Chanh Minh - Den Bo Kia
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Đến Bờ Kia - Pāramitā hay Pāramī:
Tổng quát về Balamật.

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


PHẦN MỘT

TỔNG QUÁT VỀ BALAMẬT

---*---

CHƯƠNG I.

Đến Bờ Kia.
PĀRAMITĀ hay PĀRAMĪ.

1- Giải từ theo nguyên ngữ:

Chữ Pāramī âm là Balamật, nghĩa là: "đến bờ kia".

Theo ý nghĩa của từ ngữ nguyên sơ (sabhava nirutti) cùng với Sớ giải bộ Hạnh Tạng (cariya pitaka – atthakathā) thì chữ pāramī có những cách giải tự như sau:

a- Theo ngữ căn Para.

Ngữ căn para có nghĩa "đầy đủ, (viên mãn)", "gìn giữ".

*- Para + ma = parama, parama + căn Ī = paramī .

Parama là "cao quý", "tối thắng", căn ī nghĩa là "đi":

- Vị luôn "gìn giữ " đức lành của pháp, vị ấy được gọi là bậc cao quý.

- Những pháp giúp người thực hành trở thành bậc cao quý (parama puggala), gọi là Balamật (pāramī). Hay:

- Sẽ trở thành bậc cao quý (parama puggala) khi người ấy thực hành trọn vẹn những pháp này (ám chỉ trở thành bậc thành Thánh Alahán, Phật Độc giác hay Phật Toàn giác), những pháp như thế gọi là Balamật.

- Đi với (pháp) cao quý, gọi là Balamật.

Pháp cao quý (paramadhamma) là những pháp nào?

Trước tiên, pháp cao quý nhất chính là Níp Bàn. Đức Phật có dạy: "Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Níp Bàn là an lạc tối thượng".[1]

Tiếp đến là (37) pháp dẫn đến trí thực chứng (bodhi pakkhiya dhamma), vì đây là pháp cao quý độc nhất đưa đến Níp bàn.

"Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā sokapariddavānaṃ samatikamāya dukkhadomanassānaṃ atthayamāya ñāṇassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya…"

Này chư tỳ khưu, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu thánh trí, chúng ngộ Níp bàn…"[2]

Sau cùng là 10 pháp đưa đến bờ kia (dasa pāramī dhamma).

Nói cách khác, pháp cao quý bậc thấp là 10 pháp Balamật, trung bình là 37 pháp dẫn đến trí thực chứng, cao nhất là Níp Bàn (vì chấm dứt luân hồi).

Lại nữa, trong lãnh vực pháp hữu vi (saṅkhāradhamma) thì:

- Mười pháp Balamật là (cao quý) bậc thấp.

- Ba mươi bảy pháp dẫn đến trí chứng đạt Nípbàn (trừ bát chánh đạo) là (cao quý) bậc trung.

- Bát chánh đạo là (cao quý) bậc cao.

Khi chưa chứng đắc Níp Bàn, vị Bồ tát luôn thực hành 10 pháp Balamật hay 37 pháp đưa đến giác ngộ, Ngài cũng trở thành bậc cao quý so với phàm nhân.

Khi chứng Nípbàn, vị Bồ tát trở thành Thánh Hữu học, là cao quý bậc trung.

Khi thành tựu giải thoát trọn vẹn mọi ô nhiễm (kilesa), trở nên bậc "không còn chìm xuống (khīṇāsava - lậu tận)" vị ấy là bậc cao quý tối thắng.

Trong lãnh vực "đã giải thoát trọn vẹn mọi ô nhiễm" thì:

- Đức Phật Chánh giác là cao quý nhất, tiếp đên là Độc giác Phật và sau cùng là Thánh Alahán (đây là nói theo phương diện trí tuệ). Nhưng tất cả đều có chung một điểm "không còn sinh tử luân hồi".

Khi chưa chứng đắc Nípbàn, vị Bồ tát luôn "gìn giữ" những đức lành từ các pháp ấy. Khi đã giải thoát trọn vẹn mọi ô nhiễm, vị Thánh Alahán vẫn gìn giữ những đức lành này, do đó những pháp ấy gọi là pháp cao quý (parama dhamma).

