Giai Thoat Dao - Tim Hieu - 02

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA

Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt


PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm Hiểu về Phẩm 2: Phân biệt về Giới

Chuyển tiếp: Phẩm 1: Nhân duyên giải nghiã thế nào là Giải thoát đạo và chỉ rõ đường tu theo ba môn học: Giới, Định, Huệ. Trong Phẩm 2 nầy: Phân biệt về Giới, nói rõ về việc giữ gìn Giới cho thanh tịnh, tức là giai đoạn đầu tiên của ba môn học vô lậu đó.

006. Trước, cần phân biệt nghiã của chữ Giới.

Nhận xét chung về Phẩm 2: Phân biệt về Giới, thì thấy Phẩm nầy khá dài, chẳng những nói về các điều răn cấm của Đức Phật, gọi là giới luật, để giữ kỷ luật tu hành và thanh danh của Tăng đoàn mà thôi, lại còn bàn đến những thái độ làm giảm mất đức hạnh đáng kính của tu sĩ và những hành vi vi phạm kỷ luật, gây trở ngại cho việc tu hành chẳng tiến bộ.

Vậy, trước nên tìm hiểu: (1) định nghiã của chữ Giới, (2) các Giới căn bản được Đức Phật đặt ra, và (3) cách chế tài các vi phạm giới (chế tài = trừng phạt), rồi sau sẽ học đến các điều khác được nói trong Phẩm nầy.

007. Giới luật cho bốn hạng đệ tử Phật.

Các đệ tử Phật gọi chung là tứ chúng, gồm có bốn hạng:

1) Sa-di Tỳ-kheo,
2) Sa-di-ni Tỳ-kheo-ni.
3) Ưu-bà-tắc hay là cận sự nam hoặc thiện nam.
4) Ưu-bà-di hay là cận sự nữ hoặc tín nữ.

Hai hạng trên là hàng xuất gia, đi tu ở chùa. Sa-di Sa-di-ni (ni = nữ tu sĩ) vừa mới vào chùa tu, còn phải trải qua một thời gian tập sự, thường là hai năm, học giới luật và cách sống trong chùa. Hai hạng tu sĩ nầy thọ Sa-di giới, còn gọi là Thức-xoa-ma-ni hay là Bất cụ túc giới, nghiã là Giới còn chưa đầy đủ, vì chỉ có mười giới luật.

Còn Tỳ-kheo thọ Cụ túc giới, gồm có 250 điều giới luật, và vớiTỳ-kheo-ni thì giới cụ túc lên đến 348 giới điều.

Hai hạng sau là những người chưa xuất gia, nam hay nữ, còn là cư sĩ tu tại gia. Cả hai hạng thọ ngũ giới (= năm điều giới răn), hoặc bát quan trai giới (= tám điều giới luật, khi vào chùa tu chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ theo phép Bát quan trai).

008. Từ Ngũ giới đến Cụ túc giới.

81. Năm giới của cư sĩ tu tại gia gồm có:

(1) chẳng sát sanh: chẳng giết hại sanh vật;
(2) chẳng trộm cướp: chẳng lấy vật chưa được cho mà cứ lấy,
(3) chẳng tà dâm: chẳng dâm dục với ngưòi nào khác hơn là vợ hay chồng mình;
(4) chẳng nói dối: chẳng nói sai với sự thật;
(5) chẳng uống rượu và chẳng dùng các chất say.

82. Bát quan trai giới của cư sĩ tu ở chùa trong 24 giờ, gồm có năm giới căn bản kể trên, cộng thêm:

(6) chẳng trang sức: chẳng xức dầu, dồi phấn;
(7) chẳng ăn phi thời: chẳng ăn thêm quá giờ ngọ;
(8) chẳng nghe ca hát, chẳng nằm giường cao.

83. Sa-di giới hay Bất cụ túc giới, hay Thức-xoa-ma-ni mười giới điều, gồm có năm giới căn bản của người cư sĩ, cộng thêm năm điều nữa.

