duong ve xu Phat - 07
[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Ðường về xứ Phật
Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi, Pasadika - 1964


Ðộng Ajantà và Hang Ellora


Ðộng Ajantà

Cả ngày 30-10-61, chúng tôi ở trên chuyến tàu suốt từ Sanchi đến Jalgaon. Vì hành khách quá đông, chúng tôi phải ngồi ở hai toa khác nhau, tôi và thầy Huyền Vi ngồi một toa, thầy Thiện Châu và vị sư người Ðức ngồi một toa. Cũng là một dịp hay để chúng tôi được nói chuyện với người Ấn cùng một toa; và ở đây, chúng tôi được thấy sự lịch thiệp nhã nhặn của một số trí thức Ấn Ðộ đối với chúng tôi.

Ðúng 10 giờ 30 tối, chúng tôi đến ga Jalgaon. Chúng tôi ở lại nhà ga ngủ một đêm để sáng mai đi Ajantà. Nhà ga đã trở thành nhà ngủ quen thuộc của chúng tôi. Tuy có ồn ào thật, nhưng cũng tương đối dễ chịu. Vì khi nào thân người mệt mà tinh thần an tịnh thì chỗ nào cũng ngủ ngon lành. Trước khi đi ngủ, chúng tôi có đến sở du lịch tại nhà ga để mua những loại sách nói về Ajantà cùng hỏi giờ xe chạy. Chúng tôi mua nhiều quyển sách có hình các danh họa ở Ajantà và ký tên vào quyển sổ vàng của sở du lịch để lưu niệm.

Sáng ngày 31 tháng 10, mới tinh sương, chúng tôi đã dậy để đi xe buýt đến Ajantà. Hành khách đông phải xếp hàng lấy vé. Ðúng 6 giờ 30, chúng tôi khởi hành và vào khoảng 9 giờ 20 đã đến Ajantà. Chúng tôi bỏ chương trình ngủ một đêm tại Ajantà vì đã trễ một ngày ở Sanchi.

Ajantà là một dãy động, đục vào trong một dãy đồi đá lớn, chạy theo một dòng nước khá sâu và thoai thoải chảy. Cảnh trí thật là u tịch thanh tịnh. Trên phía dòng suối ấy có thác nước Satdhara. Về tiết mùa mưa, vẻ đẹp thiên nhiên càng thêm thanh tú.

Không thể biết được những hang đá này được đục thành vào thời đại nào, nhưng người ta thường xem là những hang xưa nhất được đục vào khoảng thế kỷ thứ hai sau T.L., và những hang mới nhất được đục vào thế kỷ thứ bảy sau T.L. Như vậy những động này được hình thành trải qua nhiều thể kỷ, và nhờ vậy không những chúng ta có thể phán xét sự phát triển tuần tự của nghệ thuật kiến trúc các chùa tháp, mà cũng có thể tìm hiểu được đời sống của dân chúng trải qua nhiều thời đại. Không kể đến nghệ thuật kiến trúc rất đặc biệt của các động này, chính các bức họa trên tường của Ajantà mới thiệt làm Ajantà nổi tiếng khắp hoàn cầu; và các họa sĩ trứ danh đều đồng ý công nhận rằng những bức họa đó được liệt vào hạng những bức họa đẹp nhất trên thế giới.

Có tất cả là 29 động ở Ajantà, bốn hang thuộc loại điện thờ Phật. Các hang khác là tu viện hoặc chùa cho chúng Tăng ở. Ít nhất 13 hang có những bức họa trên tường, nhưng chỉ có 6 hang còn giữ gìn được khá tử tế các bức họa như hang số 1, số 2, số 9, số 10, số 16 và số 17.