Ngữ căn para còn có nghĩa là "đến".

Như Pāli giải:

"Kusalāni anupabbena aggāya parenti:

Các thiện sự tuần tự đưa đến địa vị cao tột (ám chỉ bậc Alahán)".

Nghĩa là vị Bồ tát thực hành những pháp này, sẽ tuần tự đạt đến địa vị cao quý nhất (là bậcAlahán: Alahán thinh văn, Alahán Độc giác và Alahán Chánh đẳng giác).

*- Parama + căn i = paramī.

Căn I nghĩa là "rèn luyện" hoặc "diễn tiến, tồn tại"[3]

- Rèn luyện (những pháp) cao quý, gọi là Balamật. Hay:

- (Những pháp) cao quý đang diễn tiến, gọi là Balamật.

b- Theo nghĩa của tiếp đầu ngữ Para.

Tiếp đầu ngữ para có nghĩa là: "cái khác", "vật khác".

*- Para + căn mava = pāramī.

Căn mava nghĩa là "thắt chặt, kết lại".

- Kết chặt những pháp (cao quý) vào với nhau, gọi là Balamật.

Vị Bồ tát khi thực hành những pháp thiện, Ngài luôn xâu kết những pháp ấy với nhau được vững chắc không cho bị hư hỏng, như những cánh hoa được xâu kết vào, làm thành vòng hoa, không bị rơi rụng lả tả.

Đồng thời, ngay chính thiện pháp đang thực hành, vị Bồ tát cũng khéo léo (yoniso) thu hút những pháp phụ thuộc vào để "thắt chặt" lại thành khối.

Như khi Ngài hành pháp bố thí, chủ yếu là vô tham (alobha), nhưng có nhiều pháp tùy thuộc vào pháp này như: đức tin, giới hạnh, tâm từ, tâm bi... Các pháp tùy thuộc (anudhamma) ấy được vị Bồ tát khéo léo "thu hút" vào, trở thành "khối thiện pháp bố thí".

*- Para + ngữ căn mu = parama.

Ngữ căn mu có hai nghĩa: "nhốt lại" và "xác quyết".

Vị Bồ tát "nhốt lại" các pháp đối nghịch với thiện pháp, nên Ngài là bậc cao quý.

Vị Bồ Tát "xác quyết" đây là thiện, đây là bất thiện. Đối với những pháp thiện, Ngài không hề bỏ qua, quyết định thực hiện. Đối với những pháp bất thiện, Ngài "quyết định xa lánh, loại trừ. Do vậy, Ngài là bậc cao quý (parama).

Vì có tính quyết định đối với thiện pháp nên khi thực hành, Bồ tát luôn có tâm trạng hoan hỷ thỏa thích, Ngài không hề lui bước hay có tâm co rút, luôn cố gắng vượt qua những trở ngại để đạt mục đích "thành tựu thiện pháp", đồng thời khi thực hành pháp Bồ tát luôn cố hoàn thiện, không cho pháp ấy có khuyết điểm.

Chính nhờ sự "xác quyết" này, vị Bồ tát có khả năng hoán chuyển thực tại, từ môi trường không thuận lợi, Ngài nổ lực tìm phương án thích hợp để thực hiện thiện pháp, hoặc không bỏ qua cơ hội để gầy dựng phước lành, trí được vận dụng như thế gọi là "trí thiện xảo trong phương tiện (upāyakosalla ñāṇa).

Như Bồ tát Mahā Janaka tuy bơi trên biển bảy ngày, nhưng khi nhìn thấy trăng tròn, biết là ngày Uposatha (Bốtát), Ngài dùng nước biển xúc miệng rồi nguyện thọ trì giới (uposatha). Vị thiên nữ hộ trì Ngài, đưa Ngài vào đất liền, đến kinh đô xứ Mithilā ở trong vườn Ngự uyển, sau đó Ngài được làm vua xứ này.

