Dao truong sieu thanh - 04

BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðạo trường siêu thanh

Tỳ kheo Giác Chánh


[04]

* * *

Thế rồi chủ khách thảy đồng
Ði vào tu viện, Nguyên Không đang thiền
Vừa trông thấy, khách cười liền
Thông, Thư chẳng rõ cớ duyên thế nào
Ðến khi tới chỗ sân đào
Giác Nhiên cùng với Tâm Cao ra chào
Ðại Sư nghe tiếng xôn xao
Mở mắt quan sát, bỗng màu mặt thay:
"Ô! kìa ... Sư Ðệ đến đây
Làm sao biết rõ chốn này viếng thăm?!"
Bạch rằng: chẳng ý kiếm tầm
Cơ duyên hạnh ngộ đến nhằm Sư Huynh
Nói rồi cung kỉnh nghiêng mình
Ðại Sư vội đỡ dắt lên cùng ngồi
Hỏi rằng từ lúc vắng tôi
Tôn Sư vẫn mạnh, mọi người bình yên?
Bạch rằng tất cả vẫn yên
Chỉ Thầy hơi yếu, nhưng Thiền luôn luôn
Sư Huynh đi vắng hơi buồn
Những nơi pháp hội thành khuông tu thiền
Cảnh chùa cô tịch quanh niên
Ðệ khi ra "Hạ" khắp miền vân du
Tùy duyên nhắc nhở dân tu
Bước chân Tăng sĩ phiêu lưu đủ vùng
Khi Rạch Giá, lúc Vĩnh Long
Khi nơi bảy núi, lúc dòng Hà-Giang
Khi Trà Khúc, lúc La Bang
Khi ra Kinh Xáng, lúc vào Cái Răng...
Ðại Sư cười bảo chúng Tăng
Ðây là pháp đệ tên rằng Nguyên Siêu
Luật, Kinh, Diệu pháp hiểu nhiều
Suốt thông sinh ngữ, đủ điều luật nghi
Tỷ Khưu tuổi trẻ cao kỳ
Tánh không lập dị, chẳng khi ai hèn
Mà hay bắt bẻ thói quen
Nhưng rất khiêm nhượng, ai khen ngại ngùng
Ðến đây, Ðại Ðức Nguyên Không
Xoay qua nhắc nhở Pháp Thông nhớ rằng:
Hãy lo quét dọn phòng Tăng
Và cho thí chủ cúng dường được hay...
Ðoạn rồi Tăng chúng kiếu Ngài
Dắt nhau trở xuống Phật đài nghĩ ngơi.

* * *

Gió hây hãy quyện bên trời
Mong long bóng nguyệt giữa vời xanh xanh
Mưa rơi tầm tả bên gành
Vài cơn sắm sét, âm thanh rởn người.
Bình minh vừa hé nắng tươi
Xa xa trông thấy một người đi lên
Dáng người nho nhã thư sinh
Nếu không thi sĩ, cũng tình văn gia
Tánh người có lẽ ôn hòa
Nên đi thong thả dù xa dù gần
Khách đi vừa đến bên sân
Cởi giày, gỡ mũ, đầu trần chân không
Thiên-Thư nói với Pháp Thông
Chắc là thiện tín nên không mang giày...
Khách vào liền hỏi: Bạch Thầy
Cho Con nghỉ tạm nơi này ít hôm
Ðường xa bị cảm hồi hôm
Sáng nay lại thấy thiền môn nên vào

* * *

Pháp thông dẫn lại phòng sau
Rồi đem cho thuốc cho dầu đốt xông
Khoẻ rồi khách mới ra phòng
Cùng chư Sư rõ chuyện lòng hàn huyên
Khách rằng con ở Hà Tiên
Mẹ cha mất sớm, của tiền ít oi.
Gần đây chừng bốn năm rồi
Con đang đi học, lại thôi, đi làm...
Quê người vất vả quanh năm
Quyết làm ra của để đem về làng
Cưới người thiếu nữ đài trang
Trước là bạn học, thuộc hàng giàu sang
Cha nàng: "hộ đối môn đăng"
Nàng thương nên giúp ít vàng lập thân
Con luôn tận tụy chuyên cần
Vừa làm ra của nên lần về quê
Nào ngờ nàng đã lỗi thề
Lấy chồng Ðại Úy vì chê con nghèo
Tủi thân, con tính qua Lèo
Nhưng đường biên giới hiểm nghèo khó đi
Lang thang khắp chốn ngại gì
Ðể xem con tạo đưa thì về đâu
Ðêm hôm bị cảm nhứt đầu
Ðương khi bệnh hoạn may sao gặp Thầy
Xin cho tạm nghĩ nơi đây
Mạnh rồi con sẽ đi ngay chẳng chầy.

