Thich Minh Chau - Dao duc Phat Giao - 03

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đạo đức Phật giáo và Hạnh phúc con người

Hòa thượng Thích Minh Châu
Phật lịch 2546, TL. 2002


Phần III


[08]

SỐNG ĐẠO ĐỨC LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CHÚNG TA

Đề tài bài viết của chúng tôi hôm nay: "Sống đạo đức là trách nhiệm của mỗi con người chúng ta ". Đây có thể là đề tài không gây ngạc nhiên cho người nghe, nhưng khiến cho ưu tư, khiến cho suy nghĩ; những ai chưa sống trong nếp sống đạo đức, coi trọng nếp sống đạo đức và đề cao nếp sống ấy.

Sở dĩ chúng tôi chọn đề tài này là bởi chúng tôi tìm trong giáo lý của đức Phật cả một kho tàng to lớn về giá trị đạo đức hết sức cần thiết cho đời sống hạnh phúc của người Phật tử chúng ta. Chúng tôi cũng muốn qua đề tài này, xác chứng lại giá trị của hạnh phúc chân thật mà đạo Phật có thể cống hiến cho con người và cuộc đời bằng cách nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề đạo đức. Ngoài ra, một vài biểu hiện của lối sống hiện đại cũng là lý do cho bài viết này .

*

Trước hết, đạo đức là vấn đề lớn và cần được hiểu là vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm thực hành của mọi người như là giải pháp mang lại hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội. Tất nhiên, đạo đức không phải tự nhiên mà có, cũng như hạnh phúc không phải tự dưng mà có nếu không được nuôi dưỡng. Đạo đức cũng không ở trong từ ngữ hoa mỹ được định nghĩa thế này hay thế khác như món trang sức cho trí tưởng tượng. Đạo đức là một nếp sống và là nếp sống thiện, bỏ ác làm lành, được thể hiện qua các thái độ sống, cung cách ứng xử và tiếp xúc hằng ngày của con người, từ đấy hạnh phúc được biểu lộ. Do đó, đạo đức có thể được xem là đồng nghĩa với hạnh phúc và cần được nuôi dưỡng như chính hạnh phúc vậy. Quả thực, người biết nuôi dưỡng đạo đức là người biết nắm bắt hạnh phúc vậy.

Hơn thế, đạo đức còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tự thân cũng như đối với gia đình và xã hội, vì lẽ, đạo đức là hạnh phúc và việc xây dựng hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội là trách nhiệm của mỗi người sống nếp sống đạo đức, tức là người có trách nhiệm cao trong các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Thiếu mất tinh thần trách nhiệm này, nghĩa là nếp sống thiếu đạo đức, thì chẳng những tự thân người có chịu bất hạnh, mà ngay cả gia đình và xã hội người ấy đang sống cũng chịu thiệt thòi, chịu bất hạnh do cuộc sống của vị ấy gây ra. Tục ngữ Việt Nam ta nói câu: "Một con sâu làm rầu nồi canh" hẳn đã nói lên được ý nghĩ này.

Giáo lý Duyên khởi của Phật giáo cũng chỉ rõ, "Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt". Công thức này để nói lên sự khổ tập và sự khổ diệt của giáo lý nhà Phật, theo đó khi vô mình, ái, thủ có mặt thì khổ đau có mặt; và ngược lại, khi vô minh, ái, thủ được trừ diệt thì khổ đau chấm dứt và ở đấy hạnh phúc xuất hiện.

Quy luật tương tác trên giúp cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về các mối quan hệ mật thiết giữa con người với con người, giữa cá nhân, gia đình và xã hội, theo đó hạnh phúc của người này cũng là an lạc của kẻ khác, và khổ đau của người này chính là bất hạnh của kẻ khác. Nói khác đi, cuộc sống của mỗi người chúng ta luôn luôn "dự phần" vào cuộc sống chung của mọi người, trực tiếp hoặc gián tiếp và chắc chắn không thể có cái gọi là "cá biệt" hay "riêng lẽ" trong một tổng thể của các mối tương hệ này.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này để nói lên trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với vấn đề đạo đức. Quả thật, chúng ta vẫn còn mơ hồ về đạo đức như thể nó là một tín đồ tôn giáo hay ước lệ của xã hội được đặc cách cho nhịp đập của mỗi con tim, mà không phải là trách nhiệm chung cho vấn đề hạnh phúc con người.

Vấn đề được đặt ra không phải là đạo đức được đặt cách cho nhịp đập của con tim hay ước lệ của xã hội, mà là trách nhiệm và hạnh phúc chung cho tất cả con người. Quy luật tương quan không cho phép chúng ta nghĩ về đạo đức như là một tín điều hay ước lệ hạn hẹp nào đó có thể chấp nhận đối với người này mà không cần theo bởi người khác, hoặc xa hơn, có thể áp dụng cho xã hội này mà không cần theo bởi quốc gia kia. Đó không phải là cách nhìn chung của vấn đề, và trong chừng mực nào đó điều này nói lên thái độ thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề hạnh phúc chung của tất cả con người.

Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ:

Chúng ta là những người Phật tử đang sống trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện tại. Rõ ràng ai cũng hiểu rằng, xã hội Việt Nam đang tiến triển và có nhiều dấu hiệu của sự tăng tốc trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. Các nước trên thế giới cũng công nhận điều này và đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của một số nước cho thấy rằng, khi đời sống vật chất đã quá đầy đủ đến độ dư thừa thì đời sống đạo đức, tinh thần của con người dường như bị yếu kém đi. Vì sao? Đó là do sự phát triển không cân đối giữa lối sống chạy theo vật chất và đời sống đạo đức, mà hậu quả của nó ngấm ngầm cho đến một lúc bùng nổ thì không thể cứu chữa được. Đây là dấu hiệu của thái độ thiếu trách nhiệm về đạo đức mà hậu quả thì không phải chỉ một xã hội hay một quốc gia gánh chịu, mà mọi quốc gia phải gánh chịu. Đừng ai bảo rằng tôi uống rượu, lái xe hơi và tôi sẽ chịu trách nhiệm về hành động này. Đó không phải là trách nhiệm theo nghĩa cao cả, mà là thái độ thiếu trách nhiệm đối với sinh mạng của con người và an toàn xã hội.

Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ khác:

Trong phạm vi của gia đình (và điều này chúng tôi muốn nhấn mạnh), thì vấn đề đạo đức cần được đặt ra như một trọng trách đối với thành viên của mọi gia đình. Tất nhiên điều này cần được nêu gương trước bởi các người chủ quan trong gia đình. Bố mẹ, chẳng hạn, là những người cần tuyệt đối tuân thủ trách nhiệm đạo đức và hướng dẫn con cái tuân thủ trách nhiệm này. Như chúng tôi đã nói trước đây, đạo đức và hạnh phúc là một. Điều này nhắc cho chúng ta rằng, chừng nào chúng ta còn mong muốn hạnh phúc (và chắc chắn ai cũng mong muốn hạnh phúc), thì chừng đó vấn đề chăm lo và nuôi dưỡng đạo đức là hết sức quan trọng. Dĩ nhiên, bố mẹ sẽ không rầy la và giáo dục những thói hư tật xấu của con cái, nếu tự thân các vị ấy không phải là gương mẫu về đạo đức. Một món quà tặng con bằng tiền phi pháp không phải là dấu hiệu ban phát tình thương cho con, mà là dấu hiệu thiếu trách nhiệm đạo đức và hạnh phúc đối với con cái.

Con cái cũng vậy, không nên vì lý do phụng dưỡng bố mẹ mà làm những điều phi pháp, phi đạo đức. Hẳn là người bố, người mẹ sẽ rất khổ đau khi hiểu ra rằng những ngày cuối đời mình chỉ được nuôi sống bằng những đồng tiền không lành mạnh, không trong sạch của con cái. "Đói cho sạch, rách cho thơm" phải chăng là câu nói đáng suy nghĩ ở đây?

Dĩ nhiên người Phật tử chúng ta sẽ không cho phép mình rơi vào những trường hợp như thế. Ấy là bởi chúng ta có học pháp và hành trì pháp của Đức Phật. Chúng ta nguyện theo gương sáng của Ngài bằng cách tự hoàn thiện chính mình, ngang qua những lời dạy về đạo đức và hạnh phúc chân thực của Ngài. Những giới hạnh chúng ta đang giữ gìn như không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống rượu là những giá trị chuẩn mực và căn bản của một nếp sống đạo đức và hạnh phúc.

Không sát sinh là nếp sống tôn trọng sự sống, yêu quý sự sống được bảo vệ, tránh mọi lo âu về huỷ diệt. Người Phật tử phát nguyện không sát sinh, không làm tổn hại đến các loại sinh vật, tức là đang kiến tạo thái bình, cho xứ sở, cùng lúc đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh huỷ hoại sự sống của con người và muôn loài. Đây là trách nhiệm đạo đức đầu tiên mà người Phật tử cần thực hiện nhằm xây dựng hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội.

Không lấy của không cho là trách nhiệm đạo đức thứ hai của người Phật tử. Lấy của không cho hay trộm cắp là hành vi phi pháp, phi đạo đức gây bất hạnh cho tự thân, cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Lấy của không cho có nhiều dạng thức khác nhau. Từ ăn cắp của tư, trốn thuế nhà nước, đến đục khoét của công đều là những hành vi trộm cắp đáng kinh sợ. Vì vậy, người Phật tử pháp nguyện không lấy của không cho tức là đang góp phần vào việc xây dựng xã hội công bằng, lành mạnh, tạo thanh thế cho một đất nước phát triển tránh được nguy cơ lạm phát

Không tà hạnh trong các dục là nếp sống đảm bảo hạnh phúc gia đình của người Phật tử. Đức Phật, trong khi nhấn mạnh đến vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của các dục, đã chấp nhận lối sống một vợ một chồng dành cho những người Phật tử sống đời sống hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo cho đời sống ấy, Ngài đã đề ra giới cấm thứ ba, không tà hạnh trong các dục, nghĩa là, ngoài cuộc sống vợ chồng ra, người Phật tử không được phép quan hệ bất chính với bất cứ ai khác. Đây là trách nhệm đạo đức thứ ba của người Phật tử. Rõ ràng người Phật tử sống trọn vẹn với nếp sống này sẽ tránh được nguy cơ đổ vỡ của đời sống hạnh phúc gia đình, đồng thời góp phần vào việc đẩy lui một trong các tệ nạn xã hội.

