BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập II

-ooOoo-

Một tội-nhân tìm cách thoát thân

Có một tên trộm kia bị người bắt được và dẫn đến nạp cho vua trong xứ. Muốn gìn giữ nó, nhà vua dạy dở nấp rương để thả ra bốn con rắn độc. Con thứ nhất quấn lấy tay mặt tội nhân, con thứ nhì quấn tay trái, con thứ ba quấn ngang hông và con thứ tư quấn lấy cổ nó.

Một người có đức hạnh đến gần tội-nhân mà nói rằng: "Ngươi đã bị gìn giữ cẩn-thận, vậy hãy đứng yên, chớ nên cựa động mà bị rắn cắn. Nọc của con rắn thứ nhất sẽ làm cho thân ngươi cứng đơ như đá, nọc con rắn thứ nhì làm cho ngươi tiêu ra như nước, nọc con rắn thứ ba làm cho ngươi phải tan ra từng mảnh và bị gió cuốn đi, nọc con rắn thứ tư sẽ đốt ngươi cháy như ngọn lửa hỏa hào".

Tên trộm trả lời rằng: "Những con rắn ấy đều là đồ trang sức của tôi. Ðây là đôi vòng của tôi, đây là sợi dây chuyền cổ, còn đây là sợi dây lưng".

Người có đức hạnh ấy dạy nó nên từ-từ gở bốn con rắn độc ấy, đem bỏ chúng vào rương, đậy nấp lại rồi mau-mau chạy trốn.

Hay tin ấy, đức vua liền truyền-lịnh cho năm tên quân đuổi theo bắt nó. Tội-nhân ráng sức chạy được một đỗi, lại gặp người thức-thời khi nảy hô to lên rằng: "Ngươi hãy chạy cho mau, có năm tên quân đang đuổi theo sau. Chúng nó lại thả bốn con rắn độc để bắt ngươi đấy".

Khi đã đuối sức, tên trộm liền dừng chân lại và thấy phía trước có sáu cái nhà bỏ trống vừa bị sáu tên cướp vào vét sạch của cải. Sáu tên cướp ấy lại nhập đoàn với năm tên quân để đuổi theo bắt nó.

Người thức-thời lại hô to lên nữa rằng: "Ngươi ráng chạy mau lên. Bọn cướp và quân-lính nhà vua sắp đến nơi. Chúng nó lại có dắt theo một người bạn thân của ngươi để cám-dỗ và dụ ngươi trở về chịu tội".

Nhưng chạy được một lúc, nó gặp một cái biển phía trước mặt, nên phải dừng chân lại. Tên trộm hết sức lo-âu vì tại đây không có ghe thuyền chi để thoát thân. Người thức-thời dạy nó lấy tám cành cây khô kết lại làm một cái bè để bơi đi trốn.

Làm bè xong, nó bơi ra được một đỗi thì gặp một cái cù-lao. Nó định lên bờ, nhưng nhìn ngoái lại phía sau, thấy quân-lính vẫn còn đuổi nà theo. Nó cố sức bơi đến một cái cù-lao thứ nhì, rồi tới cái thứ ba và thứ tư. Nhân-dân ở tại chỗ này liền tôn nó lên làm vua. Chừng đó thì đoàn người đuổi theo phía sau đều bị tiêu-diệt và nó không còn thấy hình bóng chi nữa.

Giải-thích:

- Ðức vua: ám-chỉ về cái nghiệp,
- Tên trộm: ám-chỉ về người đi tìm đạo,
- Người thức-thời có đức hạnh: ám-chỉ ông thầy dạy đạo,
- Bốn con rắn: ám-chỉ về tứ-đại (Ðất, Nước, Lửa, Gió),
- Năm tên quân: ám-chỉ về ngũ-uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức),
- Sáu cái nhà bỏ trống sau khi bị cướp: ám-chỉ lục-căn (Nhãn, Nhĩ, Tĩ, Thiệt, Thân, Ý),
- Sáu tên cướp: ám-chỉ về lục-trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp),
- Tám cành cây kết lại thành bè: ám-chỉ về 'Bát Chánh Ðạo',
- Bốn cái cù-lao: ám-chỉ bốn bậc thiền-định,
- Lễ tôn vương: ám-chỉ sự giải-thoát.
- Sự tiêu-diệt của đoàn người đuổi theo sau: ám chỉ về sự vẹt màn Vô-minh và bẻ gẫy bánh xe luân-hồi.

-- SAMYUTTA  NIKÃYA

Tám điều lạ trong biển cả

Thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngồi dưới cội cây Nimba, tại rừng Veranja. Khi ấy, có vị chúa của nhóm Asura (A Tu La), tên là Paharada, đến viếng Ngài. Ðức Phật hỏi Paharada như vầy: "Này Paharada, có phải chúng Asura các ngươi thường hay vui thích, ngợi-khen và thán-phục về những điều lạ trong biển cả chăng?"

- Bạch Ðức Thế Tôn, chính phải như vậy.

- Này Paharada, vậy chớ biển cả có mấy điều lạ-thường, khiến cho chúng Asura các ngươi phải ngợi-khen và thán-phục?

- Bạch Ðức Thế Tôn, biển cả có tám điều lạ-thường như sau đây:

1. Bãi biển lúc nào cũng lài, từ bờ ra đến ngoài khơi, chỗ nào cũng bằng-phẳng và từ-từ nghiêng ra đáy biển, chớ chẳng có chỗ nào trũng xuống như hố sâu. Ðó là điều lạ-thường thứ nhất, khiến cho chúng Asura phải ngợi-khen và thán-phục.

2. Mặt biển khi nào cũng giữ mực thường của nó, không lên cao mà cũng không hạ xuống thấp quá. Ðó là điều lạ-thường thứ nhì, khiến cho chúng Asura phải ngợi-khen, thán-phục.

