BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


Bài 2

Ðức MỤC KIỀN LIÊN
(Maha Moggàllana; Thần thông đệ nhất)

-ooOoo-

Trong thời gian 45 năm Phật giáo hóa, Ngài A Nan làm thị giả. Phật luôn luôn có Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trợ lý. Hai tôn giả nhiều lần thay Phật đi truyền giáo đó đây. Hai vị là bạn tâm giao, lúc đầu theo phái San xa dạ, sau ngộ lý duyên sinh trở về với Ðức Phật. Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất đứng đầu hàng Thánh chúng, nhưng nghị lực dứt kiệt sử không nhanh bằng Mục Kiền Liên. Với các lậu hoặc trong thời gian 7 ngày, Mục Kiền Liên đã dứt sạch, và có thần thông đệ nhất. Ðứng hàng thứ hai trong Thánh chúng.

I- DÒNG HỌ VÀ CHÍ KHÍ MỤC KIỀN LIÊN.

Trong kinh điển và trong sách vở không ghi rõ nguyên quán của Mục Kiền Liên, nhưng qua sự kiện Mục Kiền Liên là bạn tâm giao của Xá Lợi Phất hồi còn thanh niên. Từ đó, có thể Mục Kiền Liên sinh trưởng ở phía Bắc Ấn Ðộ, nước Ma Kiệt Ðà. Thân phụ của tôn giả tên là Câu ly Ca (Kolita). Thân mẫu thuộc dòng họ Mục Kiền Liên. Thông thường ở Ấn Ðộ, người ta hay gọi tên con bằng họ của người mẹ. Bởi thế, tôn giả có tên Mục Kiền Liên (Moggallanaputta).

Trong kinh có chỗ gọi tôn giả là Câu Ly Ca hay Câu Luật Ðà. Nhưng hai tên sau không thông dụng bằng tên Mục Kiền Liên. Tôn giả có hình dáng cao lớn, mặt vuông, tai dài, tính cứng rắn, lạc quan, khí tiết hùng dũng, ít khuất phục việc trái chính nghĩa. Vì thế, dù đã theo Sanxa da, 1 trong 6 phái Lục sư ngoại đạo, Mục Kiền Liên đã cùng với Xá Lợi Phất lập một học phái riêng. Sau một thời gian, mỗi vị đã có 100 đệ tử. Khi thấy thuyết duyên sinh của Phật là siêu tuyệt, cả 2 đã tìm về với Phật. Xá Lợi Phất luôn luôn ở bên tay phải, còn Mục Kiền Liên luôn luôn ở bên tay trái của Ðức Phật. Trong khi các đệ tử của Phật còn đang tu học, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã thay Ðức Phật đi truyền bá chính pháp. Với dũng chí, Mục Kiền Liên không hề ngại khó khăn, không chịu thỏa hiệp. Với sức thần thông sẵn có, Mục Kiền Liên không chịu khuất phục ngoại đạo, thường tìm cách áp đảo giành phần thắng.

II- ÐẠO NGHIỆP CỦA MỤC KIỀN LIÊN.

1. Mục Kiền Liên với phép thần thông

Trong hàng Thánh chúng hay 10 đại đệ tử của Phật, MỤC KIỀN LIÊN LÀ VỊ THẦN THÔNG ÐỆ NHẤT, ÐỨNG ÐẦU TRONG HÀNG THÁNH CHÚNG. Trong mọi tình huống, Mục Kiền Liên thường hay sử dụng phép thần thông; khi đi truyền giáo Mục Kiền Liên dễ dàng chinh phục được người. Nhưng pháp căn bản của Ðạo giải thoát không phải là thần thông. Với nghiệp lực của con người thần thông không thể giải cứu. Với phép thần thông có thể khuất phục được người dễ dàng, nhưng chưa hẳn lòng người đã không oán giận.