Không nói láo là nếp sống đạo đức giúp cho người Phật tử có đủ uy tín trên phương diện xuất xứ. Trong các quan hệ với con người thì lời nói đúng đóng vai trò quan trọng, bởi lời nói là chiếc cầu nối giúp tạo sự hiểu biết và cảm thông giữa con người với con người. Tuy nhiên lời nói đó phải là lời nói đúng đắn, chân thật không gian dối thì mới đủ sức thuyết phục người khác. Người Phật tử tránh không nói láo, chỉ nói lời chân thật tức là vị ấy đang tạo cho mình một đức tin vững chắc về khả năng thuyết phục người khác bằng lời nói của mình. Đây là trách nhiệm đạo đức thứ tư của người Phật tử.

Không uống rượu là nếp sống đề cao sự hiểu biết sáng suốt của người Phật tử. Bởi rượu chè làm cho con người mất đi bản tính sáng suốt, không tự chủ trong hành động, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, nên người Phật tử phát nguyện không uống rượu như là một nếp sống lành mạnh giúp cho vị ấy có khả năng sáng suốt để tập chung vào mọi công việc của mình. Đường phố Việt Nam ngày càng đầy ắp các quán bia rượu gây kích thích đam mê cho nhiều tầng lớp người khác nhau. Điều này ảnh hưởng không tốt đến một số người, nhất là trẻ, bởi vì, một khi rơi vào rượu chè thì phẩm giá con người bị suy giảm kèm theo các tệ nạn xã hội ngày càng tăng. Dĩ nhiên, biện pháp tốt nhất để hạn chế điều này chính là ý thức của mỗi người chúng ta (người sản xuất, người bán, cũng như người mua) về sự nguy hại của rượu, bia và lỗ lực nhiều cho ý thức đó.

*

Trên đây là năm giới điều cho một người Phật tử mà chúng tôi quan niệm như là năm trách nhiệm đạo đức giúp chúng ta xây dựng một nếp sống hạnh phúc và an lạc cho tự thân, cho gia đình và xã hội. Tất nhiên một người Phật tử có thể thực hành thêm, càng nhiều càng tốt, những lời của Đức Phật nhằm phát triển và nâng cao đời sống đạo đức, hạnh phúc của chính mình. Vị ấy có thể đi sâu hơn vào giáo lý của Đức Phật bằng cách thực hành Bát quan trai giới, tu Mười thiện nghiệp, hoặc vị ấy hành trì thiền định "Tứ niệm xứ" mỗi ngày tùy theo giờ giấc và sinh hoạt. Tất cả điều đó được khuyến khích. Tuy nhiên, như một nguyên tắc, người Phật tử cần ý thức rõ về giới điều của mình và nỗ lực lớn việc thực thi trọn vẹn năm giới điều này, trước khi vị ấy đi sâu vào những lời dạy của Đức Phật.

Trên đây chúng tôi đã nhấn mạnh đạo đức là trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Chúng tôi cũng đã chỉ rõ đạo đức là hạnh phúc của con người và nhân danh ấy khuyên quý Phật tử dốc tâm vào nếp sống đạo đức bằng cách giới thiệu với quý vị nếp sống thực hành năm giới cấm. Tiếp theo chúng tôi muốn giới thiệu với quý Phật tử một bài kinh quan trọng của Đức Phật liên quan đến nếp sống đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội và mong những lời dạy này cũng sẽ trở thành những trách nhiệm đạo đức được quý Phật tử dốc tâm thực hành.

*

Bài kinh chúng tôi sẽ trình bày sau đây được rút ra từ Trường Bộ Kinh và có tên là "Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt". Đây là bài kinh do Đức Phật giảng dạy cho một vị thanh niên tên Singàlaka nhn6 một buổi Ngài đi khất thực ở thành Vương Xá. Trước hết chúng ta nghe những lời dạy tóm tắt của Đức Phật:

"Này Singàlaka, đối với thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành, đã chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung vị này sinh ở thiện phú, Thiên giới".

Vị thánh đệ tử ở đây tức để chỉ cho một người Phật tử sống đời sống hạnh phúc gia đình. Vậy thì, đời sống của một người Phật tử thì như thế nào?

Vị ấy là người đã diệt trừ bốn nghiệp phiền não, nghĩa là, người Phật tử đã diệt trừ các ác nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo.

Vị ấy không làm ác nghiệp theo bốn lý do, tức là, vị ấy không làm các ác nghiệp do tham lam, không làm các ác nghiệp do sân hận, không làm các ác nghiệp do si mê, không làm các ác nghiệp do sợ hãi. Bởi người Phật tử không có tham dục, không sân hận, không si mê, không sợ hãi, nên vị ấy không làm ác nghiệp theo bốn lý do trên.

Người Phật tử cũng từ bỏ sáu nguyên nhân phung phí tài sản như:

- Đam mê các loại rượu khiến phung phí các tài sản.
- Du hành đường phố phi thời khiến phung phí các tài sản.
- La cà đình đám hý viện khiến phung phí các tài sản.
- Đam mê cờ bạc khiến phung phí các tài sản.
- Giao du với bạn ác khiến phung phí các tài sản.
- Quen thói lười biếng khiến phung phí các tài sản.

Từ sáu nguyên nhân trên, Đức Phật chỉ ra 36 trường hợp nguy hiểm sau đây cho thấy những việc làm thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ của con người thì hết sức tai hại.

Về đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm sau:

- Tài sản hiện tại bị tổn thất.
- Đấu tranh tăng trưởng.
- Bệnh tật dễ xâm nhập.
- Thương tổn danh dự.
- Thân thể hở hang.
- Trí lực bị tổn hại.

Du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm sau:

- Tự mình không được che chở hộ trì.
- Vợ con không được che chở hộ trì.
- Tài sản không được che chở hộ trì.
- Bị tình nghi là tác giả của các ác sự.
- Nạn nhân của các tin đồn thất thiệt.
- Tự chuốt vào thân nhiều khổ não.

Sáu nguy hiểm cho việc la cà đình đám hý viện gồm:

- Luôn luôn bị lôi cuốn bởi múa.
- Bị lôi cuốn bởi ca.
- Bị lôi cuốn bởi nhạc.
- Bị lôi cuốn bởi tán tụng.
- Bị lôi cuốn bởi nhạc tay.
- Bị lôi cuốn bởi kèn trống.

Đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như:

- Nếu thắng thì sinh thù oán.
- Nếu thua thì sinh tâm sầu muộn.
- Tài sản bị tổn thất.
- Tại hội trường lời nói không có hiệu lực.
- bạn bè khinh miệt.
- Việc cưới gả không được tín nhiệm, vì kẻ cờ bạc không đáng để cưới vợ.

Giao du với bạn ác có sáu nguy hiểm sau:

- Giao du với kẻ cờ bạc là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ loạn hành là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ nghiện rượu là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ trá ngụy là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ là lường gạt nguy hiểm.
- Giao du với kẻ bạo động là nguy hiểm.

Trong mối tương giao với bạn bè, Đức Phật dạy cho Singàlaka về bốn hạng người không nên kết bạn và bốn hạng người nên kết bạn. Ở đây Ngài cũng giải thích rõ vì sao hạng người này không nên kết bạn, trong khi hạng người kia nên kết bạn.

Bốn hạng người không nên kết bạn gồm:

1. Người vật gì cũng lấy. Hạng người này không nên kết bạn vì đó là kẻ cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, vì mưu lợi cho mình và là người vật gì cũng lấy.

2. Người chỉ biết nói giỏi. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ chỉ biết tỏ lộ thân tình việc đã qua, tỏ lộ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng sáo ngữ và khi có công việc thì tỏ sự bất lực của mình.

3. Kẻ nịnh hót. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ tán thành việc ác, không tán thành việc thiện, trước mặt tán thán sau lưng chỉ trích.

4. Người tiêu sài xa xỉ. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ kết bạn khi có rượu chè, khi du hành đường phố phi thời, khi la cà đình đám hý viện và khi có cờ bạc.

Về bốn hạng người nên kết bạn gồm:

1. Người có lòng giúp đỡ. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là người biết che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, làm chỗ nương tựa cho bạn khi bạn gặp sợ hãi và khi bạn có công việc thì sẵn sàng giúp đỡ của cải cho bạn.

2. Người chung thuỷ. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người sẵn sàng nói cho bạn về điều bí mật của mình, biết giữ kín điều bí mật của bạn, không bỏ rơi bạn khi gặp khó khăn và giám hy sinh thân mạng vì bạn.

3. Người khuyên điều lợi ích. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người giúp bạn ngăn chặn điều ác, khuyến khích bạn làm điều thiện, nói cho bạn những điều bạn chưa nghe và giải thích cho bạn đường hướng đến hạnh phúc an lạc.

4. Người có lòng thương tưởng. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người chia sẻ với bạn khi bạn bè gặp hoạn nạn, hoan hỷ khi bạn bè gặp may mắn, ngăn chặn việc nói sấu bạn và khuyến khích việc tán thán bạn bè.