Những hang này chỉ được tìm thấy vào năm 1819 do một toán quân lính Anh đi tập trận. Ðến năm 1839, ông James Alexander có lược tả những động này tại hội Royal Aisatic ở Luân Ðôn, và sau có đăng một bài trong tờ báo "Belgian Asiatic Society" cũng trong năm ấy. Liền sau đó ông James Fergusson, một văn sĩ trứ danh, đến thăm Ajantà và viết sách báo giới thiệu chỗ này cho thế giới được biết. Nhờ vậy, thiên hạ đã bắt đầu đến thăm để xem những bức họa tên tường, và không lâu Ajantà trở thành một Thánh địa cho những người ham chuộng mỹ thuật chiêm bái. Sau khi ông Fergusson đến thăm, ông Gill được hội East India Company cử đến chép lại những bức họa ấy. Ông này vẽ lại đến 20 năm mới xong và cuối cùng triển lãm những bức họa ấy tại lâu đài Crystal Palace ở Luân Ðôn. Không may bức họa ấy bị cháy vì hỏa tai, chỉ trừ có 5 bức. Ðến năm 1875 ông Griffith, giám đốc trường mỹ thuật của Chính phủ ở Bomba, cũng vẽ lại các bức họa ấy, và điều rất lạ, những bức họa ấy cũng lại bị thiêu cháy trừ có 56 bức thoát khỏi. Những bức này hiện được trình bày tại Viện bảo tàng Victoria và Albert ở Luân Ðôn. Bà Herringham, một nữ họa sĩ cũng đến tại Ajantà nhiều lần và xuất bản một tập sách rất đẹp có nhiều bức họa lại các bức quan trọng nhất ở Ajantà và nhờ vậy danh tiếng của Ajantà lại càng được hoàn cầu cảm mộ. Chính phủ Hyderabad có xuất bản một tập đủ các bức họa và có dẫn giải các bức họa ấy.

Chúng tôi không thể nào diễn tả một cách đầy đủ những bức họa cùng các hang ấy được. Muốn biết rõ hơn cần phải tự mình khảo sát tại chỗ hay đọc những quyển sách nói về Ajantà đã xuất bản.

Ðộng số 1 là tinh xá đẹp nhất ở Ajantà. Tường có vẽ nhiều bức họa và nhiều bức được xem là đẹp nhất. Kiểu kiến trúc rất giản dị, phía trong là một khám thờ lớn, có thờ một tượng Phật bằng đá lớn hơn người thường, hai bên là những hang nhỏ khá rộng của chư Tăng, mỗi hang một vị, giường và gối của chư Tăng được đục trong đá. Ở giữa là phòng nhóm khá rộng, trên trần và xung quanh tường đầy những bức họa. Muốn xem những bức tường này phải thuê riêng đèn điện để chiếu sáng, và ngay tại chỗ cũng có sẵn những vị thông ngôn giải thích những bức họa nếu chúng ta muốn thuê. Tại hang này, tầng trên có những bức họa sau đây: "Cám dỗ đức Phật", "Thần thông ở thành Xá-vệ", "Tiền thân Sibi" và một bức họa gọi là "Ðại sứ nước Ba Tư đến thăm". Nhưng bức họa đẹp nhất là bức một vị Bồ-tát đứng gần nơi điện Phật, và trong tay cầm một hoa sen. Giáo sư Cecconi, vị họa sĩ có tiếng người Ý nói rằng bức họa này đã biểu thị một giá trị nghệ thuật tả chân kỳ diệu; bức họa này nhìn tổng quát, nhắc lại bức họa của họa sĩ Micheal Angello tại nhà thờ Sixtine, màu sắc sáng sủa của da thịt, rất giống với tự nhiên cùng với sự long lanh của bóng tối rất giống với những bức họa của Correggio. Cách vẽ nét mặt kỳ diệu một cách đặc biệt. Sự phóng khoáng của kỹ thuật, cách phát biểu diễn đạt hình dáng của bàn tay hoàn bị đến cực điểm, có thể sánh tác giả bức họa này với hai họa sĩ đại tài vào thời kỳ phục hưng Ý Ðại Lợi.... Léonard de Vinci và Raphael. Bàn tay cầm hoa sen dịu dàng và trang nhã được miêu tả với một tài nghệ khá cao siêu.

