BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Quan điểm về Nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy

Thích Hạnh Bình


2. QUAN ÐIỂM NGHIỆP TRONG A-HÀM HAY TRONG NIKÀYA

A hàm (Àgama) là kinh tạng Bắc truyền, bao gồm:

(1) Trường A hàm,
(2) Trung a hàm,
(3) Tạp A hàm,
(4) Tăng nhứt A hàm,
ngoài ra còn có (5) Tạp tạng,

tương đương với Nam truyền Pàli tạng:

(1) Trường Bộ kinh,
(2) Trung Bộ kinh,
(3) Tương Ưng Bộ kinh,
(4) Tăng Chi Bộ kinh, và
(5) Tiểu Bộ kinh

là 5 bộ kinh của phái Ðồng Diệp bộ (Tàmra-sàtìya).

Phần lớn giới học thuật cho rằng, kinh tạng A hàm và Nikàya là kinh tạng được kết tập thành văn tự vào thời đại vua A Dục, tức vào khoảng hơn 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt, là những bài kinh được kết tập thành văn tự sớm nhất trong thánh điển Phật giáo. Ðây là nguồn tư liệu đáng được tin cậy để chúng ta tìm hiểu tư tưởng, lịch sử cũng như đời sống sinh hoạt của đức Phật và tăng đoàn của đạo Phật nguyên thủy. 

Trong bài viết về NGHIỆP này, người viết chủ yếu căn cứ hai kinh "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt"  (Cula kamma vibhanga suttam)[1] số 135 và "Kinh Đại nghiệp phân biệt" (Maha kamma vibhanga suttam)[2] số 136 trong "Trung Bộ kinh" (Majjhima Nikàya). Hai bài kinh này tương đồng với trong Hán tạng là "Kinh Oanh vũ"[3] số 170 và " Kinh Phân biệt đại nghiệp"[4] số 171 trong "Kinh Trung A hàm". Theo một số học giả cho rằng. kinh Trung Bộ (Pàli tạng) thuộc về bộ phái Ðồng diệp bộ (Tàmra-sàtìya) , kinh Trung A hàm (Hán tạng) thuộc về bộ phái Thuyết nhứt thiết hữu (Sarvastivada). Tuy nguồn gốc xuất phát của hai văn bản từ hai bộ phái khác nhau, nhưng xét về nội dung gần như giống nhau toàn bộ, chỉ có  "Kinh Oanh vũ" so với " Kinh Tiểu nghiệp phân biệt" thì có khác nhau đôi chút. Kinh "Oanh vũ" của bản Hán thêm câu chuyện về tiền thân con chó trắng là cha của Oanh vũ ma nạp đề tử, còn "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt" của bản Pàli thì không có đoạn này, phần còn lại hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt này không làm thay đổi nội dung chính của kinh, có lẽ bản Hán thêm phần này chỉ vì mục đích cường điệu hóa vấn đề nhân quả, nhằm mục đích tăng lòng tin cho hàng Phật tử tại gia mà thôi. 

Qua hai kinh "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt" và "Kinh Đại nghiệp phân biệt" của Pàli tạng hay "Kinh Oanh vũ" và " Kinh Phân biệt đại nghiệp" của Hán tạng, chúng ta cần lưu ý, hình thức cấu trúc và nội dung của hai bài kinh này không giống với những kinh khác. Về mặt hình thức chúng ta thấy, hai kinh này đều mang từ phân biệt (vibhanga) là hình thức của luận (abhidharma), không phải kinh (sutra), có lẽ đây là hình thức luận đầu tiên của của Phật giáo. Phải chăng nó là hình thức sơ khai của "luận tạng"? Ðây là điểm chúng ta cần lưu ý.

Kế đến, đối tượng mà đức Phật nói hai bài kinh này cũng không giống nhau, đối tượng mà đức Phật nói "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt" là thanh niên Subha Todeyyaputta, là một cư sĩ tại gia; Còn đối tượng đức Phật giảng dạy "Kinh Đại nghiệp phân biệt" là tôn giả A nan (Ananda) và các vị Tỳ kheo, là những người xuất gia, do vì đối tượng không giống nhau, cho nên nội dung mà đức Phật trình bày vấn đề cũng khác nhau. Vì đối tượng là người Phật tử tại gia, mức độ am tường Phật học không sâu, chỉ có nhu cầu tìm hiểu những hiện tượngï khác biệt trong cuộc sống, cho nên đức Phật chỉ giải thích mối quan hệ nhân quả mang tính hình thức, là những hiện tượng mà trong cuộc sống chúng ta thường gặp. Nhưng đối tượng mà đức Phật nói "Kinh Đại nghiệp phân biệt"  là người xuất gia, là những người uyên thâm Phật học, cho nên đức Phật trình bày những vấn đề mang tính triết học, và đặc biệt Ngài chú trọng vai trò chánh kiến - trí tuệ. Ðó là sự khác biệt của hai kinh, chúng ta cần lưu ý. Nội dung của hai bài kinh này sẽ được trình bày và phân tích dưới đây. 

