BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


VƯƠNG QUỐC NĂM XƯA

Tỳ kheo Giác Lộc


 Lưu ý: Đọc với phông VU-Times (Pali Unicode)


Lời nói đầu

Đây là tuyển tập từ hai kinh trọng yếu do Đức Phật thuyết lần đầu tiên cho năm thầy Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển gần Ba La Nại – đó là Kinh Chuyển Pháp Luân và Vô Ngã tướng kinh. Khi thuyết kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật đã mở cửa vào vương quốc chánh pháp và khi trình bày Vô Ngã tướng kinh Đức Phật đã chỉ rõ kho báu vô giá và là chỗ dựa vững chắc của vương quốc. Quả thật vậy, tinh thần Vô Ngã bàng bạc khắp lời dạy của Đức Phật, thiếu nó Đạo Phật trở thành trống không, vô vị. Do đó, người nào không thấu triệt lý Vô Ngã sẽ đứng bên lề Phật giáo và không thể hưởng được hương vị của chánh pháp ? Tuyển tập này được phiên dịch từ nhiều nguồn kinh điển Anh ngữ, nhất là tác phẩm «The Manuals of Buddhism» của Mahāthera Ledi Sayadaw - bậc Aggamahāpandita của dân tộc Miến-Điện.

Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ đem lại lợi ích cho những ai có dịp đọc qua và đó cũng là phần thưởng quý giá dành cho người phiên dịch.

Bhikkhu Giác Lộc
22 -12 - 1999

-ooOoo-

Nơi Đức Phật thuyết pháp đầu tiên là Isipatana, hiện nay là Sarnath, một công viên nai gần Varanasi. Sarnath hiện tại là một ngoại ô của Varanasi, thành phố thiêng liêng của hằng triệu người Hindu xứ Ấn. Đó là một ngôi làng nhỏ, nguyên nhân tồn tại của nó là sự kết hợp lời dạy của Đức Phật. Giữa một công viên lớn có ngôi đại tháp bằng gạch do Hoàng Đế Asoka xây và khắc bài kinh "Chuyển Pháp Luân’’ – Căn bản của mọi lời dạy khác của Đấng Giác Ngộ. Bây giờ chúng ta hãy hướng tâm vào lời Phật dạy để hành hương về Vương quốc vô tướng.

CHUYỂN PHÁP LUÂN
(Quay bánh xe pháp)

"Pháp": là bản chất thật của sự vật. Pháp cũng có nghĩa là con đường do Đức Phật chỉ dạy. Con đường này dựa vào bản chất thật của Pháp và nó nâng đỡ bất cứ ai thực hành theo.

"Chuyển": là sự giải thích trình bày. Chuyển pháp là giải thích những gì có tính cách nâng đỡ. Pháp - bản chất thật của sự vật luôn luôn ở mọi nơi, thường có mặt nơi thân tâm nhưng do sự kiện trong tâm có những ô nhiễm nên ngăn trở chúng ta nhìn thấy nó.

"Pháp Luân": Pháp được tiêu biểu như một bánh xe vì bánh xe có đặc tính xoay tròn và tiến về phía trước, cũng vậy Pháp giúp người ta ra khỏi thế giới Khổ và đến nơi bất tử. Như một bánh xe không được sử dụng sẽ không thể đưa người ta đi mọi nơi, Pháp chỉ được nghĩ đến nhưng không được thực hành sẽ không dẫn đến bất cứ lợi ích thực tiển nào.

HAI CỰC ĐOAN

Mở đầu Kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật dạy: "Này chư tỳ kheo, có hai cực đoan mà hàng xuất gia không nên hành theo: Một là đắm say trong các dục, thấp hèn, thô tục, phàm phu, không xứng bậc thánh, vô ích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, vô ích. Từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung Đạo, đem lại tuệ nhãn, chánh trí, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn."

Lần đầu tiên Đức Phật gọi năm vị đạo sĩ là "các Tỳ Kheo" dù các vị này chưa xuất gia với Đức Phật. Do vậy chúng ta có thể căn cứ theo chú giải từ:

"Tỳ Kheo" là chỉ cho bất cứ ai hành theo pháp. Sau này nhiều kinh Đức Phật thuyết cho chư tỳ kheo không có nghĩa là cư sĩ không hành theo được, đưa "Chư tỳ kheo" lên hàng đầu bởi vì quí Ngài là tấm gương sáng về thực hành pháp. Từ "Cực đoan" nghĩa là điều gì thái hóa, quá độ, không hợp lẽ tự nhiên. Lợi dưỡng là một cực đoan vì làm trì trệ sự tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh là một cực đoan vì làm suy nhược trí tuệ. Nên nhớ trước khi giác ngộ, Đức Phật đã thực hành hai cực đoan trên: khi là một hoàng tử Ngài đã sống cực kỳ xa hoa; khi từ bỏ cung vàng điện ngọc Ngài đã trải qua 6 năm khổ hạnh chưa có đạo sĩ nào vượt qua khỏi. Do đó nêu ra hai cực đoan là một vấn đề thực tiễn vì cả người giảng và người nghe điều có trải qua. Kế đó Đức Phật thuyết về pháp hành trung đạo để chỉ cho thấy lợi dưỡng là con đường lạc quan và khổ hạnh là con đường bi quan. Trung đạo này không lạc quan cũng không bi quan và là pháp hành duy nhất đưa đến giác ngộ.

TRUNG ĐẠO

Con đường này gọi là "Thánh" bởi gì nó giúp người thực hành đạt đến Thánh tâm. Gọi là "Trung đạo" bởi gì nó tránh tất cả lý thuyết và pháp hành cực đoan, chỉ có hại cho những ai thọ trì hoặc tin tưởng. Gọi là "Đạo thực hành (Paṭipadā)" bởi vì nó không quan tâm đến những giáo điều, niềm tin suông, nhưng chỉ chú trọng đến sự đào luyện chính mình, đến sự thực hành trong giây phút hiện tại.

BÁT THÁNH ĐẠO

Đức Phật dạy: "Này các tỳ kheo, con đường trung đạo đưa đến tuệ nhản, chánh trí, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn do Như Lai chứng ngộ là gì? Chính là bát thánh đạo, gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định."

