BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ý NGHĨA VỀ CHỮ TU TẬP
TRONG ĐẠO PHẬT NGUYÊN THỦY

Thích Hạnh Bình
(Nguyễn Thanh Châu)


Mục đích giáo dục của đức Phật là làm thế nào để đoạn trừ, hay tối thiểu làm giảm bớt những khổ đau của con người, để vươn tới một đời sống an lạc và hạnh phúc [1], đạo Phật gọi đó là cõi Niết bàn. Từ mục đích cao cả này, sau khi đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ đề, ngài đã đem toàn bộ thời gian còn lại (45 hay 49 năm) của đời ngài, vì chúng sinh nói pháp, tất cả những lời giảng dạy đó không ngoài nội dung chứng ngộ của đức Phật. Nhưng vì căn cơ và trình độ của mọi người trong xã hội không đồng, do đó lời ngài giảng dạy cũng mang ý nghĩa cao thấp khác nhau [2], nhưng mục đích cuối cùng vẫn là hướng dẫn mọi người đến giác ngộ. Đó là lập trường và phương pháp giáo dục của đức Phật trong thời đại Nguyên thủy. Sau khi đức Phật nhập diệt vào khoảng 100 năm hơn, những đệ tử của ngài đứng từ nhiều góc độ khác nhau trong xã hội, có thể nói yếu tố chủ yếu là ảnh hưởng những trào lưu văn hóa tư tưởng đương thời, trong đó không loại trừ yếu tố chính trị và kinh tế của xã hội Ấn độ, các nhà luận sư Phật học căn cứ lời Phật dạy, phân tích theo kiến giải của mình, tạo thành một phong trào nghiên cứu Phật học mới, mang đặt tính kế thừa và phát triển, và dần dần hình thành tối thiểu là 18 bộ phái [3]. Đây được gọi là thời kỳ Bộ phái Phật giáo, rất tiếc khá nhiều nguồn tư liệu của thời đại này bị thất truyền, hiện nay chỉ còn 7 bộ luận của bộ phái Đồng Diệp được lưu trữ trong kinh tạng Nam truyền Pàli, và 7 bộ luận và bộ luận Đại Tỳ bà sa của bộ phái Thuyết Nhất thiết hữu (Sàrvastvadin) bằng dịch bản Hán trong bộ Đại chánh tân tu Đại tạng kinh. Ngoài 2 nguồn tư liệu của hai bộ phái này, các bộ phái khác dường như thất truyền, hoặc lưu trữ không đầy đủ. Qua 2 nguồn tư liệu này, nhất là 7 bộ luận của Phái hữu bộ, có thể đại diện cho tư tưởng của thời kỳ bộ phái Phật giáo, đồng thời nó là cứ điểm để hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Theo các nhà học giả nghiên cứu cho rằng, sau khi đức Phật nhập diệt vào khoảng 500 năm, Phật giáo Ấn độ đã chuyển sang một giai đoạn mới, tư tưởng bộ phái Phật giáo dần dần suy yếu, tư tưởng Bát nhã hưng khởi. Đây được gọi là thời kỳ Phật giáo Đại thừa. Những thánh điển đại diện cho thời kỳ này có thể nói như là Bát nhã, Pháp hoa, Hoa nghiêm, Duy ma, Bảo tích. Qua đó chúng ta thấy, tư tưởng và lập trường của những bộ phái khác nhau, hẳn nhiên dẫn đến pháp môn tu tập của từng bộ phái cũng không giống nhau, điều đó không có nghĩa pháp môn này đúng, pháp môn khác sai, nó chỉ mang ý nghĩa phương tiện, dẫn dắt mọi chúng sinh cùng đến thế giới giác ngộ, như nước trăm sông đều chảy về biển cả.

Bài viết này, người viết không có tham vọng trình bày tất cả những phương pháp tu tập của từng tông phái trong đạo Phật, chỉ giới thiệu một phương pháp tu tập, làm thế nào để hiểu được và đoạn trừ những khổ đau của đời sống thường ngày của chúng ta, theo quan điểm của kinh A hàm hay kinh Nikàya mà thôi, cụ thể là "Kinh tất cả lậu hoặc" (Sabbasavasuttam) số 2, trong "Kinh Trung Bộ" (Majjhima Nikàya) bản dịch Việt ngữ của HT. Thích Minh Châu. Ngoài bản kinh này, người viết sẽ trích dẫn một số kinh khác có liên quan đến đề tài thảo luận, với mục đích mong làm sáng tỏ vấn đề được trình bày.

Nội dung chính của bản kinh này, đức Phật đứng trên lập trường là "con người giác ngộ" và đối tượng cụ thể mà ngài nói chuyện cũng là "con người", để trình bày những vấn đề thuộc về con người, những vấn đề đó rất thật tế có mối quan hệ mật thiết đến sự giải phóng những khổ đau của con người. Ngài căn cứ vào những hoạt động của tâm vật lý của con người, phân tích nguồn gốc khổ đau gồm 7 nguyên nhân, đại khái chia thành hai phương diện vật chất và tinh thần. Những yếu tố khổ đau nào thuộc về vật chất, mới giải quyết nó, phải do vật chất mới đoạn trừ, như nhu cầu sống của con người cần có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, thuốc men…sự thiếu thốn của những thứ này, là yếu tố phát sinh trạng thái khổ, không những chỉ có vật lý mà ngay cả tinh thần, những loại khổ đau này con người không thể lấy tinh thần để giải quyết, bụng chúng ta đói, ăn cơm là no ngay, không thể nghĩ "biết đủ" mà bụng no được, đó là lý do tại sao đức Phật trình bày, con người muốn đoạn trừ những loại khổ đau này, cần phải giải quyết chúng bằng vật chất, không phải là tinh thần, tất nhiên là với tinh thần biết đủ; Ngược lại những trạng thái khổ đau thuộc về tinh thần, tức là thiếu sự hiểu biết. Trong trường hợp này, đức Phật dạy, con người muốn loại trừ những trạng thái khổ đau này, phải do sự hiểu biết mới có thể đoạn trừ, ví như việc thi cử của học sinh, thí sinh phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức môn mà mình thi, thì nổi khổ về thi sẽ không xuất hiện, những nổi khổ vế thi cử không thể lấy vật chất giải quyết được. Đây là quan điểm tu tập trong Phật giáo Nguyên thủy. Nó có giúp ích được gì cho đời sống hằng ngày của chúng ta hay không, tất cả đều tùy thuộc vào sự hiểu biết và sự nhận định của từng người. Trước khi giới thiệu về bài kinh này, chúng ta cần tìm hiểu quan điểm của đức Phật đối với việc tu tập như thế nào.