A. Nội dung và ý nghĩa "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt"  

Lý do đức Phật nói "kinh Tiểu nghiệp phân biệt" là thanh niên Subha todeyyaputta hỏi Phật: "Do nhân duyên gì cùng là loài người với nhau, nhưng có sự sai khác nhau về cuộc sống. Cóù người được người khác yêu mến, có người không được người khác mến thương; người được sống lâu, người lại chết yểụ; người khoẻ mạnh, người bị nhiều bệnh hoạn; người đẹp kẻ xấu; người có chức quyền, người không chức quyền; người giàu kẻ nghèo; người thông minh, kẻ ngu muội...?" 

Ðức Phật trả lời: "Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng. Nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu". 

Ðại ý câu trả lời này, đức Phật giải thích sự khác biệt nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác biệt về nghiệp. Nghiệp chính là chủ nhân phân chia sự sống của con người có sự sai khác. Như vậy, nghiệp là gì? Nghiệp tiếng Phạn là Karma, có nghĩa là hành động, hành vi, hay sự tạo tác. Ở đây, hành vi tạo tác có hai trường hợp, tạo tác có ý thức và tạo tác vô ý thức. Theo Phật giáo, tạo tác không có ý thức không thể gọi là nghiệp, chỉ có hành viï tạo tác có ý thức mới thành nghiệp. Như vậy, cái gọi là nghiệp là hành động có ý thức, vì ý thức giữ vai trò chỉ đạo. hành động nào mang một ý thức tốt đẹp thiện, thì hành động ấy sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp.

Ví như chúng ta muốn trở thành một vị bác sĩ tài giỏi, điều kiện tất yếu là chúng ta phải nỗ lực học tập, thâu thập kinh nghiệm trong ngành y khoa, nếu làm đúng như vậy thì chúng ta sẽ trở thành một vị bác sĩ tài giỏi. Ðó là kết quả của một hành động có ý thức. Thế nhưng, ngược lại có người cũng muốn như vậy, nhưng không nỗ lực học tập, rút kinh nghiệm, thì người đó sẽ trở thành một vị bác sĩ không giỏi. Ðó là kết quả của một hành động thiếu ý thức. Sự khác biệt nhau về con người không phải là số phận, là định mệnh, chính là do hành nghiệp của chúng ta. Ðây là ý nghĩa chân chính mà đức Phật muốn trả lời cho vị thanh niên Subha Todeyyaputta.

Thế nhưng vị thanh niên này với trình độ Phật học quá non kém, không hiểu ý nghĩa sâu xa về mối quan hệ giữa nhân và quả dưới góc độ tâm lý, do đó Ngài không thể trình bày giáo lý sâu xa mà Ngài đã chứng được, chỉ y cứ vào sự hiểu biết của vị thanh niên này, trình bày những gì mang lại lợi ích thực tế cho họ, mặc dù đó không phải là ý nghĩa sâu xa của nghiệp, cho nên Ngài căn cứ những hiện tượng thông thường của cuộc sống, giải thích mối quan hệ nhân quả mang tính vật lý, nhằm giúp cho những người này từ bỏ và tránh xa những hành vi phi đạo đức, giúp cho họ có cuộc sống an vui, làm nền tảng cho sự công bằng và trật tự xã hội mà các nhà triết học trước đã phá hủy, hay xây dựng một hệ thống đạo đức chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho giai cấp Bà la môn, là giai cấp thống trị tối cao của xã hội Ấn. Ðó là lý do tại sao đức Phật nói bài kinh này. 

1- Sự khác biệt giữa người sống lâu và người chết yểu 

Sau khi đức Phật trình quan điểm về nghiệp của Ngài, nhưng vị thanh niên Subha Todeyyaputta không hiểu ý nghĩa sâu xa về nghiệp của đức Phật, cho nên Ngài căn cứ vào trình độ, khả năng hiểu biết của vị thanh niên này, giải thích lý do tại sao giữa con người với nhau tại sao có người sống lâu có người chết yểu.  

Người có cuộc sống ngắn ngủi và nhiều bịnh tật: Vì người ấy sống với tâm độc ác, không có lòng từ bi, tàn nhẫn sát hại mạng sống của chúng sinh... Ðây là nguyên nhân khiến cho mạng sống của người ấy ngắn ngủi, nhiều tật bệnh, sau khi mạng chung, người ấy phải sanh vào cõi dữ, ác thú hay địa ngục. Ngược lại, người sống được trường thọ và ít bệnh tật: Vì người ấy sống với tâm từ bi, thương yêu mọi loài chúng sinh, không sanh tâm sát hại, cho nên người ấy hiện đời có cuộc sống lâu dài, ít bệnh. Sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi Người hay cõi Trời. 