Dù bị Phật quở Mục Kiền Liên vẫn sử dụng phép thần thông để làm phương tiện. Ngày Tỳ Lưu Ly kéo binh đội đến vây hãm thành Ca Tỳ La Vệ; Mục Kiền Liên đã dùng thần thông đến cứu dòng họ Thích Ca bị bách hại, thành Ca Tỳ La Vệ vẫn bị hỏa thiêu. Mục Kiền Liên cũng đã không cứu được mẹ bằng phép thần thông. Ngay chính Mục Kiền Liên cũng đã không thắng được nghiệp báo để thoát chết bởi bọn ngoại đạo, khi Mục Kiền Liên đến truyền đạo tại thành Thất La Phiệt. Ðó là chưa kể đến trường hợp người có thần thông sẽ lợi dụng phép đó để làm việc bất chính. Ðề Bà luôn luôn có dự mưu thay Phật lãnh đạo giáo đoàn. Vì thấy được lòng dạ đen tối của Ðề Bà, Phật đã không dạy cho Ðề Bà tu luyện phép thần thông.

Giá trị của thần thông là để giúp người tu chứng thấy xuyên suốt thời gian vô cùng và không gian vô tận, để biết được mọi vấn đề, mọi sự kiện, kể cả những gì sâu kín nhất trong lòng người. Nhưng, Phật vẫn không đặt nặng vấn đề tu luyện thần thông.

Trong kinh điển Phật giáo, có kể một mẫu chuyện Phật đánh giá thần thông rằng:

- Một hôm có một vị đạo sĩ Bà La Môn đang trổ tài phép thần thông bên một bờ sông cho quần chúng hiếu kỳ xem. Khi thấy Phật từ xa đi đến, đạo sĩ còn biểu diễn nhiều trò hấp dẫn với mục đích khoe khoang. Phật hỏi vị đạo sĩ phải tu luyện bao lâu mới có được phép thần thông và chứng quả gì. Ðạo sĩ cho biết là đã tu luyện trên 30 năm. Khi đạt được thần thông có thể bay đi tự tại và qua sông không cần đò. Phật nói: Nếu phải mất một nửa đời người, phải tu luyện để bay qua dòng sông khỏi phải mất một đồng xu thì giá quá đắt.

2. Mục Kiền Liên độ bà bán bánh

Một hôm, trên đường đi khất thực, Mục Kiền Liên dừng chân trước một nhà bà bánh bánh ít trần, thứ bánh ngọt mà không bọc lá. Thấy bà không đem vật thực ra cúng dường, đoán biết là bà này có tâm keo kiệt, Mục Kiền Liên cố tình đứng lại chờ đợi, để bà gieo công đức phước điền.

Không những không cúng dường, bà còn xua đuổi tôn giả, bà nói:

- Làm gì mà sáng sớm ông đến đứng án nhà tôi thế? Ông có biết rằng tôi đang hông bánh chưa có buôn bán được gì cả chăng? Xin mời ông đi mau cho với để sáng sớm tôi khỏi mất hên.

- Xin Bà cho tôi một nắm cơm, nếu không bà cho tôi một cái bánh cũng được, Mục Kiền Liên năn nỉ.

- Tôi nghèo lắm ông ơi! Bà già nói, ông không thấy nhà tôi đang siêu vẹo, sau trận cuồng phong chưa sửa được đấy à! Còn xin bánh, tôi đã bảo bánh chưa chín mà, ông nầy lẩn thẩn thật.

- Nếu bà khôg cho, tôi hóa phép làm gió thổi sập nhà bà luôn.

- À! Thế ông có biết làm phép ư? Nếu có phép ông thử chết xem sao? Nếu thực sự ông có thể biến hóa chết được, tôi sẽ cho. Với thần thông đã chứng, Mục Kiền Liên đã rùng mình 3 lần rồi lăn ra chết.

Thấy thây chết khiếp quá, nhưng vì tâm keo kiệt, bà nói:

- Ðã là xác chết, còn ăn uống gì được mà cho, giờ thì ông còn báo đời, tôi phải chôn cất thây ma, thật đến khổ!

Mục Kiền Liên đứng dậy và nói:

- Giờ nầy, tôi là người bình thường, ăn uống được, xin bà hãy đem vật thực cho tôi.

- Tôi đã bảo là tôi nghèo rớt mùng tơi mà! Xin ông hãy dời gót gấp cho với, để tôi còn lo sinh kế nữa chứ.

- Bà đã biết tôi có phép, Mục Kiền Liên nói: Sẵn có tảng đá bên đường, nếu bà không cho vật thực, tôi sẽ mang tảng đá thả đè bẹp nhà bà ngay tức khắc.

