37 Pham Tro Dao - 05

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


37 PHẨM TRỢ ĐẠO
Một Toát Yếu Về Những Yếu Tố Cần Thiết Cho Sự Giác Ngộ

Ngài Hoà Thượng LEDI SAYADAW
Phạm Kim Khánh dịch


Chương V

Ngũ căn
(Indriya)

Danh từ indriya được giải thích là:

Indassa kammam indriyam.

Có nghĩa: indriya là hành động thống trị hay kiểm soát, của người cai trị. "Hành động thống trị" có nghĩa là bất luận ở nơi đâu, người thống trị cũng có toàn quyền định đoạt, không ai có thể chống đối hay cưỡng lại.

Nơi đây, kiểm soát hay thống trị tâm mình là điểm chánh yếu của Ngũ Căn, tức năm khả năng kiểm soát tâm.

Có năm Khả Năng như thế ấy: [1]

1. Saddhindriya(Tín Căn)
2. Viriyindriya(Tấn Căn)
3. Satindriya (Niệm Căn)
4. Samàdhindriya (Ðịnh Căn)
5. Pannidriya(Tuệ Căn)

Tín Căn

Saddhindriya, (ở một mức độ nào) đồng nghĩa với saddhà, đức tin. Nhưng có hai saddhà, đức tin, là:

1. Pakati-saddhà, Ðức Tin thông thường, và
2. Bhàvanà-saddhà, Ðức Tin được Tu Tập (tức được trau giồi hay thuần thục hóa) do pháp hành thiền.

Ðức Tin và sự tín nhiệm (saddhà) dắt dẫn người thường thực hiện những hành động như Bố Thí (dàna), Trì Giới (sìla) và "bắt đầu tập tành" Hành Thiền (Bhàvanà) [2] -- được gọi là Ðức Tin Thông Thường. Nơi đây, như đã chỉ trong hình ảnh người mất trí (chương II), mặc dầu ở một mức độ nào, niềm tin (saddhà) ấy cũng là một Khả Năng Kiểm Soát, nó không tăng trưởng đến khả năng có thể kiểm soát cái tâm chao động của một người thường trong khi hành thiền (bhàvanà). Tầm mức kiểm soát chỉ đến mức độ kềm chế và hướng dẫn một cái tâm bất ổn đến hành động Bố Thí, Trì Giới và "bắt đầu" hành thiền.

Không có Ðức Tin và Tín Nhiệm (saddhà) tâm không bao giờ hướng về thiện nghiệp, kusala kamma (những hành động có tác ý trong sạch) bởi vì thông thường tâm chỉ thỏa thích trong những hành động bất thiện. Ðiều nầy đúng, trong nỗ lực thành đạt Giới Tịnh (sìla visuddhi) cũng như trong việc nghiên cứu học hỏi kinh điển. Bởi vậy cho nên những hành động thiện thông thường (pakati-kusala-kamma) cũng được tạo nên do Ðức Tin Thông Thường (pakati-saddhà), không phải được trau giồi qua pháp hành thật sự thích đáng (abhàvita).

Trong công trình theo dõi một đề mục hành thiền (kammatthàna) khi thực hành thiền Vắng Lặng và Minh Sát, Ðức Tin Thông Thường không đủ khả năng để kiểm soát tâm vì tâm có thể từ chối, thối lui và nhảy ra khỏi Ðức Tin sang một nơi khác. Trong công trình hành thiền, Ðức Tin Thông Thường không đủ.

Chính Ðức Tin được Trau Giồi chuẩn bị nền tảng để tâm thâu thập cường độ và năng lực qua pháp hành thiền, như Niệm Hơi Thở.