3. Biển cả không khi nào chịu dung-dưỡng các tử-thi. Bất cứ thi-thể nào rơi xuống biển, thì lập-tức nó phải bị sóng tạt vào bờ. Ðó là điều lạ-thường thứ ba, khiến cho chúng Asura phải ngợi-khen, thán-phục.  

4. Nước của những sông lớn, như sông Gange, Yamana, Aciravati, Sarabu, Mahi, khi chảy vào biển cả, thì mất hẳn tính-chất của nó và phải bị hoà-lẫn với nước biển. Ðó là điều lạ-thường thứ tư, khiến chúng Asura phải ngợi-khen, thán-phục.

5. Tuy rằng tất cả nước mưa, nước sông, nước rạch đều chẩy ra biển, nhưng mặt biển vẫn giữ mực thường của nó, chớ không tràn lên hay hạ xuống. Ðó là điều lạ-thường thứ năm, khiến cho chúng Asura phải ngợi-khen, thán-phục.

6. Nước trong biển cả, tuy do nhiều nguồn khác nhau chảy ra, nhưng vẫn giữ mùi vị mặn tự-nhiên của nó. Ðó là điều lạ-thường thứ sáu, khiến cho chúng Asura phải ngợi-khen, thán-phục.

7. Ðáy biển là một kho tàng chứa nhiều vật quí như: thủy-tinh, trân-châu, san-hô, mã-não, xa-cừ, vàng bạc, vân-vân ... Ðó là điều lạ-thường thứ bảy, khiến cho bọn Asura phải ngợi-khen, thán-phục.

8. Biển cả lại là nơi ẩn trú của những quái vật to lớn, như các loài thủy-tộc: Timis, Timingalas, Timitimingalas, và những chúng-sinh có nhiều thần-lực như: Asuras, Nagas, Gandharvas (A Tu La, Long Vương, Càn Thất Bà). Những quái-vật ấy có bề dài từ một cho đến một trăm, hai trăm, năm trăm do-tuần. Ðó là điều lạ-thường thứ tám, khiến cho chúng Asura phải ngợi-khen, thán-phục".

Tới đây, vị chúa của nhóm Asura lại hỏi Ðức Phật như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ trong Giáo Pháp của Ngài, có mấy điều lạ-thường, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, thán-phục và ngợi-khen?"

- "Này Paharada, trong Giáo Pháp của Như Lai, cũng có tám điều lạ-thường, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục, như sau đây:

1. Bãi biển lúc nào cũng lài, từ bờ ra đến ngoài khơi, không có hố sâu như thế nào? Thì cũng như thế ấy, Giáo Pháp của Như Lai đã được sắp đặt đúng theo qui-tắc, để làm cho người hành đạo tấn-hoá lần-lần, từ bậc thấp đến bậc cao, chứ không buộc người tu quá sức hay dễ-dãi quá. Ðó là điều lạ-thường thứ nhất, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen, thán-phục.

2. Mặt biển khi nào cũng giữ mực thường của nó, không lên cao mà cũng chẳng hạ xuống thấp quá như thế nào? Thì cũng như thế ấy, mỗi khi một điều luật nào do Như Lai công-bố ra rồi, thì dầu cho phải bị hại đến tính-mạng của mình đi nữa, các đệ-tử của Như Lai cũng chẳng hề dám làm sai điều luật ấy. Ðó là điều lạ-thường thứ nhì, khiến các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

3. Biển cả không bao giờ chịu dung-dưỡng các tử-thi và bất cứ thi-thể nào bị rơi xuống biển, đều bị nước tạt vô bờ, thế nào? Thì cũng như thế ấy, kẻ nào xấu-xa, hung-dữ, có tâm-trí tích-trữ những sự tham-muốn đê-hèn, lợi-dụng sắc-phục sa-môn để trà-trộn vào hàng tỳ-khưu, nhưng chẳng nghiêm-trì giới-luật, không sớm thì muộn, chư-tăng cũng tìm cách tránh xa và không chịu sống chung với kẻ ấy nữa. Dầu ráng che đậy tội-lỗi của mình để trà-trộn với các bậc xuất-gia trong sạch khác, kẻ phá giới kia ví như đã ở ngoài tăng-hội, bị tăng-chúng lánh xa. Ðó là điều lạ-thường thứ ba, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

4. Nước của các sông lớn, khi chảy vào biển cả, thì mất hẳn tính-chất của nó và phải bị hoà-lẫn với nước biển như thế nào? Thì cũng như bốn hạng người: Kshatriyas, brahmanes, vaishyas và sudras (vua chúa, thầy tu, thương-gia và lao-động)[1], khi đã xuất-gia vào tu trong Phật-Giáo rồi, bỏ hẳn tên tuổi và địa-vị của mình để mang lấy chủng-tộc sa-môn và đều trở nên con cháu của giòng Thích-Ca hết. Ðó là điều lạ-thường thứ tư, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

5. Tất cả nước mưa, nước sông và nước rạch đều chảy ra biển, nhưng mặt biển vẫn giữ trung-bình của nó, chớ không tràn lên hay hạ xuống thế nào? Thì cũng như thế ấy, dầu cho nhiều bậc thánh-tăng, sau khi làm xong phận-sự trên cõi thế, đã nhập vô-dư Niết-Bàn hay đang còn hưởng hữu-dư Niết-Bàn đi nữa, giáo-hội tăng-già vẫn giữ mực trung-bình, chớ không vì đó mà phải thưa-thớt hoặc đông-đảo thêm. Ðó là điều lạ-thường thứ năm khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

6. Nước trong biển cả, tuy do nhiều nguồn chảy ra, nhưng vẫn giữ mùi vị mặn tự-nhiên của nó thế nào? Thì cũng như thế ấy, giáo pháp của Như Lai chỉ có một phẩm vị: là sự giải-thoát. Ðó là điều lạ-thường thứ sáu, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