Phương pháp huấn luyện của Phật giáo thường theo trình tự: Giới, Định, Tuệ. Nhưng trong bát chánh đạo, chánh kiến chánh tư duy (phầnTuệ) đến trước. Đây là khía cạnh rất quan trọng về pháp: Nếu người nào không có tuệ trong đời sống thì không thể hiểu rõ giá trị của Phật giáo. Thường mọi người bị các phiền não áp chế và nếu chúng mạnh sẽ ngăn trở việc nghĩ và hành động theo pháp.

Nhờ Tuệ người ta mới có thể đánh giá cao phần GiớiĐịnh. Chánh kiến (vô si) đến trước vì nó như người lảnh đạo sáng suốt thấy biết con đường đúng để theo và chánh tư duy là sự thôi thúc đi theo con đường đó bằng vô tham, vô sân và vô hại. Do Tuệ đã được thiết lập, người ta sẽ thanh tịnh khi tiếp xúc với ngoại cảnh qua chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và sẽ thanh tịnh khi tiếp xúc với nội tâm qua chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

TỨ THÁNH ĐẾ

Đoạn kinh kế tiếp Đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Tập thánh đế, Diệt thánh đế và Đạo thánh đế.

KHỔ ĐẾ

Gọi là Khổ bởi vì chân lý này có tướng áp bức chúng sanh. Nơi đây sự áp bức diễn ra theo 3 cách:

1. Saṅkhata: Áp bức theo cách tạo tác. Khi làm người phải tích cực làm các thiện nghiệp như bố thí, trì giới để hi vọng được sanh nhàn cảnh. Đây là cách tạo tác để trừ nổi lo âu rơi vào các đọa xứ như địa ngục, ngạ quỷ v.v…

2. Santāpa: Áp bức theo cách thiêu đốt thường xuyên. Loài người bị thiêu đốt bằng nhiều cách. Từ lúc trong bụng mẹ, người ta thọ khổ vì nhiệt độ, vật thực từ ngoài vào và khổ lúc chào đời. Sự thiêu đốt vì mưu cầu sự sống, vì bịnh tật, già yếu, tử biệt. Một loại thiêu đốt khác do phiền não nung nấu như có người được giàu sang, danh vọng xuất phát từ quả phước của những đời trước và tham đắm, kiêu mạn, dễ duôi trong thiện pháp sanh lên từ nơi hạnh phúc kia và thiêu đốt tâm của người đó không lúc nào ngừng.

3. Viparināma: Áp bức theo cách thay đổi. Năm uẩn của loài người áp bức họ bằng sự thay đổi. Người ta không thể nào muốn mình được an lạc mãi, hoặc trẻ mãi. Theo cách này người ta có thể tái sanh trong những cõi hạ đẳng như làm trâu, bò, gà, vịt, hoặc thậm chí rơi vào a tỳ địa ngục.

Qua ba cách của Khổ đế, chúng ta lưu ý người đời cho đạo Phật là bi quan vì hiểu sai về chữ khổ. Từ "dukkha" dịch là khổ thường không chính xác, bởi vì một người đang hưởng phước đầy đủ vẫn gọi là dukkha – Vài bản Anh ngữ thay từ khổ bằng từ không mãn nguyện. Quả thật như vậy, một người đang sống sung túc thử hỏi có lúc nào trong lòng được mãn nguyện không? Như vậy chân lý thứ nhất diễn tả cái khổ khi nó chưa phát sanh rõ rệt nhưng cuối cùng hiện ra khổ tướng gọi là đau khổ vì tiến trình của khổ đế đi theo con đường của vô thường tướng. Đạo Phật khi nêu lên khổ đế không thể gọi là bi quan vì diễn tả đúng thực tại của sự vật là có sanh phải có diệt và tòan bộ tam giới đều nằm trong Khổ Đế, dù phạm thiên giới có hạnh phúc lâu dài cũng nằm trên vực thẳm của vô thường, do đó cũng không thoát khỏi tướng "Dukkha".

TẬP ĐẾ

Chân lý này có nghĩa là nguyên nhân khiến cho tiến trình đau khổ tiếp tục sanh khởi.

Tập đế có 4 tướng:

1. Tích lũy nhân sanh khổ.
2. Thường xuyên cung cấp nhân sanh khổ.
3. Tạo ra sự kết hợp với khổ.
4. Ngăn che con đường thoát khổ.

Nơi đây nên được hiểu rằng ái dục là nguồn gốc phát sinh đau khổ trong đời sống tất cả chúng sanh. Do ái phát sinh khổ theo 3 cách áp bức trong khổ đế.

TÍCH LŨY NHÂN SANH KHỔ (Āyūhanaṭṭho)

- Theo cách này, sắc ái nghĩa là tham đắm các sắc khả ái. Do ái người ta cứ phấn đấu và tìm sự thỏa mãn mới mãi, họ không muốn từ bỏ các đối tượng đem lại dục lạc như thế. Cũng vậy, thinh áiPháp áiái dục đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

THƯỜNG XUYÊN CUNG CẤP NHÂN SANH KHỔ (Nidānaṭṭho)

- Theo cách này, người ta mong mỏi, khao khát các đối tượng khả ái không cùng tận, không bao giờ được thỏa mãn.

TẠO RA SỰ KẾT HỢP VỚI KHỔ (Saṃyogaṭṭho)

- Theo cách này, người ta luôn luôn muốn được kết hợp với các đối tượng khả ái. Họ không có ý định chia tay với các dục này, dù là một ý định nhỏ nhoi.

NGĂN CHE CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ (Palibodhaṭṭho)

- Theo cách này, người ta bị ngăn che việc từ bỏ các đối tượng khả ái và cũng bị ngăn sự thành lập các pháp thanh tịnh nơi tâm do kết hợp với đối tượng khả ái.