Trong phạm vi các "Phẩm Trợ Ðạo" (bodhipakkhiya-dhamma) chính "Ðức Tin được Trau Giồi" (bhàvanà saddhà) được gọi là saddhindriya, Tín Căn, hay đức tin có khả năng kiểm soát. Trong công phu hành thiền, Ðức Tin nầy một đàng tự biểu hiện qua sự biến dạng của tình trạng chú tâm bất ổn định và chao động và đàng khác tượng trưng cho sự xuất hiện của tâm sáng suốt và vững bền. [3] Trạng thái gom tâm chỉ có thể vững chắc tập trung vào những đề mục sáng tỏ không mù mờ. Pháp hành Niệm Thân (kàyagatà-sati) như Niệm Hơi Thở, chuẩn bị làm nền tảng cho bhàvanà-saddhà, Ðức Tin và Tín Nhiệm được công phu thực hành thiền tập trau giồi, phát triển và thuần hóa. Nếu gom tâm vào pháp Niệm Thân, như niệm hơi-thở-ra-và hơi-thở-vào, có nghĩa là đã có Ðức Tin được Trau Giồi. Chừng đó, nếu tiếp tục hành thiền Vắng Lặng (samatha) và Minh Sát (vipassanà), hành giả sẽ thành đạt khả năng tận diệt ba tầng lớp của Thân Kiến (sakkàya-ditthi) trong chính kiếp sống hiện tại. Công phu hành thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát cần phải được thực hành thích nghi. Hành giả phải nương tựa nơi một vị thầy thông suốt Giáo Pháp.

Tấn Căn

Viriyindriya, ở một mức độ nào, là đồng nghĩa với viriya, tinh tấn. Nhưng có hai loại, hay hai trình độ tinh tấn. Ðó là:

1. Pakati-viriya, Tinh Tấn Thông Thường, và
2. Bhàvanà-viriya, Tinh Tấn được Trau Giồi bằng pháp hành thiền.

Một cách phân loại khác là:

1. Kàyika-viriya, thân tinh tấn, và
2. Cetasika-viriya, tâm tinh tấn.

Tinh Tấn Thông Thường (pakati-viriya) có thể được nhận ra dễ dàng. Những người có nhiều Tinh Tấn Thông Thường trong những vấn đề thế gian cũng có thể dễ dàng đạt đến loại Tinh Tấn Trau Giồi (bhàvanà-viriya). Hạnh đầu đà (dhutanga) hay những giới luật nghiêm khắc của vị tỳ khưu là một thí dụ về Thân Tinh Tấn trong bản chất được trau giồi (kàyika-bhàvanà-viriya).

Nếu, sau khi vững vàng trau giồi "Thân Tinh Tấn" như giảm bớt ngủ nghỉ, tỉnh thức và cương quyết, mà vẫn không đạt đến "Tâm Tinh Tấn" (cetasika-viriya), như hăng say chăm chú hành thiền (bhàvanà-manasikàra), vững chắc định tâm vào đề mục hành thiền (kammatthàna), như Niệm Hơi Thở, và thời gian thực hành kéo dài mà không thành tựu trạng thái tâm sáng suốt, ta phải suy tư.

Bất luận làm việc gì, chỉ khi nào người thực hành công việc ấy nhanh chóng làm chủ vấn đề -- tức nắm vững, hiểu biết rõ ràng và cặn kẻ vấn đề -- mới hoàn thành thích nghi và đúng đắn. Công việc sẽ không được hoàn tất thích nghi và viên mãn nếu chính công việc ấy làm chủ người thực hành. Nói rằng "công việc làm chủ người thực hành" có nghĩa là công việc được thực hành một cách lơ đễnh dể duôi, không hăng say, không thật sự nhiệt tâm. Người thực hành sẽ không gặt hái kết quả thiết thực, rồi ngày qua ngày, tháng nầy kéo dài sang tháng kia, đâm ra chán nản (trong pháp hành) buồn phiền, rồi ngán ngao uể oải dẫn đến hôn trầm dã dượi. Vì hôn trầm dã dượi, pháp hành không tiến, rồi vì pháp hành không tiến triển, càng thêm dã dượi hôn trầm. Chừng ấy sẽ có ý nghĩ phát sanh thúc giục nên thay đổi phương pháp thực hành. Như vậy luôn luôn thay đổi pháp hành, và đó là "công việc làm chủ người thực hành kém tinh tấn".

