Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Người Con Phật Nhìn Về Gia Ðình

Chân Như Phan Thị Thuần


Chúng ta đang sắp sang thế kỷ hai mươi mốt. Cơ chế văn minh vật chất đang lấn chiếm đời sống con người, đưa chúng ta cuốn theo cơn xoáy, chạy theo những nhu cầu, tham vọng không ngừng. Chúng ta không còn thì giờ để chăm sóc đến người thân như cha, mẹ, bạn đời của ta và nhất là đối với con cái.

Sự thiếu quan tâm đến nhau là mầm mống đưa đến một gia đình đổ vỡ. Hạnh phúc gia đình bị lung lay tạo nỗi bất hạnh cho con người. Học đường đã không đủ sức vun xới đạo đức cho học sinh khi gia đình không còn là gốc rễ cho các em bám víu, nương tựa.

Vậy gốc rễ của con người là gì? Ðó chính là huyết thống tổ tiên và yếu tố tâm linh.

I. Huyết Thống Tổ Tiên

Cây có cội, nước có nguồn.
Chim có tổ, người có tông.

Tông ở đây là nơi phát xuất ra người đầu tiên lập thành dòng họ, nói xa là tổ tiên từ ngàn năm trước, nói gần là ông bà, cha mẹ sinh ra ta.

Trong mỗi gia đình Việt Nam đều có một bàn thờ tổ tiên, trên đó có bày hình ông cố, bà cố, ông bà (cha mẹ) và một bát nhang. Mỗi sáng thức dậy hoặc khi đi ngủ, chúng ta đều thắp lên bàn thờ một cây nhang thơm. Khi cắm cây nhang, ta hãy nhìn lên tấm hình của ông bà (hoặc cha mẹ), ta sẽ thấy đôi mắt trong hình ấy dường như đang nhìn ta, hiện hữu trong ta, cho ta niềm tin vào cuộc sống.

II. Yếu Tố Tình Thương Yêu Gia Ðình

Tình yêu tổ tiên sâu đậm bắt nguồn từ tình thương yêu gia đình. Nếu trong gia đình, ông bà yêu thương con cháu. Cha mẹ biết yêu thương ông bà, hiếu dưỡng chăm sóc, sớm hôm ân cần. Nhà có món gì ngon cũng mời ông bà dùng trước. Mua món gì lạ cũng trình thưa với ông bà. Ông có đau ốm thì các con, cháu thay nhau chăm nom tận tụy. Người cha và người mẹ không được cằn nhằn dù cha mẹ khó tính. Hình ảnh cha mẹ yêu thương, hiếu thảo với ông bà sẽ như tấm gương sáng cho đàn trẻ noi theo.

Một gia đình hạnh phúc trong đó mọi người yêu thương nhau bằng một tình yêu vị tha, không bắt người mình thương nhất nhất phải làm theo ý mình. Mà chúng ta phải luôn quan tâm đến người thân như cha mẹ, vợ hay chồng và con cái. Trẻ em được nuôi dưỡng đầy đủ và giáo dục tốt từ một gia đình hạnh phúc sẽ thành đạt trên con đường học vấn, có đạo đức và sẽ giúp ích cho xã hội mai sau.

III. Yếu Tố Vật Chất: Biết Dừng Lại Khi Ðủ

Tiền bạc là yếu tố tối cần thiết trong việc tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Nó giải quyết phần lớn sự sống, sinh hoạt hàng ngày. Hình ảnh "túp lều tranh và hai trái tim vàng" chỉ có trong thơ văn. Thực tế, sau giờ làm việc, về đến nhà nhìn vợ con nheo nhóc thì ta cũng thấy lòng ray rứt. Người cha có trách nhiệm lo cuộc sống vật chất, để người mẹ ở nhà chăm sóc bữa cơm, dạy dỗ con cái. Nhưng cuộc sống khó khăn hiện nay đã lôi cuốn cả người mẹ ra ngoài xã hội để kiếm tiền. Nhu cầu vật chất đã lấn át chức năng tinh thần thiêng liêng của người mẹ trong gia đình, khiến cho các cháu nhỏ không được chăm sóc, dạy dỗ kỹ về giáo dục, đạo đức. Cha mẹ chỉ biết lao vào việc kiếm tiền, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi vật chất cho con như đóng tiền học, quần áo, sách vở... Tưởng làm như vậy là đủ bổn phận rồi, phó mặc việc giáo dục cho thầy cô giáo. Thậm chí bậc làm cha mẹ cũng không dám nghỉ buổi làm hoặc buôn bán để đi họp phụ huynh hàng năm, nghe báo cáo về thành tích, kết quả học tập và đạo đức của con cái nữa.