2- Sự khác biệt giữa người đẹp kẻ xấu 

Cũng trong bài kinh này đức Phật trình bày lý do tại sao cùng là con người trong xã hội, nhưng có sự khác nhau về người đẹp và kẻ xấu như sau: Nếu chúng sanh sống trong sự phẫn nộ, sân hận, bất mãn... Ðó là nguyên nhân đưa đến có một thân thể không xinh đẹp không dễ thương. Ngược lại, nếu người nào sống trong sự bình tỉnh, không phẫn nộ, không sân hận, đó là nguyên nhân khiến cho người ấy có thân hình đẹp đẽ dễ thương. 

3- Sự khác biệt giữa người có địa vị và không địa vị 

Người không có quyền thế trong xã hội, vì người ấy sống với lòng tật đố, tị hiềm, nghi kỵ không tôn trọng người khác, đó là lý do khiến cho người ấy sống trong xã hội không có quyền thế. Ngược lại, người nào sống với lòng khoan dung, cảm thông, tôn trọng kẻ khác, do vậy người ấy sống có quyền thế trong xã hội. 

4- Sự khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo 

Người có cuộc sống nghèo khổ trong xã hội, vì người ấy sống với tâm keo kiết bỏn xẻn, không biết bố thí cúng dường cho những Sa môn,Bà la môn, vì nhân duyên ấy, người đó có đời sống nghèo khổ, bần cùng. Ngược lại, người nào sống với tâm rộng rãi, biết bố thí cúng dường Sa môn,Bà la môn, đó là lý do khiến cho người ấy có cuộc sống giàu có... 

Bốn trường hợp vừa nêu trên là bốn trường hợp điển hình, được đức Phật trình bày trong "kinh Tiểu nghiệp phân biệt". Ðối tượng mà Ngài nói kinh này là thanh niên niên Subha Todeyyaputta, là người bình thường trong xã hội, không phải là giới tri thức, cũng không am tường Phật học, là những hệ thống giáo lý chuyên phân tích về mặt tâm lý của con người. Do đó, Ngài đã lấy những hiện tượng thông thường trong đời sống hằng ngày, phân tích về mối quan hệ nhân quả, nhằm mục đích ngăn chận những hành vi phi đạo đức, mặc dù sự lý giải này, xét về mặt luận lý học (logic) không mấy thuyết phục, nhưng trên thực tế, đại đa số nhân dân trong xã hội lúc bấy giờ là những người tay lấm chân bùn thiếu học, nhu cầu hiểu biết không cao, do đó với lời giải thích này của Ngài sẽ có giá trị nhất định đối với giới bình dân trong xã hội.

Một điều chứng minh cụ thể là lúc đầu đức Phật đã trả lời cho vị thanh niên này: "... các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp... nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu" . Ðại ý đoạn kinh này, đức Phật muốn chỉ dạy cho vị thanh niên này hiểu rằng, con người là chủ nhân của tất cả hành nghiệp trong cuộc sống, cuộc sống mà chúng ta đang sống, đều do chính chúng ta tạo ra, không có một thế lực của Thượng đế hay Phạm thiên có đủ quyền năng quyết định cuộc sống chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta biết, con người vốn có khả năng hiểu biết, sự hiểu biết đó là chủ nhân quyết định cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau cho đời sống hiện tại và ngày mai của chính mình, đó là ý nghĩa của câu "nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu". Ngài không muốn con người là kẻ nô lệ, là món đồ chơi của thần thánh, con người không thể thành khối vô tri giác, để phải nhờ cậy vào các đấng thiên liêng quyết định cuộc sống của con người. Ai có thể hiểu hơn con người bằng con người hiểu về con người?

Ngài muốn thanh niên niên Subha todeyyaputta và tất cả người dân Ấn hãy dũng cảm vùng dậy, để thoát khỏi chế độ đẳng cấp của giai cấp thống trị Bà la môn, đồng thời phá vỡ thoát ly hệ thống tín ngưỡng phi nhân bản của xã hội đương thời. Thế nhưng, điều mà Ngài hiểu không phải là ai cũng có thể hiểu được dễ dàng, những gì mà Ngài muốn nói cũng không nói với ai được. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân, sau khi Ngài giác ngộ lại có suy nghĩ vào Niết bàn, không muốn nói pháp, vì tất cả những gì Ngài chứng ngộ được, nó đều ngược lại tư tưởng truyền thống, niềm tin nhân dân Ấn. Ðó là lý do chính đáng, đức Phật đã vay mượn những hình thức nào mà vị thanh niên này và mọi người trong xã hội đó có thể hiểu được phần nào về mục tiêu mà Ngài giảng dạy, nói cho cùng mục đích giáo dục của Ngài cũng không ngoài mục đích khuyến khích con người làm việc lành, tránh xa điều ác. Ðó là lý do đức Phật đã nói ý nghĩa của kinh này. 

