đến cung kính đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Ngài có thể giảng giải cho con biết sự bố thí đến người khác sẽ có được lợi ích gì, nhất là ngay trong kiếp hiện tại này không?

Đức Phật từ bi trả lời: - Có thể được.

- Này Đại tướng Siha! Điều lợi ích thứ nhất là người bố thí sẽ đuợc phần đông quần chúng thương yêu mến mộ.

- Này Đại tướng Siha! Điều thứ hai là người bố thí sẽ được phần đông Hiền Nhân, Thiện Trí ưa mến, thích thân cận và gần gũi.

- Này Đại tướng Siha! Điều thứ ba là danh thơm, tiếng tốt từ tấm lòng vị tha rộng mở của người bố thí sẽ nhanh chóng lan tõa khắp nhiều nơi.

- Này Đại tướng Siha! Điều lợi ích lớn lao thứ tư: Do quả lành của sự bố thí mà người bố thí có tâm dũng mãnh tự nhiên không hề rụt rè sợ sệt, hằng với khuôn mặt vui tươi rạng ngời khi đi vào giữa 4 hội đoàn:

* Hội đoàn của vua quan;
* Hội đoàn của giai cấp bá hộ giàu sang;
* Hội đoàn của giai cấp bà la môn;
* Hội đoàn của sa môn (những bậc xuất gia tu hành).

- Này Đại tướng Siha! Điều lợi ích quý báu thứ năm là người bố thí sau khi thân hoại mạng chung, được sanh về cõi trời hưởng được mọi sự an lạc do phước lành đã tạo.

Đại tướng Siha sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp xong thì vô cùng cảm động và hoan hỷ cung kính thưa rằng: "Kính bạch Đức Thế Tôn! Bốn quả lành đầu của sự bố thí mà Ngài đã dạy, không phải con nghe và tin nơi Ngài, mà các điều đó chính riêng bản thân con đã và đang kinh nghiệm trải qua. Con được phần đông quần chúng thương yêu mến mộ, các bậc Thiện Trí, Hiền Nhân thường đến thăm viếng con và tiếng đồn về con rằng: "Đại tướng Siha là người rộng lượng, thường bố thí và cúng dường đến sa môn...", con thường có tâm dũng mãnh không hề sợ sệt hay rụt rè khi đi vào giữa các hội đoàn đông đúc (vua chúa, sa môn, bà la môn, hội đoàn của những người giàu sang phú quí ...)

Còn quả lành thứ năm Ngài đã dạy: "Do Phước lành của sự bố thí mà sau khi thân hoại mạng chung sẽ được thọ sanh vào các cõi an vui, cõi trời." Điều này thực sự con chưa biết, chưa có kinh nghiệm tự thân, nhưng con có đức tin nơi lời dạy của Đức Thế Tôn."

Một lần nữa Đấng Thiên Nhơn Sư từ bi nhắc lại rằng: "Những quả lành của sự bố thí thật đúng như vậy. Sự thật là như vậy - Này đại tướng Siha! Thí chủ bố thí sau khi chết sẽ được sanh vào nhàn cảnh, cõi trời, thọ hưởng mọi sự an lạc."

2. Chuyện hai nhà sư bạn

Vào thời Đức Phật Kassapa có hai nhà Sư là bạn thân với nhau. Một ngừơi hằng có tâm bố thí cúng dường, người còn lại thì không có tâm làm phước bố thí.

Người hằng có tâm làm phước bố thí thường động viên nhắc nhở vị Sư bạn mình rằng:

- Này bạn, hãy phát tâm bố thí, vì trong vòng luân hồi sanh tử này, nhờ phước lành của bố thí bảo trợ mà chúng ta sẽ không bị thiệt thòi và nếu có nhiều ước nguyện sẽ dễ dàng thành tựu. Vì vậy chúng ta hãy nên tranh thủ khẩn trương bố thí.

Mặc dù thường xuyên được sự động viên ân cần nhắc nhở, nhưng vị Sư bạn vẫn không rộng lòng thực hiện hạnh bố thí.

Vào cuối kiếp đó, cả hai vị hết tuổi thọ được sanh luân lưu trong hai cõi trời người nhiều kiếp. Đến thời Phật Tổ Thích Ca Gotama, vị Sư có tâm rộng lòng bố thí thọ sanh vào làm con trai vua Kosala. Là vị hoàng tử được sống trong sự vinh quang của cung vàng điện ngọc, trong nhung lụa giàu sang phú quý.

Còn vị Sư không rộng lòng bố thí lại thọ sanh vào làm con trai người nữ nô tì nghèo nàn phục dịch trong cung điện.

Vào một ngày nọ, thái tử con vua Kosala nằm trên long sàn, do phước đặc biệt đã tạo từ quá khứ, mà Thái tử nhớ biết được quá khứ, và có sự hiểu biết được rõ ràng do nguyên nhân nào từ quá khứ mà mình được thọ hưởng cảnh giàu sang cung vàng điện ngọc này. Trong khi suy tư về quá khứ, thái tử nhi bỗng nhớ đến một vị sư bạn thân từ thời đức Phật Kassapa: "Vào thời ấy ta thường động viên thúc đẩy vị Sư bạn của ta hãy khẩn trương rộng lòng bố thí, nhưng người ấy vẫn không chịu nghe theo. Không biết bây giờ bạn ta đã thọ sanh về đâu?" Nghĩ đến đó Thái tử thấy ở dưới cung điện, vị Sư bạn mình đã hạ sanh làm con trai của nữ nô tì nghèo nàn phục dịch trong cung điện.

