BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Mười Ngày Thiền Tập
Thiền sư Khippapanno Kim Triệu (1997)


 

 

[07]

Ngày Thứ Bảy

Vô Minh: Căn Nhân của sự Luân Hồi


Hôm qua, Sư có giảng về Thập Nhị Nhân Duyên. Trong Thập Nhị Nhân Duyên, chi pháp này liên quan đến chi pháp khác, nên cũng còn gọi là Thập Nhị Duyên Khởi. Sư cũng có nói là vị Bồ-Tát quán Thập Nhị Nhân Duyên trước khi thành đạo. Sau khi thành đạo, Ngài đem giáo lý này giảng dạy cho chúng sanh trong 45 năm vì đây là giáo pháp rất quan trọng.

Thập Nhị Nhân Duyên là gì? Có câu kệ bằng tiếng Pàli, Sư xin đọc cho quý vị nghe: "Avijja (vô minh) paccaya (sanh ra) sankhara (hành), sankhara paccaya vinnana (thức), vinnana paccaya namarupa (danh sắc), namarupa paccaya ayatana (lục căn), ayatana paccaya phassa (xúc), phassa paccaya vedana (thọ), vedana paccaya tanha (ái dục), tanha paccaya upadanam (thủ), upadana paccaya bhavo (hữu hay cảnh giới hay nghiệp), bhava paccaya jati (sanh), jati paccaya vachanam (già chết), charamaranam sakhaparaveta dukkha domanasa payasasam pavanti (già chết, buồn rầu, khóc than, khổ não, phiền muộn, đau đớn cũng phát sanh lên)." Đó là 12 chi của Thập Nhị Nhân Duyên.

Đức Phật dạy: "Này các vị Tỳ-khưu, vô minh khởi, kế tiếp là điều kiện pháp bắt đầu khởi, khi hành khởi rồi thì pháp kế tiếp sanh lên, v.v... Thì khi diệt trừ vô minh, hành mới diệt được và các pháp kế tiếp cũng không sanh lên được." Đây là các chi pháp Thập Nhị Nhân Duyên mà Sư giảng hôm qua. Hôm nay, Sư xin nói về sự quan trọng của Giáo Pháp này.

Trước hết, Vô Minh trong Thập Nhị Nhân Duyên là gì? Vô minh là sự hiểu biết không đúng, hay là không có trí tuệ trong sự quán sát. Như vậy, vô minh là hiểu biết không đúng. Đức Phật chỉ rõ vô minh trong Tứ Diệu Đế là không thấy Khổ Diệu Đế, không thấy Tập Diệu Đế, không thấy Diệt Diệu Đế, không thấy Đạo Diệu Đế. Nghĩa là hiểu không đúng trong Khổ-Tập-Diệt-Đạo. Theo Khổ Diệu Đế, tất cả vạn vật trên thế gian này đều là Vô Thường, Khổ Não và Vô Ngã; nhưng trái lại chúng sanh cho là thường, vui và ngã. Hiểu ngược sự thật như vậy gọi là vô minh.

Vô Minh này thật là sâu dày, khó diệt được. Đức Phật có nói rõ: "Vô minh chỉ được diệt hẳn khi hành giả đắc A-La-Hán quả." Vì vậy, ta thấy cái gốc của Vô Minh rất là sâu dày. Sơ Quả, Nhị Quả và Tam Quả vẫn còn vô minh. Tại sao ta có vô minh? Vì ta không chú ý và không có trí nhớ trong những kinh nghiệm. Như thế nào là không chú ý và không trí nhớ trong kinh nghiệm? Có ý nói là không nhớ trạng thái, bản chất của nó. Ví dụ đây là lửa và trạng thái của lửa là nóng, ta kinh nghiệm như vậy. Nhưng sau đó không kinh nghiệm nữa nên ta không còn nhớ lửa là nóng. Vậy là không chú ý và không có trí nhớ trong kinh nghiệm. Quên như vậy gọi là vô minh. Trên thế gian này, tất cả chúng sanh cho ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc) là vui, là đẹp; mà sự thật nó là không vui, không đẹp. Bản chất nó là như vậy. Biết bao chúng sanh trên thế gian này gặp những chuyện khổ não. Tuy nhiên, khi xa nó một thời gian, rồi cũng lặp lại những chuyện đó và chịu khổ nữa. Cứ luôn tiếp diễn như thế! Tại sao vậy? Tại vì chúng sanh không có trí nhớ. Nếu biết cái đó là khổ, mình tránh xa nó thì không còn bị khổ nữa. Nhưng vì thói quen nên cứ quay trở lại. Như vậy gọi là Vô Minh.