BA LOẠI ÁI

Dục ái: là ái đối với các đối tượng giác quan. Tâm của chúng sanh dục giới do lửa phiền não thiêu đốt nên rất khô cằn và nóng. Khi họ không có dịp tiếp xúc với ngoại cảnh, lập tức họ trở nên lạc lỏng, lừ đừ, chán nản. Ái trong lòng họ không thể nằm yên trong một phút và phải đuổi theo một ngoại cảnh cho đến khi thỏa mãn sự khao khát của nó. Vì thế trong sự tích luỹ lòng khát ái này chúng ta tìm vô số ác nghiệp và đau khổ theo đời sống của chúng sanh. Dục ái này luôn luôn sát hại chúng sanh bằng cách nhận chìm họ vào đại dương thống khổ. Y như nước chảy xuống những ngọn đồi dốc và trôi vào biển, dục ái này mang tất cả phàm phu không sống theo pháp vào bốn đọa xứ.

Hữu ái: là loại ái phát sinh từ nơi người chứng thiền và tham đắm vào các đối tựơng đã chứng. Do hữu ái vị ấy tái sanh vào phạm thiên giới, nơi đây vị ấy bị thiêu đốt bởi các phiền não như ngã mạn, tà kiến, cuối cùng đọa lạc vì chấp thủ vào các uẩn của phạm thiên.

Phi hữu ái: là ái liên quan đến lý thuyết về sự tiêu diệt của ngã (đoạn kiến).

DIỆT ĐẾ

Bốn tướng của diệt đế:

1. Nissaranaṭṭho: có tướng giải thoát khổ.
2. Pavivekaṭṭho: có tướng thoát khỏi phiền nhiễu.
3. Amataṭṭho: có tướng bất tử.
4. Asaṅkhataṭṭho: có tướng vô vi, tức Niết Bàn.

GIẢI THOÁT KHỔ

Đối với phàm phu mặc dù trong vòng luân hồi được làm vua loài người, Đế Thích, Phạm Thiên, họ phải tiếp tục tái sanh trong bốn đọa xứ vì còn chấp thủ các phiền não như thân kiến, hoài nghi. Riêng vị đã chứng quả Dự Lưu được giải thoát như sau:

1. Kilesavaṭṭa: thoát khỏi sự xoay chuyển của các ác phiền não như thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ.

2. Kammavaṭṭa: thoát khỏi sự xoay chuyển của các bất thiện nghiệp như mười ác nghiệp liên quan đến thân, khẩu, ý.

3. Vipākavaṭṭa: thoát khỏi sự xoay chuyển tái sanh trong bốn đọa xứ.

THOÁT KHỎI PHIỀN NHIỂU

Mặc dù bậc Dự Lưu luân hồi trong các nhàn cảnh, tâm vị ấy sẽ mãi mãi thoát khỏi sự phiền nhiễu của các tà kiến, ác nghiệp, tà mạng và đau khổ trong bốn đọa xứ. Các phàm phu không được khả năng như thế, mặc dù họ phiêu dạt trong vòng sanh tử có lúc làm vua loài người, Đế Thích, Phạm Thiên, tâm của họ lúc thì có chánh kiến, chánh tín, thiện hạnh; lúc thì có tà kiến, tà tín, tà hạnh, vì thế phải bị bất hạnh trong bốn đọa xứ.

BẤT TỬ

Trạng thái Niết Bàn mà những bậc Dự Lưu đã chứng được không bao giờ bị diệt, mặc dù các uẩn của họ bị vô thường ngấu nghiến. Từ sát na Dự Lưu Đạo đến vô dư Niết Bàn, Diệt Đế của bậc Dự Lưu vẫn là nơi trú ẩn của vị ấy. Trạng thái này gọi là bất tử mà bậc Dự Lưu đã chứng và hưởng.

VÔ VI

Hữu dư Niết Bàn của các Dự Lưu không hề bị luật vô thường xâm phạm. Dù thọ giới hoặc sống đời sa môn, các vị ấy không có đau khổ vì sự áp bức do tạo tác. Họ hành Giới, Định, Tuệ chỉ vì mục đích xua tan thêm một số phiền não còn nằm tiềm tàng trong họ và không cần lo âu về Thân Kiến, Hoài Nghi và mười loại ác nghiệp đã diệt trừ.

Đối với các bậc Nhất Lai, Bất Lai và A La Hán cũng có bốn tướng như trên.

ĐẠO ĐẾ

Đạo là gì? Những pháp này xua tan các phiền não và do vậy có khả năng giúp chúng sanh chứng đạt Niết Bàn, chấm dứt khổ đọa xứ và khổ luân hồi. Đây gọi là Đạo.

Tất cả bát chi đạo có mặt trong tri kiến thanh tịnh siêu thế. Trong các thanh tịnh hợp thế, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng chỉ có trong giới thanh tịnh, chúng không có mặt trong tâm thanh Tịnh v.v…

Chánh kiến của bậc Dự Lưu là hiểu rõ Tứ Thánh Đế. Nó giống mặt trời mọc sau khi đêm tối đã qua hoặc như người mù được chữa lành và từ đó thấy hết mọi cảnh vật đang diễn ra trước mắt. Cũng vậy, các thánh Dự Lưu thấy rõ tam tướng và tứ thánh đế - cái thấy nầy càng lúc càng tỏ sáng mãi cho đến khi chứng vô dư Niết Bàn.

Chánh tư duy là sở hữu Tầm. Có ba loại: Ly dục tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy.

Chánh tư duy kết hợp với thiền về Tâm Từ gọi là Vô Sân Tư Duy.
Chánh tư duy kết hợp với thiền về Tâm Bi gọi là Vô Hại Tư Duy.
Chánh tư duy kết hợp với các thiền còn lại gọi là Ly Dục Tư Duy.

Như con chim bị nhốt trong lồng chỉ có một sự thôi thúc mạnh mẽ là cố thoát khỏi sự giam cầm. Cũng vậy sự mong mỏi tìm phương thế thoát khỏi sự giam hãm của nhiều nghiệp bất thiện đã sanh và chưa sanh, ngay cả sự giam hãm của khổ luân hồi là Ly Dục Tư Duy. Chánh kiến có thể được so sánh với một mũi tên và Chánh tư duy với bàn tay cầm mũi tên nhắm thẳng vào mục tiêu.

Chánh ngữ là ly bốn khẩu ác nghiệp.
Chánh nghiệp là ly ba thân ác nghiệp.
Chánh mạng là tránh xa việc nuôi mạng liên quan đến Khẩu Ác Nghiệp và Thân Ác Nghiệp.
Chánh tinh tấn tức là Tứ Chánh Cần.
Chánh niệm tức là Tứ Niệm Xứ.
Chánh định tức là bốn thiền kết hợp với Chánh Đạo.

