BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Sự bành trướng của Phật giáo  

Đại Đức Anoma Mahinda
Hòa thượng Thích Trí Chơn chuyển ngữ


Phần đông các tôn giáo trên đường phát triển, đã ghi lại nhiều trang sử giết chóc tàn nhẫn, hoặc xử tệ với những kẻ không bằng lòng theo những tín ngưỡng trái với ý muốn họ. Phật Giáo chưa hề có những trang sử đầy máu lệ đau thương như thế. Trên đường du nhập truyền bá đạo Phật vào xứ người, Phật Giáo chưa bao giờ làm đổ một giọt máu hay đã dùng đến một phương tiện đàn áp tàn bạo nào. Bằng đường lối truyền giáo hòa bình, không dựa vào thế lực chính trị hay kinh tế, Phật Giáo đã ghi lại những trang sử huy hoàng chói sáng của đạo Từ Bi. Xưa cũng như nay, những nhà sư Phật Giáo đi đến bất cứ nước nào đều được dân chúng ở đó chân thành đón tiếp, ngưỡng mộ và quy y. Hiện giờ, Phật Giáo là một tôn giáo đang phát triển mạnh nhất trên thế giới, và có sức bành trướng mãnh liệt khắp nơi. Ánh sáng của Như Lai đã và đang chiếu rạng khắp mọi chân trời, ngay những vùng hẻo lánh xa xôi, mà mấy thế kỷ trước đây, dân chúng chưa hề biết đến đạo Phật là gì.

Ở Tây Phương, những người quay về với Phật Giáo đầu tiên hầu hết là những bậc học giả và đại tri thức. Bởi vì, với giáo pháp cao thâm của đức Phật, những người có trình độ học thức tầm thường rất khó lãnh hội, cho nên ban đầu, chỉ những phần tử nào đủ khả năng đọc hiểu các ngôn ngữ Ðông Phương mới có thể nghiên cứu được tư tưởng Phật Giáo. Nhưng trong mấy chục năm gần đây, tình trạng đã hoàn toàn đổi khác. Ngày nay, chẳng những chúng ta có thể đọc giáo lý của đức Phật bằng tiếng bản xứ của chúng ta, mà biết bao kinh sách Phật Giáo đã được phiên dịch xuất bản, giúp cho sự nghiên cứu Phật Pháp của người Tây Phương càng trở nên dễ dàng hơn trước.

Một trong những học giả đầu tiên dịch những kinh điển Phật giáo chép bằng tiếng Ba lỵ (Pali) ra Anh văn, là con một vị giáo sĩ hữu danh theo đạo Thiên chúa. Mục đích của ông trong việc nầy, là cốt để trình bày cho mọi người thấy rõ đạo Thiên Chúa là cao hơn Phật Giáo. Nhưng sau cùng ông hoàn toàn thất bại với ý định đó, và để bù lại, ông đã đạt được một kết quả vô cùng tốt đẹp ngoài sự mong ước của ông. Ðó là việc ông phát tâm quy y theo Phật. Chúng ta không bao giờ có thể quên những duyên lành bất ngờ đã thúc đẩy người con của vị giáo sĩ trên làm một việc công đức ngàn năm một thuở ấy ; và nhờ vậy, mà giáo lý nhiệm mầu cao cả của đức Thế Tôn đã được phổ biến thấm nhuần đến hàng ngàn tâm hồn dân tộc trí thức Tây Phương. Học giả danh tiếng đó, chính là tiến sĩ Rhys David, và trong cuốn Phật Pháp (Dhamma), ông đã chân thành xác nhận: "Tôi đã từng nghiên cứu các tôn giáo lớn nhất trên thế giới, nhưng tôi chưa thấy có giáo lý nào vượt hơn được lời dạy cao thâm của đức Phật về bốn chân lý (Tứ Diệu Ðế). Tôi rất mãn nguyện khi hướng cuộc đời tôi theo con đường cao cả mà đức Phật đã dạy"

H.G. Wells, nhà khoa học kiêm sử gia danh tiếng, đã vô cùng ca tụng Phật Giáo là một học thuyết đạo đức hoàn hảo nhất, và ông dám xác nhận rằng đức Phật là đấng từ bi, trí giác vô thượng, vượt hơn những giáo chủ của các tôn giáo khác. Trong cuốn lịch sử đại cương, ông đã viết: "Tư tưởng Phật Giáo đang còn tồn tại ở khắp mọi lãnh vực văn hóa của thế giới hiện đại. Có thể nói rằng khi tiếp xúc với khoa học Tây Phương, và được soi sáng bởi tinh thần sử học, giáo lý nguyên thỉ của đức Phật lại càng trở nên dồi dào và chính xác thêm. Ngày nay Phật Giáo đã góp phần lớn trong việc hướng dẫn đời sống tinh thần cho toàn thể nhân loại".

Nhà đại khoa học Anh quốc ông Thomas Huxley, tuy không phải là một Phật tử chính thức nhưng ông cũng đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần Phật Giáo. Bằng một đoạn văn rõ ràng và chính xác, ông đã tóm lược giáo lý đức Phật như sau: "Phật Giáo là một hệ thống triết học không tin có thượng đế theo quan niệm triết lý Tây Phương, cũng không tin thuyết linh hồn con người là bất tử. Phật Giáo phủ nhận mọi hiệu lực của sự cung kính cầu xin, dạy con người không nên ỷ lại thần quyền hay một ngoại lực nào, mà chỉ tin vào khả năng tinh tấn tu tập của chính mình để tự giải thoát. Ðặc điểm của đạo Phật là không bao giờ dựa vào một thế lực chính trị hay quân sự nào, nhưng Phật Giáo vẫn bành trướng một cách mau lẹ khắp nơi trên thế giới; và đang là một tín ngưỡng phát triển mạnh nhất của phần lớn nhân loại hiện nay".

