Dan loi ve nguon - Tra Giang Tu - 03

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


DẪN LỐI VỀ NGUỒN

Trà Giang Tử
(Tỳ khưu Định Lực Samadhibàlo)

Tăng Quang Tự, Huế
(tái bản 2003)


[03]

TAM TẠNG: LUẬN

CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ TẠNG LUẬN?

Phạn ngữ ABHI DHAMMÀ "TẠNG LUẬN" hay "VI DIỆU PHÁP" là phần quan trọng vi diệu nhất trong toàn thể GIÁO LÝ. Vì đây là phần triết lý cao siêu, phần tinh hoa của Phật giáo.

XUẤT XỨ TẠNG LUẬN NHƯ THẾ NÀO?

Đối với một vài học giả cho rằng VI DIỆU PHÁP không phải do đức THẾ TÔN giảng, mà là do các nhà SƯ uyên bác sau này khởi thảo. Như vậy, không khéo có ý xuyên tạc, vô tình phủ nhận trí tuệ siêu phàm của đấng TOÀN GIÁC, thầy cả chư thiên và nhơn loại.

KẾT TẬP TAM TẠNG lần thứ nhất, sau khi đức Phật NHẬP NIẾT BÀN ba tháng, do Đại đức ANANDA và Đại đức UPÀLI thay nhau vấn và đáp trước sự chứng minh của 500 vị thánh TĂNG LA HÁN. Và cũng được phiên dịch sắp xếp vào TẠNG LUẬN thì những giả thuyết trên kia chỉ là vu vơ không căn cứ vào đâu được.

TẠNG LUẬN, ĐỨC PHẬT THUYẾT TỪ BAO GIỜ?

Đắc thành đạo quả TOÀN GIÁC. Bánh xe PHÁP bắt đầu chuyển để khai ngộ cho quần sanh. Khi ấy, đức THẾ TÔN tưởng nhớ đến công đức cao dày của đức Phật mẫu MÀYA từ vô lượng kiếp. Ngài quán xem thấy Bà đương thọ sanh nơi cung trời ĐÂU XUẤT, hưởng thú thanh nhàn với chư thiên, do nhờ phước báu của bà bảo trợ.

Những ý tưởng sau đây, phát sanh lên với Ngài.

Ân đức của Phật mẫu đối với NHƯ LAI thật là cao dày. Bây giờ phải đền ơn cho Bà bằng cách nào cho xứng đáng cao thượng đây?

Rồi Ngài lại nghĩ. TẠNG KINH có 21 ngàn pháp môn TẠNG LUẬN có 21 ngàn Pháp môn. Chỉ có TẠNG LUẬN cao siêu vi diệu mới xứng đáng với công đức cao dày và hợp với trình độ chư thiên trong cảnh giới ấy.

Nghĩ rồi, Ngài quyết định nhập hạ thứ bảy tại cung trời ĐAO LỢI, thuyết trọn ba tháng phần VI DIỆU PHÁP để đền ơn cơm sữa từ vô lượng kiếp.

ĐỨC PHẬT THUYẾT Ở CUNG TRỜI, CHÚNG SANH SAO BIẾT?

Suốt ròng rã ba tháng hạ nơi cung trời ĐAO LỢI đức THẾ TÔN thuyết giảng để Phật mẫu MAGIA từ cung trời ĐÂU ĐÀ XUẤT xuống nghe. TẠNG LUẬN gồm có 42 ngàn pháp môn. Trong quyển "THE BUDDHA AND HIS TEACHINGS" trang 191, Đại đức NÀRADA có thuật:

Mỗi ngày, đức Phật dùng thần thông trở về quả địa cầu để tóm tắt các bài Pháp cho ngài Đại đức XÁ LỢI PHẤT nghe. Và chính vị đại đệ tử uyên bác này, giảng rộng GIÁO LÝ ấy ra cho các đệ tử, huynh đệ cùng nghe dưới sự chứng minh của đức Phật Tổ?

TẠNG LUẬN còn lưu truyền cho đến ngày nay, một phần là những bài PHÁP đầy đủ chi tiết do ngài XÁ LỢI PHẤT truyền dạy.

Khi nghe xong những thời PHÁP ấy, Phật mẫu MÀYA đắc thánh QUẢ TU ĐÀ HOÀN và 10 ngàn chư thiên đều đắc.

NỘI DUNG CỦA TẠNG LUẬN RA SAO?

Đối với các bậc thiện trí thức, muốn tìm chơn lý TẠNG LUẬN là quyển KINH chỉ đạo khẩn yếu, vừa là một khải luận vô giá. Ở đây có đủ thức ăn tinh thần cho các tư tưởng gia và các học giả muốn mở mang trí tuệ và đời sống lý tưởng của người Phật tử. VI DIỆU PHÁP không phải là một lọai SÁCH đọc qua để cầu VUI hay giải trí. Khoa TÂM LÝ HỌC cận đại vẫn còn nằm trong phạm vi của VI DIỆU PHÁP khi đề cập đến TÂM. Tư tưởng, tiến trình tư tưởng và Nhưng TẠNG LUẬN không chấp nhận một LINH HỒN bất biến hiểu như một THỰC THỂ trường tồn

Như vậy, VI DIỆU PHÁP dạy một thứ TÂM LÝ HỌC trong đó không có LINH HỒN. Đọc VI DIỆU PHÁP như một quyển sách TÂM LÝ HỌC hiện đại, thì ắt phải thất vọng, vì ở đây không có ý định giải quyết tất cả những vấn đề của TÂM LÝ HỌC hiện đại.

TÂM hay TÂM VƯƠNG "CITTA" được định nghĩa rõ ràng tư tưởng, được phân tích và sắp xếp lại để thành từng loại về phương diện luân lý. Tất cả những trạng thái TÂM hay TÂM SỞ "COTASIKA" đều được kể cẩn thận. Thành từng cấu hợp của mỗi loại TÂM được kể ra từng chi tiết, tư tưởng phát sanh thế nào cũng được mô tả tỉ mỷ.

Riêng những chặp TƯ TƯỞNG "BHAVAMGA" và "JHAVANA" chỉ được đề cập đến và giải thích trong VI DIỆU PHÁP. Thật là một đặc biệt hữu ích cho những ai muốn khảo cứu về TÂM LÝ HỌC. Những vấn đề không liên quan đến sự giải thoát đều được để qua một bên, không được bàn.

TẠNG LUẬN CÓ BAO NHIÊU BỘ?

TẠNG KINH chứa đựng những lời dạy, định nghĩa thông thường. Còn TẠNG LUẬN gồm những GIÁO LÝ cùng tột PHẬT GIÁO TẠNG LUẬN gồm có bảy BỘ cả thảy:

1. DHAMMASANGHATI
2. VIBHANGHA
3. DHÀTUKATHÀ
4. PUGGALA PUNNATI
5. KATHÀVATTHU
6.YAMAKA
7. PATHÀNA
Phân loại PHÁP
Những phân hạng
Các bài Pháp về sắc
Quyển sách về những cá tính
Những điều tranh luận
Quyển sách về những cặp đôi
Quyển sách để cập nhơn quả

NGOÀI BẢY BỘ ẤY, CÒN CÓ GIÁO LÝ NÀO NỮA KHÔNG?

Đức Phật là đấng TỐI THƯỢNG. Là đấng THIÊN NHƠN SƯ. TAM TẠNG KINH ĐIỂN PÀLI được chư THÁNH TĂNG thuộc nằm lòng. Ba tháng, sau khi đấng CHA LÀNH lên đường TỊCH DIỆT, chư A LA HÁN gồm 500 vị, họp nhau để ôn tập những lời vàng ngọc trên. Và cứ theo đó, còn có những kỳ KẾT TẬP tiếp theo, thì không có một lý do gì mà GIÁO PHÁP được thêm hoặc bớt tí nào cả.

Ngoài TAM TẠNG KINH ĐIỂN đã được GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY THẾ GIỚI thừa nhận, thì không còn một BỘ KINH nào gọi là lời DẠY của đức Phật được nữa.

MUỐN TÌM HIỂU GIÁO LÝ, KINH ĐIỂN BÂY GIỜ NHIỀU QUÁ, LÀM SAO PHÂN BIỆT CHÂN GIẢ?

Như trên đã nói Lời vàng đức Phật hằng khuyên

- Nầy các thầy Tỳ khưu.

Sau khi NHƯ LAI lên đường tịch diệt, người ta sẽ nói lời này là của NHƯ LAI, lời kia là của NHƯ LAI, các người đừng vội tin, mà cùng đừng vội bỏ. Nghe rồi phải suy luận. Lời nói nào đúng chân lý, là lời nói của NHƯ LAI. (DI GIÁO KINH)

TAM TẠNG KINH ĐIỂN là nền tảng vững chắc.

Ngoài ra, để tuyên truyền xuyên tạc, ngoại đạo, tà giáo cũng soạn những bài KINH, lời giống như KINH thật. Song người ta sửa chỗ này một ít, chỗ kia một ít, chỗ kia tí, hoặc viết theo suy luận cá nhân, mà họ tự xưng là THẦY, là TỔ, để ông này thêm một chút, ông kia bớt một tí. Phái này hành MÔN này, phái nọ hành MÔN kia với quan niệm "VÔ LƯỢNG PHÁP MÔN TU" ngõ hầu lôi kéo một số tín đồ nhẹ dạ, ít suy xét, không chịu khó, "TỰ TU,TỰ ĐỘ" mà chỉ biết trông cậy nương nhờ, van xin cầu khẩn một nơi một "THA LỰC THẦN QUYỀN" huyền bí, lần lần lạc nẻo, sai đường, mà vẫn cho là PHẢI, là ĐÚNG.

Bởi vậy cho nên, khi còn tại thế, đức Phật hằng khuyên dạy hàng đệ tử như sau:

- Này các thầy Tỳ khưu. Không có một con vật nào có thể làm hại con SƯ TỬ là CHÚA SƠN LÂM. Chỉ có những con chí, con rận trong mình Sư Tử, đeo níu hút máu, làm cho Sư Tử ốm gầy: Cũng như thế ấy, GIÁO LÝ của đức Phật cao siêu quá. Đơn thuần tinh khiết quá. Mà bản tánh của con người là ưa thích cái gì huyền bí, tiềm ẩn theo tính hiếu kỳ. Bởi vậy, cho nên vì lợi ích cá nhân, vì tài danh lợi lộc mà ngoại đạo đáp ứng vào thị hiếu đó. Và do sự nhẹ tin, thiếu suy xét của tín đồ, mà họ lái lần ra ngoài biên đạo, mà có ai hay, ai biết đâu.