Trong công phu hành thiền chỉ nhanh chóng thâu hoạch thành quả khi có đủ cả hai, thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Từ lúc nắm vững pháp hành Niệm Hơi Thở, hạnh tinh tấn ngày càng phát triển thêm lên là bhàvanà viriya (tinh tấn được phát triển do pháp hành thiền) và trong các Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkhiya-dhamma) được gọi là viriyindriya (Tấn Căn). Tinh tấn nầy được tiêu biểu bằng sự biến dạng tình trạng dã dượi hôn trầm và sự xuất hiện tình trạng nhiệt thành, hăng say và cương quyết, trong khi hành thiền. Tâm thỏa thích mạnh mẽ tập trung vào đề mục. Do đó, nhiệm vụ thiết lập "Tinh Tấn được Trau Giồi và Phát triển" do pháp hành thiền cũng giống như nhiệm vụ thiết lập "Ðức Tin được Trau Giồi và Phát Triển" do pháp hành thiền.

Trong các Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkiya-dhamma) Niệm Căn (satindriya) có nghĩa là vững chắc thiết lập chú niệm vào thân kàyagatà-sati, Niệm Thân, tức vào hơi-thở-ra và hơi-thở-vào và trau giồi pháp quán niệm (Bhàvanà-sati) gọi là Satipatthàna, (Niệm Xứ), cho đến Chánh Niệm Siêu Thế (lokuttara-sammà-sati), như là một chi của Ðạo siêu thế.

Ðịnh Căn và Tuệ Căn (samàdhindriya và pannindriya) cũng có thể được định nghĩa và mô tả cùng một thế ấy.

Ðịnh Căn loại trừ tình trạng tâm phóng dật khi được áp đặt vào pháp Niệm Xứ (Satipatthàna), như đề mục Niệm Hơi Thở. Tuệ Căn loại trừ tình trạng tâm rối loạn và mơ hồ.

Tín Căn, Tấn Căn và Niệm Căn -- đến trước Ðịnh và Tuệ -- cũng như những người hỗ trợ một vì vua lên ngôi. Tín, Tấn và Niệm hỗ trợ Ðịnh và Tuệ chí đến tuyệt đỉnh cao.

Sau khi đã kiên cố thiết lập pháp Niệm Thân và vững vàng làm chủ tâm, nếu đi con đường Vắng Lặng (samatha) thì Ðịnh Căn trở thành tám tầng Thiền (samàpatti hay jhàna) trong khi Tuệ Căn trở thành năm Tuệ Giác Cao Thượng (abhinna) [4] như thần thông, hay Năng Lực Siêu Thế v.v... Nếu đi con đường Minh Sát (Vipassanà), Ðịnh Căn trở thành tâm Ðịnh Hư Vô (sunnatà-samàdhi), Ðịnh Vô Ðiều Kiện (animitta-samàdhi) hay Ðịnh Vô Tác ý (appanihita-samàdhi), trong khi Tuệ Căn trở thành năm Thanh Tịnh (visuddhi) liên quan đến trí tuệ [5], Tuệ Giác về ba điều Quán Niệm (anupassanà-nàna) [6], mười Tuệ Minh Sát (vipassanà-nàna) [7], những Tuệ Giác liên quan đến bốn Ðạo và bốn Quả và mười chín Tuệ Ôn Duyệt (paccavekkhana-nàna) [8].

Phần trên đây cho thấy năm chi của Ngũ Căn đồng phát sanh chung như thế nào.

Sự nổi bật của Ngũ Căn

Giờ đây nơi nào mỗi chi của Ngũ Căn hợp thành yếu tố nổi bật.

Kinh điển dạy:

Kattha saddhindriyam datthabbam?
Catùsu sotàpattiyangesu ettha saddhindriyam datthab-bam.

"Phải tìm Tín Căn ở đâu?
Ta phải tìm nó trong bốn thành phần của tầng Nhập Lưu." [9]

Ðiều nầy có nghĩa là Tín Căn nổi bật trong bốn thành phần của tầng Nhập Lưu. Bốn thành phần ấy là:

1. Ðức tin không lay chuyển nơi những phẩm hạnh thánh thiện của Ðức Phật, như Araham, Sammà-sambuddho ... (Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Chánh Giác v.v...)

