Chanh Minh - Bo Thi BaLaMat
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Bố Thí Độ
(Dāna Pāramitā)

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


* PHÂN ĐỊNH BỐ THÍ THEO CÁCH HỖN HỢP (tiếp theo)

* Bố thí có ba chi.

Là:

- Nô lệ thí (dāsadāna).
- Bằng hữu thí (sahāya dāna).
- Gia chủ thí (sāmī dāna).

Hoặc là:

- Bố thí bậc thấp (hīna dāna).
- Bố thí bậc trung (majjhima dāna).
- Bố thí bậc cao (paṇitā dāna).

Giải:

Các Giáo thọ sư y cứ vào bốn pháp: sự ước muốn (chanda), sự nổ lực (viriya), sự quyết tâm (citta) và trí hiểu biết về nghiệp quả (vimaṃsa) khi bố thí, để phân định thành ba bậc: thấp, trung bình và cao.

Trong bốn pháp ấy, sự  ước muốn là nền tảng quan trọng để thẩm định. Đức Phật có dạy: " Các pháp lấy ước muốn (chanda) làm căn bản".[1]

Luận Atỳđàm (abhidhamma) có nêu lên ba loại ước muốn:

-           Ước muốn thọ hưởng năm trần cảnh, gọi là ước muốn dục lạc (kāmachanda), đây là ước muốn thấp kém nhất, thuộc về bất thiện.

-           Ước muốn thành tựu những pháp tốt đẹp  của bậc thượng nhân, như thiền định, Đạo, quả,  Nípbàn, gọi là  ước muốn pháp (dhammachanda). Đây là ước muốn cao thượng, thuộc về thiện

-           Sau khi thành tựu giải thoát trọn vẹn các ô nhiễm, ước muốn tế độ chúng sanh khác thoát khỏi khổ, được an lạc như mình, đây là ước muốn tế độ chúng sanh của vị Thánh A lahán, gọi là ước muốn thực hiện (kriya chanda) (điều ấy), thuộc về pháp không bất thiện cũng không thiện (abyākatā dhamma).

Như vậy, khi bố thí với ước nguyện thọ hưởng năm trần cảnh, là bố thí bậc hạ.

Tiền thân thanh niên Khemaka khi cúng dường đến Đức Độc Giác, có ước nguyện: "Với phước báu này, ngọai trừ người nữ trong gia tộc, bất cứ nữ nhân nào thấy tôi, đều thương mến tôi và cho tôi chứng được an lạc pháp mà Ngài đã chứng".

Trong kiếp hiện tại, thanh niên Khemaka là cháu  của Trưởng giả Cấpcôđộc. Do phạm tội tà dâm suýt nữa bị vua Pasenadi (Batưnặc) chém đầu, nhưng nhờ có ước nguyện chứng pháp, nên Đức Phật ngự đến tế độ thanh niên Khemaka chứng quả Dự Lưu. Từ đó trở đi vị ấy không còn tà hạnh trong dục lạc nữa.[2]

Câu chuyện trên minh họa cho hai loại ước nguyện: bất thiện và thiện.

Trong ước nguyện chứng đạt pháp thượng nhân, khi bố thí ước nguyện chứng thiền định, là bậc trug, ước nguyện Đạo quả, Nípbàn như chư vị Bồ tát, là ước nguyện bậc thượng.

Tóm lại, khi thực hành bố thí, tùy theo ước nguyện mà thí sự ấy là thấp -trung hay cao. Tuy nhiên, sự so sánh đẳng cấp cao, trung, thấp  này cũng chỉ tương đối thôi.

Tương tự như thế với sự nổ lực (viriya) khi thực hành bố thí.

Có nhiệt tình trong thí sự, là bố thí bậc cao, chỉ cố gắng thực hiện là bố thí bậc trung, bố thí hời hợt như: vì lời hứa mà làm, gọi là bậc thấp.

Khi bố thí với tâm bất thiện (bố thí vì ái luyến, bố thí vì sân, bố thí vì si mê..) gọi là bố thí bậc thấp, bố thí với tâm không có trí là bậc trung, như đứa bé hoan hỷ cúng dường đến vị Sư nhưng nó không có trí hiểu rằng "đây là phước báu"... bố thí  với sự hiểu biết nghiệp quả là bậc cao.

Đức Phật có dạy:

"Này các tỳ khưu, có tám căn bản để bố thí. Thế nào là tám?

1- Vì  ước muốn (được người khác thương) (chandadāna) nên bố thí.

2- Vì sân hận nên bố thí  (dosadāna) (là cho người với trạng thái không vui, như tiền thân nàng Pañcapāpā).

3- Vì mê muội nên bố thí (mohadāna) .

4- Vì sợ hãi nên bố thí (bhayādāna).

5- Vì truyền thống bố thí của gia tộc nên bố thí (dinna pubbadāna).

6- Vì nghĩ rằng : "sẽ được sanh về nhàn cảnh" nên bố thí (sugati upappjjana dāna).

7- Bố thí do có tâm trong sạch (cittappasādanadāna).

8- Bố thí để  trang nghiêm tâm, là vật trang điểm tâm trở nên tốt đẹp (cittalaṅkāra dāna). [3]

Năm loại đầu là bố thí bậc thấp, hai loại sau (6 và 7) là bố thí bậc trung, cuối cùng (8) là bố thí bậc cao.

Một bài kinh khác, Đức Phật chỉ ra 8 cách bố thí khác:

1- Cho vì người đã đến nhà (như đãi khách thân quen chẳng hạn) (āsajja dānaṃ deti).

2- Cho vì sợ hãi (bhayā dānaṃ deti).

3- Cho vì nghĩ rằng: "Người ấy đã từng bố thí đến ta".

4- Cho vì nghĩ rằng: "Họ sẽ cho lại mình" (adāsi meti dānaṃ deti).

5- Cho vì nghĩ rằng: "bố thí sẽ làm cho ta được lợi ích và tốt đẹp" (sādhu dānanti dānaṃ deti).

6- Cho vì nghĩ rằng: "Ta nấu (vật thực này), những người này không nấu. Thật không xứng đáng khi không cho người không nấu".(apacantānaṃ dānaṃ na dātunhi dānaṃ deti).

7- Cho vì nghĩ rằng: "Ta sẽ được danh tiếng truyền đi xa" (kalyāṇo kittisaddo abbhuggacchatīti).

8- Cho vì nghĩ rằng:" Đây là vật trang điểm tâm, làm cho tâm  tốt đẹp" (cittalaṅkāra cittaparikkharatthaṃ dānaṃ deti).[4]

Giải:

Bố thí vì sợ hãi: Là do sợ bị chỉ trích là "keo kiết, hay do e ngại tổn thất những tài sản có giá trị cao, nên "cho trước để được an ổn phần tài sản còn lại", xem như một hình thức hối lộ.

- Do sợ tổn hại đến thân thể hay tính mạng, nên đem cho.

- Do sợ khi còn tái sanh trong luân hồi, sẽ là người nghèo khổ.

- Do sợ rơi vào khổ cảnh, nên tạo phước để sanh về nhàn cảnh.

* Bố thí vì nghĩ "Ta là nấu ..."

Người không nấu ở đây ám chỉ những người không có khả năng nấu nướng vật thực, như các vị tỳ khưu bị ràng buộc trong giới luật, những người bịnh nặng không có thân tộc, người hành khất không có chỗ trú... Nên có sự suy nghĩ rằng;

"Ta là gia chủ, người sắp đặt và nấu nướng thực phẩm để ăn. Thật không phải nếu ta dùng những vật thực mà không bố thí đến những người không thể nấu nướng thức ăn cho mình?"

"Là vật trang điểm tâm, làm tâm tốt đẹp".

Là suy nghĩ rằng: "Bố thí là phương án tốt đẹp, thanh lọc bỏn xẻn trong tâm, đồng thời sẽ không gặp phải khó khăn như nghèo khổ, thiếu vật thực... giúp cho tâm không bận rộn khi hành pháp Chỉ, Quán.

Tâm không bận rộn, dẫn đến hân hoan, hân hoan dẫn đến an lạc, an lạc dẫn đến chứng đạt pháp Thượng nhân.

Trong tám cách bố thí này thì cách cuối cùng (8) là tốt đẹp nhất, là cách bố thí duy nhất giúp hành giả tăng trưởng hoan hỷ và tinh tấn trong thiền tập Chỉ tịnh (samatha) hay Quán minh (vipassanā). Bảy cách bố thí đầu không làm tăng trưởng trí tuệ trong thiền tập (bhāvanā).

Cách bố thí thứ bảy là thấp nhất,  các cách còn lại (1, 2, 3, 4, 5 và 6) là bậc trung.

Lại nữa, khi bố thí với tâm vui thích có trí là bậc cao, tâm thản nhiên có trí là bậc trung, tâm không có trí là bậc thấp.

Trí tuệ (vimaṃsa).

Bố thí với sự hiểu biết nhân quả,nghiệp báo là bố thí bậc trung, bố thí với trí suy quán: vô thường, khổ hay vô ngã, là bố thí bậc cao.

