BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Iddhikatha - Giảng về thần thông

Tỳ khưu Indacanda

(Trích Patisambhidamagga - Phân Tích Đạo, Tiểu Bộ Kinh)


Điều gì là thần thông (iddhi)? Thần thông có bao nhiêu loại? có bao nhiêu lãnh vực? có bao nhiêu cơ sở? có bao nhiêu căn bản? có bao nhiêu cội nguồn?

Điều gì là thần thông? - Theo ý nghĩa thành tựu là thần thông.

Thần thông có bao nhiêu loại? - Thần thông có mười loại.

Thần thông có bao nhiêu lãnh vực? - Thần thông có bốn lãnh vực, có bốn cơ sở, có tám căn bản, có mười sáu cội nguồn.

* * *

Mười loại thần thông là gì?

Thần thông do chú nguyện, thần thông do biến hóa, thần thông do ý tạo thành, thần thông do sự can thiệp của trí, thần thông do sự can thiệp của định, thần thông thuộc về bậc Thánh, thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp, thần thông của người có phước báu, thần thông do chú thuật, thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp.

Bốn lãnh vực gì của thần thông?

Sơ thiền là lãnh vực sanh lên do viễn ly, nhị thiền là lãnh vực của hỷ và lạc, tam thiền là lãnh vực của xả và lạc, tứ thiền là lãnh vực của không khổ không lạc. "Bốn lãnh vực này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, đưa đến sự thành đạt thần thông, đưa đến sự thể hiện thần thông, đưa đến sự biến hóa thần thông, đưa đến sở trường về thần thông, đưa đến sự tự tín về thần thông."

Bốn cơ sở gì của thần thông?

Ở đây vị tỳ khưu tu tập về nền tảng của sự thành tựu hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của sự thành tựu hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của sự thành tựu hội đủ (các yếu tố) định do tâm và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của sự thành tựu hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. "Bốn cơ sở này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, đưa đến sự thành đạt thần thông, đưa đến sự thể hiện thần thông, đưa đến sự biến hóa thần thông, đưa đến sở trường về thần thông, đưa đến sự tự tín về thần thông."

Tám căn bản gì của thần thông?

Nếu do ước muốn, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) ước muốn không phải là định, định không phải là ước muốn; ước muốn là điều khác, định là điều khác.

Nếu do tinh tấn, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) tinh tấn không phải là định, định không phải là tinh tấn; tinh tấn là điều khác, định là điều khác.

Nếu do tâm, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) tâm không phải là định, định không phải là tâm; tâm là điều khác, định là điều khác.

Nếu do thẩm xét, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) thẩm xét không phải là định, định không phải là thẩm xét; thẩm xét là điều khác, định là điều khác.

"Tám căn bản này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, đưa đến sự thành đạt thần thông, đưa đến sự thể hiện thần thông, đưa đến sự biến hóa thần thông, đưa đến sở trường về thần thông, đưa đến sự tự tín về thần thông."

Mười sáu cội nguồn gì của thần thông?

"Không bị trì trệ, tâm không loạn động bởi biếng nhác" là bất động. "Không bị hưng phấn, tâm không loạn động bởi phóng dật" là bất động. "Không quá chăm chú, tâm không loạn động bởi tham ái" là bất động. "Không xua đuổi, tâm không loạn động bởi sân độc" là bất động. "Không lệ thuộc, tâm không loạn động bởi kiến" là bất động. "Không gắn bó, tâm không loạn động bởi ước muốn và tham ái" là bất động. "Được phóng thích, tâm không loạn động bởi ái dục" là bất động. "Thoát khỏi ràng buộc, tâm không loạn động bởi phiền não" là bất động. "Được làm thoát khỏi chướng ngại, tâm không loạn động bởi chướng ngại phiền não" là bất động. "Đạt đến trạng thái chuyên nhất, tâm không loạn động bởi các phiền não có bản chất khác biệt" là bất động. "Được nắm giữ bởi đức tin, tâm không loạn động bởi không có đức tin" là bất động. "Được nắm giữ bởi tinh tấn, tâm không loạn động bởi biếng nhác" là bất động. "Được nắm giữ bởi niệm, tâm không loạn động bởi buông lung" là bất động. "Được nắm giữ bởi định, tâm không loạn động bởi phóng dật" là bất động. "Được nắm giữ bởi tuệ, tâm không loạn động bởi vô minh" là bất động. "Đạt đến ánh sáng, tâm không loạn động bởi bóng tối vô minh" là bất động. "Mười sáu cội nguồn này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, đưa đến sự thành đạt thần thông, đưa đến sự thể hiện thần thông, đưa đến sự biến hóa thần thông, đưa đến sở trường về thần thông, đưa đến sự tự tín về thần thông."

