Chuyen Phap Luan - 2-1

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế
Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch
Tái bản năm 1995 tại Sài Gòn


Phần II

BỐN CHÂN LÝ CAO SIÊU
(Tứ Diệu Ðế - Ariya Sacca)

-ooOoo-

XIN ÐỘC GIẢ LƯU Ý KHI BƯỚC VÀO NỘI DUNG

- Chữ đứng là những câu Phật ngôn.

- Chữ nghiêng là lời giải thích của Ðại đức Nyanatiloka và của soạn giả.

- Số và chữ bên lề ghi những phẩm của Tạng Kinh:

D ... Digha Nikàya (Trường Bộ)
M ... Majjhimà Nikàya (Trung Bộ)
A ... Anguttara Nikàya (Tăng Chi)
S ... Samyyutta Nikàya (Tương Ưng)
DHP ... Dhammapada (Pháp Cú)
UD ... Udàna (Phật Tự Thuyết)
IT ... Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy)
SUP ... Sutta Nipàta (Kinh Tập)
VM ... Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo)

-ooOoo-

M. 141 - "Hỡi các Tỳ Khưu! Ðấng trọn lành, Ðấng siêu việt, Ðấng hoàn Toàn Giác Ngộ đang xây dựng tại vườn Lộc Giả (Isipatana) gần thành Bàranasì một giang sơn tuyệt vời về chân lý mà trong khắp các giới: Ðạo sĩ, Bà La Môn, Phạm Thiên, người, Ma Vương, A Tu La hay một ai khác không sao phủ nhận.

Ðấng Chí tôn đã công bố, khai sáng chỉ dẫn, giải thích đúng theo thực tế về 4 chân lý cao siêu như thế nào?

Chân lý cao siêu về sự Khổ.
Chân lý cao siêu về nguyên nhân sự Khổ.
Chân lý cao siêu về sự dứt Khổ.
Chân lý cao siêu về con đường đưa đến nơi dứt Khổ".

S. 54 - Ðức Thế Tôn thuyết: "Này các đệ tử! Trước khi thành đạt trí tuệ cùng tột và 4 chân lý cao siêu chưa phát hiện rõ rệt, đã hèn lâu ta nghi ngờ về tư cách Giác Ngộ mà từ xưa tới nay, trên khắp thế gian chẳng có hạng chúng sanh nào thông suốt kể cả: Ðạo sĩ, Bà La Môn, Phạm Thiên, Ma Vương, A tu la, nhân loại. Chỉ có khi thấu rõ và thành đạt tuệ giác về 4 chân lý cao siêu ấy, ta mới quả quyết là đã đến nơi hoàn Toàn Giác Ngộ không có chi sánh bằng".

M. 26 - "Rồi Như Lai khám phá ra được chân lý cao thâm huyền diệu đó, rất khó lĩnh hội, khó thông suốt. Nó đem lại an vui tuyệt đối, nhưng không thể thành tựu bằng lý luận và chỉ có bậc hiền triết mới thấu rõ.

Chúng sanh lại chú trọng về những thú vui, say mê trong hỷ lạc, hân hoan trong sự bê tha, không thấu rõ về qui luật về cội rễ của vạn vật, không thông suốt tư cách kết thúc của những vật hữu vi, không chịu huỷ diệt nguyên tố tái sanh, tham muốn để chứng quả Niết Bàn.

Tuy nhiên cũng có hạng chúng sanh với đôi mắt chứa ít bụi nhơ sẽ thấy được chân lý cứu cánh".

-ooOoo-

II-1

CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ SỰ KHỔ
(Khổ đế - Dukkha Ariya sacca)

D.22 - "Thế nào là chân lý cao siêu về sự Khổ?

Tư cách sanh trưởng là Khổ. Sư suy bại Già nua là Khổ, chết là Khổ, Ðau đớn là Khổ. khóc than, phiền não, thất vọng, muốn không được là Khổ. Năm uẩn bảo trì nguồn sống là Khổ".

SANH LÀ THẾ NÀO?

"Trạng thái sanh trưởng của chúng sanh thuộc các giới cấp từ lúc ra đời, sự cấu tạo suốt quá trình đi đến kiếp sống, tư cách bừng tỉnh cả Ngũ Uẩn, cội rễ của đời sống, sự hoạt động của lục căn đều gọi là sanh".

GIÀ LÀ GÌ?

"Trạng thái Già nua của chúng sanh thuộc các giới cấp đã có nhiều tuổi thọ, xác thân rệu rã, suy nhược nhăn nhó, giảm sinh khí, lục căn mòn mỏi đều gọi là Già".

SAO GỌI LÀ CHẾT?

"Tư cách từ biệt sự ra đi vĩnh viễn của chúng sanh thuộc các giới cấp, xác thân tan vỡ hư hoại,nguồn sống đứt đoạn, Ngũ Uẩn phân tán, thân thể không còn, đều gọi là Chết".

THẾ NÀO GỌI LÀ KHỔ SẦU?

"Trường hợp phát sanh phiền muộn vì mất mát, thiệt thòi làm cho điên đảo, hoảng hốt, tủi sầu, thất vọng trong tâm não đều gọi là sầu Khổ".

THAN TIẾC LÀ GÌ?

"Tai nạn sụp đổ, mất mát thiệt thòi về tài sản hay vật quí trọng gây ra phiền muộn âu sầu, bơ vơ luyến tiếc, tủi phận đó là sự than tiếc".

SAO GỌI LÀ ÐAU ÐỚN?