Chính Ngài Swami Vivekananda, một đại hiền triết Ấn Ðộ đã giúp nhiều trong công cuộc phổ biến triết học Ðông Phương vào các nưóc Tây Phương cũng đã viết về đức Phật như sau:

"Lịch sử đã chứng minh cho chúng tôi thấy rằng Ngài (đức Phật) là một đấng cao quý hơn tất cả. Toàn thể nhân loại chỉ có thể tìm thấy một nhân vật độc nhất như Ngài, với một tình thương rộng lớn, và những lời dạy cao thâm cùng tột. Là một đại triết gia, Ngài đã lưu truyền một nền đạo lý cao cả, một lòng từ bi bao la trùm khắp mọi chúng sanh, ngay đến những loài vật bé nhỏ nhất. Lịch sử nhân loại đã tôn Ngài như một vị cứu tinh vĩ đại chưa từng thấy, hay hơn nữa, Ngài là hiện thân của một phối hợp tuyệt vời giữa tâm và trí".

Sau hết, giáo sư Karl Gustav Jung ở Zurich (Ðức quốc) là một nhà tâm lý học danh tiếng nhất thế giới hiện đại cũng đã nói:

"Nếu thử làm một cuộc so sánh về các tôn giáo, tôi dám nói rằng Phật Giáo là một tôn giáo hoàn hảo nhất của thế giới. Giáo lý cao siêu của đức Phật về luật vô thường, nhân quả, thuyết nghiệp báo v..v..đã khiến đạo Phật vượt hơn hẵn tất cả các tôn giáo khác.”

Trong phạm vi eo hẹp của bài này, không cho phép chúng tôi trích dẫn thêm hơn nữa, nhưng có thể nhiều học giả triết gia danh tiếng khác cũng đã ca tụng Phật Giáo như thế.

Tuy nhiên, sự biết rõ suông ý kiến của nhũng bậc tri thức thảo luận về Phật Giáo cũng chả lợi ích gì, nếu chúng ta không tự mình thực hành theo lời Phật dạy, tinh tấn tu tập để giải thoát. Sự giải thoát này không phân biệt ai, mọi người nam hoặc nữ, tất cả đều có thể đạt được nếu họ biết phát tâm hướng mạnh về ánh sáng Phật Giáo. Ðối với các ngài giáo chủ của những tôn giáo lớn khác, đức Phật vượt hẵn hơn các vị đó nhờ ở chủ trương hòa bình và đức tính từ bi, một tình thương rộng lớn trùm khắp mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, đẳng cấp, thân sơ, và đến các chúng sanh bé nhỏ như cầm thú, côn trùng. Thực không một vị giáo chủ nào có được lòng thương bao la đó, để xứng đáng danh hiệu là đấng đại từ đại bi như đức Phật.

Về trí tuệ, cũng không một thánh nhân nào có đủ trí sáng suốt hoàn toàn hơn Ngài. Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, Ngài đã chứng ngộ được bản thể của vũ trụ vạn hữu, mà các nhà khoa học Tây Phương mới khám phá ra được phần nào trong khoảng ba bốn mươi năm lại đây. Ngài là nhân vật đầu tiên đã nâng cao giá trị của hàng phụ nữ và đã cho họ bình đẳng với nam giới. Ngài đánh đỗ quan niệm căn cứ vào dòng giống, họ tộc để phân chia các đẳng cấp. Theo đức Phật, một người trở nên cao quý là do chỗ họ biết sống theo đạo đức, không phải nhờ ở sự giàu sang hay địa vị xã hội của cha mẹ. Những lời dạy này của đức Phật hiện nay đang được phổ biến mãnh liệt khắp nơi trên thế giới, và toàn nhân loại đều tin rằng chỉ Phật Giáo mới có thể đem lại hòa bình cho mọi dân tộc và quốc gia.

Các bạn có muốn trở thành một Phật tử để cùng sống chung trong đại gia đình Phật Giáo chăng? Các bạn sẽ là Phật tử khi các bạn biết tự phát nguyện quay về theo đức Phật, và xem Ngài như đấng cha lành đầy đủ phước trí, có thể hướng dẫn đời sống tinh thần cho các bạn. Trong các tôn giáo và những tín ngưỡng khác của thế giới, thử hỏi chúng ta tìm đâu ra được một vị giáo chủ có những trang sử rạng ngời như thế? Giữa khung cảnh nhấp nhánh lung linh của muôn ngàn tinh tú, Ngài xuất hiện như một vì sao chói sáng hơn tất cả. Cho nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên, khi thấy rằng, các nhà đại khoa học, triết gia, văn hào xưa nay, đã không ngớt lời tán thán và tôn vinh Ngài là một đấng Y Vương Vô Thượng, toàn trí toàn giác.

Trong đêm trường tăm tối của thế giới đầy khổ đau và bạo tàn áp bức, giáo pháp nhiệm mầu của đức Phật hiện ra như một ngọn hải đăng, tỏa khắp nơi ánh sáng huyền diệu, để chu toàn sứ mạng hướng dẫn đời sống tinh thần cho nhân loại muôn phương, muôn thời và muôn xứ.

* Theo "The Blueprint of Happiness", của Đại Đức Anoma Mahinda.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-11-2005