(3) Giới dâm dục: từ bỏ dâm dục (khác với cư sĩ);
(6) Chẳng trang sức
(7) Chẳng ăn phi thời
(8) Chẳng nghe ca hát
(9) Chẳng nằm giường cao
(10) Chẳng được giữ tiền bạc, vòng vàng.

84. Cụ túc giới của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni còn gọi là Giới bổn, hay Biệt giải thoát, tiếng Pàli là Pàtimokkha phiên âm thành Ba-la-đề-mộc-xoa. Gọi là cụ túc, đầy đủ, có nghiã là những giới điều nầy được đặt ra đầy đủ để ngăn chận các tội lỗi, diệt trừ các phiền não, khiến cho việc tu hành được viên mãn. Gọi là Biệt giải thoát, có nghiã là vì tuân phục theo đúng các giới điều nên kỷ luật tu hành được hoàn toàn đúng đắn, khiến cho người tu sĩ được thoát khỏi các mối ràng buộc bên trong cũng như bên ngoài, mà được giải thoát, được tự tại.

Cụ túc giới có 250 điều cho Tỳ-kheo, và 348 điều cho Tỳ-kheo-ni. Người chẳng thọ Cụ túc giới, chẳng có quyền tìm biết đến các giới điều ấy gồm có những gì; nếu soi mói để biết thì phạm tội trộm giới.

009. Chế tài sự vi phạm Giới luật và Sám hối.

Trong Luật tạng có ghi rõ sự chế tài các vi phạm về Giới luật, để trừng phạt những người chẳng tuân hành, có mục đích là để giữ vững kỷ luật sống chung trong Tăng đoàn và để cải hoá người phạm tội khiến cho việc giữ giới được thanh tịnh.

Nói cách tổng quát, Luật tạng phân biệt hai loại vi phạm: trọng tội (= tội nặng) và khinh tội (= tội nhẹ). Trọng tội còn gọi là Ba-la-di, phiên âm tiếng Pàli Pàràjika, gồm có:

1) tội dâm,
2) trộm cắp,
3) sát sanh: giết người
4) tăng thượng mạn: mình chưa chứng đắc mà khoe mình đã chứng đắc quả vị.

Phạm một trong bốn trọng tội sẽ bị mất qui chế Tỳ-kheo và bị trục xuất khỏi Tăng đoàn.

Còn các khinh tội khác, thì có thể sám hối trước Tăng đoàn, hoặc trước một vị Tỳ-kheo khác và chịu hình phạt biệt cư (phải ở riêng, chẳng được tiếp xúc với các Tỳ-kheo khác) trong một thời gian. Chữ Sám hối (sám: do tiếng Phạn Ksamayati; Hối = tiếng Hán Việt, ăn năn tội lỗi) gồm có hai việc: (1) nhìn nhận lỗi đã phạm; (2) hứa kể từ nay chẳng tái phạm nữa. Sau khi đã thành tâm sám hối thì tội phạm kể như được tiêu diệt.

010. Tìm hiểu nghiã các chữ khó trong Phẩm 2:

Sau khi đã nhận định rõ thế nào là Giới, Giới luật trong đạo Phật, bây giờ trở lại Phẩm 2, để tìm hiểu trước về (1) nghiã các chữ khó, kế (2) sắp xếp các ý tưởng nêu trong Phẩm nầy lại để lập thành dàn bài chi tiết và hầu rút ra được (3) ý chánh.

Tư giới: Tư = suy tư, suy nghĩ; Tư giới là suy nghĩ về Giới, tức là lo nghĩ: làm như vầy chẳng biết có phạm giới không; hễ phạm giới thì có hại điều gì...