"Xác thân bị hành hạ đánh đập. Gặp việc trái ý nghịch lòng, cảm xúc não nề, không vui thích khi xác thịt đụng chạm, đều làm cho đau đớn".

SỰ KHỔ TÂM?

"Lương tâm cắn rứt, chán ghét vật không vừa ý, cảm giác khó chịu, nhờm chán trong khi xác thân đụng chạm, đó là Khổ tâm".

THẤT VỌNG?

"Là những nguy cơ phát sanh do tai hoạ, mất mát, hư hoại vô phương cứu vãn gọi là thất vọng".

KHỔ VÌ MUỐN MÀ KHÔNG ÐƯỢC

"Ðối với hạng chúng sanh còn mắc trong luân hồi thường có ý nghĩ như vầy: Than ôi! Phải chi ta không bị luân hồi. mong sao ta không khỏi tái sanh nữa!

Hoặc giả đang bị những cảnh: Bệnh tật, Già nua, từ biệt, khổ đau, thất vọng chi phối, chúng sanh đó lại ước mong: "Than ôi! Phải chi những tai hoạ ấy đừng đến với ta! Phải chi ta không vấp phải những điều như vậy!" Nhưng không thể cầu mong suông mà được - lẽ đó sự chẳng toại nguyện là Khổ".

LUYẾN ÁI NGŨ UẨN (KHANDHA)

"Năm uẩn đó là: hình thể (sắc), cảm giác (thọ), chấp nhận vào tâm (tuởng), phối hợp tư tưởng (hành), hiểu biết (thức).

Tư cách chấp trước cho rằng những uẩn ấy là ta, đó là nguồn gốc đem lại muôn vàn thống khổ".

S.21- "Hiện tượng vật chất nào, bất cứ ở nơi ta, dù nó thanh cao hèn hạ, ở xa hay gần, đều thuộc sắc uẩn làm cho phát sanh luyến ái.

Thọ thuộc uẩn thọ.
Tưởng thuộc về uẩn tưởng.
Hành thuộc về uẩn hành.
Thức thuộc về uẩn thức".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYNATILOKA (theo Abhidhamma - Vi Diệu Pháp)

Cái mà chúng ta gọi là đời sống cá nhân, trên thực tế chỉ là một chuỗi dài các trạng thái về thể xác (vật chất) và tâm thức (tinh thần) được gọi là danh và sắc (nàmarùpa). Những trạng thái đó có từ vô thỉ trước kiếp sống hiện tại và sẽ tiếp tục mãi sau khi chết, và cứ như thế trong thời gian vô cùng tận. Các uẩn kể trên dù riêng rẽ hay phối hợp nhau lại, cũng chẳng phải là một "thực ngã" (Entité-Ego, tiếng Palì  là Atta), mà cũng không có một thực ngã nào ở bên ngoài. Tin tưởng vào một thực ngã trong mỗi con người là sự mơ hồ lầm lẫn.

Cũng như chúng ta đặt tên vật nọ là cái xe. Thật ra cổ xe đó không sao thể hiện được nếu chẳng có sự chấp nối của nhiều bộ phận khác nhau như: thùng xe, vành, trục, cần v.v... hoặc giả cái nhà là tổ hợp của vật liệu và kiểu mẫu, bằng phương thức khác nhau, chớ không có gì "thực thể của cái nhà".

Nói về sự vật hay con người cũng thế. Ðây là sự cấu hợp của các hiện tượng vật chất và tâm lý bị thay đổi không ngừng và những hiện tượng đó chẳng có tình trạng tồn tại nào cả.

SẮC UẨN HAY LÀ UẨN VỀ THỂ XÁC LÀ THẾ NÀO?

M.28 - "Là 4 nguyên tố căn bản mà xác thân tuỳ thuộc vào đó: Chất rắn chắc, chất lưu động, chất nóng và chất rung chuyển".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYNATILOKA (theo Abhidhamma)

Nói rõ hơn, những nguyên tố trên đây là bốn chất đơn giản. Theo Phạn ngữ Pàli là: Pathavi dhàtu. Apo dhàtu, Tejo dhàtu và Vayo dhàtu, có nghĩa là: bất động, kết hợp, rọi sáng và rung chuyển.

Theo Abhidhamma, xác thân có 24 tinh chất tuỳ thuộc vào các nguyên tố đó là: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân thể, sắc tướng, âm thanh, mùi vị, phái nam, phái nữ, sinh lực, cơ quan, tư tưởng, điệu bộ, lời nói, khoảng trống (như lỗ mũi, lỗ tai v.v...) nhậm lẹ, dẻo dai, đồng hoá, tiến triển thời gian, già nua, sai biệt biến chất.

1) Nguyên tố rắn chắc (Pathavi-dhàtu) - Đất

Những chất mang tính cách rắn chắc hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan.

Chất nào ở trong thân ta có tánh cách cứng rắn chắc đều là chủ quan, như: tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, hoàn cách mạc, lá mía, phổi phèo, bao tử, ruột, phẩn và tất cả những gì mang tánh cách như vậy đều gọi là "nguyên tố rắn chắc chủ quan", còn ở ngoài ta thì gọi là "khách quan". Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là "nguyên tố rắn chắc" Mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: "Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta".

2) Nguyên tố lưu động (Àpo-dhàtu) - Nước

Những chất mang tánh cách lưu động hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan. Chất nào ở trong thân ta có tánh cách lưu động; ướt mềm đều là chủ quan như: mật, đàm, mũ, máu, mùi hôi, nước mắt, nước mũi, nước giãi, nước tiểu, huyết thanh, nước khớp xương, và tất cả những gì mang tánh cách như vậy đều gọi là "nguyên tố lưu động chủ quan", còn ở ngoài ta thì gọi là "khách quan". Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là "nguyên tố lưu động" mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: "Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta".