Nghe lời lầm lạc, không lo giữ GIỚI trì TRAI, chỉ đêm ngày lo cầu khẩn van xin, kể lể, mong nhờ nơi một đấng tha lực thần quyền, thì tự mình làm cho CHÁNH PHÁP suy đồi vậy.

CÂU VÔ LƯỢNG PHÁP MÔN TU, CÓ NGHĨA NHƯ THẾ NÀO

Vô lượng pháp môn là bao nhiêu?

Theo Tam Tạng Kinh Điển thì chỉ có tám vạn bốn ngàn pháp môn thôi. Nhưng nói thì nhiều, đó là giải thích suy luận, phân tích theo Kinh Luật và Luận cho rành mạch, dễ hiểu, dễ hành, tùy hoàn cảnh, trình độ căn cơ của chúng sanh mà tùy duyên hóa độ, song tóm lại có thể cô đọng, đúc kết lại tất cả vỏn vẹn chỉ có bốn Kệ Ngôn Vàng Ngọc sau đây.

SABBA PÀPASSA ÀKARANAM
KUSÀLESSA UPPSAMPÀDA.
SACITTA PARUYO DAPANAM
ETAM BUDDHÀ SASSANAM

Hán dịch:

- Chư ác mạt ác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chơn Phật giáo.

Việt dịch:

- Đừng làm các việc dữ
Hãy tạo trữ việc lành
Rửa lòng cho trong sạch
Lời Phật dạy đành rành

Trong đó, có thể bao gồm các để mục như TỨ DIỆU ĐẾ, THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN và BA MƯƠI BẢY PHÁP TRỢ BỒ ĐỀ, hay cô đọng thêm tí nữa là Tam Học để diệt trừ Tham Sân và Si vậy.

Nội dung của TAM TẠNG KINH ĐIỂN nói rộng ra, suy luận cho nhiều, hay cô đọng ít lại, cũng chỉ trong những đề tài trên .

Nói "VÔ LƯỢNG PHÁP MÔN TU " là tự cho mình đi ra ngoài tầm hiểu biết của đấng ĐẠI GIÁC NGỘ, thầy cả Trời và NGƯỜI trong TAM GIỚI rồi sao?

Tóm lại, tóm tắt phần ABHI DHAMMA "LUẬN" có nghĩa là VI DIỆU PHÁP HAY PHÁP HUYỀN DIỆU, ý nói PHÁP vi tế, phải hiểu bằng trí tuệ, quan sát mới thấy rõ mới thông hiểu được. TẠNG này chia ra làm bảy bộ có bốn mươi hai ngàn PHÁP MÔN như sau:

1. DHAMMA SANGHANI - Phần loại pháp. Thuyết trong 16 ngày.

2. VIBHANGA - Nghĩa là thành phần khác nhau. Có 18 VIBHANGA. Nhất là KHANDHA VIBHANGA (thành phần của UẨN) thuyết trong 12 ngày.

3. DHÀTU KÀTHA. - Giải về chất UẨN. Thuyết trong 6 ngày.

4. PUGGALA PUNNATI - Tên của nhơn vật.

5. KATHÀ VATTHU . - Nói về vật sanh lên do sự nghi ngờ. Đức THẾ TÔN còn dùng thần thông hóa ra hai vị. Một vị vấn 500 câu. Vị đáp 500 câu. Thuyết trong 13 ngày.

6. MAHÀ PATTHÀNA - Pháp có đôi. Thuyết trong 33 ngày.

7. YAMAKA - Pháp có đôi. Thuyết 13 ngày.

Trong bộ chú giải SUMANGALA VILÀNASI, Ngài Đại đức BUDDHÀGHOSA có thuật lại lời nói của Đại đức ANANDA nói, sau khi KẾT TẬP TAM TẠNG lần thứ nhất như vầy.

DVÀVISSATI BUDDHATO GANHIM.
DVE SAHASSÀNI BHIKKHUTO.
CATUNASITI SAHASSÀNI.
YO TE DHAMGÀ PAVANTITO.

Có nghĩa là:

- Pháp nào ngự trong TÂM tôi, và do nơi KHẨU tôi thuyết ra. Những PHÁP ấy, có tám vạn bốn ngàn PHÁP MÔN.

- Tôi đã được học hỏi ngay với đức THẾ TÔN tám vạn hai ngàn Pháp môn.

LƯU Ý:

-Những lời của chư vị A LA HÁN thuyết, được đức THẾ TÔN nhìn nhận là đúng. Những lời ấy, chỉ có trong TẠNG KINH, BỘ KHUTA NIKÀYA, chứ không có trong TẠNG LUẬN.

-ooOoo-

PHÁP CẨN YẾU

XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN?

Bài PHÁP đầu tiên của đức Phật thuyết ra gọi là DHAMMA CAKKA. Phạn ngữ này được phiên dịch là VƯƠNG QUỐC của CHƠN LÝ, hay BÁNH XE CHƠN LÝ cũng được.

Theo các CHÚ GIẢI SƯ, DHAMMA có nghĩa là TRÍ TUỆ. Hay là sự Hiểu Biết. CAKKA cũng có nghĩa là chơn lý. CAKKA là bánh xe. Do đó, còn gọi là PHÁP LUÂN. Bài PHÁP đầu tiên được gọi là "CHUYỂN PHÁP LUÂN"

CHUYỂN PHÁP LUÂN, ĐỨC PHẬT THUYẾT VỀ GÌ?

Đầu tiên, đức Phật dạy năm thầy Kiều Trần Như:

- Này các thầy tỳ khưu.

Có hai CỰC ĐOAN mà hàng XUẤT GIA phải xa lánh: Hai CỰC ĐOAN ấy là thế nào? Và Ngài giải thích.

1) Sự dễ duôi trong DỤC LẠC là thấp hèn, là thô bỉ, phàm tục, không xứng đáng phạm hạnh của bậc Thánh nhơn.

2) Sự thiết tha gắn bó trong lối TU KHỔ HẠNH là đau khổ, không đúng với bậc THÁNH NHƠN và cũng vô ích.

Từ bỏ hai CỰC ĐOAN ấy, NHƯ LAI đã chứng con đường TRUNG ĐẠO "MAJJHIMÀ PATIPÀDA" là con đường đem lại nhãn quan tri kiến và đưa đến an tịnh trí tuệ cao siêu để giác ngộ đến NIẾT BÀN.

Hỡi này các thầy Tỳ khưu.

Con đường TRUNG ĐẠO mà NHƯ LAI đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan tri kiến và đưa đến an tịnh trí tuệ cao siêu, giác ngộ và NIẾT BÀN là gì?

Chính là BÁT CHÁNH ĐẠO, con đường có tám chi.

- Hỡi này các thầy Tỳ khưu. Đó là con đường TRUNG ĐẠO mà NHƯ LAI đã chứng ngộ.

(Giải rõ ở phần sau)

Đức Phật giảng tiếp.- Hỡi các thầy Tỳ khưu. bây giờ đây là CHƠN LÝ cao thượng mà NHƯ LAI đã tìm ra đã tìm cách diệt trừ và đã được hoàn toàn sáng suốt. Chơn Lý cao thượng ấy là gì? là TỨ DIỆU ĐẾ vậy.

TỨ DIỆU ĐẾ NGHĨA LÀ THẾ NÀO?

Là BỐN NGUỒN GỐC, chơn lý cao thượng chắc chắn của đức Phật đã tìm thấy (chứ không phải làm ra) và đã thuyết minh. TỨ DIỆU ĐẾ ấy là.

1. DUKKHA ARIYA SACCA.- Khổ đế
2. DUKKHA SAMUDAYA ARIYA SACCA.- Tập đế
3. DUKKHA NIRODHA ARIYA SACCA.- Diệt đế
4. DUKKHA NIRODHA G
ÀMINI PATIPÀDA ARIYA SACCA.- Đạo đế.

THẾ NÀO GỌI LÀ KHỔ ĐẾ?

Đức THẾ TÔN đã dạy:

-Hỡi này các thầy Tỳ khưu. Đây là chơn lý cao thượng về sự Khổ. DUKKHA ARIYA SACCA

"KHỔ THÀNH ĐẾ " SANH mà khổ. Già là khổ. Bệnh là khổ. Chết là khổ. Sống chung với người mình không ưa là khổ. Xa lìa những người thân yêu là khổ. Mong ước không được là khổ. Tóm lại, chính tấm thân NGŨ UẨN nầy là GỐC sinh ra bao nỗi KHỔ.

KHỔ SANH LÀ THẾ NÀO?

Đức Phật gọi "SANH là KHỔ."

Bởi vì chúng sanh phải có sự khổ từ khi di chuyển sanh trong bốn Loài là.

NOÃN SANH. Sanh trong trứng, sau mới nỡ thành con như gà, vịt, chim v.v..
THAI SANH. Thọ sanh vào bào thai mẹ như người, thú, trâu bò v.v...
THẤP SANH. Sanh nơi ẩm thấp dơ dáy như trùn, dế, kiến, mối v.v...
HÓA SANH. Hóa nguyên hình, như chư thiên khi sanh ra đầy đủ thể chất.

Hạng này gồm chung các loại như phi nhơn vô hình, A Tu La, ngạ quỷ, dạ xoa, ma, quỷ v.v...

Tất cả chúng sanh trong bốn loài này điều phải bị sự sanh chi phối. Nó là duyên khởi luân hồi trong Tám Giới, Sanh rồi Diệt. Diệt rồi Sanh, khắp Loài khắp cõi không nơi cùng tột. Dù là chúng sanh thuộc loại Thai Sanh, có đủ lục căn đầy đủ, hoặc không đầy đủ, thuộc lọai Nõan Sanh, Thấp Sanh hay Hóa Sanh chẳng hạng đều phải chịu các sự Khổ Sanh như nhau, không sao lường được. Nhưng riêng loại Thai Sanh có phần chịu nặng nề hơn. Trong Kinh, đức Phật đã thuyết, loài Thai Sanh từ lúc Sanh ra đến khi Chết, bị duyên Nghiệp mà phải lãnh chịu Mười Điều Thống Khổ như sau.