Uy nghi giới: Uy nghi = thái độ, hành động đứng đắn; có bốn uy nghi, hay bốn oai nghi khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi. Uy nghi giới là cách đi, đứng, nằm, ngồi, đúng theo cách một người tu hành đàng hoàng. Uy nghi giới là những cách thức tế nhị mà tu sĩ thực hành trong lối sống hằng ngày; còn gọi là tế hạnh, các cử chỉ khéo léo, nghiêm trang của người tu. Ở Phẩm nầy, chữ uy nghi giới được cắt nghiã là lià xa các dịp gây nên tội lỗi, làm thiếu mất tư cách của tu sĩ.

Bất việt giới: Bất = chẳng; việt = vượt quá; Bất việt giới là các cử chỉ chẳng hề vượt quá giới luật, giữ sao cho đúng giới luật.

Hộ giới: Hộ = thủ hộ, phòng hộ, giữ gìn cho được nguyên vẹn; Hộ giới có nghiã là giữ gìn chẳng để mất, hay thiếu sót.

Giác và Quán: Giác = nghiã thường là biết; nghiã đặc biệt là giác ngộ, trước chưa biết nay đã biết và hiểu tường tận. Nghiã, ở đây, chữ giác nói về một thiền chi (chi = nhánh, ngành) tức là một giai đoạn trong Sơ thiền. Khi người ngồi thiền bắt đầu quán tưởng, ý nghĩ đầu tiên về đề mục, biết về đề mục ấy, gọi là giác, khiến cho tâm chú ý đến đề mục. Đó là ý tưởng sơ khởi về đề mục. Chữ Giác nầy dùng để dịch chữ Pàli Vitakka, còn được dịch là tầm. Trong các bản dịch Anh văn, chữ Giác nầy được dịch là initial thought.

Quán: Quán = thường được đọc là Quan, trong chữ quan sát, với nghiã là xét xem kỹ lưỡng. Nhưng trong Thiền học, chữ đó thường được đọc là Quán, cũng có nghiã xem xét kỹ lưỡng, nhưng hướng nhiều về bên trong tâm hơn; như trong các chữ quán tưởng, quán chiếu, quán kiến v.v. Ở đây, trong Phẩm nầy và các Phẩm kế tiếp, chữ Quán được dùng làm một thiền chi, tiếp theo thiền chi giác. Như một thiền chi, Quán có nghiã là ý tưởng của tâm đi sâu vào đề mục, quán sát kỹ đề mục, trong khi thiền chi Giác chỉ chú ý đến đề mục mà chưa đi sâu vào chi tiết. Chữ Quán dùng để dịch chữ Pàli Vicàra, còn được dịch là tứ. Trong các bản Anh văn, chữ Quán nầy được dịch là applied thought.

Hỉ: Hỉ = mừng, tình cảm thích thú thường biểu lộ ra bằng hành động bồng bột như tâm nhảy nhót, tâm rất động.

Lạc: Lạc = vui, tâm trạng dễ chịu, sảng khoái và lắng dịu, kéo dài sau cơn mừng bồng bột, tâm trở nên dịu lại.

Hỉ, Lạc khác nhau rất tế nhị. Hỉ khác, Lạc khác, cũng như Mừng khác, Vui khác. Giác, quán, hỉ, lạc là bốn thiền chi.

Không định: Không = tánh Không, sự rỗng rang và vắng lặng; Định = tình trạng tâm đang dừng các ý nghĩ lại. Không định đây nói đến tình trạng tâm của thiền giả đã đạt đến cõi Không vô biên xứ.

Các Phẩm sau về Định sẽ nói rõ các cấp Định, như Không định, Thức định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, Diệt thọ tưởng định.

Vô thường: Vô = chẳng; Thường = còn hoài, chẳng biến đổi. Vô thường đặc tướng của muôn sự vật, luôn luôn biến đổi, để đi đến hoại diệt.

Thường tưởng: Thường = thường hằng, còn hoài hoài, chẳng biến đổi, chẳng bị hoại diệt. Tưởng = ý tưởng.

Thường tưởng là một tà kiến, cần phải dùng đến chánh kiến về vô thường tưởng đánh đổ và dẹp bỏ đi.