3) Nguyên tố nóng (Tejo-dhàtu) - Lửa

Những chất mang tánh cách nóng hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan. Nguyên tố nào ở trong thân ta có tánh cách phóng quang, nóng đều là chủ quan như những trạng thái ấm áp, đun đốt, rọi sáng do những vật thực ăn uống đưa vào được nhai nếm, tiêu hoá làm phát sanh phóng quang và hơi nóng, và tất cả những gì mang tách cách như vậy đều gọi là "nguyên tố nóng chủ quan", còn ở ngoài ta thì gọi là "khách quan". Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là "nguyên tố nóng" mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: "Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta".

4) Nguyên tố rung chuyển (Vàyo-dhàtu) - Gió

Những chất mang tánh cách rung chuyển hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan. Nguyên tố nào ở trong thân ta có tánh cách lay động, bốc hơi, rung chuyển, đều là chủ quan, như những luồn hơi di động lên xuống trong châu thân, hơi trong dạ dày, ruột, hơi thở ra vô, và tất cả những gì mang tách cách như vậy đều gọi là "nguyên tố rung chuyển chủ quan", còn ở ngoài ta thì gọi là "khách quan". Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là "nguyên tố rung chuyển" mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: "Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta".

Cũng như cái nhà bằng đất thành hình do gỗ, sậy, bùn trộn lộn với nhau, cái mà chúng ta gọi là xác thân chỉ là sự phối hợp của xương, thịt, gân, da, máu v.v...

-ooOoo-

SỰ BỪNG DẬY CỦA "THỨC HIỂU BIẾT"

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYNATILOKA

Với đôi mắt toàn vẹn, nhưng với đôi mắt bên ngoài không lọt vào vòng nhãn quan và chẳng có trường hợp đặc biệt hoạt động, thì sự hiểu biết không sao phát sanh đặng (như nhìn trong đêm tối).

Hoặc giả với đôi mắt toàn vẹn, có hình sắc bên ngoài lọt vào nhãn quan nhưng không có trường hợp đặt biệt hoạt động thì cũng chẳng phát sanh sự hiểu biết (mở mắt lúc ngủ hay chết).

Chỉ khi nào với đôi mắt toàn vẹn, mà có hình sắc bên ngoài lọt vào vòng nhãn quan và có trường hợp đặt biệt hoạt động thì trạng thái hiểu biết của mắt (nhãn thức) mới bừng dậy.

M.38 - "Hãy nghe Như Lai thuyết đây:

Tư cách bừng dậy của cái "Thức hiểu biết" tuỳ thuộc nhiều trạng thái, bằng không thì sự hiểu biết chẳng thế nào phát sanh được". Ðây là các loại thức hiểu biết:

- Nhìn xem và hình sắc đánh thức sự hiểu biết của mắt: "Nhãn thức" (Cakkhu-Vinnàna)
- Nghe và âm thanh đánh thức sự hiểu biết của tai: "Nhì thức" (Sota-Vinnàna)
- Ngửi và mùi đánh thức sự hiểu biết của mũi: "Tỹ thức" (Ghana-Vinnàna)
- Nếm và vị đánh thức sự hiểu biết của lưỡi: "Thiệt thức" (Jìhà-Vinnàna)
- Ðụng chạm và hình thể đánh thức sự hiểu biết của thân: "Thân thức" (Kaya-Vinnàna)
- Trí óc và tư tưởng đánh thức sự hiểu biết của ý: "Ý thức"(Mano-Vinnàna)

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨCNYANATIOKA (theo Abhidhamma)

Về khía cạnh tâm lý hình sắc thể hiện được là do sự nhận xét của nhãn thức. Ví dụ một vật gì không thể phát hiện được với cặp mắt suông mà phải tùy thuộc vào sự nhận xét và tưởng của chúng ta xuyên qua ánh sáng và màu sắc. Theo khoa vật lý học đó là những năng lượng di chuyển theo lượn sóng ánh sáng gây phản ứng của những hóa chất và vật chất trong nhãn quan như dây thần kinh của đôi mắt chẳng hạn làm phát sanh cảm giác về màu sắc. Âm thanh cũng thế, nó tuỳ thuộc cảm giác của chúng ta. Căn bản vật chất về âm thanh chỉ là năng lượngdo sức đẩy của hơi gió đưa vào màng tai, va chạm với dây thần kinh của nhĩ quan làm cho chúng ta cảm nghĩ rằng đó là tiếng động.

Căn bản vật chất của mùi là hơi khói, của hương vị là những thành phần về hoá chất,  v.v... Như vậy cả 5 sắc trần được thể hiện là do suy tưởng của "ý thức" (Mano-Vinnàna) mà ra.

Ðể kết luận, những hình ảnh thấy được khi đổi mắt mở là do nhãn thức và lúc nhắm mắt lại là do tâm thức (hay ý thức).

Mê sản hay mộng mị trong khi ngủ liên hệ đến tâm thức chứ chẳng ăn thua gì tới nhãn quan hay nhĩ quan.

M.28 - "Sắc trần xâm nhập vào tâm khơi động những trạng thái tuỳ thuộc "sắc uẩn" làm phát sanh luyến ái và ngã chấp về đời sống.

Tư cách cảm giác xâm nhập vào tâm, khơi động những trạng thái tuỳ thuộc "thọ uẩn" làm phát sanh sự luyến ái vàngã chấp về đời sống.