 

* Bố thí có bốn chi.

Trong Vinaya có đưa ra bốn loại yêu cầu mà có thể  xếp vào bố thí là:

1-       Bố thí y hoặc vật liệu may y (civara dāna).

2-       Bố thí vật thực (Pindapāta dāna).

3-       Bố thí chỗ ngụ (senāsanā dāna).

4-       Bố thí thuốc trị bệnh (bhessajja dāna).

Trong kinh Cúng dường phân biệt nêu ra "thanh tịnh thí"  có bốn chi là:

a- Người cho trong sạch, người nhận không trong sạch.

b- Người nhận trong sạch, người cho không trong sạch.

c- Người cho và người nhận đều không trong sạch.

d- Người cho và người nhận đều trong sạch.

Trong bản Kinh, Đức Phật có giải thích "sự trong sạch (visujjhati)" là:

" Giữ giới, theo thiện pháp là trong sạch. Ác giới, theo ác pháp là không trong sạch." (sđd).

(Đại Trưởng lão Hộ Pháp có giải rõ về bốn trường hợp này, xin xem: "Tìm hiểu phước bố thí").

Các Giáo thọ Sư có giải rằng: "Người cho ví như người có hạt giống, người nhận ví như mảnh ruộng.

Người cho không trong sạch ví như người có hạt giống của loại cây nhỏ, thấp kém, người cho trong sạch ví như người có hạt giống tốt của loại cây lớn.

Người nhận không trong sạch ví như mảnh ruộng đầy cỏ dại độc hại, người nhận trong sạch ví như mảnh ruộng không có cỏ dại độc hại".

Đức Phật có dạy:

"Tiṇadosāni khettāni.
Rāgadosā ayaṃ pajā.
Tasmā hi vītarāgesu.
Dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.

"Cỏ làm hại ruộng vườn.
Tham làm hại người đời.
Bố thí người ly tham.
Do vậy, được quả lớn.

"Tiṇadosāni khettāni.
Mohadosā ayaṃ pajā.
Tasmā hi vītamohesu.
Dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.

"Cỏ làm hại ruộng vườn.
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân.
Do vậy, được quả lớn.

"Tiṇadosāni khettāni.
Icchādosā ayaṃ pajā.
Tasmā hi vigaticchesu.
Dinnaṃ hoti mahapphalaṃ

Cỏ làm hại ruộng vườn.
Si làm hại người đời.
Bố thí người ly si.
Do vậy, được quả lớn.
[5]

Hạt giống của loại cây nhỏ (như cây hành, cây ớt chẳng hạn...) tuy được gieo vào đất tốt, nó có phát triển hết mức cũng đến mức độ nào đó thôi, đồng thời quả tuy có nhiều nhưng chẳng có giá trị cao. Cũng vậy, người cho không trong sạch, dù cúng dường đến bậc có giới hạnh cao, nhưng kết quả cũng không đáng hài lòng mãn ý.

Hạt giống cây lớn, nếu gieo vào đất không tốt thì: hoặc là bị hoại, hoặc là không được phát triển. Cũng vậy, người cho trong sạch nhưng người nhận không trong sạch, kết quả cũng không tối thắng.

Có câu hỏi rằng: "Trong hai người: người cho và người nhận, người nào quan trọng hơn?".

Đáp rằng:

- Người cho quan trọng hơn.

Vì rắng: người cho là người đang gieo trồng, hạt giống tốt sẽ có kết quả tốt, còn như hạt giống không tốt hoặc giống của cây nhỏ thì kết quả không như ý.

Người gieo hạt cần phải biết rõ mảnh đất, nếu như mảnh đất không tốt, người ấy tích cực chăm bón phân nước, kết quả cũng được như ý.

Ở đây phân bón cho hạt giống ra sao?.

Nếu như đối tượng thọ thí không phải là bậc có giới hạnh, người cho nên tác ý đến hành động thiện theo cách tế độ.

Cũng nên ghi nhận rằng: "tiêu đề của bài kinh là thanh tịnh thí". Không nên hiểu lầm: "Cả người cho lẫn người nhận  không thanh tịnh, cũng là thanh tịnh thí", cách này tệ hại nhất, ví như hạt giống cây nhỏ lại gieo vào đất cằn cỗi.

Ở đây "thanh tịnh thí" là cách định danh cho bốn trường hợp khởi lên giữa người cho và người nhận, vì người cho có tâm thanh tịnh được nêu lên trước tiên, nên lấy đó để định danh.

Và điều này cho thấy tầm quan trọng của người cho, người cho cần có sự hiểu đúng đối tượng và tác ý  đúng (yoni so manassikāra) trong khi thực hành bố thí.

* Những yếu tố làm thanh tịnh.

Đức Thế Tôn có dạy: "Giữ giới, theo thiện pháp là trong sạch".

Như vậy, sự giử giới là nền tảng cơ bản tất yếu của sự trong sạch, còn theo thiện pháp thì sao? Các Giáo thọ sư bảo:

Sự  bố thí trong sạch theo thiện pháp có hai là: Tâm trong sạch và vật thí trong sạch.

1-Tâm trong sạch.

Là có sự vui thích cả ba thời kỳ : trước khi cho, trong khi cho và sau khi cho.

Một thời Đức Thế Tôn trú tại  Sāvatthī (Xávệ),  ở Jetavanavihāra (Kỳ viên tịnh xá). Với thiên nhãn thuần tịnh, Ngài thấy rằng bà tín nữ  mẹ của Nanda, người làng Veḷukandakī đang cúng dường đến chư Tăng có hai vị đứng đầu là Sāriputta (Xálợiphất) và Moggallāna (Mụckiềnliên). Thấy vậy, Ngài  bảo  các vị Tỳ khưu:

"Này các Tỳ khưu, mẹ của Nanda người làng Veḷukandakī, hiện đang cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng, đứng đầu là Xálợiphất (Sāriputta) và Mụckiềnliên (Moggallāna). Một thí sự có sáu chi phần, ba phần thuộc người cho  và ba phần thuộc người nhận."[6].

Tiếp theo Ngài dạy 3 chi phần của người cho là:

a- Trước khi bố thí, ý vui lòng.

b- Trong khi cho, tâm được tịnh tín (visuddhi saddhā).

c-  Sau khi cho cảm thấy hoan hỷ.

Và người thọ thí có đầy đủ 3 đặc tính trong sạch đặc biệt:

a- Đã lìa bỏ tham hay đang thực hành hạnh lìa bỏ tham ái.

b- Đã lìa bỏ sân hay đang thục hành hạnh lìa bỏ sân.

c- Đã lìa bỏ si mê hay đang thực hành hạnh lìa bỏ si mê.

"Này các Tỳ khưu, ví như nước trong đại dương không thể đo lường được, thì những lợi ích phát sanh từ hành động bố thí có 6 điểm đặc biệt này cũng không lường được".

Theo trên có thể thấy rằng ba đặc tính của người cho và 3 đặc tính của người nhận đã tạo nên những yếu tố làm tăng trưởng quả lợi ích của bố thí.

Ở đây: "trước khi thí ý vui lòng, sau khi thí ý hoan hỷ", tuy có trạng thái vui thích giống nhau, nhưng sự nhận biết cảnh (ārammaṇa) lại khác nhau. Trước khi cho, có sự nhận biết đối tượng thọ thí, sau khi cho chỉ nhận biết hành động thiện đã được thực hành.

Bà Nandamātā Veḷukaṇḍakī là bậc Anahàm, dĩ nhiên bà không còn ước muốn (chanda) thọ hưởng năm đối tượng sắc, thinh, hương vị, xúc khả ái, tốt đẹp, sự bố thí của bà chỉ có mục đích tạo duyên lành để chứng quả Alahán.

Bà có tên là Uttarā, là nữ cư sĩ tối thắng về tu thiền.[7]

Ngài Buddhaghosa (Phật âm) có giải thích: Veḷukaṇḍa là một ngôi làng được bọc quanh những rặng tre (veḷu), những cây tre này lớn và thân suôn đuột mọc thẳng lên như những mũi chông (kaṇḍa), nên làng ấy có tên là Veḷukaṇḍa. Vị thôn trưởng có tên là Nanda, bà Uttarā là mẹ của Nanda nên bà còn có tên gọi là Nandamātā Veḷukaṇḍakī.

"Trong khi cho tâm tịnh tín".

Là trong khi cho tâm hướng đến ân đức thù thắng của pháp bố thí, pháp bố thí là một đề mục thiền, Đức Thế Tôn  có giảng cho đại tín nữ Visākhā  về ân đức bố thí[8]. Và dĩ nhiên, vị nữ cư sĩ đệ nhất tu thiền Nandamātā sẽ thực hiện điều này trong khi cho.

Cần lưu ý về ý nghĩa "saddhā (đức tin)" trong Phật giáo.