Hậu quả đó đã đưa nhiều cháu đến chỗ hư hỏng, sẵn tiền cha mẹ cho, rủ nhau trốn học đi chơi, bỏ bê học tập. Riết rồi thành quen, đến lớp thì sợ thầy cô truy bài, ngồi trong lớp nghe giảng thì như vịt nghe sấm vì mất căn bản, không hiểu bài nên không làm được, ngứa ngáy tay chân sinh ra nói chuyện quậy phá.

Bố mẹ bị mời đến trường làm kiểm điểm năm lần bảy lượt, về nhà giận dữ đánh con tàn nhẫn. Chúng không nhận lỗi mà còn oán hận cha mẹ, thầy cô, sinh ù lì, có khi bị bạn xấu rủ rê đi lang thang bụi đời, gây ra những việc tai hại khó lường như chúng ta thấy trên báo chí đăng tin nhiều trẻ em phạm pháp, đa số rơi vào trong gia đình cha mẹ giàu có hoặc ly dị, bỏ bê con cái, không chăm sóc dạy dỗ. Thế nên, tiền bạc tuy là nhu yếu, rất cần cho việc gây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng nếu chúng ta không biết dừng lại đúng mức, chính nó sẽ phá hủy nền móng đạo đức tinh thần. Như trước kia nghèo khổ thì vợ chồng thương yêu nhau, đến khi tiền bạc dư dả thì chồng sinh ra cờ bạc, rượu chè, sinh tâm tìm của lạ, khiến cho gia đình thường thiếu vắng bóng người cha mỗi bữa cơm. Người vợ khổ đau, ghen tuông vì bị chồng phụ rẫy, biến gia đình thành địa ngục, mà nạn nhân là những đứa con...

IV. Yếu Tố Sức Khỏe

Sức khỏe mang lại cho chúng ta sự thoải mái, dễ chịu, lạc quan, vui vẻ với mọi người quanh ta. Sức khỏe là vàng. Có sức khỏe là có tất cả. Một người dù tài ba xuất chúng đến đâu mà mất sức khỏe thì không thực hiện được hoài bão của mình. Mà sức khỏe do đâu mà có? Do sự lao động không quá sức, không thức quá khuya, ăn uống điều độ và đúng giờ. Bữa cơm có thức ăn ngon và đủ chất bổ dưỡng. Không hình ảnh nào đẹp và ấm cúng bằng bữa cơm gia đình có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên mâm cơm dẻo canh nóng.

Người nội trợ giỏi luôn biết thay đổi món ăn theo khẩu vị người thân, mua thức ăn theo mùa, vừa tươi ngon vừa đỡ hao tốn ngân quỹ gia đình.

Nếu vật chất mang lại cho chúng ta thân xác khỏe mạnh, thì yếu tố tinh thần cũng làm cho chúng ta an vui thoải mái khi thấy mọi người trong gia đình thương yêu, chăm sóc cho nhau. Con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời ông bà, cha mẹ. Ngoài hai yếu tố quan trọng trên, còn những yếu tố khác như sách báo, phim ảnh, giải trí lành mạnh, thể dục thể thao cho người trẻ, dưỡng sinh cho người già. Thỉnh thoảng nên đưa gia đình sống với thiên nhiên như đi Vũng Tàu, Long Hải tắm biển, lên núi, tắm suối. Hòa mình với thiên nhiên, đầu óc chúng ta sẽ thư giãn, trút bỏ được bao lo toan sau những ngày làm việc.

V. Yếu Tố Thương Yêu: Tình Người

Yêu thương là nhu yếu rất cần cho sự phát triên con người. Em bé không có tình thương thì em bé không lớn lên được. Chúng ta không có tình thương thì chúng ta cũng không lớn lên được. Dù chúng ta có già bao nhiêu đi nữa thì đứng trước tình yêu thương của mẹ, chúng ta vẫn chỉ là đứa con bé bỏng. Dù chúng ta có khôn ngoan cách mấy đi nữa, đứng trước người yêu, chúng ta vẫn chỉ là kẻ dại khờ. Dù chúng ta có sắt đá, nhưng đứng trước những em bé mồ côi đói khổ, cụ già cô đơn bệnh hoạn, chúng ta cũng phải mủi lòng xót thương. Nếu chúng ta không có tình thương yêu thì chúng ta không phải là người. Hạnh phúc của chúng ta trải dài theo tình yêu thương rộng lớn. Ta giúp đỡ, mang nhiều niềm vui của chúng ta cũng nhân rộng lên theo con số đó. Nhu yếu thương yêu làm cho trái tim ta ấm, nhịp thở điều hòa, cho tâm hồn ta tươi mát và cuộc đời ta có ý nghĩa. Thiếu tình yêu thì ta chẳng khác gì sỏi đá. Mà sỏi đá cũng cần sự thương yêu nhau như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: "Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau".