Thế thì ý nghĩa sâu xa chính đáng về nghiệp theo đức Phật quan niệm như thế nào? Ðể trả lời cho câu hỏi này chúng ta co thể căn cứ "Kinh Đại nghiệp phân biệt" (Maha kamma vibhanga sutta) để tìm hiểu quan điểm về nghiệp của đức Phật, sẽ được trình bày như dưới đây: 

B. Nội dung và ý nghĩa "Kinh Đại nghiệp phân biệt" 

Ðối tượng mà đức Phật nói "kinh Đại nghiệp phân biệt" (Maha kamma vibhanga sutta) này là tôn giả Ananda và các vị Tỳ kheo. Nội dung bài kinh này, đức Phật phân tích mối quan hệ nhân quả rất rất sâu sắc, đặc biệt Ngài rất chú trọng đến vai trò của chánh kiến và thời điểm hiện tại, đó là điểm căn cứ để đánh giá kết quả của một hành động, nó thuộc về thiện hay ác. Sự mơ ước của con người muốn có cuộc sống giàu sang, có địa vị xã hội, thân hình tốt đẹp, v.v...  Xét cho cùng, không ngoài mục đích là con người muốn truy tìm hạnh phúc. Nhưng ở đây, chúng ta thử đặt vấn đề, phải chăng hạnh phúc ở trong sự giàu sang, địa vị, thân tướng tốt đẹp, cuộc sống lâu dài? Theo đức Phật, hạnh phúc không nhất định ở trong đó, hạnh phúc chỉ có được khi con người có chánh kiến, tức trí tuệ, như vậy khi nào có trí tuệ khi ấy có hạnh phúc, đó là lý do tại sao đức Phật đề cao vai trò chánh kiến và thời điểm hiện tại. Từ chánh kiến ở đây không mang một ý nghĩa cố định nào, ngay cả những kinh điển của đức Phật được lưu lại, vì chánh kiến là cái thấy cái biết như thật, cái thấy như thật là cái thấy đương thể, tương tức, không phải bằng ký ức hay kinh nghiệm, đây chính là ý nghĩa câu: "Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống là phi pháp"[5]. Dưới đây chúng ta tìm hiểu ý nghĩa toàn kinh. Trước nhất, đức Phật trình bày bốn hạng người ở đời: 

Bốn hạng người ở đời 

(1). Có hạng người sống với sự sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, tham dục, có lòng sân hận, có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 

(2). Có hạng người sống với sự sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, tham dục, có lòng sân hận, có tà kiến. Nhưng người này sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú thiên giới, cõi đời này. 

(3). Có hạng người sống với sự từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, không nói láo, không tham dục, không có lòng sân hận, có chánh kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú thiên giới, cõi đời này. 

(4). Có hạng người sống với sự từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, không nói láo, không tham dục, không có lòng sân hận, cóù chánh kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 

Bốn trường hợp vừa nêu trên, đức Phật liệt kê bốn hiện tượng có thực trong cuộc sống của con người. Trường hợp thứ 1 và 3 là hai trường hợp có mối quan hệ giữa nhân và quả rất hợp lý, làm ác phải thọ nhận quả báo xấu, làm lành phải gánh chịu những hậu quả xấu, là điều tất nhiên. Hai trường hợp thứ 2 và thứ 4, nếu chúng ta căn cứ luật nhân quả nghiệp lực trong Phật giáo để phán xét vấn đề, chúng ta thấy mối quan hệ về nhân quả không hợp lý, không công bằng, vì tại sao người làm ác, có tà kiến mà người ấy lại được sanh vào cõi lành. Ngược lại, người làm việc thiện có chánh kiến, nhưng sau khi người ấy mạng chung lại đọa vào cõi dữ, ác thú, thế thì vấn đề nhân quả nghiệp báo trong đạo Phật có giá trị gì trong cuộc sống? Ðây là những vấn đề mà trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường gặp, chính nó đã tạo thành những hoài nghi về qui luật nhân quả nghiệp báo trong đạo Phật. Do vậy, đức Phật lấy nó làm đề tài thảo luận chính trong kinh này. Dưới đây là cách giải thích của đức Phật đối với bốn trường hợp vừa nêu trên. Trước nhất là lời khuyên của Ngài đối với chúng ta, không nên có thái độ chủ quan, khi đánh giá bất cứ vấn đề, cần có thái độ thận trọng và khách quan, điều đó giúp cho chúng ta có cái nhìn chân chính. Cái nhìn chân chính là điều kiện mang lại cuộc sống an lạc hạnh phúc. 

