BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Vi Tiếu
Huyền Không Tử


  

[03]

-ooOoo-

Nam Mô A Di Ðà Phật

Sư ra vườn thấy một chú tiểu vừa tưới rau vừa lẩm bẩm đọc cái gì trong miệng có vẻ thành tâm lắm.

Hỏi:

- Con lẩm nhẩm cái gì đó?

Chú tiểu thưa:

- Con đang niệm "Nam Mô A Di Ðà Phật".

- Thế con tưới cây thì sao?

- Dạ, đó cũng là "Nam Mô A Di Ðà Phật".

Xuất Môn

Một Sa di đang miệt mài nghiên cứu cuốn "Diệu Pháp nhập môn".

Sư nói:

- Học xong cuốn đó ta sẽ cho học "Diệu Pháp xuất môn"

Sa Di ngạc nhiên thưa:

- Bạch Thầy, nhập được môn này đã là quý sao lại xuất?

Sư nói:

- Bởi vậy người ta mới nói nhập môn đã khó mà xuất môn lại càng khó hơn

Thánh Không Biết Ðau

Người ta kể rằng chủ của nhà Hiền triết Épictète đối xử với ông rất tệ. Ông ta cho vặn chân Épictète để tiêu khiển. Nhà Hiền triết bảo:

- Nếu Ngài tiếp tục thì chân tôi sẽ gãy.

Nhưng người chủ vẫn tiếp tục và chân ông gãy thật. Épictète ôn tồn nói:

- Ðấy, tôi nói có sai đâu.

Nghe câu chuyện ấy một Thiền sinh muốn thử xem thấy mình có thật đạt đạo như nhà Hiền triết Hy Lạp ấy không. Cơ hội đến, nhân Sư đang ngủ, anh chụp lấy chân vặn mạnh. Sư tỉnh dậy quát:

- Ðau! Ðau! Buông ra!

Chàng Thiền sinh thất vọng nói:

-Còn đau thì đâu phải là đạt đạo.

Sư cũng thất vọng nói:

- Chứ ngươi muốn đắc cái đạo vô tri giác ấy sao.

Làm Chủ.

Chủ nhân một đại xí nghiệp tư doanh, xuất gia vào viện hơn một năm. Ông rất tinh tấn. Ai cũng nghĩ là ông sẽ thành công trên đường đạo. Nhưng một hôm ông đến yết kiến Sư:

- Con đã cố gắng tự kiểm soát một cách nghiêm ngặt nghưng vì sao chưa làm chủ được thân tâm?

Sư vỗ bàn quát:

- Ngươi đã quen cái thói làm chủ mất rồi!

Quên Hết Rồi

Thấy Sư ốm yếu, một võ sư thái cực quyền đến đề nghị Sư luyện tập môn về siêu đẳng ấy. Sư luyện tập một thời gian và quả nhiên thấy sức khỏe tiến triển khả quan.

Một thời gian sau võ sư trở lại thăm, thấy Sư ốm yếu như cũ, hỏi:

- Thầy không luyện tập nữa sao?

Sư nói:

- Tôi quên hết rồi.

Sao Lại Hỏi Tôi.

Hỏi:

- Thức, tâm, ý, tịnh, trí khác nhau thế nào?

Sư nói:

- Cái đó anh phải tự hỏi anh, sao lại hỏi tôi?

Người Chữa Bệnh hay Bịnh Chữa Người?

Một bác sĩ y khoa khuyên một sinh viên nên học ngành y để chữa bệnh cứu nhân độ thế. Sinh viên nói:

- Tôi không cho rằng chữa bệnh là hoàn toàn cứu nhân độ thế.

Bác sĩ:

- Anh có thể thấy người ta bệnh mà không tìm cách cứu chữa sao?

- Có chứ, nhưng bác sĩ không thấy chính bệnh cũng cứu chữa con người hay sao?

Tội Nhân

Ba tội nhân bị quỷ dẫn tới trước điện Diêm Vương vì tội sát sanh, trộm cắp, dối trá lật lường.

Diêm Vương hỏi tội nhân thứ nhất:

- Ngươi có nhận tội không?

