Toa thien Chi Quan - 1
[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Pháp Yếu Tu Tập - Tọa Thiền Chỉ Quán

Nguyên tác: Trí-Khải Ðại-Sư
Dịch giả: Thích-Thanh-Từ


Chương I

Phần Duyên Khởi


Chớ làm các việc ác,
Tuân hành các điều lành,
Tự lóng tâm ý mình,
Ðây lời chư Phật dạy.

Nói về pháp Niết-bàn, nhập ắt có nhiều lối. Lối cần-thiết nhanh chóng nhất, không ngoài chỉ và quán. Sở-dĩ như thế, vì chỉ là cửa đầu để dẹp kiết, quán là con đường chánh-yếu để đoạn hoặc. Chỉ là phương-pháp hay nuôi lớn tâm-thức, quán là diệu-thuật dẫn khởi thần-giải. Chỉ là thắng-nhơn của thiền-định, quán là chỗ nương tựa của trí-huệ. Nếu người thành-tựu hai pháp định và huệ, ấy là pháp tư-lợi, lợi-tha đầy-đủ. Cho nên kinh Pháp-Hoa chép: "Phật ở trong Ðại-thừa, như pháp minh đã chứng, sức định, huệ trang-nghiêm, lấy đó độ chúng-sanh". Phải biết hai pháp nầy như hai bánh, như chim hai cánh, nếu tu tập chênh lệch liền rơi vào tà đảo. Kinh chép: "Nếu thiên tu thiền-định phước-đức, không học trí-huệ, gọi đó là ngu; thiên học trí-huệ, không tu thiền-định phước đức, gọi đó là cuồng". Lỗi cuồng, ngu tuy có chút ít khác, nhưng về tà-kiến luân-chuyển đâu có sai biệt. Nếu tu không đồng đều, tức là hành không tròn vẹn, thì làm sao chóng lên cực quả. Kinh lại chép: "Người Thinh-văn vì định-lực nhiều, không thấy Phật-tánh. Hàng Thập-trụ Bồ-tát trí huệ lực nhiều, tuy thấy Phật tánh mà không rõ-ràng. Chư Phật Như-Lai định-huệ lực đồng, nên thấy Phật-tánh rõ ràng". Lấy đây mà xét, chỉ-quán đâu không phải cửa thẳng tắt đến đại quả Niết-bàn; là con đường tốt để người tu-hành tiến bước, là chỗ chung hội của muôn ngàn công-đức; là chánh thể của cực-quả Vô-thượng.

Nếu biết như thế, pháp-môn chỉ-quán thật chẳng phải tầm thường. Muốn tiếp dẫn những kẻ sơ-cơ, pháp mê-mờ mà tiến đạo, phải nương chỉ-quán mà hướng dẫn. Nhưng nói thì dễ mà thật-hành rất khó, nên không thiết bàn nhiều về lý cao sâu. Nay lượt trình-bày mười ý, để chỉ lối cho kẻ sơ tâm hành-đạo biết hướng tiến lên nất thang chánh đạo, đi vào ngôi nhà Niét-bàn. Hành-giả nên tự thấy thực hành khó được, chớ chê văn nầy thiển-cận. Nếu ý nghĩ, lời nói hợp nhau, chỉ trong chớp mắt trí-đức, đoạn đức khó lường, thần giải khôn xiết. Nếu chỉ chấp suông trên văn ngôn, khẩu, ý trái nhau. Như kẻ nghèo đếm của bán cho người, rốt cuộc nơi mình nào có ích gì?

Mười ý:

1- Cụ-duyên
2- Trách dục
3- Xả cái
4- Ðiều-hòa
5- Phương-tiện
6- Chánh tu
7- Thiện phát
8- Tri ma
9- Trị bịnh
10- Chứng quả.

Trình-bày mười ý nầy để rõ lối tu Chỉ-Quán. Ðây là điều-kiện cần-thiết cho kẻ mới học tọa-thiền. Nếu người khéo hội ý tu-tập, khả dĩ an tâm vượt các chướng nạn, được định sanh huệ và chứng vô-lậu thánh quả.


[Mục lục][Chương kế]


[Main Index]

Last updated: 01-06-2000

Web master: [email protected]
[email protected]