Saddhā không phài là niềm tin suông bình thường, theo nguyên ngữ thì:

Saṃ + căn dhā = saddhā. Saṃ là tốt đẹp, căn dhā là thiết lập, để trên. [9]

Như vậy, saddhā (đức tin) là sự "thiết lập tốt đẹp" hay "sự đặt trên nền tảng tốt đẹp". Nền tảng tốt đẹp đó là gì ?  Đó là "luật nhân quả", "luật nghiệp báo" và Tam bảo.

Saddhā có phận sự "thanh lọc, làm cho đối tượng được trong sạch".

Như cặn và chất bẩn lắng đọng dưới đáy hồ thì nước trong sạch, có thể phản chiếu ánh trăng hay ánh sáng mặt trời. Cũng vậy, đức tin không ô nhiễm có thể giúp giới đức càng trong sạch và trong sạch hóa những đặc tính (sabhāva) của pháp (đề mục thiền định).

Nếu một người không có tài sản thì không thể trang bị cho mình những vật dụng cần thiết, hay không có hạt giống thì không thể gieo trồng dù thời vụ đang đến và không gieo trồng thì không có kết quả.

Cũng vậy, không có đức tin thì không thể có bố thí, không thể có giới đức, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đồng thời không được nhân loại, chư thiên hoan hỷ hay không thể hưởng được sự an vui của Nípbàn.

Do đó, Đức Phật gọi đức tin là tài sản của bậc có trí hay của bậc Thánh.

Trong Milindapañhā và bộ Aṭṭhasālinī, đức tin được so sánh với ngọc báu của vua Chuyển luân.

Đức tin (saddhā) thanh lọc tất cả những gì làm tâm ô nhiễm, đức tin làm cho tâm trở nên trong sáng. Nếu tâm có đầy đủ đức tin ( saddhā sampadā) thì không có kẻ hở dành cho những ô nhiễm như sợ hãi, lo lắng ... chen vào.

Có nhiều phật tử tinh tấn hành thiền, đều thấy rằng thật khó giữ tâm được an tịnh vững chắc vào các ấn tướng (nimitta) của Pháp thiền, hay thật không dễ giữ tâm không bị ô nhiễm. Cả hai trường hợp trên là do đức tin chưa tăng trưởng, để trở thành tín quyền (saddhindriya) hay tín lực (saddhā bala).

Nhờ tinh cần tu tập, người phật tử nương vào đức tin (dĩ nhiên là chánh tín), có thể giữ tâm trong sáng trong những khoảng thời gian ngắn cho đến khi tinh tấn vững mạnh, người ấy có thể tiếp tục duy trì trong khoảng thời gian dài.

Có suy ngẫm về luật nhân quả mới phát sinh và làm tăng trưởng đức tin, đức tin có tăng trưởng sẽ giúp tâm càng an tịnh, tâm càng an tịnh sẽ giúp cho trí quán sanh khởi, dẫn đến chứng đắc Đạo, quả siêu thế, Nípbàn. Nên đức tin là một trong những yếu tố làm tăng trưởng quả lợi ích của bố th, đồng thời có suy quán về nhân (nghiệp), quả (quả của nghiệp) là bố thí hợp trí.

Câu chuyện tiền thân vua Suddhodana (Tịnh Phạn) cho thấy ý nghĩa sự trong sạch của người thí, có quả thù diệu là "sống lâu" như sau:

Tiền thân vua Suddhodana là một Bàlamôn, có nếp sống đạo đức tốt đẹp, Bồ tát sanh vào gia tộc này, Ngài được đặt tên là Dhammapāla (Hộ pháp).

Khi lớn khôn, ông Bàlamôn cho Bồ tát Dhammapāla ngàn đồng vàng đi đến Takkasilā để học nghiệp nghệ.

Thời gian sau, người con trưởng của vị danh sư chết, mọi người đều than khóc cho sự chết khi tuổi còn quá trẻ của người ấy. Riêng Bồ tát vẫn thản nhiên, ngạc nhiên các bạn học hỏi Ngài, Ngài đáp:

-Trong nhà tôi không có ai chết trẻ như thế cả. Sự chết lúc còn non trẻ là điều không hợp lý.

Vị danh sư nghe được câu chuyện, suy nghĩ "chuyện này thật hy hữu, ta hãy tìm hiểu sự thật. Nếu đúng như lời chàng thanh niên này. Ta sẽ theo gương gia tộc ấy, hành theo pháp của họ".

Vị danh sư lên đường tìm đến làng Dhammapāla, gặp thân phụ của Bồ tát, sau khi vấn an, vị danh sư nói:

- Thưa tôn chủ, chàng thanh niên Dhammapāla đã mệnh chung.

Nghe vậy, ông Bàlamôn vỗ tay cười lớn:

-  Không phải con tôi đâu, chắc là chàng thanh niên nào đó.

Vị danh sư trưng bày xương dê bảo: "Đây là xương con trai của tôn chủ".

- Đây có lẽ là xương dê hay xương chó. Con trai tôi không thể chết được, trong gia tộc này, bảy đời chưa hề xảy ra chuyện "chết lúc tuổi trẻ", Ngài đã đánh lừa tôi.

Và cả nhà vỗ tay cười lớn, vị danh sư thấy thế hoan hỷ hỏi rằng:

- Do nguyên nhân nào mà gia tộc của Ngài không có người chết trẻ ?.

Vị Bàlamôn nói lên mười kệ ngôn, mỗi kệ ngôn là nhân của trường thọ, một trong 10 kệ ngôn ấy là:  

Pubbeva dāna sumanā bhavāma
dadampi ve attamanā bhavāma
datvāpi ve nānutappāma pacchā
tasmā hi amham dahara na mīyare.

"Vui thích trước khi bố thí.
Trong khi thí thỏa thích.
Sau khi thí hân hoan.
Và không hề hối tiếc."
[10]

Câu chuyện này cho thấy: "khi bố thí có đầy đủ tác ý hân hoan trong ba thời: trước, trong và sau khi cho, đồng thời khi bố thí có trí tuệ thì được sống lâu trong kiếp hiện tại".

2-Vật thí trong sạch

Là vật thí phát sanh từ nghề nghiệp chân chánh, đồng thời có tính hợp theo thiện pháp.

Bộ Aṭṭhasālini có nêu lên: "Một thí sự có bốn điều kiện sẽ cho quả lợi ích trong hiện tại", đó là:

a- Vật thí được làm hợp với lẽ đạo (paccayānaṃ dhammikata).

b- Cho với niềm tin và trí tuệ.

c- Có sự cố ý vững mạnh (cetanā-mahattā), tức là hoan hỷ trong ba thời: trước, đang và sau khi cho (vatthu sampatti).

d- Người thọ thí là bậc Alahán hay Anahàm (anāgāmiṃ) vừa xuất khỏi thiền diệt (nirodhasamādhi), bậc có ân đức đầy đủ (guṇasampatti).

Rõ ràng, thí sự có quả phát sanh hiện tại (có bốn chi), người cho chiếm hết ba chi.

Bố thí mà đem lại lợi ích trong kiếp hiện tại như nông dân Puṇṇa, người thợ làm vòng hoa Sumana, Bàlamôn Cūḷekasātaka.., những vị này đã nhận được nhiều lợi ích lớn từ bố thí sự của mình, do vì hội đầy đủ bốn yếu tố trên.

Trong Chú giải Aṭṭahasālinī, gọi bốn yếu tố là "cúng dường trong sạch (dakkhinā visudhi)", trong Kinh Pháp cú thì được gọi là "Bốn điều thành tựu" (sampadā).

3-Người nhận trong sạch.

Người nhận không trong sạch, dĩ nhiên là "kẻ ác giới, theo ác pháp". Trong phần Tỳ khưu giới, vị tỳ khưu sống theo 26 pháp tà mạng[11], cũng được liệt vào "người nhận không thanh tịnh".

Trong Luật tạng, Đức Phật có dạy: "Vị tỳ khưu nào biết lợi lợi được cung hiến đến Tăng, cố ý chiếm đoạt cho riêng mình, phạm ưng đối trị (pācittiya - nghĩa là: ‘làm hoại thiện pháp"), người nhận phải xả bỏ vật đó (nissaggiya)".[12]

Tiếp theo, Đức Phật giảng rộng về điều học này:

"Nếu vật bố thì đã được nghe "chúng tôi sẽ dâng cúng đến chư Tăng", vị tỳ khưu nào chiếm đoạt cho riêng mình, phạm tội Ưng xả (nissaggiya pācittiya āpatti)".

"Sang đoạt vật cung hiến đến Tăng về cho nhóm Tăng khác, hoặc bảo tháp, phạm tội hành sái quấy (dukkaṭa āpatti)."

"Sang đoạt vật cung hiến đến ngôi tháp về ngôi tháp khác, hay cho Tăng, cho nhóm Tăng hoặc cho vị (tỳ khưu) khác, phạm tác ác (dukkaṭa āpatti)".

"Sang đoạt vật cung hiến đến cá nhân (vị tỳ khưu) về cho Tăng, cho nhóm Tăng, cho bảo tháp, cho cá nhân (vị tỳ khưu) khác, phạm tác ác." (sđd).