1. BIẾN TƯỚNG KHỔ
Từ khi Noãn Châu của cha gặp Noãn Sào của mẹ đậu thai trong lòng mẹ, chút xíu cho đến lúc Ngũ Quan đầy đủ, chịu co rút, chật hẹp, tối tăm, tanh dơ hôi hám đó là cái Khổ đầu tiên.

2. KINH KHỦNG KHỔ
Khi mang thai, mẹ đi, đứng, nằm, ngồi day trở thân mình hoặc rủi ro vấp ngã, thai nhi phải chịu cảnh nhào xóc, mệt nhọc, lo sợ không cùng đó là cái khổ thứ hai

3. HOÀNH SANH KHỔ
Đến phút lâm bồn, gió duyên Nghiệp đẩy lộn cái bào thai day đầu trở xuống, chân lên trên, trồi ra phía sau sản môn ví như người bị té rời xuống hố sâu giật mình hốt hoảng, đó là cái khổ thứ ba.

4. NAN SẢN KHỔ
Lúc ra cửa sản môn chật hẹp, bị kẹt ép khó chịu vô cùng, ví như con voi chui qua kẹt đá. Có khi bào thai không thuận, lại nằm ngang bụng mẹ, làm cho không sanh ra được, thật biết bao đau khổ.

5. HÀN THỐNG KHỔ
Thai nhi ra khỏi lòng mẹ, thân mình dính đầy nhớt nhau, máu huyết, ổn bà đem đi tắm rửa kỳ mài cho da non đau đớn, lạnh lẽo vì như dao cắt, kim châm biết bao sự khổ.

6. THỌ NGHIỆP KHỔ
Hài nhi sanh ra rồi, lớn lên, nếu tiền kiếp gây nghiệp dữ, nay lãnh quả chẳng lành như bị tật nguyền bệnh hoạn đui, què, câm điếc v.v...

7. QUẢ BÁO KHỔ
Khi trưởng thành, có lúc phải bị trả quả tiền khiên do mình gây tạo, mà phải bị kẻ khác đánh đập, đâm, chém, hảm hại, hoặc bị phạm tội tù giam cấm v.v...

8. DUYÊN SANH KHỔ
Khi sự Sanh, nguồn gốc tất cả các sự khổ. Hễ có Sanh thì có Khổ. Chúng sanh phải đọa vào cảnh giới địa ngục, chịu khổ của lửa, địa ngục thiêu đốt ngày đêm không ngừng nghỉ cũng vì cái Duyên Sanh.

9. CHÚNG SANH, VÀO LÀM SÚC SANH
Vào cảnh giới Súc Sanh, hằng ngày làm những công việc nặng nề, giải nắng, dầm mưa lại còn bị đánh đập hành hạ, khi chết còn bị phanh thây, xẻ thịt, căng da, đập tủy v.v...

10. CHÚNG SANH ĐI VÀO CẢNH GIỚI NGẠ QỦY.
Hằng ngày phải chịu đói, nhịn khát, nhe nanh, ăn toàn mủ máu hôi tanh, chịu sự nóng lạnh thiêu đốt ngày đêm biết bao thống khổ...

Nói chung, Mười Điều Thống Khổ là do Duyên Sanh xiết bao Đau Khổ.

KHỔ GIÀ RA LÀM SAO?

Phạn ngữ JARU DUKKHA dịch Khổ Già, đức Phật day:

- Này các thầy Tỳ khưu.

Sự Già có mãnh lực tàn phá làm cho thay đổi thân mình chúng sanh. Nhất là sự tóc bạc da nhăn, răng long, má hóp mắt mờ, tai điếc v.v...làm cho thân thể gầy còm. Như Lai gọi là sự khổ vì Già là vậy.

Sự Già với con mắt thường không thể xem thấy thấu đáo đươc, trừ hạng có tuệ nhãn mới thấy rõ ràng. Sự Già ví như lửa cháy đám Rừng. Đám rừng bị lửa cháy lúc nào không ai biết. Nhưng khi thấy đống tro tàn, than nguội mới biết đám rừng đã cháy tan. Cũng như thế ấy sự già không ai biết nó đến tàn phá chúng sanh từ lúc nào. Đến khi thấy răng long tóc bạc, má hóp, da mồi v.v...mới rõ sự Già đã ngấm ngầm tàn hại chúng sanh. Sự Già ví như sợi chỉ của người thợ dệt từng tí, hàng giờ, hàng ngày không ngừng nghĩ, thành ra tấm vải to thì sự Già nó ăn lần tuổi thọ của chúng sanh cũng như thế ấy. Sự Già làm cho lục căn hư hại, 32 thế trược lần lần thay đổi, phải khô héo, hao mòn từng sát na, từng thời phiếu. Tế bào này hoại, tế bào khác lên thay (mười phần trăm máu thay đổi trong một ngày) xét đến phải chán nản, ghê sợ cho định luật vô thường và cũng xót thương cho xác thân của tất cả chúng sanh trong Tam Giới Cái thân xác của ta đây, ví như cái Nhà, do thợ làm Nhà tạo thành. Cái Nhà, là thân xác, bao giờ, lúc nào cũng bị gió mạnh là sự Già thổi đến phá hoại luôn luôn. Rồi đây, nó cũng không thể đứng mãi được, mà phải lần lần xiêu đổ. Sức mạnh của ta vì sự Già mà lần lần suy giảm. Bốn oai nghi phải bạc nhược nên sự đi đứng, nằm, ngồi rất mệt nhọc, khó khăn. Ta phải chịu sự khổ não không hạn lúc nào và cũng không bao giờ, dứt được.

Bởi vậy, nên đức Phật gọi "Khổ Vì Già" là vậy.

THẾ NÀO LÀ KHỔ BỆNH?

Đức Thế Tôn gọi BYADHI DUKKHA "Khổ Bệnh"

-Này các thầy Tỳ khưu. sự Bệnh mà phát khởi lên trong thân Tứ Đại của tất cả chúng sanh, chẳng qua là do Tứ Đại bất đồng, Âm dương không tương tế, có khi vì lạnh quá, nóng quá, cho nên trăm Bệnh tùy duyên nặng nhẹ mà phát sanh. Bệnh nhẹ như chóng mặt, nhức đầu, đau bụng v.v...còn nặng như dịch hạch, trái trời, thương hàn, thổ huyết. Các chứng bệnh hằng vương vấn theo đuổi, làm cho chúng sanh chịu đau khổ không sao kể xiết, nên Như Lai gọi" Khổ Vì Bệnh" vậy.

THẾ NÀO GỌI LÀ KHỔ CHẾT?

MARANAM DUKKHA "Khổ Chết" đức Thế Tôn giải như:

- Này các thầy Tỳ khưu. Pháp nào mà vùi dập cái Tâm, làm cho tiêu tan Ngũ Uẩn, làm cho Thức Thần lìa khỏi xác dơ, làm cho dứt đoạn sự sống của chúng sanh, Như Lai gọi là "Pháp Làm Cho Chết".

Bởi khi Thần Thức lìa khỏi xác thịt, thì chất Lửa trong thân Tứ Đại phát sanh lên mạnh, làm cho thân thể nóng hầm, tinh thần mê sản, cũng ví như ai đem lò Lửa đốt bên mình. Nếu chúng sanh trước kia tạo nghiệp dữ do thân khẩu ý chẳng hề thương xót nhau, khi sắp chết, hiện tượng củaTâm Tưởng "GATINIMITTA" hoặc khổ Nghiệp "DUKKHA NIMITTA" lần lượt hiện ra làm cho thấy rõ ràng Khổ Cảnh. Quái tượng như Lửa Điện Ngục, thấy quỷ sứ cầm khí giới đến xẻ thịt, phanh thây, thấy bị xiềng xích, trói trăn, thấy quạ, kên kên bao vây cắn mổ. khi người sắp chết, hãi hùng thương tiếc cái thân tứ đại, sự sanh tồn của mình, hoặc phải xa lìa vợ chồng, con cái, tiền của v.v...nó làm cho tâm xốn xang bứt rứt, lại thêm thịt dựt, gân thun, xiết bao hãi hùng. Đau khổ. Bởi thế cho nên, tất cả chúng sanh trong Tam Giới, trừ Phật và chư vị A La Hán, ngoài ra tất cả chúng sanh đều hết lòng sợ sệt sự Chết.

Như chúng ta có sự Sống trên đời này, đến khi cái Thức Thần muốn lìa bỏ xác thân Tứ Đại, chúng ta hối tiếc và lưu luyến sự Sống vô ngần. Các sự thống khổ trong khi Chết không sao kể hết được. Cho nên đức Thế Tôn gọi "KHỔ VÌ CHẾT ".

CÒN CÁC SỰ KHỔ KIA NHƯ THẾ NÀO?

Khổ vì Trái Ý Nghịch Lòng. Nóng nảy bực bội trong Tâm, làm cho ăn chẳng ngon, ngủ không yên,. khổ vì "Sanh Ly Tử Biệt " xa lìa thân bằng quyến thuộc, nước mắt chan hòa, lệ tuôn xối xả, sự buồn phiền nung đốt con Tâm.

Khổ vì Khổ. Làm cho Tâm chúng sanh hồi hộp rụt rè, hơi thở nặng nề mệt nhọc, vì bị kẻ mạnh hãm hiếp, hoặc có tội với Quốc Luật, phải chịu hình phạt, Khổ vì nóng nảy, bực bội trong Tâm, khi bị rầy la đánh đập, hoặc bị vu oan giá họa v.v...

Khổ vì không ưa mà phải gần. Ngũ Trần là sắc thinh hương vị và xúc mà không hợp, không ưa, không vừa lòng, đẹp ý mà phải gần gũi thân cận, tuy muốn xa lánh mà không sao xa được. Trái lại những ngũ TRẦN nào thích hợp, hằng ưa muốn, tiếp xúc, dựa kề lại phải bị phân chia ngăn cách, hoặc giả như vợ, con cha mẹ, thân bằng quyến thuộc mà phải xa lìa nhau thì KHỔ biết bao?...

CẦU MÀ KHÔNG ĐƯỢC, phát khởi do lòng HAM MUỐN. Hy vọng điều gì mà không toại nguyện, không đạt kết quả, thất vọng, buồn phiền, thật là KHỔ.

