BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Quan điểm về Nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy

Thích Hạnh Bình


3. SỰ DỊ BIỆT GIỮA QUAN ÐIỂM NGHIỆP
CỦA KỲ-NA GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Trước khi đạo Phật xuất hiện, truyền thống tôn giáo ở Ấn độ đã có quan điểm về nghiệp, cụ thể là Kỳ na giáo. Thế thì quan điểm nghiệp của Phật giáo và Kỳ na giáo khác nhau như thế nào, đây là điểm mà chúng ta cần phân biệt rõ, để tránh khỏi sự hiểu lầm giữa hai tôn giáo khác nhau. Kỳ na giáo là một trong sáu phái triết học Ấn độ (Lục phái ngoại đạo), trong kinh đức Phật thường gọi phái này là phái Ni kiền tử (Nigantha-nata-putta), về sau phát triển thành Kỳ na giáo, là một tôn giáo rất thịnh hành trong thời đức Phật còn tại thế. Kỳ na giáo cho rằng, lý do con người không được giải thoát vì sự trói buột của nghiệp, con người muốn được giải thoát giác ngộ, cần phải diệt trừ nghiệp, bằng cách tu tập khổ hạnh. Trên thật tế, tư tưởng này vốn là sự kế thừa tư tưởng về nghiệp của Bà la môn. Ni kiền tử xuất thân thuộc giai cấp Sát đế lợi, mẹ là một vi công chúa, em họ là vương phi, do vậy học thuyết của phái này, mang ý nghĩa duy trì sự lợi ích của giai cấp thống trị[1]. Quan điểm của Kỳ na giáo và Phật giáo là hai quan điểm không giống nhau, nếu không muốn nói là hai quan điểm mang tính xung đột lẫn nhau. 

Trong "Kinh Trung Bộ" (Majjhima Nikàya), "Tiểu kinh khổ uẩn" (Cula dukkha kkhandha suttam)[2]. Phái Ni kiền tử đã trình bày quan điểm của mình như sau: 

"Nếu xưa kia ngươi có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này... Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp trong quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, do vậy không có sự tiếp tục trong tương lai...".  

Ðây là quan điểm tu tập của phái Kỳ na giáo. Họ cho rằng, sự tu tập khổ hạnh là phương pháp để tiêu diệt những ác nghiệp mà con người đã tạo ra trong quá khứ. Chính nhờ tu tập khổ hạnh mới có thể thiêu đốt các nghiệp ác, là điều kiện cơ bản để con người đạt được hạnh phúc, vươn tới cảnh giới giải thoát giác ngộ. Họ cho rằng, hạnh phúc không thể đạt được hạnh phúc chỉ có khổ đau mới đạt được hạnh phúc, như nói:  

"Hạnh phúc không thể thành tựu nhờ hạnh phúc, hạnh phúc phải thành tựu nhờ đau khổ. Hiền giả Gotama, nếu hạnh phúc có thể thành tựu nhờ hạnh phúc thời vua Magadha Seniya Bimbisara (Tần bà ta ra) có thể đạt được hạnh phúc, và vua Magadha Seniya Bimbisara sống hạnh phúc hơn tôn giả Gotama." [3] 

Qua hai đoạn kinh trên, chúng ta thấy phương pháp tu tập của phái Kỳ na giáo là tu tập khổ hạnh, lý do mà họ đưa ra quan điểm này, vì chỉ có tu tập khổ hạnh mới có thể làm tiêu mòn những nghiệp ác trong quá khứ, là điều kiện duy nhất để đạt được giải thoát giác ngộ, đó là lý do tại sao họ đưa ra lập luận, hạnh phúc không thể thành tựu nhờ hạnh phúc, hạnh phúc chỉ có thể thành tựu nhờ đau khổ. Vì nếu hạnh phúc có thể thành tựu nhờ hạnh phúc thời vua Magadha Seniya Bimbisara (Tần bà ta ra) có thể đạt được hạnh phúc.  

Ðức Phật không chủ trương hạnh phúc đạt được nhờ tu tập khổ hạnh, hay hạnh phúc nhờ hạnh phúc, là sự hưởng thọ những vật dục ở thế gian. Ðức Phật cho rằng, con người chỉ có thể đạt được hạnh phúc và giải thoát, khi người đó thành tựu giới, thành tựu thiền định và thành tựu trí tuệ. Giới là điều kiện cơ bản để hành giả có thể chế ngự những tham muốn thấp hèn ở thế gian; Thiền định là phương pháp huấn luyện nhiếp phục tâm buông lung của con người, vì tâm buông lung không định tỉnh là điều kiện phát sinh phiền não; Trí tuệ là kết quả của sự thành tựu giới và thiền định, là khả năng phân biệt giữa pháp bất thiện và thiện. Pháp bất thiện là pháp tạo ra sự đau khổ cho con người, làm chướng ngại con đường giải thoát, pháp thiện là pháp giúp cho con người thành đạt giải thoát, nhờ vai trò trí tuệ, hành giả không thật hành pháp bất thiện, thực hành pháp thiện. Do vậy, người ấy được giải thoát giác ngộ.

Xuất phát từ quan niệm như vậy, cho nên đức Phật không chấp nhận phương pháp tu tập khổ hạnh, nhưng Ngài cũng không chấp nhận đời sống hưởng thọ dục vọng, vì khổ hạnh và hưởng thụ dục vọng chỉ mang lại khổ đau, không giúp ích gì cho việc thực hiện con đường giải thoát.[4] Ðây là quan điểm khác nhau về phương pháp tu tập giữa đức Phật và phái Kỳ na giáo, nhưng lý do nào dẫn đến phương pháp tu tập khác? 

Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta căn cứ "Kinh Ưu bà ly"[5] tường thuật câu chuyện giữa đức Phật và những người của phái Kỳ na giáo, trình bày quan điểm sự khác nhau về nghiệp như sau: 

- Thế Tôn hỏi: Theo chủ trương của phái Ni kiền tử, có bao nhiêu sự trừng phạt (nghiệp) để không hành ác nghiệp, không tạo ác nghiệp?

- Ni kiền tử đáp: Thưa Cù đàm, theo Tôn sư của tôi giảng dạy, có ba sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo ác nghiệp. Ðó là sự trừng phạt bằng thân, bằng miệng và bằng ý. 

- Thế Tôn hỏi tiếp: Có sự khác biệt gì giữa thân phạt, khẩu phạt và ý phạt? 

- Ni kiền tử đáp: Thưa Cù đàm, theo chúng tôi ba phạt này không giống nhau. 

- Thế Tôn hỏi tiếp: Trong ba phạt này, phạt nào được xem là quan trọng?

- Ni kiền tử đáp: Thưa Cù đàm, theo Tôn sư của chúng tôi cho rằng, thân phạt được xem là quan trọng...ý phạt được xem là nhẹ nhất. 

Sau khi trình bày xong về quan điểm của mình, phái Ni kiền tử hỏi đức Phật.

- Sa môn Cù đàm chủ trương có bao nhiêu trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? 

- Này Ni kiền tử, ta không giảng về phạt để không hành ác nghiệp, không tạo ác nghiệp. Ta chỉ giảng về nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo ác nghiệp. 

- Ni kiền tử hỏi: Theo sa môn Cù đàm chủ trương có bao nhiêu nghiệp? 

- Thế Tôn đáp: Ta chủ trương có ba nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo ác nghiệp. Ðó là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. 

- Ni kiền tử hỏi: Có sự khác biệt gì giữa ba nghiệp này? 

- Thế Tôn đáp: Ba nghiệp này khác nhau. 

- Ni kiền tử hỏi: Theo sa môn Cù Ðàm trong ba nghiệp này, nghiệp nào được xem là quan trọng? 

- Thế Tôn đáp: Trong ba nghiệp này, ý nghiệp được xem là nghiệp quan trọng nhất. 

Cuộc đối thoại trên giữa phái Ni kiền tử và đức Phật, là cuộc đối thoại nói lên quan điểm khác biệt về nghiệp. Ở đây, chúng ta thấy, phái Ni kiền tử diễn tả về hành vi tạo tác ác hạnh, phái này không dùng chữ "nghiệp" mà dùng chữ "trừng phạt", vì chủ trương lấy việc tu tập khổ hạnh để tiêu diệt những ác hạnh về thân, khẩu và ý, lý do dùng từ này có lẽ là muốn nhấn mạnh về việc tu khổ hạnh. Ngược lại cũng mô tả về hành vi tạo ác hạnh này, đức Phật không dùng chữ "trừng phạt" mà dùng từ "nghiệp". Thật ra, hai khái niệm này, tuy khác nhau về cách dùng từ, nhưng cùng giống nhau về ý nghĩa.

Một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây là: Phái Kỳ na giáo cho rằng, trong ba nghiệp, thân nghiệp là nghiệp quan trọng nhất, nhưng đức Phật lại cho rằng, trong ba nghiệp, ý nghiệp là nghiệp quan trọng. Kỳ na giáo chủ trương thân nghiệp là nghiệp quan trọng, cho nên phái này lấy việc tu tập khổ hạnh làm phương pháp tu tập để làm tiêu mòn những ác nghiệp trong quá khứ, là điều kiện để được giải thoát giác ngộ. Ngược lại, đức Phật lại chủ trương trong ba nghiệp, ý nghiệp là nghiệp quan trọng, vì Ngài cho rằng, ý nghiệp là chủ nhân của tất cả hành động, một hành động không có ý thức không thể thành nghiệp.

Nói một cách khác, tất cả những hành vi sai lầm trong cuộc sống của chúng ta đều do ý thức chỉ đạo, do vậy, con người muốn sửa sai những hành động của mình, trước tiên phải thay đổi nhận thức sai lầm từ bên trong, sự sửa đổi sai lầm của nhận thức là điều kiện cơ bản để chúng ta thành tựu con đường giác ngộ. Như vậy, sự hành hạ về thể xác, không thay đổi nhận thức sai lầm là sự hành hạ vô ích, không giúp được gì cho sự giác ngộ và giải thoát khổ đau. Ðây là quan điểm khác nhau về nghiệp giữa Phật giáo và Kỳ na giáo.


[1] Lữ Trưng, "Ấn độ Phật học tư tưởng khái luận", Ðài bắc, NXB Thiên hoa, 1993, p.13

[2] HT. Minh Châu dịch Kinh Trung Bộ, "Tiểu kinh Khổ uẩn", TCCPHVN ấn hành,1986, p.156.

[3] nt. P.157

[4] Xin tham khảo: Kinh Tạp A hàm, Kinh số 912, 262, hay Kinh Trung Bộ số 75.

[5] Kinh Trung A hàm, "Kinh Ưu ba ly" số 133, ÐT 1, p.828a-b.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Source: Quảng Đức, https://www.quangduc.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 19-09-2002