ĐỨC PHẬT CHỈ LÀ VỊ ĐẠO SƯ

Cho đến nay, đạo Phật được mọi người biết đến dưới hình thức là một "tôn giáo". Trên thật tế, từ Tôn giáo hàm chứa ý nghĩa "thần quyền", tức thừa nhận và đề cao quyền năng của đấng giáo chủ. Nhìn từ góc độ này, đạo Phật không phải là một tôn giáo, vì đức Phật phủ nhận oai quyền tối thượng của bất cứ đấng thần linh nào khác, cho dù vị đó được mệnh danh là Thượng đế, và ngay cả chính ngài, chúng ta có thể nói đạo Phật là một tôn giáo có hệ thống giáo dục giúp cho con người có đời sống bình an và hạnh phúc ngay trong đời này và cả mai sau. Đức Phật là người sáng lập đạo Phật, nhưng ngài tự phủ nhận phương diện thần quyền của chính mình. Việc dẫn dắt chúng sanh vào con đường giải thoát - Niết bàn, Ngài đã tự ví mình như một vị Đạo sư [4] - là người đưa lối chỉ đường, để chúng sanh nương vào đó đến bờ giác ngộ, không phải là người có đầy đủ quyền năng ban phước giáng họa cho bất cứ ai. Cũng tương tựa với ý nghĩa này, trong một bài kinh khác, đức Phật đã tự ví mình như là một vị "Lương y [5]".

Thế nào gọi là một vị lương y? Đức Phật mô tả 4 đặc tánh của một vị lương y như sau:

(1) Xác định có bịnh,
(2) Biết rõ nguyên nhân của bịnh,
(3) Biết cách chữa trị căn bịnh,
(4) Trị xong không còn tái diễn.

Đây là 4 đặc tánh của một vị lương y (Bác sĩ giỏi), hay nói cách khác đây là bổn phận trách nhiệm của vị bác sĩ. Thế nhưng, bác sĩ có tài giỏi như thế nào đi nữa, chẩn đoán chính xác như thế nào đi nữa, nhưng bịnh nhân không muốn chữa trị, hoặc không làm theo lời khuyên của bác sĩ, thì vị bác sĩ cũng đành bó tay trước căn bịnh. Cũng vậy, đức Phật tự ví mình như vị lương y, cũng mang một ý nghĩa như thế, nói lên vai trò và trách nhiệm của ngài trong việc cứu độ chúng sanh ra khỏi biển khổ của sanh tử, phủ nhận thái độ nương cậy thần quyền của chúng sanh, để mọi người tự quyết định cuộc sống sướng hay khổ của chính mình. Bổn phận và trách nhiệm của đức Phật là chỉ cho mọi người biết rõ cuộc sống vốn là khổ, nguyên nhân mang lại sự khổ; đồng thời ngài cũng chỉ cho chúng ta biết rằng, ngoài cuộc sống khổ đó có một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, và con đường đưa đến cảnh giới này, đó là bổn phận và trách nhiệm của ngài. Còn bổn phận và trách nhiệm của chúng ta là gì? Là việc học pháp và hành pháp. Có nghĩa là chúng sinh muốn đoạn trừ những khổ đau ấy, để sống một cuộc sống an lạc và hạnh phúc này, phải tự mình thực hành đúng theo phương pháp mà đức Phật giảng dạy, để tự mình đoạn trừ những phiền não trong tâm của mình, không phải chúng ta ngồi đó chờ đợi, hoặc cầu xin ngài ban bố cho một phép lạ, đoạn trừ những tâm bịnh của mọi chúng sinh. Đó là lý do tại sao đức Phật dạy:

"Này A nan! hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, và tự nương tựa chính mình. Hãy lấy pháp [6] làm hòn đảo, làm nơi nương tựa, đừng lấy nơi nào khác làm nơi nương tựa, làm hòn đảo, đừng nương tựa nơi nào khác [7]".

Lời dạy này, cho chúng ta một ý nghĩa rõ ràng, đức Phật chỉ là người chỉ cho chúng ta con đường đi đến giác ngộ, là người đưa ra nguyên tắc sống để được hạnh phúc và an lạc, đó là vai trò và trách nhiệm của đức Phật, việc chúng ta có thành đạt sự giải thoát này hay không, đều tùy thuộc cá nhân của mỗi chúng sinh có thực hành theo lời ngài giảng dạy hay không. Sự thật hành giáo pháp của Phật hay không là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người, không phải là trách nhiệm của Phật. Đây là điểm đặc trưng của đạo Phật nguyên thủy, nó không những chỉ đề cao bổn phận và trách nhiệm của từng cá nhân mà còn nói lên tinh thần tự do tư tưởng, tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi người, đức Phật không bao giờ bắt buộc một ai phải tin theo, làm theo những điều ngài dạy [8], do vậy, vấn đề giải thoát và giác ngộ, thuộc về bổn phận cá nhân của mỗi chúng sinh, không phải là trách nhiệm của đức Phật. Đó là tinh thần tự do được con người của thế giới ngày nay đề cao và tôn trọng.

Qua đoạn kinh này, nó gợi ý cho chúng ta một ý nghĩa thật sâu sắc, vị trí của đức Phật chỉ là một vị "Đạo sư" hay là một vị "Lương y". Trách nhiệm của Bậc đạo sư chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường đi đến giải thoát và con đường nào là con đường dẫn đến khổ đau; Trách nhiệm của một vị lương y là chẩn đoán đúng căn bịnh và chỉ cho phương thuốc để chữa lành căn bịnh đó, những công việc đó đức Phật đã hoàn thành trách nhiệm của mình, vấn đề còn lại là do chúng ta, có nghĩa là nếu chúng ta tự cho rằng mình là kẻ lạc lối, thì chính bản thân mình phải y theo lời chỉ dẫn của bậc đạo sư để thoát con đường nguy hiểm; nếu chúng ta tự cho rằng mình là kẻ đang có bịnh, thì việc cần phải làm là y theo lời chỉ dẫn của lương y để trị lành căn bịnh của chúng ta. Lời chỉ dẫn của vị đạo sư hay vị lương y biểu dụ cho lời giảng dạy của đức Phật, chúng ta muốn biết đức Phật đã chỉ dạy những gì cho chúng ta, chúng ta cần phải học Phật pháp, chứ không phải dừng lại ở niềm tin mù quáng.