* * *

Thư rằng: chuyện ấy lo chi
Chỉ lo những chuyện sầu bi cõi lòng
Thôi thì... thôi thế cũng xong
Nàng đà đổi dạ thay lòng phụ anh
Cũng là một dịp phúc lành
Ðể anh thức tỉnh là tình trái oan
Xã ly thanh thoát tịnh nhàn
Không con không vợ buộc ràng cũng không
Yêu đương: chết nữa cõi lòng
Ðó là chơn lý đừng hòng đổi thay
Càng yêu càng phải đắng cay
Càng yêu càng mãi miệt mài khổ đau
Hãy tu cho khỏi ưu sầu
Hãy tu cho khỏi đớn đau cõi lòng
Khách thưa: duyên nghiệp chưa xong
Làm sao thanh toán hận lòng mới nguôi
Số là con đã tính rồi
Qua Lèo chuộc ngãi rẽ đôi cho vừa
Thư rằng: chỉ chút hương thừa
Ðem thân dầm dãi nắng mưa bao đành!
Lại còn oan trái mãi sanh
Nghe lời dứt bỏ, tu hành hay hơn...
Khách như dịu nỗi căm hờn
Chấp tay cung kỉnh trước đơn bạch rằng:
Lời vàng của Ðại Ðức Tăng
Như trừ não chướng, như tan hận tình.
Từ nay theo đạo học kinh
Già Lam ẩn náo, xả tình trái oan...
Nương theo thánh đức tịnh nhàn
Phồn hoa xa lánh, núi ngàn ẩn tu

* * *

Lần lần hè mãn sang thu
Lá rừng lả tả, chim vù khói lam...
Một hôm dưới ánh trăng vàng
Ðại Sư xả định hân hoan vẻ thiền.
Chư Sư họp mặt dưới hiên
Cùng nhau luận đạo giảng thiền giải kinh...
Ðại Sư nhơn dịp thuyết trình:
Các Sư thuyết pháp thuận tình mới nên
Lẽ thường "Bố thí" trước tiên
Khuyên người rộng rãi: căn nền thiện duyên
Thứ hai "Trì giới" răng khuyên
Giữ gìn thân khẩu: tịnh yên cõi lòng.
Thứ ba: thiên chúng phước hồng
Ðể người phấn khởi gieo trồng thiện căn
Thứ tư: tai hại ngũ trần
Cho người nhàm chán, chuyên cần thoát ra...
Thứ năm: quả báo xuất gia
Khiến người dứt bỏ trần sa ngủ ngầm
Ðó là tùy thuận Pháp âm
Giúp đời tiến hóa phước thâm đặc thù
Lại thêm bổn phận Pháp Sư
Có năm chi pháp phải như thuộc lòng:
1- Thuyết theo thứ lớp quả nhân
Không thêm không bớt tránh phần ba hoa...
2- Giải bày nghĩa lý cao xa
Chứng minh thí dụ, người nghe tỏ tường
3- Không mong lợi lộc cúng dường
Chỉ mong đợi chúng mười phương tu hành
4- Tâm từ rải khắp chúng sanh
Cho người mát mẻ đắc thành đạo cao
5- Chẳng chê hạ mạt kẻ nào
Và không tự đắc tự cao khoe tài...
Pháp Sư giữ đúng đừng sai
Vì đời hóa đạo, đức đầy dồi trau
Sa-Môn đời sống tiêu dao
Với người Cư Sĩ trước sau sáu điều:
1- Khuyên ngăn việc ác chớ liều
Dữ hung lớn nhỏ ít nhiều cũng kiêng
2- Việc lành hướng dẫn nhắc khuyên
Thiện hiền lớn nhỏ thường xuyên thực hành
3- Tâm từ đối với nhơn sanh
Luôn luôn mát mẽ lòng thành thuần lương
4- Giảng kinh đặc biệt hơn thường
Tức là những pháp chưa từng được nghe
5- Giải thêm những pháp đã nghe
Cho được thấu rõ chỗ chưa tận tường
6- Chỉ cho biết rõ con đường
Hướng về lạc cảnh và phương thoát trần
Sa-Môn tánh tướng chuyên cần
"Xuất gia thí pháp" là phần chư Tăng
Còn về Thiền định sơn Tăng
Hướng về đạo quả thường hằng chú tâm:
1- Niệm thân: đi, đứng, ngồi, nằm
Tử thi, bất tịnh, quán ngầm sắc âm (1)
Vô ra hơi thở lưu tâm
Vô thường, khổ não, sắc tâm đổi hình.