Giận quá, nhưng lại sợ sập nhà, nhân đang hông bánh (nấu cách thủy), bà mở vung, chọn một cái bánh nào nhỏ nhất để cho hầu khỏi rắc rối. Lúc này, bà thấy cái bánh nào cũng to lớn, cho thiệt hại cả vốn và lời. Dù bánh đã được xoa dầu để khỏi dính nhau, nhưng bà càng xáo tìm cái bánh nhỏ nhất thì bánh càng dính chùm với nhau. Giận quá, bà khuân cả nồi để trước Mục Kiền Liên và nói: - Ông hại tôi quá, làm bánh tôi dính chùm với nhau hết. Hỏng hết rồi, ông mang luôn cả nồi nầy về mà ăn cho thỏa.

Thấy ý cho bánh trong sự tức giận, nhưng thiện tâm đã bắt đầu được nhen nhúm, Mục Kiền Liên gắp một cái bánh để vào bình bát, rồi tạ từ bà già và tiếo tục lên đường.

3. Mục Kiền Liên trước sắc đẹp.

Một lần khác, nhân đi khất thực, ngang qua một khu vườn rất là nên thơ, Mục Kiền Liên gặp một phụ nữ tuổi trung niên rất kiều diễm. Bà này đón Mục Kiền Liên lại và mời vào rừng nói chuyện. Biết chuyện chẳng lành, chuẩn bị nếu có bị hại khi không chiều ý bà ta, thì sẽ đem sức thần thông chống trả, Mục Kiền Liên liền từ chối và nói:

- Bà không nên đem sắc đẹp mê hoặc tôi, con người của bà bên ngoài vui tươi, ngọt ngào nhan sắc, nhưng chắc chắn lòng bà không khác một cuộn chỉ rối. Bà đang có một tâm sự uất nghẹn nên mượn sắc đẹp sẵn có để giết thời gian, hầu quên lãng tất cả, xin lỗi bà chớ phiền, tôi thẳng thắn khuyên bà không nên chơi với lửa, lội vào vũng sình, nguy hiểm lắm! Càng lao vào con đường trụy lạc, tâm hồn càng thêm dơ bẩn. trong vũng bùn, bà càng cố vẫy vùng thì bà càng lún sâu, khó thoát khỏi tội lỗi. Thiện tâm của bà chưa hẳn đã mất, Bà nên quay bướng chưa muộn lắm đâu.

Nghe nói đúng quá, bà ta giật mình, khóc sùi sụt và thưa:

- Thưa tôn giả! Tôi vẫn biết thế, nhưng không có con đường nào hơn. Tôi mượn lạc thú để quên hết uẩn khúc của cuộc đời, quên quá khứ đau thương.

Mục Kiền Liên bình thản khuyên:

Thông thường, với những điều càng cố quên, thì càng nhớ, càng nhớ lại càng thấy đau... Càng đau thì lòng càng căm tức, càng oán tức lại có thể phát điên khùng. Lúc đó, hết biết phương cứu chữa, ở đời có 2 con người mạnh nhất là:

- Người không có tội lỗi. Người có tội lỗi mà biết ăn năn, sám hối. Thân thể, quần áo dơ bẩn dùng nước giặt rửa. Nước trên sông ô uế khi vào biển cả đều được lóng trong. Tâm hồn nhiễm đầy trần cấu, Phật pháp có năng lực làm cho trong sạch, thánh thiện.

Nếu biết sám hối bà sẽ hết tội, tăng phước, trở nên con người gương mẫu.

- Nhưng tội lỗi quá nhiều, sám hối bao giờ mới hết tội! Bà ta nói, tôi đã mượn tiền tài và sắc đẹp làm lung lạc không biết bao nhiêu người đàn ông nhẹ dạ. Tôi đã phá tan hạnh phúc của nhiều gia đình, rồi tôi cũng bị người cùng phái nguyền rủa, có lần tôi suýt toi mạng. Nếu tôi phơi bày hết tâm sự, chắc tôn giả càng khinh ghét tôi bội phần, với giáo pháp của Phật khi nghe bà bộc lộ tâm hồn, tôi sẽ tăng thêm từ ái, không có khi dễ gì đâu.