Hang số 2 giống hang số 1, chỉ khác là có thêm hai Tăng phòng. Tại đây cũng có nhiều bức họa khá đẹp như bức diễn tả "Devaradhana", "Hoàng hậu Maya nằm mộng", "Ðến thăm vườn Lâm Tỳ Ni", "Thái tử Thích Ca đản danh", "Ngài bước 7 bước sau khi sanh", "Chuyện tiền thân Khantivada" và "Chuyện tiền thân Hamsa". Trên bức tường này, phía tay mặt là bức họa tả hai anh em Purana và Bhabila. Hai vị này dựng một điện Phật bằng gỗ trầm để kỷ niệm được thoát chết đắm ngoài khơi. Tại hang này có hai bức họa được các nhà phê bình nói đến nhiều và được phác họa lại: đó là bức "Người sứ giả" và bức "Một nữ tỳ bị hình phạt".

Hang số 4 là hang tu viện lớn nhất ở Ajantà. Mái hiên trước hang này có đến tám cột hình tám cạnh chống đỡ. Chủ điểm kiến trúc ở đây rất giản dị nhưng trên tường và mái hiên cũng có nhiều tượng khắc. Tượng vị Bồ tát Padmapani về phía tay mặt đáng được chú ý. Cũng có những bức vẽ một người đàn ông và người đàn bà đang chạy tránh một con voi dữ.

Hang số 6 là một hang hai tầng, độc nhất ở tại chỗ này. Không có bức họa nào đặc biệt tại đây. Ðiều đáng chú ý là cách sắp đặt nấc thang lên tầng trên. Hang thứ 9 là một điện Phật, không có phòng chúng Tăng và được xem là hang xưa nhất ở Ajantà. Khác với các điện Phật khác, điện này hình vuông, nhưng các cột chạy dài chung quanh đều đắp thành hình bán cầu như thường lệ. Hai dãy cột đều hình bát giác và không khắc chạm gì. Trần điện cong lên và có những đường nối chạy tròn. Ðiện có cửa sổ làm theo kiểu lá Bồ-đề. Trên các cột có một bức hoạ, nhưng nay đã hư nát nhiều. Tượng phía trong có một vài mảnh họa sót lại, có lẽ là những bức họa cũ nhất ở Ajantà. Tháp thờ không có khắc chạm gì cả.

Hang số 10 cũng giống như hang số 9 nhưng rộng lớn hơn. Hang này có nhiều bức họa cho chúng ta biết về y phục và một vài món trang sức ở thời ấy. Có bức vẽ một vị vua cùng hoàng hậu đáng được chú ý. Hang thứ 16 là hang đẹp nhất ở Ajantà và với cách kiến trúc hoàn bị được xem là một danh phẩm ưu tú. Mái hiên có nhiều cột đá lớn, và cửa chính đặc biệt có nhiều con voi đá đứng giữ cửa. Tháp ở phía trong được ánh sáng cửa chiếu vào chứng tỏ tài nghệ xuất sắc của vị kiến trúc sư này. Hang này cũng được nổi tiếng nhờ nhiều bức danh họa, chỉ tiếc những bức này phần nhiều bị hư mờ. Thật đáng tiếc, vì những bức này cũng được xem là những bức xuất sắc. Bức họa vị công chúa đang hấp hối vẽ trên tường bên trái là đẹp nhất. Ông Griffith đã nói: "Về cách diễn đạt tình cảm, đau buồn, cùng với nghệ thuật trình bày, tôi xem không có bức họa nào có thể thắng nổi bức này. Các nhà họa sĩ Florence có thể vẽ đẹp hơn, các nhà họa sĩ Venise có thể pha màu khéo hơn, nhưng không ai có thể diễn đạt với nhiều ý tứ qua màu sắc, bằng những bức họa này". Những bức họa khác diễn tả: "Ðức Phật Thích Ca đản sanh", "A-tư-đà đoán tướng", "Ðức Phật đi đến thành Vương-xá", "Ðức Phật ra bốn cửa thành thấy bốn tướng khổ", "Sujata dâng sửa", "Hai lái buôn Tapassu và Bhalluka cúng dường", "Nan Ðà xuất gia" và "Chuyện tiền thân Sutasoma". Cũng còn nhiều bức họa nhưng không hiểu diễn tả sự tích gì.