Y khăng khăng cãi:

- Tôi không làm gì có tội cả.

Diêm Vương bảo quỷ sứ áp giải y đi và ra lệnh:

- Tội làm ác cộng với tội chối lỗi. Trừng phạt nó gấp đôi cho ta.

Diêm Vương quay qua tội nhân thứ hai:

- Ngươi biết tội chưa?

Tên này run sợ thưa:

- Con biết lỗi xin Ðại Vương tha tội.

Diêm Vương sai quỷ sứ giải đi:

- Nó biết tội nhưng sợ đền tội. Hãy trừng phạt nó vừa phải.

Diêm Vương quay qua tội nhân thứ ba:

- Còn ngươi thì sao?

Tội nhân này bình tĩnh nói:

- Tôi quả có tội, xin nhận hình phạt.

Diêm Vương cười ha hả nói:

- Thế thì vội gì, ngồi đây uống trà đã.

Lầm Lỡ.

Có ông Tăng hoàn tục, sống với vợ con rất cơ cực kham khổ.

Trước kia ông là một vị giảng sư nổi tiếng có đông đảo tín đồ ngưỡng mộ và sống rất sung túc. Nhưng một biến cố xảy đến ông phạm giới luật và phải hoàn tục.

Thấy ông sống quá khiêm tốn và kham khổ có người tò mò hỏi:

- Vì sao ông không vượt được lỗi lầm để phải chịu hoàn cảnh thế này.

Ông nói:

- Quả là tôi có lỡ lầm, nhưng cũng nhờ vậy tôi mới thấy được con người thật của mình.

Tránh Ra

Hai chàng thanh niên trí thức đang tranh luận sôi nổi giữa đường. Họ bất đồng quan điểm về nguyên nhân của hiện tượng giới.

Một người theo Thiên Chúa giáo quả quyết:

- Tất cả đều do ý của Chúa Trời.

Người kia theo Phật giáo cãi lại:

- Ðó chỉ là hiện tướng của Phật tánh.

Lúc ấy chú tiểu Vô Văn đang đẩy xe củi về chùa, thấy hai thanh niên cãi nhau mãi không chịu tránh đường, chú đẩy xe bừa tới và la lớn:

- Tránh ra mau, không thì bị xe ủi, lại than Trời trách Phật!

Không Biết Từ Ðâu.

Mối băn khoăn của Y là: "Không biết từ đâu sinh ra và chết sẽ đi về đâu?". Ðã từng tìm đến nhiều nhà học giả, triết gia, giáo sư, tu sĩ hy vọng có được một giải đáp thỏa đáng nhưng Y đều thất vọng, càng thất vọng vấn đề càng ám ảnh Y đến độ thẫn thờ. Y đi từ đường này qua đường khác mà không biết mình đã đi qua những đâu và sẽ đi đâu.

Một hôm đang đi lẩn thẩn qua một xóm lao động, bỗng Y đụng phải một bà lão bán hàng rong làm đổ tung gánh hàng. Bà lão nổi tam bành lục tặc chỉ vào mặt Y mắng:

- Ðồ cái thứ vất vơ vất vưởng, mất hồn mất vía, có mắt không biết thấy đâu, có chân không biết đi đâu. Thứ đồ chết non chết dịch. Thứ đồ không biết từ đâu sinh ra mà làm gì như vậy...

Nghe đến đó chàng thanh niên hoát nhiên đại ngộ.

Ðã Muộn Rồi

Hỏi:

- Có cần phải tinh thông ba tạng giáo điển mới hành đạo được không?

Sư giảng:

- Xưa các đệ tử Phật chỉ nghe một câu kệ mà dụng một đời không hết. Về sau những pháp môn dạy cho mỗi căn cơ khác nhau đều được hệ thống hóa, phân tích chi ly, phân chia thành bộ, kết hợp thành chương gọi là Tam Tạng. Chẳng khác Y điển ghi hết thuốc hay bệnh lạ hoặc sách dạy nấu ăn ghi chép các món cao lương mỹ vị trên đời. Những sách ấy quý giá thật nhưng đang khi bệnh sẵn có thuốc hay lại đòi học cho hết bệnh và thuốc trên đời ta e đã muộn! Lại như đang khi cơn đói sẵn có cơm ngon đợi gì phải học cho hết các món sơn hào hải vị!