(1) Sắc Uẩn

2- Niệm thọ: nhận thức cảm tình
Khổ, lạc hoặc xả; khác hình đồng căn
Diệt sanh quan chiếu thường năng
Cho tường thọ uẩn tánh hằng đổi thay.
3- Niệm tâm: quán thức trong ngoài
Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân nầy, ý kia
Do căn và cảnh hiện ra
Khiến nên thức uẩn dung hòa phát sanh.
4- Niệm pháp: quan sát tưởng, hành
Tham, sân, nghi, hối... chẳng lành gốc si
Tín, cần, niệm, định, vô si...
Thuộc thành phần thiện trí tri đủ đầy.
Người tu chánh niệm thường ngày
Biết mình ghi nhớ từng giây từng giờ
Tâm thiền trái với hồn thơ:
Không buồn dĩ vãng, chẳng chờ tương lai.

* * *

Ngày xưa thiền đức có Ngài
Luôn luôn chánh niệm chơn tay, việc làm.
Ra đường hoặc ở trong am
Vẫn luôn theo dõi việc làm thân tâm.
Mỗi khi ác pháp: sân, tham...
Khởi lên tâm trí, Ngài dừng chân ngay
Niệm cho diệt mất mới đi
Nhiều người chẳng rõ chuyện chi hỏi Ngài...
Có lần thọ dụng bằng tay
Ðưa ra quên niệm nên Ngài rút vô
Ngạc nhiên khách hỏi lý do
Mới hay tác dụng cách tu tuệ thiền
Tu hành trọng yếu cần chuyên
Thiết tha tu tập như ghiền cần sa
Mới mong vượt khỏi ái hà
Mới mong thoát chốn ta bà trầm luân
Chánh niệm nhờ pháp chánh cần
Mới năng tiến hóa, mới hằng chú tâm
Những người trí tuệ cao thâm
Tự mình thắp đuốc khỏi lầm huyển mơ
Thế gian như thể cuộc cờ
Tính toan lắm nỗi, được nhờ gì đâu?!
Với người trí đức cao sâu
Chỉ nương chánh pháp chẳng cầu chi ai
Ðây lời các đấng Như Lai:
"Thế gian phiền toái dẩy đầy khổ đau
Cảnh đời như giấc chiêm bao..."
Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây
Trần hoàn đổi đổi thay thay
Nam kha huyển mộng mỗi ngày có chi
Sao bằng giới định ... hành trì
Nương theo Chánh pháp khổ già cũng qua.