Hang số 17 cũng được liệt vào những hang đặc biệt nhất ở Ajantà. Mái hiên, cửa chính và những cột trụ phía ngoài đều to lớn vĩ đại. Trên cửa và phía trong có nhiều tượng khắc vào đá, đặc biệt là tượng đức Phật nhập Niết bàn và lúc Ngài bị Ma vương cám dỗ. Giáo sư Cecconi phê bình cửa vào động này đã nói như sau: "Thật là một công trình có giá trị nghệ thuật tuyệt luân. Những trang trí trên phía cửa thật tuyệt diệu, cũng như 8 bức họa khác, trang trí cho cửa đi này". Tại đây có nhiều bức họa được liệt vào hàng tuyệt tác. Phía trái mái hiên có vẽ Samsaracakra. Gần bức này là bức một vị Thái tử đang cùng ngồi với vợ, trong khi ấy, một Công chúa khác đang đứng trong một điệu bộ trang nhã với một chiếc dù che trên đầu. Xuyên qua cửa sổ, chúng ta thấy 2 phụ nữ khác đang ngồi suy nghĩ, trầm ngâm. Không hiểu bức họa diễn tả luận đề gì? Nếu là cảnh một gia đình sum vầy đoàn tụ thì hình như không hợp với đời sống tu hành cho lắm. Trên bức này có ảnh các tiên nữ đang lả lướt. Mỗi tiên nữ cầm một nhạc khí. Do đó, có thể xem là những nữ nhạc thần Càndharvas ở Thiên cung. Nhìn những bức họa ấy, ông Burgess nói: "Cả về nét thuần túy đại cương lẫn về bố cục, đây quả là bức tranh trang nhã nhất trong những họa phẩm ở Ajantà. Bức họa này đưa chúng ta đến gần nghệ thuật hội họa Ý Ðại Lợi vào những thế kỷ thứ 13 và 14. Cách diễn đạt nhẹ nhàng khó mà có bức nào có thể thắng nổi". Hang này cũng có một bức họa nổi tiếng trên hoàn cầu, đó là bức: "Mẹ và con", chắc hẳn là Yasodhara và Rahula. Chính là bức diễn tả người mẹ chí đức Phật và bảo con mình đến đòi cho được phần thừa tự. Thật không có bức họa nào có thể sánh về nét trang nhã và dịu dàng của bức này. Ông E.B. Havell, một nhà phê bình về hội họa nổi tiếng đã nói: "Về cách diễn đạt tâm tình một cách trang nhã, có thể sánh với bức họa kỳ diệu về các Thánh nữ của Giovanni Ballini". Giáo sư Lorenzo Cecconi đã nói: "Hai hình nhân này, cách miêu tả đầu và sắc mặt của chúng thật là trang nhã kỳ diệu. Lối diễn tả đầu của chúng hướng về đức Phật khiến nhắc nhở lại nghệ thuật tạo hình mà chúng ta được gặp trong các trường phái Umbria và Tascany của những họa sĩ đặc biệt của chúng ta, những vị Quatrocentists", Ông Laurenve Binyon nói: "Bức ấy là một trong những vật không đời nào bị quên được.... Không một bức họa nào ở thế giới lại để một cảm giác sâu đậm về nét cao siêu trang nhã như bức này". Tại đây cũng có một bức diễn tả một vị Hoàng hậu đang trang điểm với một cái gương cầm ở tay và có một nữ tỳ cầm một chiếc khay hầu đứng kế bên. Nghệ thuật của bức họa này không phải ở nơi hình dáng bà Hoàng hậu mà chính hoàn toàn ở nơi cái gương bà ta cầm ở tay. Trong động thì tối, ánh sáng ở cửa chiếu vào chỉ lờ mờ, nhưng cái gương cầm ở nơi tay bà như thu tất cả ánh sáng ngoài cửa chiếu vào và phản chiếu toàn thân của bà Hoàng hậu. Tại hang này còn có những bức sau này: "Ðức Phật thuyết phục con voi say Chaddanta, Mahakapi, Sutasoma, Miga, Matribosaka, Sarabha, Sama, Matsya và Vessantara". Bức vị Bà-la-môn Jùjaka xin cho được hai người con của Thái tử Vessantara diễn tả rõ rệt sự tham vọng và ác độc của loài người.