Nghe thế, rất yên tâm, bà ta kể:

- Tôi là con của Trưởng giả ở Thành Ðức Xoa Tỳ La, tên là Liên Hoa Sắc, lúc lên 16 tuổi tôi lấy chồng, chẳng may cha chồng chết sớm mẹ chồng tôi còn xinh đẹp, và sinh lý còn cường thịnh, do đó bà ta đã khuynh đảo chồng tôi, phạm tội loạn luân. Quá buồn, tôi xin ly dị, để lại cho chồng tôi một bé gái, rồi tôi đi lang thang như kẻ mất hồn. Vì buồn, tôi lại kết bạn với một chàng thương gia trẻ tuổi. Tôi ở nhà lo việc quản gia, chồng tôi lại đi đó đi đây để buôn bán. Làm ăn phát đạt, lắm tiền của lại sinh tật, một chuyến đi buôn xa trở về, chồng tôi đem về một hầu thiếp son trẻ, gởi ở nhờ nhà một người bạn hữu. Thường mượn cớ đến nhà bạn hàn huyên, chồng tôi ít ngủ ở nhà. Nghe bà con xì xầm, tôi nổi cơn ghen, quyết tìm cho bằng được và ăn thua đủ với con quỷ cái đã ám hại gia đình tôi. Không ngờ khi chạm mặt nhau, hầu thiếp của chồng tôi chính là con gái đời chồng trước của tôi.

Oan trái gì mà ghê thế! Bà già tôi lại đi cướp chồng của tôi. Rồi con tôi và tôi lại cùng chung một chồng. Xưng hô như thế nào cho phải đạo lý? Uẩn khúc như thế hỏi ai có còn chịu đựng nổi?

Khi tỉnh lại, không giữ được thăng bằng của tâm hồn, tôi lại bỏ nhà ra đi, mượn những cuộc truy hoan đó đây đùa cợt cho vơi sầu. Chuyện đời của tôi thật quá bi thảm, tôn giá có đủ năng lực để cứu vớt tôi chăng?

Nghe tâm sự não nùng của Liên Hoa Sắc, Mục Kiền Liên đem thuyết duyên sinh, thiện ác nghiệp báo, nhân quả luân hồi giảng giải cho Liên Hoa Sắc nghe.

Khi thấy Liên Hoa Sắc có thể hồi tâm, Mục Kiền Liên hướng dẫn Liên

Hoa Sắc về bái yết Ðức Phật. Liên Hoa Sắc hết lòng sám hối, tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu chứng quả A La Hán và có thần thông đệ nhất bên phái nữ. Trong khi, Mục Kiền Liên đã là bậc thần thông đệ nhất bên phái nam.

4. Mục Kiền Liên với lễ Vu Lan bồn

Trong hàng thánh chúng, Mục Kiền Liên không những là vị có thần thông đệ nhất,bản tính rất năng động mà còn là một vị có hiếu đạo hơn hết. Một hôm, nhớ mẹ, Mục Kiền Liên vận dụng thần thông đi khắp mọi nơi để tìm mẹ. Khi vào địa ngục, Mục Kiền Liên thấy mẹ không chỉ ở chốn địa ngục, mà còn đói khủng khiếp, cơ thể vô cùng gầy yếu. Ðể phục hồi sức lực lại cho mẹ là Thanh Ðề, Mục Kiền Liên đem cơm dâng cho mẹ. Mừng quá, Bà Thanh Ðề dùng tay trái che bát để các tù nhân khác không thấy thức ăn, tay phải bốc cơm đưa vào miệng. Nhưng than ôi! Cơm thành than đỏ, Bà không thể nào ăn được, Mục Kiền Liên rơi nước mắt, lòng buồn vô tận! Mục Kiền Liên vận dụng đủ mọi phương tiện để cứu mẹ, nhưng vẫn không có kết quả.

Trở về bạch Phật sự tình và hỏi lý do. Với tinh thần từ ái, Phật nói: - Mục Kiền Liên! Lúc sanh tiền mẹ ông đã hủy báng Phật, mắng tăng, bà không tin nhân quả luân hồi. Ðặc biệt bà rất bỏn sẻn, chẳng bao giờ bà bố thí cho ai, kể cả bố thí cho con kiến một hạt gạo. Từ đó, sau khi chết bà phải chịu các quả báo như thế. Ông tuy là con người hiếu đạo, thương cha nhớ mẹ, muốn đền đáp thâm ân, nhưng sức của cá nhân có hạn, dù đã có thần thông, một mình ông cũng không thể giải cứu nghiệp lực của bà Thanh Ðề. Ông hãy đợi đến ngày rằm tháng bảy, ngày chư tăng mãn hạ, thiết lễ Vu Lan nhờ chư Tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát khỏi cảnh địa ngục.