Ngón Tay Quá Lớn

Một học giả đến thăm Thiền viện thấy đa số tăng chúng có vẻ quê mùa, chất phác thì có ý khinh thường. Thỉnh thoảng ông đưa ra những vấn đề cao xa trong các luận phái Phật giáo để thảo luận nhưng Tăng chúng chẳng mấy quan tâm. Cuối cùng ông trách Sư:

- Sao Thầy chẳng dạy Tăng chúng kinh luận gì hết?

Sư nói:

- Ông chỉ thấy danh mà không thấy thực, thấy tướng mà không thấy tánh.

- Sao lại không, tất cả Kinh Luận đều phân biệt danh - thực, tướng - tánh, sắc - không, sinh - tử, Niết - Bàn, chân đế - tục đế, hữu - vô v.v... không học sinh luận thì làm sao hiểu được.

Sư than:

- Ôi! Quả là ngón tay của ông đã lớn hơn mặt trăng mất rồi!

Học Nghe

Người cha dẫn đứa con vào chợ. Khi trở về người con hỏi:

- Cha dẫn con đến đó làm gì?

- Ðể con nghe.

Người con bực tức nói:

- Nghe làm gì những chuyện rau cải, muối dưa, mắc rẻ đó. Phải chi cha để con đi nghe buổi diễn thuyết của nhà Triết gia vừa mới từ Ðức qua có hơn không?

Người cha thở dài nói:

- Sự thật không thích nghe, lại thích nghe những chuyện nhảm nhí!

Không Có Số

Trong khi nghiên cứu các Luận tông, Ða Trí không hiểu vì sao theo Duy thức chỉ có tám thức mà Vi Diệu Pháp (A Tỳ Ðàm) lại có đến 121 tâm. Duy thức nói 51 tâm sở, Vi Diệu Pháp nói 52. Duy thức có 11 sắc pháp, Vi Diệu Pháp có 28. Duy thức có 6 vô vi pháp, Vi Diệu Pháp chỉ có 1 Niết Bàn.

Ða Trí suy nghĩ mãi không hiểu sao con số tâm của mỗi luận bất đồng, xin Sư giảng giải.

Sư nói:

- Tâm của các luận sư có số nên mới bất đồng, còn tâm ta không có số lượng, biết tính ra sao?!

Ðúng Là Chồng Chất

Sư đi qua lớp học trong viện, vị giảng sư đang giảng về ngũ uẩn cho các học Tăng.

Một học Tăng đứng dậy hỏi:

- Uẩn nghĩa là gì?

Giảng sư giải thích:

- Uẩn là chồng chất, là rối bời một đống, là đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương...

Sư dừng lại nói:

- Quả là đúng chồng chất đấy!

Thập Nhị Nhân Duyên

Mặc dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn "Thập nhị nhân duyên", anh ta vẫn không hiểu. Anh đến tham vấn Sư:

- Xin Thầy chỉ dẫn cho phép Thập nhị nhân duyên.

Sư nói:

- Anh vừa bỏ mất một bài thập nhị nhơn duyên.

Tưởng Sư vừa giảng xong bài pháp đó mà anh không đến kịp, chàng thanh niên đành để dịp khác.

Một tháng sau anh trở lại xin học Thập nhị nhơn duyên. Sư nói:

- Anh lại vừa bỏ mất một bài Thập nhị nhơn duyên.

Kinh Pháp Hoa

Trước cảnh ly loạn đói khổ xảy ra khắp thế giới, dân chúng đâm ra tinh tấn trì tụng kinh Pháp Hoa, tin rằng nhờ thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa mà tai qua nạn khỏi. Nhiều người thành tâm quả được như ý. Trong số đó có bà tín nữ thường đến trình Sư những linh nghiệm mà bà đạt được.

Sư cười không nói gì.