7. Ðáy biển là một kho tàng chứa nhiều vật quí, như: trân-châu, san-hô, thủy-tinh, mã-não, xa-cừ, vàng bạc...  thế nào?  Thì cũng như thế ấy, Giáo Pháp của Như Lai là một kho tàng tích-trữ nhiều pháp cao-siêu để đưa con người đến nơi dứt khổ, như: Bốn pháp niệm tưởng (Tứ Niệm Xứ), bốn pháp tinh-tấn (Tứ Chánh Cần), bốn pháp nguyện vọng (Tứ Như Ý Túc)[2], ngũ-căn, ngũ-lực, bảy nhân sanh quả bồ-đề (Thất Giác Chi), chánh đạo có tám chi (Bát Chánh Ðạo). Ðó là điều lạ-thường thứ bảy khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

8. Biển cả là nơi ẩn trú của những loài thủy-tộc to lớn và những chúng-sinh có nhiều thần-lực, thế nào? Thì trong giáo pháp của Như Lai cũng có nhiều bậc đại-căn, giàu tinh-thần và nghị-lực, đã đắc đạo quả thánh-nhân như những bậc thánh: Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Ðó là điều lạ-thường thứ tám, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục.

"Này Paharada, đó là tám điều lạ-thường trong Giáo Pháp của Như Lai, khiến cho các thầy tỳ-khưu phải vui thích, ngợi-khen và thán-phục vậy".

-- ANGUTTARA NIKÃYA

Đức Bồ-tát Siddhattha đi tìm đạo [3]

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn cùng Tôn-Giả Ananda đồng ngự đến nơi am-tự của vị trưởng-lão Rammaka, gần thành Sãvatthi (Xá Vệ). Khi đến nơi và nghe trong am có nhiều vị tỳ-khưu đang hội-họp và cùng nhau bàn-luận về đạo-đức. Ngài dừng chân lại bên ngoài và chờ dứt câu chuyện mới lên tiếng. Nghe tiếng động, các thầy tỳ-khưu liền chạy ra mở cửa, thỉnh Ngài vào an-toạ bên trong phòng nhóm. Ngồi xuống, Ðức Thế Tôn liền hỏi rằng: "Này các thầy tỳ-khưu, chẳng hay các ngươi hội-họp đông đủ tại đây để bàn-cãi về chuyện chi vậy?

- Bạch Ðức Thế Tôn, chúng tôi đang bàn-luận về đạo-lý.

- Này các thầy tỳ-khưu, như vậy rất phải lẽ. Vì các ngươi đều là con nhà gia-giáo, đã lìa bỏ gia-đình để đi tìm một đời sống vô gia-đình, mỗi khi có dịp gặp gỡ nhau, tốt hơn là nên bàn-luận về đạo-lý, bằng không thì các ngươi hãy giữ sự yên lặng thanh-cao.

"Này các thầy tỳ-khưu, có hai sự tìm-tòi:

- một là sự tìm-tòi thấp-hèn,
- hai là sự tìm-tòi cao-thượng.

"Mà thế nào gọi là sự tìm tòi thấp-hèn?

"Trong trường-hợp này, các ngươi nên nghĩ đến một kẻ đang còn mắc trong vòng sanh tử luân-hồi, trong vòng bệnh-hoạn già nua, trong vòng hư-hoại khổ-não, lại hằng để tâm-trí tìm-tòi về những điều xấu-xa, tai-hại ấy. Mà những vật còn bị sanh diệt, bệnh-hoạn, già nua bị hư-hoại, khổ-não đó như thế nào? Ðó là: vợ, con, tôi trai, tớ gái, gà vịt, voi, ngựa, heo bò, vàng bạc, vân-vân ... Kẻ ấy hằng chú-tâm tìm-tòi để hiểu biết về những vật vô-thường như đã kể trên, dầu rằng chính mình đang còn ở trong vòng sanh diệt, trong vòng bệnh-hoạn, già nua, hư-hoại, khổ-não như chúng nó. Này các thầy tỳ-khưu, đó là sự tìm tòi thấp-hèn".

"Còn thế nào là sự tìm-tòi cao-thượng?

"Trong trường-hợp này, các ngươi nên nghĩ đến một kẻ kia đang còn mắc trong vòng sanh diệt, bệnh-hoạn, già nua, hư-hoại, khổ-não, nhưng thấy rõ sự xấu-xa, tai-hại trong những điều ấy, nên cố tìm cách để đi đến chỗ không còn sanh diệt, không còn bệnh-hoạn, già nua, không còn hư hoại, thống-khổ, đi đến trình-độ an vui tuyệt-đối, là Niết-Bàn. Này các thầy tỳ-khưu, đó là sự tìm tòi cao-thượng".

"Này các thầy tỳ-khưu, trước khi chưa thành đạo và hãy còn một vị Bồ-Tát, ta cũng hay để ý, tìm-tòi về những vật vô-thường ấy. Nhưng cũng có lúc ta lại nghĩ rằng: "Tại sao ta đang còn mắc trong vòng sanh diệt, trong vòng bệnh-hoạn, già nua, hư-hoại, thống-khổ, mà lại phí công để tìm-tòi về những điều xấu-xa, tai-hại ấy làm gì?" Vậy tốt hơn, ta ráng kiếm phương-pháp chi, hầu đi đến trình-độ an vui tuyệt-đối, là Niết-Bàn, không còn sanh diệt, bệnh-hoạn, già nua, hư hoại, thống-khổ".

"Vì nghĩ như vậy nên ta đành hy-sinh cái đời tươi đẹp trẻ-trung, chẳng nệ lời khóc than, hờn trách của thân-quyến, cắt tóc, cạo râu, mặc y cà-sa, rời bỏ gia-đình, đi tìm một đời sống vô gia-đình. Khi ra khỏi nhà, ta luôn-luôn hăng-hái chiến-đấu để đạt mục-đích cao-thượng. Ta liền tìm đến vị đạo-sĩ Alãra Kãlama mà học đạo".