NIỀM TIN

Vấn đề niềm tin, theo lập trường của Phật giáo nguyên thủy (Kinh A hàm và Nikàya), đối tượng mà đức Phật đề cập và nhấn mạnh niềm tin là giới cư sĩ, là những người sống tại gia có gia đình, nhưng đối với những người xuất gia, sống đời sống phạm hạnh đức Phật nhấn mạnh việc học pháp và hành pháp, rất ít khi đức Phật khuyên các vị tỷ kheo nên tin Phật tin pháp và tin tăng. Ví dụ như rất nhiều kinh trong kinh A hàm hoặc trong Nikàya, đức Phật thường khuyên các cư sĩ nên thành tựu Bốn niềm tin bất động (Tứ bất hoại tịnh) [9], đó là:

1. Tin Phật,
2. Tin pháp,
3. Tin tăng,
4. Tin giới.

Nhưng đối với các vị Tỷ kheo, là những người sống đời sống Phạm hạnh, đức Phật tiến xa hơn một bước nữa, khuyên các vị ấy nên như thật tuệ tri về 5 uẩn (panca-skandha), 12 xứ (dvàdasa-àyatana) và 18 giới (astàdasa-dhàtu) hay Tứ thánh đế…Chúng ta thử đặt vấn đề, lý do tại sao đức Phật có tâm phân biệt như vậy? Để lý giải vấn đề này, theo tôi nghĩ, chúng ta cần phải tìm hiểu đến 2 yếu tố. Thứ nhất, đời sống của một người cư sĩ, là một đời sống có gia đình, người đã có gia đình thì hầu như thời gian không còn nữa, vì vấn đề sinh nhai, cơm ăn áo mặc, chăm sóc gia đình, nhất là đời sống của một người dân Ấn độ trong thời buổi xa xưa, thật khó có thời gian rảnh để học Phật pháp. Hơn nữa, vào thời đại đức Phật còn tại thế, ở xã hội Ấn độ về mặt khoa học kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, không có phương tiện truyền thông đại chúng như xã hội ngày nay, kinh sách, truyền hình, truyền thanh vẫn chưa có, đó là sự giới hạn và thiệt thòi cho giới cư sĩ trong việc học Phật. Thứ hai, đời sống của đức Phật và tăng đoàn đều sống trong rừng núi, ít lân cận đời sống người tại gia, cho nên việc học Phật pháp của người cư sĩ tại gia bị giới hạn, đó là lý do tại sao trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, đức Phật khuyên một người muốn thành đạt giải thoát giác ngộ cần phải từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình. Phải chăng đây là lý do tại sao đức Phật khuyên người cư sĩ cần có bốn niềm tin bất động. Nhờ vào niềm tin này, để có cơ hội gặp được Phật pháp, chỉ dẫn cho họ tránh xa việc ác, làm các hạnh lành, cũng là điều kiện cho các công đức được trưởng thành.

Ý nghĩa chữ tín là mẹ đẻ của các công đức (tín vi công đức mẫu) là vậy, nó là điều kiện cơ bản, ban đầu để tiếp cận Phật pháp, chữ tín ở đây, không mang ý nghĩa là không cần học tập, không cần tìm hiểu Phật pháp, chỉ thuần túy tin tưởng vào một điều gì đó mà thiếu thái độ suy xét [10]. Do vậy, quá trình tu học Phật pháp cần phải trải qua 3 giai đoạn là văn, tư tu. Chữ "văn", có nghĩa là nghe những lời dạy của đức Phật, không những chỉ có nghe mà thôi, ngay cả việc đọc kinh điển nữa. Qua cách dùng chữ "văn" này, chúng ta cũng có thể hiểu được, vào thời đại đức Phật chưa có chữ viết, việc truyền bá Phật pháp chỉ bằng miệng, cho nên phải dùng chữ "văn" (nghe Phật pháp); Chữ "tư" có ý nghĩa là căn cứ vào những gì đã nghe được từ Phật pháp, suy tư những lời dạy đó liên hệ đến đời sống thực tại của chính chúng ta, xem thử nó có giúp ích gì cho cuộc sống của chúng ta hay không. Nếu nói rằng lời đức Phật là chân lý, thì cần gì phải suy tư. Đúng! lời đức Phật dạy là chân lý của cuộc sống, mục đích của lời dạy của ngài là đưa đến giải thoát khổ đau, thế nhưng trình độ và sự hiểu biết của con người không giống nhau, hoàn cảnh sống của từng người trong xã hội cũng không giống nhau, do vậy, phương pháp giáo dục của đức Phật cũng tùy theo đó mà có sự sai khác. Để có sự lợi ích thiết thực cho từng người, đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải suy tư trên những lời dạy đó, thử xem trong đó, phương pháp tu tập nào phù hợp với chính đời sống chúng ta, khi ấy chúng ta mới tu tập theo, đó là ý nghĩa chữ "trạch pháp giác chi" trong Bảy giác chi; Và chữ "tu" có ý nghĩa là sự sửa đổi, thay đổi. Như vậy sửa đổi cái gì? sửa đổi cái sự hiểu biết sai lầm của mình thành sự hiểu biết đúng, từ sự hiểu biết đúng đó, nó là cái chỉ đạo mọi hoạt động của chúng ta, không rơi vào hành động sai lầm, như vậy là sự giải thoát xuất hiện.

Trở lại vấn đề vừa thảo luận, ở thời đại ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội về mặt khoa học kỹ thuật phát triển, phương tiện truyền thông rất tinh xảo, thế giới như thâu nhỏ lại, chúng ta ngồi tại đây, thông qua mạng lưới internet hay truyền hình…chúng ta có thể biết được thế giới đang diễn biến từng ngày từng giờ. Hơn nữa, đời sống tăng già hiện nay, không còn sống trong rừng núi, tự viện được xây dựng ngay trong cộng đồng xã hội. Những phương tiện khoa học này, đã giúp cho người Phật tử tại gia có nhiều cơ hội học Phật pháp, do vậy kiến thức xã hội và trình độ Phật hoc của người Phật tử hiện nay so với ngày xưa có tiến bộ hơn nhiều. Do đó, niềm tin mà đức Phật đề cập, chúng ta cũng cần nên hiểu như là bước đầu tiên của tiến trình của một người đến với đạo Phật, khi chúng đã đến với đạo Phật rồi, không nên dừng ở niềm tin, cần tiến thêm một bước nữa là tìm hiểu giá trị của lời đức Phật dạy, nó giúp ích gì cho đời sống của chúng ta, sau khi tìm hiểu, chúng ta cần phải thực hành lời dạy của đức Phật, chính kết quả của sự thực hành là cái mà đức Phật gọi là "công đức". Do vậy, trong kinh điển của đạo Phật thường mô tả niềm tin này bằng khái niệm là "tịnh tín", nó mang mầm móng để thấy và biết chân lý, nó không đồng nghĩa chữ tín trong các tôn giáo khác, chỉ đơn thuần là niềm tin.