NGŨ UẨN KHỔ, là tấm thân do đất nước lửa gió và cái THỨC gỉa hiệp này, nó đâu có lâu dài bền chắc. Rồi phải bị chi phối của vô thường, mà ta cứ mãi cố chấp nơi sắc thinh hương vị xúc cho là thỏa thích vừa lòng, chấp nơi sắc thọ, Tưởng Hành thức, cho là thiệt của ta. Sự cố chấp ấy, chẳng qua là miếng mồi của ÁI DỤC. Khi các UẨN tiêu tan theo Định luật, chúng sanh phải ưu sầu khổ não.

Trong KINH VISUDDHI MAGGA, đức Phật giãi rõ.

Này các thầy tỳ khưu. các bậc tu hành trí tuệ muốn tham cứu về TỨ DIỆU ĐẾ, phải biết rằng, sự cố chấp thân NGŨ UẨN này là nơi phát sanh MƯỜI TỘI KHỔ cũng như quả địa cầu là nơi phát sanh các loài thảo mộc.

THẾ NÀO GỌI LÀ TẬP KHỔ DIỆU ĐẾ?

DUKKHA SAMUDAYA ARIYA SACCA "Tập khổ diệu đế" chơn lý cao thượng, chắc thật. Nguyên nhân sanh các sự KHỔ, được đức THẾ TÔN giảng giải như vầy:

Này các thầy tỳ khưu.

Vì lòng ÁI DỤC làm cho chúng sanh, thọ sanh vào các cảnh giới nhỏ to mới v.v...ÁI DỤC là sự khao khát, thèm muốn vui thích trong TAM GIỚI. Cho nên chúng sanh sanh vào cảnh giới nào cũng tại nó dắt dẫn và đeo đuổi trong cảnh giới ấy, không rời bỏ bao giờ. Sự ưa muốn về NGŨ TRẦN, sắc thinh hương vị xúc nó ôm ấp khăng khít trong tâm chẳng khác nào một sợi DÂY XÍCH trói cột chân chúng sanh trong TAM GIỚI, mà phải lãnh chịu cái nạn sanh tử, tử sanh, chịu tiều tụy xác thân, rồi khổ chết chực hờ đoạn cắt mạng căn. Lòng ÁI DỤC của chúng sanh còn được phân ra ba bậc là:

1. KÀMA TANHÀ. - Ái dục trong cõi Dục
2. BHÀVA TANHÀ. - Ái dục trong cõi sắc giới
3. VIBHANVA TANHÀ. - Ái dục trong cõi vô sắc

THẾ NÀO LÀ ÁI DỤC TRONG CÕI DỤC GIỚI?

Cái TÂM tham luyến cho NGŨ TRẦN. Vọng móng cho được sanh lại làm người và làm chư Thiên trong sáu từng TRỜI DỤC GIỚI do phước báu của sự bố thí và trì giới bảo trợ.

THẾ NÀO GỌI LÀ ÁI DỤC TRONG CẢNH SẮC GIỚI?

TÂM ham muốn của bậc tu hành vì lòng THƯỜNG KIẾN, nghĩ rằng "Nếu sanh vào cõi trời SẮC GIỚI thì sẽ tránh được cái khổ già đau chết, vì tuổi THỌ quá lâu, tưởng là BẤT TỬ" mà cố gắng tinh tấn tu hành THAM THIỀN để mong mỏi sanh vào cõi trời SẮC GIỚI.

THẾ NÀO GỌI LÀ ÁI DỤC TRONG VÔ SẮC GIỚI?

Sự tham lam của TÂM ĐOẠN KIẾN cho rằng, nếu sanh vào cõi trời VÔ SẮC, thì tự nhiên đoạn tận nguồn sanh tử luân hồi (vì tuổi THỌ lâu) cho nên chấp theo ĐOẠN KIẾN ấy mà cố tu để được thọ sanh vào cõi ấy.

Ba cái TÂM ÁI DỤC này, gọi là "TẬP KHỔ DIỆU ĐẾ" vì nó là cái tập NHÂN để sanh quả KHỔ. Ngoài ba cái TÂM ÁI DỤC trên, cái sự KHỔ không theo đâu là phát sanh ra được. Bởi TÂM ÁI DỤC hằng dắt dẫn chúng sanh xô đẩy làm cho chúng sanh phải bị trầm luân, đời đời kiếp kiếp trong biển khổ. Cái biển chính là TAM GIỚI mênh mông, không bờ, không bến, không nơi nương tựa, cho nên đức Phật gọi "ÁI DỤC là MẸ CÁC TỘI KHỔ"

DO ĐÂU MÀ TÂM ÁI DỤC ĐƯỢC TÍNH LÀ 108?

Sáu TÂM ÁI DỤC do lục căn là nhân nhĩ tỷ thiệt, Thân và Ý tiếp xúc với sáu TRẦN là sắc thinh hương vị xúc và pháp thành ra 12 TÂM ÁI DỤC trong đời hiện tại. Đem hiệp với 12 TÂM trong quá khứ và 12 TÂM trong tương lai. Vị chi 36 TÂM ÁI DỤC. Đem 36 TÂM ÁI DỤC này nhân cho Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới thành ra 108 TÂM ÁI DỤC vậy.

THẾ NÀO GỌI LÀ DIỆT KHỔ DIỆU ĐẾ?

Phạn ngữ NIRODHA ARIYA SACCA " Diệt Khổ Diệu Đế" là chơn lý cao thượng, chơn thật làm cho tiêu tan các điều thống khổ, đức THẾ TÔN giải về DIỆT DIỆU ĐẾ như vây.

- Này các thầy Tỳ khưu.

Phương châm làm cho tiêu tan, không còn dư sót 108 cái TÂM ÁI DỤC, chẳng còn mến tiếc chi, các phương châm ấy, NHƯ LAI gọi là " DIỆT DIỆU ĐẾ" vậy.

TẠI SAO DIỆT KHỔ PHẢI DIỆT 108 TÂM ÁI DỤC?

- Phải. Trong vấn đề DIỆT KHỔ, chỉ là những phương pháp làm cho tiêu tan nỗi KHỔ, nhưng đức Phật nói diệt tận 108 TÂM ÁI DỤC là chí lý. Bởi vì các sự KHỔ chỉ là nhánh nhóc của lòng ÁI DỤC. ÁI DỤC chưa trừ, thì các sự KHỔ luôn luôn phát triển.

Đức THẾ TÔN dạy phải diệt 108 TÂM ÁI DỤC không cho dư sót, đó gọi là DIỆT KHỔ vậy. Mà khi các sự KHỔ đã được tận diệt rồi, thì đâu còn phiền não phát sanh, tức là đạt đến ĐẠO QUẢ NIẾT BÀN vô SANH bất DIỆT, không còn Sanh tử luân hồi, vượt ra khỏi vòng TAM GIỚI, nghĩa là không có sự KHỔ nào nữa.

THẾ NÀO GỌI LÀ ĐẠO ĐẾ?

DUKKHA NIRODHA GAMINI PATIPADÀ ARIYA SACCA Diệt Khổ Đạo Đế, đức THẾ TÔN có dạy.

- Này các thầy Tỳ khưu.

Con ĐƯỜNG đi có thể diệt tận các điều thống khổ, được hưởng lạc thú NIẾT BÀN, CON ĐƯỜNG CHẮC THẬT cao thượng của các bậc THÁNH NHƠN, con ĐƯỜNG ấy là thế nào? Rồi Ngài giải tiếp:

- ĐẠO có TÁM CHI, có thể dập tắt các điều khổ não, là con đường chắc thật cao thượng của các bậc THÁNH NHƠN. CHÁNH ĐẠO ấy là nơi diệt trừ các tai hại của lòng THAM DỤC và sự PHIỀN NÃO, làm cho thấy rõ HUỆ ĐẠO và HUỆ QUẢ VÔ VI NIẾT BÀN không nơi cùng tột.

CON ĐƯỜNG TÁM NẺO ẤY LÀ THẾ NÀO?

BÁT CHÁNH ĐẠO LÀ.

1. CHÁNH KIẾN; 2. CHÁNH TƯ DUY
3. CHÁNH NGỮ; 4. CHÁNH NGHIỆP
5. CHÁNG MẠNG; 6. CHÁNH TINH TẤN
7. CHÁNH NIỆM; 8. CHÁNH ĐỊNH

CHÁNH KIẾN LÀ THẾ NÀO?

CHÁNH KIẾN là cái huệ cái TÂM SỞ hằng lấy NIẾT BÀN làm đề mục, cho nên hiểu rõ KHỔ ĐẾ, TẬP ĐẾ và DIỆT ĐẾ. Hiểu rõ theo con đường chơn chánh để DIỆT KHỔ hay là ĐẠO ĐẾ. Hiểu rõ rồi HÀNH theo cho diệt tận được VÔ MINH và ÁI DỤC là NHÁNH đầu tiên của con ĐƯỜNG.

CHÁNH TƯ DUY LÀ THẾ NÀO?

CHÁNH TƯ DUY là cái HUỆ. Cái TÂM SỞ quyết định thực hành các cách bố thí, trì GIỚI, tham THIỀN và quán tưởng về sự CHẾT. Suy nghĩ những điều không nên giết hại, oán thù. Quan sát kỷ lưỡng trong MƯỜI CÁCH HÀNH ĐỘNG của mình, phấn khởi lòng TỪ BI HỶ XẢ. Lại nữa, quan sát suy xét theo lý NHƠN QUẢ (làm LÀNH hưởng quả VUI, làm DỮ thọ quả KHỔ) chứ không tin càn, tưởng quấy, mê tín, dị đoan, gọi là NHÁNH thứ nhì.

CHÁNH NGỮ LÀ THẾ NÀO?

Khẩu nghiệp có BỐN điều nên tránh:

Tránh sự nói dối
Tránh sự nói lời đâm thọc
Tránh sự nói lời độc ác, chửi bới v.v...
Tránh xa sự t
à dâm vợ, con người.

CHÁNH MẠNG LÀ THẾ NÀO?

Tinh tấn dứt trừ TÀ MẠNG, là nuôi mạng sống bằng cách không chơn chánh. (Xuất gia làm thầy bùa, thầy ngải, cho phù phép, êm dối v.v...). Tại làm NĂM ĐIỀU không chơn chánh, rồi thực hành theo CHÁNH MẠNG là sống cuộc đời theo PHÁP LUẬT mà các bậc THÁNH NHƠN ngời khen.

NĂM NGHỀ NUÔI MẠNG KHÔNG CHƠN CHÁNH LÀ GÌ?