"Thầy Alãra Kãlama nói với ta như vầy: "Này đạo-hữu, đạo-hữu hãy ở lại đây tu tập. Ðối với một kẻ nào có khiếu, thông-minh và có tâm cố gắng, thì trong một thời-gian ngắn, kẻ ấy sẽ hiểu biết và hấp-thụ được giáo pháp của tôi một cách dễ-dàng". Hành đạo được ít lâu, ta liền tìm đến thầy Alãra Kãlama mà hỏi như vầy: "Này đạo-hữu, chẳng hay giáo pháp mà đạo-hữu đã công-bố rằng chính đạo-hữu đã thông-suốt, đã thực-hành và đã thành-tựu đó cao tới trình-độ nào?". Thầy Alãra Kãlama cho ta biết rằng thầy đã đắc tới bậc thiền vô-sắc "vô-hữu sở-thiên"[4]. Ta liền tự nghĩ rằng: "Không phải chỉ có một mình thầy Alãra Kãlama mới có đức tin, có năng-lực, có sự tinh-tấn, có thiền-định, có trí-huệ mà thôi. Chính ta đây cũng có đầy đủ những đức-tính đó. Vậy tương-lai sẽ ra sao, nếu ta trì-chí trau-giồi những pháp mà thầy Alãra Kãlama đã công-bố rằng thầy đã suốt-thông, đã thực-hành và thành-tựu ấy? Không bao lâu, ta đạt được mục-đích một cách dễ-dàng và tìm đến thầy Alãra Kãlama mà hỏi như vầy: "Này đạo-hữu, vậy chớ phải chăng giáo pháp mà chính đạo-hữu đã thành-tựu đó chỉ đến trình-độ ấy thôi?" Thầy Alãra Kãlama đáp rằng phải, và yêu-cầu ta ở lại cùng thầy đặng dạy-dỗ hàng môn-đệ".

"Này các thầy tỳ-khưu, đạo-sĩ Alãra Kãlama rất kính-trọng ta và đặt ta lên ngang hàng với thầy. Nhưng ta lại nghĩ rằng: "Giáo pháp mà ta vừa thành-tựu đây, chỉ đến bậc 'Vô Hữu' mà thôi. Nó chưa có năng-lực để tận-diệt những sự: tham-lam, sân-hận, si-mê, hầu đưa con người đến chỗ an-định, đến trí-huệ tuyệt-vời, đến Niết-Bàn đặng". Nghĩ thế, ta liền ngao-ngán, rời bỏ giáo pháp của thầy Alãra Kãlama mà đi tìm học đạo với một vị giáo-chủ khác tên là Uddhaka".

Cách-thức đối-đáp giữa Bồ-Tát Siddhattha và thầy Uddhaka trong đoạn này giống như đoạn trên. Nhưng chỉ có khác nhau là phương-pháp hành đạo của thầy Uddhaka có thể kết-quả đến bậc 'vô-sắc-thiền' cao hơn, gọi là "Phi Phi Tưởng Thiên[5]".

"Này các thầy tỳ-khưu, đạo-sĩ Uddhaka, sau khi được biết rằng ta đã thành-tựu trong bậc thiền 'Vô Sắc' ấy, rất kính-trọng ta, đặt ta lên ngang hàng với thầy và yêu-cầu ta ở lại dạy-dỗ hàng môn-đệ. Nhưng ta nghiệm thấy rằng đạo-quả ấy cũng chưa có đủ năng-lực để diệt-tận phiền-não, hầu đưa con người đến chỗ an-định, đến trí-huệ tuyệt-vời, đến Niết-Bàn đặng. Rồi đó, ta cũng rời bỏ giáo pháp ấy một cách chán-ngán, để đi tìm đạo một mình".

"Này các thầy tỳ-khưu, vì cần phải cố gắng cách nào để đạt sự lợi-ích tối-cao, đạt sự an vui trường-cửu (cho tất cả chúng-sinh), ta phải hành-trình kham-khổ đến xứ Magadha, vào hành đạo tại rừng Uruvela. Chỗ này hiến cho ta một cảnh đẹp thiên-nhiên, có nhiều cây cao bóng cả, có nước rạch mát mẻ, trong trẻo từ-từ chảy, chung quanh lại có chỗ cho ta đi khất-thực dễ-dàng. Thật là một nơi rất phù-hạp cho người hành đạo, cho kẻ nào có chí cố gắng trau-giồi thân tâm. Ta liền chọn nơi đây để thắng trận giặc lòng".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

Đức Bồ-tát Siddhattha tu theo cách khổ-hạnh

"Này Aggivessana, khi đó ta nghĩ rằng: "Vậy ta thử cắn răng lại, uốn lưỡi lên ổ gà để kềm hãm cái tâm phóng-túng của ta coi ra sao?" Rồi đó, ta làm theo ý nghĩ ấy. Tức-thì, mồ-hôi ở hai bên nách chảy ra ướt dầm. Như một người lực-lưỡng ôm chặt lấy đầu hai vai của kẻ khác yếu-đuối hơn, ta ráng hết sức cắn răng lại và ngồi yên không chút cử-động. Nhưng rốt cuộc, ta phải chịu đau khổ một cách vô-ích đó thôi, chớ không sao điều-ngự được cái tâm phóng-túng".

"Này Aggivessana, rồi ta lại nghĩ rằng: "Vậy ta thử ngưng hơi-thở lại coi ra sao?" Rồi đó, ta cũng làm theo ý nghĩ ấy. Tức-thì, một luồng gió mạnh lùng-bùng tuôn ra khỏi hai lỗ tai, như tiếng quạt thổi lửa của người thợ rèn. Ðầu óc ta bị hơi gió luân-chuyển, làm cho bối-rối. Trong lúc nín thở, ta phải chịu đau-đớn quá đỗi, không khác nào bị người lấy giây buộc chắc chung-quanh đầu, hoặc giả bị tên hàng thịt chặt cổ bằng một cây dao thật bén, hoặc giả bị hai người lực-lưỡng ôm trói-ké để trên lò lửa. Nhưng rốt cuộc, ta cũng không sao điều-ngự được cái tâm phóng-túng. Khi ấy, có vài vị chư-thiên nói với nhau rằng: "Ðạo-sĩ Gotama đã chết rồi". Có vài vị khác nói: "Ðạo-sĩ Gotama mới ngất đi thôi, chớ ông ta chưa chết". Lại có vài vị khác nữa nói: "Ðạo-sĩ Gotama chẳng phải ngất đi, mà cũng chẳng phải chết. Ông ta là bậc A La Hán".