2. Ðức tin không lay chuyển nơi những phẩm hạnh thánh thiện của Giáo Pháp như Svàkkhàto ... (Ðã khéo giảng dạy và được khẩu truyền y theo Chánh Pháp v.v...)

3. Ðức tin không lay chuyển nơi những phẩm hạnh thánh thiện của Tăng Già như Supatipanno ... (Ðức hạnh toàn hảo đã tu hành y theo thánh pháp v.v...)

4. Trọn vẹn và toàn hảo được phú cho Nền Tảng (hay nguyên nhân kế cận; padatthàna) của tâm Ðịnh Siêu Thế (lokuttara-samàdhi), vốn là "Giới Tịnh" (sìla-visuddhi)

Ðó là bốn yếu tố bảo đảm tình trạng thành tựu Sotàpatti-magga-nàna (Tu-Ðà-Huờn Ðạo Tuệ, hay tuệ giác liên quan đến Tu-Ðà-Huờn Ðạo), trong kiếp sống nầy.

Trong đoạn văn "Buddhe aveccappasàdena samannà-gato", danh từ "aveccappasàdo" có nghĩa "đức tin không lay chuyển". Ðó là đức tin (saddhà) của những vị đã đạt đến mức Cận Ðịnh (upacàra-samàdhi) trong khi suy niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Ðức Phật. Upacàra-samàdhi nơi đây là sự chú tâm vững chắc và không lay chuyển trong khi suy niệm hồng danh Ðức Phật. Khi có sự chú tâm vững chắc và không lay chuyển như thế, phải hiểu rằng sự kiểm soát của Ðức Tin đã nổi bật. Người như thế đã thành đạt mức độ làm chủ tâm mình trong vấn đề liên quan đến Ðức Tin nơi những phẩm hạnh thánh thiện của Ðức Phật. Ðối với những phẩm hạnh thánh thiện của Pháp Bảo và Tăng Bảo cũng nên hiểu cùng một thế ấy.

"Nền Tảng của Tâm Ðịnh Siêu Thế" có nghĩa "Giới hạnh thường xuyên, chấm dứt với Chánh Mạng như giới thứ tám" (àjìvatthamaka-niccasìla) [10], vốn là pháp có thể giúp hành giả đạt đến tâm Ðịnh Siêu Thế trong kiếp sống hiện tại. Khi giới (sìla) nầy được giữ gìn trong sạch, không bị vi phạm, và được nghiêm túc hành trì, ắt không thể có những ô nhiễm của ái dục (tanhà), ngã mạn (màna) và tà kiến (ditthi), và trong trường hợp tương tợ ta phải hiểu rằng saddhà (đức tin) nổi bật nằm trong sìla (giới). Không đủ khả năng gìn giữ những nhu cầu của sìla (giới) được gọi là "phạm giới". Mặc dầu trên nguyên tắc, sìla có thể không bị vi phạm, nhưng nhìn dưới khía cạnh của những điều kiện trần gian, giới được thấy là "không trong sạch". Theo thành ngữ "giá trị của con bò có thể được thẩm định khi nhìn nó kéo xe băng ngang một dòng sông", hạng người cư sĩ hay những vị tỳ khưu tự xem mình là Phật tử, chỉ có thể hiểu biết trong tâm mình còn tiềm ẩn ngủ ngầm tình trạng loạn động và phóng dật nữa không -- tức mình đã làm chủ cái tâm chưa -- sau khi xem xét tận tường bốn yếu tố trên.

Katha vìriyindriyam datthabbam?
Càtusu sammappadhànesu ettha vìriyindriyam datthabbam.

"Phải tìm Tấn Căn ở đâu?
Ta phải tìm nó trong "Tứ Chánh Cần", bốn thành phần của Tinh Tấn (sammappadhàna)."

Hạng người cư sĩ hay những vị tỳ khưu tự xem mình là những người bước theo dấu chân của Ðức Phật chỉ có thể hiểu biết tình trạng loạn động và phóng dật nằm trong hạnh Tinh Tấn (vìriya) của mình đã bị loại trừ và biến dạng chưa -- tức mình đã làm chủ cái tâm chưa -- sau khi quan sát cặn kẻ bốn yếu tố của Tứ Chánh Cần (sammappadhàna).