Gặp lại người bạn xưa trong cung điện, Thái tử nhi cất giọng hỏi với xuống dưới rằng:

- Này bạn! Vào kiếp xưa ta thường động viên thúc đẩy bạn bố thí nhưng bạn không chịu nghe theo, do nhân đó mà nay bạn phải chịu thọ sanh vào gia đình người hầu hạ.

- Này bạn hãy nhìn kỹ vào ta! Bây giờ ta đang nằm trên giường vàng ghế ngọc, chung quanh gấm vóc lụa là... ấy là bởi nhân của sự rộng lòng bố thí của ta từ trước vậy.

Con trai người nữ nô tỳ bấy giờ đáp trả lại rằng:

- Này Thái tử! Bạn bây giờ dù có cung vàng điện ngọc, gấm vóc lụa là, nhưng suy cho cùng tất cả cũng chỉ là tứ đại: đất, nước, gió, lửa đó mà thôi.Tất cả rồi sẽ bị tiêu hoại cũng như ta bây giờ: giường rách áo tơi dưới gầm cung điện nhưng tất cả cũng chỉ là do Tứ Đại hợp thành mà thôi chẳng khác gì bạn đâu!.

Ngay vào lúc đó nàng công chúa Sumana - con của đức vua - là người chị của Thái tử khi nghe cuộc nói chuyện giữa hai trẻ này, nàng giật mình kinh ngạc thầm nghĩ rằng: "Hai trẻ này vào độ tuổi chưa biết nói mà lại nói chuyện được. Đặc biệt hơn nữa chúng lại có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất cấu tạo của mọi sự vật, như tất cả chỉ là Đất, Nước, Gió, Lửa. Điều hy hữu này khó ai mà hiểu rõ nguyên nhân, chỉ có Đức Phật mới có thể hiểu được. Ta nên đến hỏi Ngài mới được.

Sau đó nàng công chúa Sumana cùng với 500 cô hầu nữ thắng 500 cổ xe đi thẳng đến Kỳ Viên Tịnh Xá tại kinh đô thành Xá Vệ, nơi đức Phật Gotama đương ngự. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, nàng ngồi một nơi hợp lẽ rồi cung kính thưa rằng:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu trong tăng đoàn Đệ tử Ngài, có hai người đều ngang nhau về Giới (Đức Hạnh), đều ngang nhau về đức tin, và ngang nhau về trí tuệ. Trong hai người đó, một người có sự bố thí cúng dường, còn người còn lại không có sự bố thí cúng dường. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, đồng được sanh về cõi trời thì giữa hai người đó có gì đặc biệt không? Có gì khác nhau không?.

Đức Phật khẳng định:

- Có sự đặc biệt khác nhau, này Sumana!

- Tuổi thọ tại cõi trời; sắc đẹp tại cõi trời; giàu sang tại cõi trời; tuỳ tùng đông hầu hạ tại cõi trời; oai lực danh xưng tại cõi trời. Nầy Sumana! Người lúc trước có sự bố thí hơn hẳn người không có bố thí về năm phước báu này.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Sau khi hết tuổi thọ tại cõi trời, nếu đầu thai xuống trần gian làm loài người thì giữa hai người đó có gì đặc biệt không? Có gì khác nhau không?

- Tuổi thọ dài tại cõi người, giàu sang tại cõi ngưòi; sắc đẹp tại cõi người; tuỳ tùng đông tại cõi người và có oai lực danh xưng tại cõi người. Nầy Sumana! Người lúc trước có sự bố thí sẽ hơn hẳn người không có sự bố thí về 5 phước báu này trong thế giới loài người.

- Kính bạch Đức Thế Tôn. Nếu cả hai người ấy cùng rời khỏi gia đình để trở thành bậc xuất gia tu hành thì có gì đặc biệt khác nhau giữa hai người?

- Này Sumana! Mặc dầu tuy bề ngoài giống nhau về hình thức là bậc xuất gia, nhưng có sự đặc biệt khác nhau giữa hai vị tỳ kheo ấy. Vị tỳ kheo có nhân bố thí từ trước hơn hẳn vị tỳ kheo không có nhân bố thí từ trước bởi các pháp sau:

* Nếu có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường về vải vóc y áo, thì sẽ được nhiều y áo. Nếu không có nhu ccầu xin thọ nhận sự cúng dường thì cũng được ít y áo.

* Nếu có nhu cầu xin thọ nhận về cơm, vật thực, thì sẽ được nhiều cơm và vật thực, nếu không có nhu cầu thọ nhận về cơm và vật thực thì cũng nhận được ít.

* Nếu có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường về thuốc men crửa bệnh thì sẽ được thọ nhận nhiều thuốc men crửa bệnh. Nếu không có nhu cầu về thọ nhận thuốc men để crửa bệnh thì cũng nhận được ít.

* Nếu có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường về chỗ ở, thì sẽ được chỗ ở tốt lành. Nếu không có nhu cầu xin thọ nhận chỗ ở, thì cũng được chỗ ở.

* Là người thoả thích trong nhiều cử chỉ hành động, tư cách tác phong lịch sự, rất ít thể hiện những tư cách tác phong không đẹp mà mình không vừa lòng.