Sau cùng, Đức Phật dạy cho Singàlaka về một số các mối tương giao được đi kèm với các bổn phận và trách nhiệm như:

Về quan hệ giữa cha mẹ và con cái:

Con cái đối với cha mẹ có năm bổn phận vần phải được thực hiện như sau: Phụng dưỡng cha mẹ, lo làm các bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và lo tang lễ cho cha mẹ khi cha mẹ qua đời.

Đáp lại, cha mẹ có năm trách nhiệm đối với con cái: Ngăn con làm điều ác, khuyến khích con cái làm điều thiện, dạy nghề nghiệp cho con, lo việc cưới gả cho con và đúng thời trao của thừa tự cho con.

Về quan hệ giữa thầy và trò:

Người học trò có năm bổn phận đối với thầy gồm: Lễ phép đối với thầy, chămlo hầu hạ thầy, nỗ lực học tập, lo việc phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp.

Đáp lại, vị thầy có năm trách nhiệm đối với học trò của mình như: Huấn luyện cho học trò những gì mình thành thạo, dạy học trò cách bảo trì những gì cần được bảo trì, dạy cho học trò của mình thuần thục các nghề nghiệp, khen thưởng học trò và đảm bảonghề nghiệp cho học trò.

Về quan hệ giữa vợ và chồng:

Người chồng có năm bổn phận đối với vợ: tôn trọng vợ, không thất kính đối với vợ, chung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ và thỉnh thoảng sắm đồ trang sức cho vợ.

Đáp lại, người vợ phải thi hành tốt đẹp các bổn phận làm vợ: Khéo đón tiếp các bà con của chồng, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khôn khéo và nhanh nhẹn trong mọi công việc.

Về mối quan hệ giữa bạn bè với nhau:

Trong mối tương giao giữa bạn bè, vị ấy cần sống với một nếp sống bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt.

Đáp lại, vị ấy được bạn bè quý mến, che chở cho những lúc vô ý phóng dật, được bảo vệ tài sản, được bạn bè giúp đỡ khi gặp nguy hiểm, được giúp đỡ khi gặp khó khăn và được bạn bè kính trọng về phương diện gia thế.

Về quan hệ giữa chủ và người làm công:

Người chủ cần có trách nhiệm đối với người làm công của mình như: Giao những công việc vừa sức, lo việc ăn uống và lương bổng, lo việc điều trị khi đau ốm, chia sẻ các món ăn ngon và thỉnh thoảng cho nghỉ phép.

Đáp lại, người làm công phải hoàn thành các bổn phận của mình như: Thức dậy trước chủ, đi ngủ sau chủ, bằng lòng với lương bổng và tiền thưởng, khéo làm các công việc và biết đem tiếng tốt về cho chủ.

Về quan hệ giữa các hiền nhân và đệ tử:

Người đệ tử phải có lòng về thân, về lời, về ý đối với các vị Hiền nhân, đón tiếp, trân trọng, cúng dường các vật dụng cần thiết cho các vị Hiền nhân.

Đáp lại các vị Hiền nhân có trách nhiệm đối với người đệ tử như: ngăn ngừa làm các điều ác, khuyến khích làm điều thiện, thương xót đệ tử với các lòng từ, dạy cho đệ tử những điều chưa được nghe, khiến cho thanh tịnh điều đã nghe và dạy bảo con đường hướng thiện cho các đệ tử.

*

Chúng tôi vừa giới thiệu một bài kinh đề cập khá chi tiết về nếp sống đạo đức của một người Phật tử. Đó là nếp sống bỏ ác làm lành được thể hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta ngang qua các mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân, gia đình, xã hội. Rõ ràng bài kinh chỉ được giảng dưới hình thức nêu rõ một số quan điểm về thiện và bất thiện cùng các mối quan hệ giữa con người với con người và chúng ta không hề thấy hai chữ "đạo đức" được nhắc đến ở đây. Quả vậy, bài kinh này không định nghĩa cho chúng ta đạo đức là gì, nhưng mỗi chữ mỗi câu trong bài đều toát lên sức sống của một nếp sống đạo đức chân thực thể hiện qua sự cân nhắc, chọn lựa những gì là thiên, bất thiện cũng như việc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và bổn phận đối với các mối quan hệ giữa con người với con người. Và đó chính là đạo đức.

Như vậy, bài kinh đã dạy cho chúng ta đạo đức của con người Phật là gì, cùng lúc ấy chỉ cho chúng ta cách thực hiện đạo đức ấy như thế nào. Tuy nhiên, điều cần chú ý ở đây không phải là những dấu hiệu đạo đức tìm thấy trong bài kinh, mà những biểu hiện của đạo đức được thể hiện qua đời sống hàng ngày của mỗi người Phật tử chúng ta. Làm sao để giá trị đạo đức của bài kinh trở nên sống động, góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội đó là trách nhiệm của mỗi người Phật tử chúng ta.

Không phải chỉ ngày nay đạo đức mới tỏ lộ tiếng nói của mình như là điều kiện tất yếu cho hạnh phúc của con người và thái bình của xứ sở. Hơn 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã nói đến đạo đức và cuộc sống của Ngài là tấm gương sáng về đạo đức. Quả vậy nếp sống Giới đức, Hạnh đức và Trí đức của Ngài mãi mãi là tấm gương soi sáng hướng đi hạnh phúc, an lạc cho mỗi chúng ta.

Nhân kỷ niệm Đản sinh lần thứ 2543 của Ngài, mỗi chúng ta hãy tự xác tín lại lòng kính tín của chúng ta đối với Đức Phật bằng cách tự đặt mình vào lời dạy của Ngài và nỗ lực tinh tấn thực hành những lời Ngài dạy. Việc làm đó nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với Đức Phật, sự kính trọng của chúng ta đối với giáo pháp của Ngài. Việc làm đó cũng nói lên tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề đạo đức.

Trước khi vào Niết-bàn, đức Phật có để lại cho chúng ta những lời huấn thị quan trọng. Để xác chứng lòng tịnh tín đối với bậc Đạo sư và những lời dạy của Ngài, chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng một lời khuyên của Ngài nói về thái độ kính trọng đúng đắn nhất của một người đệ tử đối với bậc đạo sư của mình:

"Này Ananda, nếu có các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ hay nữ cư sĩ nào thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chính trong Chánh pháp, hành trì đúng pháp, thời người ấy kính trọng tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng".

* * *

[09]

KINH NGHIỆM TU TẬP CỦA ĐỨC PHẬT QUA KINH THÁNH CẦU

Sự kiện ra đời của đức Phật để đem lại an lạc cho con người và cuộc đời, đã được Ngài đề cập trong nhiều kinh: "Ta ra đời vì an lạc, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, vì lòng thương tưởng cho đời". Với lý tưởng đó, Ngài đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian lao, bằng những kinh nghiệm của tự thân để cuối cùng tìm được con đường đi ra khỏi khổ đau. Ở đây chúng ta muốn giới thiệu kinh nghiệm tu học của đức Phật được ghi lại trong kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ I).

*

Ở đời cái gì cũng vậy, không phải ngẫu nhiên có được, mà đòi hỏi mỗi con người chúng ta phải tự nỗ lực, tự tầm cầu, tự suy tư để tìm đến con đường giải thoát cho tự thân và tha nhân. Đức Phật cũng vậy, qua sự tu tập và kinh nghiệm của Ngài khi đang còn là Bồ-Tát cho đến lúc chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, nỗi khổ đau kiếp người lúc nào cũng vẫn ám ảnh trong tâm thức, khiến Ngài phải tự tư duy, tìm cầu giải thoát. Những kinh nghiệm đó được Ngài chia ra hai loại, đó là Thánh cầu và phi Thánh cầu .

1. Thế nào là Phi Thánh cầu?

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm".

"Vợ con, đầy tớ nam, đầy tớ nữ, dê, cừu, gà, voi, heo, trâu, bò, ngựa đực, ngựa cái, vàng và bạc là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm. Những chấp thủ ấy là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh, bị già... bị ô nhiễm lại tìm cái bị sanh, bị già... bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo như vậy gọi là Phi Thánh Cầu".

2. Thế nào là Thánh cầu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... tìm cầu cái không già... tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị ô nhiễm... tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo như vậy gọi là Thánh Cầu".

Ngài đã kể lại, khi Ngài đang còn là Bồ-tát, chưa chứng Chánh đẳng giác, đã tự mình đi tìm cầu cái bị sanh, bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu. Những nỗi khổ đau đang ám ảnh trong tâm trí của Ngài và thấy sự nguy hại của chúng, Ngài từ bỏ chúng và đến học đạo với hai vị đạo sư nổi tiếng đương thời là Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Khi đến học đạo với Àlàra Kàlàma, được Àlàra Kàlàma tuyên bố về Vô-sở-hữu-xứ. Rồi Ngài suy nghĩ không phải chỉ có Àlàra Kàlàma có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ, Ta cũng có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. Suy nghĩ như vậy, Ngài tự thân nỗ lực và không bao lâu Ngài đã chứng được pháp ấy. Nhưng pháp ấy cuối cùng cũng không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thượng tri, giác ngộ, Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô-sở-hữu-xứ. Ngài lại từ bỏ pháp ấy, ra đi. Tiếp đến học đạo với Uddaka Ràmaputta, được Uddaka Ràmaputta tuyên bố về Phi tưởng phi-phi-tưởng-xứ. Rồi Ngài suy nghĩ không phải chỉ có Uddaka Ràmaputta có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ, Ta cũng có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. Suy nghĩ như vậy, Ngài tự thân nỗ lực và không bao lâu Ngài đã chứng được pháp ấy. Nhưng tựu trung, pháp ấy vẫn không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thượng tri, giác ngộ, Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi-phi-tưởng-xứ. Do đó Ngài lại từ bỏ pháp ấy, ra đi.