Trường hợp thứ nhất: Ðức Phật khuyên chúng ta, khi chúng ta thấy có trường hợp thứ nhất này xảy ra trong cuộc sống, nhưng chúng ta đừng vì thế, vội vã đi đến kết luận: "Ðây là sự thật, tất cả những ai làm ác, có tà kiến, người ấy chắc chắn sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những ai biết như vậy là biết chân chánh, ngoài ra đều hư vọng, sai lầm". Vì sao? Vì trên thật tế, có người làm ác, có tà kiến, nhưng người ấy sanh vào cõi lành. 

Trường hợp thứ hai: Ðức Phật khuyên chúng ta, tuy chúng ta thấy có trường hợp thứ hai là có người làm ác, có tà kiến, nhưng người ấy sau khi mạng chung sinh vào cõi lành, chúng ta không vì thế, vội vã đi đến kết luận: "Ðây là sự thật, tất cả những ai làm ác, có tà kiến, người ấy chắc chắn sinh vào cõi lành. Những ai biết như vậy là biết chân chánh, ngoài ra đều hư vọng, sai lầm". Vì sao? Vì thật tế trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy có người làm ác, có tà kiến, nhưng người ấy sanh vào cõi dữ. 

Trường hợp thứ ba: Ðức Phật khuyên, tuy chúng ta thấy có người làm thiện, có chánh kiến, sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi lành, nhưng chúng ta đừng vì thế, vội vã đi đến kết luận: "Ðây là sự thật, tất cả những ai làm việc thiện, có chánh kiến, người ấy chắc chắn sinh vào lành. Những ai biết như vậy là biết chân chánh, ngoài ra đều hư vọng, sai lầm". Vì sao? Vì trên thật tế cuộc sống, vẫn có người làm thiện, có chánh kiến, nhưng người ấy sau khi mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. 

Trường họp thứ tư: Ðức Phật khuyên, tuy chúng ta thấy có người làm thiện, có chánh kiến, sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi dữ, nhưng chúng ta đừng vì thế, vội vã đi đến kết luận: " Ðây là sự thật, tất cả những ai làm việc thiện, có chánh kiến, tất cả những người ấy chắc chắn sinh vào dữ. Những ai biết như vậy là biết chân chánh, ngoài ra đều hư vọng, sai lầm". Vì sao? Vì trên thật tế trong cuộc sống, vẫn có người làm thiện, có chánh kiến, người ấy sanh vào cõi lành. 

Trên đây là lời khuyên của đức Phật đối với chúng ta, hay nói đúng hơn lời phê bình của Ngài đối với các trường phái triết học đương thời của Aán độ, khi họ nhìn thấy sự bất bình đẳng trong xã hội. Giai cấp Bà la môn hay Sát đế lợi làm nhiều điều phi pháp, nhưng cuộc sống của họ vẫn sung sướng và được xã hội tôn sùng, còn giai cấp Thủ đà la làm hết sức mình để phục vụ cho hai giai cấp trên nhưng vẫn bị xãõ hội ngược đãi khinh miệt, nhưng không phải vì thế mà đi đến chủ trương không nhân không quả, không có kết quả của việc thiện hay ác... Ðiều đó sẽ không ích gì cho việc xây dựng một đời sống lành mạnh cá nhân và trật tự cho xã hội, mà chỉ mang lại rối rắm phức tạp cho xã hội mà thôi. Trong trường hợp như vậy, có thể nói thái độ khách quan và sự sáng suốt là phương sách tối ưu để giải quyết vấn đề.

Thái độ chủ quan và thành kiến là nguyên nhân sinh ra mọi hận thù, là yếu tố vô hình và tất yếu dẫn đến sự nghèo khổ của đời sống cá nhân, sự lạc hậu của xã hội, đồng thời nó cũng là nguyên nhân phát sinh mọi khổ đau trong cuộc sống. Sự xuất hiện của mọi hiện tượng bao giờ cũng có những nguyên nhân tất yếu của nó, không có một vấn đề gì xuất hiện mà không có nguyên nhân. Yếu tố dẫn đến sự vật xuất hiện của một sự kiện đôi khi rất phức tạp, thật khó cho chúng ta hiểu được nó, nhất là những hiện tượng thuộc về tâm lý của con người, nói như thế không có nghĩa là sự xuất hiện của sự vật không có nguyên nhân. Yếu tố dẫn đến sự xuất hiện của sự vật, đôi khi chúng ta thấy dường như giống nhau, nhưng trên thực tế chúng không giống nhau, sự khác nhau đó chính là yếu tố tất yếu dẫn đến kết quả không giống nhau của sự vật.