Vô Minh như thế là vì thiếu Minh Sát Tuệ. Chỉ có Minh Sát Tuệ mới cho ta thấy rõ bản chất của sự vật. Nếu thấy rõ, gọi là Minh. Minh Sát Tuệ tiếng Pàli gọi là Vipassana, có nghĩa là "pannati visesena passati vipassana" -- "thấy vạn vật trên thế gian với thật tướng của nó, gọi là Vipassana". Như vậy, ta phải quán sát tất cả vạn vật trên thế gian này với Tuệ Minh Sát để thấy rõ. Đó gọi là Minh Sát Tuệ.

Không thấy rõ, không nhận thức rõ điều khổ, đó là Vô Minh trong Khổ Diệu Đế. Ví dụ khổ già, khổ sanh; tuy vậy nhưng có bao giờ chúng sanh thấy sanh là khổ đâu? Ngay cả khi những người già, dù đang đau yếu, cũng không bao giờ nghĩ trong tâm: già là khổ. Và ngay cả mình đang khổ đây mà cũng không thấy là khổ nữa. Tại sao vậy? Vì thiếu Minh Sát Tuệ. Huống chi những vật trên thế gian liên quan đến danh sắc, lục căn, lục trần, luôn luôn che mờ chúng sanh không cho thấy sự khổ!

Hai là Vô Minh trong Tập Diệu Đế. Chúng sanh lúc nào cũng muốn được vui mà không biết khổ là do ái dục sanh ra. Khi muốn được vui, chúng sanh tạo biết bao hành động để tìm sự vui thú, rồi cũng tạo biết bao hành động để bảo vệ, duy trì sự vui thú và ham muốn của mình. Bất cứ cái gì mà chúng sanh tạo với sự ham muốn, với nhân ái dục, là toàn đem lại Khổ Não.

Bây giờ lấy ví dụ là mấy chương trình quảng cáo trên máy truyền hình. Khi đem ra quảng cáo, cái gì xem cũng hay, cũng đẹp, cũng tốt; và nếu chúng sanh thấy cái đó là hay, là đẹp, là tốt thì cứ chạy theo. Mà càng chạy theo đời sống vật chất thì càng lo lắng để kiếm tiền của cung ứng cho những nhu cầu trên. Như vậy, càng chạy theo ái dục (nhân) nhiều chừng nào thì càng chịu khổ đau (quả) nhiều chừng ấy. Đó là Vô Minh trong Tập Diệu Đế.

Bậc thánh nhân thấy thế gian này là Khổ; ngược lại, phàm nhân thấy thế gian này là vui. Đó là vì bậc thánh nhân có Tuệ Minh Sát và hiểu sự thật thế gian toàn là Khổ; và vì phàm nhân không có Tuệ Minh Sát nên thấy thế gian toàn là vui. Vì thế, phàm nhân cứ mãi bị dính mắc trong Tam giới -- đó là Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Còn bậc thánh nhân thấy Khổ nên không dính mắc trong Tam giới. Nếu ta thấy thế gian này vui thì chính ta đang có vô minh trong Dục Giới hay ái dục, hay ta đang vô minh trong Tập Diệu Đế.

Vì vô minh nên thấy đời khổ cho là vui, thấy vô thường cho là thường, không có Ngã nhưng lại cho là có Ngã. Như vậy, làm sao diệt được Vô Minh? Chỉ có con đường đến Niết-Bàn mới diệt được thôi. Diệt đây là diệt cái gì? Như ta đã biết, Vô Minh là căn bản tạo ra Danh Sắc (nama rupa). Nói gọn lại, khi Danh Sắc này còn, ta vẫn tiếp tục luân hồi, thì sự đau khổ kéo dài. Nhưng nếu không thấy rõ Danh Sắc này là khổ, là thay đổi, thì làm sao thấy Niết-Bàn được? Tại sao vậy? Vì Danh Sắc che áng không cho chúng sanh thấy Niết-Bàn. Và vì không thấy Niết-Bàn, nên chúng sanh không muốn đến Niết-Bàn. Đây là Vô Minh trong Diệt Diệu Đế. Sự sanh diệt hay sự diệt hẳn của Danh Sắc rất là khó hiểu vì Vô Minh che áng không cho ta thấy rõ điều này. Vì vậy, Khổ Đế, Tập Đế, và Diệt Đế là ba sự thật mà chúng sanh không thấy rõ.