Một ngày nọ, Ngài du ngoạn trong vườn Ngự uyển, trong vườn có hai cây xoài: một cây có trái chín tốt tươi, một cây thì không. Đức vua bảo hái xoài chín cho Ngài dùng, quan giữ vườn Ngự uyển làm theo lời phán truyền của Đức vua.

Khi Đức vua dùng xoài xong tiếp tục du ngoạn, Thái tử cùng các quan đại thần cũng muốn nếm hương vị xoài nên tranh nhau bẻ xoài để ăn.

Khi trở về, ngang qua cây xoài ban sáng, Đức vua thấy cây xoài trở nên xơ xác, còn cây xoài không trái vẫn sum suê tươi tốt.

Hỏi ra mới biết rõ nguyên nhân, Đức vua cảm thán rằng:

"Ôi ! Sự nghiệp đế vương của ta chẳng khác chi cây xoài có trái kia, biết bao nhiêu người chực chờ, sẵn sàng giết ta để chiếm ngai vàng. Ta nên xuất gia tầm giải thoát, tránh kẻ thù mưu ám hại, ta hãy giống như cây xoài không trái kia vậy".

Và Đức vua quyết định xuất gia với sự thỏa thích rằng:

"Aho sukhaṃ paramaṃ sukkhaṃ.

Ôi! an lạc, thật là an lạc cao thượng".

Đức vua mặc cho Hoàng hậu Sīvalī tìm mọi cách lôi kéo Ngài trở về vương quyền, Ngài vẫn cương quyết lìa bỏ cung vàng để sống đời sống xuất gia[4].

Đây là minh họa "ý nghĩa sự xác quyết" của Bồ tát, đồng thời nói lên "sự hoán chuyển thực tại cho phù hợp với thiện pháp" .

Bồ tát cũng có lúc sanh làm chúa cướp, nhưng Ngài vẫn người có trí.[5]

c- Theo từ ngữ Paraṃ.

*- Paraṃ + căn majja = Pāramī

Paraṃ nghĩa là "qua khỏi", "xa hơn nữa", "bờ kia". Căn majja là "làm cho sạch sẽ".

- Balamật là pháp quét sạch những ô nhiễm để đi đến bờ kia. Hay:

- Vị không còn những ô nhiễm sau khi quét sạch chúng bằng những pháp nào, pháp ấy gọi là Balamật.

Nói cách khác, những pháp gọi là Balamật là những pháp vượt qua tham, sân, si.

Ngữ căn majja còn có nghĩa là "đi".

"Đi đến bờ kia hay pháp đưa đến bờ kia, gọi là Balamật".

*- Paraṃ + ngữ căn maja (trong sạch) = pāramī .

- Pháp nào khi thực hành càng làm cho tâm trong sạch hơn trước, pháp ấy gọi là Balamật.

d- Từ tiếp đầu ngữ Parā.

*- Parā + căn = pāramī .

Tiếp đầu ngữ parā là trái ngược, căn là "nghiền nát", "thả rơi".

- Nghiền nát những pháp ác xấu, gọi là Balamật. Hay:

- Pháp nào có khả năng chiến thắng những pháp ác xấu, pháp ấy là Balamật.

- Thực hành những pháp "thả rơi (buông bỏ)" những cấu uế ở trong tâm, gọi là thực hành pháp Balamật.

*- Parā + ngữ căn maja (trong sạch) = pāramī .

"Đưa đến bờ trong sạch, gọi là Balamật".

Bờ bên này ô nhiễm (chỉ cho tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới), bờ kia trong sạch chính là Níp Bàn. Như kệ ngôn:

Appakā te manussesu.
Yejanā pāragāmino
Athāyaṃ itarā pajā.
Tīramevānudhāvati.

"Ít người giữa nhân loại
Đến được bờ bên kia.
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này"

Và:

Ye ca kho sammadakkhāte
Dhamme dhammānuvattino
Tejanā pāramessanti.
Maccudheyyam. suduttaraṃ.

"Những ai hành trì pháp
Theo chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia.
Vượt ma lực khó thoát."
[6]

*- Parā + căn mana (buộc vào, thắt chặt) = pāramī.

-Buộc danh sắc dính vào con đường đến bờ kia, gọi là Balamật".