Sau khi từ bỏ hai vị Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, vì hai vị này chưa chứng được thánh quả, rồi Ngài đến Uruvela, lựa một địa điểm khả ái, dễ dàng khất thực và Ngài tham thiền ở đó cho đến khi thành đạo. Ngài tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và chứng được chúng; tự mình bị già... tìm cầu cái không già... tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị ô nhiễm... tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn vả đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Rồi tri và kiến khởi lên nơi Ngài: "Sự giải thoát của Ta không bị giao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn tái sanh nữa".

Sau khi thành đạo, Ngài suy nghĩ: "Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng như vậy thì thật khó mà thấy được định lý Idapacayatà Paticcasamuppàda (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, y tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu ta thuyết pháp mà người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật phiền toái cho Ta, như vậy thật bực mình cho ta!". Phạm thiên Sahampati biết được tâm tư của đức Thế Tôn, liền hiện đến đỉnhcầu Ngài ở lại đời để thuyết pháp. Cuối cùng, Ngài nhận lời của Phạm thiên theo bài kệ:

"Cửa bất tử rộng mở
Cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm,
Không chính xác của mình
Tự nghĩ đến phiền toái,
Ta đã không muốn giảng
Tối thượng vi diệu pháp,
Giũa chúng sinh loài người". - (Ôi Phạm thiên)

Từ đó, Ngài vận chuyển bánh xe pháp. Trên con đường hoằng pháp Ngài gặp tà mạng ngoại đạo Upaka, vị này ca ngợi và hỏi Ngài vì mục đích gì mà xuất gia, ai là vị đạo sư và Ngài thọ trì pháp của ai. Để khẳng định mình là bậc thầy của trời người, Ngài nói lên bài kệ với tà mạng ngoại đạo Upaka như sau:

-"Ta, bậc thắng tất cả,
Ta, bậc nhất thiết trí.
Hết thảy pháp không nhiễm,
Hết xả pháp, xả ly.
Ta sống không giải thoát,
Đoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác,
Còn phải y chỉ ai?

Ta không có Đạo sư,
Bậc như Ta không có,
Giữa thế giới Nhân, Thiên,
Không có ai bằng Ta,
Bậc Ứng cúng trên trời,
Bậc Đạo sư vô thượng.
Tự mình Chánh đẳng giác,
Tự an tịnh thanh thoát.

Để chuyển bánh xe pháp,
Ta đến thành Kàsi.
Gióng lên trống bất tử,
Trong thế giới mù loà.

-"Như hiền giả tự xưng, hiền giả xứng đáng là bậc chiến thắng vô tận?".

-"Như Ta, bậc thắng giả,
Những ai chứng Lậu tận,
Ác pháp, Ta nhiếp phục,
Do vậy, Ta vô địch.
Này Upaka!"

Rồi Ngài đi đến vườn nai để hóa độ cho năm vị Tỷ-kheo trước kia đồng tu khổ hạnh với Ngài và cả năm đều chứng quả A-la-hán. Tiếp theo, Ngài nói bài pháp về năm dục trưởng dưỡng, sự nguy hại của năm dục trưởng dưỡng và sự giải thoát năm dục trưởng dưỡng. Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Như vậy gọi là năm dục trưởng dưỡng. Nếu những sa môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại, sự giải thoát của chúng mà thọ dụng của chúng thì những sa môn, bà-la-môn ấy sẽ rơi vào tầm tay của Ác ma. Còn những sa môn hay bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại, sự giải thoát của chúng mà thọ dụng chúng thì những sa môn, bà-la-môn ấy sẽ không rơi vào tầm tay của Ác ma. Muốn vậy, cần phải chứng được Tứ thiền, Tứ không và Diệt Thọ Tưởng Định bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ.

Qua đó, chúng ta nhận thấy tiến trình tu tập của đức Phật từ khi đang còn là Bồ-tát cho đến khi chứng Vô Thượng Bồ đề, Ngài luôn luôn tự thân nỗ lực, không nương tựa vào bất cứ ai, mà chỉ nhờ vào lòng tin, tinh tấn, niệm, định, tuệ của mình. Chính ngay cả Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta là hai vị đạo sư nổi tiếng đương thời, vẫn không làm cho Ngài đạt được trí nguyện giải thoát. Điều đó, Ngài đã từng dạy cho chư Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình (attadipà viharatha), chớ y tựa một ai khác. Lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác... " (Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư Tử hống, Trường Bộ II).

*

Tóm lại, kinh nghiệm tu tập của Ngài được ghi lại trong kinh Thánh cầu đã minh chứng rằng bằng tinh thần vô uý và tự tin vào sức mạnh của chính mình, Ngài đã thắp ngọn đuốc bằng niềm tin Giới, Định, Tuệ bừng sáng trong đêm đầy tăm tối, đem lại con đường đi ra khỏi khổ đau cho nhân loại.

Vạn Hạnh, mùa Thành Ðạo, PL 2542

* * *

[10]

GIÁ TRỊ HẠNH PHÚC QUA ĐẠI KINH VÍ DỤ LÕI CÂY

Từ khi còn là một Thái tử cho đến khi thành tựu đạo Vô Thượng Bồ đề, đức Phật đã trải qua đủ mọi lạc thú ở thế gian, kể cả những lạc thú cao cấp trong Thiền định như Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng tất cả những lạc thú đó cuối cùng để lại cho Ngài một ưu tư lớn về tính chất vô thường, và không thể nào tìm thấy hạnh phúc chân thật trong các lạc thú đó. Và thật sự có một hạnh phúc chân thật không bị quy luật vô thường chi phối được Ngài tìm thấy ngay sau khi giác ngộ, đó là giải thoát bất động. Nhờ kinh nghiệm tự thân và kinh nghiệm chứng ngộ này, đức Phật đã trình bày năm hạng người điển hình đang tìm cầu hạnh phúc qua "Đại Kinh Ví Dụ Lõi Cây".

*

Qua bài kinh này, người học Phật có thể nhận thức được đâu là chân giá trị hạnh phúc và đâu là hạnh phúc vô thường tạm bợ. Nếu không có được nhận thức như thế thì chúng ta khó có thể đạt đến mục đích mong muốn, khó có thể đạt được hạnh phúc chân thật của sự giải thoát và giác ngộ. Năm hạng người được đức Phật trình bày trong bài kinh này đều có cùng ước muốn là đi tìm cầu hạnh phúc, họ sống phạm hạnh để mong giải thoát mọi khổ đau ởcuộc đời: "Ở đây, có Thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt".

Tuy nhiên, việc thành đạt mục đích giải thoát mọi khổ đau hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của chính mỗi người qua các giai đoạn thành đạt trong việc tu tập của người ấy. Thông thường, các giai đoạn thành đạt ấy đem lại sự hỷ lạc cho vị hành giả và nếu say mê, tham đắm, tự mãn đối với sự thành đạt này thì vị ấy sẽ bị dừng lại ở đó, khó có thể đạt đến mục đích cứu cánh giải thoát. Các hỷ lạc trong lộ trình tu tập của vị hành giả được đức Phật phân ra như là năm hạng người, và cũng chính là năm trạng thái hạnh phúc, từ phàm tục cho đến giải thoát hoàn toàn:

1. Có người được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng vị ấy khen mình, chê người: "Ta được lợi dưỡng như vậy, được tôn kính như vậy, được danh vọng như vậy. Còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền". Do vậy, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

2. Có người không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng nên thành tựu Giới đức. Do thành tựu Giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn và khen mình, chê người: "Ta là người trì giới, theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới, theo ác pháp". Do thành tựu Giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

3. Có người do không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng, không tự mãn với Giới đức nên thành tựu Thiền định. Do thành tự thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn và khen mình, chê người: "Ta có thiền định nhất tâm, các Tỷ-kheo không có thiền định, tâm bị phân tán". Do vậy, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

4. Có người do không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng, không tự mãn với Giới đức, không tự mãn với Thiền định nên thành tựu tri kiến. Vì tri kiến này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn và khen mình, chê người: "Ta sống, thấy và biết; các Tỷ-kheo khác sống, không thấy và không biết". Vị ấy do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

5. Có người do không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng, không tự mãn với Giới đức, không tự mãn với Thiền định, không tự mãn với tri kiến nên thành tựu thời và phi thời giải thoát, và vị ấy có thể từ bỏ thời và phi thời giải thoát. Như vậy, phạm hạnh không phải vì lợi ích lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu Giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến, mà tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Như vậy, Tâm giải thoát bất động là mục đích của phạm hạnh, là lõi cây, là hạnh phúc chân thật không hề có sự khổ đau; còn lợi dưỡng, danh vọng, giới đức, thiền định, tri kiến đều không phải mục đích của phạm hạnh được không phải lõi cây, là hạnh phúc tạm thời của thế giới vật chất vô thường.

Thế nhưng, lòng tham muốn khiến con người chỉ tìm kiếm và chấp nhận chút hạnh phúc tạm bợ mong manh mà không biết thú vui đó là nguyên nhân của khổ. Hạnh phúc ấy luôn luôn bị phụ thuộc vào sự đối đãi của tầng số tăng giảm về lạc thú. Hôm nay, ta ăn cơm với xì dầu sướng hơn ngày hôm trước, không có xì dầu mà ăn; nhưng xì dầu lại là sự chán bỏ đối với nhửng món ăn khác ngon hơn. Phương tiện xe đạp là thú vui so với đi bộ, nhưng lại là sự chán bỏ đối với xe máy; và xe máy này là sự chán bỏ đối với xe gắn máy đời mới hơn vv...