"Này Aggivessana, ta còn nghĩ thêm rằng: "Vậy tương-lai sẽ ra sao nếu ta tuyệt-thực hẳn?" Khi ấy, có vài vị chư-thiên đến nói với ta như vầy: "Xin Ngài chớ tuyệt-thực. Nếu Ngài nhịn ăn, chúng tôi sẽ duy-trì sự sống của Ngài bằng cách làm cho vật thực theo lỗ chân lông, chân tóc để vào cơ thể". Ta liền nghĩ rằng: "Nếu ta tuyệt-thực thì thành ra nói dối, vì các vị chư-thiên  sẽ duy-trì mạng sống của ta bằng phương-pháp khác. Vậy ta thử ăn thật ít, như đậu hay thứ ngũ-cốc nào khác, ít chừng một bụm tay, coi ra sao?" Rồi đó, ta làm theo ý-nghĩ ấy.

Lúc bấy giờ, thân hình ta trở nên tiều-tụy, ốm-o quá đỗi. Vì ăn ít quá mà hai chân ta gầy như cái thân cây suôn đuột; chỗ ta ngồi bị xương mông ấn hủng xuống như dấu chân con lạc-đà; khi khòm xuống hay trổi dậy, xương sống của ta lồi lên như một xâu ống chỉ; xương sườn của ta chõi ra như những cây rui của một cái sườn nhà cũ; mắt ta sâu hóm và chỉ còn lóng-lánh chút tia sáng như nước ở dưới đáy giếng sâu; da đầu ta trở nên khô mốc như trái mướp đắng bị người cắt đem phơi ngoài nắng.  Khi ta muốn sờ đến dạ dày, thì ngón tay đụng nhằm xương sống; vì ốm quá nên dạ dày của ta dính sát vào xương sống. Khi muốn thay đổi oai-nghi cho dễ chịu một chút, thì ta bị té dập mặt xuống đất.

Muốn cho thân được khỏe-khoắn, ta lấy tay bóp hai ống chân, nhưng hễ tay rờ đến đâu thì lông rụng đến đó. Những người đi đường thấy ta như vậy nói với nhau rằng: "Da của đạo-sĩ Gotama trở nên đen-đúa". Vài người khác lại nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama không phải đen, mà cũng chẳng phải ngâm; da ông ta sần như da cá Mangura". Vì ăn ít quá nên màu da tươi đẹp của ta khi xưa không còn nữa".

"Này Aggivessana, lúc ấy bỗng-nhiên ta phát-tâm suy-nghĩ như vầy: "Từ xưa đến nay, các bậc đạo-sĩ hay là Bà La Môn, trong kiếp hiện-tại và về buổi tương-lai, cũng chẳng có ai khổ-hạnh bằng ta. Tu-hành cực nhọc, chịu đau đớn vô-ngần, nhưng ta nào có đạt được trí-huệ cao-siêu và đắc đạo-quả thánh-nhân đâu? Chắc có một con đường khác nữa có thể đưa ta đến nơi giác-ngộ chẳng sai". Rồi ta sực nhớ lại hồi buổi ấu-niên, khi theo cha, là Ðức Vua Tịnh Phạn, ra đồng xem cày ruộng, ta đã có dịp nhập vào sơ-định dưới gốc cây thị.

"Bây giờ ta mới nhận-thức rằng: "Tinh-thần không sao được tấn-hoá với một xác thân suy-nhược".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

"Bát chánh đạo" là phương-pháp giải-thoát duy-nhất

Lối vài giờ trước khi Ðức Thế Tôn nhập-diệt, có thầy đạo-sĩ du-phương tên là Subhadha xin vào yết-kiến Ngài. Sau khi cung-kính đảnh lễ và ngồi xong, thầy Subhadha liền hỏi Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Gotama[6], xin Ngài cho tôi biết coi chẳng hay mấy vị giáo-chủ của sáu nhóm ngoại-đạo và các vị Bà La Môn cầm đầu một số đông tín-đồ, được nhiều người ca-tụng công-đức, như các vị: Puruna, Kassapa, Makkhalin, Gosala, Ajita-Kesakambalin, Kaku-dha, Kaccãyanna, Sanjaya, Belatthiputta và Nigantha-Nãtaputta, đều dạt được chân-lý cao-siêu và đã đắc đạo-quả, hay chỉ có vài vị được đắc đạo, còn các vị khác chưa đắc?"

Ðức Phật trả lời rằng: "Này Subhadha, ngươi nên dẹp lại một bên cái ý tưởng muốn biết coi hết thẩy mấy vị ấy đều đắc đạo, hay chỉ có vài vị đã đắc, còn vài vị khác chưa đắc. Vậy ngươi nên chăm-chú nghe Như Lai thuyết ra đây:

"Này Subhadha, bất cứ trong một Giáo Pháp nào mà không có "Bát Chánh Ðạo" làm gốc, thì chẳng mong gì có đạo quả thánh-nhân. Tất cả bậc Thánh thứ Nhất (Tu Ðà Huờn), bậc Thánh thứ nhì (Tư Ðà Hàm), bậc Thánh thứ ba (A Na Hàm), bậc Thánh thứ tư (A La Hán) đều không có. Này Subhadha, còn bất cứ trong một giáo pháp nào mà có "Bát Chánh Ðạo" làm căn-bản, thì đạo-quả thánh-nhân vẫn có luôn. Tất cả các bậc Thánh thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư đều có. Này Subhadha, nếu các thầy tỳ-khưu biết sống theo lẽ chánh thì đạo-quả A La Hán trên thế-gian này vẫn còn".