* Là người thoả thích nhiều đối với những lời nói có tư cách, có lợi ích, và rất ít thể hiện về những lời nói không đẹp không có lợi ích.

* Nếu Tâm thoả thích nhiều về sự cung kính cúng dường của người khác thì sẽ được thọ nhận sự cung kính cúng dường của người khác.

* Ngược lại nếu không thoả thích sự cung kính cúng dường (về một phương diện nào đó) thì sẽ thọ nhân được ít sự cung kính cúng dường ấy.

- Nầy Sumana! Vị Tỳ kheo có sự bố thí từ trước hơn hẳn vị không có sự bố thí từ trước bởi 5 phước báu trên trong đời sống xuất gia tu hành...

- Kính bạch Đức Thế tôn! Nếu cả hai Tỳ kheo cùng tinh tấn hành đạo và cùng chứng đắc đạo quả A la hán thì có sự đặc biệt khác nhau gì giữa hai bậc thánh A la hán này chăng?

- Này Sumana! Như lai không nói rằng là có sự khác nhau giữa hai bậc Thánh nhân đã đắc đạo quả A la hán này.

- Kính bạch Đức Thế Tôn. Vô cùng tuyệt vời thay! Vô cùng vi diệu thay! Kính Bạch Đức Thế Tôn! Điều không thể thành tựu mà luôn luôn thành tựu. Sự bố thí là việc làm hợp lẽ. Các việc phước thiện là việc đáng nên làm.

- Này Sumana! Với các quả lành này sau khi sanh vào cõi trời cũng được hưởng sự an lạc thù thắng. Khi sanh vào cõi người cũng được hưởng thọ các phước lành ấy. Thậm chí các quả lành ấy vẫn bảo trợ đời sống vị Tỳ kheo cho đến thời gian cuối cùng khi nhập vào Niết Bàn vô sanh bất diệt.

- Đó là những sự thật! Đó là điều thực tế!

- Này Sumama! Như mặt trăng giữa bầu trời kia không bợn nhơ, không vẩn đục. Anh sáng của nó lấn át những vì sao đêm như thế nào thì cũng vậy: Trong thế gian này người có đầy đủ giới đức; đầy đủ đức tin; lại thêm rộng lòng bố thí thì sẽ hưởng những quả lành thù thắng hơn hẳn người có giới, có đức tin mà không rộng lòng bố thí dường như thế ấy.

- Quả đúng như vậy, này Sumana! Người bố thí sẽ hơn hẳn người không bố thí bởi 5 pháp.

* Tuổi thọ dài

* Dung sắc xinh đẹp

* Tuỳ tùng đông, nhiều oai lực

* Giàu sang phú quý

* Khi chết sinh về cõi trời và thọ hưởng được nhiều an lạc.

3. Nhân nào quả nấy - Chuyện Hoàng Hậu Mallikā
(Kinh Aṅguttaranik
āya - bài kinh Mallikāsutta)

Cách đây hơn 2500 năm về trước, tại nước Ấn Độ trong thành Savathi. Vào một thuở nọ Đức Phật ngự tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá) - của ông trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi ấy có hoàng hậu Mallik ā đến hầu đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng:

1- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà trong thế gian này có một số phụ nữ không những không có hình dáng xinh đẹp, da dẻ khô cằn, ngũ quan không cân đối, không đáng cho phần đông chiêm ngưỡng mà lại còn là người nghèo nàn, không có oai lực danh tiếng, địa vị trong xã hội?

2- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào có số phụ nữ hình dáng không xinh đẹp, ngũ quan không cân đối xấu xí, không đáng cho phần đông chiêm ngưỡng, tuy thế lại là người giàu sang, tài sản, thọ dụng được nhiều thứ của cải và có oai lực danh tiếng, địa vị trong xã hội?

3- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào có số phụ nữ dung nhan vô cùng xinh đẹp, hài hòa cân đối và duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng thõa thích cho phần đông, tuy nhiên lại là người nghèo khó, không có tài sản, không thọ dụng được của cải, cũng như không có địa vị, danh tiếng trong xã hội?

4- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào có số phụ nữ hầu như được toàn diện về nhiều mặt, là người có dung nhan vô cùng xinh đẹp, duyên dáng, là nơi thoả thích chiêm ngưỡng cho phần đông, không những vậy mà còn là người giàu sang phú quí, có nhiều tài sản, thọ hưởng được nhiều của cải , có danh tiếng và địa vị cao quý trong xã hội?

Sau khi nghe xong, Đấng Thiên Nhân Sư thuyết giảng rằng:

1a - Này Mallikā! Trong thế gian này có số phụ nữ tính tình nóng nảy, tính khí bất thường, dễ dàng nỗ i cơn thịnh nộ khi có ai xâm phạm đến, dù là việc nhỏ vụn, biểu hiện sự không hài lòng, nóng giận, dữ dằn, gây thù chuốc oán với người khác. Không những thế lại còn không có đức tin vào thiện pháp, không hoan hỷ tạo phước điền, bố thí cơm, nước, hoa qủa, thuốc men, vật thơm, dầu thoa, các phương tiện, vãi vóc, y phục, đèn dầu, chỗ ở, chỗ nằm ngồi... đến chư Sa môn, Bà la môn... Tính tình họ đố kỵ, ganh tỵ đối với những người có của cải tài sản. Đem tâm tỵ hiềm với sự làm phước của người khác. Ganh tỵ với những người được lợi lộc; được quần chúng cung kính; mến mộ ... và họ còn làm nhiều việc sái quấy khác.v.v..