* * *

Lành thay! kiếp sống không nhà
Xã ly thế lợi ta bà độ sinh
Quê-San-Ta (1) trước dứt tình
Cũng mong thoát khổ tử sinh luân hồi

(1) Vessantara: tên của Bồ Tát; tiền thân Ðức Phật,
kiếp bố thí: voi quý hai con và vợ

Người trời phước báu tạm thôi
Sáu đường ba cõi đổi đời luôn khi!
Nên người nam tử tu mi
Hằng trau dồi đức trí bi vẹn toàn
Thú vui: hành đạo lâm san
Hướng về đạo quả tịnh an cõi lòng
Giữa trần cấu, lại sạch trong
Giữa nơi tham dục mà lòng tịnh thanh.
Vui thay! giữ được lòng thành
Vui thay! chứng đắc vô sanh, bất hoàn
Vui thay! phiền não lặng an
Vui thay! không kết trái oan trong đời
Vui thay! thánh đức tuyệt vời
Vui thay! thánh đạo chẳng lời gọi xưng
Vui thay! thánh đế chứng chân
Vui thay! thánh thiện cõi trần bình yên
Vui thay! không nhiễm không ghiền
Không vương trần cấu: không triền, bộc lưu...
Vui thay! đời sống Tỷ Khưu:
Xả ly thế sự, ẩn tu núi rừng.
Trăm năm trong cõi hồng trần
Lưỡi câu dục lạc: cáng cân tử thần!
Vui trong bể ái nguồn ân
Rập gài hoạn lộ, lưới giăng thành sầu!
Thế nhân ai đã hiểu đâu?
Cầu sương quán cỏ có lâu bao giờ!
Bình minh nắng sớm mai mơ
Chiều nghiêng bóng rũ chửa ngờ hoàng hôn!
Buồn thay! sanh tử lưu tồn
Buồn thay! ngũ uẩn vẫn còn nối sanh
Buồn thay! tam giới lộn quanh
Buồn thay! đời mãi tương tranh thế quyền!
Buồn thay! ác kiến đảo điên
Buồn thay! ác đạo khổ triền miên lâu
Buồn thay! ác hạnh tham sân
Buồn thay! ác thú khó cầu siêu sanh
Buồn thay! đời nhiễm lợi danh
Càng mê dục lạc càng ganh tỵ nhiều!
Buồn thay! người chẳng chịu tu
Ðam mê thế sự, bám bu thị thành
Kiếp người: lá gió chim cành
Vui khi đông tụ, buồn cơn thu tàn!
Kìa bần tiện nọ giàu sang
Cỏ xanh một nắm, đất hoang một gò!
Nhưng đời mấy kẻ biết lo
Chỉ mơ sông vị, chờ đò ô giang!
Chưng hoa chẳng rõ hoa tàn!
Xuân mai dương đắc, chiều vàng ngẩn ngơ!
Thương ta, sao lại chần chờ?
Thương ta, sao lại hẩn hờ đường tu?
Thương ta, sao tạo oán thù?
Thương ta, sao để mịt mù tối tăm?!
Thương ta, phải chiến thắng tâm
Thương ta, phải thoát khỏi đầm lợi danh
Thương ta, tinh tấn làm lành
Thương ta, phòng hộ ... tịnh thanh cõi lòng...
Thương ta, trì giới sạch trong
Thoát đường trần cấu, khỏi giòng phù sa
Thương ta, tự độ lấy ta:
Ngăn lòng tham dục, tránh xa não phiền
Tình người tựa đóa hoa thiêng:
Sương rơi phơi phới, nắng xuyên dàu dàu
Nắng mưa càng thắm sắc màu
Gió lay: làm dáng, trăng sao thêm tình...
Thế nên, nếu biết thương mình:
Ðừng quên ý nghĩa hữu tình: nghiệp duyên!