Vì thế, đức Phật dạy hạnh phúc mà con người thường thọ hưởng không ngoài sự tham muốn và tưởng nhớ các dục. Kinh Xà Dụ (Trung Bộ, số 22) ghi: "Người ta thọ dụng các dục không goài các dục, không ngoài các dục tưởng, không ngoài các dục tầm". Thọ dụng các dục nghĩa là thọ hưởng hạnh phúc do thoả mãn lòng tham muốn khi các giác quan tiếp xúc với các trần cảnh; thọ dụng các dục tưởng là thọ hưởng hạnh phúc do tưởng nhớ những cảm thọ trong quá khứ; thọ dụng các dục tầm là thọ hưởng các hạnh phúc do ước mong về tương lai. "Quá khứ đã đoạn tận, còn tương lai thì chưa đến", nên hạnh phúc của dục tưởng và dục tầm là hạnh phúc do vạng tưởng tạo lên, không thật có. Còn hạnh phúc do các giác quan đưa đến thì lại vô cùng phức tạp. Hạnh phúc này hoàn toàn tùy thuộc vào ý thích riêng của mỗi người, nó không tùy thuộc vào thế giới vật chất. Cái này là thú vui thích của người này nhưng đồng thời lại là cái khiến người kia bực bội, chán ghét. Một ly cà phê, anh thích còn tôi thì ghét. Thích là hạnh phúc, ghét là đau khổ. Phải chăng một ly cà phê vô tri ấy mà lại chứa đựng cả hạnh phúc lẫn đau khổ?

Thật ra, hạnh phúc hay khổ đau là chính thái độ con người đối với đối tượng nhận thức, chứ không phải là đối tượng nhận thức. Vả lại, đối tượng nhận thức thuộc thế giới khách quan, luôn luôn vận hành theo quy luật duyên sinh, vô thường, vô ngã; trong khi đó, thú vui (hạnh phúc) mà con người thọ dụng thì thuộc chủ quan tự ngã. Sự mâu thuẫn giữa thế giới khách quan và tâm ý chủ quan này đã tạo ra biết bao khổ đau trên cuộc đời. Thế nhưng, do ý chí muốn sống (hay kiết sanh thức) đã khiến cho loài hữu tình bất chấp mọi khổ đau để tìm kiếm chút hạnh phúc tạm bợ trong cuộc sống này. Vô minh là thế.

Do vậy, vấn đề nhận thức đúng đắn về bản chất và giá trị của hạnh phúc là vấn đề rất quan trọng. Đại kinh Ví Dụ Lõi Cây cho chúng ta thấy rõ giá trị hạnh phúc qua năm phần của một cây Đại thọ, gồm lõi cây, giác cây, vỏ trong, vỏ ngoài và cành lá.

- Hạnh phúc cành lá là lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng;
- Hạnh phúc vỏ ngoài là thành tựu Giới đức;
- Hạnh phúc vỏ trong là thành tựu Thiền định;
- Hạnh phúc lá cây là thành tựu Tri kiến; và
- Hạnh phúc lõi cây là Giải thoát bất động.

Đối chiếu năm phần của một cây đại thọ như thế, chúng ta có thể dễ dàng thấy được giá trị hạnh phúc của lợi dưỡng tôn kính, danh vọng; thấy được giá trị hạnh phúc của Giới đức, của Thiền định, của Tri kiến và của Giải thoát bất động. Qua đó chúng ta có thể biết được chúng ta đang sống và cảm thọ ở mức hạnh phúc nào, đồng thời biết định hướng cho mình một hướng đi đúng đắn.

*

Trong bài kinh này, đức Phật hướng dẫn cho chúng ta thấy rằng mục đích cuối cùng của phạm hạnh phải là Giải thoát bất động. Tuy nhiên, trên chặng đường đi đến mục đích ấy, chúng ta không thể không trải qua bốn giai đoạn trước. Điều quan trọng ở đây là chúng ta không nên cho lạc thú của các giai đoạn đó chi phối bước tiến của mình, không nên dừng lại và chấp thủ tự mãn những gì mình đã đạt được. Lời dạy của đức Phật trong Đại Kinh Ví Dụ Lõi Cây thật là cao siêu. Những gì đức Phật dạy từ bỏ thì những thứ đó con người đang ngưỡng vọng và hướng đến. Thật vậy, chỉ cần thành tựu Giới đức thôi thì đã đạt đến Biệt giải thoát rồi, huống nữa là thành tựu Thiền định và thành tựu Tri kiến. Do đó con người đi đến đích ở đây thật là dài, và lạc thú ở trong đó cũng không phải là ít, không khéo thì chúng ta khó có thể đạt được mục đích mà đức Phật mong muốn. Lợi dưỡng, Tôn kính, Danh vọng, Giới đức, Thiền định, Tri kiến rất cần thiết cho những ai chưa đạt đến, nhưng lại là mối nguy hiểm cho những ai tự mãn, say mê, tham đắm và dừng lại ở đó.

Giáo lý đức Phật muốn trình bày trong kinh này không phải là một pháp môn tu tập cụ thể, mà ở đây, Ngài mở ra cho chúng ta một Chánh Tri Kiến, một cách nhìn đúng đắn về lộ trình tu tập đưa đến giải thoát giác ngộ. Tuy được hướng dẫn cho người xuất gia tu phạm hạnh, bài kinh này vẫn có giá trị thiết thực cho bất cứ ai muốn tìm cầu hạnh phúc chân thật mà không sợ bị sai đường lạc lối, không sợ bị rơi vào tà kiến khổ đau. Giải thoát bất động là ngọn hải đăng soi sáng cho những con thuyền lênh đênh đi tìm bờ cập bến, đang đi tìm kiếm hạnh phúc chân thật. Có ngọn đèn, có con đường, đoàn lữ hành lướt sóng vượt qua mà không bị phong ba làm chướng ngại, không bị dòng tục lụy cuốn trôi.

Hành giả tin chắc phía ngọn đèn là bờ, thấy được rằng vượt qua những hạnh phúc tầm thường không thật thì sẽ đạt đến hạnh phúc chân thật thanh cao; vượt qua được cành lá, vỏ cây, giác cây thì sẽ đạt đến lõi cây. Hãy tin rằng chỉ có lõi cây, chỉ có Giải thoát bất động mới là hạnh phúc vững bền và chắc thực, bởi "Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài" (Yo sàro so thassati ).

(Trung Bộ I, bài kinh số 29).

* * *

[11]

TIẾNG RỐNG CON SƯ TỬ

Có khi đức Phật khuyên các vị Tỷ-kheo rống tiếng rống con sư tử trong khi thuyết pháp, tức đức Phật muốn nhấn mạnh một vấn đề mà các ngoại đạo đều hoảng hốt, lông tóc dựng ngược. Trong kinh số 11, Trung Bộ, này đức Phật khuyên bảo các Tỷ-kheo hãy rống tiếng rống con sư tử, tuyên bố dứt khoát rằng chỉ ở đây, trong giáo pháp đức Phật dạy, mới có Đệ nhất Sa môn tức là chứng quả Dự lưu; mới có đệ nhị Sa môn tức là chứng quả Nhất lai; mới có Đệ tam Sa môn tức là chứng quả Bất lai; mới có đệ tứ Sa môn tức là chứng quả A-la-hán; còn các ngoại đạo khác không có bốn hạng Sa môn như vậy.

*

Một lời tuyên bố như vậy tất nhiên đem lại những phản ứng của ngoại đạo: "Chư tôn giả có tin tưởng gì, có sức lực gì mà giám tuyên bố chỉ ở đây có bốn hạng Sa môn, ngoài ra không chỗ nào có bốn hạng Sa môn?" Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo trả lời như sau: "Chúng tôi tự chánh kiến bốn pháp, chúng tôi có lòng tin bậc Đạo sư, có lòng tin pháp, có sự thành tựu viên mãn các giới luật, có những pháp hữu của chúng tôi, những người cư sĩ và những người xuất gia, được chúng tôi thương, được chúng tôi mến". Đến đây, các ngoại đạo có thể trả lời: "Chúng tôi cũng có lòng tin bậc Đạo sư, vị ấy là bậc Đạo sư của chúng tôi. Chúng tôi có lòng tin pháp, pháp ấy là pháp của chúng tôi, chúng tôi thành tựu viên mãn các giới luật, những giới luật ấy là giới luật của chúng tôi. Và những pháp hữu của chúng tôi, những người cư sĩ và cả những người xuất gia, được chúng tôi mến, được chúng tôi thương. Như vậy có sự sai biệt gì, có sự đặc biệt gì giữa quý vị và chúng tôi?"

Đến đây Thế Tôn khuyên các Tỷ-kheo phải đặt ra một số câu hỏi: - Cứu cánh là một hay đa diện, cứu cánh cho người có tham hay cho người không tham; cho người có sân hay người không sân; cho người có si hay người không si; cho người có ái hay người không ái; cho người có chấp thủ hay người không chấp thủ; cho người có trí hay người không trí; cho người thuận ứng nghịch ứng hay cho người không thuận ứng không nghịch ứng; cho người ưa hý luận hay người không ưa hý luận. Trước những câu hỏi dồn dập như vậy, các ngoại đạo phải tiếp tục trả lời: - Cứu cánh ấy là một, không phải đa diện, cứu cánh ấy là cha mẹ người không tham, không sân, không si, không ái, không chấp thủ, người có trí, không thuận ứng không nghịch ứng, không ưa, không thích hý luận.

*

Tiếp đến đức Phật nêu rõ những sa môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoan diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của hai loại tùy kiến: Hữu và Phi hữu, vị ấy sẽ không thành tựu được tám pháp đưa đến cứu cánh giải thoát.