Điều học này nói lên ý nghĩa "một ý niệm tốt có thể trở nên tồi tệ, khi có một người trung gian gây chướng ngại".

Nên ghi nhận rằng: "cho dù chỉ là cá nhân, nhưng khi sang đoạt đến nhóm Tăng, chư Tăng..." cũng phạm tội vì cản trở lợi ích của người thọ nhận. Và Đức Phật gọi là adhammikadāna (bố thí không hợp pháp).

Tuy nhiên, không phải bất kỳ sự chuyển đổi vật bố thí từ người này sang người khác, đều là bố thí không hợp pháp.

Người cho có thể thay đổi dự định ban đầu vì những lý do chính đáng hay có thể bị thuyết phục bởi những ý tốt, vì người cho luôn mong muốn "bố thí hợp với trí tuệ".

Kinh Cúng dường phân biệt là một minh họa cho vấn đề này, bà Mahā Pajāpati (di mẫu của Bồ tát Sĩ đạt ta) cúng dường bộ y mới đến Đức Phật, Đức Phật khuyên bà nên dâng đến cho chư Tăng, nếu điều này không hợp pháp thì Đức Phật đã không khuyên làm như vậy.

Đức Phật muốn bà Mahā Pajāpati có nhiều trí tuệ hơn qua việc dâng tấm y tự tay tạo thành, thay vì cúng dường đến Ngài, tốt hơn nên cúng dường đến chư Tăng thì quả phước tăng thịnh sung mãn hơn.

Nói thế không có nghĩa là Đức Phật kém chư Tăng, chư Tăng dù bất cứ vị nào cũng là đệ tử Phật, nhưng Đức Chánh giác chỉ có một còn Tăng chúng thì rất nhiều, Đức Phật sau khi đại viên tịch (mahā parinibbāna), chỉ còn lại Tăng chúng là người thừa kế.

Ví viên kim cương lớn không thể thua kém bất kỳ miếng vàng nào, nhưng rất nhiều miếng vàng lại có giá trị hơn viên kim cương và đây chỉ là so sánh theo số lượng.

Tức là khi cúng dâng đến Tăng chúng quả lợi ích phát sanh có số lượng nhiều hơn so với dâng đến Đức Phật, nhưng chất lượng quả lợi ích ấy không thù thắng so với quả lợi ích khi dâng đến Đức Phật. Ví như mưa nhỏ nhiều ngày cũng không thể tạo lụt lội, trái lại bảo lớn trong chốc lát có thể tàn phá những gì nó đi qua. Cũng vậy, quả lợi ích khi cúng dâng đến Đức Phật có khả năng phá hủy phiền não mạnh hơn so với khi dâng cúng đến chư Tăng, và cơn bảo chỉ có ít nhưng mưa nhỏ thì nhiều.

Mặt khác, Đức Phật cũng là một vị Tăng, nhưng là vị Tăng tối thượng trong  Tăng chúng. 

Một lần khác, chính Đức Phật đã thuyết phục vua Batưnặc (Pasenadi) xứ Kosala thay đổi quyết định.

Vua Batưnặc chấp nhận cho ngoại đạo xây một tu viện gần Jetavanavihāra (Kỳ viên tinh xá). Nhà vua đã bị ngoại đạo dâng cúng nhiều lễ vật để mua chuộc, tham của hối lộ ấy, Đức vua chấp thuận cấp đất cùng những vật liệu, cho họ xây một tu viện gần Kỳ viên Tinh xá.

Do thấy trước những tranh chấp sẽ phát sinh sau này, Đức Phật lần lượt cử Đại Đức Ānanda cùng chư tỳ khưu, hai vị Đại Đệ tử là Ngài Xálợiphất (Sāriputta) và Ngài Mụckiềnliên (Moggallāna) đến can ngăn vua Batưnặc hủy bỏ quyết định trên, nhưng đức vua đều lánh mặt không dám gặp các vị ấy, do hổ thẹn vì sự nhận hối lộ của mình.

Sáng hôm sau, tự thân Đức Phật ngự đến Hoàng cung, Đức vua từ trên lầu bước xuống rước bát của Đức Thế Tôn và cúng dường vật thực đến Ngài. Nhân đó, Đức Phật thuyết giảng về sự tai hại của vị vua khi nhận hối lộ, và đất nước sẽ bị tiêu vong.

Tiếp đến Đức Phật giảng lên bổn sanh vua Bharu[13], người đã rơi vào trường hợp tương tự và nhận nhiều đau khổ khi nhận của hối lộ.

Nhận thức hoàn toàn những sai lầm của mình, đức vua Batư nặc thay đổi quyết định, chính nơi mảnh đất ấy cùng với những vật liệu được thu hồi, Đức vua cho xây một tu viện dâng đến Đức Phật và Tăng chúng.

Như vậy sẽ không có tội khi người bố thí thay đổi ý định ban đầu vì lý do chính đáng và đem bố thí cho người khác.

Điều này cũng liên quan đến hàng tại gia, một người chuẩn bị vật thực định cúng dường đến vị tỳ khưu nào đó, nhưng khi gặp vị tỳ khưu thanh tịnh, cao thượng hơn, người này có thể thay đổi ý định ban đầu để có được ích lớn hơn. Và những vị tỳ khưu có thể thọ dụng các lễ vật được dâng cúng.

Hoặc giả, người thí chủ chuẩn bị vật thí (định) cúng dường đến cá nhân Tăng, nhưng bất ngờ gặp nhóm Tăng mới đến, người ấy có thể thay đổi quyết định ban đầu, cúng dường chư Tăng mới đến.Và chư Tăng được quyền thọ dụng hợp pháp, xem như là một đặc tính Pāhuneyya của ân đức Tăng cao thượng.

Tóm lại,  có năm yếu tố giúp cho bố thí tăng trưởng lợi ích:

a- Người cho có giới hạnh, hành trì đúng pháp.

b- Người nhận là người có giới đức trong sạch.

c- Vật thí hợp pháp.

d- Hoan hỷ trước, trong và sau khi bố thí.

e- Người cho có niềm tin vào luật nhân quả.

Bố thí với năm yếu tố này là trong sạch,  tạo lợi ích lớn, khi bố thí thiếu những yếu tố này, trong chừng mực nào đó sẽ không tạo ra quả lợi ích lớn.

Và chúng ta thấy rằng: "trong 5 chi này, người cho đã chiếm hết bốn chi", người nhận chỉ có một.

 

* Bố thí có năm chi phần.

Là 5 cách bố thí của bậc trí, 5 cách bố thí hợp thời như đã giải ở trên. Ngoài ra, người gìn giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh trong dục, không nói dối và không dùng các chất say và rượu, được xem là "đại thí (mahādāna)".

"Này các tỳ khưu, có năm bố thi là đại thí (pañcimāni bhikkhave dānāni mahādānāni), được biết là tối sơ (aggannāni), được biết là lâu ngày (rattannāni), được biết là truyền thống (vaṃsannāni) cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn ..."[14]

Tiếp theo Đức Phật giảng về công đức vô lượng của 5 giới là:

"Đem cho không sợ hãi đến vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù đến vô lượng chúng sanh, đem cho không hại (avyāpajjhaṃ) đến vô lượng chúng sanh"(sđd).

Khi giữ giới không sát sanh, không lấy đi sự sống của chúng sanh khác, người đó mang đến sự không sợ hãi (abhayadāna), sự an ổn cho chúng sanh. Các giới còn lại cũng tương tự. Đây là đặc điểm chung của năm giới, ngoài ra mỗi giới còn mang một ý nghĩa riêng khác nhau.

Với ý nghĩa chung của năm giới, nên Đức Phật dạy: "giữ năm giới tạo ra đại  thí, vì cho đến "vô lượng chúng sanh"".

Nhưng không nên hiểu rằng giới (sila) là bố thí, chỉ vì năm giới được miêu tả như năm đại thí trong bài kinh trên, vì rằng: "Giới giữ cho hành động và lời nói được đúng đắn, còn bố thí là cho đi một vật nào đó."

Như nói "lời vàng ngọc", không nên hiểu "lời ấy chính là vàng ngọc", mà hiểu là "lời ấy có giá trị quý như vàng ngọc". Tức là ám chỉ về khía cạnh tỷ dụ.

Cũng vậy, giới được xem như đại thí vì có giá trị "tương đương như một cuộc đại thí" (cho đến vô số chúng sanh).

Lại nữa, trong ý nghĩa cùng tột (paramattha), bố thí và giử giới đều khởi phát từ đức tin (saddhā). Đức tin trong sạch hóa thân, ngữ là giử giới, đức tin trong sạch hóa tâm qua biểu hiện "đem cho"  là bố thí.

 

* Bố thí có 6 chi phần.