* * *

Quả nhân, nhân quả triền miên
Luân lưu lắm lượt, đảo điên nhiều lần!
Nghiệp là định luật cõi trần
Nghiệp là mẹ đẻ ra thân con người
Nghiệp cho hưởng phước cõi trời
Nghiệp cho chịu khổ ở nơi ngục hình
Nghiệp làm các loại tục sinh
Nghiệp làm trổ quả phân minh dữ lành
Nghiệp; nơi nương tựa chúng sanh
Nghiệp gìn tài sản để dành tương lai
Nghiệp luôn chi phối đêm ngày:
Phước sanh thiên giới, tội đày phong đô
Nghiệp tinh khiết, hoặc trược ô ...
Tốt nhà muôn thuở, xấu mồ thiên thu!
Trăm năm trong cõi diêm phù
Khéo tu: hoan lạc, vụng tu khổ sầu
Xuân xanh, phút đã bạc đầu
Chuyến xe quá khứ, cuộc tàu tương lai!
Gẩm ra lòng cũng buồn thay!
Chúng sanh tam giới khổ rày cho duyên
Có vui thì tất có phiền
Có sanh, tử, ắt có yên luân hồi!
Duyên sinh các vật trong đời
Duyên sinh cảnh, cõi, thú, người vân vân
Duyên làm sanh diệt căn, trần
Duyên làm tan hợp các phần sắc danh
Duyên trợ tạo có chúng sanh
Duyên phù hộ trợ kết thành thế gian
Duyên theo nghĩa ánh đạo vàng:
Duyên trong ngủ uẩn, Níp-Bàn: Vô duyên
Duyên sinh là khỏi não phiền
Dữ lành vui khổ...chúng liền tương ưng
Duyên không, các khổ... điều không
Cạn ao tam giới, dứt dòng tử sanh
Nghiệp duyên hết, lậu hoặc thanh
Cõi đời bớt bóng, Níp-Bàn thêm không.
Thế là nguồn ái cạn giòng
Chiếc thân ngủ uẩn, cảnh không chẳng dừng.

* * *

Thoạt đầu khái niệm sắc không...
Ngoài lìa cảnh tướng, nên trong nhứt hành
Tùy theo cá tánh chúng sanh
Cảnh duyên khế hợp căn lành tiến tu
Thiền tâm tạp niệm gom thu
Thiền quang vẹt ánh mây mù vô minh
Thiền duyên: tầm, tứ...tương sinh
Thiền thiêu triền cái: dục tình, nghi, sân...
Thiền năng dứt bỏ ngủ trần
Thiền đưa nhân loại lên tầng Phạm Thiên
Thiền làm tạm vắng não phiền
Thiền làm ác pháp tạm yên nhứt thời
Thiền nhơn cao quí trong đời
Thiền nghiêm tâm tịnh hơn trời Thiên Vương
Thiền cơ siêu việt khác thường:
Thần thông biến hiện mười phương ta bà.
Cuộc đời gió dập mưa sa
Kìa sân trần cảnh, nọ nhà lục căn
Tầm cầu năng sở, sở năng
Ðộ mai lục địa, tuần trăng hải tần...
Có thân lại lụy vì thân
Mấy ai giác tĩnh, gương tần hồi quang!

* * *

Ðường vào tam giới thênh thang:
Lối vào khổ cảnh, nẽo sang cõi trời
Ðạo là đường đến các nơi:
Ðạo là hành lộ thú, người vân vân
Ðạo đưa các loại xoay vần
Ðạo không hẳn nghĩa là đang thánh nhân.
Ðạo chánh sự thật chứng chân
Ðạo tà là lối khách trần trầm luân
Ðạo đề trừ diệt tham sân ...
Ðạo duyên thì đủ đôi phần hợp, siêu
Ðạo tâm khách tục thường kêu
Chỉ lòng mên mộ giáo điều, sách , kinh ...
Ðạo tâm đắc đạo lộ trình:
Sát trừ phiền não, liễu minh Níp-Bàn.
Ðời là một cuộc hòa tan
Cõi người giấc mộng, thiên đàng cơn mơ
Thế trần dù đẹp như thơ:
Lô sơn mù tỏa, sương mờ chiết giang !
Tại sao lắm kiếp trần hoàn?
Tại sao đau khổ vương mang mãi vầy?
* * *