Rồi Ðức Thế Tôn ngâm kệ như vầy:

"Hỡi này Subhadha!
Lúc vừa được hai mươi chín tuổi xuân,
Ta rời bỏ gia-đình, xa lìa thế tục,
Ðể đi tìm lợi-ích tối cao.
Từ đó đến nay, đã năm mươi mốt năm qua,
Ta hằng cố gắng giữ mình theo Chánh  Ðạo.
Ngoài Chánh Ðạo, chẳng tìm đâu ra quả-vị thánh-nhân".

Sau khi tỏ lời khâm-phục và ngợi-khen những điều diễn-giải của Ðức Thế Tôn, đạo-sĩ Subhadha liền xin Ngài cho phép xuất-gia tu theo Phật-Giáo.

Ðức Thế Tôn dạy rằng: "Này Subhadha, kẻ nào trước kia thuộc về phái ngoại-đạo, nhưng nay muốn gia-nhập vào tăng-hội, phải chờ trong một thời-gian là bốn tháng mới được các vị tỳ-khưu truyền cụ-túc giới cho".

"Bạch Ðức Thế Tôn, nếu phải chờ đợi trong bốn năm để được xuất-gia thì đệ-tử cũng có thể đợi, chứ chẳng phải chỉ bốn tháng thôi".

Thấy đạo-sĩ Subhadha bền tâm nhẫn-nại và giờ nhập Niết-Bàn cũng sắp đến nơi, Ðức Phật liền dạy tôn-giả Ananda như vầy: "Này Ananda, vậy Như Lai cho phép đạo-sĩ Subhadha thọ lễ xuất-gia ngay bây giờ". 

Ðức Phật chỉ dạy tóm tắt phương-pháp quán về Minh Sát Tuệ, thầy tỳ-khưu Subhadha ra chỗ vắng thực-hành. Trong khoảng thời-gian rất ngắn, nhờ trí-huệ viên-mãn, thầy tỳ-khưu Subhadha đã đắc quả A La Hán.

Ðó là đệ-tử cuối cùng của Ðức Thế Tôn.

-- MAHAPARINIBBÃNA SUTTANTA

Sang qua bên kia bờ sông

"Này các thầy tỳ-khưu, thuở nọ, nhằm cuối mùa mưa, ở tại xứ Magadha có một tên chăn bò kia có tánh vụng-về, nó muốn lùa bày bò sang bên kia sông Gange (Hằng Hà), nhưng chẳng biết xem-xét kỹ-càng để chọn khúc sông nào cạn cho bò lội qua được dễ-dàng. Nó cứ lùa đại các con vật xuống nước. Rốt cuộc, khi lội ra tới giữa giòng sông, gặp nhằm chỗ sâu, nên tất cả bày bò đều bị nước cuốn đi và phải bị tiêu-diệt một cách khổ sở".

"Này các thầy tỳ-khưu, thì cũng như thế ấy, những kẻ nào hằng tin-tưởng và tìm học hỏi với các bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn có tính vụng-về, không thông-suốt tam-giới[7], không biết rõ thế nào là cảnh-giới của ma-vương (ám-chỉ về sự cám-dỗ của ngũ-trần) và thế nào là chẳng phải, không biết rõ thế nào là cảnh diêm-vương (ám-chỉ về sự sanh tử luân-hồi), còn thế nào là chẳng phải. Vì đó mà những kẻ ấy phải gặp nhiều sự thống-khổ chẳng sai".

"Này các thầy tỳ-khưu, thuở nọ, nhằm lúc cuối mùa mưa, tại xứ Magadha, có một tên chăn bò kia rất giỏi giắng, muốn lùa một bày bò của nó sang qua phía bên kia sông Gange. Nhưng trước khi lùa bò xuống nước, nó biết xem-xét kỹ-càng để chọn khúc sông nào cạn cho bò lội qua được dễ-dàng. Nó cho những con bò chúa đoàn khôn-ngoan băng qua sông trước hết. Kế đó, nó mới lùa xuống nước những con bò đực, bò cái có nhiều sức khỏe, rồi mới đến những con bò tơ và bò nhỏ hơn. Sau rốt, mới đến lượt con bò vừa mới sanh. Con bò này chỉ nghe tiếng kêu của bò mẹ mà cũng băng được qua khỏi giòng sông. Nhờ sự sáng-suốt, giỏi-giắng của tên chăn bò mà tất cả bày bò đều lội được qua đến bờ bên kia bình-an".

"Này các thầy tỳ-khưu, thì cũng như thế ấy, những kẻ nào hằng tin-tưởng và năng tìm học hỏi với các bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn giỏi-giắng, có nhiều kinh-nghiệm, suốt-thông tam-giới, biết rõ thế nào là cảnh-giới ma-vương và thế nào là không phải, biết rõ thế nào là cảnh diêm-vương, còn thế nào là không phải. Nhờ vậy mà những kẻ ấy được nhiều hạnh-phúc chẳng sai".

"Này các thầy tỳ-khưu, những con bò chúa đoàn khôn-ngoan đã băng qua giòng sông một cách dễ-dàng ấy, ví cũng như các bậc sa-môn nào đã diệt-tận những điều phiền-não, đã làm xong những việc đáng làm và đã được hoàn-toàn giải-thoát[8]. Các bậc ấy đã lướt qua khỏi lượn sóng của ma-vương vậy".

"Này các thầy tỳ-khưu, những con bò đực và bò cái khỏe mạnh đã lội qua bên bờ kia, cũng ví như các bậc sa-môn đã diệt-tận năm điều chướng-ngại, đã được chứng quả Niết-Bàn tại cõi chư Thiên, đến khi tịch-diệt không còn tái-sinh lại cõi thế-gian nữa[9]. Các bậc ấy đã lướt qua khỏi lượn sóng của ma-vương vậy".