BA CHUYỂN VÀ BỐN LUÂN HỒI

Ba chuyển là:

- Kilesa vaṭṭa (Phiền não luân).
- Kamma vaṭṭa (Nghiệp).
- Vipāka vaṭṭa (Quả luân).

Bốn luân hồi là:

- Apāya saṃsāra (Đọa xứ luân hồi).
- Kāmasugati saṃsāra (Thiện dục giới luân hồi).
- Rūpa saṃsāra (Sắc giới luân hồi).
- Arūpa saṃsāra (Vô sắc giới luân hồi).

BA CHUYỂN LIÊN QUAN ĐỌA XỨ LUÂN HỒI

Phiền não luân: tức là Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ.

Nghiệp luân: tức là 10 ác nghiệp, bao gồm 3 Thân nghiệp, 4 Khẩu Ác nghiệp và 3 Ý Ác nghiệp.

Quả luân: tức là năm uẩn dị thục của chúng sanh địa ngục, thú, ngạ quỉ và A tu la.

Bất cứ người nào không từ bỏ thân kiến hoài nghi, dù y tái sanh trong cõi cao nhất trong một khoảng thời gian vô hạn, y vẫn được định đoạt để rơi vào cảnh giới của 10 ác nghiệp như làm ngư phủ, thợ săn, ăn trộm hoặc một trong bốn đọa xứ.

BA CHUYỂN LIÊN QUAN THIỆN DỤC GIỚI LUÂN HỒI

Phiền não luân: tức tham muốn sắc khả ái, thinh khả ái v.v…
Nghiệp luân: tức là ba phạm vi của phước hành - bố thí, trì giới và tham thiền.
Quả luân: tức là năm uẩn dị thục của người và sáu cõi chư thiên dục giới.

BA CHUYỂN LIÊN QUAN SẮC VÀ VÔ SẮC GIỚI LUÂN HỒI

Phiền não luân: là tham đắm trong Thiền Sắc và Vô Sắc.
Nghiệp luân: là thiện nghiệp dẫn đến các cõi Sắc và Vô Sắc.
Quả luân: là năm uẩn dị thục của Phạm thiên sắc giới và tứ danh uẩn quả của Phạm thiên vô sắc.

ĐỌA XỨ LUÂN HỒI

Ba đọa xứ luân liên quan đọa xứ luân hồi là quan trọng nhất đối với Phật tử ngày nay. Khi đầu của một người đang cháy, vấn đề khẩn cấp đối với y là dập tắt lửa, không được trì hoãn một phút nào và vấn đề khẩn cấp hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho người con Phật là diệt ba đọa xứ luân. Bởi vì thân kiến là căn bản, diệt thân kiến ngụ ý diệt hoài nghimười ác nghiệp cũng biến mất hoàn toàn, cuối cùng luân hồi đọa xứ chấm dứt.

BA UẨN TRONG BÁT CHÁNH ĐẠO

Giới uẩn gồm có: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
Định uẩn gồm có: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Tuệ uẩn gồm có: chánh kiến, chánh tư duy.

BA GIAI ĐOẠN CỦA THÂN KIẾN

Anusaya bhūmi: giai đoạn tiềm tàng.
Pariyuṭṭhā na bhūmi: giai đoạn tâm bị xao động do thân kiến.
Vītikkama bhūmi: giai đoạn gây ra nghiệp.

* Ba chi của thân nghiệp và bốn chi của khẩu nghiệp thuộc giai đoạn 3.
* Ba chi của ý nghiệp thuộc giai đoạn 2.
* Giai đoạn 1 là thân kiến theo Hộ Kiếp của chúng sanh trong vô thủy luân hồi như hạt giống cho ba nghiệp trước khi tác thành nghiệp thật sự. Khi các đối tượng tiếp xúc với nhãn môn v.v… Các nghiệp bất thiện bị thúc đẩy bởi thân kiến tiềm ẩn đó đi đến giai đoạn thứ nhì (ý ác nghiệp). Nếu không bị chận lại, các bất thiện nghiệp này sẽ vọt lên giai đoạn thứ ba (thân ác nghiệp và khẩu ác nghiệp).

Như vậy:

Giới uẩn của Bát Chánh Đạo diệt giai đoạn thứ ba của Thân kiến.
Định uẩn diệt giai đoạn thứ hai của Thân kiến.
Tuệ uẩn diệt giai đoạn thứ nhất (tùy miên địa) của Thân kiến.

Nó có nghĩa rằng Chánh KiếnChánh Tư Duy có khả năng diệt thân kiến tiềm ẩn trong Hộ Kiếp của chúng sanh.

BA CHUYỂN VÀ MƯỜI HAI HÀNH TƯỚNG TRONG TỨ THÁNH ĐẾ

Đức Phật chuyển pháp luân qua ba giai đoạn Tuệ Quán trong Tứ Đế gọi là ba chuyển và mười hai bước, mô thức gọi là hành tướng.

TAM CHUYỂN PHÁP LUÂN

Saccañāṇa: Tuệ Quán thấy thực tướng của Tứ Thánh Đế.
Kiccañāṇa: Tuệ Quán về phận sự trong Tứ Thánh Đế.
Katañāṇa: Tuệ Quán về phận sự trong Tứ Thánh Đế đã hoàn thành.

* Giai đoạn 1: Trí Tuệ soi thấu rằng đây là Khổ, đây là nguyên nhân của Khổ, đây là sự Diệt Khổ, đây là con đường dẫn đến sự Diệt Khổ.
* Giai đoạn 2: Trí Tuệ soi thấu rằng Khổ Đế đang được biết rõ, Tập Đế đang được trừ, Diệt Đế đang được chứng và Đạo Đế đang được phát triển.
* Giai đoạn 3: Trí Tuệ soi thấu rằng Khổ Đế đã được biết rõ, Tập Đế đã được trừ, Diệt Đế đã được chứng và Đạo Đế đã được phát triển.

Mỗi giai đoạn xoay chuyển trong Tứ Đế và 3 chuyển x 4 đế = 12 hành tướng.