NGUỒN GỐC KHỔ ĐAU CỦA CON NGƯỜI

Theo đạo Phật, nguồn gốc khổ đau của con người là do vô minh vô tri. Vô tri về cái gì? đó là sự vô tri về con người và thế giới mà con người đang sống. Con người và thế giới con người đang sống đó được đức Phật mô tả bằng 5 uẩn (panca-skandha), 12 xứ (dvàdasa-àyatana) và 18 giới (astàdasa-dhàtu). Ý nghĩa của phạm trù 5 uẩn (Sắc thọ tưởng hành thức) là đức Phật mô tả về thật tướng của con người là "vô ngã", vì bản chất của nó là "duyên khởi"; phạm trù 12 xứ là đức Phật đề cập đến mối quan hệ giữa con người với thế giới bên ngoài qua các quan năng khác nhau, tức 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với 6 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp); Ý nghĩa về phạm trù 18 giới (bao gồm: 12 xứ và thêm nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thân thức giới và ý thức giới) đức Phật trình bày mối quan hệ giữa sắc pháp và tâm pháp hay nói một cách khác là quá trình hình thành "pháp giới" là đối tượng nhận thức của tâm. Muốn hiểu rõ về những phạm trù triết học này xin đọc "phẩm uẩn", "phẩm xứ" và "phẩm giới" trong tác phẩm "luận Xá lợi Phất A tỳ đàm" [11]. Như vậy, 5 uẩn (panca-skandha), 12 xứ (dvàdasa-àyatana) và 18 giới (astàdasa-dhàtu) là đối tượng thảo luận trong Phật giáo nguyên thủy, đó là những đề tài thảo luận về con người và mối quan hệ giữa con người và thế giới mà con người sống. Với phạm vi giới hạn của bài viết này, người viết không giải thích chi tiết ý nghĩa của những phạm trù này, chỉ căn cứ vào "Kinh ví dụ con rắn" (Alaggadupamasuttam) [12] đức Phật đã tường thuật nguồn gốc nổi khổ của con người như sau:

a. Cái không thực có ở ngoài [13], gây lo âu phiền muộn

đây, này các tỷ kheo! có người nghĩ như sau: "Cái gì chắc chắn là của tôi, nay chắc chắn không là của tôi, cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn tôi không được cái ấy". Do vậy, nó sanh lo âu phiền muộn…Như vậy là có cái không thật có ở ngoài gây lo âu phiền muộn.

Cái "không thực có bên ngoài" là những vật sở hữu của chúng ta. Như cha mẹ, vợ chồng, con cái, nhà cửa, ruộng vườn, tiền tài, danh vọng…đó là những cái thuộc sở hữu của chúng ta, ở ngoài thân chúng ta, không phải là cái trong thân của chúng ta, đặc tính của những vật sở hữu này là vô thường chuyển biến, từ đẹp chuyển sang xấu, từ trẻ đến già, từ sống đến chết, từ có đến không…bản chất của nó là như vậy, cho nên trong kinh gọi là 'không thật có', bản chất của chúng là như vậy, nhưng ý thức chúng ta lại không chấp nhận trạng thái thay đổi đó, luôn luôn có thái độ muốn giữ gìn nắm bắt những gì tốt đẹp, và xua đuổi chạy trốn những gì mà chúng ta không thích, trên thật tế sự thích hay không thích của con người không làm thay đổi thật tại, cái chúng ta thích mà nó không đến là khổ, cái chúng ta không thích mà nó cứ hiện hữu trước mắt là khổ. Nguyên nhân của những nổi khổ này là do sự cố chấp hay không chấp nhận cuộc sống. Ví như khi chúng ta già chúng ta sợ già là thái độ không chấp nhận, người thân của chúng ta bịnh và qua đời là sự kiện tự nhiên của cuộc sống, nhưng chúng ta nuối tiếc khóc lóc và khổ đau, là sự biểu hiện không chấp nhận sự biến đổi đó….Đó là nguyên nhân khổ đau, là ý nghĩa của câu 'cái không thật có bên ngoài gây lo âu phiền muộn'.

b. Cái không thực có bên trong [14] gây lo âu phiền muộn

đây, này các tỷ kheo! có người nghĩ như sau: "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường hằng thường còn, thường trú, không biến chuyển, ta sẽ an trú mãi mãi như thế này", nhưng khi nó nghe Thế tôn thuyết giảng: thế giới và tự ngã là do duyên khởi, cái gì do duyên khởi hợp thành, cái ấy vô tự tánh, không có thật ngã. Do vậy, nó sanh lo âu phiền muộn. Như vậy, đây được gọi là cái không thật có bên trong, gây lo âu phiền muộn.

đây, câu "không thật có bên trong" là chỉ cho những quan điểm về con người và thế giới, tức thuộc về lãnh vực tinh thần. Ví dụ, chúng ta cho rằng: Thế giới là thường hằng, nhưng nghe người khác nói thế giới là vô thường, vì có thái độ cố chấp, muốn bảo vệ lập trường quan điểm của mình, nên tâm người ấy sanh giận hờn…một ví dụ khác dễ hiểu hơn, ví như anh A nghĩ rằng cô B chắc chắn thương yêu mình, nhưng trên thật chất cô ấy không thương cho nên tâm của anh A sanh khổ. Đó là những cái không thật có mà tự mình tưởng tượng xây dựng lên, không đúng với thật tế cho nên sanh khổ.