1. Buôn NGƯỜI (mua tôi bán tớ)
2. Buôn thú (nuôi để bán cho người ăn thịt)
3. Buôn thuốc độc (như cần sa, ma túy)
4. Bán các chất say (như bia , rượu)
5. Buôn bán khí giới để giết người, hại vật.

THẾ NÀO LÀ GỌI CHÁNH TINH TẤN?

Gọi CHÁNH TINH TẤN có bốn điều.

Tinh tấn dứt bỏ điều ÁC đã có.
Đè nén, ngăn ngừa các điều Ác chưa có
Tinh tấn l
àm các điều LÀNH chưa có
Duy trì, phát huy những điều LÀNH cho tăng trưởng hơn.

THẾ NÀO GỌI LÀ CHÁNH NIỆM?

Luôn nhận rõ bốn xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp (giải rõ ở phần TỨ NIỆM XỨ)

CHÁNH ĐỊNH LÀ THẾ NÀO?

Dọn lòng cho rảnh rang thanh tịnh, tránh xa phiền não và vật dục, rồi THAM THIỀN cho nhập vào SƠ THIỀN, NHỊ THIỀN, TAM THIỀN, TỨ THIỀN. Định TÂM trong bốn cõi ấy. THIỀN ĐỊNH có hai là THIỀN có BỐN BẬC và THIỀN có năm bậc như sau.

THIỀN ĐỊNH CÓ BỐN BẬC LÀ: Sơ THIỀN. Nhị THIỀN. Tam THIỀN.Tứ THIỀN

Trong SƠ THIỀN có năm ấn chứng: 1. TÂM. 2. SÁT. 3. PHỈ. 4.AN LẠC. 5.ĐỊNH

Trong NHỊ THIỀN có bốn ấn chứng: 1. Sát, 2.Phỉ, 3.Lạc, 4. Định

Trong tứ THIỀN có hai ấn chứng: 1.Định. 2.Xã

THIỀN ĐỊNH CÓ NĂM BẬC LÀ

Trong SƠ THIỀN có năm ấn chứng như SƠ THIỀN trên. Trong NHỊ THIỀN có bốn ấn chứng: 1. Sát. 2. Hỷ .3 .Lạc. 4. Định. Trong TAM THIỀN có ba ấn chứng: 1. Hỷ lạc. 2. An . 3.Định. Trong TỨ THIỀN có hai ấn chứng: 1. An lạc. 2. Định. Trong NGŨ THIỀN có hai ấn chứng: 1. Định. 2, Xã

Theo sự giải đây thì ĐỊNH là CHÁNH ĐỊNH. TÂM ấy có trong các SẮC THIỀN. CHÁNH ĐỊNH nếu giải cho đầy đủ có ba:

1. ĐỊNH trong giây lát, thuộc về PHÀM TÂM, không được bao lâu. Chỉ bằng cái móng của TÂM, ví như một cái phảy tai của con voi.

2. TÂM gần ĐỊNH là gần chấp dính vào được sơ THIỀN, nhị THIỀN, tam THIỀN, tứ THIỀN, hay ngũ THIỀN.

3. TÂM đã ĐỊNH là TÂM hoàn toàn An Trụ vào các SẮC THIỀN.

Tóm lại, TÁM CON ĐƯỜNG CHƠN CHÁNH trên đây, là con ĐƯỜNG CHÁNH, đưa con người từ PHÀM đến THÁNH từ mê RA ngộ, do đức Phật đã tìm ra, và đem GIÁO HÓA chúng sanh đi theo đó, để đến nơi AN VUI, KHỎI KHỔ.

Khi giải xong TỨ DIỆU ĐẾ, đức Phật dạy.

- Hỡi này các tỳ khưu

Ngày nay TRI KIẾN tuyệt đối như thực của NHƯ LAI về BỐN PHÁP THÁNH ĐẾ, đến ba SẮC THÁI, và 12 PHƯƠNG THỨC đã được hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy.

NHƯ LAI xác nhận trước thế gian gồm CHƯ THIÊN, MÀ VƯƠNG, và PHẠM THIÊN, giữa các chúng SA MÔN, BÀ LÀ MÔN, TRỜI và NGƯỜI rằng:

NHƯ LAI đã CHỨNG NGỘ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC RỒI vậy.

Nghe như vậy, các chư thiên ở cung trời TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG, ĐAO LỢI THIÊN, DẠ MA THIÊN, ĐẦU XUẤT ĐÀ THIÊN, HÓA LẠC THIÊN, THA HÓA TỰ TẠI THIÊN và chư thiên ở các cung trời PHẠM CHÚNG THIÊN, PHAM PHỤ THIÊN, ĐẠI PHẠM THIÊN, THIỂU QUANG THIÊN, VÔ LƯỢNG QUANG THIÊN, QUANG ÂM THIÊN, THIỂU TỊNH THIÊN, VÔ LƯỢNG QUANG THIÊN, VÔ LƯỢNG TỊNH THIÊN, BIẾN TỊNH THIÊN, QUẢNG QUẢ THIÊN, VÔ TƯỞNG THIÊN, VÔ PHIỀN THIÊN, VÔ NHIỆT THIÊN và chư thiên ở các cõi TRỜI hoàn toàn tinh khiết, cảnh giới trường cửu thanh tịnh, đẹp đẽ, quang đãng và tối thượng cũng đồng thanh tán thán hoan hô.

Chính tại lúc ấy, khoảnh khắc ấy, tiếng hoan hô thấu đến cõi PHẠM THIÊN, mười ngàn thế giới ấy đều chuyển động lung lay và rung rinh mạnh mẽ.

Đây là BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN cũng còn được gọi là "KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN" vậy.

-ooOoo-

BA MƯƠI BẢY PHÁP TRỢ BỒ ĐỀ

CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ PHÁP TRỢ BỒ ĐỀ?

Phạn ngữ BODDHI PAKKHIYA KATHU DHAMMA Hán dịch là "BỒ ĐỀ TRỢ GIẢNG GIẢI" là PHÁP phát sanh trong phần của THÁNH ĐẠO, là tài liệu giác ngộ về TỨ DIỆU ĐẾ, bởi vì các bậc THÁNH NHƠN hằng được giác ngộ TỨ THÁNH đắc thành ĐẠO QUẢ cũng do nhờ PHÁP TRỢ BỒ ĐỀ này.

PHÁP TRỢ BỒ ĐỂ CÓ MẤY? LÀ CÁI CHI?

PHÁP TRỢ BỒ ĐỀ có 37 ĐIỀU chia ra làm bảy PHẦN.

1) SATI PATTHÀNA - TỨ NIỆN XỨ
2) SAMMÀ DADHÀNA - TỨ CHÁNH CẦN
3) IDDHIPÀDA - TỨ THẦN TÚC
4) INDRIYA - NGŨ CĂN
5) BALA - NGŨ LỰC
6) BOJJHANGA - THẤT GIÁC CHI
7) MAGGA - BÁTCHÁNH ĐẠO

TỨ NIỆM XỨ LÀ THẾ NÀO?

Bốn chỗ an trú của TRÍ NHỚ là:

1) KÀYA NUPASSANÀ SATIPATTHÀNA: Niệm Thân
2) VEDANÀ NUPASSANÀ SATIPATTHÀNA: Niệm Thọ
3) CITTÀ NUPASSANÀ SATIPATTHÀNA: Niệm Tâm
4) DHAMMÀ NUPASSANÀ SATIPATTHÀNA: Niệm Pháp

QUÁN THÂN BẤT TỊNH LÀ THẾ NÀO?

Dùng TRÍ NHỚ để quán niệm suy xét thân ta chỉ là do 32 thế trược hợp thành, đặc chỉ về TỨ ĐẠI (Đất nước gió lửa) tùy nhơn duyên sanh rồi tùy nhơn duyên mà diệt. Hoặc hơi thở vô, hơi ra, hoặc tứ oai nghi đi đứng nằm ngồi làm đề mục quán xét, chỉ là vật đáng nhờm gớm, giả huyễn mà thôi.

QUÁN THỌ THỊ KHỔ LÀ THẾ NÀO?

Chỗ an trú của TRÍ NHỚ có ba là: 1. Thọ VUI; 2. Thọ KHỔ; 3. Thọ VÔ KÝ.

Quán niệm luôn luôn rằng khi thọ VUI hay thọ KHỔ cũng chỉ là THỌ vậy thôi. Là giả tạm, tùy nhơn duyên sanh diệt nối tiếp không ngừng. Hết VUI đến KHỔ, mãn KHỔ lại VUI cứ đeo đuổi níu kéo hoài. Cố luyện rèn tập tành cho cái TÂM trú vào tình trạng trung lập, không VUI, không KHỔ, tức là VÔ KÝ vậy.

QUÁN TÂM VÔ THƯỜNG LÀ THẾ NÀO?

TÂM của ta, của con người, ví như con KHỈ trong RỪNG. Nó nhảy cành này sang nhánh nọ, nhánh nọ chuyển cành kia, từng sát na, từng thời phiếu luôn luôn thay đổi LÀNH cũng có, DỮ cũng nhiều. Nó tùy thuộc vào cảnh huống phát sanh không ngừng nghĩ. Bởi vậy, mãi phân duyên theo trần cảnh mà sanh ra THAM SÂN SI do lòng ÁI DỤC mà ra, do nhân trên, HÀNH GIẢ phải dùng sợi dây là TRÍ NHỚ, cây cột là ĐỀ MỤC để cột trói con TÂM vào một mục tiêu chính, để rèn luyện cho nó an trú thanh tịnh, thuần chủng, tinh khiết.

QUÁN PHÁP VÔ NGÃ LÀ THẾ NÀO?

Các PHÁP HỮU VI thật không BỀN VỮNG. Nó tùy nhân duyên sanh diệt. CÓ đó rồi KHÔNG đó. CÒN đó rồi MẤT đó. Không có một vật gì là trường tồn vĩnh cửu là CỦA TA cả. Đến đổi các PHÁP HÀNH VI tạo tác mà TA gây tạo cũng không phải là CỦA TA.

Bởi vậy, HÀNH GIẢ phải dùng TRÍ NHỚ mà quán xét các PHÁP đều là VÔ NGÃ, không phải CỦA TA ĐỂ DIỆT LÒNG bủn xỉn, keo kiệt, ngã chấp quyến luyến theo cái mà TA gọi là TA.

CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ TỨ CHÁNH CẦN?

SAMMÀ PADDHÀNA, dịch TỨ CHÁNH CẦN. Lẽ thường là PHÁP An trụ bằng cách chơn chánh, là nói về cái mà TA gọi là TA.

1. Tinh tấn diệt trừ các ác pháp đã sanh ví như xua đuổi, thứ dữ, rắn độc cho ra khỏi nhà.

2. Ngăn ngừa các ác pháp chưa có đừng có phát sanh. Ví như đóng cửa, cài then không cho thú dữ, rắn độc vào nhà.

3. Tinh tấn vun trồng thiện pháp nào chưa có ví như cố gắng tìm vàng bạc, châu báu, của quý v.v...

4. Tinh tấn duy trì, phát huy, vun trồng và tô bồi những thiện pháp nào đã có cho được tăng trưởng dồi dào, tốt đẹp hơn lên ví như cất giữ vàng bạc châu báu không cho hao tán mất mát đi vậy.

TỨ THẦN TÚC LÀ THẾ NÀO?

Phạn ngữ IDHI PÀDA dịch là "TỨ THẦN TÚC"

Hay "TỨ NHƯ Ý TÚC" là chỗ làm cho tâm phát sanh thần thông y như ý nguyện, nếu HÀNH GIẢ thực hành đầy đủ, có bốn là.

1. CHANDIDDHI PÀDA. Mãn ý thần túc là sự vừa lòng, vui vẻ trong biện pháp.
2. VIRIYADIDDHI PÀDA. Tinh tấn thần túc, sự tinh tấn, cố gắng không lười biếng.
3. CITTIDDHI PÀDA. Tâm tư thần túc, tâm luôn suy nghĩ về đường lối HÀNH cho đắc QUẢ.
4. VIMANS
ÀDDHI PÀDA. Trí tuệ thần túc, sự hiểu biết các pháp hữu vi sanh diệt.

GIẢI THÊM:

CHANDA. Sự thương mến vừa lòng ứng ý đối với TỘI cũng có, PHƯỚC cũng có, nơi đây chỉ nói toàn PHƯỚC thôi.

VIRIYA, sự tinh tấn này TỘI cũng có. Phước cũng có nơi đây đặc chỉ về PHƯỚC thôi.

CITTA. TÂM ở đây đặc chỉ về TÂM VÔ KÝ, an trụ

An trụ, thanh tịnh, diệt trừ trần cấu bợn nhơ, hoàn toàn trong sạch.

VIMANSA. Trí tuệ ở nhóm 25 THIỆN TÂM SỞ là chỉ riêng về phần PHƯỚC thôi.

Bốn PHÁP THẦN TÚC này, nếu người nào thực hành một cách tốt đẹp rồi, thì người ấy có tuổi THỌ lâu dài theo sự nhất định của tuổi THỌ KIẾP, hoặc nhiều hơn KIẾP cũng có.

NGŨ CĂN LÀ THẾ NÀO?

INDRIYA, dịch NGŨ CĂN là năm nguồn gốc chắc chắn thế thường Gốc Rễ có sâu có chắc, thì CÂY mới to lớn mạnh mẽ. Cũng như thế ấy, NGŨ CĂN đây chỉ là năm ĐỨC TÁNH căn bản tốt đẹp, mà người học Phật phải huân tập tô bồi, hun đúc cho mình luôn khi, NGŨ CĂN ấy là.

SADDHINDRIYA - Tín căn.
VIRIYINDRIYA - Tấn căn.
SATINDRIYA - Niệm căn.
SAM
ÀDHINDRIYA - Định căn.
PANNADHINDRIYA - Huệ căn.

THẾ NÀO GỌI LÀ TÍN CĂN?

Sự tin tưởng, Đức tin làm gốc, như tin và TUỆ GIÁC của Phật, tin NHƠN, tin QUẢ, tin NGHIỆP là của ta gọi INDRIYA với nghĩa là GỐC, bởi có thể đè nén sự không tin tưởng, hoặc TÀ KIẾN được.

THẾ NÀO GỌI LÀ TẤN CĂN?

Sự tin tấn, cố gắng gọi là VIRIYA với cái nghĩa INDRIYA là GỐC, bởi có thể đè nén sự lười biếng, dễ duôi, hôn trầm, dã dượi được.

THẾ NÀO GỌI NIỆM CĂN?

Sự ức niệm. Như NIỆM về ân đức Phật v.v...gọi là SÀTI với cái nghĩa INDRIYA là GỐC bởi có thể đè nén sự phóng tâm, dễ duôi được.

THẾ NÀO GỌI LÀ ĐỊNH CĂN?

Sự ĐỊNH TÂM chắc chắn gọi SAMÀDHI với cái nghĩa INDRIYA là GỐC bởi có thể đè nén sự rời rạc buông lung vọng tâm, phóng đãng được.

THẾ NÀO GỌI LÀ HUỆ CĂN?

Trí tuệ hiểu rõ gọi là PUNNA với cái nghĩa INDRIYA là gốc, bởi có thể đè nén sự quá lầm lạc, tà kiến SAMMOHA được.

XIN GIẢI VỀ NGŨ LỰC?

BALA dịch là "SỨC MẠNH" hoặc cứng chắc không lay động có 5 điều:

SADDHÀ BÀLA - Tín lực
VIRIYA BÀLA - Tấn lực
SATI BÀLA - Niệm lực
SAMÀDHI BÀLA - Định lực
PANNA B
ÀLA - Huệ lực

THẾ NÀO GỌI LÀ TÍN LỰC?

Là sự trong sạch, vững chắc trong đức TIN. Sở dĩ gọi là sức mạnh, ý nói rằng, sự không tin tưởng, hoặc tin càn, tưởng quấy không thể đè nén TÂM được.

THẾ NÀO GỌI LÀ TẤN LỰC?

Là sự cố gắng tinh tấn. Sở dĩ gọi là sức mạnh bởi có thể đè nén sự dễ duôi, lười biếng của tâm

THẾ NÀO GỌI LÀ NIỆM LỰC?

Dùng sức mạnh của trí nhớ. Sở dĩ gọi là sức mạnh bởi có thể diệt trừ, đè nén sự phóng tâm.

THẾ NÀO GỌI LÀ ĐỊNH LỰC?

ĐỊNH LỰC là định tâm chắc chắn, sở dĩ gọi là sức mạnh, bởi có ý nói rằng sự hôn trầm không thể đè nén tâm được.

THẾ NÀO GỌI LÀ HUỆ LỰC?

Là sự biết rõ. Sở dĩ gọi là sức mạnh bởi có ý nói rằng sự lầm lạc, mê tín, hoài nghi không thể đè nén tâm đựơc.

XIN GIẢI VỀ THẤT GIÁC CHI?

BOJJHANGA dịch rằng PHÁP là chi điều, nghĩa là NHÂN của bậc giác ngộ TỨ THÁNH THIỆT cũng gọi TỨ DIỆU ĐẾ có bảy GIÁC CHI"điều" là.

SATI BOJJHANGA. Niệm giác chi, sự ức niệm là NHÂN của bậc giác ngộ.
DHAMMA VICAYA BOJJHANGA. Tuệ Trạch Pháp Giác chi, Trí tuệ là NHÂN giác ngộ
VIRIYA SAMBOJJHANGA. Tấn giác chi, sự tinh tấn là nhân giác ngộ tứ Thánh.
PÌTI SAMBOJJHANGA. Phỉ mãn Giác chi, vắng lặng, thỏa thích thân tâm là nhân giác ngộ
PASSADHI SAMBOJJHANGA. Tịch tịnh Giác Chi sự vắng lặng trần cấu là nhân Giác ngộ.
SAMÀDHI SAMBOJJHANGA. Định giác chi, sự định tâm là nhân giác ngộ tứ Thánh.
UPEKKHA SAMBOJJHANGA. Xã Giác chi. Sự trung lập là nhân giác ngộ tứ Thánh

Trên đây chỉ giải tóm tắt về THẤT GIÁC CHI, muốn nghiên cứu học hỏi cho rõ hơn, xin tìm xem nơi quyển "BỒ ĐỀ TRỢ GIẢNG GIẢI" của GIẢNG SƯ PHÁP NHẪN.

XIN GIẢI VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO?

ATTTHANGIKA MAGGA dịch là "BÁT CHÁNH ĐẠO" là trạng thái mà người muốn đến NIẾT BÀN phải có. Hoặc là trạng thái tìm kiếm NIẾT BÀN, hoặc trạng thái giết chết phiền não và tiến hành đến NIẾT BÀN, nói về ĐẠO có TÁM CHI. Trước đã giải rồi, đây đem PHẨM ĐẠO PHÂN TÍCH CHI."MAGGA VIBHANGA" trong VI DIỆU PHÁP giảng giải thêm.

TRONG CÁC CHI ĐẠO ẤY, CHÁNH KIẾN LÀ THẾ NÀO?

Sự biết trong điều khổ
Sự biết ÁI DỤC l
à nhân sanh khổ
Sự biết NIẾT BÀN là nơi dụi tắt phiền não
Sự biết đường lối thực hành để đi đến NIẾT BÀN là DIỆT KHỔ

Các sự biết ấy gọi là SAMMÀDITTHI " CHÁNH KIẾN"

CHÁNH TƯ DUY RA SAO?

Sự suy nghĩ trong điều xa lánh ÁI DỤC
Sự suy nghĩ trong điều không hủy hại kẻ khác
Sự suy nghĩ trong điều không lấn lướt kẻ khác

Các điều suy nghĩ chơn chánh trên đây gọi là SÀMMA SANKAPPA "CHÁNH TƯ DUY" vậy.

CHÁNH NGỮ LÀ THẾ NÀO?

Sự chừa cải nói lời giả dối.
Sự chừa cải nói lời hai lưỡi, đâm thọc.
Sự chừa cải nói lời độc ác, chửi mắng.
Sự chừa cải nói lời vô ích, sang đ
àng.

Sự gìn giữ nói lời chơn chánh, tránh xa điều xấu xa đê tiện gọi là SAMMÀ VACA "CHÁNH NGỮ" vậy.

CHÁNH NGHIỆP LÀ THẾ NÀO?

Sự chừa sự sát sanh.
Sự chừa sự trộm cắp.
Sự chừa sự tà dâm.