Như vậy, chúng ta không nên căn cứ vào sự hiểu biết hẹp hòi của mình để đánh đồng mọi vấn đề, điều đó có tác hại không ít cho cá nhân và xã hội. Ví như hạt thóc hạt sạn trong cơm là cái mà không ai ưa thích, nhưng chúng ta vì ghét hạt thóc hạt sạn mà chúng ta lại từ chối không ăn cơm. Người trí khi thấy hạt thóc hạt sạn trong cơm, người ấy lấy chúng quăng đi và ăm cơm, nhưng kẻ ngu lại từ chối ăn cơm. Cũng vậy, chúng ta thấy có người làm ác, có tà kiến, nhưng cuộc sống của họ vẫn được sung sướng, hay sau khi người ấy chết được sinh vào cõi lành. Không vì vậy mà chúng ta chủ trương, không có nhân duyên,không có quả báo thiện ác, làm ác hay làm thiện đều có kết quả giống nhau.

Nói một cách khác, khi chúng ta mốn tìm hiểu một vấn đề gì, cần có cái nhìn khách quan, và cũng không nên vội vả cho rằng, chỉ có mình là đúng người khác là sai. Ðó là ý nghĩa mà đức Phật đưa ra bốn vấn đề trên để thảo luận. Thế thì lý do nào đã dẫn đến sự bất hợp lý theo học thuyết nhân quả của  trường hợp thứ 2 và thứ 4? Ðể trả lời câu hỏi này, cũng trong kinh này, đức Phật đã giải thích bốn trường hợp trên một cách tường tận. Ở đây, Ngài đặc biệt chú trọng hai điểm là chánh kiến và thời gian hiện tại. Ðó là hai điểm mà chúng ta cần chú ý.

1.  Lý do người làm ác sanh vào cõi dữ 
Ðối với trường hợp thứ nhất, đức Phật giải thích: Vì trong lúc sống người đã làm các việc ác, có tà kiến, trong lúc lâm chung vẫn giữ tâm tà kiến, tức không tin những lời dạy của Phật, là những chân lý của cuộc đời này. Do đó, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục. 

2.  Lý do người làm ác sanh vào cõi lành 
Ðối với trường hợp thứ hai, đức Phật giải thích: Trong lúc sống, tuy người ấy làm những việc ác, có tà kiến, nhưng trong khi mạng chung người ấy sinh tâm hối hận về những việc làm ác trong quá khứ, lại có chánh kiến, tin tưởng những lời dạy của Phật. Do vậy, người ấy không sinh vào cõi dữ, ngược lại sinh vào cõi lành. 

3.  Lý do người làm lành sanh vào cõi lành 
Ðối với trường hợp thứ ba, đức Phật giải thích: Do vì trong cuộc sống của người ấy làm các việc lành, có chánh kiến. Trong lúc mạng chung, tâm người ấy vẫn có chánh kiến. Do vậy, người ấy sau khi mạng chung sinh vào cõi lành. 

4.  Lý do người làm lành sanh vào cõi dữ 
Ðối với trường hợp thứ tư, đức Phật giải thích: Tuy người ấy trong khi sống làm những việc lành, có chánh kiến, nhưng trong lúc lâm chung, vì lý do nào đó, người ấy không tin tưởng nhân quả, có tà kiến. Do vậy, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 

Qua cách giải thích của đức Phật, chúng ta thấy sự sai biệt nhau về cuộc sống con người trong hiện tại hay một đời sống khác chính là nghiệp. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu. Nghiệp được đức Phật phân chia làm ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp là những hành động tạo tác của thân; khẩu nghiệp là những cái được tạo ra bỡi lời nói; ý nghiệp là những cái được hình thành bỡi ý thức. Thật ra, sự biểu hiện bên ngoài của thân nghiệp và khẩu nghiệp là kết quả của ý nghiệp, nói một cách khác ý nghiệp là năng tạo, thân nghiệp và khẩu nghiệp là sở tạo, là cái được tạo ra bỡi ý nghiệp. Do vậy, trong ba nghiệp này, đạo Phật đặc biệt chú trọng ý nghiệp, vì nó là chủ nhân của tất cả mọi hành động của con người. Xuất phát từ ý nghĩa này, cho nên trong "Kinh Pháp cú" đức Phật dạy: "Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm thì nghiệp quả sẽ theo người ấy, như bánh xe lăn theo con vật kéo xe"[6]. Ðây chính là điểm khác biệt giữa quan điểm nghiệp của Phật giáo và Kỳ na giáo. Sự khác biệt này chúng ta sẽ thảo luận trong phần kế tiếp. 