Tóm lại, hai đoạn văn trên đây, đức Phật tường thuật về nguồn gốc khổ đau của con người được xuất phát từ hai nơi bên trong và bên ngoài, cả hai loại này đều xuất hiện vốn từ sự nhận thức sai lầm về con người và vũ tru, vì con người và thế giới vốn do duyên khởi hình thành, cái gì do duyên khởi hình thành, cái ấy chắc chắn sẽ bị hủy diệt, khi các nhân duyên không còn nữa, ngay cả những quan niệm sống của con người. Đó là chân lý của cuộc sống, cho dù con người có thừa nhận hay không thừa nhận. Xuất phát từ thật tế như vậy, cho nên trong "Kinh đa giới" (Bahudhatukasuttam) [15] đức Phật đã nói lên ý nghĩa này như sau:

"Phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các tỷ kheo, tất cả sợ hãi ấy, chỉ sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Phàm có những thất vọng gì sanh khởi, này các tỷ kheo, tất cả thất vọng ấy, chỉ sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Phàm có những hoạn nạn gì sanh khởi, này các tỷ kheo, tất cả hoạn nạn ấy, chỉ sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí."

Qua thật tế kinh nghiệm của cuộc sống cho thấy, những thất vọng khổ đau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đều xuất phát từ sự hiểu biết không chân chính, thiếu sáng suốt, chính nó đã mang lại cho chúng ta những nỗi khổ đau trong cuộc sống, không phải do ai tạo ra, cũng không phải do một đấng siêu hình nào có quyền năng làm điều đó. Do vậy, chúng ta không nên trách cứ bất cứ ai, mà nên tự trách chính mình, mình là người tạo ra sự đau khổ ấy.

Tóm lại, nguồn gốc của khổ đau là 'vô minh', do trạng thái vô minh này mà lòng tham lam và sự sân hận mới có cơ hội xuất hiện. Như vậy tham và sân là bóng dáng của vô minh.

TU TẬP

Ý nghĩa của từ tu tập trong Phật pháp là sửa đổi những hành vi sai trái của con người thành hành vi đúng đắng, nhưng trước hành vi là cái gì? Thật ra, tất cả những hành vi thuộc về thân và miệng, chỉ là công cụ sai khiến của 'ý thức'. Như vậy, trước khi con người muốn sửa đổi những hành vi sai trái cần phải sửa đổi những nhận thức sai lầm đó, vì ý thức là cái chỉ đạo hành động, không thể chỉ sửa đổi hành động mà không sửa đổi ý thức, đó là lý do tại sao trong quan điểm nghiệp của đức Phật rất chú trọng đến 'ý nghiệp', khác với Kỳ na giáo chú trọng đến thân nghiệp. Do vậy, ý nghĩa chữ tu tập trong Phật giáo có nghĩa là thay đổi sự nhận thức sai lầm thành nhận thức đúng. Sự nhận thức đúng chính nó là thanh bảo kiếm để chặt đứt tất cả những khổ đau của con người. Nhưng làm thế nào để có sự nhận thức đúng? Theo "Kinh tất cả lậu hoặc" (Sabbasavasuttam) [16] đức Phật đã nhấn mạnh vai trò 'không như lý tác ý''như lý tác ý' như sau:

"Này các tỷ kheo! do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các tỷ kheo! do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt."

đây, ý nghĩa của câu không như lý tác ý là chúng ta không căn cứ vào thật tướng diễn biến của sự vật như thế nào tư duy nhận thức như thế đó, mà tư duy về nó qua óc tưởng tượng hay sự suy nghĩ hoang đường, không thật tế của cá nhân chúng ta. Cách suy tư như vậy, nó sẽ cho chúng ta hiểu sai về sự vật, sự hiểu sai lạc đó là nguyên nhân của khổ đau, như trường hợp của tỷ kheo Arittha [17] và Diệm ma ca [18]. Ngược lại, câu như lý tác ý là sự suy tự nhận thức đúng như sự vật đang diễn tiến. Để hình dung 2 ý niệm này, chúng ta có thể vay mượn câu chuyện 'sợi giây' để mô tả về hai trường hợp nhận thức này. Vào ban đêm có 2 người bộ hành, một người thấy sợi giây lầm tưởng nó là con rắn, do vì lầm tưởng cho nên tâm lý người ấy phát sanh sự sợ hãi; Người thứ hai, cũng thấy sợi giây này, nhưng người ấy thấy rõ, đây là sợi giây, không phải là con rắn, do vì biết rõ ràng như vậy, nên tâm lý của người đó không sanh khởi sự sợ hãi. Ở đây, cái thấy của người thứ nhất gọi là không như lý tác ý hay không như thật tuệ tri; Cái thấy của người thứ hai được gọi là như lý tác ý hay như thật tuệ tri.

Cũng giống như vậy, chúng ta đọc kinh điển của đạo Phật, chúng ta cũng nên hiểu mỗi một bộ kinh, mỗi bộ luật và mỗi bộ luận, nó có một bối cảnh xã hội riêng của nó, do đó những vấn đề được đức Phật hay các vị luận sư trình bày trong đó, mang một ý nghĩa cá biệt và cụ thể, do vậy người nghiên cứu muốn hiểu ý nghĩa của nó một cách đầy đủ, cần phải trả nó về bối cảnh nguyên thủy của nó, nếu không người nghiên cứu sẽ rơi vào sự sai lầm được đức Phật gọi là không như lý tác ý. Tại sao chúng ta phải làm như vậy, một lý do khá chính đáng là Tam tạng kinh điển của đạo Phật được kết tập biên chép và luận bàn theo quan điểm của từng Bộ phái khác nhau [19], thời gian và không gian cũng khác nhau. Sự khác biệt đó, đã dẫn đến việc thảo luận từng vấn đề mang tính Bộ phái và từng hoàn cảnh ý thức của xã hội khác nhau.

Trở lại vấn đề đang thảo luận, theo đức Phật, nguồn gốc khổ đau của con người là vô minh, nhưng phân tích cho cùng, phiền não được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, do đó đức Phật căn cứ điểm xuất hiện không đồng của nó, ngài đã đưa ra 7 phương pháp đoạn trừ không giống nhau. Như "Kinh tất cả lậu hoặc", đức Phật liệt kê như sau: (1) Có những lậu hoặc phải do tri kiến đoạn trừ, (2) Có những lậu hoặc phải do phòng hộ đoạn trừ, (3) Có những lậu hoặc phải do thọ dụng đoạn trừ, (4) Có những lậu hoặc phải do kham nhẫn đoạn trừ, (5) Có những lậu hoặc phải do tránh né đoạn trừ, (6) Có những lậu hoặc phải do trừ diệt đoạn trừ, (7) Có những lậu hoặc phải do tu tập đoạn trừ.