Ba điều chừa cải các TRƯỢC HẠNH xấu xa, trau giồi THANH HẠNH cho tốt đẹp gọi mà SAMMÀ SAMMANTÀ "CHÁNH NGHIỆP"

CHÁNH MẠNG RA SAO?

Dứt bỏ TÀ MẠNG (bùa, chú, ấn quyết, ngãi, ếm, mê tín, dị đoan) lừa gạt phỉnh phờ kẻ nhẹ dạ, dễ tin, coi ngày tốt xấu, cúng sao hạn v.v...rồi trau giồi đời sống thanh cao, nuôi mạng bằng nghề chơn chánh lương thiện gọi là SAMMÀ AJIVÀ "CHÁNH MẠNG"

CHÁNH TINH TẤN LÀ THẾ NÀO?

Ngăn ngừa ác pháp chưa có đừng cho phát sanh.
Dứt bỏ hủy hoại ác pháp đ
ã có.
Trau giồi, phát huy thiện pháp chưa có.
Duy trì, un đúc thiện pháp cho tăng trưởng.

Bốn PHÁP TINH TẤN trên đây gọi là SAMMÀVÀYAMÀ.

CHÁNH NIỆM THẾ NÀO?

1. Quán tưởng thân trong thân, cố ý thiêu hủy sự trái ý, nghịch lòng trong khi tiếp xúc với thế gian.
2. Có Trí tuệ diệt trừ tham lam và sự trái ý nghịch lòng đối với trần cảnh, chấp thủ trong khi thọ.
3. Quán tưởng Tâm trong tâm, suy niệm sự vô thường huyễn hóa, sự sanh diệt của các pháp thế gian.
4. Quán tưởng các PHÁP HỮU VI vận h
ành tùy nhơn duyên sanh rồi diệt, không có một TỰ NGÃ THƯỜNG CÒN.

Cả bốn PHÁP QUÁN TƯỞNG trên, cố thiêu hủy phiền não là kẻ biết mình tốt đẹp, có trí tuệ diệt trừ tham lam và các sự trái ý nghịch lòng, trong khi tiếp xúc với thế gian trần cảnh gọi là SAMMÀ SATI "CHÁNH NIỆM".

THẾ NÀO GỌI LÀ CHÁNH ĐỊNH?

- Vắng lặng trong ÁI DỤC.
- Vắng lặng tất cả các pháp, nhất là 5 pháp triền cái, ngủ ngầm trong tâm.
- Dắt dẫn tâm cho đạt được Sơ THIỀN, nhị THIỀN, tam THIỀN, tứ THIỀN. Dứt bỏ mọi sự an vui, sự KHỔ, sự vừa lòng SAMANASSA, sự trái ý DOMÀNASSA, có trí tịnh do nhờ TRUNG LẬP gọi là SAMMÀSAMÀDHI (CHÁNH ĐỊNH)

BÁT CHÁNH ĐẠO CÒN ĐƯỢC GỌI LÀ TAM HỌC LÀ THẾ NÀO?

Trong TÁM YẾU TỐ đầu, CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ, thuộc về TRÍ TUỆ "TUỆ"; CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, thuộc về GIỚI; CHÁNH TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH thuộc về ĐỊNH.

Cũng có thể sắp xếp như sau.

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về GIỚI.
Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, thuộc về về ĐỊNH.
Chánh kiến, chánh tư duy thuộc về HUỆ

Nói một cách chính xác, tám CHI của BÁT CHÁNH ĐẠO là tám TÂM SỞ "CETASIKA" luôn luôn nằm chung trong bốn loại SIÊU TÂM THẾ "LOKUTTARA CITTA".

Đối tượng của bốn loại "SIÊU TÂM THẾ" ấy là "NIẾT BÀN"

Tám TÂM SỞ ấy là huệ căn "PANNADRIYA" TẦM "VITAKKA" và xã "THAGGALÀ".

Tám yếu tối ấy cũng cho thấy tâm trạng của con người có chú tâm, nguyện cố gắng THÀNH ĐẠT ĐẠO QUẢ GIẢI THOÁT".

XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA "THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN"?

THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN hay NHƠN QUẢ LIÊN QUAN là một sợi DÂY vô hình có 12 cái KHOEN kết thành một vòng tròn, cái này dính cái kia, không đầu, không đuôi xoay chuyển luôn luôn. QUẢ trước làm DUYÊN khởi cho NHÂN sau. NHÂN sau trở thành QUẢ trợ cho NHÂN sau nữa.

MƯỜI HAI CÁI KHOEN đó là Danh Từ Trừu Tượng chỉ danh những PHÁP VÔ VI, Vi tế chứ không phải khoen SẮT, khoen ĐỒNG, hay khoen GỖ v.v... được kể ra như sau.

VÔ DANH duyên HÀNH
HÀNH duyên THỨC
THỨC duyên DANH SẮC
DANH SẮC duyên LỤC NHẬP
LỤC NHẬP duyên XÚC
XÚC duyên THỌ
THỌ duyên ÁI
ÁI duyên THỦ
THỦ duyên HỮU
HỮU duyên SANH
SANH duyên LÃO TỬ
LÃO TỬ trở lại VÔ MINH

THẾ NÀO GỌI LÀ VÔ MINH?

VÔ MINH là sự tối mê che án, không cho chúng sanh hiểu được ĐỜI LÀ KHỔ, đâu là NGUYÊN NHƠN các sự KHỔ và không biết làm sao cho hết KHỔ. Vì VÔ MINH, nên giả cho là thật, không cho là CÓ, Dơ bảo là SẠCH, KHỔ nói là VUI, ví như người mù sanh ra từ lòng mẹ không phân biệt được hình tướng, màu sắc gì cả.

THẾ NÀO GỌI LÀ HÀNH?

Là hành vi tạo tác, sự chuyển động tò mò rờ cái này, mó cái kia, quờ quạng ví như người mù đi trên con đường trơn trượt vậy.

THẾ NÀO GỌI LÀ THỨC?

Sự mong mỏi muốn biết, hy vọng ao ước, biểu lộ lòng ham muốn, tìm tòi, ví như bị trược té, giật mình.

DANH SẮC LÀ THẾ NÀO?

Có sự mong muốn, kiếm tìm cho nên gặp phải hai trạng thái. Một phần vật chất, hình tướng cho là SẮC. Và danh từ, tiếng gọi là DANH, DANH và SẮC ví như hai mủi GAI nhọn.

THẾ NÀO GỌI LÀ LỤC NHẬP?

Có DANH SẮC rồi, Thân này nảy sanh sáu CỬA là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý để làm nơi thu hút, đón nhận tựa thể bị lở ra sáu lỗ UNG NHỌT đau nhứt.

THẾ NÀO GỌI LÀ XÚC?

Sáu cửa ấy đòi hỏi những gì mong muốn. Sáu trần là sắc, thính, hương vị, xúc và pháp tiếp xúc đụng chạm vào, ví như tìm các thứ thuốc đắp vào sáu lỗ trên.

THẾ NÀO GỌI LÀ THỌ?

Khi LỤC CĂN tiếp xúc với SÁU TRẦN sanh ra CẢM GIÁC. Trần nào vừa lòng, thích ý thì VUI. Trái ý, nghịch lòng thì GHÉT, ví như Thuốc dịt vào có thứ chịu có thứ không.

THẾ NÀO GỌI LÀ ÁI?

CẢM GIÁC làm cho ưa thích, quyến luyến mãi, ham thích hoài, không chịu xa lìa, dứt bỏ gọi là ÁI. Ví như THUỐC nào êm dịu, thì ưa thích đắp thêm vào.

THỦ LÀ THẾ NÀO?

Có sự ưa muốn quyến luyến, bám chặt, giữ cứng không chịu buông lìa ra gọi là THỦ.

HỮU Ý NGHĨA LÀM SAO?

Không buôn ra, cố tích trữ để dành, chấp là "CỦA TA" ví như cố khư khư giữ lấy bã THUỐC ấy, lại còn cố tìm kiếm thêm nhiều hơn nữa, để dành, tích trữ.

THẾ NÀO GỌI LÀ SANH?

Khi tìm ra rồi, lại mất đi, cố tìm ra nữa, cố gắng tạo cho có nữa, ví như đi đường trơn trợt bị té ngã, rồi đứng dậy, đi nữa gọi là TÁI SANH.

THẾ NÀO GỌI LÀ LÃO TỬ?

Khi đã TÁI SANH, có xác thân thì phải có tiêu hoại mỏi mòn. ĐAU dẫn GIÀ và cuối cùng là CHẾT. CHẾT ví như té vào đống lữa to vô cùng đau đớn.

Tóm lại THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN hay NHƠN QUẢ LIÊN QUAN gồm có:

3 ADDHÀ - Thời kỳ
12 ANGA - Chi
20 AKARA - Thể
3 SANDHI - Chỗ nối liền
4 SANKHEPPA - Chỗ tóm tắt.
3 VATTA - Sự xoay chuyển
2 MÙLA. - Gốc

BA THỜI KỲ LÀ THẾ NÀO?

- Hai pháp VÔ MINH và HÀNH thuộc quá khứ.
- Tám pháp THỨC, DANH SẮC, LỤC NHẬP, XÚC, THỌ, ÁI, THỦ, HỮU hiệp lại thuộc hiện tại.
- Hai pháp SANH và TỬ thuộc VỊ LAI

MƯỜI HAI CHI LÀ THẾ NÀO?

Từ VÔ MINH đến GIÀ CHẾT là 12 CHI hay còn gọi là 12 cây CĂM, làm thành cái SƯỜN cho bánh XE SANH TỬ.

HAI MƯƠI THỂ LÀ THẾ NÀO?

VÔ MINH, HÀNH, ÁI, THỦ, HỮU năm THỂ này là NHÂN quá khứ, để sanh ra QUẢ hiện tại là THỨC, DANH, SẮC, LỤC NHẬP, XÚC, THO thành ra mười THỂ.

Kể từ ÁI, THỦ, HỮU, VÔ MINH, HÀNH năm THỂ hiện tại là NHÂN để sanh QUẢ vị lai là THỨC, DANH SẮC, LỤC NHẬP, XÚC THỌ thành ra mười THỂ. Trước sau vị chi 20 THỂ.

THẾ NÀO GỌI LÀ BA CHỖ NỐI LIỀN?

Lúc HÀNH của thời kỳ QUÁ KHỨ nối liền với THỨC hiện tại là NHƠN QUẢ nối liền.