Trong Kinh tạng không đề cập bất kỳ một danh sách bố thí có 6 chi phần nào cả. Nhưng trong Atthasālinī (sớ giải bộ Dhammasaṅganī - Pháp tụ), có nêu ra sáu loại vật thí, được sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thọ lãnh, đó là: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Như vậy bố thí có sáu chi phần là:

- Bố thí sắc.
- Bố thí thinh.
- Bố thí hương.
- Bố thí vị.
- Bố thí xúc.
- Bố thí pháp.

Tương tự như thế, trong Kinh tạng không đề cập đến bố thí có 7 chi phần, ngoại trừ bảy cách Tăng thí (saṅghika dāna) như đã giải ở trên.

 

* Bố thí có 8 chi phần.

Trong phần này, ngoại trừ các cách bố thí có 8 chi đã trình giải ở trên. Đức Phật có dạy: Bậc có trí còn có 8 cách bố thí khác là:

1- Cho vật trong sạch.

2- Cho vật thù diệu.

3- Cho đúng thời.

4- Cho vật thích ứng (kappiyaṃ deti).

5- Cho với sự cẩn thận (viceya deti).

6- Cho thường xuyên (abhinhaṃ deti).

7- Cho với tâm tịnh tín.

8- Sau khi cho tâm hoan hỷ.[15]

Lại nữa, do nghĩ đến "sự tái sanh trong tương lai" là nhân khiến bố thí, Đức Phật có dạy:

"Này các tỳ khưu, có tám thọ sanh do bố thí (dānupapattiyo)"[16]

Tám nhân bố thí do nghĩ đến sự tái sanh trong tương lai là:

a- Khi thấy một người được giàu có sung túc như Vua, quan, các đại phú gia, nên bố thí với mong muốn: "sau khi thân hoại mệnh chung, sẽ tái sanh trở thành Vua, quan, bậc đại phú gia". Người có ước muốn như vậy, an trú tâm trong ước muốn thấp kém ấy, không tu tập hướng thượng, sau khi thân hoại mệnh chung, thành tựu được ước nguyện này.

b- Khi được nghe các vị chư Thiên bốn Đại vương (catumahārājika) được sống lâu, có dung sắc, nhiều an lạc, nên bố thí với mong muốn, kiếp sau trở thành chư thiên cõi Bốn Đại Vương ....

c- Khi được nghe các vị chư thiên cõi  Đạo lợi (Tāvatiṃsa) ...

d- Khi được nghe các vị chư thiên ở cõi Dạma (Yāmā) ...

e- Khi được nghe các vị chư thiên cõi trời Đâu Suất (Tusita) ...

f- Khi được nghe các vị chư thiên cõi Hóa lạc (Nimmānarati) ...

g- Khi được nghe các vị chư thiên cõi Tha hóa tự tại (Paranimmitavasavattī) ...

h- Khi được nghe các vị Phạm chúng thiên (brahmapārisajjabhūmi) ...

Nhưng không phải chỉ do bố thí với ước nguyện như thế mà được thành tựu, không nên kết luận rằng "chỉ bố thí với ước nguyện thôi, cũng đảm bảo chắc chắn cho một đời sống hạnh phúc kiếp sau".

Đức Phật có dạy rõ:"Ta nói rằng, người ấy là người giữ giới, không phải là người ác giới. Này các tỳ khưu, người giữ giới thành công (ujjhati), vì tâm hướng đến thanh tịnh"(sđd)

Như vậy, sự thành tựu quả theo ý muốn sanh từ bố thí có bốn điều:

- Có bố thí.
- Có ước nguyện.
- Là người giữ giới.
- Có tâm hướng đến thanh tịnh (là có sự niệm tưởng ân đức bố thí).

Lại nữa, trong cách thứ tám "bố thí với ước muốn sanh về cõi Phạm chúng thiên".

Chúng ta biết rằng "ân đức bố thí chỉ có khả năng đưa đến cận định (là một đề mục tùy niệm - anusati)", trong khi được tái sanh về cõi Phạm chúng thiên phải là người đắc được thiền thứ nhất (pathamajhāna).

Muốn sanh về cõi Phạm chúng thiên (thấp nhất trong ba cõi Sơ thiền) qua bố thí sự, thì bố thí này phải được thực hiện với tâm nhuần nhuyễn, dễ uốn nắn qua tinh tấn và đạt được trạng thái cận định (upacārasamādhi) của đề mục "bốn tâm rộng lớn": Từ (mettā), Bi (karuṇā), Hỷ (muditā), và Xả (upekkhā), người đó mới có thể tái sanh vào cõi Phạm chúng thiên.

Tám cách bố thí của người không có trí (asappurisa dāna), không được ghi trong Kinh tạng, nhưng có thể phỏng đoán đó là các cách như sau:

a- Bố thí vật không được sạch sẽ và không hấp dẫn.

b- Bố thí những vật thấp kém.

c- Bố thí không đúng lúc.

d- Bố thí vật không thích hợp với người nhận.

e- Bố thí không chu đáo.

f- Chỉ thỉnh thoảng bố thí cho dù người đó có khả năng làm thường xuyên.

g- Bố thí với tâm không trong sạch.

h- Bố thí rồi, sau đó cảm thấy hối tiếc.

 

* BỐ THÍ BALAMẬT (Danā Pāramī).

1- Thế nào là bố thí Balamật?

Khi bố thí, nếu nghĩ  "ta là người cho" là bị tà kiến chi phối, nếu nghĩ "đây là sự bố thí của ta" là bị tham chi phối, nếu nghĩ  "đối tượng này nhận vật thí của ta" thì bị ngã mạn chi phối. Sự bố thí bị tà kiến (diṭṭhi), ái (taṅhā), ngã mạn (māna) chi phối, không gọi là bố thí balamật, chỉ là bố thí theo thường tình. Chỉ có những hành động bố thí không có ái, ngã mạn và tà kiến tham dự, được gọi là bố thí balamật.

Ba pháp: ái, mạn, kiến lôi kéo chúng sinh trôi lăn trong luân hồi, không thể thoát ra khỏi sinh tử, khiến chúng sinh quanh quẩn ở bờ này, không thể sang bờ kia.

ĐúcPhật dạy:

Yathā bubbulakaṃ passe.
Yathā passe marīcikaṃ
Evaṃ lokaṃ avekkhataṃ
Maccurājā na passati.

"Như ta nhìn bọt nước. Như ta nhìn ảo ảnh. Nếu người kia nhìn thế gian này như vậy. Tử thần không còn nhìn thấy người ấy nữa."[17]

Khác với bố thí thường tình là mong cầu thụ hưởng những tài sản, an lạc trong thế gian, mục đích bố thí Balamật là ra khỏi sanh tử luân hồi.

Balamật là sang bờ kia (lokuttara - xuất ra khỏi thế gian), nên những gì thuộc bờ bên này (loka - thế gian) đều phải bỏ lại.

Như vậy: "bố thí có mong cầu hưởng quả phước an lạc trong thế gian, không gọi là bố thí Balamật"

Để được xem là Balamật thì các hành động phước báu như bố thí, trì giới ... chẳng những không bị ái, mạn hay tà kiến chi phối mà những hành động này còn phải được đặt nền tảng trên "bi mẫn (karuṇā)" và trí thiện xảo phương tiện (upāya-kosalla ñāṇa). Tức là trong hoàn cảnh nào, với phương tiện nào (có vật chất hay không có vật chất) đều  có thể thực hành.

Đức Phật có dạy gia chủ Anāthapiṇḍika (Cấp cô Độc) rằng:

"- Này gia chủ! ngươi đã cung cấp cho chúng tỳ khưu các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh. Nhưng ngươi chớ bằng lòng với ý nghĩ "chúng ta đã cung cấp cho chúng tỳ khưu các vật dụng cần thiết như y..... Do vậy, này gia chủ ngươi cần phải học tập như sau: "Với phương tiện nào (kena nāma upāyena) chúng ta thỉnh thoảng  đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh."[18]

Điều này cho thấy Đức Phật dạy chúng ta khi hành pháp Bố thí đừng dính mắc vào "dục lạc thế gian". Đức Xálợiphất có giảng rộng về an trú hỷ do viễn ly sanh như sau:

"Trong thời gian ấy, năm sự việc này không xảy ra:

- Khổ và ưu liên hệ đến dục (kāma), trong thời gian ấy không khởi lên.

- Lạc và hỷ liên hệ với dục, trong thời gian ấy không khởi lên.

- Khổ và ưu liên hệ đến bất thiện, trong thời gian ấy không khởi lên.

- Lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện, trong thời gian ấy không khởi lên.

- Khổ và ưu liên hệ đến thiện, trong thời gian ấy không khởi lên. (sđd).

"Thiện còn liên hệ với khổ ưu" ám chỉ thiện còn đưa đến khổ luân hồi, "thiện mà không liên hệ khổ, ưu là tâm Đạo (maggacitta). Loại tâm thiện này trừ diệt nghiệp dẫn đến luân hồi.

Trong một ý nghĩa nào đó, khi thực hiện một pháp thiện còn vướng mắc ái (taṅhā), mạn (māna) và kiến (diṭṭhi), pháp thiện ấy được xem là bậc hạ.