Rồi đức Phật dạy có hai loại tri kiến: Hữu kiến và Phi hữu kiến. Những sa môn, Bà-la-môn nào chấp trước kiến, thân thiết hữu kiến, những vị ấy bị chướng ngại đối với phi hữu kiến, thân thiết phi hữu kiến, những vị ấy bị chướng ngại đối với hữu kiến. Những sa môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của hai loại kiến này, những vị này là những vị có tham, có sân và có si, có ai, có chấp thủ, ưa hý luận, thích hý luận; những vị ấy là những vị không giải thoát khỏi sanh già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Thế tôn nói những sa môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri sự tâp khởi và sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của chúng, những vị này là những vị không tham, không sân và không si, không ái, không chấp thủ, không ưa hý luận, không thích hý luận; những vị ấy giải thoát khỏi sanh già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Thế Tôn tuyên bố những vị ấy giải thoát khỏi khổ đau.

*

Đề cập xong hai loại tà kiến, đức Phật phân tích bốn chấp thủ, tức là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ. Có những sa môn, Bà-la-môn tuy tự xưng là liễu tri tất cả thủ, nhưng chỉ có khả năng hiển thị sự liễu tri về dục thủ, nhưng không thể chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Ở đây đức Phật tuyên bố rõ ràng là trong một pháp luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với bậc Đạo sư, sống tinh tấn với bậc Đạo sư, tịnh tín ấy được xem như là không hoàn toàn, nếu có tịnh tín đối với pháp, tịnh tín ấy được xem như là không hoàn toàn. Nếu có thành tựu viên mãn các giới luật, sự thành tựu ấy được xem là không hoàn toàn . Nếu có sự thương mến đối với những pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là không hoàn toàn. Vì sau như vậy? Thế Tôn tuyên bố: "Sự tình là như vậy, trong mợt pháp luật không khéo thuyết giảng, không khéo hiển thị , không có hướng thượng, không dẫn đến tịch tịnh, không được bậc Chánh Đảng Giác hiển thị."

*

Đến đây, đức Phật nêu rõ vị trị siêu đẳng của Như Lai, là bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác, bậc liễu tri tất cả thủ, chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Ngài hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ và sự liễu tri về ngã luận thủ. Trong một pháp luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với bậc Đạo sư, tịnh tín đối với pháp, tịnh tín ấy được xem là hoàn toàn. Nếu có thành tựu viên mãn các giới luật, sự thành tựu ấy được xem là hoàn toàn. Vì sao như vậy? Sự tình là như vậy, trong một pháp luật khéo thuyết giảng, khéo hiển thị, có hướng thượng, dẫn đến tịch tịnh, được bậc Chánh Đảng Giác hiển thị.

Rồi đức Phật truy nguyên, bốn chấp thủ này lấy ái làm nhân duyên, lấy ái làm tập khởi; xúc lấy sáu nhập làm nhân duyên, lấy sáu nhập làm tập khởi; thức lấy hành làm nhân duyên, lấy hành làm tập khởi; hành lấy vô minh làm nhân duyên, lấy vô minh làm tập khởi. Khi một Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã làm minh sanh khởi; vị ấy do vô minh được đoạn trừ, do minh sanh khởi nên không chấp thủ dục thủ, không chấp thủ kiến thủ, không chấp thủ giới cấm thủ, không chấp thủ ngã luận thủ. Nhờ không chấp thủ nên không tháo động; nhờ không hoảng hốt, tháo động, nên tự thân chứng được Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không trở lui lại trạng thái này nữa .

(Tiểu kinh Sư tử hống, Trung Bộ, kinh số 11).

* * *

[12]

KINH NGHIỆM GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT CỦA ĐỨC PHẬT
PHÁT XUẤT TỪ CÁC SUY TẦM (VITAKKÀ) THIỆN VÀ ÁC

Trong kinh Song Tầm, kinh số 19, Trung Bộ, đức Phật giới thiệu cho chúng ta một kinh nghiệm bản thân tu trì của Thế Tôn, khởi điểm từ sự phân loại các tầm, thành bất thiện tầm và thiện tầm, và cách thức ứng xử của Ngài đối với các tầm bất thiện và tầm thiện, để một mặt loại trừ các bất thiện tầm, một mặt tăng trưởng của thiện tầm.

*

Ngài thuật lại: "Trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: -Ta sống suy tư chia hai loại tầm. Phàm có dục tầm nào, sân tâm nào, hại tầm nào, Ta phân thành một loại. Phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, bất hại tầm nào, Ta phân thành loại thứ hai". Đối với bất thiện tầm, Ngài đối xử rất đặc biệt với mục đích loại trừ chúng. "Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn. Khi ta suy tư: Dục tầm đưa đến hại người, dục tầm được biến mất. Khi ta suy tư: Dục tầm đưa đến hại cả hai, dục tầm được biến mất. Khi ta suy tư: Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn, dục tầm được biến mất. Như vậy, Ta tiếp tục từ bỏ, tẩy trừ, chấm dức dục tầm được khởi lên".

Cũng vậy đối với sân tầm, hại tầm. Khi chúng ta suy tầm, suy tư nhiều vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Khi chúng ta suy tầm, suy tư nhiều về dục tầm, chúng ta từ bỏ ly dục tầm. Khi tâm đã nặng nề dục tầm thời tâm vị ấy có khuynh hướng dục tầm. Cũng như vậy đối với sân tầm, hại tầm. Như vậy là sự ngăn chặn không cho khởi lên các bất thiện tầm. Rồi đức Phật dùng ví dụ như một người mục đồng đang chăn bò về mùa thu, khi lúa đã bắt đầu trổ hạt. Người ấy phải luôn luôn ngăn chặn không cho con bò chạy xuống ruộng, vì biết rằng con bò phá hại mùa màng sẽ đưa lại nhiều sự nguy hại, như đánh đập, trách móc, tù tội v. v... Rồi đức Phật tuyên bố: "Cũng vậy, ta đã thấy sự nguy hại, như bị đánh đập, trách móc, tù tội v. v..." Rồi đức Phật tuyên bố: "Cũng vậy, Ta thấy được sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện và thấy sự viễn ly, sự lợi ích, sự thanh tịnh của các pháp thiện".

Đối với các bất thiện tầm, Thế Tôn đã ngăn chặn sự sanh khởi, và đoạn trừ chúng, còn đối với thiện tầm thì trái lại, Ngài tế nhị nuôi dưỡng chúng, giúp chúng phát triển và hướng tới nhất tâm. Khi ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm khởi lên, Thế Tôn biết, các thiện tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn. Thế Tôn biết rằng, nếu Thế Tôn suy tầm, suy tư ngày đêm các thiện tầm, không phải tùy nhân duyên ấy Thế Tôn thấy sợ hãi, nhưng nếu Thế Tôn suy tầm, suy tư quá lâu, thân có thể mệt mỏi. Khi thân đã mệt mỏi thì tâm bị dao động. Khi tâm bị dao động thì tâm xa lìa định tĩnh. Khi ấy từ nội thân, Thế Tôn trấn an tâm, trấn tỉnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm khỏi dao động.

Nếu chúng ta suy tầm, suy tư nhiều vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Nếu chúng ta suy tầm, suy tư nhiều về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, chúng ta từ bỏ dục tầm, sân tầm, hại tầm. Khi tâm được đặt nặng về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, thời dục tầm, hại tầm bị loại trừ. Ví như vào tháng hè, khi tất cả lúa gạo đều cất vào kho, người chăn bò ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, được an nhàn tự tại, chỉ cần ghi nhớ: "Ðây là những con bò". Vị tu hành cũng như vậy, vị ấy cần ghi nhớ: "Đây là phương pháp", tức chỉ cho Chỉ và Quán mà vị hành giả đang hành trì.

Đến đây Thế Tôn đã loại trừ các bất thiện tầm, đã trấn an các thiện tầm, hướng đến nhất tâm và bắt đầu hành trì thiền định: "Ta ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và chú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, Ta chứng và trú thiền thứ hai, một trạng hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc xả khồ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh".

Từ thiền thứ tư ở sắc giới, Thế Tôn chứng và trú túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh. "Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn dể sử dụng, vững chắc như vậy, Ta dẫn tâm hướng tâm đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tân minh. Ta như thật thắng tri: Đây là khổ. Đây là khổ tập. Đây là khổ diệt. Đây là con đường đưa đến khổ diệt. Đây là những lậu hoặc. Đây là những lậu hoặc tập khởi. Đây là những lậu hoặc đoạn diệt. Đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt. Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta thắng tri: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành. Những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Trong đêm, canh ba, Ta chứng được minh thứ ba. Vô minh diệt, minh sanh. Bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi ta sống, không phóng giật, nhiệt tâm tinh cần".

*

Cuối cùng, đức Phật dùng một ví dụ nói lên vai trò của Thế Tôn trong nhiệm vụ giới thiệu con đường giải thoát cho chúng sinh, trong khi ấy, ma vương tìm mọi cách hãm hại các loại hữu tình.

Như trong một khu rừng rậm rạp có một hồ nước thâm sâu và một đoàn nai lớn sống gần một bên. Có một người đến, muốn hại đoàn nai, đóng cửa con đường an toàn, mở cửa con đường nguy hiểm, đặt một con mồi đực, đặt một con mồi cái. Như vậy, sau một thời gian, đoàn nai lớn gặp ách nạn, hao mòn dần. Lại có một người đến, muốn đàn nai được an toàn, muốn đàn nai được hạnh phúc, đóng cửa con đường nguy hiểm, mở cửa con đường an toàn, đem đi con mồi đực, huỷ đi con mồi cái. Như vậy đoàn nai ấy sau một thời gian được hưng thịnh, sung mãn. Và đức Phật giải thích ví dụ: Hồ nước lớn thâm sâu chỉ cho dục vọng. Đoàn nai chỉ cho các loài hữu tình. Người muốn hại đoàn nai chỉ cho ác ma. Con đường nguy hiểm chỉ cho con đường tà đạo tám ngành: tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Con mồi đực chỉ cho hỷ và tham. Con mồi cái chỉ cho vô minh. Còn người muốn đoàn nai được hạnh phúc chỉ cho đấng Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Con đường đưa đến an toàn, an ổn chỉ cho con đường thánh đạo tám ngành: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. "Như vậy Ta mở của con đường an toàn đưa đến hạnh phúc. Ta mang đi con mồi đực. Ta huỷ bỏ con mồi cái. Những gì vị Đạo sư cần phải làm cho các đệ tử vì lòng thương tưởng chúng, những điều ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng chúng, những điều ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các ngươi. Chư Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là ngôi nhà trống. Hãy thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đó là lời giáo huấn của ta".