Lúc THỌ của QUẢ hiện tại nối liền với ÁI là NHƠN hiện tại, gọi là QUẢ NHƠN nối liền.

Lúc HỮU của NHƠN hiện tại nối liền với SANH là QUẢ của Vị lai, gọi là NHƠN QUẢ nối liền.

Lúc HỮU của NHƠN hiện tại nối liền với SANH là QUẢ của Vị lai, gọi là NHƠN QUẢ nối liền.

THẾ NÀO GỌI LÀ BỐN CHỖ TÓM TẮT?

- VÔ MINH, HÀNH là một chỗ tóm tắt
- THỨC, DANH SẮC, LỤC NHẬP, XÚC, THỌ là một chỗ tóm tắt.
- ÁI, THỦ, HỮU là một chỗ tóm tắt.
- SANH, GIÀ, CHẾT một chỗ tóm tắt.

BA SỰ XOÁY CHUYỂN LÀ THẾ NÀO?

Ba sự XOAY CHUYỂN là sự LUÂN CHUYỂN của PHIỀN NÃO

- Luân chuyển của NGHIỆP "KAMMA VATTA"
- Luân chuyển của QUẢ "VIROKA VATTA"
- Luân chuyển của phiền não là VÔ MINH, ÁI, THỦ, "KILESA VATTA" KAMMA BHÀVA "HỮU NGHIỆP" và HÀNH gọi là luân chuyển của NGHIỆP hữu sanh.

UPPATI VATTA, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, già, chết tám CHI này gọi là LUÂN chuyển của phiền não.

THẾ NÀO GỌI LÀ HAI GỐC?

Hai GỐC là Vô minh và Ái dục. Khi hai GỐC này chưa diệt được, thì ba sự luân chuyển cứ tạo thêm lên, rồi xoay tròn mãi mãi. Nếu sự luân chuyển của phiền não mà bị THÁNH ĐẠO cắt đứt diệt tận thì sự luân chuyển của NGHIỆP và QUẢ cũng diệt.

Khi NGHIỆP và QUẢ đã dứt rồi, tức là đã bẻ gãy 12 cây CĂM của bánh XE SANH TỬ LUÂN HỒI, cũng có nghĩa là phá vỡ 12 cái KHOEN VÔ HÌNH ràng buộc, tức là không còn sanh tử luân hồi, dứt KHỔ đến NIẾT BÀN vậy.

Đây là giải về các CHI của THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN và tất cả các chi nhánh NHƠN QUẢ LIÊN QUAN đến sự sanh tử luân hồi, ví như một vòng tròn cứ theo thời gian nghiệp lực, hành vi tạo tác mà luôn luôn xoay chuyển mãi hoài trong LỤC ĐẠO.

MUỐN BẺ GÃY 12 CÂY CĂM PHẢI LÀM SAO?

Nếu muốn diệt tắt các sự khổ não, thì cần diệt đầu mối dây. Tức là vô minh cái đã. Có câu Phật ngôn. AVIJJÀYA TVE ASESANNIKÀYA NIRODHA SANKHARA NIROYA.

-Sự dập tắt VÔ MINH không còn dư sót do nơi THÁNH ĐẠO rồi. HÀNH cũng do đó mà tắt theo. Khi HÀNH diệt thì THỨC, cũng diệt. THỨC diệt thì DANH SẮC diệt theo DANH SẮC diệt thì không có LỤC NHẬP. LỤC NHẬP không thì XÚC cũng không. Không XÚC lấy gì, THỌ? THỌ diệt thì ÁI cũng diệt, ÁI diệt thì THỦ không có. THỦ không có, tức không HỮU, HỮU diệt thì lấy đâu mà SANH. Không SANH tức không GIÀ ĐAU CHẾT, buồn rầu, khóc than khổ não, lo sợ, đau đớn, tuyệt vọng v.v...

CHO BIẾT CÁCH THỰC HÀNH ĐỂ BẺ GÃY BÁNH XE?

HÀNH GIẢ nào muốn chặt đứt, bẻ gãy bánh xe sanh tử luân hồi, phải có đầy đủ nghị lực, tinh tấn thực hành theo PHÁP THIỀN ĐỊNH" SAMÀDHI"và MINH SÁT TUỆ "VIPASSANÀ".Vì rằng có THIỀN ĐỊNH, tâm mới an trụ một chỗ vắng lặng, đè nén các phiền não, vì như nước đục để yên một chỗ vắng lặng, phần ô uế, cặn bã lắng chìm xuống đáy. Nước ở trên, trong trẻo sạch sẽ. Nhờ tâm vắng lặng an trụ, HÀNH GIẢ dùng MINH SÁT TUỆ suy xét quán niệm về sự khổ, tìm phăng ra đầu mối của nó, rồi lần lần phăng từ GỐC đến NGỌN. Nhờ TRÍ TUÊ, nhận thấy đâu là GỐC, rồi mới bẻ gãy , hủy diệt lần lần VÔ MINH cho đến LÃO TỬ như trong DI GIÁO KINH.

- YAM KINCI SAMUDAYA DHAMMAM SABBATTAM NIRODHA DHAMMAM.

Còn nghĩa là:

- Pháp nào do NGUYÊN NHÂN phát sanh lên, PHÁP ấy đều phải tiêu diệt cả.

Khi TRÍ TUỆ thấy rỏ như thế ấy rồi, tức là TÂM trong sạch sáng láng, không có phiền não, vì như tấm GƯƠNG được lau chùi láng bóng không còn bụi nhơ, hay như nước được nấu cất, lọc kỹ, tức là đã đạt đến ĐẠO QUẢ NIẾT BÀN là nơi diệt tận các sự KHỔ NÃO trong vòng sanh tử luân hồi, cũng có nghĩa là đã bẻ gãy 12 cây CĂM của bánh xe THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN hay bánh xe LUÂN HỒI đó vậy.

MINH SÁT TUỆ CÓ MẤY CHI?

VIPASSANÀ Hán dịch "MINH SÁT TUỆ" có mười chi.

1. SAMMANÀNA. - Huệ suy xét các pháp hữu vi "UẨN" đều là vô thường, khổ não và vô ngã.

2. UDAYAPPAYANÀNA.- Huệ suy xét sự SANH và DIỆT của các pháp HỮU VI.

3. BHANGANÀNA.- Huệ suy xét sự tan rã mau chóng của các pháp HỮU VI.

4. BHADNÀNA. - Huệ suy xét các pháp HỮU VI đáng ghê sợ như thú dữ hay QUÂN NGHỊCH.

5. ADIVANÀNANA.- Huệ suy xét thấy rõ những sự lợi lộc của pháp HỮU VI cũng như người thấy nhà mình bị cháy, lo sợ chạy ra khỏi nhà.

6. NIPPADANÀNA.- Huệ chán nản các pháp HỮU VI vì thấy đầy những tội lỗi.

7. MUNCITUKAMYATANÀNA.- Huệ muốn thoát khỏi các pháp HỮU VI ấy cũng như người bị còng trói hay như cá mắc lưới, vùng vẫy để thoát.

8. PATISANKHANÀNA.- Huệ suy xét, tìm thấy phương thế để giải thoát.

9. SANKHARUPEKKHÀNÀNA.- Huệ xã, không còn chấp các pháp HỮU VI nữa, cũng như người bỏ vợ không còn mến tiếc, nếu người vợ ấy tự tình với người trai nào cũng thản nhiên không để ý tới.

10. ANULOMMANÀNA.- Huệ thấy rõ xuôi theo THÁNH ĐẠO.

Tóm lại, tất cả chư thiên và nhơn loại đều ở trong vòng NHƠN QUẢ LIÊN QUAN, nghĩa là còn SANH TỬ LUÂN HỒI. Bánh xe đó cứ xoay tròn mãi mãi. Khi làm Trời, khi làm người, khi làm thú, lớn hoặc nhỏ v.v... chỉ vì chúng sanh bị VÔ MINH che án, nên không thấy được SỰ THẬT của các. PHÁP HỮU VI.

Trong KINH ABHI DHAMMA VIBHASSASUTRA: Trong 24 giờ , tinh thần (TÂM) sinh diệt luôn luôn không ngừng nghỉ. Có đến 6.400.099.980 lần diệt tắt của TÂM.

Còn trong THANH TỊNH ĐẠO "VISUDDHI MAGGA" giải:

- Sự SỐNG của con người quá ư ngắn ngủi, vì mỗi lần diệt tắt của tâm, là mỗi lần sự sống cũng diệt tắt theo. Nhưng do sự liên tiếp nhanh chóng của tư tưởng mà con người, lầm lạc cho rằng "MÌNH SỐNG MÃI" rồi cứ mãi đeo níu chấp "TA".

Thế thường, người ta chỉ thấy thực tại mà suy đoán ví như thấy cây tốt nhờ phân. Phân tốt do vật này, vật kia, cũng như vật lý học cho rằng "Các động cơ chuyển động là do hơi nước, mà hơi là do nước với lửa."

Cũng như thế ấy, Phật giáo dạy ta hiểu cái nguyên nhân kế cận trong mỗi hành vi của con người.

Theo luật NHƠN QUẢ LIÊN QUAN, nếu không tìm hiểu và tin theo LÝ NHÂN QUẢ, cứ nghe đâu theo đó, không phân biệt chánh tà, thì không bao giờ trở nên sáng suốt được. Bằng như ta nhận thấy đó là chắc thật, là đúng, mà thực hành, mà cố công suy luận để tìm nguyên nhơn, để tìm cho ra đầu mối, lấy nó làm nhân mà diệt đi, thì sẽ sáng suốt và sẽ thoát ra khỏi vòng SANH TỬ LUÂN HỒI, tức là đạt ĐẠO QUẢ NIẾT BÀN. Là vô sanh bất diệt vậy.

Ví như người THẦY THUỐC xem BỆNH NHÂN, kỷ đoán BỆNH LÝ đúng, bốc THUỐC hay, cho bệnh nhân uống đúng - thời là cơn BỆNH phải dứt trừ, trở nên lành mạnh an vui.

Người THẦY THUỐC tức là đức Phật. Mà BỆNH NHÂN là chúng sanh, trong tam giới. Khỏi Bệnh tức là đắc ĐẠO và QUẢ đến NIẾT BÀN an vui tự tại là nơi VÔ SANH, BẤT DIỆT.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Tông và Tỳ kheo Tuệ Tâm đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-09-2003