Pháp thiện được thực hành không bị dính mắc vào ái - mạn - kiến, nhưng thiếu tuệ quán được xem là bậc trung.

Pháp thiện được thực hành, không bị dính mắc vào ái - mạn - kiến lại có trí quán xét tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã được xem là bậc thượng.

2-  Tương quan giữa Giới-Định-Tuệ và Bố Thí Balamật.

Phẩm Sagāthā trong Tương Ưng Bộ (Saṃyutta nikāya), có kệ ngôn;

"Sīle patiṭṭhāya naro sappañño ...

"Người có trí trú giới.
Tu tập tâm và tuệ,
Nhiệt tâm và thận trọng.
Tỳ khưu ấy thoát triền"
[19]

Kệ ngôn trên, Đức Phật dạy: "Người (tái sinh) tam nhân[20], khi trí tuệ chín muồi, khéo an trú trong giới, nhiệt tâm tu tập thiền định và tuệ quán. Người ấy có thể tháo sạch mạng lưới ái dục chằng chịt".

Tức là Đức Phật chỉ đề cập ba pháp tu: Giới, định và tuệ, một sự gợi ý về thực hành pháp bố thí không hề  có.

Lại nữa, sách Thanh tịnh đạo (Visudhhimagga) trong phần luận giải kệ ngôn trên, không nói đến bố thí.

Vì Bát chánh đạo dẫn đến Nípbàn bao gồm: Giới, định, tuệ, không nói đến bố thí, nên một số người hiểu lầm: "bố thí không được Đức Phật xem trọng yếu", rằng "bố thí không dẫn đến chứng đắc Niết Bàn", rằng "bố thí chỉ làm cho luân hồi càng dài hơn, vì vậy bố thí không đáng được tu tập".

Cần hiểu biết đúng đối tượng được Đức Thế tôn thuyết giảng kệ ngôn trên như sau:

Đức Phật thuyết lên kệ ngôn này vì lợi ích của những người có khả năng chứng đạt đạo quả Alahán ngay trong kiếp hiện tại. Khi trở thành bậc Alahán thì sự chuẩn bị những gì tốt đẹp cho kiếp sau trở thành vô nghĩa, bố thí để có an lạc trong kiếp sau là điều không cần thiết cho vị thánh Alahán".

Tức là: "Đối với người có khả năng chứng quả Alahán ngay trong kiếp hiện tại, thì giới - định - tuệ là cần thiết hơn bố thí, ba pháp này trực tiếp đoạn tận phiền não.

Như một thí sinh, khi đến giờ thi chỉ có việc "cố gắng làm bài", không còn thời gian để ôn tập, cũng vậy với người tròn đủ phước balamật chỉ cần nổ lực thực hành giới - định - tuệ, không cần phải thực hành thêm bố thí balamật.

Và cũng nên lưu ý rằng: "Đức Phật không bao giờ nói: không nên thực hành pháp bố thí".

Bố thí được đặt trên nền tảng đức tin (saddhā), khi đức tin phát triển sung mãn trở thành tín quyền (saddhindriya), tín lực (saddhā bala), dẫn đến chứng đắc Nípbàn, còn giới trong kệ ngôn trên là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng của bát chánh đạo. Một người nương theo đức tin vẫn có thể chứng đạt Nípbàn.

Trong Kinh Tăng chi có ghi nhận cuộc thảo luận của ba vị: Tôn giả Sāvatthi, Tôn giả Mahākoṭṭhita và Tôn giả Sāriputta bàn về ba bậc Dự lưu: Bậc Thân chứng (kāyasakkhī), bậc Kiến chí (diṭṭhippatta) và bậc Tín giải (sadddhāvimutta).

- Bậc Thân chứng là bậc có định quyền tăng thịnh (hơn 4 quyền kia).

- Bậc Kiến chí là bậc có tuệ quyền tăng thịnh (hơn 4 quyền kia).

- Bậc Tín giải là bậc có tín quyền tăng thịnh (hơn 4 quyền kia).[21]

Nói dễ hiểu hơn, vị nương theo đức tin để tu tập, chứng đắc quả Dự lưu, gọi là bậc Tín giải (nương theo Giới của bát Chánh đạo), vị nương theo định (thiền chỉ, Định của bát Chánh đạo) tu tập chứng quả Dự lưu là bậc Thân chứng, vị nương theo trí quán (tuệ quán, Tuệ của bát Chánh đạo) để tu tập chứng quả Dự lưu là bậc Kiến chí, đức tin ở đỉnh cao xem như thuộc về giới học.

Như vậy, Giới trong kệ ngôn trên đã bao hàm bố thí trong đó.

Mặt khác, bố thí có đặc tánh làm cho tâm trở nên nhu nhuyễn, dễ thích ứng với việc thiện, chính bố thí làm cho tâm có thói quen[22] nhu nhuyễn và sẵn sàng thực hành giới - định - tuệ trong thiền Minh sát (vipassanā samādhi).

Theo tâm lý thông thường: người phật tử đến chùa hoặc bảo tháp mà không có gì cúng dường, thường cảm thấy vụng về, tâm không được hoan hỷ lắm, đồng thời sự sẵn sàng thọ giới, nghe pháp hoặc hành thiền... khó khởi lên trong tâm, trái lại khi có vật cúng dường, tâm thường hoan hỷ, sẵn sàng thọ giới, hành thiền...

Chưa trở thành vị Alahán ngay trong kiếp sống hiện tại, tất phải còn sanh tử luân hồi, nếu không thực hành pháp bố thí trong hiện kiếp, sẽ rất khó khăn có được những điều kiện tốt đẹp trong kiếp sống mới.

Vị nữ thánh Visākhā có thói quen thường mang theo lễ vật để cúng dường chư Tăng mỗi khi đi đến tự viện hay đến viếng Đức Phật: vào buổi sáng là cơm, đồ ngọt hoặc trái cây, vào buổi chiều là các thứ nước có dưỡng tố để làm thuốc trị bịnh.

Không bố thí, cho dù có tái sanh trở lại làm người, người này vẫn cảm thấy bị thiếu thốn về vật chất, họ cảm thấy không có chúng họ không thể tạo phước. Trong trường hợp ấy, người ta có thể lý luận rằng "chỉ cần chuyên tâm thực hành giới - định - tuệ là đủ", nhưng thực tế thì không dễ chút nào.

Nên hiểu rằng: "Tu tập giới - định - tuệ được tốt đẹp dễ dàng, dẫn đến thành công là do có quả của bố thí trong  quá khứ hổ trợ ".

Người còn phải đi tiếp chuyến hành trình dài cần phải chuẩn bị sẵn lương thực, bao giờ sắp kết thúc chuyến du hành, bấy giờ mới không cần chuẩn bị thêm lương thực. Cũng vậy, với người chưa sẵn sàng tinh cần thực hành giới, định, tuệ, cần phải thực hành bố thí balamật.

Nhờ có tài sản phát sanh từ bố thí, người ấy mới có thể chuyên tâm thực hành bất cứ loại phước nào theo ý thích, tức là khi thực hành giới - định - tuệ tâm không còn vướng bận về "cái ăn, cái mặc...".

Trong số những phàm nhân lữ hành trong luân hồi, thì chư Bồ tát Chánh đẳng giác là cao quí nhất, sau khi được thọ ký thành Phật Chánh giác trong tương lai, vị Bồ tát thực hành các pháp balamật để chứng đạt Nhất thiết trí (sabbaññutaññāṇa), thời gian tối thiểu phải là bốn Atăngkỳ (asaṅkheyya) và một trăm ngàn kiếp trái đất (mahākappa).

Bồ tát Độc Giác Phật phải là hai A tăng kỳ và một trăm ngàn kiếp trái đất.

Bồ tát Thinh văn cao nhất (aggasāvakā) (như Ngài Xálợiphất, Mụckiền liên) là một A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

Và Bồ tát đại Thinh văn (như Ngài Cadiếp, Ānanda, Đại Cachiêndiên...) là một trăm ngàn kiếp trái đất.

Do đó, đối với vị Bồ tát khi còn là kẻ lữ hành trong luân hồi, thì bố thí balamật có tầm quan trọng hàng đầu.

Như vậy, kệ ngôn trên được Đức Phật thuyết lên, dành cho những vị đã đủ nhân duyên để chứng đắc đạo quả Alahán.

Những ai chưa thực hành viên mãn các pháp balamật thì không nên cho rằng bố thí balamật là không quan trọng.

Một số người thắc mắc rằng: "có thể chứng đắc Niết Bàn nếu chỉ thực hành mỗi pháp bố thí không?".

Đáp: "Chỉ thực hành mỗi một pháp balamật như bố thí hoặc trì giới hoặc tu thiền sẽ không đem lại kết quả chứng đắc Niết Bàn được".