Cũng trong kinh này, đức Phật phân tích giải thích ý nghĩa của 7 loại phiền não này như sau:

(1) Lậu hoặc phải do tri kiến đoạn trừ

Đối với vấn đề này, đức Phật giải thích: Kẻ vô văn phàm phu, không thường diện kiến các bậc thánh, không hiểu rõ pháp các bậc thánh, không tu tập pháp các bậc thánh, cho nên vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, ngược lại tác ý các pháp không cần phải tác ý. Như: ta có mặt trong thời quá khứ hay ta không có mặt trong thời quá khứ? ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? ta sẽ không có mặt trong thời vị lai như thế nào? ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Do vì tác ý các pháp không cần tác ý, nên kẻ ấy khởi lên một trong hai tà kiến [20]: Ta có tự ngã (àtman) [21] hay ta không có tự ngã [22]. Những suy nghĩ như vậy gọi là tà kiến (quan điểm không đúng), kiến trù lâm, kiến hoang vu (quan điểm hoang đường), kiến hý luận (quan điểm chỉ có giá trị vui chơi), kiến tranh chấp (quan điển chỉ dẫn đến sự tranh cãi), kiến kiết phược (quan điểm đưa đến sự trói buột). Do vậy, kẻ ấy bị trói buột những tà kiến này, chắc chắn sẽ không được thoát khỏi sanh, già bịnh chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Tại sao những suy nghĩ như vừa nêu đức Phật cho nó là tà kiến hay những suy nghĩ không hoang đường? Để hiểu rõ quan điểm của đức Phật đối với vấn đề này, trong "Kinh ví dụ mũi tên" [23] đức Phật đã giải thích lý do tại sao ngài không trả lời 14 vấn đề siêu hình cho Man đồng tử. Vì những vấn đề ấy, không có liên hệ gì đến đời sống phạm hạnh, không có lợi ích gì trong việc đến việc đoạn trừ khổ đau của con người, chỉ tăng thêm phiền não mà thôi, cho dù những điều ấy có được Như lai trả lời hay không trả lời, thì cuộc đời này vẫn có sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Do vậy, việc cần phải làm trước tiên của con người là làm thế nào để đoạn trừ những nổi khổ đau đang dày vò cuộc sống chúng ta. Những điều cần phải làm đó, ta đã giảng giải một cách tường tận, đó là cuộc sống của con người là khổ (Khổ); nguyên nhân đưa đến sự khổ (khổ tập); Ngoài nổi khổ, con người có đời sống an vui hạnh phúc, Niết bàn (khổ diệt); và con đường dẫn đến cảnh giới Niết bàn. Đó là lý do tại sao đức Phật cho rằng, suy tư về những vấn đề thuộc về thế giới siêu hình là không như lý tác ý.

Như vậy, suy tư về cái gì được gọi là như lý tác ý? Trong "Kinh tất cả lậu hoặc" đức Phật trả lời một cách rõ ràng là: Các tỷ kheo cần phải như lý tác ý đến những pháp như là: Đây là khổ; đây là khổ tập; đây là khổ diệt [24]. Nhờ vị ấy như lý tác ý như vậy, cho nên ba kiết sử được đoạn trừ: Thân kiến, nghi và giới cấm thủ được đoạn trừ.

(2) Lậu hoặc phải do phòng hộ đoạn trừ

Đức Phật giải thích về sự phòng hộ, tức là sự giữ gìn sáu căn, bằng cách khi con mắt tiếp xúc với các sắc, tai nghe những âm thanh, lưỡi nếm vị, thâm cảm xúc và ý phân biệt về các pháp, cần phải như lý tác ý: nếu các sắc là sắc đẹp; âm thanh là những âm thanh ưu thích; các hương là những mùi hương thơm tho; các vị là những mùi vị ngon ngọt; các pháp là những pháp ưu mến, chúng ta không vì thế bị ái nhiễm say mê chúng. Nếu ngược lại, 6 trần ấy là những thứ không ưu thích, không tốt đẹp, chúng ta cũng không vì thế mà sanh tâm sân hận. Vì đặt tính của 6 trần vốn là cái do nhân duyên hợp thành, cái gì do nhân duyên hợp thành, cái ấy không bền chắc, luôn luôn cải biến, do vậy chúng ta không nên ái nhiễm các sắc đẹp, sân hận thù ghét các sắc xấu. Do sự phòng hộ như vậy, các ác pháp chưa sanh không sanh khởi, các ác pháp đã sanh được trừ diệt, các thiện pháp chưa sanh sanh khởi, các thiện pháp đã sanh tiếp tục tăng trưởng. Đây là ý nghĩa phòng hộ sáu căn.

(3) Lậu hoặc phải do thọ dụng đoạn trừ

Đức Phật giải thích về sự thọ dụng là đề cập đến những nhu cầu cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Như là y phục để che thân; các loại ẩm thực; các dụng cụ để ngủ nghỉ [25] ; và thuốc men để trị liệu bịnh hoạn. Đó là 4 nhu cầu cần thiết cho đời sống của một vị xuất gia trong thời đại của đức Phật. 4 điều kiện tối thiểu này, không thể thiếu hơn nữa cho một người xuất gia ở thời đó, để hoàn thành đời sống phạm hạnh, nếu như vị xuất gia thiếu một trong bốn điều kiện trên, thật khó có thể thành đạt được mục đích ấy. Như việc ăn uống để thân thể được khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh là điều kiện cho tinh thần mới minh mẫn, dễ dàng tu tập; y phục là vật để che kín thân thể, đồng thời cũng là cái để che bớt sự nóng lạnh của thời tiết khắc nghiệt của xứ Ấn độ; sàng tọa không những là vật để ngủ nghỉ, mà còn là cái để ngăn ngừa các sự độc hại của các loại rắn, rết, kiến…; và thuốc men là những thứ để trị bịnh. Do vậy, 4 nhu cầu này là cái cần thiết cho đời sống của một người xuất gia trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, khi 4 điều kiện này thiếu sẽ dẫn đến khó khăn, làm chướng ngại con đường giải thoát giác ngộ, thậm chí phát sanh phiền não cho vị ấy. Ngược lại, 4 nhu cầu này được đáp ứng, thọ dụng một cách vừa phải, nó sẽ là điều kiện thuận lợi cho vị ấy an tâm tu tập. Đây là ý nghĩa việc thọ dụng trong kinh này.