Khi bà tín nữ ra về, chú tiểu thị giả nói với Sư:

- Bạch thầy, tội nghiệp bà ta chưa hề thấy Kinh Pháp Hoa thì còn nói gì đến đọc tụng và linh hiển!

Sư cũng cười không nói gì cả.

Có Mất Mát Gì

Sư đang đi kinh hành. Một đệ tử hỏi:

- Làm sao thấy được chân tướng của vạn pháp?

Sư đáp:

- Bỏ ý muốn ấy đi.

- Không muốn thấy làm sao thấy được?

Sư mắng:

- Ngươi không thấy thì chân tướng có mất mát gì đâu.

Sa Ðọa

Một vị Tăng trẻ ưa thích sở học ba hoa đề cao các luận A Tỳ Ðàm Duy Thức, Trung Quán, và Triết học Ðông Tây.

Sư nói:

- Các con có biết không, trình tự sa đọa của văn hóa là từ không còn khả năng sống đạo đưa đến đạo lý. Từ không trực nhận giáo lý đưa đến Triết lý, từ không thông hiểu triết lý đưa đến triết học. Triết học đã thành hình là sự sống đạo đã mất vậy.

Thiền Ðịnh Lâu Nhất

Sư hội các đệ tử lại hỏi:

- Trong các con, ai hành thiền định được lâu nhất?

Ðệ tử thứ nhất hăm hở trình:

- Con có thể nhập định được bảy ngày.

Ðệ tử thứ hai thưa:

- Con được năm ngày.

Ðệ tử thứ ba nói:

- Con được một ngày

Ðệ tử thứ tư bạch:

- Con nhập định được hai giờ thôi!

Ðệ tử thứ năm nói:

- Con chỉ được nửa giờ thôi.

Người thứ sáu thưa:

- Thầy ơi! Con chịu thua các sư huynh rồi. Con không nhập định được. Nhiều lắm là con chỉ biết con đang thở từng hơi thở mà thôi.

Sư nói:

- Thế mà con thiền định lâu nhất đó.

Tối Thượng Thừa

Một tục gia đệ tử đang chuyên tâm nghiên cứu về quá trình lịch sử hình thành, phát triển và nội dung các học phái Phật giáo, đến hỏi Sư:

- Thưa thầy, Ðại thừa là gì?

Sư nói:

- Là dư nhiều.

Lại hỏi:

- Còn Nguyên thủy và Tiểu thừa?

Sư nói:

- Thời này hầu hết là Ðại thừa, Tiểu thừa còn hiếm có, nói gì đến Nguyên thủy.

- Thầy nói vậy, sao hiện nay vẫn còn phái Nguyên thủy?

Sư nói:

- Ðó là Tối thượng thừa chứ không phải Nguyên thủy đâu.

Một lát sau người đệ tử như hiểu ra điều gì, hỏi:

- Có phải ý Thầy muốn nói Tối thượng thừa là dư quá nhiều không?

Sư đưa thiền trượng lên quát:

- Ngươi chớ có lắm chuyện.

Vẽ Rắn Thêm Chân

Có người đến biếu Sư một bức tranh vẽ Ðức Phật trên đường từ Bodhigaya (nơi thành Ðạo) đến thành phố Caya. Tranh mô tả Ðức Phật hào quang chiếu sáng, dung sắc thù thắng, y vàng rực rỡ đang đứng trên tòa sen nói chuyện với Ðạo sĩ Bà La Môn Upaka giữa con đường mòn trong cảnh rừng u tịch.

Sư nói:

- Ðức Phật sau sáu năm khổ hạnh, y áo bạc màu, hình dung gầy yếu, râu tóc chưa cạo và đầu đội trời, chân đạp đất đến nỗi Ðạo sĩ Upaka còn nhận lầm Ngài là bác nhà quê thì đâu phải là Vị Phật này. Chắc là họa sĩ vẽ rắn thêm chân rồi đó.

Ưa Sinh

Nói đến Phật giáo là người ta nghĩ đến thiền định, dù là thiền xuất hồn, soi kiếp, nhập diện, khí công, yoga, niệm Phật, niệm chú hay luyện đơn gì cũng được .