* * *

Thần thông gì do chú nguyện?

Ở đây, vị tỳ khưu kinh nghiệm thần thông nhiều thể loại: chỉ là một hóa thành nhiều, là nhiều hóa thành một, hiện ra, biến mất, đi xuyên qua vách nhà, qua tường thành, qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không, trồi lên và chìm xuống vào trong đất như ở trong nước, đi ở trên nước mà không làm chao động như ở trên đất, di chuyển với thế kiết già ở trên hư không cũng như loài chim có cánh, bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt trời (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế, bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên.

Ở đây: ở quan điểm này, ở sự mong muốn này, ở khuynh hướng này, ở sự chọn lọc này, ở Pháp này, ở Luật này, ở Pháp và Luật này, ở học thuyết này, ở Phạm hạnh này, ở lời dạy này của bậc Đạo Sư; vì thế được nói rằng: "Ở đây."

Vị tỳ khưu: vị tỳ khưu là phàm nhân hoàn thiện, hoặc là Hữu Học, hoặc là A-la-hán có pháp không thể thay đổi.

Kinh nghiệm thần thông nhiều thể loại: là kinh nghiệm thần thông có cách thể hiện khác biệt.

Chỉ là một hóa thành nhiều: Bình thường là một, hướng tâm đến nhiều, hoặc hướng tâm đến một trăm, hoặc một ngàn, hoặc một trăm ngàn. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Ta hãy là nhiều" và trở thành nhiều. Giống như đại đức Cūḷapanthaka chỉ là một hóa thành nhiều; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt đến năng lực của ý, chỉ là một hóa thành nhiều.

Là nhiều hóa thành một: Bình thường là nhiều, hướng tâm đến một. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Ta hãy là một" và trở thành một. Giống như đại đức Cūḷapanthaka là nhiều hóa thành một; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt đến năng lực của ý, là nhiều hóa thành một.

Hiện ra: là không bị ngăn che, không bị che đậy bởi bất cứ vật gì, được mở ra, được hiển hiện.

Biến mất: là bị ngăn che, bị che đậy bởi bất cứ vật gì, bị đóng lại, bị lật úp lại.

Đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục hư không một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến việc xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Hãy là hư không" và trở thành hư không. (Vị ấy) đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở. Giống như những người, không có thần thông một cách tự nhiên, đi ở chỗ không bị ngăn che, không bị che đậy, không bị ngăn trở bởi bất cứ vật gì; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không.

Trồi lên và chìm xuống vào trong đất như là ở trong nước: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục nước một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến đất. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Hãy là nước" và trở thành nước. Vị ấy trồi lên và chìm xuống vào trong đất. Giống như những người, không có thần thông một cách tự nhiên, trồi lên và chìm vào trong nước; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, trồi lên và chìm xuống vào trong đất như là ở trong nước.

Đi ở trên nước mà không làm chao động như là ở trên đất: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục đất một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến nước. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Hãy là đất" và trở thành đất. Vị ấy đi ở trên nước mà không làm chao động. Giống như những người, không có thần thông một cách tự nhiên, đi ở trên đất mà không làm chao động; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đi ở trên nước mà không làm chao động như là ở trên đất.

Di chuyển với thế kiết già ở trên hư không cũng như loài chim có cánh: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục đất một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến hư không. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Hãy là đất" và trở thành đất. Vị ấy đi tới lui ở trên hư không bầu trời, rồi đứng lại, ngồi xuống, rồi nằm xuống. Giống như những người, không có thần thông một cách tự nhiên, đi tới lui ở trên đất, rồi đứng lại, ngồi xuống, rồi nằm xuống; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đi tới lui ở trên hư không bầu trời, rồi đứng lại, ngồi xuống, rồi nằm xuống cũng như loài chim có cánh.

Bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt trời (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế: Ở đây, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đang ngồi hoặc đang nằm, hưóng tâm đến mặt trăng và mặt trời. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: "Hãy là ở trong tầm tay" và trở thành ở trong tầm tay. Vị ấy, đang ngồi hoặc đang nằm, bằng bàn tay đụng đến sờ đến chạm vào mặt trăng và mặt trời. Giống như những người, không có thần thông một cách tự nhiên, bằng bàn tay đụng đến sờ đến chạm vào bất cứ vật gì có hình thể ở trong tầm tay; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đang ngồi hoặc đang nằm, bằng bàn tay đụng đến sờ đến chạm vào mặt trăng và mặt trời.

Bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên: Nếu vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, có ý muốn đi đến cõi Phạm Thiên, dầu xa chú nguyện là gần rằng: "Hãy là gần" và trở thành gần, dầu gần chú nguyện thành xa rằng: "Hãy là xa" và trở thành xa, dầu nhiều chú nguyện thành ít rằng: "Hãy là ít" và trở thành ít, dầu ít chú nguyện thành nhiều rằng: "Hãy là nhiều" và trở thành nhiều, nhìn thấy hình dáng của vị Phạm Thiên ấy bằng thiên nhãn, nghe được tiếng của vị Phạm Thiên ấy bằng thiên nhĩ, nhận biết tâm của vị Phạm Thiên ấy bằng trí biết được tâm của người khác.

Nếu vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, có ý muốn đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân được nhìn thấy, (vị ấy) hoán chuyển tâm theo năng lực của thân, chú nguyện tâm theo năng lực của thân. Sau khi hoán chuyển tâm theo năng lực của thân, sau khi chú nguyện tâm theo năng lực của thân, sau khi nhập vào lạc tưởng và khinh tưởng, vị ấy đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân được nhìn thấy.

Nếu vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, có ý muốn đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân không được nhìn thấy, (vị ấy) hoán chuyển thân theo năng lực của tâm, chú nguyện thân theo năng lực của tâm. Sau khi hoán chuyển thân theo năng lực của tâm, sau khi chú nguyện thân theo năng lực của tâm, sau khi nhập vào lạc tưởng và khinh tưởng, vị ấy đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân không được nhìn thấy. Vị ấy làm ra hình thể được tạo thành bởi ý có tất cả các bộ phận lớn nhỏ và có giác quan hoàn chỉnh ở phía trước vị Phạm Thiên ấy.

Nếu vị có thần thông ấy đi kinh hành, hình biến hóa (của vị ấy) cũng đi kinh hành ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy đứng lại, hình biến hóa cũng đứng lại ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy ngồi xuống, hình biến hóa cũng ngồi xuống ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy nằm, hình biến hóa cũng nằm ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy phun khói, hình biến hóa cũng phun khói ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy phát sáng, hình biến hóa cũng phát sáng ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy thuyết Pháp, hình biến hóa cũng thuyết Pháp ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy hỏi câu hỏi, hình biến hóa cũng hỏi câu hỏi ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy trả lời khi được hỏi câu hỏi, hình biến hóa cũng trả lời khi được hỏi câu hỏi ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy đứng chung chuyện vãn, bàn luận với vị Phạm Thiên ấy, hình biến hóa cũng đứng chung chuyện vãn, bàn luận với vị Phạm Thiên ấy ở nơi ấy. Vị có thần thông ấy làm bất cứ việc gì, hình biến hóa (của vị ấy) cũng làm chính ngay việc ấy.

Đây là thần thông do chú nguyện.

Thần thông do biến hóa là gì?

Vị Thinh Văn của đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác Sikhī tên là Abhibhū đứng ở cõi Phạm Thiên đã dùng giọng nói thông báo đến một ngàn cõi thế giới. Vị ấy đã thuyết Pháp với thân được nhìn thấy, đã thuyết Pháp với thân không được nhìn thấy, đã thuyết Pháp với nửa phần thân dưới được nhìn thấy với nửa phần thân trên không được nhìn thấy, đã thuyết Pháp với nửa phần thân trên được nhìn thấy với nửa phần thân dưới không được nhìn thấy. Vị ấy rời bỏ hình dạng bình thường và phô bày hình dạng của thiếu niên, hoặc phô bày hình dạng của loài rồng, hoặc phô bày hình dạng của loài nhân điểu, hoặc phô bày hình dạng của loài dạ-xoa, hoặc phô bày hình dạng của vị Thiên Vương, hoặc phô bày hình dạng của vị thiên nhân, hoặc phô bày hình dạng của Phạm Thiên, hoặc phô bày hình dạng của biển cả, hoặc phô bày hình dạng của ngọn núi, hoặc phô bày hình dạng của khu rừng, hoặc phô bày hình dạng của loài sư tử, hoặc phô bày hình dạng của loài cọp, hoặc phô bày hình dạng của loài beo, hoặc phô bày hình dạng của loài voi, hoặc phô bày hình dạng của loài ngựa, hoặc phô bày hình dạng của xe kéo, hoặc phô bày hình dạng của người lính, hoặc phô bày hình dạng của đoàn quân nhiều binh chủng.