Tức là khi thực hành những pháp thiện qua thân, ngữ, ý, vị Bồ tát luôn hướng về sự trong sạch hoàn hảo.

Nói cách khác, mọi thiện nghiệp được thực hiện từ thân, ngữ, ý của vị Bồ tát luôn hướng đến Nípbàn (bờ kia).

e-Tiếp đầu ngữ pāra.

 *- Pāra + căn mu = pāramī.

Pāra nghĩa là "bờ bên kia", căn mu là "xác quyết".

Vị Bồ tát xác định: "bờ bên này là đau khổ vì chịu nhiều sinh diệt, bờ bên kia là an tịnh, không còn đau khổ, sầu muộn".

*- Pāra + ngữ căn mi (nghiền nát) = pāramī.

Vị Bồ tát đến bờ kia, khi Ngài đã nghiền nát mọi kẻ thù làm ô nhiễm danh sắc, kéo danh sắc vào vòng khổ lụy luân hồi.

2- Ý nghĩa.

 Pāli có giải thích:

a-  Paramānaṃ ayaṃ paramatthe = pāramī:

Con đường đi đến lợi ích cao thượng, gọi là Ba la mật".

 Có ba sự lợi ích là:

- Lợi ích hiện tại (diṭṭhadhammikattha).
- Lợi ích vị lai (samparāyikattha).
- Lợi ích cao thượng (paramatha) là Níp Bàn.

Cũng có thể hiểu vị Bồ tát thực hiện những pháp tốt đẹp nhằm mục đích:

- Thực hành mang lại lợi ích cho chúng sinh (lokattha cariyā) (chữ loka: thế gian, nên hiểu là chúng sinh).

- Thực hành mang lại lợi ích cho thân quyến (ñatattha cariyā).

- Thực hành mang lại sự giác ngộ cho chính mình (buddhattha cariyā).

b- Paramānaṃ kammaṃ = Pāramī.

 Thực hành (theo cách) cao quý, gọi là Ba la mật".

Thế nào là cách thực hành cao quý?

Lẽ thường, vị Bồ tát khi thực hành những pháp dẫn đến bờ kia (Nípbàn), các Ngài xem đó là phận sự của mình không chờ đợi được nhắc bảo, cách thực hành như thế gọi là "cao quý".

Khi thực hành tâm Bồ tát đặt trong sự tự nguyện, không do sự cưỡng bách nào. Nếu có chăng, chính "già, bịnh, chết" là những hiểm họa cưỡng bách Ngài, Bồ tát thấy được hiểm họa ấy, nên tâm Ngài muốn thoát khỏi chúng, thoát ra hiểm họa của pháp hữu vi (saṅkhāradhamma).

Thực hành như thế gọi là thực hành (theo cách ) cao quý.

c- Paramissa bhāvo pāramitā = pāramī.

"Có sự hòa nhập với pháp đưa đến bờ kia, gọi là Balamật."

Hay:

Paramissa kammaṃ pāramitā = pāramī.

"Làm cho những pháp hòa nhập (cùng) đến bờ kia, gọi là Balamật".

Chữ missa nghĩa là "dính líu", "trộn lẫn".

Vị Bồ tát khi thực hành những thiện pháp luôn có sự suy xét, tức là có liên kết với trí tuệ, paramissa (hợp với pháp khác) ám chỉ cho trí tuệ.

Chính do ý nghĩa này nên những việc làm ấy được gọi là thực hành pháp cao quý (Balamật).

Chúng ta có thể tóm kết như sau:

"Pháp mang lại lợi ích cho người lẫn mình, gọi là Balamật".

"Những pháp được thực hiện, với mục đích thoát ra khỏi luân hồi, pháp ấy là Balamật (pāramī).

"Pháp được thực hành với tâm hoan hỷ, có sự suy xét thấu đáo rõ ràng và quyết định cao. Đồng thời có sựkhéo léo phối hợp với những thiện pháp khác, gọi là bala mật (pāramī).

"Người có quyết tâm thực hiện những pháp lBalamật, người ấy được gọi là Bồ tát".