Sự thoả thích chấp nhận sự xâm nhập vào tâm khơi động những trạng thái tuỳ thuộc "tưởng uẩn" làm phát sanh sự luyến ái và ngã chấp về đời sống.

Sự phối hợp tư tưởng khơi động những trạng thái tuỳ thuộc "hành uẩn" làm phát sanh sự luyến ái và ngã chấp về đời sống.

Sự nhận xét hiểu biết xâm nhập vào tâm, khơi động những trạng thái tuỳ thuộc "thức uẩn" làm phát sanh sự luyến ái và ngã chấp về đời sống."

CẢ 5 UẨN ÐỀU LIÊN TỤC TUỲ THUỘC LẪN NHAU

"Không một ai có thể giải thích được khởi điểm của đời sống từ lúc nào, giai đoạn chuyển tiếp của kiếp này qua kiếp khác ra sao và tư cách nẩy nở, tiến triển của tâm thức nếu không căn cứ vào sự liên quan tuỳ thuộc thường xuyên giữa năm uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức"

BA ÐIỂM NÃO NỀ CỦA ÐỜI SỐNG

S.21(5) - "Tất cả những vật cấu tạo đều mang tánh cách "vô thường" (Anicca) và những vật phối hợp đều là "khổ não" (Dukkha), không có thực ngã hay "vô ngã" (Anatta).

Sắc là giả tạm. Thọ là giả tạm. Tưởng là giả tạm. Hành là giả tạm. Thức là giả tạm.

Lẽ tất nhiên, những gì có tánh cách tạm thời đều bị sự thống khổ chi phối và thay đổi triền miên. Bởi vậy ta không thể quả quyết rằng "đó là ta, đó là của ta, đó là bản ngã"

S.21 (6) - "Ví dụ người kia nhìn xem tường tận những quả bóng nước trôi trên sông Hằng (Gange). Sau khi quan sát chu đáo,người ấy thấy rằng những quả bóng đó đều trống rỗng, không thực tế và chẳng có bản chất rõ rệt nào cả.

Cũng như thế ấy, thầy Tỳ Khưu chăm chú quán tưởng về các uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức dù thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù là xa hay gần. Thầy Tỳ Khưu quan sát chu đáo (diễn biến của 5 uẩn) và hiểu rằng đó là không thực tế, là rổng không, chẳng có thực ngã".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Theo ý nghĩ tuyệt đối (Paramattha) những lượng sóng trên mặt biển chuyển động thay đổi triền miên thì năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng là những trạng thái uyển chuyển thường xuyên và liên hệ với nhau chớ không có một thực ngã riêng biệt.

S.21 (3) - "Kẻ nào vui thích trong năm uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức, thực ra kẻ đó vui thích với các điều thống khổ và chẳng mong dứt khổ đặng".

Hãy nghe Như Lai thuyết đây:

DHP. 146-48 - "Nào đâu có lạc thú, có vui thích gì khi chỉ thấy toàn là lửa đang thiêu đốt tất cả! Bị bóng tối bao trùm, tại sao các ngươi không chịu tìm ánh sáng?

Hãy nhìn xem cái hình nộm này, cái đống rác thối bẩn chứa đầy tham dục này mà trong đó chẳng có gì là trường cửu.

"Sắc tướng thật mỏng manh! Nó là cái ổ thối tha chứa đầy bệnh tật. Cái xác thân hư hỏng này có giới hạn và sự chết là nơi cuối cùng của đời sống".

BA ÐIỀU CẢNH CÁO

A. III (35) - "Vậy các ngươi không có khi nào gặp một người đàn ông hay đàn bà 80, 90 hoặc 100 tuổi sao? Người ấy thân hình cong quẹo như cây đà trên góc mái nhà, lưng còm xuống đất, tay rung chống gậy, bước đi khập khễnh xác thân tàn phế, tuổi xuân biến dạng từ lâu, răng cỏ chẳng còn, tóc bạc lơ thơ, đôi sợi hay rụng sạch, chân tay cong gù như những mắt cây?

Rồi không lúc nào các ngươi nghĩ rằng mình cũng sẽ già nua như thế và không tránh khỏi nạn già sao?"

Vậy các ngươi không có khi nào gặp trên thế gian này một người đàn ông hay người đàn bà đau nặng sao? Người ấy bệnh tình nguy ngập, khổ sỡ trăm bề, nằm liệt trên vật ô trược của chính mính, phải nhờ người thân bồng bế lên giường.

Rồi không lúc nào các ngươi nghĩ rằng mình cũng mang bệnh tật như thế và không tránh khỏi sao?"

"Vậy các ngươi không có khi nào gặp trên thế gian này một xác chết đàn ông hay người đàn bà sao? Người ấy đã chết 2, 3 hôm rồi. Thân thể sình lên, mùi thúi xông ra khó chịu và đã bắt đầu rệu rã.

Rồi chẳng có lúc nào các ngươi nghĩ rằng thế nào mình cũng phải chết và không tránh khỏi sao?"