Đây là thần thông do biến hóa.

Thần thông do ý tạo thành là gì?

Ở đây, vị tỳ khưu từ thân này làm ra thân khác có hình thể được tạo thành bởi ý với tất cả các bộ phận lớn nhỏ và có giác quan hoàn chỉnh. Cũng giống như người đàn ông rút ra sợi rơm từ cọng cỏ muñja. Vị ấy có thể nghĩ như vậy: "Đây là cọng cỏ muñja, đây là sợi rơm. Cọng cỏ muñja là khác, sợi rơm là khác. Nhưng chính sợi rơm được rút ra từ cọng cỏ muñja." Hoặc cũng giống như người đàn ông có thể rút ra thanh gươm từ vỏ bọc. Vị ấy có thể nghĩ như vậy: "Đây là thanh gươm, đây là vỏ bọc. Thanh gươm là khác, vỏ bọc là khác. Nhưng chính thanh gươm được rút ra từ vỏ bọc." Hoặc cũng giống như người đàn ông có thể tuốt ra con rắn từ lớp da. Vị ấy có thể nghĩ như vậy: "Đây là con rắn, đây là lớp da. Con rắn là khác, lớp da là khác. Nhưng chính con rắn được tuốt ra từ lớp da;" tương tợ như thế, vị tỳ khưu từ thân này làm ra thân khác có hình thể được tạo thành bởi ý với tất cả các bộ phận lớn nhỏ và có giác quan hoàn chỉnh.

Đây là thần thông do ý tạo thành.

Thần thông do sự can thiệp của trí là gì?

"Do sự quán xét về vô thường, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường được thành tựu" là thần thông do sự can thiệp của trí. "Do sự quán xét về khổ não, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc ... "Do sự quán xét về vô ngã, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã ... "Do sự quán xét về nhàm chán, ý nghĩa dứt bỏ sự vui thích ... "Do sự quán xét về ly tham ái, ý nghĩa dứt bỏ tham ái ... "Do sự quán xét về diệt tận, ý nghĩa dứt bỏ nhân sanh khởi ... "Do sự quán xét về từ bỏ, ý nghĩa dứt bỏ sự nắm lấy được thành tựu" là thần thông do sự can thiệp của trí. Thần thông của đại đức Bākula là do sự can thiệp của trí. Thần thông của đại đức Saṃkicca là do sự can thiệp của trí. Thần thông của đại đức Bhūtapāla là do sự can thiệp của trí.

Đây là thần thông do sự can thiệp của trí.

Thần thông do sự can thiệp của định là gì

"Do sơ thiền, ý nghĩa dứt bỏ các pháp ngăn che được thành tựu" là thần thông do sự can thiệp của định. "Do nhị thiền, ý nghĩa dứt bỏ tầm tứ được thành tựu" là thần thông do sự can thiệp của định. "Do tam thiền, ý nghĩa dứt bỏ hỷ được thành tựu" ...(như trên)... "Do tứ thiền, ý nghĩa dứt bỏ lạc và khổ được thành tựu" ...(như trên)... "Do sự chứng đạt không vô biên xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về sắc, sự nghĩ tưởng về bất bình, sự nghĩ tưởng về khác biệt được thành tựu" ...(như trên)... "Do sự chứng đạt thức vô biên xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ được thành tựu" ...(như trên)... "Do sự chứng đạt vô sở hữu xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ được thành tựu" ...(như trên)... "Do sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ được thành tựu" là thần thông do sự can thiệp của định. Thần thông của đại đức Sārīputta là do sự can thiệp của định. Thần thông của đại đức Sañjīva là do sự can thiệp của định. Thần thông của đại đức Khāṇukoṇḍañña là do sự can thiệp của định. Thần thông của nữ cư sĩ Uttarā là do sự can thiệp của định. Thần thông của nữ cư sĩ Sāmāvatī là do sự can thiệp của định.