Tại do căn, cảnh, thức đầy
Gặp nhau mới có cái này cái kia!
Xúc là gặp gở, chẳng lìa
Xúc là chung hợp được chia nhiều loài:
Xúc nhãn: mắt chạm sắc ngoài
Xúc nhĩ: tai, tiếng gặp ngay rõ ràng
Xúc tỷ: mùi, mũi hợp đoan
Xúc thiệt: lưỡi, vị đôi đàng gặp nhau
Xúc thân: thân xúc đụng vào
Xúc ý: tâm, pháp tương giao mà thành
Xúc là sở hữu biến hành
Nên mọi tâm thức hiện sanh đồng đều
Xúc duyên cảm thọ ghét yêu...
Nếu không có xúc, mọi điều (...) cũng không.
Cuộc trần nguyệt chiếu hoa lồng...
Phù du ánh lửa, tơ đồng hạt châu!
Gió đông nào khác mưa ngâu:
Buâng khuâng luyến cảnh, âu sầu tiếc hoa!
Bởi duyên xúc cảnh tình ra...
Khổ vui... cũng tại ngoài hòa với trong!
Sở duyên Năng hiện tương đồng
Cảnh ngoài xấu tốt: trong lòng buồn vui.
Thọ là lãnh nhận, tiếp thâu...
Thọ là cảm giác, khổ sầu ghét thương...
Thọ vui: sung sướng lẽ thường
Thọ đau khổ sở đoạn trường từng cơn
Thọ hoan hỷ chính lòng mừng...
Thọ ưu: buồn bực, nét xuân dàu dàu
Thọ vô tư vẫn một màu
Thọ thân tâm, cũng chẳng nao núng lòng
Thọ duyên ái, thủ, hữu đồng
Phát sanh tùy thuộc một dòng thuận lưu
Thọ như bào ảnh: không lâu
Luôn luôn biến diệt phải đâu thường hằng:
Thương người đáy nước tìm trăng!
Xây lầu bãi cát, tìm vàng trên không!
Buồn, vui..., bóng nước giữa dòng
Khởi sanh phút đã... gió lồng mành chân!
Khách trần ai sợ khổ đau
Chán vô thường hãy hướng vào giác chân

* * *

Thực hành Thập độ chuyên cần:
Xả ly tài sản...chán thân luân hồi.

1- Thí: cho những cái của tôi.
Thí: cho những cái người đời tiếc thương
Thí là diệt ngã thần phương
Thí là kiến tạo thiên đường tại tâm
Thí làm thành bực siêu phàm
Thí làm thành bực vô tham giữa đời...
Thí là sự nghiệp người, trời ...
Thí là thánh sản tuyệt vời từ xưa.
Thí hằng được sự mến ưa...
Dù cho tất cả, vẫn thừa báu châu...
Thí là Pháp độ đứng đầu
Sự: gieo trồng phước, lý mầu: diệt tham.
Trí nhân mở hội hoa đàm
Hiền nhân bốn bể đồng tâm xả tài
Sống giờ nên nghĩ tương lai:
Mạ gieo ruộng tốt, trồng khoai đất lành.
Chẳng chi bì với tâm thanh
Chi bằng thân khẩu nghiệp lành sạch trong
Khổ vui gốc ở nơi lòng
Nên người Tăng sĩ chỉ mong giữ mình.

2- Giới là điều học, phải gìn
Giới là nền tảng nghiêm minh Tăng già
Giới làm thanh tịnh chính ta
Giới làm giải thoát trần sa trược phiền
Giới năng vớt khách như thuyền
Giới năng phòng hộ ác duyên như rào
Giới đưa người thấp lên cao
Giới đưa người khổ được vào Lạc bang
Giới duyên đắc chứng Níp-Bàn
Ba trong tám chánh: con đàng thánh nhơn.
Giới Ba-La-Mật: thuần lương
Một trong mười độ: sở trường thanh tu:
Lòng lâng lâng nhẹ nhàn du
Giòng ngân mát dịu, trời thu êm đềm
Nợ trần chỉ bớt, không thêm,
Xe dừng nẽo dục, thuyền tìm giác biên
Nê hà năng xuất hồng liên
Người trong cảnh dục tránh phiền... mới hay
Cao nhơn phước đức đủ ầy
Nhưng tâm nhàm chán, hằng ngày xả ly!

3- Xuất gia dứt bỏ mê si...
Xuất gia dứt bỏ sở y người, trời
Xuất gia là chán cuộc đời
Xuất gia là sợ khổ nơi luân hồi
Xuất gia tâm lý: muốn thôi...
Xuất gia tướng mạo là ngồi già lam...
Xuất gia đồng nghĩa vô tham.
Xuất gia đúng lý là làm siêu sanh
Xuất gia: pháp độ thuần thành
Trong Ba-La-Mật căn lành chính tông
Xuất gia giải thoát bụi hồng
Chí mong giải thoát khỏi vòng ngũ ma (1)

(1) Ngũ ma: Chư Thiên, ngũ uẩn ma, phiền não ma,
pháp hành ma và tử thần ma.