VÒNG SANH TỬ LUÂN HỒI (Samsara)

S.14 (1) - "Thật ra không sao biết được tư cách sanh diệt và chuyển kiếp bắt đầu từ lúc nào? Người ta cũng không khám phá được khởi điểm về đời sống của chúng sanh ra sao? Chúng sanh bị màn "Vô Minh" bao trùm mờ ám, bị sa vào bẫy ái dục, chen lấn, xô đẩy nhau, hối hả xông vào bánh xe sanh tử".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Theo Phạn ngữ Pali, tiếng SAMSARA có nghĩa: "Tư cách lang thang trôi dạt triền miên." Ðây là danh từ ám chỉ cái biển về nguồn sống, với những lượng thuỷ triều dâng lên cao rồi hạ xuống thấp không ngửng nghĩ biểu hiện một lịch trình liên tục dài vô hạn định của những trạng thái: sanh, lão, bệnh, tử. Và cứ như thế không có ngày chấm dứt, nói rõ hơn Samsara là một chuổi dài sanh tử, không có đoạn cuối cùng do sự hoạt động liên hệ và thay đổi thường xuyên của năm uẩn trãi qua những thời gian vô cùng vô tận không sao thấu nỗi. Trong bánh xe luân hồi, mỗi kiếp sống chỉ là một điểm rất nhỏ không giấu được. Vậy muốn thấy rõ cái điểm thứ nhất "Khổ đế" trong Tứ Diệu Ðế, chúng ta nên nhìn vào trọn cái bánh xe luân hồi chớ không phải chỉ để ý vào một kiếp sống mà thôi; bởi vì đôi khi, kiếp sống đó ít đau khổ và lạc quan.

(Samsara, "Vòng luân hồi", có tánh cách biến chuyển và thay đổi. Vậy đối tượng của nó là Nibbana, "Niết Bàn", luôn luôn cố định và trường cữu).

S. 14 (2) - "Các ngươi nghĩ xem bên nào nhiều hơn, nếu đem so sánh với nước trong biển cả,những giọt nước mắt tuôn ra suốt cuộc hành trình dài đẳng từ khi các ngươi chen lấn hối hả nhảy vào vòng sanh tử? Thêm vào đó, các ngươi đã than khóc quá nhiều vì phải chung chạ với những vật không vừa ý và phải xa lìa những vật thân yêu trìu mến".

"Trãi qua thời gian vô tận, các ngươi đã khổ đau vì cha hết, mẹ chết, vì phải mất những đứa con trai, con gái, vì ly biệt anh em, chị em. Trên con đường thiên lý, các ngươi đã đổ ra biết bao nhiêu giọt lệ, nhiều hơn nước trong bốn biển".

"Các ngươi nghĩ xem bên nào nhiều hơn, những dòng máu đỏ từ thân xác các ngươi chảy ra vì bị đánh đập, tàn sát suốt cuộc hành trình dài đẳng còn nhiều hơn nước trong bốn biển".

"Ðã bao phen, các ngươi bị trừng phạt vì trộm cướp, lưu linh lung địa, hãm dâm. Các ngươi bị tra tấn hành hình, máu đổ ra nhiều hơn nước trong bốn biển".

"Mà tại sao như thế được?"

Thật không biết nỗi, sự lang thang trôi dạt bắt đầu từ đâu và chúng sanh xuất hiện từ lúc nào? Chúng bị màn vô minh bao phủ, bị sa vào bẫy ái dục, chen lấn nhau, hối hả nhảy vào vòng sanh tử.

Lẽ đó, từ vô thỉ các ngươi phải mang số phận điêu linh, thân xác bị dày ò, gánh nặng nhiều đau khổ và đã phơi xác trên khắp các bãi tha ma.

"Ái dục tạo ra sự sống phát sanh đã lâu rồi! Lẽ đó, các ngươi cũng phải dày công khó nhọc lâu như thế, thì mới mong huỷ diệt được bánh xe sanh tử".

-ooOoo-

II-2

CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ NGUYÊN NHÂN SỰ KHỔ.
(Tập đế - Dukkha Samudaya Ariya Sacca)

D.22 - "Chân lý cao siêu về dục khát khao muốn được tái sanh thêm nhiều kiếp mới để tìm thú vui, tìm tham vọng, tìm hưởng những khoái lạc mới trong nơi này hay nơi khác".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Theo ý nghĩa tuyệt đối không phải thật sự một chúng sanh, một cái ta bất di bất dịch hay là một thực ngã đi tái sanh. Thật ra chẳng có một vật gì giữ nguyên tình trạng trong hai chập liên tiếp. Vì năm uẩn (Khandhas) tạo thành kiếp sống luôn luôn thay đổi, hết sanh rồi diệt, hết diệt rồi sanh trong mỗi giây không ngừng nghỉ. Lẽ đó không có một vật thể hay một chúng sanh nào mà thực tế, mà chỉ là những diễn tiến không có đoạn kết thúc, một trạng thái thay đổi triền miên, một sự phát triển liên tục. Những trạng thái đó là nguyên nhân đưa đến quả là "sự tái sanh" (Uppatti bhava).

Chuỗi dài diễn tiến của "nhân và quả" có thể đem ra so sánh với những lượn sóng, không có một thành phần nước riêng biệt nào ngao du trên mặt biển. Ảo tưởng về các lượn sóng đang di chuyển, gây cho chúng ta cảm giác rằng đó là một khối nước duy nhất. Nhưng trên thực tế thì đó chỉ là những trạng thái về sự chuyển động của nước biển. Do sức đẩy của gió, nhiều khối nước khát nhau vươn lên cao rồi đổ nặng xuống tạo thành những khoảng trũng. Nước ở các khoảng trũng này cố vươn lên cao để rồi hạ xuống ... và mãi mãi như thế ấy. Cũng như Ðức Phật không dạy có một thực ngã đi tái sanh, mà đó chỉ là những "lượn thuỷ triều của đời sóng". Tuỳ theo hoàn cảnh và hành vi tốt xấu trong mỗi kiếp, chúng sanh xuất hiện làm người nơi này, làm thú nơi khác, hoặc được tái sanh vào những cảnh giới vô hình.