Những tín đồ Phật giáo Theravàda thì luôn luôn hãnh diện là giữ đúng nguyên tắc truyền thống. Có lần hành giả hỏi Sư:

- Con hành đúng thiền định chính truyền vậy có được sinh về cõi Hữu sắc hoặc Vô sắc không?

Sư hỏi:

- Ông hành như thế nào?

- Dạ, niệm "Araham".

Sư nói:

- "Araham" là vô sinh mà sao ông lại muốn sinh?

Cầu An Cầu Siêu

Hỏi:

- Cầu an, cầu siêu có thật được lợi ích không?

Sư nói:

- Có chứ! Nhưng không cầu thì lợi ích hơn.

Niết Bàn

Một vị Tăng hỏi:

- Tôi đã học hết Tam Tạng tưởng đã thông hiểu Phật Pháp thế mà dù đã hành đủ pháp môn vẫn chưa thấy Niết Bàn, biết phải làm sao?

Sư nói:

- Niết Bàn là an tĩnh (Santi), là nguội lạnh (Sìta) mà ông lại bồn chồn nóng nảy thế thì làm sao mà đạt cho được?

Thực Sự Hành

Nhiều Tăng Ni và Phật tử rất ham chuộng môn mà họ gọi là Siêu lý học (Abhidhamma), cho rằng người học môn này như cá lội trong biển, còn học Kinh (Sutta) và Luật (Vinaya) như cá lội trong ao, hồ, sông, rạch mà thôi.

Một học viên Siêu Lý đến hỏi ý Sư về ví dụ trên. Sư nói:

- Ðó không phải là ý kiến của ta nên ta không bàn đến. Nhưng ta biết còn có một môn mà người học có thể biến hóa vô cùng, dung thông vạn pháp.

Cậu học viên trố mắt hỏi:

- Dạ môn gì mà siêu dữ vậy?

Sư nói:

- Ðâu có siêu, đó chỉ là môn thực sự hành.

Dịch Lý

Khách hỏi:

- Làm sao để thông được dịch lý?

Sư nói:

- Ông khát nước không?

Khách gật đầu, Sư pha trà đưa cho khách nói:

- Ðó là dịch lý

Khách lại hỏi:

- Nhưng tôi muốn biết những nguyên lý dịch lý để tiên đoán tương lai kia.

Sư lắc đầu:

- Ðạo dịch ngay đây chưa thấy thì thấy xa hơn để làm gì!

Lại Xen Vào

Nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm trên 20 năm ông ta vẫn chưa thông câu "động tịnh nhị tướng liễu nhiên bất sinh" trong pháp môn "nghe" của Ðức Quán Thế Âm. Hỏi thì Sư chỉ nói:

- Không suy nghĩ.

Lại hỏi:

- Ðộng tịnh không hiểu làm sao hiểu được "Tịch diệt hiện tiền"?

Sư nói:

- Ông lại định xen vào nữa.

Xa Nhất

Một hành giả lo lắng hỏi:

- Tôi nghe một pháp sư giảng rằng: "Niết Bàn là nơi xa nhất". Nếu vậy biết khi nào mới tới được?

Sư nói:

- Tôi cũng nghe nói rằng: "Cái tâm nhanh nhất". Vậy Niết Bàn có xa cũng đâu có gì đáng ngại.

Hành giả vẫn còn phân vân:

- Làm thế nào đi đến được mục đích ấy?

Sư nói:

- Thật ra tất cả Chân lý trong đời sống như khổ, tập, diệt (Niết Bàn), đạo v.v... đều nằm trong cái thân một trượng của ông chứ có đâu mà xa. Thôi chớ có nói đi với đến nữa, hãy nghe bài kệ của ta:

"Mục đích có sẵn rồi.
Nào phải vọng xa xôi.
Dặm trình thong dong bước.
Hoa trắng nở ven đồi".

Tình Thương

Sư dạy chúng:

- Các con không được khinh xuất bất cứ điều gì. Phải có lòng cẩn trọng yêu thương muôn loài vạn vật dù là chúng hữu tình hay loài cỏ đá.