Số phụ nữ nầy sau khi chết, nếu do ảnh hưởng một phước lành nào đó trong quá khứ, được tái sanh trở lại làm người thì sẽ là người có hình dáng không xinh đẹp, da dẻ sần sùi, đường nét dung nhan xấu xí, tứ chi, ngũ quan tai mắt không đẹp, không trong sáng, là người không có sự hấp dẫn cho thị hiếu chiêm ngưỡng của phần đông. Không những thế còn là người nghèo khó, khỗ cực, không có tài sản, không thọ hưởng được của cải, và có địa vị danh tiếng thấp kém trong xã hội.

2a - Này Mallikā! Trong thế gian này, có số phụ nữ tính tình hung hãn, dữ dằn, dễ dàng nỗ i cơn thịnh nộ, tuy vậy nhưng lại có đức tin, có tâm tạo phước điền bố thí hoa quả, cơm nước,... đến các Sa môn, Bà la môn. Số phụ nữ ấy không có tâm đố kỵ với những lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương khen ngợi, được sự cung kính cúng dường, thương yêu kính mến của những người khác.

Những người phụ nữ này, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì thân sắc không xinh đẹp, da dẻ khô cằn, dung mạo xấu xí, không là nơi đáng chiêm ngưỡng thõa thích của phần đông. Tuy nhiên lại là người giàu sang phú quý có nhiều tài sản và thọ hưởng được của cải, có oai lực, danh tiếng, địa vị cao quý trong xã hội.

3a - Này Mallikā! Trong thế gian này có số phụ nữ không có nhiều tính sân hận; tâm không có nhiều mệt mỏi; nếu bị người ta có nhiều lời xúc phạm đến cũng không bất bình, không nỗ i cơn thịnh nộ dữ dằn; không có tính khí bất thường hay gây hiềm hận với người khác; không có hành động biểu hiện rõ sự bất bình, nóng giận, sự không ưa thích đến người khác. Tuy nhiên người này không có tâm tạo phước điền, hoan hỷ bố thí hoa quả, cơm nước, vật thơm, vật thoa,... đến các hàng Sa môn, Bà la môn... lại có tâm đố kỵ với người nhiều lợi lộc; ganh tỵ với những người được sự tán dương khen ngợi, được sự thương yêu, quý mến, cung kính cúng dường của người khác; đồng thời thể hiện những hành động sai lầm về sự đố kỵ, ganh tỵ ấy.

Số phụ nữ này sau khi chết, nếu như được tái sanh trở lại làm kiếp người thì có dung nhan vô cùng xinh đẹp, hài hòa, cân đối, duyên dáng; là nơi xứng đáng cho thị hiếu chiêm ngưỡng của phần đông. Tuy nhiên lại là người nghèo khó, khỗ cực, không có tài sản, không thọ hưởng được của cải cũng như không có oai lực, địa vị cao quý trong xã hội.

4a - Này Mallikā! Trong thế gian này có số phụ nữ không có nhiều tính sân hận, không có nhiều bực dọc, mệt mỏi; nếu bị người ta có nhiều lời xúc phạm, cũng không nỗ i cơn thịnh nộ dữ dằn; không có tính bất thường hay hiềm hận với người khác; không có hành động cư xử thể hiện rõ sự nóng giận, sự bất bình hay sự không vui thích đến người khác. Không những thế mà còn có tâm hoan hỷ làm phước bố thí hoa quả, cơm nước, vật thơm, vật thoa, thuốc men,...đến các hàng Sa môn, Bà la môn... Là người không có tâm đố kỵ với những lợi lộc; không ganh tỵ với những người được sự tán dương, khen ngợi, được sự thương yêu qúy mến, cung kính, cúng dường của người khác.

Những phụ nữ này sau khi chết nếu được tái sanh trở lại loài người thì là người có dung nhan tuyệt sắc, làn da mịn màng tươi mát, đáng là nơi thõa thích chiêm ngưỡng cho phần đông, còn là người giàu sang nhiều tài sản, thọ hưởng được của cải, có oai lực, danh tiếng và địa vị cao quý trong xã hội.

* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp của số phụ nữ có tính tình nóng nảy, tính khí bất thường, dễ dàng nỗ i cơn thịnh nộ khi có ai xâm phạm đến, dù là việc nhỏ vụn, biểu hiện sự bất bình, nóng giận, dữ dằn, gây thù chuốc oán với người khác...do đó kiếp hiện tại này cho quả là nhan sắc không xinh đẹp, không đáng cho phần đông thõa thích chiêm ngưỡng.

* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp không từng tạo nhân phước điền, làm phước bố thí cơm nước, hoa quả, thuốc men, vải vóc, y phục, phương tiện chỗ ở... đến Sa môn, Bà la môn từ tiền kiếp mà kiếp hiện tại này cho quả là người nghèo khó, không có tài sản...

* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp không có nhiều tính sân hận; tâm không có nhiều mệt mỏi; nếu bị người ta có nhiều lời xúc phạm đến cũng không bất bình, không nỗ i cơn thịnh nộ dữ dằn; không có tính khí bất thường hay gây hiềm hận với người khác; không có hành động biểu hiện rõ sự bất bình, nóng giận, sự không ưa thích đến người khác ... từ kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này cho quả là người nữ có dung nhan xinh đẹp diễm kiều, duyên dáng, làn da tươi mát, mịn màng... đáng là nơi thõa thích chiêm ngưỡng của phần đông.

* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp thường làm phước bố thí cơm nước, hoa quả, thuốc men, ... đến các sa môn, bà la môn... từ tiền kiếp mà kiếp này cho quả được giàu sang phú quý, nhiều tài sản, thọ hưởng được nhiều của cải...

* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp không có lòng đố kỵ; không ganh tỵ đối với những người được nhiều lợi lộc, được sự tán dương, cung kính cúng dường của người khác; cũng như không làm hư hoại lợi lộc, thanh danh của người khác... từ tiền kiếp mà kiếp này cho quả là người có công danh, địa vị cao quý trong xã hội.

Sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết giảng xong, bà chánh cung Hoàng Hậu bèn cung kính thưa rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do kiếp trước của con là người có tâm sân hận, nóng nảy, bực tức, tính khí thất thường, dễ dàng nỗ i cơn thịnh nộ, biểu hiện rõ sự hung hãn dữ dằn, gây hiềm hận với người khác dù chỉ có một vài lời nói xúc phạm đến con. Do vậy mà kiếp này dung nhan con không được xinh đẹp, da dẻ khô cằn không xứng đáng cho sự thõa thích chiêm ngưỡng của phần đông.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do tiền kiếp con có tâm tạo phước bố thí cơm nước, thuốc men, y phục, vải vóc ... đến Sa môn, bà la môn ... mà kiếp này con là người giàu sang phú quý.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do tiền kiếp con là người không có tính ganh tỵ và đố kỵ với những người được lợi lộc, được sự trọng vọng cung kính, cũng như không có lòng ganh tỵ với những người được sự thương yêu quý mến của những người khác, do vậy mà hiện tại con là người có địa vị cao quý.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Trong quốc độ này tất cả những phụ nữ thuộc nhiều dòng tộc khác nhau: Bà la môn, hoàng tộc, công khanh tướng phủ ... Con là người có địa vị cao quý đặc biệt hơn tất cả những người phụ nữ ấy. Những người phụ nữ ấy đều dưới quyền cai quản của con.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Bắt đầu hôm nay trở về sau, con sẽ cố gắng kiềm chế, không để cho nhiều sân hận, nóng nảy, bực tức phát sinh cho dù người khác có nặng lời xúc phạm đến con chăng nữa...

- Con sẽ phát tâm hoan hỷ làm phước bố thí vật ăn, thức uống, chỗ ở,... đến chư Sa môn, Bà la môn ...

- Con sẽ không có tính ganh tỵ đến sự cúng dường bố thí của người khác; không làm hành động sai trái ảnh hưởng đến lợi ích của người khác bởi do tính ích kỷ, đố kỵ nhỏ nhen của con nữa.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Con vô cùng hoan hỷ bởi lời dạy cao quý của Ngài quá sức rõ ràng!

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Kính xin Ngài chứng minh cho con là Người cận sự nữ có đức tin trong sạch và xin nương tựa nơi Ân Đức Tam Bảo từ nay đến trọn đời.

4. Chuyện về Đạo sĩ Akitti.

Tại kinh đô Bārāṇas (Balanại) do đức vua Yamada cai quản, trong dòng họ Mahasala có một gia đình phú hộ có tiền của lên đến 800 triệu. Họ sinh hạ được một người con trai tên là Akitti.

Khi Akitti đến tuổi biết đi thì ông bà sinh ra được một người con gái nữa tên là Yasavati.

Đến tuổi trưởng thành, Akitti được đến trường đại học. Sau khi học xong thông thạo thập bát ban võ nghệ binh thư yếu lược, chiêm tinh, địa lý,... chàng trở về quê hương thăm cha mẹ. Ông bà nay đã già yếu nên giao phó của cải, tài sản, vàng bạc cho chàng là người con trai có trí tuệ.

Cha mẹ chàng sau khi qua đời thì Akitti Trí Tuệ thọ lãnh gia tài và trở thành phú hộ trẻ.

Chàng Phú hộ trẻ suy nghĩ rằng: Từ thời tổ tiên, ông bà cha mẹ ta đã lần lượt qua đời, nhưng không một ai mang theo được một chút tài sản gì, của cải lần lượt đã bỏ ông bà cùng cha mẹ ta! Bây giờ đến phiên ta, sau khi ta qua đời, tất cả của cải nầy sẽ phải theo ta. Nghĩ vậy mà chàng phú hộ trẻ bàn bạc với người em gái.

- Này em gái! Ông Bà, Cha mẹ của chúng ta mất đi song chẳng mang theo được chút của cải gì. Chúng ta sẽ mang theo của cải nầy sau khi chết bằng cách bố thí tất cả để tạo Phước lành, rồi sống cuộc đời đạo sĩ, em có bằng lòng không?

- Này anh! Chỗ tài sản này anh đã từ bỏ nó, như nhỗ đi một bãi nước bọt thì em đây lẽ nào nhận nó được sao?

Sau khi bàn bạc xong, hai anh em dựng đàn trại trước nhà để bố thí suốt 7 ngày, 7 đêm. Song với 800 triệu của cải, hai anh em bố thí không thể nào hết được, bèn viết bảng dán lên cửa rằng: "Những ai cần vật gì trong nhà này thì hãy đến mà chọn lấy." Rồi họ ra đi.