Còn Diệu Đế thứ tư là Đạo Diệu Đế hay Bát Chánh Đạo, là con đường tốt nhất trên thế gian này; nhưng cũng vì Vô Minh che áng, chúng sanh không nhận thức được đó là con đường đúng. Như vậy, bốn sự thật đều bị che áng bởi Vô Minh, khiến cho chúng sanh không thấy một sự thật nào. Nếu Vô Minh như vậy gọi là Vô Minh trong Tứ Diệu Đế hay là Vô Minh trong Thập Nhị Nhân Duyên.

Với sự vui thú, con người tạo biết bao hành động tàn ác, như giết súc vật để tế thần. Làm như vậy không phải là con đường vui, là con đường diệt khổ. Chỉ vì mê lầm, chúng sanh cầu sự an vui bằng cách làm như vậy. Nhưng thật ra, con đường an vui là con đường đi đến Niết-Bàn. Và ta chỉ thấy được con đường đi đến Niết-Bàn nếu ta có Minh Sát Tuệ (Vipassananana). Nếu không có Minh Sát Tuệ thì không bao giờ thấy con đường an vui. Nhưng vì bị Vô Minh che áng nên chúng sanh không tìm thấy Minh Sát Tuệ được. Mà không có Tuệ Minh Sát thì làm sao thấy rõ Danh Sắc? Nhờ Tuệ Minh Sát, ta thấy đúng thật, hay thấy Tứ Diệu Đế.

Thấy rõ Tứ Diệu Đế gọi là thấy rõ sự thật. Vậy thì làm sao có Tuệ Minh Sát để ta thấy rõ Tứ Diệu Đế? Muốn có Tuệ Minh Sát, ta phải thực hành. Chính Đức Bồ-Tát cũng thực hành Vipassana để đắc đạo quả. Hôm qua, Sư có giảng, qua canh thứ ba Đức Bồ-Tát quán Thập Nhị Nhân Duyên bắt đầu từ chỗ sanh, già, đau, chết. Ngài quán thấy: "Sở dĩ có già, có chết là tại có sanh. Tại sao có sanh? Vì có hữu. Tại sao có hữu? Vì có thủ. Tại sao có thủ? Vì có ái. Tại sao có ái? Vì có thọ? Tại sao có thọ? Vì có xúc. Tại sao có xúc? Vì có lục căn. Tại sao có lục căn? Vì có Danh Sắc. Tại sao có Danh Sắc? Vì có thức. Vì khi có thức là có hành vi." Đến đây, Ngài quán ngược lại, thấy rằng nếu muốn không già, đau, chết thì phải không có sanh, v.v... Nghĩa là nếu pháp này mất thì pháp kia cũng mất; rồi tuần tự những pháp khác cũng mất hết. Cứ thế, Ngài quán xuôi quán ngược. Sau khi quán phần này rồi, Ngài chuyển sang hành Minh Sát Tuệ (hay Tứ Niệm Xứ) và đắc đạo quả thánh theo thứ tự Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm và A-La-Hán; nghĩa là đắc Lậu Tận Minh, thành Phật trong canh ba. Đó là Ba-La-Mật của một vị Bồ-Tát.

Sau khi thành Phật, đến ngày thứ tám, Ngài quán Thập Nhị Nhân Duyên một lần nữa. Nhưng ở đây, Ngài quán thêm, thấy rõ nguồn gốc của hành là Vô Minh. Và dưới cội cây Bồ Đề, Ngài thốt lên: "avijja paccaya sankhara" nghĩa là "Vô Minh sanh ra Hành." Theo thứ tự trong Thập Nhị Nhân Duyên, pháp này sanh thì pháp kia cũng sanh; pháp này diệt thì pháp kia cũng diệt. Khi diệt một pháp thì mọi pháp khác cũng diệt, nghĩa là Vô Minh cũng diệt. Khi diệt được Vô Minh thì có Minh, tức là Niết-Bàn vậy.

Thời giáo lý đến đây xin tạm dứt. Trước khi dứt, Sư xin cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo hộ trì cho quý vị được sự an vui, tinh tấn tu hành mau đến nơi giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

[^]


Bài trước | Mục lục | Bài kế


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-08-2000