Vì thực hành riêng pháp bố thí nghĩa là không có sự trì giới hoặc tu thiền đi kèm, khi không có giới luật để thu thúc hành động - lời nói, người ta dễ rơi vào việc ác từ thân, ngữ. Và đã không thực hành pháp thiền, dĩ nhiên không phát sanh trí tuệ, như Phật ngôn:

Yogā ve jāyati bhūri
Ayogā bhūrisaṅkhayo
Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā.
Bhavāya vibhavāya ca
Thath’attānaṃ niveseyya.
Yathā bhūri pavaḍḍhati.

Tu thiền, trí tuệ sanh.
Bỏ thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngã.
Đưa đến hữu, phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực.
Khiến trí tuệ tăng trưởng"
[23].

Như vậy chỉ thực hành mỗi pháp bố thí balamật, không có khả năng chứng đạt Nípbàn.

Một người chỉ bố thí mà không giữ giới, sẽ không ngăn trừ được những thói hư tật xấu, rất khó bảo đảm cho kiếp sống sau được tốt đẹp, còn nói gì đến việc chứng đắc Nípbàn.

Nói rộng hơn: "chỉ thực hành một pháp hoặc bố thí, hoặc trì giới hoặc tu thiền đều không thể chứng đạt Nípbàn. Ba pháp này tương quan mật thiết với nhau, hổ trợ lẫn nhau".

Một người chỉ giữ giới, không hành thiền cũng chẳng đi về đâu cả, không thể sang bờ bên kia.

Tương tự, một người không giữ giới mà cố gắng hành thiền, sự cố gắng ấy trở nên vô ích, ví như hạt giống tốt được gieo trên đất nóng đỏ, không thể nẩy mầm được, chỉ có thể thành tro than.

Lại nữa, trong phần bố thí balamật của bộ Phật tông (Buddhavaṃsa) có nói rõ: "bố thí hay cúng dường không phân biệt đối tượng thọ nhận: bậc cao, bậc trung hoặc thấp".

Nhưng kinh Cúng dường phân biệt (Dakkhiṇāvibhaṅga sutta) trong Trung Bộ Kinh (Majjhima nikāya) Đức Phật dạy về bảy cách Tăng thí, mười bốn đối tượng cá nhân thí. Và quả lợi ích tăng dần theo thứ tự từ ít đến nhiều của từng đối tượng thọ thí (từ thấp đến cao), dĩ nhiên quả phước lớn nhất là dâng đến chư Tăng.

Xem ra có sự mâu thuẫn giữa bộ Phật tông và bài kinh Cúng dường phân biệt.

Thật ra, nên hiểu rằng: "Đối tượng Đức Phật thuyết giảng kinh Cúng dường phân biệt là những người bình thường và chư Thiên, còn trong bộ Phật tông, đối tượng lại là Đức Bồ tát Chánh giác".

Mục tiêu của Bồ tát Chánh giác không phải là quả an lạc từ bố thí, mà là Phật trí (sabbaññutaññāṇa). Trí tuệ này chỉ có một không thể có hai để so sánh cao, trung hay thấp, không thể nói trí Chánh giác này cao hơn trí Chánh giác kia.

Bồ tát Chánh giác bố thí bất cứ cái gì có được đến bất cứ chúng sanh nào cần đến, Ngài không cần phải suy xét rằng: "Đây là đối tượng thấp kém, nếu bố thí đến chúng sanh này, về sau ta chỉ chứng được Nhất Thiết Trí bậc thấp. Đây là chúng sanh bậc trung, nếu bố thí đến chúng sanh này, về sau ta chỉ chứng được Nhất Thiết Trí bậc trung ...". Và bố thí không phân biệt đối tượng là truyền thống của chư Bồ tát Chánh giác.

Lại nữa, là Bồ tát Chánh giác Ngài thường suy xét với ba đối tượng nhận vật thí như sau:

- Khi người thọ thí là người thân thì vị ấy vui mừng quán xét: "Đây là người thân, người ấy đang cần đến ta". Thế là tâm vị Bồ tát hoan hỷ bố thí.

- Khi người thọ thí là người bình thường (xa lạ), vị Bồ tát vui mừng quán xét: "Với bố thí này, ta chắc chắn sẽ có được tình thân hữu với người ấy" và tâm Ngài vui thích trong bố thí.

- Nếu người thọ thí là kẻ thù, Ngài đặc biệt hoan hỷ mà quán xét: "Kẻ thù của ta mà còn đến nhờ ta, với hành động bố thí này, kẻ thù của ta sẽ không còn, thay thế vào đó là "một người thân của ta".

Cũng nên lưu ý rằng: "Đây là cách quán xét trước khi cho để tạo hoan hỷ trong thí sự", sau khi cho vị Bồ tát không còn tâm dính mắc đến người thọ thí nữa.

Do vậy, vị ấy bố thí đến người không thân không thù hay cho đến kẻ thù đều làm như cách đối với người thân. Đây là ý nghĩa "bố thí sự đặt trên lòng bi mẫn (karuṇā)".

Ngược lại, mục đích của phàm phu tầm thường thuộc nhân loại hoặc chư Thiên, khi thực hành bố thí là mong đạt được những lợi ích thuộc về thế gian. Vì vậy họ sẽ chọn lựa đối tượng thọ lãnh tốt nhất để nhận vật th, đồng thời có cách xử sự khác nhau đối với ba đối tượng thọ thí: thân, không thân không thù và kẻ thù.

Như vậy, không hề có sự mâu thuẩn giữa bộ Phật tông và bài kinh Cúng dường phân biệt.

Xác định được mục đích, những phương tiện cùng phương pháp thực hành, đó là việc làm của người tầm cầu chân giải thoát, là con đừơng của vị Bồ tát phải đi qua.

Bồ tát dù là bậc nào (Thinh văn, Độc giác hay Toàn giác), thuộc hạnh nào (tấn hạnh, tín hạnh hay tuệ hạnh) cũng chỉ có mục đích duy nhất là "giải thoát khỏi sinh tử luân hồi".

Đức Phật có dạy: "Các pháp lấy dục (chanda) làm căn bản"[24].

Mong ước thành tựu được pháp cao thượng như Đạo - quả - Níp Bàn, nhất là đạt đến trạng thái tâm không còn ô nhiễm, chấm dứt mọi hệ lụy của thế gian, không còn trôi lăn trong vòng sanh tử. Loại mong ước này, gọi là pháp dục (dhammacchanda), tất cả chư Bồ tát đều xuất phát từ loại mong ước này.

Đức Phật dạy:

- Vị Tỳ khưu có tín tâm, nếu mong cầu (āyācana) chân chánh, sẽ ước nguyện được như Sāriputta và Moggalāna....

- Vị Tỳ khưu ni có tín tâm. nếu mong cầu chân chánh, sẽ ước nguyện  được như Tỳ khưu ni Khemā (đệ nhất trí tuệ trong hàng nữ Thinh văn) và Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā (đệ nhất thần thông trong hàng nữ Thinh văn).

- Cận sự nam có tín tâm, nếu mong cầu chân chánh, sẽ ước nguyện được như Trưởng giả Citta (đệ nhất thuyết pháp trong hàng nam cư sĩ), và Trưởng giả Hatthaka (tối thắng về bốn nhiếp pháp trong hàng nam cư sĩ).

Hai vị cận sự nam này đều là bậc Bất lai (anāgāmi).

- Cận sự nữ có ước nguyện chân chánh sẽ ước nguyện được như cận sự nữ Khujjuttarā (đệ nhất thuyết pháp trong hàng cận sự nữ) và Veḷukaṇṭakī (đệ nhất về tu thiền trong hàng nữ cư sĩ) [25].

Không có sự mong ước dễ dẫn đến sự thờ ơ khi hành pháp thiện, trái lại khi thực hiện có ước nguyện, khiến tâm tăng thêm sức mạnh, việc thiện được làm một cách cẩn thận tốt đẹp.

Như vậy, bố thí balamật là "đem cho mà không mong cầu dục lạc thế gian, không phân biệt đối tượng và có sự mong mỏi thành tựu quả giải thoát sinh tử luân hồi".

3- Đặc tính của bố thí Balamật.

Bố thí balamật có:

- Trạng thái là: dứt bỏ.
- Phận sự là: loại trừ sự dính mắc (vào vật thí đã đem cho).
- Thành tựu là: Không có sự dính mắc (trong luân hồi).
- Nhân cần thiết là: Cho với mục tiêu (tạo) phước (puññavisaya dāna).

Giải:

Bố thí balamật được thành tựu qua bốn ý nghĩa đặc biệt này.

Bố thí là hành động có tính dứt bỏ những gì mình đang sở hữu, phận sự là loại trừ tham luyến, tức là loại trừ khuynh hướng dính mắc "người thí, người nhận, vật thí".

Người có trí suy xét sâu, sẽ nhận thức "bố thí này sẽ tạo ra những kiếp sống thuận lợi, có tài sản thịnh vượng, những điều này vẫn bị chi phối bởi định luật vô thường, những hạnh phúc ấy chỉ là giả tạm không bền vững, nên tâm không dính mắc những hạnh phúc, an lạc trong luân hồi". Đó là sự thành tựu.