Theo như lời Phật dạy, ngày rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên sắm sửa trai diên, dâng cúng 10 phương Tăng, và nhờ thần lực của Chư Tăng chú nguyện.

Quả như vậy, với đạo nghiệp tấn tu 3 tháng, Chư Tăng không những giúp cho bà Thanh Ðề, mà nhiều người khác trong ngày đó cũng thoát khỏi cảnh địa ngục tối tắm.

Kinh Vu Lan, lễ Vu Lan, và gọi là ngày rằm xá tội vong nhân có từ đó. Vu Lan bồn có nghĩa là mở sợi dây treo ngược cho người có tội. Trung quốc gọi là giải đảo huyền.

III - MỤC KIỀN LIÊN NẠN VONG

Vào thời Ðức Phật, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai cánh tay đắc lực của Phật. Cả hai đã làm cho ngoại đạo phải kính sợ. Xá Lợi Phất đã dùng trí tuệ biện tài chinh phục bọn ngoại đạo. Với dũng khí, kiên cường năng động, Mục Kiền Liên dùng thần thông lấn lướt bọn ngoại đạo. Bởi thế, hàng ngoại đạo rất oán ghét Mục Kiền Liên hơn hết, và tìm cơ hội bức hại.

Một hôm, trên đường đi khất thực, tại thành Thất La Phiệt, cùng với hai đệ tử là Mã Túc và Mãn Túc, Mục Kiền Liên bị bọn lõa hình ngoại đạo vây đánh. Vì bất ngờ và quá đông, Mã Túc và Mãn Túc không đối phó nổi. Tôn giả Mục Kiền Liên bị trận đòn hội đồng mà vong mạng. Về cái chết của Mục Kiền Liên có sách lại chép tại núi Y Tư Xa Lê, bọn lõa hình mai phục chờ Mục Kiền Liên đi qua, và ném đá rơi như mưa. Dù có thần thông, nhưng vì bất ngờ quá không kịp đối phó, Mục Kiền Liên đã tử thương.

Một sách khác lại chép:

- Một hôm trên đường đi du hóa trở về, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, bị đồ đệ của Bảo Lạc Noa, thuộc phái Ni Kiền Tử, thường gọi là phái lõa hình, đem gậy gộc ra chận đường gây sự; Bọn này hỏi Xá Lợi Phất Phất: "Trong chúng chánh mạng (lời tự xưng của phái lõa hình) có sa môn không?" Vốn bậc trí tuệ, đón biết được ý đồ của Bảo Lạc Noa, Xá Lợi Phất nói: "Chúng chánh mạng Sa Môn không. Chúng thích Ca Sa Môn có, nếu A La Hán còn tham ái là không có kẻ ngu si". Không hiểu ý, tưởng đó là lời khen mình, họ để cho Xá Lợi Phất đi.

Bọn lõa hình quay qua hỏi Mục Kiền Liên. Giọng đanh thép, Mục Kiền Liên đáp: "Trong chúng của các ông làm gì có quả Sa Môn". Cho là giọng trịch thượng, bọn lõa hình tức giận, vác gậy gộc đánh Mục Kiền Liên. Không chịu nổi trận đòn, Mục Kiền Liên bất tỉnh, tưởng là địch thủ đã chết, bọn lõa hình bỏ đi... Xá Lợi Phất trở lại tìm xem bạn như thế nào. Thấy Mục Kiền Liên bất tỉnh thân thể tím bầm, máu ra lai láng, Xá Lợi Phất lấy cà sa làm võng đưa Mục Kiền Liên về Tinh Xá. Ðại chúng hỏi Mục Kiền Liên: "Tôn giả là bậc có thần thông, sao lại chịu thua thiệt đến thế?" Mục Kiền Liên liền đáp:

"Vì bất ngờ, hơn nữa, khi nghiệp lực đến, chỉ một chữ THẦN còn chưa thể được, huống là phát THÔNG". Nói xong tôn giả vào Niết Bàn.