Từ ý nghĩa về nghiệp như vậy, chúng ta có thể lý giải lý do tại sao đức Phật giải thích về bốn trường hợp sai biệt trên, đều căn cứ vào tâm của người ấy có "chánh kiến" hay "tà kiến". Nếu trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến, thì cho dù trong quá khứ người ấy có làm ác, có tà kiến đi nữa, thì vẫn được sanh vào cõi lành. Ngược lại, nếu trong lúc lâm chung có tà kiến, cho dù người ấy trong quá khứ có làm thiện, có chánh kiến vẫn phải đọa lạc vào cõi ác thú. Có người hỏi: Nếu giải thích như thế thì luật nhân quả trong Phật giáo không công bằng, lý do là trước đây người ấy đã làm việc ác, như giết hại nhiều sinh mạng của chúng sinh, nói láo... theo sự công bằng của luật nhân quả, thì lẽ ra người ấy phải hoàn trả tất cả những nghiệp ác mà người ấy đã tạo ra, trước khi sinh vào cõi lành hay thành Phật, nhưng tại sao cả chuỗi thời gian dài trong quá khứ tạo các nghiệp ác, nhưng chỉ trong giây phúc lâm chung có chánh kiến được sinh vào cõi lành, phải chăng là sự thiếu công bằng?

Ðể giải đáp vấn nạn này, chúng ta cần lưu ý đến hai khía cạnh khác nhau về luật nhân quả: Nhân quả theo nghĩa vật lý và nhân quả theo nghĩa tâm lý. Nhân quả theo nghĩa vật lý là luật nhân quả vận hành mang ý nghĩa vật chất, không phải là tinh thần, như hạt đậu rơi vào lòng đất, sau một thời gian hạt đậu nẩy mầm và trưởng thành cây đậu. Ở đây hạt đậu là nhân, cây đậu là kết quả trưởng thành của hạt đậu, nhưng hạt đậu và cây đậu không ý thức về sự trưởng thành của mình, tức không có ý thức về vui hay buồn. Do vậy, chúng ta gọi mối quan hệ nhân quả này là sự mối quan hệ nhân quả mang tính vật lý. Mối quan hệ nhân quả theo nghĩa tâm lý, là mối quan hệ nhân quả của tâm thức của con người, tức là sự phân tích về nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh mọi khổ đau và hạnh phúc của con người. Ví như, vì lòng tham lam sân hận và si mê đã dắt dẫn con người làm những việc phi pháp, kết quả của việc làm này là cái khổ của tù tội. Ở đây, lòng tham, sân và si là nhân, và khổ đau là kết quả của hành động tham sân si này. Ngược lại, người nào với sự thắp sáng trí tuệ (chánh kiến), vẫn sống trong cuộc đời này, nhưng không bị lòng tham sân si chi phôi, người ấy sống trong hạnh phúc và an lạc. Trí tuệ là nhân, hạnh phúc an lạc là quả, đây là ý nghĩa của mối quan hệ nhân quả theo nghĩa tâm lý. Nghiệp mà được đức Phật giải thích là trình bày mối quan hệ giữa nhân và quả theo nghĩa tâm lý, nói một cách khác là đức Phật giải thích mối quan hệ nhân quả của khổ đau hay hạnh phúc, nói như thế không có nghĩa là tâm lý tồn tại ngoài vật lý, vì ngoài thân ngũ uẩn này không có cái gọi là khổ đau hay hạnh phúc. 

Trên đây, người viết đã trình bày, mục đích ra đời và giáo dục của đức Phật là chỉ rõ sự khổ và phương pháp diệt trừ nổi khổ của con người. Như vậy, giáo lý của đức Phật là giáo lý phân tích lý giải nguồn gốc phát sinh những khổ đau của con người, cũng như chỉ rõ phương pháp đoạn trừ những khổ đau ấy, để hướng tới đời sống an lạc và hạnh phúc. Ðó là nội dung lời giảng dạy của đức Phật. Do vậy, giáo lý nhân quả nghiệp báo của đạo Phật được hình thành cũng không ngoài ý nghĩa này. 