Chính vì có ý nghĩ như thế, nên quả bố thí khi trổ sanh, người này lại có cơ hội tạo thành những phước bố thí balamật mới.

Tâm người ấy ví như lá sen và những an lạc trong thế gian có sanh khởi cũng như những giọt nước trôi lăn trên lá sen, không bám dính vào tâm người ấy.

"Cho do với mục tiêu tạo phước":

Chữ visaya có nhiều nghĩa như : khu vực, lãnh vực, mục tiêu... Ở đây dùng theo nghĩa "mục tiêu". Có hai mục tiêu:

Mục tiêu tạo phước (puññavisaya) và mục tiêu theo thế gian (lokavisaya).

Sự bố thí với đức tin trong sạch là theo cách thức tạo phước, cho dù người nhận vật thí đó là đối tượng nào, người cho luôn nghĩ : "đây là cơ hội để tạo phước". Sở dĩ có được trạng thái "không phân biệt đối tượng thọ thí" vì tin vào lý nghiệp báo, gọi là puññavisaya dāna (cho theo cách tạo phước) và những sự bố thí như vậy mới tạo thành bố thí balamật.

Còn cho vì thương, vì giận, vì mê muội hay cho vì bị đe dọa bởi hình phạt, bởi tù tội, bởi tổn hại thân thể, bởi mạng sống (cho vì sợ hãi), cho để được danh tiếng... là sự cho theo cách thế gian (lokavisaya dāna). Những cách đem cho này không tạo thành bố thí Balamật.

Sự cho tạo thành bố thí balamật là sự cho không bị ràng buộc bởi phiền não. Người cho có cảm giác "sự đem cho này là cần thiết" như đói cần phải ăn, khát cần phải uống, vị Bồ tát cần đến người nhận nên thường rao truyền "ai cần vật gì ta sẽ cho vật ấy" và đó là những phương tiện để làm sanh khởi bố thí (theo cách tạo phước).

Giả như tất cả chúng sanh đều đầy đủ tài sản thì bố thí sự không xẩy ra, vì có ai cần thiết đến tài sản đâu.

Trong ý nghĩa chừng mực nào đó, chính sự cần thiết của người thọ nhận, tạo thành ba bậc bố thí balamật:

- Bố thí bậc hạ: Là đem cho những gì thuộc về ngoại thân.
- Bố thí bậc trung: Là đem cho những gì thuộc về thân thể như tay, chân, thịt, máu...
- Bố thí bậc thượng: Là đem cho ngay cả mạng sống của mình.

Giả sử như có người cần tài sản, chẳng lẽ vị Bồ tát lại cho tứ chi hay mạng sống, vì người xin không cần thiết đến những vật thí ấy.

Trong kinh Đúc Phật thường dạy : "vị Thánh đệ tử có tâm xả ly, thường hoan hỷ khi có người đến yêu cầu", là nói lên ý nghĩa "cho với mục đích tạo phước".

Mặt khác, trong ba hạng Bồ tát, Bồ tát Chánh đẳng giác ở ngôi cao nhất, đồng thời khi thực hành pháp độ đòi hỏi vị ấy phải có nghị lực kiên cường dũng mãnh.

Cho những tài sản ngoại thân, thật dễ dàng đối với người có tâm tầm cầu giải thoát (nhưng rất khó với người còn say mê dục lạc thế gian), bố thí tứ chi hay một phần cơ thể, khả dĩ  có thể làm được. Nhưng đến sinh mạng thì phải có lòng vị tha cao tột, đồng thời có ý chí dũng mãnh mới có thể thực hiện sự hy sinh mạng sống.

Tuy nhiên, không phải không có những Bồ tát bậc cao thượng này, có những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh mạng sống để giúp đồng đội thoát ra nguy hiểm, nhưng đó không phải là "bố thí balamật", mà đó là "vì lý tưởng". Cũng vậy, vị Bồ tát vì lý tưởng "chứng quả vị Toàn giác" Ngài không hề tiếc mạng sống.

4- Những mẩu chuyện về Bồ tát hành thí độ.

Kinh điển ghi rằng: Vị Bồ tát Chánh đẳng giác khi thực hành pháp thiện nào đó, đều luôn hướng đến:

1.        Lokattha cariyā: Thực hành mang lợi ích đến cho đời.

2.        Ñātattha cariyā: Thực hành mang lợi ích đến quyến thuộc.

3.        Buddhattha cariyā: Thực hành để được giác ngộ (cho mình).

Khi hướng đến đời, tức là hướng đến tha nhân, lấy tha nhân làm đối tượng. Vị Bồ tát khi thực hành pháp bố thí balamật không còn phân biệt chúng sanh, nghĩa là không chấp tướng, luôn luôn bình đẳng với mọi đối tượng.

Trong Cariya piṭaka (Hạnh tạng) có nêu mẫu chuyện Bồ tát Kurudhamma [26] tóm lược như vầy :

Đất nước Bồ tát có con voi hạnh phúc, được xem như quốc bảo của xứ Kuru, trong khi xứ Kaliṅga bị nạn đói mất mùa, đã cử người đến xứ Kuru xin voi hạnh phúc, Bồ tát cho voi hạnh phúc ngay. Các quan trong triều hỏi rằng:

- Vương quốc của Ngài sẽ ra sao? Khi Ngài bố thí tượng hạnh phúc.

Bồ tát Kurudhamma trả lời.

- Đối với ta, quả vị Toàn giác rất quí báu, thậm chí ta sẽ bố thí toàn bộ vương quốc, hoặc chính cả bản thân ta, cho nên ta đã tặng tượng hạnh phúc.

Câu trả lời của Bồ tát cho thấy "vị Bồ tát khi thực hiện pháp lành tuy hướng đến lợi ích cho đời nhưng cũng hướng đến quả Toàn giác".

Kinh Trường Bộ có ghi lại hai bài kinh: Đại Thiện Kiến Vương (Mahāsudassana sutta) và kinh Govinda là bố thí balamật bậc hạ.

Bổn sanh Đức vua Sivi đã bố thí đôi mắt của mìn, là bố thí bậc cao thượng, vì rằng Ngài có thể chết do vết thương quá nặng.[27]

Bổn sanh con thỏ khôn ngoan (sasapaṇḍita) [28] là bố thí bậc cao thượng.

Bổn sanh Bàlamôn Saṅkha [29] khi gặp vị Độc giác Phật, Ngài đã cúng dường đến Đức Phật Độc giác là bố thí bậc hạ....

 

* Tóm lại

Bố thí balamật là :

- Người thí có tâm xả ly, không mong cầu tài sản thế gian, chỉ có ước nguyện được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.

- Bố thí những gì thuộc ngoại thân gọi là bố thí bậc hạ.

- Bố thí những gì thuộc nội thân (không ảnh hưởng đến tính mạng) gọi là bố thí bậc trung.

- Bố thí  những gì thuộc nội thân có thể mệnh chung, hay ngay cả sinh mạng là bố thí bậc thượng.

Dứt pháp Bố Thí Balamật

* * *


[1] - A.iv, 338.

[2] - DhpA, kệ ngôn số 309 – 310.

[3] - A.iv, 236.

[4] - A.iv, 236

[5] - Dhp, kệ ngôn số 356, 357, 358. – HT. Thích Minh Châu dịch.

[6] -A.iii, 336. Phẩm Chư thiên.

[7] - A.i, 24.- Phẩm người tối thăng.

[8] - A.i, 205. Phẩm lớn.

[9] - Đại trưởng lão Nārada- Vi diêu pháp toát yếu, chương II. Ông Phạm Kim Khánh dịch.

[10] - JA, truyện Dhammapāla (số 447), phẩm 1o kệ.

[11] - Xem Luật xuất gia, Đại trưởng lão Hộ Tông soạn.

[12] - Luật Phân tích tỳ khưu, Học giới Ưng xả đối trị, phẩm bình bát, điều thứ 10 - Đại Đức Giác Giới dịch.

[13] - JA- số 213, Phẩm 2 kệ ngôn, truyện vua Bharu.

[14] - A.iv, 245 - Phẩm bố thí.

[15] - A.iv, 243 -  Chương 8 pháp. phẩm bố thí .

[16] - A.iv, 239 – Chương tám pháp, phẩm bố thí.

[17] - DhP, câu 170, Đại trưởng lão Nārada soạn , ông Phạm Kim Khánh dịch.

[18] - A.iii, 207.

[19] - S.i, 13.

[20] - Người tam nhân (tihetu paṭisandhika) là người khi tái sanh, thức tái sanh có ba nhân vô tham, vô sân và vô si .

[21] - A.i, 118.

[22] - upanissaya paccaya : cận y duyên.

[23] - Dhp , kệ ngôn 282 – HT. Thích Minh Châu dịch.

[24] - A.iv, 338.

[25] - A.i, 88. – A.ii, 164,

[26] - JA, số 276

[27] -.JA, số 499.

[28] - JA. số 316.

[29] - JA.  số 442.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01| 02 | 03

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 09-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-09-2004