Phần lớn các nhà phê bình những bức họa của Ajantà đều cho rằng các họa sĩ này có biệt tài về đường nét trong khi diễn đạt các nhân vật. Ðại úy Gladstone Solomons nói: "Nếu Âu châu phát minh được sự bí mất của màu sắc thì chắc chắn Á Ðông đã khám phá ra được đường nét". Sự thật bức họa nào cũng tuyệt tác về cách diễn đạt tâm tình các nhân vật bằng những đường nét thích đáng và linh động. Và mãi cho đến ngày nay, chưa có một họa sĩ Ấn Ðộ nào có thể sánh được với các hoạ sĩ thời xưa, trong cách diễn đạt những cử chỉ, nét mặt, tâm tình, điệu bộ của các nhân vật. Dầu trong số các bức họa này không có một bức nào là không bị hư hại, nhưng chúng ta cũng phải ngạc nhiên khi thấy chúng có thể tồn tại được như thế này, trải qua gần 10 thế kỷ bị bỏ quên. Hơn 12 thế kỷ chịu đựng đủ chứng tỏ kỹ thuật tuyệt luân của những họa sĩ trong khi pha màu và phối cảnh.

Hang số 19 là một điện Phật Chaitya theo như kiến trúc thường lệ. Hang này được trang trí rất nhiều tượng khắc cả trong lẫn ngoài, và nghệ thuật điêu khắc hoàn bị đến nỗi hang này được xem là "một trong những tượng tạc hoàn bị nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở Ấn Ðộ". Ðặc biệt nhất là cửa chính, mặt tường khắc chạm phía ngoài cửa điện Phật được trang trí rất đẹp. Các bức họa trên bốn cột trụ của cánh cửa và phía mặt ngoài thật là hoàn mỹ, còn những trang vật chung quanh cửa chính thật không thể nào tả hết vẻ đẹp được. Rất tiếc nhiều cột trụ đã bị hư nát.

Hang số 20 cũng là một tinh xá có giá trị nhiều về lối kiến trúc. Các cột mái hiên đều được trang trí với những hình đàn bà đang đi diễu qua. Kiểu kiến trúc các tầng cấp và cách trang trí giống như ở Amuradhapura và Polonnaruwa ở Tích Lan. Hang 26 là một điện Phật như số 19. Ở đây các tượng chạm đều rất lớn. Cửa vào đã bị hư hại, nhưng may thay các bức chạm mặt tiền vẫn còn nguyên vẹn. Các trang trí ở bên trong nhiều hơn các hang khác, và trên các tấm đá ngang các cột đều có khắc chạm những sự tích về đời sống của đức Phật. Ðiện Phật được trang trí cùng một kiểu với điện Phật ở hang số 19, nhưng đức Phật ở đây được chạm ngồi theo kiểu Âu Tây và trong cử chỉ Chuyển pháp luân lần đầu tiên. Những đường cong trên trần cũng rất đặc biệt.

Trên đây chỉ nói sơ qua các hang chính. Dưới đây là bản dịch bài tường thuật của ngài Huyền Trang:

--"Tại biên giới phía Ðông của xứ này là một quả núi đồ sộ với những tảng đá cao lớn và một dãy thành đá chồng chất lên nhau cùng với những hang sâu thẳm. Chính tại chỗ này một tu viện Sangharama được lập lên giữa một thung lũng dài. Các dãy hiên cao và những phòng sâu chạy dài theo mặt của tảng đá dài. Tầng này chồng lên trên tầng khác, dựa sát vào tảng đá và xây mặt ra phía thung lũng.