Trở lại thảo luận phân tích câu hỏi vừa nêu, chúng ta thấy người đưa ra vấn nạn đứng trên lập trường muốn tìm hiểu về mối quan hệ nhân quả mang tính vật lý, không phải tâm lý, đó không phải là vấn đề cốt lõi mà đức Phật thảo luận. Mối quan hệ nhân quả vật lý là mối quan hệ tự nhiên không cần có ý thức con người. Vấn đề mà đức Phật chỉ dạy là quá trình hoạt động của tâm lý ngang qua thân thể này. Thân thể mà chúng ta đang sống gồm hai phần là vật chất (sắc) và tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức). Hiện tượng sinh lão bịnh tử của thân là những hiện tượng tự nhiên, người giác ngộ hay không giác ngộ cũng không thể trốn chạy quy luật này. Sự khác biệt nhau giữa người giác ngộ và kẻ phàm phu là sự khác biệt về đời sống tinh thần, tức là sự hiểu biết hay không hiểu biết, hiểu biết là giác ngộ, không hiểu biết là phàm phu. Do vậy, vấn đề cốt lõi của cuộc sống là sống hạnh phúc. Theo đạo Phật quan niệm, cuộc sống an lạc và hạnh phúc không tùy thuộc vào không gian hay thời gian, không tùy thuộc giàu sang hay nghèo hèn, cũng không tùy thuộc địa vị xã hội... không thể nói chỉ có ở đây mới có hạnh phúc ở chỗ kia không có hạnh phúc, không thể nói chỉ có thời gian này mới có hạnh phúc thời gian khác không có hạnh phúc, không thể nói chỉ có người giàu mới có hạnh phúc người nghèo không có hạnh phúc, cũng không thể nói chỉ có người có địa vị mới có hạnh phúc, người không có địa vị không có hạnh phúc... Sự hạnh phúc hay khổ đau tùy thuộc vào vai người ấy thắp sáng trí tuệ hay vô minh.  Ðó là ý nghĩa của câu: "Tâm tịnh Phật độ tịnh". 

Nhưng ở đây, chúng ta có thể mượn một ví dụ để lý giải sự hoài nghi của người vấn nạn. Như có người từ trước đến nay không biết lái xe, mỗi khi người ấy lái xe xảy ra tai nạn, tạo thành phiền não, nhưng hôm nay người ấy đã học cách lái xe, sử dụng một cách thành thạo. Thế thì chúng ta thử hỏi, từ khi người ấy biết lái xe có còn cái khổ về cách sử dụng xe nữa không? Người ấy có đáng được hưởng niềm hạnh phúc về sự lái xe của mình không? Và nếu như vậy, luật nhân quả có công bằng không? Câu trả lời tất nhiên là luật nhân quả rất công bằng. Cũng vậy, một người cho dù trong quá khứ với một nhận thức sai lầm, có tà kiến, làm những việc ác, nhưng hôm nay người ấy đã nhận thức những việc làm trước đây là sai lầm, chấp nhận sửa đổi và không tiếp tục làm những việc sai lầm nữa, kể từ giờ phút ấy, người ấy không còn sự đau khổ nữa, và lẽ tất nhiên người ấy phải được hưởng thọ đời sống an lạc ngay hiện tại và tương lai. Ðây là luật nhân quả về tâm lý được đức Phật trình bày rất công bằng và hợp lý, không có gì đáng hoài nghi.

Nhưng chúng ta thường có thói quen, chỉ nhìn thấy những hiện tượng bên ngoài, không nhìn thấy nguyên nhân sâu xa bên trong, vội vàng đánh giá qua những hình thức ấy, nhưng trên thực tế những hình thức bên ngoài không thể hiện toàn vẹn yếu tố xuất hiện của sự vật, tạo thành nhận thức sai lầm. Như kinh nghiệm trong cuộc sống cho ta thấy, có nhiều người rất giàu có, tiền của dư thừa, thoạt nhìn bề ngoài của họ, chúng ta cứ tưởng rằng, cuộc sống của họ rất hạnh phúc, nhưng thực tế họ có thể là những người rất khổ, vì hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, hay con cái rơi vào con đường nghiện ngập, v.v... Cũng thế, khi chúng thấy một người thể hiện hành vi rất đạo đức, nhưng tâm của họ rất độc ác, chúng ta căn cứ những hành vi này, đi đến nhận định, người ấy ắt phải hưởng những quả lành, nhưng chúng ta không chịu nghĩ đến những yếu tố khác, hoặc quá trình diễn biến của sự việc. Ðó là lý do tại sao đức Phật đưa ra bốn trường hợp về nhân quả khác nhau. Trong đó hai trường hợp thứ hai và tư, xét về mặt hình thức luận lý học,  mối quan hệ nhân quả không công bằng, nhưng xét về mặt sâu xa trong mối quan hệ nhân quả của tâm lý thì giữa nhân và quả rất hợp lý.


[1] HT. Thích Minh Châu, "Kinh Trung Bộ", Trường CCPHVN ấn hành 1986, trang 360-365.

[2] HT. Thích Minh Châu, "Kinh Trung Bộ", Trường CCPHVN ấn hành 1986, trang 367-379.

[3] ÐT 1, trang 703-706.

[4] ÐT 1, trang 706-708.

[5] HT. Thích Minh Châu dịch, "Kinh Ví dụ con rắn", "Kinh Trung bộ", Trường CCPHVN ấn hành 1986.

[6] Kinh Pháp Cú.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Source: Quảng Đức, https://www.quangduc.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 19-09-2002