"Hãy để da của ta còn lại, để gân của ta còn lại, hãy để xương của ta còn lại, hãy để máu khô cạn, ta sẽ không an tâm ngơi nghỉ cho đến khi tận diệt quyền lực của Thân Kiến (sakkàyaditthi), tận diệt quyền lực của các Bất Thiện Pháp (duccaritas), và những khổ cảnh của vòng luân hồi (apàya-samsàra) bên trong cá nhân ta, trong kiếp sống nầy." Ðây là ý chí cương quyết và hạnh chuyên cần tinh tấn nằm trong Tứ Chánh Cần, không gì khác. Ðây là hạnh tinh tấn giống như mức tinh tấn của Ngài Ðại Ðức Cakkhupàla. [11] Khi thấy có ý chí cương quyết và hạnh tinh tấn như vậy ta phải nhận ra tình trạng nổi bật và kiểm soát tâm của vìriya, tinh tấn. Trong phạm vi Tinh Tấn (vìriya) trạng thái tâm loạn động và bất ổn định đã tan biến, không còn thấy nơi người như thế ấy, và người ấy, trong Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) đã làm chủ tâm mình.

Kattha satindriyam datthabbam?
Catùsu satipatthànesu ettha satindriyam datthabbam.

"Phải tìm Niệm Căn ở đâu?
Ta phải tìm nó trong Tứ Niệm Xứ (satipatthàna, tức Nền Tảng của tâm Niệm)."

Hàng cư sĩ và những vị tỳ khưu tự xem mình là những người noi theo dấu chân của Ðức Phật, chỉ có thể hiểu biết tình trạng loạn động và bất ổn định trong chú niệm (sati) của mình có tan biến không, và mình có thật sự làm chủ tâm mình không, bằng cách thực hành bốn yếu tố của satipatthàna, Tứ Niệm Xứ. Nếu có thể vững chắc gom tâm vào phần nào của thân, như hơi-thở-ra và thở-vào chẳng hạn, mình thành công Niệm Thân (kàyagatàsati) bao lâu cũng được, thì phải nhận biết rằng mình đã kiểm soát niệm (sati). Tình trạng loạn động và bất ổn định của người như thế đã biến tan. Vị ấy đã làm chủ tâm mình.

Kattha samàdhindriyam datthabbam?
Catùsu jhànesu ettha samàdhindriyam datthabbam.

"Phải tìm Ðịnh Căn ở đâu?
Ta phải tìm nó trong Tứ Thiền, tức bốn tầng Thiền (jhàna) dục giới."

Nếu trong khi hành thiền samatha (Vắng Lặng), như niệm hơi-thở-ra thở-vào, ta thành công tiến đến mức tối thiểu là giai đoạn cận định upacàra samàdhi bhàvanà, và nếu do đó những Triền Cái (nivaranas, tức những chướng ngại tinh thần) như Tham Dục (kàmacchanda), Sân Hận (byàpàda) v.v... mà từ quá khứ xa xôi của vòng luân hồi (samsàra), liên tục chạy loạn và khuấy động tâm đã được loại trừ, sự chú tâm vào những đề mục của thiền Vắng Lặng đã đặc biệt trở thành vững chắc và tĩnh lặng. Sự kiện nầy phải được nhận thức là phát sanh từ cơ năng kiểm soát của samàdhi, tâm Ðịnh. Tình trạng loạn động và bất ổn trong tâm định đã biến tan, và hành giả là người đã làm chủ tâm mình.

Kattha pannindriyam datthabbam?
Catùsu ariyasaccesu ettha pannindriyam datthabbam.

"Phải tìm Tuệ Căn ở đâu?
Ta phải tìm nó trong Tứ Diệu Ðế."

Trong những người đã gặp được Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana), sự hiểu biết Tứ Diệu Ðế có giá trị tối quan trọng.