Chúng ta nhận thấy ba chuyển này thực hiện bốn chức năng trong Tứ Đế như sau:

Pariññā: chức năng biết rõ Khổ Đế.
Pahāna: chức năng từ bỏ Tập Đế.
Sacchikaraṇa: chức năng chứng ngộ Diệt Đế.
Bhāvanā: chức năng phát triển Đạo Đế.

Đức Phật đã chuyển pháp luân và không có nhân vật nào đảo ngược được Pháp Luân của Ngài, nghĩa là không có ai bác bỏ được. Chúng ta cũng có thể Chuyển Pháp Luân nơi chính mình bằng cách theo con đường Trung Đạo cho đến khi nào Bát Chi Đạo được hợp nhất. Sát na này gọi là Maggasamangī, lúc đó Phàm Tâm sẽ chuyển thành Thánh Tâm và Niết Bàn được chứng ngộ.

Khi Đức Phật giảng xong kinh Chuyển Pháp Luân, Ngài Kiều Trần Như là người đầu tiên khởi lên pháp nhãn và nhận thức bằng như thực trí về bản chất của chính mình và của tất cả các pháp như vầy:

- Yaṃ Kiñci samudayadhammaṃ.
- Sabbantaṃ Nirodhadhamman’ti

"Bất cứ pháp nào có bản chất Sanh, tất cả pháp đó có bản chất Diệt."

Theo các chú giải, một người đã phát triển pháp nhãn này được gọi là bậc Dự Lưu, nghĩa là vào dòng suối Giác Ngộ, vì vậy pháp nhãn tương đương với sát na tâm Đạo Dự Lưu.

Từ chủ yếu của kệ ngôn trên là "Sabbaṃ (tất cả)":

- Mắt và các sắc,
- Tai và các tiếng,
- Mũi và các mùi,
- Lưỡi và các vị,
- Thân và các xúc,
- Ý và các pháp.

Tất cả pháp này có bản chất sanh và vì vậy có bản chất diệt. "Tất cả" này không đâu bên ngoài mà ở nơi con người. Ngài Kiều Trần Như đã khám phá ra Chân Lý nơi chính Ngài bằng sự hiểu rõ "Tất cả" này. Thế giới mà chúng ta nhận thức từ bên ngoài hoặc từ bên trong, tất cả là Vô Thường. Sanh đi theo diệt, diệt theo sanh. Không bao giờ có thể có cái này mà không có cái kia trong thế giới hữu vi. Bởi vì các pháp hữu vi không thể sanh độc lập, diệt độc lập, trái lại chúng hoàn toàn dựa vào các Nhân Duyên mới sanhdiệt được. – Thí dụ: Đôi mắt sáng cũng vô dụng nếu không có ánh sáng hoặc thần kinh nhãn bị bệnh hoặc nếu không có cảnh sắc. Tất cả duyên phải hội đủ trước khi ta có thể nói: "Tôi thấy một đối tượng như thế như thế". Những ý nghĩ cũng không thể sanh mà không có các duyên bên trong và bên ngoài. Giả tỷ một người đau đớn nơi thân và cái đau đó là nguyên nhân chính cho sầu muộn nơi tâm. Một thức ăn ngon do sự cảm nhận của mắt, mũi, lưỡi, còn thân thì có thể là duyên do sự phát sanh cảm giác dễ chịu và kế đó có Tham. Trong những trường hợp như thế, người ta chỉ đề cập các Duyên chính, nhưng dĩ nhiên các Duyên thì vô số, sanhdiệt tiếp nối quanh chúng ta luôn và thành phần trong chúng ta gồm có Danh Sắc này, tất cả đều sanh dựa vào các Duyên và diệt khi các Duyên đó thay đổi.

Điều trở ngại cho chúng ta là không ý thức về sự hiện hữu như là một tập hợp của các Duyên đang thay đổi. Trái lại, thường chúng ta cho rằng có một cái Ta sâu kính nào đó trong tất cả tướng Vô Thường này. Quan điểm đó tiến dần đến nhận định rằng có một linh hồn hoặc Ngã trường tồn. Tà Kiến này ngăn người ta thấy dòng sanh diệt đang diễn ra không ngừng, cho nên người ta chấp thủ rằng: ‘‘Đây là Ngã của tôi’’. Cho rằng cái gì không thật có là ‘‘của ta’’. Đa số bị lôi kéo đó đây bởi sức mạnh của Dục liên quan đến thân tâm. Họ nghĩ các pháp hữu vi là thường trong khi bám lấy chúng và vì vậy chỉ chuốc lấy quả khổ. Từ các pháp hữu vi người ta có thể mong đợi hạnh phúc nhất thời qua con đường Thiện nghiệp. Nhưng người có Trí Tuệ không mong hạnh phúc để kéo dài đau khổ như thế. Từ quan điểm Siêu Thế Đạo, hạnh phúc kia được gọi là ‘‘Khổ Sanh, Khổ Diệt’’. Hạnh phúc mà bậc Thánh nhân đã khám phá là toàn hảobất tử. Điều này không thể được hiểu bằng trí óc thông minh. Chúng ta phải thâm nhập nó qua sự hành Tuệ Quán để thấy ngay cả trí thông minh cũng là pháp sanh diệt. Những ai đã phát triển Tuệ Quán đến mức tuyệt hảo không cần quá trình học và hành lâu dài nhưng chỉ cần một ít lời dạy là đủ.

Ngài Kiều Trần Như như đã đủ nhạy bén để thâm nhập trái tim Chân Lý bằng pháp nhãn: ‘‘Bất cứ Pháp nào có bản chất sanh, tất cả Pháp đó có bản chất diệt’’.

-ooOoo-

VÔ NGÃ TƯỚNG KINH

Được biết Ngài Kiều Trần Như là người chứng Quả Dự Lưu đầu tiên và được thọ giới tỳ kheo theo cách ‘‘Ehi Bikkhu’’. Trong bốn đạo sĩ còn lại, Vappa và Bhaddiya dưới sự hướng dẫn của Đức Phật cũng chứng Quả Dự Lưu và thọ giới tỳ kheo theo cách trên. Ba vị thánh đệ tử đi khất thực cho nhóm sáu người, cho đến khi hai đạo sĩ cuối cùng Mahānāma và Assaji chứng Quả Dự Lưu và thọ đại giới như thể thức của các đồng đạo. Đó là vào ngày thứ năm kể từ lúc Đức Kiều Trần Như chứng pháp nhãn. Vài ngày sau Đức Phật thuyết bài kinh thứ hai là Vô Ngã Tướng kinh và tất cả năm vị đệ tử đều chứng Quả A La Hán.