Tinh xá này do vị A-la-hán Achara lập nên. Vị này là một người xứ tây Ấn Ðộ. Mẹ Ngài từ trần. Ngài tìm xem được tái sanh ở chỗ nào, thuộc giòng họ nào và được biết bà tái sanh làm một người đàn bà trong nước ấy. Vị A-la-hán liền đến tại chỗ để cải hóa bà tùy theo khả năng thọ lãnh Chánh pháp của bà. Ngài đi vào làng khất thực và đến tại nhà bà. Một người con gái đem ra các món ăn để cúng dường Ngài. Chính khi ấy vú của vị này chảy sữa ra và các bạn gái của nàng xem đó là một triệu chứng không tốt. Nhưng vị A-la-hán liền kể lại tiền thân của nàng và người con gái ấy chứng quả. Ðể tỏ lòng nhớ ơn công lao dưỡng dục của nàng và muốn đền ơn nàng nên A-la-hán ấy lập ngôi tinh xá này. Ðài tinh xá cao đến 170 feet, giữa là một hình đức Phật bằng đá cao đến 70 feet. Trên là một bảo cái bằng đá có bảy tầng, cao đứng thẳng lên trên và hình như không có gì chống đỡ. Khoảng trống giữa các bảo cái độ 3 feet. Tục truyền, chính nhờ đại nguyện của vị A-la-hán mà các bảo cái đứng tại chỗ. Cũng có người tin là chính do phép thần thông của vị này, lại có tin đồn là do một vài chất bí mật; nhưng thật không có luận cứ nào đáng tin cậy để giải thích sự kỳ diệu ấy. Cả bốn phía tường xung quanh tu viện có vẽ nhiều sự tích đức Phật khi Ngài còn là vị Bồ-tát, những điểm kỳ diệu khi Ngài giác ngộ và khi Ngài nhập Niết-bàn. Những sự tích ấy được chạm ngay trong đá với một nghệ thuật tinh vi và xác thực. Ngoài cửa động, phía Ðông và phía Nam, bên tay mặt và bên tay trái có tượng voi đá. Tin đồn voi đá này có khi rống lớn tiếnt và làm cho đất chung quanh rung động. Thời xưa vị Bồ-tát Jina thường hay dừng lại tinh xá này". (Theo quyển Tây du ký do ông Sanuel Beal dịch ra tiếng Anh)."

Ðiều làm chúng tôi suy nghĩ nhiều, là không được biết ai là tác giả những bức họa về nghệ phẩm kiến trúc của các hang có danh tiếng khắp hoàn cầu, nhất là những họa phẩm có một không hai trên thế giới. Chúng tôi hỏi các vị sư ở đây thì các vị trả lời đó chính là các vị sư tu hành ở tại chỗ đã vẽ và tạc ra những bức ấy, vì ngày xưa các vị cũng họa cả hội họa và điêu khắc. Nhưng điểm khó hiểu là những bức tạc hoặc vẽ những cảnh thế gian, cảnh gia đình đoàn tụ, cảnh các thiếu nữ kiều diễm, thì làm sao các vị sư lại có thể và được phép diễn tả. Khi chúng tôi hỏi đến các người khác, thì họ nói đó là do các họa sĩ xưa của nước Ấn Ðộ, mà vua mời vào để vẽ tranh và tạc tượng cúng dường cho các vị Tăng tu hành. Nhưng có điểm khó hiểu khác là vì sao những họa sĩ và điêu khắc gia, tác giả của những nghệ phẩm có giá trị tuyệt luân này lại không thể lưu lại những tác phẩm khác ngoài phạm vi hang này và ngoại phạm vi những sự tích Phật giáo?

Dầu thế nào, chúng ta cũng phải công nhận rằng các bức họa và các tượng sở dĩ đạt được đến những nét cao siêu và tuyệt mỹ cũng là nhờ các họa sĩ và điêu khắc đã được thấm nhuần Phật pháp rất nhiều. Ðiểm quý nhất của hang này, là không khí thanh tịnh bao trùm cả cảnh núi đồi, rất thuận tiện cho cảnh thiền quán.