Chỉ khi thông suốt Tứ Diệu Ðế mới có thể tiến đến mức giải thoát ra khỏi quyền lực của sakkàyaditthi (Thân Kiến), của những duccaritas (Bất Thiện Pháp) và của apàya samsàra, những cảnh khổ của vòng luân hồi. Do đó, nhằm thấu đạt ý nghĩa thâm sâu của Tứ Diệu Ðế phải cố gắng tối thiểu là minh sát hiểu biết sáu dhàtus (tức sáu nguyên tố căn bản): pathavi, àpo, tejo, vàyo, àkàsa và vinnàna -- đất, nước, lửa, gió, không gian và thức, [12] hoặc minh sát bản chất phù du tạm bợ và bất ổn định -- thấy nó không thể tồn tại lâu hơn một nháy mắt và không ngừng hoại diệt. Ta phải minh sát thông suốt những điều nầy bằng những phương pháp thực hành như học, nhớ, đọc đi đọc lại, suy gẫm, lắng nghe, thảo luận, tìm hỏi, tu tập thiền minh sát và quán niệm. Nếu đã minh sát nhận thức rõ ràng sáu nguyên tố ấy, ắt không cần còn phải đặc biệt thực hành những pháp gì khác. [13] Nếu có thể chứng ngộ bản chất anicca (vô thường), tiếp theo sau bản chất anattà (vô ngã) ắt sẽ được chứng ngộ một cách tự nhiên. [14]

Bản chất dukkha (Khổ) chỉ có thể được chứng ngộ trọn vẹn khi đạt đến giai đoạn arahatta phala (A-La-Hán Quả).

Như vậy, sau khi chuyên cần tinh tấn trong một thời gian dài, đến lúc thành đạt sự hiểu biết minh sát về bản chất của sáu nguyên tố căn bản ở bên trong và bên ngoài mình -- cả hai nơi -- cũng như bản chất vô thường của nó, mới có sự kiên cố chú tâm vào đó. Sự hiểu biết minh sát nầy phải được nhận thức là đã phát sanh do bản chất kiểm soát nổi bật của pannà (trí tuệ). Tình trạng không thể tin cậy, vốn là bản chất thông thường của tâm, từ quá khứ vô tận trong vòng luân hồi, dần dần tan biến.

Nơi đây, "tình trạng không thể tin cậy của tâm" có nghĩa là nhận thấy thường còn trong những sự việc vô thường, thấy hạnh phúc trong đau khổ, thấy thú vị trong sự việc đáng ghê tởm, thấy cái ta trong vô ngã, thấy những cá nhân trong cái không-cá-nhân, những chúng sanh trong cái không-chúng-sanh, thấy những con người trong cái không-con-người, thấy chư thiên, Trời Ðế Thích và chư Phạm Thiên trong cái không-chư-thiên, không-Trời-Ðế-Thích, không-Phạm-Thiên, thấy đàn ông, đàn bà, trâu, bò, voi, ngựa trong cái không-đàn-ông, không-đàn-bà, không-trâu, không-bò, không-voi, và không-ngựa. Vượt ra khỏi tình trạng "không thể tin cậy" có nghĩa nhận thức sự thật đúng như thật sự nó là vậy, sau khi đã làm chủ tâm mình trong Giáo Huấn của một vị Phật.

Nếu dukkha-sacca, Khổ Ðế, hay Chân Lý Thâm Diệu về sự Khổ, được nhận thức rõ ràng, tiếp theo sau, ba Chân Lý kia cũng sẽ được nhận thức rõ ràng theo dòng diễn tiến của nó. Trong sự nhận thức bốn Chân Lý, phương cách mà người thế gian (puthujjana) hiểu biết được gọi là "hiểu biết trên lý thuyết" (anubodha). Phương cách hiểu biết của hạng Thánh Nhân (ariya, tức như những vị Tu-Ðà-Huờn v.v...) được gọi là "hiểu biết xuyên thấu" (pativedha, tức hiểu biết một cách rõ ràng, thâm sâu và sắc bén). "Hiểu biết trên lý thuyết" cũng giống như nhìn thấy ánh sáng trong đêm tối, thấy sáng nhưng không thấy ngọn lửa, nguồn gốc mà từ đó ánh sáng khởi phát. Mặc dầu không thể trực tiếp nhận thấy ngọn lửa, nhưng chỉ thấy ánh sáng ta cũng có thể biết chắc chắn rằng có một ngọn lửa. Trực tiếp nhận thấy ngọn lửa như pativedha, "hiểu biết xuyên thấu".