Dù các sách chép có phần hơi khác nhau, nhưng các sách đều có ghi là, bọn lõa hình ngoại đạo đã bức hại Mục Kiền Liên. Khi nghe tin Mục Kiền Liên bị ám hại, Vua A Xà Thế đã phẫn nộ và đã hạ lệnh truy nã bọn lõa hình. Khi tên nào bị bắt, nhà vua cho xử giảo bằng cách ném sống vào hầm lửa.

Sau khi hỏa táng Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất, Mã Túc và Mãn Túc đã đem hài cốt của Mục Kiền Liên về trình Phật. Phật tập họp chúng Tỳ kheo lại và dạy:

- Này các vị Tỳ kheo! Hãy chiêm ngưỡng hài cốt của. Ðã mang sắc thân, chắc chắn còn nghiệp phải trả. Nhục thể phải chịu luật vô thường. Do đó, sinh tử, trả nghiệp là chuyện thường tình. Không có gì phải hoang mang lo sợ, khi xã bảo thân con người cần giữ tâm hồn không nên mê muội, oán thù, sân giận. Trong các nghiệp, cận tử nghiệp là nghiệp nặng nhất. Vì tuyên dương giáo pháp mà phải tử nạn đó là một vinh dự, đáng cho tất cả noi gương.

Người chiến sĩ phải da ngựa bọc thây, mới xứng đáng là chiến sĩ anh hùng. Chúng ta hãy xây tháp tôn thờ hài cốt của Mục Kiền Liên.

Với hài cốt của Mục Kiền Liên và kể cả hài cốt của Xá Lợi Phất đều được tôn thờ và giữ gìn nguyên vẹn. Khi đến chiếm Ấn Ðộ, người Anh đã thỉnh hai hài cốt này về trưng bày tại viện bảo tàng Luân Ðôn. Năm 1947, sau khi Ấn Ðộ được độc lập, Chính phủ Anh đã hoàn trả hài cốt của Xá Lợi Phất và lại cho chính phủ Nehru.

IV- NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN

Ðúng là sinh nghề tử nghiệp! Suốt cả cuộc đời hành đạo đã dùng thần thông làm phương tiện. Bởi thế trong hàng thánh chúng, Mục Kiền Liên được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Nhưng vì có thần thông mà mà Mục Kiền Liên bị hàng ngoại đạo oán thù, và bọn lõa hình đã đánh Mục Kiền Liên bị tử thương. Ðó là nghiệp lực còn tồn tại. Mục Kiền Liên còn phải trả để vào vô dư Niết Bàn. Sức thần thông của Mục Kiền Liên vẫn không cưỡng lại được nghiệp lực hữu dư. Còn thân 5 ấm là còn nghiệp lực phải trả. Người đạo sĩ hơn kẻ thường tình là mỉm cười trước cái chết không oán hờn, than khóc, tiếc nuối, mê mờ...

Trước mọi biến thiên của cuộc đời, tâm an tịnh là đạt Niết Bàn.

Thần thông không phải là một phép huyền bí, đó là một năng lực vô biên sẵn có trong mỗi con người. Khi 6 năng quan của con người được tập luyện phát triển đến ưu việt, tức là có lục thông.

Xưa có một người khách bộ hành đi qua một khu rừng có nhiều cọp, chiều hôm đó, dù trời chưa tối hẳn, nhưng cọp đã ra đường mòn. Thấy cọp, khiếp quá, người lữ khách nhảy lên cành của một cây cổ thụ cao. Khi con cọp đi rồi, người lữ khách không sao xuống được, vì thân cây quá lớn, lại cao, cành cây cách mặt đất hơn cả chục thước. Mãi đến sáng hôm sau, có người đi qua, người lữ khách mới nhờ khách bộ hành bắc sào cho anh tụt xuống. Khách bộ hành hỏi lý do tại sao cành cây cao thế mà anh lại nhảy lên được, lại không nhảy xuống được. Người lữ khách bảo là không hiểu được, khi thấy cọp tôi nhảy lên, không ngờ lại lên được cành cây cao. Khi cọp đi rồi, tôi hết sợ, lại không nhảy xuống được. Ðó là một điều lạ không thể giải thích được. Nếu với thời xưa, người ta cho là có thần linh phù hộ. Thật ra, không phải thế. Theo Ðạo Phật, đó là khả năng vô biên tiềm ẩn trong mỗi con người, có điều là với người tu luyện thì khả năng đó phát triển và luôn luôn sử dụng được. Còn người bình thường khả năng đó chỉ bộc phát một lần thôi. Người có luyện tập võ nghệ họ nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác được đó cũng là do họ có triển khai được một phần nào các khả năng tiềm ẩn vô biên đó. Còn người mộng du nhảy hoặc leo tường không cần thang, họ chỉ làm được trong lúc mộng du mà thôi. Từ thực tế đó cho thấy thần thông không có gì là huyền bí. Nhưng Phật không cho các Tỳ kheo tu luyện, vì ngại Tỳ Kheo chọn phương tiện làm cứu cánh. Hơn nữa, người không có phẩm hạnh cao sẽ sử dụng thần thông vào việc bất chính trở ngại cho con đường giải thoát sinh tử luân hồi.