(4) Lậu hoặc phải do kham nhẫn đoạn trừ

Trong kinh này, đức Phật giải thích về sự đoạn trừ những phiền não bằng sự kham nhẫn. Đó là những hiện tượng trong tự nhiên. Như thời tiết nóng lạnh, chúng ta không thể bảo thời tiết đừng nóng hay đừng lạnh; thân thể bệnh hoạn đau nhức, ngoài việc phải uống thuốc, chúng ta cần kham nhẫn sự đau nhức đó…Nếu vị ấy không chấp nhận việc tự nhiên đó, như vậy vị ấy không những chỉ có nổi đau khổ về thân mà còn thêm sự đau khổ về tâm, vì người ấy không kham nhẫn. Nếu như vị ấy kham nhẫn những nóng lạnh, đau nhức của những hiện tượng tự nhiên đó, vị ấy chỉ cảm thọ đau nhức, nóng lạnh về thân, không cảm thọ những đau khổ về tâm, vì vị ấy biết kham nhẫn. Như vậy là ý nghĩa của sự diệt trừ phiền não bằng sự kham nhẫn.

(5) Lậu hoặc phải do tránh né đoạn trừ

Cũng theo kinh này, đức Phật trình bày về những lậu hoặc phải do sự tránh né mới được đoạn trừ. Ví như chúng ta gặp những loài thú dữ, kẻ điên dại, người ác độc, những nơi nguy hiểm, những vật làm hại người…Nói chung, những thứ gì làm tổn hại, làm nguy hiểm đến đời sống của con người, chúng ta cần phải tránh né những thứ ấy. Sự tránh né này, nó có lợi cho chúng ta không bị thương tổn, được lành mạnh và an vui. Tất cả những thứ nguy hiểm vừa nêu trên, chỉ có phương pháp tránh né mới có thể đoạn trừ những loại phiền não này. Đây là ý nghĩa của câu lậu hoặc phải do sự tránh né được đoạn trừ.

(6) Lậu hoặc phải do trừ diệt đoạn trừ

Thế nào là những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? trong kinh này, đức Phật giải thích rằng, cần phải diệt trừ, từ bỏ những dục niệm, sân niệm và những pháp ác bất thiện. Nếu vị tỷ kheo không diệt trừ những pháp này, tâm vị ấy chắc chắn sanh khởi những nhiệt não, khổ đau. Nếu như vị ấy đoạn trừ, từ bỏ được những dục niệm, sân niệm và các ác bất thiện, tâm vị ấy sẽ được an lạc. Đây là ý nghĩa của câu: lậu hoặc phải do trừ diệt đoạn trừ.

(7) Lậu hoặc phải do tu tập đoạn trừ

đây, đức Phật giải thích có những lậu hoặc do tu tập được đoạn trừ, tức chỉ cho tu tập 7 giác chi [26]: 1. Niệm giác chi, 2. Trạch pháp giác chi, 3. Tinh tấn giác chi, 4. Khinh an giác chi, 5. Hỷ giác chi, 6. Định giác chi, 7. Xả giác chi. Ở đây, chữ "giác" có nghĩa là trạng thái tỉnh thức, quan sát rõ ràng của tâm. Niệm giác chi nghĩa là từng niệm từng niệm trong hằng ngày, chúng ta cần phải quan sát một cách rõ ràng; Trạch pháp giác chi có nghĩa chúng ta phải lựa chọn những pháp nào làm tăng trưởng giới, tăng trưởng thiền định và tăng trưởng trí tuệ, đó là những pháp mà chúng ta cần chọn lựa và thực hành; Tinh tấn giác chi, sau khi lựa chọn xong chúng ta cần nổ lực hành trì; Khinh an giác chi và Hỷ giác chi là kết quả của sự hành trì giáo pháp của Phật; Định giác chi là sự tu tập thiền định; Xả giác chi là kết quả của sự văn tư và tu, vì vị đó đã thấu đạt chân lý, xả ly tất cả phiền não và chấp trước. Do vì như lý tác ý và tu tập 7 giác tri này, cho nên vị ấy xả ly lòng tham lam, sân hận và si mê, những ác pháp (lậu hoặc) chưa sanh không sanh khởi, những ác pháp đã sanh được trừ diệt; những thiện pháp chưa sanh bèn sanh khởi, những thiện pháp đã sanh tiếp tục phát triển. Vì tính chất của lòng tham lam, sân hận và si mê là nguồn gốc của phiền não, nó đã thành tập quán của con người, cho nên cần phải trải qua thời gian tu tập để đoạn trừ. Đó là ý nghĩa của câu phiền não phải do tu tập đoạn trừ.

Những vấn đề vừa được trình bày trên đây, là những phương pháp đoạn trừ phiền não, những khổ đau trong cuộc sống của con người, được đức Phật trình một cách cụ thể và rõ ràng, lời ngài giảng dạy không phải là những vấn đề siêu hình, khó hiểu mà rất thực tế, vì cuộc sống của con người rất phức tạp và đa dạng, do đó sự xuất hiện phiền não cũng không đồng nhau, có những phiền não thuộc về sự hạn chế của tri thức, nó phải do tri thức đoạn trừ, có những phiền não thuộc về thiếu sự cảnh giác, nó phải do sự cảnh giác hay phòng hộ để đoạn trừ, có những phiền não thuộc về sự thiếu thốn vật chất (thọ dụng), phải do thọ dụng vật chất mới được đoạn trừ, có những loại phiền não thuộc về thiếu sự nhẫn nại, nó phải do sự nhẫn nại mới được đoạn trừ, có những phiền não thuộc về thiếu sự cẩn thận, nó phải do sự tránh né (xa lánh) mới được đoạn trừ, có những loại phiền não thuộc về cố chấp phải do đoạn diệt để được đoạn trừ, và có những loại phiền não thuộc về tập quán phải do tu tập, mới được đoạn trừ.