*

Trong kinh này, Thế tôn giới thiệu con đường giải thoát, giác ngộ, phát xuất từ bất thiện tầm, thiện tầm, trừ diệt dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, tăng trưởng ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Giai đoạn này được xem như là giai đoạn Giới học trong Giới-Ðịnh-Tuệ. Tiếp đến, Thế tôn hành trì sơ thiền, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, được xem như giai đoạn Ðịnh học trong Giới-Ðịnh-Tuệ. Thế tôn chứng ba minh, như thật thắng tri khổ, tập, diệt, đạo, thắng tri các lậu hoặc, các lậu hoặc tập khởi, các lậu hoặc đoạn diệt. Đây có thể là được xem như giai đoạn Tuệ học. Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, khởi lên trí hiểu biết: "Ta đã giải thoát, Ta đã thắng tri: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa". Giai đoạn này được xem như là giai đoạn giải thoát, giải thoát tri kiến, trong tiến trình giải thoát 5 giai đoạn: "Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến".

Trong kinh này chúng ta chứng kiến khả năng tuyệt diệu của đức Phật đối với bất thiện tầm và thiện tầm, hai cách ứng xử hoàn toàn sai khác nhau để loại trừ các bất thiện tầm và phát triển thiện tầm. Đối với bất thiện tầm, đức Phật nhấn mạnh đến những tai hại của người bất thiện tầm như đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dựa phần vào phiền não, không đưa dến Niết-bàn. Nhờ phân tích như vậy, các bất thiện tầm được trừ diệt, không còn sanh khởi. Còn đối với thiện tầm, đối trị sự mệt mỏi của thân, khi suy tư tầm quá lâu, trấn an tâm, trấn tỉnh tâm, khiến tâm không giao động, và hướng đến định tĩnh nhất tâm để tu tập thiền định. Cuối cùng, ví dụ được Thế tôn đúc kết nói nên lòng thương tưởng của Thế tôn đối với mọi loài hữu tình, trong khi ấy ma vương hay những sức mạnh thù địch lại muốn đem lại sự đau khổ cho các chúng sinh. Cũng trong ví dụ này, Con đường Thánh đạo Tám ngành được xem như con đường giải thoát được đức Phật giảng dạy, hướng dẫn mọi chúng sinh đưa đến giải thoát và giác ngộ. Câu nói cuối cùng của bài kinh là cả một lời khích lệ các đệ tử hãy nhiệt tâm tinh cần hành thiền, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc mai sau.

* * *

[13]

MỘT MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TỐT PHẢI ĐƯỢC KHỞI NGUỒN XÂY DỰNG
BỞI NHỮNG NGƯỜI CÓ Ý THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM

Trên bước đường phụng sự giáo dục, chúng tôi ý thức rất rõ một điều rằng, chúng tôi không thể xây dựng một môi trường giáo dục nếu như chung quanh chúng tôi không có những con người, với ý thức và hoài bão giáo dục, sẵn sàng trợ lực cho chúng tôi trong mọi thời, mọi hoàn cảnh.

Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy đã trở thành ý thức và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Thiếu mất ý thức và trách nhiệm này, chúng ta không thể nói đến giáo dục, hay xây dựng một môi trường giáo dục tốt đẹp cho con người. Một môi trường giáo dục tốt, theo chúng tôi, phải được khởi nguồn xây dựng bởi những con người có ý thức và trách nhiệm.

Hơn thế, với tinh thần giáo dục Phật giáo lấy trí tuệ giải thoát làm căn bản, làm nền tảng, chúng tôi càng ý thức rằng, cần phải kiên trì thật nhiều trong sự nghiệp giáo dục con người và điều quan trọng trước nhất là cần phải xây dựng môi trường giáo dục. Bởi lẽ, như đức Phật đã dạy, trí tuệ giải thoát sẽ không đến với con người ngay lập tức, nhưng trí tuệ giải thoát sẽ đến một cách từ từ, do học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ, ở trong một môi trường tốt đẹp (Kinh Kitagigi, Trung Bộ 70).

Có 12 bước đi nhằm thực hiện trí tuệ giác ngộ mà đức Phật đã giảng dạy, và chúng tôi muốn nêu ra ở đây để xác lập lại một đường hướng giáo dục căn bản mà trong sự nghiệp phụng sự giáo dục, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng. 12 bước ấy là:

(1) Có lòng tin, (2) đến gần, (3) tỏ lòng tôn kính, (4) lắng tai, (5) nghe pháp, (6) thọ trì pháp, (7) suy tư ý nghĩa các pháp, (8) chấp nhận các pháp, (9) ước muốn sanh khởi, (10) nỗ lực, (11) cân nhắc, (12) tinh cần. (Kinh Kitagiri, Trung Bộ II.70).

Cả 12 bước đi này là một tiến trình khai mở tuệ giác cho con người, và dĩ nhiên tiến trình ấy cần được thực hiện ở trong một môi trường tốt đẹp.

Một môi trường giáo dục tốt đẹp, thuận tiện cho việc học tập và hành trì chánh pháp, theo lời dạy của đức Phật, cần phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần; nghĩa là, một môi trường mà sống ở đó, người ta có thể ổn định được đời sống vật chất và có khả năng phát triển đời sống tâm đức theo pháp môn Giới, Định, Tuệ. Trong kinh Khu Rừng, Trung Bộ I.17, đức Phật đã chỉ ra các tiêu chuẩn cho thấy một môi trường giáo dục tốt đẹp, xứng đáng làm nơi nương tựa tu học cho các đệ tử mình. Ngài dạy:

"Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống ở khu rừng nào, hay sống tại một làng nào, một thị trấn nào, một đô thị nào, một quôc độ nào, gần một người nào, các niệm chưa an trú được an trú; tâm chưa định tĩnh được định tĩnh: các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ; được hoàn toàn đoạn trừ; vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt, được chứng đạt. Và những vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng toạ, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách không khó khăn. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: 'Ta sống ở khu rừng này, hay sống tại một làng này, một thị trấn này, một đô thị này, một quốc độ này, các niệm chưa an trú được an trú; tâm chưa định tĩnh được định tĩnh: các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ, được hoàn toàn đoạn trừ; vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt, được chứng đạt. Và những vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng toạ, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách không khó khăn'. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải ở lại những nơi ấy cho đến trọn đời, không được bỏ đi".

Đức Phật còn nhấn mạnh rằng vị Tỷ-kheo sống ở nơi nào hay sống người nào có đầy đủ các tiêu chuẩn trên thời phải hết lòng sống tại đó cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dù người ta có xua đuổi.

Những bước đi tiếp cận chân lý giác ngộ như đã nói ở trên gợi cho chúng ta hình ảnh một môi trường giáo dục thanh thoát, đầy trí tuệ và tình người do chư đức Phật xây dựng mà theo thời gian, với sự sáng của nó, môi trường ấy đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, luôn luôn được giữ gìn và được xây dựng bởi những người con Phật với mục đích đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người. Quả vậy, mỗi một ngôi chùa Phật giáo luôn luôn là một môi trường giáo dục tốt và người Phật tử đến với ngôi chùa ấy không phải chỉ để học kiến thức về kinh điển Phật giáo, mà để tu học và đóng góp sức mình cho việc xây dựng và phát huy môi trường ngày càng tốt đẹp. Và, qua nếp sống đó, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đang nỗ lực hướng vào mục tiêu chung của xã hội Việt Nam cũng như ở thế giới ngày nay là làm trong sạch hóa môi trường sống của con người mà đạo đức là căn bản.

Ngày nay, với lối sống buông trôi theo dục lạc, con người hiện đại đang dần dần làm ô nhiễm và phá vỡ một trường sống tốt đẹp của mình. Nhiều biểu hiện thiếu cân nhắc, thiếu phản tỉnh của con người ngày nay khiến chúng ta không khỏi lo ngại đến cuộc sống hiện đại và tương lai, nếu con người không thật sự quay về để tìm xem mình đang làm gì và có thái độ sống thích hợp như thế nào.

Đứng trước sự thách thức to lớn của lối sống thiếu giác tỉnh, bất chấp các hậu quả của con người ngày nay, chúng ta - những người Phật tử - cần phải tỏ rõ hơn nữa nếp sống tự ý thức và tự chế ngự của mình đồng thời cần phải nỗ lực xây dựng nhiều môi trường sinh hoạt mang tính giáo dục cao cả cho con người. Tất nhiên, chúng ta không chủ trương xây dựng những ngôi chùa nguy nga tráng lệ nhằm thu hút sự chú ý của mọi người, vì đạo Phật không chủ trương nhiếp phục con người bằng quảng cáo hay cổ xuý, đạo Phật chỉ giúp xây dựng hạnh phúc cho con người bằng cách nói: "Mời bạn đến và thấy" (ehipassika). Nhưng chúng ta sẽ nổ lực xây dựng, trong phạm vi khả năng của mình, những môi trường sinh hoạt tốt đẹp với những nội dung giáo dục lành mạnh, trong sáng, hướng thượng, thắm đượm tính người, tính dân tộc bằng chính sự nỗ lực và trí tuệ mỗi chúng ta. Làm sao mỗi một ngôi chùa đều trở nên một môi trường giáo dục tốt, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc, đúng như một nhà thơ đã ca ngợi:

"Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ tông".