VI. Yếu Tố Tâm Linh

Nếu tổ tiên là gốc rễ của huyết thống gia đình thì niềm tin nơi tôn giáo là gốc rễ quan trọng trong đời sống tâm linh. Mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa hai bản tính thiện và ác ngay từ lúc mới sinh ra. Nếu chúng ta có phước, được sinh ra trong gia đình nề nếp, cha mẹ hòa thuận, thương yêu nhau, được nuôi cho ăn học, giáo dục tốt, được gia đình năng đến chùa, học hỏi giáo lý dạy dỗ con người làm lánh dữ, gặp được bạn thiện tri thức cùng nhau tu học, được vị thầy đạo đức, có khả năng hướng dẫn chúng ta tu tập thiền để đạt được trạng thái sức khỏe an lạc. Tính vị kỷ lắng xuống dần để nhường cho hạnh vị tha tỏa sáng, lòng ta thênh thang với tình yêu thiên nhiên, yêu con người và muôn vật. Lòng từ được khơi mở là cửa ngõ phát sinh tuệ giác. Ta sẽ cảm thấy lẽ vô thường đang xảy đến cho ta từng nhịp tim đập, mọi sự đến và đi chỉ trong chớp mắt. Do đó, ta không biết sợ hãi, không bám víu, không giành giật phần lợi cho riêng mình, mà phải chia sẻ cho mọi người, tạo niềm vui cho tha nhân, như cho bản thân và gia đình ta vậy.

Yếu tố tâm linh là con đường đưa ta tới Chân-Thiện-Mỹ, là nẻo về của tâm hồn. Thiếu niềm tin tôn giáo, ta như con thuyền lênh đênh giữa biển cả, không biết đâu là bến bờ. Những lúc khổ đau, nếu không có niềm tin cho ta hướng tới, không có nẻo thiện dẫn lối ta về, khai sáng cho ta phân biệt giả chơn, ta dễ trở nên tuyệt vọng, tìm cái chết để giải thoát kiếp người; gặp hận thù, ta dễ trở thành kẻ cuồng si, gây ra biết bao tội lỗi khôn lường!

Bên cạnh yếu tố tâm linh, chúng ta còn có một yếu tố quan trọng nữa là lý tưởng sống. Mỗi người đều chọn cho mình một hoài bão, ước mơ. Nhưng nếu ước mơ chỉ dành riêng cho bản thân mình, thì ước mơ đó tầm thường, ích kỷ. Một bác sĩ ra trường chỉ với ước mơ kiếm được nhiều tiền trên đầu con bệnh thì thật uổng công thầy dạy dỗ. Nhưng với ước mơ ra trường để cứu giúp nhiều bệnh nhân nghèo, phát minh ta phương án chữa bệnh nan y thì đó là một lý tưởng chân chính, vị tha. Nuôi dưỡng cho mình một lý tưởng hướng tới tha nhân, hoài bão mang lại hạnh phúc cho mọi người là ý hướng cao thượng, là cứu cánh con người đang vươn tới, là chiếc bè đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc, tìm an lạc giải thoát ngay ở cõi đời hiện tại này.

Mỗi con chim đều có tổ, ban ngày tung tăng bay khắp bầu trời, tối đến cùng rủ nhau tìm về tổ ấm. Mỗi người đều co một mái ấm gia đình, tối về sum họp bên mâm cơm dẻo canh nóng. Sau khi đã dọn dẹp xong, mọi người quây quần bên nhau, bố mẹ đọc sách, con cái học bài rồi coi ti vi. Trước giờ đi ngủ, cả nhà đều ngồi trước bàn thờ, lắng lòng theo tiếng chuông, theo dõi hơi thở vào ra, buông bỏ mọi vọng niệm sau một ngày mệt mỏi, tâm hồn thanh thản trong giây phúc hiện tại. Thật an lạc và hạnh phúc thay!

Chân Như Phan Thị Thuần
Sài Gòn, 1997


Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (10/97)