Họ đi vào rừng cách xa thành Balanại khoảng 2-3 dặm. Hai anh em bắt đầu đời sống đạo sĩ tu hành tại đó.

Theo gương của chàng trai Akitta giờ đã trở thành đạo sĩ, dân trong kinh thành lần lượt cũng kéo vào rừng. Rồi họ cũng được đạo sĩ Akitta hiền từ dạy dỗ, hướng dẫn tu hành. Dần dần, số lượng người đi theo đạo sĩ Akitta ngày một đông thêm và như thế khu rừng trở nên không còn yên tịnh nữa.

Một đêm nọ đạo sĩ Akitta đã lặng lẽ rời khỏi khu rừng đi đến một khu vườn gần gần quốc độ Damila để độc cư hành đạo tại đó. Sau một thời gian đêm ngày nỗ lực cần mẫn, đạo sĩ Akitta đã đắc được các Pháp thần thông.

Ít lâu sau, người em gái Đạo sĩ Akitta cũng tìm đến gặp được Ngài, rồi lần này mọi người lại kéo đến thật đông hơn lần trước.

Lần thứ ba vận thần thông đã chứng đắc, Ngài bay đến đảo Rắn, gần đảo của Loài rồng. Dưới một cội cây to trên đảo ấy, Ngài cất một cốc lá nhỏ để ở. Mùa mưa, rồi mùa nắng cũng như mùa lạnh trôi qua, Ngài cũng chỉ ở một chỗ sống cuộc đời tri túc chỉ với lá cây, trái cây hay vỏ cây luộc để duy trì thọ mạng hành đạo trong suốt 12 năm ròng.

Thời gian ấy, ngai vàng của vua trời Đế Thích bỗng trở nên căng cứng lại mà không còn mềm mại như trước. Thấy sự lạ Đức Đế Thích giật mình: -Thế gian có chuyện gì lạ lùng xảy ra đây? Ngài dùng thiên nhãn nhìn xuống trần gian quan sát thấy Đạo sĩ Akitta đang nỗ lực hành đạo. Vua trời Đế Thích suy nghĩ rằng: - Không rõ vì cớ gì mà vị đạo sĩ này lại nỗ lực tinh cần thế kia! Tính chuyện tranh giành Ngôi báu của ta chăng? Nghĩ đến đấy, Đức Đế Thích thấy lòng mình bồn chồn lo âu, đứng ngồi không yên. "Để rõ sự thể ta phải đi hỏi đạo sĩ này mới được".

Ta với hình tướng như thế này thì không thể nào hỏi được." Rồi vua trời Đế thích hoá hiện thành một vị Bà la môn đi khất thực.

Buổi sáng đợi đến lúc lá cây đã luôc xong và đạo sĩ Akitta chuẩn bị dùng, vị Bà la môn với túi vải và bát nhỏ tiến đến trước cốc lá. Thấy người Bà la môn đến xin vật thực, đạo sĩ Akitta trong lòng hoan hỷ vì tự thấy mình thật là may mắn:

"- Ta đã bị gián đoạn sự bố thí cúng dường suốt 12 năm nay rồi, hôm nay cơ hội bố thí đã đến, ta sẽ bố thí!"

Nghĩ vậy Ngài gọi người Bà la môn đến và đổ tất cả phần lá luộc có được vào bát ông ta. Với ý nghĩ: "Ta sẽ nhịn ngày hôm nay." Với sự bố thí vừa mới làm, hoan hỷ trong lòng phát sinh làm Ngài no vui trọn ngày hôm ấy.

Ngày hôm sau, vua trời Đế thích trong hình dáng của người Bà la môn cũng lại đến. Rồi lại ngày hôm sau nữa, cứ như vậy sự việc lại tiếp tục diễn ra giống như ngày đầu.

Vua trời Đế Thích nghĩ ngợi: "Đã ba ngày rồi nhịn đói để bố thí cho ta, sức lực của đạo sĩ ắt có phần mỏi mệt. Nhưng sao khuôn mặt đạo sĩ vẫn hằng rạng ngời một vẽ an nhiên tự tại thế kia! Chắc hẳn đạo sĩ này có một điều gì phi thường đây? Ta phải tỏ tường mới được."

Đức Đế Thích lo âu sợ mất ngôi vương vị mà hỏi: "Này ông đạo sĩ Cao quý! Tại sao ông không sống cùng với thế giới loài người mà lại một mình trên đảo hoang vắng này? Tại sao ông xa lìa hạnh phúc của loài người? Ông mong muốn hạnh phúc gì cao thượng hơn chăng...? Ông mong cầu mình sẽ đạt được điều gì lớn lao hơn hạnh phúc loài người chăng? "

Bởi đã chứng đắc được các Pháp thần thông linh diệu hiểu biết được nội tâm của người khác mà Đạo sĩ Akitta đọc được sự lo âu của Vua trời Đế Thích: "Ta sẽ nhân cơ hội mà dạy dỗ Vua trời này mới được."

Ngài bèn nói:

- Này Thiên Vương!

"Tất cả những sự sinh thành trên đời này là khỗ .