* * *

[14]

ÔNG CẤP CÔ ĐỘC TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI VỀ CÁC Ý KIẾN CỦA NGOẠI ĐẠO

Trong Kinh Kiến số 93, A. V, 185, Kinh Bộ Tăng Chi III, trang 471, ông Cấp Cô Độc đã trả lời một cách thông minh, thiết thực, rõ ràng, những câu hỏi của các nhà du sĩ ngoại đạo về các Kiến của Sa môn Gotama, của các Tỷ-kheo và của chính mình. Những câu trả lời không những chứng minh biện tài ứng khẩu đối đáp của ông Cấp Cô Độc, mà còn nêu rõ ông đã hiểu giáo lý đức Phật dạy một cách thâm thuý sâu sắc, nhất là đối với giáo vô ngã. Và chúng ta không thấy làm lạ, mỗi bài kinh, ông được Thế Tôn tán thán khả năng bác bỏ các tà kiến với Chánh pháp.

*

Ông Cấp Cô Độc (Anàthpindika) vào buổi sáng sớm, muốn đi đến kiến Thế Tôn ở tại vườn Kỳ Viên. Nghĩ rằng vì thời gian quá sớm, Thế Tôn đang thiền định và các Tỷ-kheo đang tụ tập về ý (tu thiền), nên mới ghé qua hội chúng các du sĩ ngoại đạo. Hội chúng này đang lớn tiếng ồn ào cãi nhau về các vấn đề phù phiếm, khi thấy ông Cấp Cô Độc đến, liền bảo nhau giữ im lặng, vì biết rằng hội chúng cư sĩ của Sa môn Gotama không ưa thích ít ồn ào, được huấn luyện trong ít ồn ào và tán thành ít ồn ào.

Sau những lời hỏi thăm thân hữu, các du sĩ, ngoại đạo đặt ngay vấn đề: "Này gia chủ, hãy nói lên Sa môn Gotama có kiến gì?". Với sự thận trọng cần thiết, ông Cấp Cô Độc trả lời: "Tôi không biết tất cả kiến của Sa môn Gotama!"

-"Này gia chủ, gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa môn Gotama. Nhưng này gia chủ, hãy nói các Tỷ-kheo có kiến gì?"

-"Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của của các Tỷ-kheo."

-"Thưa gia chủ, gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa môn Gotama, không biết tất cả kiến của Tỷ-kheo. Vậy này gia chủ, hãy nói về kiến của gia chủ".

Trước những câu hỏi dồn dập như vậy của du sĩ ngoại đạo, ông Cấp Cô Độc ứng biến khá tài tình với câu trả lời: "Thưa các tôn giả, thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi. Nhưng các tôn giả hãy trả lời về kiến của các Tôn giả trước. Rồi sau thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi". Ông Cấp Cô Độc đã khéo léo giao cho các du sĩ ngoại đạo trách nhiệm trả lời các câu hỏi trước, nhờ vậy hiểu rõ dụng ý của các du sĩ khi đặt các câu hỏi, và xây dựng câu trả lời của mình. Các du sĩ ngoại đạo liền đề cập đến 10 loại ý kiến của mình, như chúng ta được thấy trong Tiểu kinh Màlunkyaputta - Kinh số 63, Trung Bộ, trang 427 (bộ cũ): Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống và thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác; Như Lai sau khi chết có tồn tại, Như Lai sau khi chết không tồn tại, Như Lai sau khi chết có tồn tại và không tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại và không không tồn tại. Mười quan điểm này, các ngoại đạo xem là kiến của mình và xác định, kiến như vậy là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.

Gia chủ Cấp Cô Độc liền nắm giữ định nghĩa của ngoại đạo và nạn vấn: "Thưa các Tôn giả, Tôn giả nói như sau: 'Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng'. Như vậy là kiến của tôi. Kiến của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc duyên nghe người khác nói. Kiến ấy như vậy được sanh (bhùta), được tác thành (sankhatà), do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái (khổ) ấy Tôn giả chấp trước (allino: dính vào); cái (khổ) ấy Tôn giả chấp nhận (ajjhàpagato)".

Gia chủ Cấp Cô Độc, đối với chín kiến còn lại cùng một nạn vấn tương tự, nêu rõ nếu các du sĩ chấp nhận những kiến ấy là sự thật, ngoài ra là hư vọng, thời tự đeo cái khổ vào thân, vì các kiến ấy hoặc do tự mình tác ý không hợp lý, hay do duyên người khác nói. Như vậy kiến ấy được sanh, dược tác thành, là những pháp hữu vi, do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Kiến ấy là vô thường, cái gì vô thường, cái ấy khổ. Và cái khổ ấy, các du sĩ ngoại đạo lại chấp thủ, chấp nhận, và như vậy không thoát ra khỏi đau khổ.

Câu trả lời của ông Cấp Cô Độc chưa thuyết phục được các du sĩ ngoại đạo. Chúng bèn yêu cầu ông Cấp Cô Độc nói lên kiến của gia chủ là gì sau khi các du sĩ đã nói tất cả kiến của mình. Câu trả lời của ông Cấp Cô Độc thật là tuyệt diệu, không những nói lên một cách trung thực quan điểm vô ngã của đức Phật mà còn vạch rõ quan điểm "Kiến" của ngoại đạo đưa chúng đến đau khổ trói buộc, còn quan điểm "Kiến" của ông Cấp Cô Độc đưa đến an lạc và giải thoát. Ông Cấp Cô Độc đã trả lời:

-"Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: 'Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi'. Tôi có kiến như vậy thưa các Tôn giả".

Các du sĩ ngoại đạo hiểu lầm ông Cấp Cô Độc chấp thủ quan điểm của mình nên lập tức chất vấn: "Này gia chủ, phàm cái gì được sanh, được tán thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy này gia chủ lại chấp nhận trước. Cái ấy, này gia chủ, gia chủ lại chấp nhận".

Nhận thức được các du sĩ ngoại đạo chưa hiểu được quan điểm của mình, ông Cấp Cô Độc nêu rõ không những ông như thật khéo thấy với trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải của tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi", ông còn như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi đau khổ, nhờ quán triệt lý vô ngã của đức Phật. Lời giải đáp của ông Cấp Cô Độc làm cho các du sĩ ngoại đạo ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ không nói lên lời.

Sau khi thấy các ngoại đạo ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ không nói lên lời, ông Cấp Cô Độc liền đi đến yết kiến Thế Tôn, tường thuật lại nội dung cuộc nói chuyện của mình với các du sĩ ngoại đạo. Nghe xong, Thế Tôn có vài lời tán thán: "Lành thay, lành thay, này gia chủ. Như vậy, này gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường thường cần phải bác bỏ với sự khéo léo bác bỏ nhờ Chánh pháp". Rồi Thế Tôn với một bài thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Sau khi ông Cấp Cô Độc từ biệt, Thế Tôn có lời khuyên các Tỷ-kheo.

"Tỷ-kheo nào, dù đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo léo bác bỏ nhờ chánh pháp, như gia chủ Anàthapindika đã khéo léo bác bỏ". Thật là một lời tán dương đẹp đẽ từ miệng Thế Tôn, đề cao biện tài ứng đáp của ông Cấp Cô Độc, và nói lên trách nhiệm của các Tỷ-kheo cần phải dùng chánh pháp để bác bỏ các tà kiến của ngoại đạo.

*

Chúng ta nhận thấy cái nhìn "vô ngã" của đạo Phật là cái nhìn như thật khéo thấy với trí tuệ, nhìn thấy tánh vô ngã của thế giới và của con người, nhờ vậy thoát ly sự chi phối của con người và thế giới, đối trị được sự ràng buộc của tham sân si, vượt khỏi già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Trong mười kiết sử, kiến sử thân kiến (sakkàyaditthi) đi hàng đầu, và thân kiến có nghĩa là chấp năm thủ uẩn là "của ta, là ta, là tự ngã của ta", tức là chấp ngã. Trong Kinh Căn bổn Pháp môn (kinh số 1, Trung Bộ), đức Phật nêu rõ kẻ phàm phu đối với tất cả pháp trong ấy có địa đại v.v. vị ấy: "Tưởng tri địa đại là địa đại, vì tưởng tri địa đại là địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến tự ngã như là địa đại, nghĩ địa đại là của ta. Vị ấy ái dục địa đại, ta nói vị ấy không liễu tri địa đại". Trái lại bậc Thánh có cái nhìn hoàn toàn sai khác. "Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến tự ngã như là địa đại, không nghĩ đến địa đại là của ta, không dục ái địa đại. Vì sao vậy? Ta nói 'Vị ấy đã liễu tri địa đại'." Liễu tri địa đại ở đây là không chấp ngã địa đại.

Trong kinh Xà Dụ (kinh số 22, Trung Bộ), đức Phật đề cập đến sáu kiến xứ, tức là chấp thủ 5 thủ uẩn là của ta, là ta, là tự ngã của ta, và chấp thủ thế giới và tự ngã là thường còn, thường hằng, xem là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Và đức Phật khuyên các Tỷ-kheo "Hãy từ bỏ cái gì không phải của các ngươi. Các ngươi từ bỏ cái gì sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho các ngươi? Chư Tỷ-kheo, sắc không phải của các ngươi. Hãy từ bỏ sắc. Các ngươi nếu từ bỏ sắc sẽ đem lại hạnh phúc cho các ngươi. Thọ không phải của các ngươi... Tưởng không phải của các ngươi... Hành không phải của các ngươi... Thức không phải của các ngươi. Hãy từ bỏ thức. Các ngươi nếu từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc cho các ngươi."

* * *

Ðầu trang | Mục lục | Phần I | Phần II | Phần III | Phần IV | Phần V

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã hỗ trợ công tác vi tính (Bình Anson, 04-2003).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2003