Có 3 cái tâm ái dục:

1) Tham muốn nhục dục (Kàma tanha)
2) Tham muốn được tái sanh (Bhava tanha)
3) Tham muốn thú vui về sắc trần (Vibhava tanha)

Theo kinh Visuddhi-magga (Con đường thanh tịnh) danh từ Bhava Tanha có liên hệ mật thiết với đức tinh về tư cách "Trường tồn", được liệt kê vào Sassata-ditthi (thường kiến), cho rằng có một "thực ngã" tuyệt đối bất di dịch (linh hồn) ở ngoài và không tuỳ thuộc xác thân.

Vibbhava Tanha là hậu quả của sự tin tưởng về Duy Vật, "Uccheda ditthi" (đoạn kiến), cho rằng cái bản ngã hư hỏng này sẽ bị tiêu diệt và nó không liên hệ gì tới thời gian trước kiếp sống và sau khi chết.

D.22 - "Lòng tham dục bắt nguồn từ đâu?

Trên khắp thế gian, bất cứ nơi nào có những trò vui chơi khoái lạc thì lòng tham dục được đánh thức và bắt nguồn từ đó. Mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý, bị kích động say mê rồi bám víu vào đó.

Lòng ham dục bừng dậy và bắt nguồn từ nơi nào đó: Sắc đẹp, tiếng thanh, hương thơm, vị ngon, vật đụng chạm vừa lòng, tình cảm thích hợp.

Lục căn va chạm với lục trần gây ra: Cảm xúc, hăng say, thích thú, ý nghĩ, suy tư hấp dẫn. Lòng tham dục bừng dậy và bắt nguồn từ đó".

M. 38 - "Khi tiếp xúc với sắc tướng, âm thanh, vị hương, thân thể, tình cảm, vừa ý, con người liền bị thu hút và nếu chẳng vừa lòng thì lại cố tránh xa".

NGUỒN GỐC VÀ LIÊN QUAN GIỮA CÁC TRẠNG THÁI ÐƯA TỚI KHỔ ÐAU

"Như thế, bất cứ loại cảm giác (thọ) nào thuờng phát sanh, dù thích thú hay bình thường, con người cũng say mê ôm ấp, bám díu lấy nó và đánh thức lòng tham muốn. Tư cách vừa lòng và luyến ái đối với vật gì có nghĩa là tưng tiu ôm ấp kiếp sống. Chính sự luyến ái này gây ra cái nghiệp đưa tới "tái sanh" rồi tuần tự lôi kéo gây ra cái nghiệp đưa tới "Tái sanh" rồi tuần tự lôi kéo muôn ngàn thống khổ như: già nua, bệnh tật, chết chóc, sầu não, khóc than, đau đớn, thất vọng ... nỗi khổ càng thêm chồng chất.

"Ðó là chân lý cao siêu về nguyên nhân sự Khổ".

KHỔ NÃO DẬP DỒN

M. 12 - "Thật ra, chính lòng tham dục là nguyên nhân đưa đến khổ sầu. Bị lòng tham dục chi phối và sai khiến, chúng sanh phải dính mắc và việc gì xảy đến?

Vua chúa tranh chấp với vua chúa, công hầu xung đột với công hầu, đạo sư với đạo sư, dân chúng với dân chúng. Cha mẹ gây gỗ với con. Con hổn ẩu với mẹ cha. Anh em chị em chống đối nhau, bạn bè thù nghịch cùng nhau.

Do đó phát sanh xích mích chia rẽ, cãi vả, xung đột. Kẻ nọ lấn áp người kia, tranh chấp với nhau bằng những quả đấm đá, bằng gậy gộc, bằng khí giới, gây khổ đau, chết chóc tang thương".

Cũng vì tham dục mà có những kẻ hung hăng xông vào nhà người cướp phá, tấn công hành khách trên đường, hãm hiếp phụ nữ. Rồi các tên hung thủ bị nhà cầm quyền bắt bớ tù đày, hành phạt đủ điều. Chúng bị tra tấn hay trảm quyết vì gây ra tội lỗi.

Muôn ngàn thống khổ trong kiếp hiện tại đều do lòng tham dục gây nên. Bị lòng tham dục chi phối, sai khiến chúng sanh sa vào cạm bẫy và hoàn toàn lệ thuộc vào ngũ trần tội lỗi.

Và nếu vẫn tiếp tục như thế, chúng sanh phải đi vào đường xấu xa đê tiện gây nhiều nghiệp dữ do thân, khẩu, ý. Ðến khi chết chúng sẽ bị sa đoạ vào cảnh giới thấp hèn, lọt vào tình cảnh khổ đau, bị lôi sâu xuống hố thẳm của địa ngục. Ðó là nỗi khốn cùng của lòng tham dục gây ra biết bao thống khổ trong kiếp vị lai.

Chúng sanh bị tham dục chi phối và hoàn toàn lệ thuộc vào nó".

DHP. 127 - "Bất cứ là trên không cao vọi, dưới hố thẳm của đại dương hoặc chốn hang cùng ngõ tận, trên khắp trần gian này chẳng một nơi nào có thể che trở con người gây ra nghiệp dữ!"

S.35 - "Chúng sanh là chủ nhân ông của cái nghiệp, phải thừa tự nó. Nghiệp là một giống được gieo trồng. Nó trói chặt vào bảo trì chúng sanh. Con người phải thụ hưởng những của phụ ấm cao đẹp hay bần cùng tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu đã tạo".

A.III (33) - "Bất cứ nơi nào mà chúng sanh xuất hiện thì cái nghiệp chín muồi tại đó. Chúng sanh phải gặt hái những quả báo trong kiếp hiện tại, hoặc trong những kiếp sau".