Cõi trần lắm lược vào ra
Khác chi bến đổ: chiều tà thuyền lui
Ðắng cay từng nếm đủ mùi
Giấc mơ dục lạc, say vùi chưa hay!
Giác nhơn diệu trí lành thay!
Suốt thông tam giới: miệt mài thú vui!
Trầm kha lắm kiếp nhiều đời
Vô Minh ngã chấp: chơi vơi bể trần!

4- Trí minh tỏ ngộ lý chân
Trí thông thấu rõ nhân gần quả xa
Trí tường tội phước do ta
Trí năng chuyển hóa ta bà tĩnh mê
Trí tu đắc chứng Bồ Ðề
Trí tư liễu nghĩa điệu đề hiển minh
Trí văn khai thị duyên sanh
Trí đạo thấy rõ sắc danh: vô thường
Trí soi vạn vật tỏ tường:
Giòng đời sanh tử: bởi thường đam mê!
Trí Ba-La-Mật hướng về
Mục tiêu giải thoát bến mê thành sầu
Chợ đời như chốn thanh lâu:
Càng vui khoái lạc, càng sầu kiếp nhơ!
Ðêm thanh chiếc bóng thẩn thờ
Nửa ngao ngán nghiệp, nửa thơ thẩn buồn!
Thiện nhơn chẳng dễ sầu tuôn
Luôn luôn tiến bước, dù truông tử thần
Ngăn ngừa phòng hộ chính thân
Lìa xa tội lỗi, tạo nhân duyên lành.

5- Cần chuyên diệt ác đang sanh
Cần chuyên tu dưỡng thiện hành đã, đang...
Cần: không bỏ dỡ nửa đàng
Cần không dừng bước, thường hằng tiến tu
Cần là sức mạnh trượng phu
Cần là thần lực hộ phù bản thân
Cần làm thành bậc thánh nhân
Cần làm người thế thoát trần tiêu dao.
Cần duyên thánh thiện thanh cao
Một trong Bát chánh, đường vào vô sanh
Cần Ba-La-Mật tiến trình
Các hàng Bồ Tát tự mình chuyển mê.
Ðường tu tiến tiến, bến đạo về
Bước chân thánh thiện, đầy huê Mạn Thù
Ái hà cây cỏ hoang vu
Sa-Môn vững bước, mặc dù gian nan.

6- Nhẫn kham dù phải cơ hàn
Mặc ai đem lửa thử vàng cũng cam
Một lòng dưỡng tánh tu tâm
Trước bao thử thách, càng làm quyết tâm.
Nhẫn điều khó nhẫn, vẫn kham...
Nhẫn điều khó nhẫn: càng làm đời kinh!
Nhẫn là chịu mọi bất bình
Nhẫn là chịu mọi chúng sinh gây phiền.
Nhẫn làm oan trái lặng yên (1)
Nhẫn làm bao mối phược triền tiêu tan
Nhẫn năng trừ diệt chướng oan
Nhẫn trong giây lát, đặng an trăm ngày (2)

(1) Nhẫn nhẫn nhẫn oan gia trái chữ tùng thử tâm.
(2) Nhẫn nhứt thời chi sự miểm bá nhựt chi ưu.

Nhân duyên an lạc tương lai
Vì bao thù hận đời nầy chẳng sanh
Nhẫn Ba-La-Mật nghiệp lành
Ba đời Bồ Tát vẫn hành thường xuyên
Ðá mài ngọc, muối đánh vàng
Nhờ nhiều trở lực, nên trang đại hùng
Cứng như đá, mềm như bông
Thật là đại sĩ, tất lòng cương nhu!
Bây giờ và mãi nghìn thu
Các vì Bồ Tát tâm tư vẫn lành
Những điều sắp, đã, đang sanh

Dù vui hay khổ vẫn hành thật chơn.