Hôm sau có người đến báo tin một thành phố nọ bị động đất chết hàng vạn người. Sư chẳng tỏ ra xúc động lúc nào.

Vô Văn hỏi Ða Văn:

- Vì sao Thầy bảo yêu thương cỏ đá mà lại không một chút trắc ẩn khi nghe hàng vạn người chết kìa?

Học Và Làm

Ða Trí là chú tiểu ham học nhất trong viện, hầu hết kinh luận chú đều học qua. Không những thế chú còn nghiên cứu các Tôn giáo, Triết học và các ngành văn hóa, nghệ thuật nữa.

Trái lại Vô Văn thì chỉ ưa làm, trong viện chú đảm trách hầu hết công việc khó nhọc nhất.

Tuy vậy hai chú rất thân nhau.

Ða Trí nói:

- Hiểu biết trăm kinh ngàn luận không bằng tự hiểu biết mình.

Còn Vô Văn thì nói:

- Việc làm tuy nhiều nhưng chung quy cũng không qua một niệm.

Nhân đó Sư khen ngợi hai chú và dạy chúng:

- Kinh sách không có tội, tội chỉ ở nơi người nô lệ vào sách. Việc làm không có tội, tội chỉ ở nơi người đắm chìm vào việc.

Nhớ Kỹ Quá.

Thiền sinh hỏi:

- Thưa Thầy, Thiền sư nào nói: "Bình thường tâm thị đạo"?

Sư đáp:

- Tổ Huệ Năng.

Chú tiểu thị giả đính chính:

- Thưa Thầy đó là lời của Mã Tổ ghi trong "Giang Tây Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền Sư ngữ lục".

Sư cười ha hả nói:

- Con nhớ kỹ quá!

Ngàn Tay Ngàn Mắt

Một đệ tử hỏi:

- Ngàn tay ngàn mắt của Ðức Quán Thế Âm như thế nào hả Thầy?

Sư đáp:

- Nóng lạnh, đói no, vui buồn, mừng giận, đẹp xấu, dở hay, phải trái cho đến trăm ngàn chuyện ngươi đều hay biết đó là ngàn mắt. Làm lụng, đi đứng, ngủ nghỉ, nói năng, suy nghĩ, tạo tác, động tịnh cho đến trăm ngàn việc ngươi đều làm được đó là ngàn tay.

Hư Hỏng

Vị Tăng đang xem kinh.

Sư hỏi:

- Kinh gì đó?

Vị Tăng đáp:

- Kinh "Trưởng lão Tăng kệ", những bài kệ chứng đạo của các bậc Thánh Thinh Văn Ðệ Tử Phật.

Sư nói:

- Hư thân đấy!

Vị Tăng ngạc nhiên:

- Không lẽ các bậc Thánh cũng hư?

Sư đáp:

- Thánh không hư nhưng ông muốn làm Thánh thì lại hỏng.

Nghe Sao Ðể Vậy.

Những câu chuyện "Vi tiếu" trong Ðạo tràng chẳng bao lâu được truyền ra bên ngoài. Có người khen là thâm trầm, có người khen nhờ đó mà được khai mở, có người bảo là phá chấp, có người cho là bí hiểm, cũng có người mù tịt chẳng biết sự lý thế nào, hoặc có người trách là bất kính với Phật Pháp...

Vì thế nhiều người đến gặp Sư với thái độ khác nhau. Người thì cung kính, người thì tìm hiểu, người thì tranh luận...

Có lần khi người ta nhắc lại một câu nói của Sư thì Sư ngạc nhiên:

- Ủa, hình như hôm đó tôi nói với một người khác kia mà!

Lần khác Sư bảo:

- Nói cho vui vậy mà, ông để ý làm gì!

Có lần Sư nói:

- Thôi đừng có tin nhảm.

Lần khác Sư lại nói:

- Nghe sao để vậy không được à?

Nhưng cũng nhiều lần Sư chỉ cười không nói gì cả.

- Hết -

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | Mục lục


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 19-04-2001