Trong Phụ Sớ giải (anudīpanī) của bộ Jinalaṅkāra có giải:

"Pāraṃ nibbānaṃ ayanti gacchanti etāhiti pāramiyo, nibbāna sādhakā hi dānacetanādayo dhammo pāramīti vuccati".

"Có ý buông bỏ (dānacetanādayo) hình thành con đường đến Nípbàn, thoát khỏi bờ này. Con đường ấy gọi là Balamật (pāramī)".

Trong Sớ giải bộ Hạnh Tạng cũng ghi:

"Taṅhāmāna ditthīhi anūpahatā karuṇ’ūpāya kosalla pariggahita dānādayo guṇā pārāmiyo".

 "Đầy đủ (pariggahita) tâm bi mẫn (karuṇā) và trí thiện xảo (upāyakosalla ñāṇa) để buông bỏ ái, mạn, kiến cùng những (phiền não) tùy tùng, gọi là pāramī (Balamật)".

Cách giải thích này có liên quan đặc biệt đến Balamật của bậc Chánh đẳng giác (Sambuddha).

Trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla ñāṇa), là trí tuệ khéo léo trong lúc tạo thiện pháp, khiến những pháp nảy trở thành nền tảng và trợ duyên cho sự chứng đắc Phật trí.

Người có nguyện vọng thành tựu quả vị Chánh đẳng giác, Độc giác, hay Alahán, khi thực hành những thiện sự như bố thí, trì giới… luôn có mục đích duy nhất là chứng đắc Phật trí (sabbaññutaññāṇa), Độc giác trí hay Alahán trí.

Tất cả những thiện sự ấy chỉ có mục đích duy nhất "trợ giúp cho ước nguyện mau thành đạt". Gọi là "trí thiện xảo trong phương tiện".

3- Đặc điểm chung của pháp Balamật (pāramittā).

Muốn hiểu rõ các pháp Balamật cần phải hiểu qua bốn điểm: trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), sự hiện khởi hay sự thành tựu (paccupaṭṭhāna) và nhân cần thiết (padaṭṭhāna).

Sớ giải bộ Hạnh tạng (Cariya piṭaka- atthakathā) có một chương riêng nói về trạng thái, phận sự, sự hiện khởi và nguyên nhân cần thiết của các pháp Balamật.

Điểm chung của 10 pháp Balamật là:

- Trạng thái (lakkhaṇa): Mang lợi ích đến người khác.

- Phận sự (rasa): Có sự kiên định vững chắc.

- Thành tựu (paccupaṭṭhāna): Tâm hướng đến lợi ích cao nhất.

- Nhân cần thiết (padaṭṭhāna): Lòng bi mẩn (karuṇā) và trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla ñāṇa).

Giải:

Về trạng thái (lakkhaṇa).

Có hai loại trạng thái (tướng trạng):

- Trạng thái chung hay trạng thái phổ thông (samañña sabhāva):

Là trạng thái mà các pháp đều có. Như năm giới có đặc tính chung: "đem cho sự không sợ hãi, đem cho sự không hận thù, đem cho sự không tổn hại"[7].

- Trạng thái riêng (visesa sabhāva):

Chỉ cho nét đặc trưng riêng mà pháp khác không có. Như đất có trạng thái cứng hay mềm, lửa không có trạng thái này, lửa chỉ có trạng thái nóng hay lạnh, ngược lại trạng thái nóng hay lạnh không có đối với đất.

Trạng thái của pháp Balamật là "trạng thái riêng" không phải là trạng thái chung của các pháp thiện.

Tuy pháp Balamật cũng là pháp thiện, nhưng pháp thiện có khi là pháp Balamật, có khi không phải là pháp Balamật.

Như khi bố thí tâm mong hưởng lại tài sản cõi người, cõi trời… đó là pháp thiện. Chỉ khi nào hướng đến thành tựu giải thoát khỏi luân hồi, đó là pháp bố thí Balamật.

Trạng thái chung của pháp Balamật là: Khi thực hiện việc lành nào đó, tâm luôn hướng về lợi ích người khác.

Đó là một trong những phương thức có tính lìa bỏ "ái ngã" (atta taṅhā).