Vô ngã: Vô = chẳng; Ngã = ta; Vô ngã là một đắc tướng của muôn sự vật. Vì bản thể rỗng rang do nhiều sự vật khác kết hợp lại, nên chẳng có sự vật nào có tự ngã cả. Vì chẳng có tự ngã, nên mới gọi là vô ngã. (Tự ngã, nói tóm tắt, là tự mình có lấy được một mình, chẳng dựa vào sự vật khác mới hiện hữu).

Khổ hoạn: Khổ = tình trạng chẳng vừa ý, khó chịu, đau đớn cả thể chất lẫn tinh thần. Hoạn = tai hoạ, lo sợ. Khổ hoạn có nghiã là nạn khổ, cái khổ gây thành tai hoạ.

Khổ là một đặc tướng của muôn sự vật, gây nên sự bất toại nguyện, chẳng vừa ý. Ba đặc tướng Khổ, Vô thường, Vô ngã căn bản giáo lý của Đạo Phật.

Vô nhiễm: Vô = chẳng; nhiễm = dính dơ. Vô nhiễm là chẳng hề bị nhuốm dơ. Bực Thánh là bực vô nhiễm, vì chẳng bị phiền não khuấy động nữa.

Tham dục: Tham = ham muốn quá mức; dục = tình cảm ham muốn. Chữ tham dục trỏ vào các ham muốn chẳng lành và quá mức, có ý nghiã chẳng tốt.

Diệt tận: Diệt = tiêu diệt, mất đi; tận = cùng cực, chẳng sót. Diệt tận là tiêu mất chẳng còn sót lại.

Thâm hậu: Thâm = sâu; Hậu = dầy.

Vô tướng: Vô = chẳng; Tướng = hình tướng, hình dạng. Vô tướng là chẳng còn hình tướng nữa, tức là hướng về tánh Không.

Vô tác: Vô = chẳng; tác = làm; ở đây chữ tác có nghiã là tác nguyện, khởi lên sự mong cầu. Vô tác,đây, là chẳng mong cầu, ước nguyện gì cả.

Tăng thượng huệ: Tăng thượng = tăng là thêm lên; thượng là cao; Tăng thượng huệ là trí huệ cao hơn trí thông thường.

Chấp trước: Chấp = cầm nắm và giữ lấy; Trước = bị dính mắc. Chấp trước, chấp thủ, cố chấp, các chữ nầy chỉ cho sự bấu níu vào rồi bị kẹt luôn vào chỗ được nắm giữ.

Tri kiến như thực: Tri kiến = các sự hiểu biết; Như thực = đúng như sự thật, đúng theo Chơn lý. Đồng nghiã với chánh kiến; trái nghiã với tà kiến.

Vô minh: Vô = chẳng; Minh = sáng; Vô minh chỉ cho sự ngu tối, mê mờ. Trái nghiã với Trí huệ, Bát-nhã.

Tu-đà-huờn: phiên âm chữ Pàli Sotapanna, người đã bước vào dòng Thánh, còn dịch là Nhập lưu (= vào dòng nước Thánh) hoặc Thất lai (= còn phải tái sanh bảy lần nữa). Đây là quả vị thứ nhứt trong hàng Thanh văn.

Tư-đà-hàm: phiên âm chữ Pàli Sakadàgàmì, còn được dịch là Nhứt lai (= chỉ còn phải tái sanh một lần). Đây là thánh quả thứ hai trong hàng Thanh văn

A-na-hàm: phiên âm chữ Pàli Anàgàmì, còn được dịch là Bất lai (= chẳng còn phải tái sanh lại cõi trần nầy). Đây là thánh quả thứ ba trong hàng Thanh văn.

A-la-hán: phiên âm chữ Pàli Arhant, đây là thánh quả thứ tư và cao nhứt trong hàng Thanh văn.

Bốn đạo và quả nầy sẽ được giảng rõ ở các Phẩm sau.