7- Thật chơn trước cảnh thua hơn
Thật chơn trước cảnh giận hờn, mừng, vui...
Thật chơn là chẳng dối lời
Thật chơn là chẳng đổi đời hành vi
Thật chơn: thiện tánh cực kỳ
Thật chơn: đức tánh đoạn ly vọng tà
Thật chơn thì chẳng điêu ngoa
Thật chơn thì chẳng dối ta, gạt người...
Thật chơn ngọc quí nhứt đời
Vị ngon ngọt nhứt của người thượng lưu
Thật Ba-La-Mật đặc thù
Ðế ngôn thánh đức Tỳ Khưu hộ trì ...
Thế nhân tìm bạn tương tri
Xuyên qua ngôn ngữ, hành vi đã tường
Với người trí thức hiền lương
Có sao nói vậy, sở trường từ xưa.
Xưa nay và mãi bao giờ
Người tu theo Phật, ước mơ Níp-Bàn
Dù chưa chứng đắc hoàn toàn
Vẫn mong sẽ được nghĩa an dịp nào.

8- Ước nguyền diệt tận trần lao
Ước nguyền giải thoát đường vào tử sanh
Ước nguyền chứng đạo tám ngành
Ước nguyền chấm dứt tái sanh luân hồi
Ước nguyền mất hẳn cái Tôi
Ước nguyền ngũ uẩn được thôi "trở thành"
Ước nguyền thân khẩu...trọn lành
Ước nguyền thấy rõ sắc danh vô thường
Ước nguyền là nguyện vào đường
Thánh nhơn giải thoát, con đường thanh quang
Ước nguyền Pháp độ tịnh an:
Chí mong giải thoát Níp-Bàn tiêu dao.
Hữu vi sắc tướng huyển bào...
"Hoa không" giả hiện, ước ao lợi gì!
Níp-Bàn tuyệt đối vô vi
Trí nhân Thiền đức luôn khi nguyện cầu.
Thế gian thù hận khổ đau
Trái oan không biết kiếp nào xả ly!
Chỉ người hiền đức tu trì
Mới luôn một dạ từ bi với đời.

9- Từ là mát mẻ thảnh thơi
Từ là hòa dịu mọi người thù, thân
Từ không phân biệt xa gần
Từ không thương mến cá nhân, loại nào...
Từ làm đời bớt khổ đau
Từ làm thù hận tiêu hao dần dần
Từ năng đối trị tâm sân
Từ đưa nhân loại lên tầng Phạm Thiên
Từ tâm niệm rải thường xuyên
Không phân giới loại khắp miền bình an.
Từ Ba-La-Mật thanh đoan
Giúp chư Bồ Tát vẻ vang đạo mầu
Ác ma thù hận thâm sâu
Thì người Thích tử càng trau đức từ
Ác nhân oán chạ thù tư
Hiền nhân đại lượng tâm từ thứ dung.
Ðại nhơn: đại xả: đại hùng
Gió đời tám ngọn vẫn không ngại gì
Giữ tâm bình thản luôn khi
Khen, chê, vui, khổ... vẫn thì tự nhiên

10- Xả là lòng chẳng vị thiên
Xả là lòng chẳng giận phiền, mừng vui...
Xả: không cố chấp cái Tôi
Xả: không giao động trước lời thị phi
Xả làm hỷ, nộ... viễn ly
Xả làm hành giả phát huy đạo, thiền
Xả tình thì giảm oan khiên
Xả tài thì đặng bình yên cõi lòng
Xả hành, tâm được sạch trong:
Vì không liên hệ vào vòng lợi danh
Xả Ba-La-Mật đức lành:
Tạo căn giải thoát, trở thành vô tham.
Cõi đời như ngọn khói lam
Mông lung huyền ảo, báo ngầm: hợp, tan!
Mai mơ phút đã chiều tàn
Giác nhơn bình thản, hòa tan vẫn đồng...

* * *

Phạm Gia liên chước thơ phong
Nôm na tóm lược ít dòng văn quê
Mai sau con cháu hội về
Liêm ngâm đối ẩm đừng chê thơ gàn!

-ooOoo-

(Hết)

1 | 2 | 3 | 4 | Giới thiệu | Ðầu trang


[Trở về trang Thư Mục]