Đây là thần thông do sự can thiệp của định.

Thần thông thuộc về bậc Thánh là gì?

Ở đây, vị tỳ khưu nếu ước mong rằng: "Ta có thể an trú vào vật nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm," rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm; nếu ước mong rằng: "Ta có thể an trú vào vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm," rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm; nếu ước mong rằng: "Ta có thể an trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm," rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm; nếu ước mong rằng: "Ta có thể an trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm," rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm; nếu ước mong rằng: "Về vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm, sau khi ngăn ngừa cả hai vật ấy, với trạng thái xả ta có thể an trú (vào hai vật ấy) có niệm và có sự nhận biết rõ rệt," rồi với trạng thái xả (vị ấy) an trú vào nơi ấy, có niệm và có sự nhận biết rõ rệt.

An trú vào vật nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào?

Đối với sự việc không được mong muốn, hoặc là chuyên chú vào lòng từ hoặc là liên tưởng về bản thể. An trú vào vật nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.

An trú vào vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào?

Đối với sự việc mong muốn, hoặc là chuyên chú vào bất tịnh hoặc là liên tưởng về vô thường. An trú vào vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.

An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào?

Đối với sự việc không mong muốn và đối với sự việc mong muốn, hoặc là chuyên chú vào lòng từ hoặc là liên tưởng về bản thể. An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.

An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào?

Đối với sự việc mong muốn, hoặc là chuyên chú vào bất tịnh hoặc là liên tưởng về vô thường. An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.

Về vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm, sau khi ngăn ngừa cả hai vật ấy, với trạng thái xả an trú (vào hai vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt là (có ý nghĩa) thế nào?

Ở đây, vị tỳ khưu, sau khi nhìn thấy sắc bằng mắt, là không vui không buồn, với trạng thái xả an trú (vào vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt. Sau khi nghe thinh (âm thanh) bằng tai, ...(như trên)... Sau khi ngửi khí (mùi) bằng mũi, ...(như trên)... Sau khi nếm vị bằng lưỡi, ...(như trên)... Sau khi va chạm (cảnh) xúc bằng thân, ...(như trên)... Sau khi nhận thức pháp bằng ý, là không vui không buồn, với trạng thái xả an trú (vào vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt. Về vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm, sau khi ngăn ngừa cả hai vật ấy, với trạng thái xả an trú (vào hai vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt là (có ý nghĩa) như thế.

Đây là thần thông thuộc về bậc Thánh.

Thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp là gì?

Là của tất cả các loài có cánh, là của tất cả chư thiên, là của một số thuộc nhân loại, là của một số thuộc hàng đọa xứ.

Đây là thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp.

Thần thông của người có phước báu là gì?

Đức chuyển luân vương đi trên không trung cùng với đoàn quân bốn loại binh chủng thậm chí tính luôn cả những kẻ giữ ngựa chăn trâu, thần thông của gia chủ Jotika là của người có phước báu, thần thông của gia chủ Jaṭila là của người có phước báu, thần thông của gia chủ Meṇḍaka là của người có phước báu, thần thông của gia chủ Ghosita là của người có phước báu.

Đây là thần thông của người có phước báu.

Thần thông do chú thuật là gì?

Sau khi nói lẩm nhẩm về chú thuật, những người rành rẽ về chú thuật đi trên không trung, phô bày voi, phô bày ngựa, phô bày xe kéo, phô bày người lính, phô bày đoàn quân nhiều binh chủng ở trên hư không bầu trời.

Đây là thần thông do chú thuật.

Thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên nỗ lực đúng đắn tùy theo trường hợp là (có ý nghĩa) thế nào?

"Do thoát ly, ý nghĩa dứt bỏ ước muốn trong các dục được thành tựu" là thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp. "Do không sân độc, ý nghĩa dứt bỏ sân độc được thành tựu" là thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp. ...(như trên)... "Do A-la-hán Đạo, ý nghĩa dứt bỏ toàn bộ phiền não được thành tựu" là thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp.

Thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp là (có ý nghĩa) như thế.

Dứt Phần Giảng về Thần Thông.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-07-2006