Giáo lý Vô Ngã được xem là đặc trưng nhất trong Phật giáo. Những ai ở trong môi trường hữu thần giáo sẽ khó hiểu giáo lý này. Chính nhà triết học Pháp Descartes nói: ‘‘Tôi suy nghĩ, do vậy tôi hiện hữu (I think, therefore I am)’’. Saccaka một luận sư thời Đức Phật cũng nói "Sắc là tự Ngã của ta, Thọ là tự Ngã của ta, Tưởng là tự Ngã của ta, Hành là tự Ngã của ta, Thức là tự Ngã của ta". - Cả hai nhân vật trên hoàn toàn không hiểu lý Vô Ngã. Một trong nhiều yếu tố để thành lập Ngã của chúng ta là (Cetanā). Chính này mà nhiều người đồng hóa với Ngã, "Tôi muốn, Tôi ô nhiểm, hay Tôi thanh tịnh". Toàn thể nghiệp dựa vào yếu tố này.

Trong kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy: "Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức" là Vô Ngã. Vì năm uẩn là vô thườngkhổ nên không hợp lý để nghĩ chúng là Ngã của Tôi. Cho rằng "Cái không phải Ngã là Ngã" thuộc về Thân Kiến hoặc Ngã Kiến. Do Thân Kiến người ta làm ác và phải tiếp tục trôi lăn trong đọa xứ luân hồi. Cho nên thâm nhập giáo lý Vô Ngã là một vấn đề quan trọng bậc nhất trong việc giải thoát vòng sanh tử vô thủy vô chung.

Vô Ngã nghĩa là không có thực thể, không có cái Ta, không có linh hồn. Cái bình là tên gọi theo hình thức chế định, nó không phải là tên cho đất và hình thức chế định không có thực tính như một pháp chân đế. Nếu có người hỏi "Có phải cái bình tồn tại trong đời không?" - Những ai không thể phân biệt hai loại chân lý - Tục đế và Chân đế sẽ trả lời là cái bình tồn tại. Ở đây cái bình không tồn tại trong thực tế trở thành cái bình tồn tại, đất và bình trở thành một, thường khi lẫn lộn cái này qua cái kia. Trong minh họa này, "đất" tượng trưng năm uẩn và "bình" tương đương với người, chúng sanh. Y như đất trở thành ngã của bình trong câu "đất là bình", cũng vậy năm uẩn trở thành ngã của người, chúng sanh khi người ta nói "các uẩn là người và chúng sanh". Đây là ý nghĩa về Ngã.

Bây giờ đối với Vô Ngã trong từ "bình đất". Nếu người ta có thể phân biệt rằng đất là một pháp và bình là một pháp khác; đất là pháp Chân Đế và bình là một pháp Tục Đế; lại nữa, đất đó không phải là bình và bình không phải là đất, lúc đó đất trở thành Vô Ngã và bình được xem là trống rỗng như không gian vì nó chỉ là một chế định của Sắc pháp. Cũng vậy, nếu người ta có thể phân biệt năm uẩn như vầy "Ngũ uẩn là các pháp chân đế". Nếu pháp sanh diệt được gọi là người và chúng sanh, đây là một tên giả và nếu người, chúng sanh được gọi là pháp sanh diệt, đây cũng là giả. Người và chúng sanh trở nên hoàn toàn trống không. Vì vậy danh phápsắc pháp không được coi là Ngã của người và chúng sanh. Chính trong cách này mà tướng vô ngã trở thành tướng vô thường, phù hợp với kinh văn "Asārakaṭṭhena anattā": Do không có lõi, gọi là Vô Ngã.

Nếu danh phápsắc pháp là Ngã thì chúng phải tương xứng với ước muốn của người. Nhưng nếu chúng không phải là thế, lúc đó mỗi phần phải là một pháp riêng biệt với nhau. Một đặc điểm chính của người là Tham muốn thân tâm được an lạc và một đặc điểm của danh pháp là sự tương xứng, đồng dạng với các duyên của nó và hoàn toàn phù hợp với những ước muốn của người. Thí dụ nếu người ta muốn sống lâu, người ta phải hội đủ nhân duyên như khí hậu, vật thực, phước v.v… Vì không có người có thể sống lâu chỉ bởi ước muốn sống lâu. Nếu muốn tái sanh trong những cõi lành, người ta phải tạo nhân duyên cho việc đó, tức là những hành động thiện. Vì không ai có thể sanh vào những cõi đó chỉ bởi lòng mong muốn được tái sanh tốt đẹp.

Một khi chúng sanh đào thải ngã kiến, tất cả ác tà kiến, các ác pháp, ác nghiệp mà dẫn chúng đến các cõi Khổ sẽ biến mất cùng với ngã kiến, chúng sẽ mãi mãi thoát khỏi tất cả các điều ác. Chúng sanh nào còn ngã kiến, dù tái sinh trong cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Ngã kiến này sẽ cho quả lôi kéo chúng vào bốn đọa xứ và cũng do ngã kiến trong những đời sống tương lai, chúng sẽ theo các ác hạnh, thậm chí rơi vào đại trọng nghiệp như tội ngũ nghịch. Do đó ngã kiến là nhân chủ chốt của tất cả điều ác. Diệt ngã kiến là nguồn gốc của sự chấm dứt mọi ác pháp đưa đến đọa xứ. Nơi đây tầm quan trọng của kinh Vô Ngã tướng đã được minh bạch.

BA NGHĨA VÔ NGÃ

Asārakaṭṭhena anattā: do không có thực thể, không có lõi gọi là Vô Ngã.
Asāmikaṭṭhena anattā: do không có ai làm chủ gọi là Vô Ngã.
Avasāvattanaṭṭhena anattā: do không chìu theo ý muốn của chúng sanh gọi là Vô Ngã.