"Này các thầy tỳ-khưu, những con bò tơ đã lội qua sông bên kia, ví cũng như các bậc sa-môn nào đã diệt-tận ba điều chướng-ngại, đã đè nén bớt sự tham-lam, sân-hận và chỉ còn thọ-sinh một kiếp nữa thôi [10]. Các bậc ấy đã lướt qua khỏi lượn sóng của ma-vương vậy".

"Này các thầy tỳ-khưu, những con bò nhỏ và yếu ớt hơn, đã lội qua đến bờ kia, ví cũng như các bậc sa-môn nào đã diệt được ba điều chướng-ngại, đã bước vào vòng thánh-vức và chẳng còn bị sa-đọa nữa[11]. Các bậc ấy cũng đã lướt qua khỏi lượn sóng của ma-vương".

"Này các thầy tỳ-khưu, còn bò mới sanh, nhờ nghe tiếng kêu của bò mẹ mà lội qua đến bờ kia, ví như các bậc sa-môn có chí dũng-cảm, ráng sức thực-hành theo chánh pháp. Không sớm thì muộn, những bậc ấy cũng sẽ lướt qua khỏi lượn sóng của ma-vương và sẽ thành-tựu trong đạo-quả chẳng sai".

"Này các thầy tỳ-khưu, cũng như tên chăn bò giỏi giắng kia, Như Lai là một bậc suốt-thông tam-giới, biết rõ thế nào là cảnh giới ma-vương và thế nào là không phải, biết  rõ thế nào là cảnh diêm-vương, còn thế nào là không phải. Những kẻ nào hằng có lòng tin-tưởng và ráng tìm học hỏi với Như Lai, ắt sẽ được an vui trường-cửu chẳng sai".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

Phải  dè-dặt  đối  với những  sự  tuyên-truyền về  Phật-giáo

Thuở ấy, Ðức Thế Tôn đang ngự trong một thánh-địa thuộc về xứ Bhonaganagara. Ngài có thuyết cho các thầy tỳ-khưu nghe như vầy: "Này các đệ-tử, trong điều thứ nhất, một thầy tỳ-khưu có thể nói rằng: "Chính tôi có nghe tự kim khẩu của Ðức Phật thuyết ra như thế này, Ngài có giáo-hóa như thế kia. Ðây là chân-lý, đây là chánh-đạo, đây là chân-pháp của Ðức Thầy đã truyền lại".

"Này các đệ-tử, trong điều thứ nhì, một thầy tỳ-khưu có thể nói rằng: "Tại một chỗ nọ, tại giữa hàng tăng-chúng gồm có các bậc trưởng-lão và Chư Thinh Văn Ðại-Ðức, tôi có nghe các ngài thuyết ra như thế này, và tôi có học hỏi như thế kia. Ðây là chân-lý, đây là chánh-đạo, đây là chân-pháp của đức thầy đã truyền lại".

"Này các đệ-tử, trong điều thứ ba, một thầy tỳ-khưu có thể nói rằng: "Tại một nơi nọ, có nhiều bậc thánh-tăng học hỏi uyên-thâm, có đức tin cao-cả, giới-hạnh tinh-nghiêm, suốt-thông chân-lý đã được truyền lại từ xưa. Các Ngài có thuyết cho tôi nghe như thế này, dạy bảo tôi như thế kia. Ðây là chân-lý, đây là chánh-đạo, đây là chân-pháp của đức thầy đã truyền lại".

"Này các đệ-tử, trong điều thứ tư, một thầy tỳ-khưu có thể nói rằng: "Tại một chỗ nọ, tôi có nghe một bậc siêu-nhân thông-suốt kinh-luật giảng-giải như thế này, và tôi có hiểu như thế kia. Ðây là chân-lý, đây là chánh-đạo, đây là chân-pháp của đức thầy đã truyền lại".

"Này các đệ-tử, khi nghe một thầy tỳ-khưu nào nói như vậy, các ngươi chớ khá vội khen-tặng và tin chắc những điều ấy, mà cũng chẳng nên vất bỏ một bên. Các ngươi nên tìm hiểu rõ, đem những lời ấy ra so-sánh với giáo-lý của Ðức Như Lai và giới bổn của tăng-hội. Khi nào thấy sai với kinh-luật và không đúng chân-lý, thì các ngươi nên hiểu rằng đó chẳng phải là lời của Như Lai thuyết ra và thầy tỳ-khưu nói trên là người không học hỏi Phật Pháp một cách chánh-đáng".

"Này các đệ-tử, còn, trái lại, khi nào những điều ấy đúng với kinh-luật và hợp theo chân-lý, thì các ngươi nên tin chắc rằng đó là lời của Như Lai đã thuyết ra và vị tỳ-khưu kia đã hiểu rõ chân-pháp vậy".

-- MAHÃPARINIBBÃNA SUTTANTA (Ðại Bát Niết-Bàn Kinh)

Giáo-pháp có lợi-ích và không có lợi-ích

Thuở ấy, Ðức Thế Tôn đang ngự tại xứ Kosambi, trong rừng cây Sisu. Ngài nắm trong tay mấy lá Sisu và hỏi các đệ-tử rằng: "Này các thầy tỳ-khưu, vậy chớ các ngươi nghĩ thế nào, đối với những lá cây Sisu trong đám rừng này và mấy lá Sisu của Như Lai đang nắm trong tay, bên nào nhiều hơn?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, nếu đem so-sánh với những lá Sisu ở trong rừng này, thì mấy lá mà Ngài đang nắm trong tay thật là ít ỏi".

- "Này các thầy tỳ-khưu, cũng như thế ấy, những pháp của Như Lai thông-hiểu, nhưng không thuyết-giảng ra thật nhiều không sao kể xiết, ví như vô số lá Sisu hiện ở trong rừng này. Còn những pháp mà Như Lai đã đem ra dạy bảo các ngươi thật ít ỏi, ví như mấy lá Sisu mà Như Lai đang nắm trong tay".