Tất cả sự sinh thành rồi đều bị hoại diệt, sự diệt là khỗ

Vô minh không biết đến sự sinh thành, sự hoại diệt ấy rồi chết đi là khỗ . Của cải tài sản rồi cũng sẽ hoại diệt."

- Này Thiên Vương!

Ngay cả ngai vàng, ngôi vị Thiên chủ của Ngài, tại cung trời Đao lợi, cho dù tuổi thọ có dài so với thời gian của loài người 36 triệu 500 ngàn năm chăng nữa, nhưng rồi cũng sẽ đến hồi hoại diệt mà thôi!.

- Để thoát khỏi 3 sự thống khỗ đó và chứng đạt Niết Bàn cao thượng là mục đích hành đạo của ta vậy.

5. Đức Chuyển Luân Vương

Đức Chuyển Luân Vương là vị vua cai quản cả 4 châu Thiên ha Gọi là Đức Chuyển Luân Vương, khi mà Ngài ở đâu thì xe báu của Ngài liền đến bên cạnh để chờ lệnh Ngài.

Bất kể nơi đâu, khi mà xe báu đến, thì các Quốc vương tại các Quốc Độ ấy tự đến quỳ mọp cung kính đảnh lễ và thưa rằng:

- Kính bạch Ngài! Xin Ngài nhận chúng tôi cùng với toàn dân trong quốc độ này là thuộc về Ngài. Chúng tôi xin làm những người hầu hạ trung thành nhất của Ngài. Kính xin Ngài dạy bảo chúng tôi, chúng tôi xin dâng toàn Quốc Độ này đến Ngài".

Như vậy Đức Chuyển Luân Vương là người mà được các Đức Vua tôn trọng kính nể và gởi gắm, dâng quốc độ của mình. Bất kể Quốc độ nào, Ngài không cần dùng binh khí hay đao trượng để chinh phục. Chỉ cần Ngài có sự mong muốn thì tất cả đến trước Ngài quỳ mọp mà xin làm tôi tớ và gởi gắm quốc độ đang trị vì cho Ngài.

Đức vua Chuyển Luân Vương là người mà được tất cả kính nể bởi uy lực đại phước báu của Ngài.

Đức Vua Chuyển Luân Vương không cần thiết phải đặt ra nhiều luật pháp để trị vì thiên hạ, toàn bộ các cõi để có sự thanh bình, êm ấm đi đến đâu Ngài cũng giảng năm pháp để cai trị thần dân trong thiên hạ.

Năm pháp mà Đức Chuyển Luân Vương cai trị là:

1. Hãy tránh xa sự sát sanh.
2. Hãy tránh xa sự trộm cắp.
3. Hãy tránh xa sự tà dâm.
4. Hãy tránh xa sự nói dối.
5. Hãy tránh xa sự dễ duôi uống rượu và các chất say.

Với lời dạy năm điều này mà đức vua Chuyển Luân Vương thống trị cả mặt đất, cả thế giới đươc an vui, hoà bình. Như vậy thật sự là một Đức Chuyển Luân Vương có đại uy lực về thần thông, đại uy lực về phước báu bất khả tư nghì.

Khi mà Đức Chuyển Luân Vương hết tuổi thọ, thì ngôi Chuyển Luân Vương chỉ được truyền lại cho người con trai lớn, chứ không một ai khác.

Con trai của Đức Chuyển Luân Vương, không ai có thể thay thế được! Tại vì sao? Bởi vì Hoàng hậu của Đức Chuyển Luân Vương cũng có nhiều uy lực và nhiều khả năng để bảo hộ cho con trai của bà được đầy đủ sung mãn mọi mặt.

Đức Chuyển Luân Vương có đầy đủ bảy loại báu trong thế gian:...

* Xe báu (có thể chở một số lượng lớn người đi trên hư không .. ..)

* Châu ngọc báu (ngọc mani; ngọc như ý ...)

* Hoàng hậu báu (có nhan sắc xinh đẹp, da mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông ...)

* Phú hộ báu (những người giàu sang làm chủ các kho tàng trên thế gian, khi cần Đức Chuyển Luân Thánh Vương mời gọi các phú hộ báu đến để hỗ trợ cho Ngài...)

* Voi báu (có thể đưa Ngài bay quanh bốn biển và quay trở về kịp thời bữa ăn sáng).

* Ngựa báu (có thể đưa Ngài bay quanh bốn biển và quay trở về kịp thời bữa ăn sáng).

* Con trai báu (người xứng đáng kế thừa ngai vàng khi đức Chuyển Luân qua đời).

Hằng tháng tới ngày bát quan trai giới, Đức Chuyển Luân Vương tắm gội sạch sẽ, và nguyện thọ trì bát quan trai giới trong sạch...

6. Tích chuyện bố thí cơm:

Tính ngược thời gian cách đây chín mươi tư quả đất về trước, có một đức Phật ra đời hiệu Sidatta.

Vào một thuở nọ Đức Phật Sidatta trên đường trì bình khất thực. Nhìn thấy sắc tướng phát ra ánh sáng, dung mạo trang nghiêm từ Ngài, một chàng trai phát sinh sự tôn kính, cung thỉnh Ngài về nhà, cúng dường cơm đến Ngài.