Do vậy, là người tu tập, muốn đoạn trừ tất cả phiền não, để được một cuộc sống an lạc và thật sự có ý nghĩa, chúng ta phải tìm hiểu điểm xuất phát của những phiền não, mới có thể đoạn trừ những phiền não ấy, chúng ta không nên có thái độ cố chấp, thành kiến, phiến diện cường điệu một vấn đề nào đó, dựa vào sự hiểu biết phiến diện và kinh nghiệm cá nhân của mình, đưa đến chủ quan cho rằng: chỉ có ở đây là đúng, ngoài ra đều sai lầm. Là con người cần phải có những nhu cầu cần thiết như ăn, ở và mặc…những thứ này là vật cần phải có để nuôi sống cơ thể, sự thiếu thốn quá mức về vật chất, theo đức Phật đó cũng là một trong những phiền não, đó là những loại phiền não thuộc về thiếu thốn vật chất. Ngoài ra, có những loại phiền não xuất phát từ tâm lý, chúng ta có thể vay mượn khái niệm "ảo tượng" để hình dung về trạng thái tâm lý này. Trong đạo Phật gọi nó là "vô minh", nó là con quỷ dữ mang lại tất cả những khổ đau cho cuộc sống con người. Đây là điểm trọng tâm mà đức Phật ra đời và nói pháp.

Lời đức Phật dạy trong kinh rất vi diệu, nhưng kiến thức của người viết lại có giới hạn, đem cái giới hạn mà nói cái vô cùng, không phải là trò cười cho độc giả sao? Bài viết này, là kết quả của thời gian nghiên cứu kinh tạng của Thượng tọa bộ, nó đã cho người viết một cảm nhận vui vui thích thích làm sao ấy, nên viết xuống đây để chia xẻ cùng những người học Phật. Nơi đây, tôi rất mong đợi sự đóng góp ý kiến của các bậc thiện tri thức.

Taipei ngày 01/10/2002

Chú thích:

[1]. Kinh "Ví dụ con rắn" trong "Trung Bộ kinh" đức Phật dạy: Này chư Tỷ kheo! Xưa cũng như nay, ta chỉ nói lên sự thật về khổ và sự diệt khổ…; Trong "Kinh Tạp A hàm" kinh số 760, đức Phật cũng dạy rằng: Thế gian có 3 điều không vui, không ưa thích, không nghĩ nhớ, đó là: Già, bịnh và chết…, thế gian không có 3 điều này thì Như lai không xuất hiện ở thế gian, thế gian cũng chẳng có Như lai nói pháp, nói giới.

[2]. Xin tham khảo "Kinh Tạp A hàm" Kinh số 212. Đức Phật dạy: Ta không vì tất cả Tỳ kheo nói hạnh phóng dật, cũng không phải không vì tất cả tỳ kheo nói hạnh không phóng dật…

[3]. Thế Hữu (Vasumitra) tạo, "Dị bộ tôn luân luận" (ĐCT 49).

[4]. Xem "Kinh Tạp A hàm" Kinh số 271 (ĐCT2.p.71)

[5]. Xem "Kinh Tạp A hàm" Kinh số 389 (ĐCT2.p.105)

[6]. Chỉ cho giáo pháp đức Phật. Mà giáo pháp của Phật là chân lý của cuộc sống, do vậy, chữ pháp ở đây mang ý nghĩa là những nguyên tắc sống để được hạnh phúc và an lạc.

[7]. Xem "Kinh Tạp A hàm" Kinh số 638 và 6399 (ĐCT2.p.176-177)

[8]. Xem "Kinh ví dụ mũi tên" trong "Kinh Trung A hàm" (ĐCT1,pp.804-805)

[9]. Xem "Kinh Tạp A hàm" kinh số:833-837,1123-1125…(ĐCT2).

[10]. Trong "Kinh Tăng chi" (tập 1, pp. 214-215) đức Phật dạy: Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì điều đó là truyền thống, vì nghe người ta nói, vì kinh tạng truyền tụng, vì lý luận siêu hình...

[11]. "Xá lợi Phất A tỳ đàm luận" 'Phẩm nhập' (ĐCT 28)

[12]. HT.Thích Minh Châu dịch "Kinh ví dụ con rắn" trong kinh "TRUNG BỘ KINH" (Trường CCPHVN II ấn hành,1986).

[13]. Chỉ cho sắc, thinh, hương , vị, xúc là những pháp thuộc ở bên ngoài.

[14]. Chỉ cho những quan điểm, những kiến chấp sai lầm.

[15]. HT.Thích Minh Châu dịch, "Kinh đa giới" trong "KINH TRUNG BỘ" tập III, (TCCPHVN ấn hành, 1986).

[16]. HT.Thích Minh Châu dịch, "Kinh tất cả lậu hoặc" trong "KINH TRUNG BỘ" tập I, (TCCPHVN ấn hành, 1986).

[17]. HT, Thích Minh Châu dịch "Kinh ví dụ con rắn" trong "KINH TRUNG BỘ" (Trường CCPHVN II ấn hành,1986).

[18]. Xem "Kinh Tạp A hàm" kinh số:104 (ĐCT2).

[19]. Thế Hữu tạo, "Dị bộ tôn luân luận" (ĐCT 49).

[20]. Thật sự trong kinh này đề cập đến 6 tà kiến: (1) Ta có tự ngã, (2) Ta không có tự ngã, (3) Do tự mình , ta tưởng tri: ta có tự ngã, (4) Do tự mình ta tưởng tri: ta không có tự ngã, (5) ) không do tự mình , ta tưởng tri: ta có tự ngã, (6) Chính tự ngã của ta nói: cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường tru,ù thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến và sẽ vĩnh viễn tồn tại.

[21]. Ám chỉ thuyết "Phạm ngã đồng nhất" (cho rằng có cái gọi là ngã thường hằng bất biến) trong tác phẩm

"Upanisad" của Bà la môn.

[22]. Chỉ cho các phái chủ trương đoạn diệt của ngoại đạo.

[23]. "Kinh ví dụ mũi tên" trong "KINH TRUNG A HÀM" (ĐCT 1).

[24]. Xin xem "Kinh phân biệt về sự thật" trong "KINH TRUNG BỘ" (Trường CCPHVN II ấn hành,1986).

[25]. Trong đời sống của đức phật và tăng đoàn khi đức Phật còn tại thế, là cuộc sống du cư, ở trong rừng núi, cho nên điều kiện sống thứ 3 mà đức Phật đề cập, chỉ nói đến sàng tọa, không đề cập đến nhà cửa phòng xá, như ở thời đại chúng ta điều kiện sống của xã hội đã thay đổi, do vậy, phòng xá cũng được xem như là một nhu cầu cần thiết cho sự sống, không thể thiếu trong xã hội ngày nay.

[26]. Tham khảo "Tạp A hàm kinh" kinh số: 704-747 (ĐCT 1)

-ooOoo-

Source: www.quangduc.com


[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
12-02-2004