S.21(10) - "Ðến một thời gian nào đó, nước trong biển cạn khô và không còn nữa. Ðến một thời gian nào đó, quả địa cầu bị lửa thiêu huỷ, đất không còn nữa. Nhưng các điều thống khổ vẫn tồn tại. Chúng sanh vẫn bị màn vô minh bao phủ, vẫn bị sa vào cạm bẫy tham dục và vẫn chen lấn nhau, hối hả nhảy vào vòng sanh tử".

-ooOoo-

II-3

CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ SỰ DỨT KHỔ
(Diệt đế - Dukkha Nirodha Ariya Sacca)

D.22 - "Vậy chân lý cao siêu về sự Diệt Khổ là thế nào?

Ðó là tư cách làm biến mất, dập tắt, vất bỏ, lánh xa, để thoát ly ra khỏi lòng tham dục. Tại nơi nào lòng tham dục có thể biến dạng? Và tại đâu nó mới bị dập tắt?

Trên thế gian bất cứ nơi nào không có những thú vui chơi khái lạc, thì chính tại nơi đó lòng tham dục mới có thể biến mất hay bị dập tắt".

S.12 - "Dù là trong quá khứ, trong hiện tại hay trong tương lai, thầy Ðạo sĩ hay Tỳ Khưu nào biết nhận rõ tánh cách vô thường của những thú vui chơi khoái lạc chốn trần gian, cho đó là khốn quẩn, tạm bợ, là một chứng bệnh, một khối u phiền, thầy đạo sĩ hay Tỳ Khưu đó mới được qua khỏi tham dục vậy".

IT.96 - "Và khi được giải thoát ra khỏi tham dục, không còn khao khát được tái sanh, thầy Ðạo sĩ hay Tỳ Khưu đó, sẽ không trở lại thế gian nữa".

S.32 - "Do đâu mà sự Khổ chấm dứt?

Chính tư cách biến mất, dập tắt hoàn toàn lòng tham dục làm cho tâm khao khát dược tái sanh chấm dứt. Khao khát được sanh trưởng bị dập tắt thì trạng thái diễn tin không còn. Không có sự diễn tiến căn bản của trường hợp tái sanh cũng tiêu tan. Chấm dứt sanh trưởng thì những cảnh Già nua, Bệnh tật, chết chóc, khổ đau, thất vọng cũng chẳng phát sanh được. Do đó mà các điều thống khổ chấm dứt.

Lẽ đó phải tận diệt, dập tắt, vượt khỏi ảnh hưởng của năm uẩn: sắc, thọ, tuởng, hành, thức thì mong chấm dứt nỗi khổ, không còn đau, già và chiến thắng được nguồn sanh tử".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Những mô nước dập dờn mà chúng ta gọi là "sóng", đối với người kém khôn ngoan, chúng nó gây ra ảo tưởng cho đó là một khối nước duy nhất lượn trên mặt hồ. Làn sóng được duy trì nhờ sức đẩy của gió và những năng lực tiềm tàng (trớn mạnh). Nhưng một khi gió ngừng thổi và không có một ngọn gió nào khác tạt vào mặt nước thì những năng lực tiềm tàng bị hao mòn và lần lần lượn sóng không còn nữa. Cũng như khi nào không có chất đốt mới được đưa vào lò lửa chỉ còn cháy một thời gian rồi tắt vì đã thiêu huỹ hết nhiên liệu và làm tiêu tan năng lực cũ.

Những hiện tượng trên đây giống như trạng thái "diễn tiến" của Ngũ Uẩn đã tạo ra một cá nhân. Ðối với người kém khôn ngoan, nó gây ra có ảo tưởng có một "Thực ngã". Ảo tưởng này (bản ngã) bảo trợ và nó cũng kéo dài được một thời gian nhờ các năng lực tiềm tàng (nghiệp cũ) được tồn trữ lâu đời.

Nhưng khi nhiên liệu (tham dục) bị hao mòn mà không có một khối lượng khác được đưa vào để làm phát triển năm uẩn, thì sự sống chỉ kéo dài được một thời gian rồi chấm dứt vì năng lực tiềm tàng (nghiệp cũ) đã cạn khô. Trạng thái "diễn tiến" của năm uẩn biến tan trong khi chết (nói về các bậc Thánh Nhơn).

Như thế, Nibbàna (Niết Bàn) có nghĩa là "dập tắt" hoặc "ngừng thổi" và được nhận định dưới 2 hình thức:

- Dập tắt tất cả bợn nhơ, "Kilesa Nibbàna", trong khi bậc A La Hán còn tại tiền (hữu dư Niết Bàn).

- Dập tắt sự diễn tiến của Ngũ Uẩn (khanda nibbàna) lúc bậc thánh nhập diệt (vô dư Niết Bàn).

A III (32) - "Ðây là chân lý về sự an vui cao cả, chấm dứt các hiện tượng cấu tạo, vất bỏ căn nguyên sanh trưởng, diệt trừ tham dục để khỏi dính mắc, để dập tắt và chứng quả Niết Bàn.

Bị bối rối vì tham dục, bị cuồng loạn sân hận, mù quáng vì ảo tưởng, tâm tư bị tràn ngập, con người hướng về sự huỷ diệt mình, huỷ diệt kẻ khác để gánh chịu khổ đau, và khi nào tâm tham lam, sân hận, si mê, được tẩy trừ, chừng đó con người không còn định huỷ diệt mình, huỷ diệt kẻ khác và chẳng còn đau khổ nữa.