Do nhân lành đó, bắt đầu kể từ kiếp ấy, sau khi chết chàng trai thường tái sanh vào các cõi Trời; cõi Người, hưởng được nhiều sự giàu sang, an lạc và không có một lần nào tái sanh vào một trong bốn đường ác đạo. Kiếp cuối cùng của chàng trai ấy được sanh vào thời Đức Phật Thích Ca ra đời, là một người đại phú, xin xuất gia trở thành tỳ kheo hành đạo và chứng đắc đạo quả A la hán an vui giải thoát vĩnh viễn.

7. Tích chuyện bố thí nước

Vào thời quá khứ có một đức Phật hiệu là Padumuttara sau khi Ngài nhập Niết Bàn, trong Giáo Pháp của Ngài, các bậc thiện nam, tín nữ đến tưới nước vào cây Bồ Đề để tưởng nhớ ân đức Từ Bi của Ngài.

Vào lúc bấy giờ có một chàng trai trẻ tay bưng một lọ nước đẹp, trong lọ chứa đựng nước hoa thơm, đến tưới vào gốc cây Bồ Đề.Bắt đầu từ kiếp đó, chàng trai ấy thọ sinh vào cõi trời Đao Lợi và thường tái sinh làm vua loài trời, vua loài người trong nhiều kiếp, hưởng thụ được nhiều sự an lạc.

Kiếp cuối cùng của chàng trai ấy được sanh vào thời Đức Phật Thích Ca, xin xuất gia trở thành tỳ khưu hành đạo và chứng đắc đạo quả A la hán.

8. Tích chuyện về bố thí hoa

Vào một ngày nọ, Đại đức Mục Kiền Liên, dùng thần thông đi du hóa tại cõi trời ngoạn cảnh. Thấy trên một hồ nước nhiều loài hoa sen đua nở trông thật đẹp mắt. Giữa hồ nước ấy Ngài phát hiện ra một toà lâu đài vô cùng nguy nga tráng lệ, thấy một nữ Thiên chủ giữa đám Thiên nữ đang hầu hạ.

Ngài bèn đến hỏi:

- Nầy nữ thiên chủ! Do nhân lành nào mà nàng có được sự huy hoàng này?

Nữ thiên chủ cung kính thưa rằng:

- Kính bạch Đại đức! Kiếp trước đây, con là một cô gái tên là Petavati ở tại phía Đông làng Nala thuộc kinh đô Yajagyo. Vào một ngày nọ, nhìn thấy Ngài A la hán Sariputta (Xá Lợi Phất) tâm con vô cùng hoan hỷ, con đã dâng thật nhiều hoa đến cúng dường Ngài, do nhân lành ấy mà con được toà Thiên Cung huy hoàng nầy và sự an lạc ngày hôm nay, thưa Đại Đức!

9. Tích chuyện bố thí đèn

Vào thời Đức Phật Padumuttara còn tại thế, có một chàng trai dùng năm ngọn đèn thắp xung quanh cúng dường cây Bồ Đề.

Do phước lành cúng dường đèn đến cây Bồ Đề, bắt đầu từ kiếp ấy chàng trai liên tục tái sanh luân lưu trong hai cõi Trời - người, đặc biệt là chàng trai có đôi mắt nhìn xa hàng trăm do tuần.

Kiếp cuối cùng của chàng trai ấy được sanh vào thời Đức Phật Thích Ca, xin xuất gia trở thành Tỳ Kheo có tên là Pinsadipaka hành đạo và chứng đắc đạo quả A la hán.

Đức Phật Sumingala, trong thời kỳ còn hành Bồ Tát Đạo để bổ túc Ba la mật, do phước bố thí đèn từ quá khứ mà về sau từ kim thân Ngài, hào quang thường xuyên toả chiếu suốt ngày lẫn đêm, lấn át ánh sáng của mặt trăng, mặt trời và cả các vì tinh tú.

10.Người bố thí thuốc (Đại Đức Bakula)

Vào thời Đức Phật Anomadati, có một vị đạo sĩ hành đạo trong núi Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ Đức Phật đang mắc phải bệnh phong, đạo sĩ tìm kiếm trong dãy núi Tuyết sơn những rễ và củ cây làm thuốc cúng dường đến Đức Phật. Sau khi dùng thuốc bệnh phong Đức Phật được dứt khỏi. Từ phước lành này đạo sĩ cầu nguyện xin Đức Phật chứng minh cho rằng: "những kiếp về sau đạo sĩ không hề mắc bất kỳ một bệnh tật gì".

Do nhân lành của sự cúng dường thuốc đến Đức Phật, hàng trăm ngàn kiếp trái đất về sau, đạo sĩ luân lưu tái sanh trong hai cõi Trời - người.

Vào thời Đức Thích Ca ra đời là kiếp cuối cùng đạo sĩ tái sanh làm một chàng trai con nhà phú hộ giàu có tại thủ đô Baranasi (Balanại) có tên là Bakula, thụ hưởng mọi an lạc trong thế gian đến năm 80 tuổi. Sau đó ông đến xin Đức Phật xuất gia trở thành Tỳ Kheo, hành đạo không bao lâu chứng đắc được đạo quả A la hán. Suốt trọn cả kiếp ấy chưa có một lần nào bị bệnh gì cả (trở thành bậc đệ nhất về vô bệnh trong hàng đệ tử Phật), hưởng thọ được 160 tuổi và cuối cùng nhập Niết Bàn giải thoát, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi.

-ooOoo-

Mục lục | 01 | 02 | 03 | Đầu trang

Cám ơn đạo hữu HT đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 11-2005)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
15-11-2005