Saddhindriyam bhàveti, Vìriyindriyam bhàveti, Satindriyam bhàveti, Samàdhindriyam bhàveti, Pannindriyam bhàveti." [15]

Câu Pàli trên do Ðức Phật dạy, có nghĩa là Ngũ Căn phải được thực hành và phát triển nhằm làm dễ dàng công trình hành thiền samathavipassanà (Vắng Lặng và Minh Sát).

Người không trau giồi và phát triển năm khả năng indriyas, Ngũ Căn, nầy cũng giống như một quốc gia không có người cai trị, như một vương quốc không có vua. Giống như một khu rừng núi hoang vu trong đó những giống thổ dân sinh sống ô tạp, không người lãnh đạo, quản lý. Trong một quốc gia như vậy không có luật pháp. Dân chúng trong đó sống buông lung hỗn tạp không có gì kềm chế. Giống như loài thú, kẻ yếu làm mồi cho người mạnh. Cùng một thế ấy, tâm của người không trau giồi Ngũ Căn cũng phóng túng và chạy loạn với những ô nhiễm như vậy. Y hệt người bị ma quỷ nhập không chịu nổi âm thanh của lời kinh như "iti' piso" hay "hetu paccayo", khi người mà không trau giồi Ngũ Căn nghe những câu chuyện liên quan đến nhân duyên đưa đến hạnh phúc (paccaya santosa) hoặc đề cập đến pháp hành trau giồi tâm linh (bhàvanà-rambha) thì nhanh chóng tìm ra lý lẽ để chê bai, chỉ trích, và phản đối. Bên trong những người như thế ấy không bao giờ có ý muốn hành thiền, Vắng Lặng hay Minh Sát, phát sanh.

Ðàng khác, người có phát triển Ngũ Căn giống như một quốc gia có vị quốc vương công minh chánh trực lãnh đạo. Giống như thị thành hay làng xóm nằm ngay nơi có chánh phủ trung ương. Người như thế ấy không bị những lý thuyết khác nhau làm tâm trí rối loạn. Người ấy kiên cố vững chắc trong đường lối duy nhất của Giáo Pháp. Khi nghe bàn thảo về nguyên nhân đưa đến hạnh tri túc, hoặc về pháp hành để mở mang tinh thần thì tâm trở nên mát mẻ và sáng tỏ. Người ấy vững vàng trong ý muốn thực hành thiền Vắng Lặng (samatha) và Minh Sát (vipassanà).

Như vậy, trong thế gian nầy hai loại ý muốn phát sanh, không phải vì bản chất của những chúng sanh hay những cá nhân, mà tùy thuộc nơi mức độ phát triển Ngũ Căn (indriyas) của những vị ấy. Nếu không phát triển Ngũ Căn (indriyas) ắt có một loại ý muốn phát sanh. Nếu có phát triển Ngũ Căn (indriyas) ý muốn đó tan biến và loại ý muốn mới chắc chắn sanh khởi. Ngũ Căn càng được phát triển mạnh mẽ, loại ý muốn mới càng tăng trưởng và càng trở nên dũng mãnh. Khi tất cả năm indriyas kiên cố vững chắc, ý muốn thành đạt Ðạo và Quả liền phát khởi. Như vậy ta nên phát triển Ngũ Căn để vượt lên, từ mức độ Thông Thường (pakati-saddhà v.v...) đến mức độ Phát Triển (bhàvanà-saddhà v.v...) do pháp hành thiền.