"Không ai thương mình bằng chính mình", nhưng trong thời điểm ấy, sự nắm giữ "cái ta" được buông bỏ. Và có buông bỏ "cái ta" mới "đến bờ kia".

Vị Bồ tát khi thực hành pháp bố thí Balamật chẳng hạn, Ngài thường suy nghĩ "người này nhận được tài sản này, sẽ có lợi ích như vầy, như vầy…"

Hay khi trì giới sẽ nghĩ " Giới không sát sanh được hành trì, sẽ mang lợi ích đến chúng sanh khác như : chúng sanh khác sẽ không bị tổn hại, không có lo sợ…"

Hoặc khi thực hành trí tuệ Balamật thì suy nghĩ "khi (học hay hành) thông suốt các pháp tốt đẹp, ta sẽ giảng dạy cho mọi người cùng biết để học tập hay thực hành"…..

Về phận sự (rasa).

Có hai loại phận sự:

- Phận sự phải được thực hiện (kiccarasa): Là việc cần phải làm.

- Phận sự làm thành tựu (sampattirasa): Là việc đang làm, cần phải hoàn tất.

Như phước (puñña) có phận sự tẩy sạch tội lỗi, đó là phận sự cần phải làm.

Sau khi vô hiệu hóa tội lỗi, phước "tạo ra những lợi ích", là "phận sự làm thành tựu".

Hoặc ví dụ như: Căn nhà dơ bẩn, "cần phải quét dọn cho sạch", là phận sự phải làm. Trong khi quét dọn, "phải quét dọn cẩn thận", là phận sự làm thành tựu (sạch sẽ).

Như vậy, các pháp Balamật có hai phận sự:

- Phận sự cần phải làm: "giúp đở người khác".

- Phận sự làm thành tựu: "có được sự kiên định vững chắc".

Giúp đở người khác là việc làm thiết thực nhất của vị Bồ tát. Khi có người đến yêu cầu cho dù đó là kẻ thù, Ngài vẫn sẵn sàng giúp đở.

Thật ra, giúp đở "người thân" là việc làm rất dễ dàng, giúp đở người "xa lạ", khả dĩ vẫn làm được, như những người làm việc từ thiện xã hội….

Nhưng "kẻ thù" đến nhờ giúp đở mà vẫn sẵn sàng, quả thật là điều cao thượng và có lòng vị tha rất lớn.

Chính pháp Balamật đã mở rộng tâm của vị Bồ tát, giúp cho vị ấy thực hiện được việc này. Đó chính là phận sự cần làm của pháp Balamật, và đỉnh cao của phận sự này là "giúp đở đến kẻ thù".

Thế nào là "kiên định vững chắc"?.

Một người thực hiện pháp giữ giới "không nói dối" chẳng hạn, khi thì chân thật lúc lại "tráo trở" để che dấu, hay khi hành thiền tịnh, ban đầu thì tinh cần sau đó lại buông xuôi, người này không có "kiên định vững chắc".

Bồ tát khi làm đạo sĩ Khantivādi tuyên bố "thuyết giảng về sự nhẫn nại", cho dù bị vua ác đánh đập, chặt tay, chặt chân Ngài, Ngài vẫn không thay đổi lời tuyên bố. Đó là "kiên định vững chắc".

 Như Phật ngôn dạy:

"Yathindakkhīlo paṭhaviṃ sito siyā.
Catubbhi vātebhi asampalampiyo.

Như cây cột trụ đá
Khéo y tựa (sito) lòng đất.
Dầu có gió bốn phương.
Cũng không thể giao động".
[8]

"Kiên định vững chắc" còn nêu lên ý nghĩa "thường xuyên hành trì", hay "kiên trì thực hành, không hề lơ đểnh bỏ phế".

Sự kiên trì thực hành Tứ niệm xứ là điển hình cho phận sự làm thành tựu của Balamật.

Nói cách khác, Bồ tát khi thực hiện pháp thiện nào đó, Ngài luôn thực hiện mỗi khi có cơ hội.