Sự thật, muốn hiểu giá trị của những bức họa phải tự thân hành đến thăm, phải hiểu những giáo lý căn bản của đạo Phật, có một tâm hồn ít nhiều nghệ sĩ, và cũng phải biết những nguyên tắc chính về hội họa cùng nghệ thuật kiến trúc. Chúng tôi tự thấy còn thiếu nhiều điểm nên chỉ có thể kể sơ qua như trên theo những tài liệu đã đọc được.

 

Hang Ellora

Những hang này thuộc tỉnh Aurangabad và gồm cả ba đạo, Phật giáo, Bà-la-môn, và Jain, sự kiện này chứng tỏ sự cạnh tranh giữa ba đạo suốt cả thời lịch sử tôn giáo Ấn Ðộ. Về Phật có đến 12 hang. Bà-la-môn giáo độ 20 hang và 7, 8 hang Jains (Thắng luận sư).

Sánh với hang Ajantà, những hang thuộc về Phật giáo ở đây kém xa, không những không có những bức họa, mà cách kiến trúc cũng thô sơ không có gì đặc sắc. Ðiểm đáng chú ý là hình như các hang được đục tiếp tục thế kỷ này qua thế kỷ khác, chớ không phải được tạo thành trong một thời. Hang thứ nhất rộng, dài, sâu 41 x 42 feet, có độ 16 Tăng phòng. Một phòng chính giữa làm chỗ thờ tự và hội họp. Cũng như kiểu kiến trúc ở Ajantà, tượng Phật ở sâu vào chính giữa, hai bên là Tăng phòng, đằng trước là chỗ hội họp. Hang này không có trang trí gì, có lẽ là hang xưa nhất. Hang thứ hai có nhiều trang trí hơn và được làm về sau, một phần hang chưa đào xong. Phòng họp ở giữa cửa hang này rất đặc biệt, có đến 12 cột lớn chống đỡ và cũng có một vài pho tượng. Tượng Phật ở giữa rất lớn trong cử chỉ thuyết pháp ngồi trên pháp tọa có sư tử chống đỡ. Hai bên cửa có tượng hai vị Bồ-tát, cao đến 13 hay 14 feet. Tại những phòng hai bên chỗ chư Tăng ở cũng có nhiều tượng Phật trong cử chỉ giống với tượng Phật ở chính giữa; cũng có nhiều tượng Phật và tượng Bồ-tát chung quanh.

Hang số 3 ở vào ngọn đồi phía dưới, hình vuông 43 feet mỗi góc và cao đến 11 feet. Hình như hang này chưa làm xong. Có nhiều trụ đá dựng lên không phải để chống đỡ mà chỉ dùng để trang trí. Ở đây cũng có nhiều tượng Bồ-tát đang hành lễ như vị Bồ-tát Padmapani. Hang thứ tư có tượng Phật ngồi dưới cây Bồ-đề với lá cây sau lưng Ngài. Hang thứ năm là hang rộng nhất ở Ellora, sâu 117 feet, rộng 58 feet. Các hang tiếp không có gì đặc biệt, trừ hang số 8 có một đường để đi kinh hành, không tìm thấy trong các hang khác. Hang số 10 là một đức Phật giống như kiểu ở Ajantà. Còn hang số 11 và số 12 có đến 2 và 3 tầng. Tại hai hang này cũng có rất nhiều tượng Phật và tượng Bồ-tát.

Sự thật hang Ellora này không có gì đặc biệt nếu so sánh với Ajantà. Ngoài ra có các hang Bà-la-môn giáo, như hang Kailas, một điện thờ được xem là đẹp nhất ở Ấn Ðộ sánh với các điện của Bà-la-môn giáo. Nếu người ta có thể nói Taj-Mahal là một bài thơ bằng đá cẩm thạch thì người ta cũng có thể nói đây là một bức thư bằng đá. Vì hang này thuộc về Bà-la-môn giáo, và chúng tôi cũng không để ý nhiều về tôn giáo này nên chỉ nói sơ qua thôi.

 


[Mục lục] [Chương kế]


[Main Index]

Last updated: 29-12-1999

Web master: [email protected]
[email protected]