* Nghĩa một: Chúng sanh không phân biệt sát na sanh diệt trong danh và sắc pháp của năm uẩn nên không nhận ra Vô Thường tướng, chấp rằng ‘‘Sắc uẩn là Ngã, Thọ uẩn là Ngã v.v… Loại tà kiến này được biết là ngã kiến. Một cái tô làm bằng gỗ, có gỗ như là thực tính của nó và được gọi là một cái tô gỗ. Ở đây từ cái tô chỉ là tên theo hình thức chế định và nó không có thực tính như một pháp chân đế. Cái tô như người, chúng sanh; gỗ như năm uẩn. Một số chấp như sau ‘‘chừng nào năm uẩn còn, chúng sanh còn và trong giai đoạn như thế năm uẩn không hoại diệt’’. Kiến này là ngã kiến.

Một số người hiểu rằng thực tính của cái tô gỗ là gỗ, nhưng họ không thể thâm nhập chân lý và phân tích rằng gỗ này gồm có một số lớn Atthakalāparūpa (tức đoàn bát thuần: đất, nước, lửa, gió, sắc, khí, vị và vật thực). Vì thế họ chỉ có thể hiểu một cách nông cạn rằng thực tính của tô gỗ là gỗ. Làm sao sắc uẩn sanh diệt trở thành ngã của người. Ngay cả dòng hộ kiếp dường như bình lặng cũng sanh và diệt trong tâm. Nó có thể bị cắt dứt khi một đối tượng mới tiếp cận với nó. Một số hiểu rằng danh sắc là thực tính của chế định pháp, nhưng họ không thể nhận ra già và chết chớp nhoáng trong các danh sắc pháp này. Năm uẩn sanh diệt này không có ngã và không phải là ngã của chúng sanh. Thật ra danh sắc trong năm uẩn mà con người coi là ngã, sanh diệt hơn hằng triệu lần trong thời gian một cái nháy mắt. Nếu người ta khẳng định rằng năm uẩn là ngã thì ngã đó sẽ liên quan với già, chết trong chớp nhoáng.

* Nghĩa hai: Trong dòng sanh diệt không ngừng và quá nhanh của năm uẩn không có bất cứ cái ngã nào ngự trị, ở đấy không có người chủ nào, cũng thể là của riêng ai. Ta không thể nói năm uẩn thuộc về mình, là của chính mình hoặc mình là chúa tể của các pháp này. Vì thế theo nghĩa thứ hai, năm uẩn là Vô Ngã.

* Nghĩa ba: Vì năm uẩn là Vô Thường và Vô Ngã, chúng không chìu theo ý muốn của bất cứ ai. Thật là sai lầm khi cho rằng năm uẩn sẽ tuân lịnh hoặc người ta có thế lực đối với chúng. Năm uẩn sanh lên do nhân duyên và khi duyên đó diệt chúng cũng diệt. Người ta không thể ước muốn chúng đừng sanh diệt hoặc sanh diệt theo ý của mình. Đây là nghĩa thứ ba của Vô Ngã.

Người ta nhận lầm điều không phải Attaniya (đối tượng liên hệ với Ngã) là Attaniya như con trai của ta, con gái của ta, vàng bạc, tài sản của ta. Theo chân đế không tồn tại ngã của riêng ai và trong trường hợp như thế làm thế nào có thể có Attaniya nào. Người nào không có tà tưởng về Attaniya đối với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và không có tà tưởng về Attaniya đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp là người đã trừ ngã kiến. Đối với người này dù đã gầy dựng tài sản và nuôi gia đình, y làm thế không vì tưởng về Attaniya nhưng do còn ái này không đủ lực để khiến họ thực hiện những nghiệp dẫn đến đọa xứ. Khi người này muốn chứng Tuệ Nhất Lai, y sẽ phấn đấu để đạt đến Nhất Lai Đạo. Cũng vậy đối với Bất Lai Đạo. Khi người này cảm thấy rằng không có gì đáng bị cột trói ngay cả phạm thiên giới, y sẽ phấn đấu để chứng A La Hán Đạo và trở thành bậc A La Hán. Nơi đây người này không cần phấn đấu thêm nữa vì y đã trở thành bậc Khīnāsava – Dakkhineyya – Arahanta (A La Hán đã diệt tất cả Lậu Hoặc và xứng đáng được cúng dường). Qua kinh Vô Ngã tướng, chúng ta nhận thấy rằng tam tướng liên quan chặt chẽ với nhau. Vô Thường và Khổ như công thức để suy ra Vô Ngã. Theo đó, năm uẩn sanh diệt là thường. Chúng là khổ bởi vì kết hợp với sự không an toàn trong dòng sanh diệt không ngừng. Chúng là vô ngã bởi vì không có lõi hoặc thực thể.

CÁCH TRỪ NGÃ KIẾN

Có bốn ngã kiến:

Ati – olārika – attādiṭṭhi: Ngã kiến rất thô.
Olārika – attādiṭṭhi: Ngã kiến thô.
Sukhuma – attādiṭṭhi: Ngã kiến tế.
Ati – sukhuma – attādiṭṭhi: Ngã kiến rất tế.

Bốn loại ngã kiến này được diệt trừ do nhờ phương tiện của bốn loại chánh kiến:

Nāmarūpapariggaha sammādiṭṭhi: Chánh kiến phát sanh từ việc biết rõ các duyên của danh sắc.

Như có người chấp rằng năm uẩn là Ngã hoặc linh hồn hoặc chấp rằng ngoài năm uẩn có Ngã thống trị mình. Tất cả loại ảo tưởng này có tên là ngã kiến rất thô. Loại chánh kiến trên sẽ trừ được ngã kiến này.

Hetupacca ya – pariggaha sammādiṭṭhi: Chánh kiến phát sanh từ việc biết rõ duyên khởi của các pháp.

Có người chấp rằng có một người làm các nghiệp (Kārakadiṭṭhi) và có người nhận hậu quả (Vedakadiṭṭhi). Ngã kiến này có tên là ngã kiến thô và loại chánh kiến thứ hai sẽ trừ được nó.

Vipassanāñāṇādassanasammādiṭṭhi: Chánh kiến phát sanh từ thiền quán về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Hai loại chánh kiến trên chỉ thấy ngã kiến còn thô phát sanh trong chúng sanh, nhưng chúng không thể thấy ngã kiến tế nằm tiềm tàng trong chúng sanh và chính là nhân chủ chốt hoặc mầm mống của tất cả tà kiến. Khi chứng được Tuệ quán về tam tướng, ngã kiến tế và hoài nghi bị diệt, nhưng ngã kiến cực vinghi tùy miên vẫn còn y nguyên.