Như khi Bồ tát rao truyền "ai xin gì ta sẽ cho", nếu có ai xin sinh mạng, Ngài vẫn cho mà không hề lui bước. Đây là ý nghĩa "kiên định vững chắc".

Về thành tựu (paccupaṭṭhāna).

Có hai loại thành tựu: Thành tựu từ kết quả của phận sự (phala paccupaṭṭhāna) và "hiện khởi riêng".

Chữ paccupaṭṭhāna (thành tựu) được phân tích thành:

Paccupaṭṭhāna = pati + upa + căn ṭhā.

Tiếp đầu ngữ pati nghĩa là riêng rẻ, upa là gần, căn ṭhā là "đứng yên" [9].

Vì "có cái riêng biệt đứng yên bên cạnh (thành tựu từ phận sự)", nên paccupaṭṭhāna còn có nghĩa "hiện khởi riêng".

Như lửa có phận sự "làm chín" sắc pháp, "già" là thành tựu từ kết quả của phận sự lửa.

Ngoài ra, lửa còn làm cho sắc pháp trở nên "mềm mại dễ uốn nắn", như sắt nhờ lửa làm cho mềm, giúp người thợ rèn tạo ra những vật dụng hữu dụng như búa, rìu… Đây là "hiện khởi riêng".

Hay ví như viên ngọc bị bụi bám, một người lau sạch bụi khiến viên ngọc có hai thành tựu:

- Sạch bụi (là thành tựu từ phận sự) và

- Bóng sáng (là hiện khởi riêng).

Các pháp Balamật có hai loại thành tựu:

- Thành tựu từ phận sự: là nâng đở thiện pháp.

- Hiện khởi riêng:"Tâm hướng đến lợi ích cao nhất" (ám chỉ tâm hướng đến Nípbàn).

"Nâng đở thiện pháp" là giúp cho những thiện pháp đã tạo ra ngày càng vững mạnh.

Lẽ thường, một việc gì thường lập đi lập lại, về sau thực hành việc ấy càng nhanh chóng, hay như kho thóc, kho đậu… mỗi ngày cứ tăng thêm lượng thóc, đậu… thì kho chóng đầy.

Cũng vậy, nhờ kiên trì thực hiện các thiện pháp, nên các thiện pháp mỗi ngày càng nhiều hơn, càng vững mạnh hơn và đây là "thành tựu từ phận sự".

"Tâm hướng đến lợi ích cao nhất":

Hướng tâm đến lợi ích tha nhân với tấm lòng vị tha cao tột, hẳn nhiên Bồ tát suy gẫm đến những lợi ích cao nhất của pháp thiện đang thực hành.

Khi suy tư về một điều nào đó, trong tâm Bồ tát sẽ hiện khởi riêng một đối tượng để xem xét, thuật ngữ Phật học gọi là cảnh pháp (dhammārammaṇa).

Suy tư đến cảnh pháp là suy tư đến trạng thái, phận sự, kết quả và nguyên nhân của vấn đề đang suy gẫm.

Như khi suy xét "phước là gì?", trong tâm sẽ hiện khởi: đặc tính của phước là "trong sạch", phận sự của phước là "vô hiệu hóa tội lỗi", thành tựu của phước là "sản sinh ra những lợi ích đáng hài lòng", nguyên nhân cần thiết giúp cho phước sinh lên là "tâm gần với pháp thiện".

Nhờ suy gẫm Bồ tát thấy rằng: Có hai loại lợi ích: Lợi ích dẫn đến ô nhiễm tâm và lợi ích không dẫn đến ô nhiễm tâm.

Lợi ích dẫn đến ô nhiễm tâm là khi nghĩ đến mình (atta), lợi ích không ô nhiễm là "khi nghĩ đến tha nhân với tâm vô vị lợi".

Chính nhờ suy gẫm thấy được "lợi ích không ô nhiễm", đã nâng đở tâm Bồ tát tiếp cận với loại lợi ích này.

Và dĩ nhiên Ngài chọn lấy lợi ích không ô nhiễm, là "lợi ích cao nhất".

Lại nữa, lợi ích không ô nhiễm sẽ dẫn đến Nípbàn.