Ghi chú:

[1] Về Ngũ Căn xem "The Way of Wisdom" do tác giả Edward Conze (The Wheel số 65/66)

[2] "Tập tành" hành thiền. Trong bản dịch tiếng Anh đầu tiên, dịch giả dùng danh từ "imitation meditation", hàm ý như bắt chước, giả bộ hành thiền. Vị chủ biên (Ngài Nyanaponika Maha Thera) cảm thấy rằng danh từ nầy phần nào làm giảm giá trị của công trình bắt đầu hành thiền, và đó chắc không phải là nguyên ý của tác giả. Theo ý Ngài đây là bắt đầu tập hành thiền (rudimentary meditation). Bởi vì đây là bước đầu, hành giả mới khởi công suy niệm chớ không đi sâu vào pháp hành. Do đó theo ý nghĩa của đoạn văn, đây là một trong ba phương cách tạo phước (punna-kiriya-vatthu). Dầu sao pháp hành nầy có thể đem lại nhiều lợi ích và rất có thể dẫn đến tâm định và pháp hành thích nghi. (người dịch)

[3] Sắc thái saddhà (Ðức Tin) đặc biệt biểu hiện nơi đây là lòng tín nhiệm. Tín nhiệm nơi phương pháp thực hành (và tín nhiệm nơi Giáo Pháp nói chung) và lòng tự tin. (Chủ Biên)

[4] Năm Tuệ Giác Cao Thượng (abhinna) là: 1. Iddhividha, Thần Thông, 2. Dibba-sota, Thiên Nhĩ (nhĩ thông), 3. Parassa cetopariya-nàna, Tha Tâm Thông (tuệ giác biết được tâm của người khác), 4. Pubbe-nivàsànussati, Túc Mạng Thông (tuệ giác nhớ lại những kiếp sống quá khứ), 5. Dibba-cakkhu, Thiên Nhãn (nhãn thông).

[5] Năm Thanh Tịnh liên quan đến tuệ: Kiến Tịnh (Ditthi-visuddhi), Ðoạn Nghi Tịnh (Kankhàvitarana-visuddhi), Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh (Maggàmagganànadassana-visuddhi), Ðạo Tri Kiến Tịnh (Patipadànàna-dassana-visuddhi), và Tri Kiến Tịnh (Nànadassana-visuddhi).

[6] Ðó là Quán Niệm về Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.

[7] Ðó là Tuệ Thấu Ðạt (sammasana-nàna) và chín Tuệ Minh Sát được đề cập đến trong Chương XXI sách "The Path of Purification" (Thanh Tịnh Ðạo).

[8] Mười chín Tuệ Giác nầy được liệt kê trong "The Path of Purification" (Thanh Tịnh Ðạo), Chương XXII.

[9] Sotàpannassa angàni; Xem Indriya Samyutta, Sutta 8, Datthabba-sutta.

[10] Xem chú thích trong chương II.

[11] Xem Dhammapada Commentary, tích chuyện liên quan đến câu 1.

[12] Sáu nguyên tố căn bản là: 1. Nguyên tố Ðất, có đặc tính chiếm không gian, 2. Nguyên tố Nước có đặc tính làm dính liền, 3. Nguyên tố Lửa, có đặc tính làm đổi thay, 4. Nguyên tố Gió, có đặc tính di chuyển, hay nâng đỡ, 5. Nguyên tố Không Gian. 6. Nguyên tố Thức. Về pháp hành thiền niệm bốn nguyên tố đầu, xem Magga Dìpani, của tác giả Ngài Ledi Sayadaw, phần "How to establish the Wisdom Group".

[13] Những pháp khác, như phân hạng các Uẩn (khandha) hay lục căn (àyatana).

[14] Xem Udàna, Meghiya Vagga Suttà: "Nơi người đã nhận thức bản chất vô thường, tri giác về bản chất Vô Ngã tự nhiên phát sanh. Và người đã nhận thức Vô Ngã, tánh ngã mạn, chấp thủ "Tôi Là", sẽ bị loại trừ và chứng đắc Niết Bàn ngay trong kiếp sống nầy."

[15] Samyutta Nikàya, Mahà Vagga, Indriya Samyutta, Vagga 6, Sutta 8.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10
Bản dịch Anh ngữ

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản điện tử (Bình Anson, 05-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 11-05-2002