Như thế Niết Bàn có thể thành đạt ngay trong kiếp hiện tại và thu hút bậc hiền triết biết nhận định bằng trí tuệ".

A.III (53) - "Dập tắt tham dục, dập tắt sân hận, dập tắt si mê, đó là Niết Bàn vậy".

A.VI (55) - "Người giới tử được giải thoát, tâm trí an tịnh thì không còn gì phải bồi bổ thêm nữa, vì người đã làm xong một việc phải làm. Một tảng đá to, nguyên vẹn vững chắc không hề bị giống tối lay chuyển được. Thì cũng như thế ấy, chẳng có sắc tướng, âm thanh, hương vị hay sự đụng chạm nào có thể làm rung động được giới tử đó, vì tâm tí người đã an tịnh và người đã được giải thoát rồi".

A.III (32) -"Người có tâm thanh tịnh, không còn sân hận, Phiền Não tham vọng, nhìn xem các trạng huống tương phản (tốt xấu, lành dữ, lớn nhỏ, cao thấp, sang hèn ...), mà vẫn thản nhiên không xao động, người ấy đã vượt khỏi những niềm đau khổ vì sanh tử, già nua, bệnh tật rồi vậy."

TRIỀU ÐẠI BẤT DI DỊCH

U.VIII (1) - "Thật ra, có một vương quốc mà tại đó chẳng có những gì là: rắn chắc, lưu động, nung nóng, rung chuyển (tứ đại), không có quả địa cầu này hay quả địa cầu khác, không có mặt trời, mặt trăng, không cao, không thấp, không tới không lui, không sanh,không diệt, không tiến triểnkhông nền móng. Ðó là trạng thái chấm dứt sự thống khổ (Niết Bàn)".

U.III (3) - "Có một trạng huống không căn nguyên, không sanh trưởng, không tạo tác, không hình thành. Nếu có chẳng có trạng huống đó thì tư cách giải thoát không sao thực hiện được.

Nhưng đã chứng minh rằng trạng huống không căn nguyên, không sanh trưởng, không hình thành có thật, vì vậy tư cách thoát ly rakhỏi thế gian phải thực hiện được"

-ooOoo-

II-4

CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ CON ÐƯỜNG DIỆT KHỔ
(Bát Chánh Ðạo - Ariya Magga)

 

HAI LỐI CỰC ÐOAN VÀ CON ÐƯỜNG ÐI GIỮA

S.36 - "Buông tha say mê trong các thú vui trần tục rất thường tình, nhơ bẩn, thấp hèn, vô bổ. Ðàng khác, tự chế bằng cách hành thân hoại thể rất khó nhọc, không thanh cao mà cũng chẳng lợi ích gì. Bậc Toàn Giác tránh cả 2 điều đó và đã xây đắp con đường đi giữa, rồi đem ra giải thích, giáo hoá (chúng sanh) tới nơi an lạc, tới sự nhận xét chánh đáng, tới Giác Ngộ, tới Niết Bàn".

Ðây là con đường siêu việt có tám phần, con đường đưa đến kết thúc nguồn đau khổ:

Chánh kiến (Sammà-Ditthi)
Chánh tư duy (Sammà-Sankappa)
Chánh ngữ (Sammà-Vàca)
Chánh nghiệp (Sammà-Kammanta)
Chánh mạng (Sammà-Àjìva)
Chánh tinh tấn (Sammà-Vàyàma)
Chánh niệm (Sammà-Sati)
Chánh định (Sammà-Samàdhi)

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Sự tiến hoá tuyệt đối trên lộ trình rèn luyện nội tâm, trau dồi giới đức phải căn cứ vào Chánh kiến, nghĩa là phải nhận xét cho thấy một cách chính xác. Lẽ đó Chánh kiến là bước đầu tiên của Bát Chánh Ðạo.

Nhưng muốn kiện toàn sở nguyện, người tu Phật phải noi theo lịch trình được sắp đặt đúng thứ tự như sau:

Giới (Sìla)
Ðịnh (Samàdhi)
Tuệ (Pannà)

Bởi vậy Chánh kiến và Trí tuệ liên quan rất chặt chẽ với nhau trong Giáo Pháp của Ðức Phật.

S. 56 - "Ðây là đường lối "Trung dung" mà Ðấng Toàn Giác đã khám phá và đem ra giảng giải, giáo hoá để đưa đến nơi an tịnh, tới sự nhận xét rõ rệt, tới Giác Ngộ, tới Niết Bàn.

Ðường lối đó không hành thân hoại thể, không gây đau đớn than van, khổ não. Ðó là con đường huyền diệu.

DHP. 247-275-276 - "Thật ra, ngoài Bát Chánh Ðạo, không còn cách nào khác để tẩy uế nội tâm, để thấy rõ chân lý. Noi theo Bát Chánh Ðạo, các ngươi sẽ chấm dứt được nguồn thống khổ.

Nhưng mỗi cá nhân phải tự mình chiến đấu. Ðấng Chánh đẳng đã chỉ rõ đường đi".

M.26 - "Tư cách bất tử đã tìm được rồi! Như Lai đem ra phổ biến và giải thích đúng chân lý. Các ngươi hãy nghe theo. Vì mục đích cao thượng của cuộc đời đạo đức mà có nhiều con nhà danh giá rời bỏ gia đình nhà cửa, đi tìm sống lang thang nay đây mai đó. Chẳng bao lâu nữa, vì chính trong kiếp hiện tại, nếu các ngươi cố công học hỏi, trì chí thực hành thì sẽ thành đạt đạo quả chẳng sai".

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 08-2001).


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-08-2001