Lokuttara – maggaphalasammādiṭṭhi: Chánh kiến phát sanh từ việc chứng Đạo, Quả Siêu Thế.

Đến giai đoạn này, ngã kiến cực vinghi tùy miên bị diệt hoàn toàn. Tất cả ác nghiệp khiến sanh trong bốn đọa xứ cũng tan biến, vương quốc của thân kiến đến đây hoàn toàn bị sụp đổ. Bậc chứng chánh kiến này là một Dự Lưu. Sự chấp thủ của áimạn không phải là những chấp thủ của thân kiến. Ái phát triển sự chấp thủ vào các pháp trong ba cõi dưới hình thức ‘‘Đó là sở hữu của tôi’’. Mạn phát triển sự chấp thủ vào các pháp dưới hình thức ‘‘Đó là tôi’’. Trong trường hợp chúng sanh có thân kiến, ái và mạn theo thân kiến. Trong trường hợp của các Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, ái và mạn theo Saññā – Vipallāsa (ảo giác của Tưởng) và Citta – Vipallāsa (ảo giác của Tâm). Sự chấp thủ do tưởng tâm tạo ra là không đáng kể. Sự chấp thủ do thân kiến tạo ra là sâu đậm. Do Thân kiến, nhân loại, chư thiên, phạm thiên hiện tại là những bậc hiền thiện, sống trong ánh sáng Phật pháp, nhưng vị lai có thể phạm các ác nghiệp, phá hoại Tam Bảo, thậm chí rơi vào ngũ nghịch đại tội. Đó là những điểm tế nhị trong kinh Vô Ngã tướng và chúng ta đã hiểu lý do Đức Phật thuyết kinh này để giúp năm đệ tử diệt trừ tất cả Lậu Hoặc, trở thành những bậc A La Hán đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.

Chúng ta cũng nên biết rõ tại sao Đức Phật không đề cập đến "Thập Nhị Duyên Khởi" là giáo lý được chính Đức Phật trân trọng như là thậm thâm về nghĩa và pháp. Trước khi trả lời câu hỏi lý thú này ta hãy tìm hiểu giai đoạn ngộ đạo của Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên lúc khởi đầu. Như được biết qua sử Phật giáo, đôi bạn Upatissa và Kolita (tên thời trẻ trung của hai vị trên) sau khi nhận thấy giáo lý của Sanjaya là trống không, đã hẹn với nhau ai tìm ra đạo bất tử trước phải báo ngay cho người kia. Một hôm thanh niên Upatissa (tức Xá Lợi Phất) tình cờ gặp Đức Assaji trên đường và được nghe giải đại ý của lời Phật dạy qua kệ ngôn:

Ye dhammā hetuppabhavā
Tesaṃ hetuṃ Tathāgato āha
Tesanca yo nirodho ca
Evaṃ vādi mahāsamano’ti.

"Các pháp nào phát sanh từ một nhân
Đức Như Lai đã chỉ ra nhân đó
Và cách để tận diệt chúng
Vị Đại Sa Môn đã dạy như vậy."

Sau khi nghe kệ ngôn của Đức Assaji, thanh niên Upatissa đã khởi lên pháp nhãn, nhờ vậy chàng nhận thức được rằng "Bất cứ pháp nào có bản chất sanh, tất cả pháp đó có bản chất diệt". Khi thanh niên Kolita nghe Upatissa lập lại bài kệ giải thoát cũng được pháp nhãn, như bạn mình. Cả hai tìm đến Đức Phật vả trở thành hai đại đệ tử ưu tú nhất.

Từ "Dhammā" (các pháp) trong kệ ngôn trên chỉ cho các pháp hữu vi luôn luôn sanh diệt trong con người của chính mình vào lúc hiện tại. Chúng ta cần phân biệt giữa Nhân và Duyên. Một nhân cần thiết đưa đến quả. Một Duyên có thể là cần thiết, nhưng chưa đủ. Nhân ngụ ý rằng nếu cái gì có mặt, cái kia phải theo. Duyên nói rằng nếu cái gì có mặt, cái kia phải có mặt trước hoặc phải có mặt bây giờ. Nhân chuyển từ hiện tại đến tương lai bằng một cách nhất định. Duyên thì không quyết định và ngụ ý rằng không có gì sanh từ một nhân đơn độc. Trí Tuệ mà có khả năng thâm nhập sự sanh diệt đang diễn ra và giải thoát người ta khỏi các pháp hữu vi, đó là Trí Tuệ duy nhất đưa người vượt qua đại dương sanh tử, giải thoát những ràng buộc của Vô Thường tướng và các pháp phù du trong đời. Trí Tuệ đó gọi là Đạo Tuệ, tức là chứng ngộ Bát Thánh Đạo. Tóm lại, kệ ngôn trên có nghĩa là Đức Phật đã tuyên thuyết nhân sanh khổnhân diệt tận đau khổ. Đây là bài kệ tóm lược về Tứ Thánh Đế.

Bây giờ trở lại với câu hỏi trên về lý duyên khởi. Kệ ngôn của Đức Assaji đã giải đáp thỏa đáng. Thuyết duyên khởi trình bày hai tiến trình: tiến trình chấp thủ của ngã kiến và tiến trình ly chấp thủ ngã kiến do giác ngộ lý duyên khởi. Kệ ngôn bốn câu trên đã cô động được Tứ Thánh Đế, đồng thời cũng nêu ra định lý của duyên khởi pháp môn "Do cái này có cái kia có. Do cái này không có cái kia không có". Như vậy về đại thể Tứ Thánh Đế và Thập Nhị Duyên Khởi chỉ là một, chỉ khác là mỗi pháp môn được thuyết tùy theo căn cơ của đối tượng nghe pháp. Hơn nữa, trong Vô Ngã tướng kinh Đức Phật trích ra những phần cương yếu của lý duyên khởi để giảng, kết quả là Tứ Thánh Đế và Thập Nhị Duyên Khởi đã được giảng cho năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-02-2004