Qua đạo nghiệp của Mục Kiền Liên, còn có vấn đề tại sao bà Thanh Ðề phải nhờ sức chú nguyện của Chư Tăng mới siêu thoát?

Ðây cũng không phải là vấn đề huyền bí, thần quyền, trái luật nhân quả? Theo Phật giáo cốt lõi là "trí tuệ giải thoát" chứ không phải là đức tin thần bí thần quyền. Tất cả mọi vấn đề đều tùy thuộc vào thuyết duyên sinh, luật nhân quả. Trong bài "NHÂN NGÀY LỄ VU LAN NGHĨ VỀ ÐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC", thuyết duyên sinh và luật nhân quả, Hòa thượng Thích Thiện Siêu có viết:

- "Luật nhân quả nằm trong luật nhân duyên, đã là nhân duyên thì dù nhân dù quả đều luôn luôn thay đổi. Nếu một người đã tạo nhân xấu, nhưng may gặp được duyên tốt của Phật lực, pháp lực, tăng lực, thời các nhân xấu của họ cũng thay đổi, hoặc được siêu thoát, hoặc bớt chịu khổ hơn, như cái cây đã héo gặp khí mát thổi tới mà được tươi trở lại. Trong Phật giáo sự tạo nghiệp và chuyển nghiệp luôn luôn đi liền với nhau".

Vả lại, đã là luật nhân duyên cho nên người này mới có tương quan đến người kia, có thể chi phối được người khác, vì tinh thần của con người có sức mạnh phi thường có thể làm cho người khác chịu ảnh hưởng, làm cho người khác chuyển đổi ý niệm. Kinh nói: "Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện". Mẹ nhớ con, con nóng ruột là lẽ thường tình.

- Ngày nay khoa học đang dự tưởng tìm cach điều khiển tàu ngầm bằng luồng điện tư tưởng giữa hai người chỉ huy trên đất liền, với người tài công dưới đáy biển, chứ không cần điện đài vật thể. Tư tưởng là một làn sóng thần, có thể lan rộng chi phối được tinh thần người khác. Ví như mặt trăng sẵn sàng chiếu sáng, nếu nước ao hồ được lắng trong thì trăng sẽ hiển hiện chiếu sáng.

Nhìn chung, con người và đạo nghiệp của Mục Kiền Liên có hai điểm ưu việt, đó là dũng khí và Hiếu hạnh. Chúng ta nên noi gương Mục Kiền Liên để trở thành con người biết đền đáp ân đức.

- Ân cha mẹ tổ tiên
- Ân tam bảo.
- Ân đồng bào đồng loại.
- Ân đất nước quốc gia.

Noi theo chí khí của Mục Kiền Liên để giữ vững niềm tin.

- Tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin Giới và tự tin để vượt khó khăn, trên con đường thực hiện giới, định, tuệ và phụng sự đạo pháp, làm lợi cho gia đình, dân tộc, xã hội, nhân loại, chúng sinh...

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Dòng họ và chí khí của Mục Kiền Liên như thế nào?

2. Mục Kiền Liên đã sử dụng thần thông vào những lúc nào, và kết quả như thế nào?

3. Mục Kiền Liên với Liên Hoa Sắc như thế nào?

4. Qua Kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên đã cứu mẹ như thế nào?

5. Tại sao Mục Kiền Liên bị tử thương?

6. Thần thông phải chăng đó là 1 phép huyền bí?

7. Với Mục Kiền Liên, chúng ta có thể học hỏi được điều gì?

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]