"Này các thầy tỳ-khưu, mà tại sao Như Lai không thuyết-giảng hết những pháp ấy? Vì những pháp đó không có lợi-ích chi cho bề hành đạo, không thể làm cho con người chán-nản thế-sự, không diệt được lòng tham-dục, si-mê. Hơn nữa, các pháp đó không thể nào đem lại sự an-tĩnh cho thân tâm, sự suốt thông chân-lý, đem lại trí-huệ cao siêu, để đưa chúng-sinh đến Niết-Bàn đặng. Bởi cớ ấy, Như Lai chẳng thuyết ra".

"Này các thầy tỳ-khưu, còn những pháp mà Như Lai đã thuyết ra ấy, như thế nào? Như Lai chỉ dạy rằng: đây là sự khổ, đây là nguyên-nhân của sự khổ, đây là tư-cách diệt khổ và đây là con đường đưa đến nơi dứt khổ".

"Này các thầy tỳ-khưu, mà tại sao Như Lai chỉ dạy có bấy nhiêu thôi? Vì những Pháp ấy có lợi-ích cho bề hành đạo, có thể làm cho con người chán-nản thế sự và diệt được lòng tham-dục, si mê. Hơn nữa, chúng nó có thể đem lại sự an-tĩnh cho thân tâm, sự suốt-thông chân-lý, đem lại trí-huệ cao-siêu, để đưa chúng-sinh đến Niết-Bàn đặng".

"Này các thầy tỳ-khưu, vậy các ngươi nên ráng tìm hiểu cho thấy rõ rằng: đây là sự khổ, đây là nguyên-nhân của sự khổ, đây là tư-cách diệt khổ và đây là con đường để đi đến nơi dứt khổ".

-- SAMYUTTA NIKÃYA

Lời của Soạn-giả:

Ðối với người tu Phật, bài pháp trên đây chẳng lạ gì. Nhưng chúng tôi soạn ra là vì xét rằng những lời dạy của Ðức Thế Tôn trong ấy có rất nhiều ý-nghĩa và ảnh-hưởng sâu-xa đến những ai muốn tìm hiểu đạo Phật một cách chính-đáng.

Một nhà bình-luận người Âu nói rằng: "Sở dĩ hiện nay chúng ta thấy rất nhiều kinh sách về Phật Học không có tính-cách lợi-ích cho sự hành đạo giải-thoát, là do một số đông các nhà khảo-cứu hoặc tu-sĩ trong Phật-Giáo, đáng lẽ phải cố gắng làm cho phát-triển những lời khuyến dạy của Ðức Phật đã thuyết ra (ít, ví như lá cây của Ngài nắm trong tay) để dìu-dắt nhân-loại trong việc sưu-tầm chân-lý, họ lại phí công vô-ích để tìm hiểu và phỏng-đoán về những cái mà Ngài chẳng chịu nói ra (nhiều, ví như lá cây trong rừng). Rốt cuộc, họ chỉ làm mệt óc con người bằng những lý-thuyết viễn-vông và đó là nguyên-nhân làm cho Phật-Giáo phải bị suy-đồi và chia ra nhiều tông phái.

Nếu xét đúng theo chân-lý, thì dầu cho bậc A La Hán cũng không tài nào đoán tư-tưởng của một đấng Chánh Ðẳng Chánh Giác đặng. Huống hồ người phàm mắt thịt như chúng ta, thì làm sao khỏi sai lầm?

Vì đoán biết tâm-trí vớ-vẫn, háo-kỳ, của nhân-loại và sợ-e chánh pháp phải bị sai-lạc về buổi tương-lai, nên Ðức Phật hằng khuyên các đệ-tử cố gắng để-ý và thực-hành theo những lời dạy bảo của Ngài, chớ chẳng nên phí công tìm-tòi những điều không bổ-ích cho sự tiến-hoá đến nơi diệt khổ.

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Bốn hạng người này do nhà đại-hiền Rama tạo ra lối hơn bốn ngàn năm trước dương-lịch. Ngài làm vậy không phải có ý phân chia giai-cấp: lớn nhỏ, sang hèn, mà chỉ áp-dụng một phương-pháp cải-cách xã-hội hổn-độn trong thời-kỳ ấy, cho dễ phân-biệt các hạng người. Lần-lần, nhóm Bà La Môn Giáo cho họ là cao-thượng hơn hết, nên sắp lại để mình cao hơn 3 hạng kia: thầy tu, vua chúa, thương-gia và lao-động.

[2] Ðắc phép thần-thông, muốn  chi có nấy.

[3] Sĩ Ðạt Ta.

[4] Bậc thiền vô-sắc thứ ba (xin xem quyển Phép Chánh-định của ngài Hộ Tông)

[5] Bậc thiền Vô-sắc thứ tư.

[6] Người ngoại-đạo không chịu gọi Ðức Phật là Ðức Thế Tôn.

[7] Dục-Giới, Sắc-Giới, Vô-Sắc-Giới.

[8] A La Hán đã diệt được 10 điều chướng-ngại: ngã chấp, hoài-nghi, tà kiến, tham lam, sân-hận, chấp tam-giới, ngã mạn và vô-minh.

[9] A Na Hàm đã diệt tận 5 điều chướng-ngại: ngã chấp, hoài-nghi, tà kiến, tham-lam, sân-hận và đã đè nén bớt sự chấp tam-giới.

[10] Tư Ðà Hàm đã diệt tận ba điều chướng-ngại: ngã chấp, hoài-nghi, tà kiến (giới cấm thủ), và đè nén bớt sự tham-lam, sân-hận.

[11] Tu Ðà Huờn đã diệt được ba điều chướng-ngại: ngã chấp, hoài-nghi, tà kiến (giới cấm thủ). Bậc nào đã bước vào bậc chót này rồi cũng khỏi bị sa-đọa vào 4 đường ác-đạo trong những kiếp sau, nghĩa là chẳng bị sanh vào những cảnh-giới: Súc-sinh, A tu la, Ngạ quỉ, Ðịa-ngục.