Đức phật có dạy:

"Aññā hi lābhūpanisā.
Añña nibbānagāminī
Bhikkhu Buddhassa sāvako.
Sakkāraṃ nābhinandeyya.
Vivekaṃ anubrūhaye.

 "Khác thay, duyên thế lợi.
Khác thay, đường Nípbàn.
Tỳ khưu, đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng trí.
Chớ ưa thích cung kính.
Hãy tu hạnh viễn ly.
"
[10]

Một người tạo phước, nhưng tâm không hướng đến Nípbàn, không hướng đến sự "giải thoát sanh, già, bịnh, chết". Phước ấy không gọi là phước Balamật, vì loại phước này không nâng tâm đến lợi ích cao nhất.

"Này các tỳ khưu, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ngươi như sau: "Chư hiền, có phải Sa môn Gotama sống phạm hạnh để được sanh lên cõi trời". Này các tỳ khưu, được hỏi như vậy, các ngươi có bực phiền (aṭṭiyeyyātha), tủi nhục (barāyeyyātha), chán ngấy (jiguccheyyātha) hay không?.

- Thưa có, bạch Thế Tôn."…[11]

Về nguyên nhân gần (padaṭṭhāna).

Nguyên nhân gần là nguyên nhân tác động mạnh nhất cho pháp ấy khởi sanh, như "tác ý khéo (yoni so manasikāra) là yếu tố trực tiếp và mạnh nhất để tâm thiện sanh lên".

Nguyên nhân gần của pháp Balamật là: "có tâm đại bi (mahākaruṇā) và trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla ñāṇa)".

"Tâm bi mẫn (karuṇā- lòng trắc ẩn )" là nền tảng trước tiên cho pháp Balamật khởi lên, vì rằng: Không có tâm bi (karuṇā) thì trạng thái "hướng đến lợi ích cho người khác" không thể có, không có trạng thái (tướng trạng) đồng nghĩa pháp Balamật không hình thành, có chăng chỉ là pháp thiện.

 "Trí thiện xảo trong phương tiện" cũng là nguyên nhân cần thiết để pháp Balamật sinh khởi.

Vì rằng: người không có trí thiện xảo trong phương tiện, khi tạo việc phước sẽ nghĩ đến những lợi ích của phước báu, để rồi đắm nhiễm trong an lạc thế gian, không thể chuyển phước ấy trở thành pháp Balamật.

Thiện xảo (hay thông thạo) (kosalla) có ba là:

- Thông thạo trong tấn hóa (āyakosalla).
- Thông thạo trong sự suy thoái, tai hại (apāyakosalla).
- Thông thạo trong phương tiện (upāya kosalla).

Chính trí thiện xảo này thông hiểu phương án tiến hóa cùng phương án thối hóa và sẽ chọn lấy phương án tối ưu nhất, để có lợi ích cao nhất.

Đối với việc có hại (vì một lý do khách quan hay vì lợi ích chung phải làm, như Đức vua phải phạt kẻ phạm luật nước…), trí này sẽ chọn cách ít tổn hại nhất. Đối với việc tốt, trí này sẽ chọn điều lợi ích lớn nhất.

Trí thiện xảo trong phương tiện là như thế.

 


[1] - Dhp, câu 203.

[2] - M.i, Kinh Niệm xứ (satipaṭṭhānasutta).

[3] - Đại Đức Giác Giới - Tầm nguyên ngữ căn Pāli.

[4] - Dại trưởng lão Hộ Tông (soạn)- Thập Độ - Bồ Tát Mahā Javaka

[5] - J.A- Phẩm ba kệ, tiền thân Satapatta ( Bổn sanh số 279).

[6] - Dhp, câu số 85- 86. HT. Thích Minh Châu dịch.

[7] - A.iv, 245.

[8] - Sn. (Ratanasutta) Kinh Châu báu. HT. Thích Minh Châu dịch.

[9] - Đại Đức Giác Giới - Tầm nguyên ngữ căn.

[10] - Dhp - kệ ngôn số 75 – HT. Thích Minh Châu dịch.

[11] - A.i, 115.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 09-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 25-09-2004