Thô phù: thô thiển, thô tháo, cục mịch, vụng về.

Vi tế: nhỏ nhiệm, tế nhị, khéo léo, tỉ mỉ.

Phi uy nghi: Phi = chẳng phải là, Uy nghi = thái độ đứng đắn. Phi uy nghi là có thái độ thiếu trang nghiêm.

Căn pháp: Căn = nguồn gốc, ở đây có nghiã là các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Căn pháp là pháp (= phép tu) giữ gìn các căn, nghiã là chẳng để mắt chạy theo hình sắc, chẳng để tai chạy theo âm thanh,... mà biết kềm giữ các căn lại: thấy hình sắc, biết có hình sắc mà tâm chẳng chạy theo hình sắc đó. Đối với các căn khác, cũng kềm giữ như thế.

Vị: Vị của Giới = đây có nghiã là chức năng, công dụng của Giới. Bộ Luận nói vị của Giới là khiến có niềm vui, được sự sảng khoái, vì biết mình chẳng có lỗi lầm chi.

Khởi: Khởi của Giới = đây có nghiã là sự khởi phát, sự bộc lộ lên của Giới. Khi nào biết mình có Giới khởi lên? Đó là biết mình chẳng hề lo buồn, chẳng hề hối tiếc. Tại sao? Vì mình giữ đúng Giới, chẳng phạm lỗi nhỏ nào để lo sợ, hối tiếc.

Túc xứ: Túc = đầy đủ; xứ = nơi chốn. Túc xứ của Giới là nơi có đầy đủ điều kiện khiến cho Giới khởi lên. Ở đây, túc xứ của Giới là ba giai đoạn của điều thiện: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Luận văn nói Túc xứ của Giới còn có nghiã là đóng cửa các căn lại, nghiã là khi nhìn, mắt biết hình sắc mà tâm chẳng chạy theo hình sắc, vì cửa mắt đóng chặt khiến hình sắc chẳng lọt vào trong để tâm có dịp chạy theo sắc. Vì tâm chẳng duyên theo sắc trần, nên gọi là biết giữ Giới.

Gỗ chiên đàn: một loại gỗ có mùi thơm như trầm.

Nghiêm túc: Nghiêm = trang nghiêm; Túc = đầy đủ. Nghiêm túc đầy đủ sự trang nghiêm, đàng hoàng.

Thọ trì: Thọ = nhận, chịu lấy; Trì = giữ gìn. Thọ trì là nhận lấy và giữ gìn. Thọ trì Kinh đọc hiểu bản Kinh, áp dụng bản Kinh ấy để tu tập và luôn luôn giữ gìn sự ứng dụng bản Kinh mãi mãi vào đời sống.

Kiêu mạn, cao mạn, ngạo mạn: Cả ba điều mạn nầy đều mang ý nghiã tự cao, làm phách, coi mình trọng và khi dể kẻ khác.(Mạn = gốc từ tiếng Pàli màna = hãnh diện)

Nhẫn nhục: chịu nhịn, bền chí.

Khẩu vị: Khẩu = miệng; Vị = mùi vị của thức ăn. Khẩu vị là sự thích món ăn khoái miệng.

Tiết giảm: giảm bớt, giữ cho đúng chừng mực.

Đối trị: chống cự lại, chữa trị cho lành căn bịnh.

Tín niệm: Tín = lòng tin tưởng; niệm = ý nghĩ trong lòng. Tín niệm là lòng tin vững chắc.

An trú: An = yên; Trú = ở, cư trú. An trú trong Giới, đây, có nghiã là tâm đang ở yên mãi trong sự giữ gìn Giới luật.

Lợi dưỡng: Lợi = lợi lộc, ích lợi; Dưỡng = nuôi. Lợi dưỡng đây chỉ sự hưởng thọ các tiện nghi vật chất do người khác cung cấp cho.

Giới cấm thủ: Giới cấm = đây là những giới cấm của ngoại đạo đầy sự mê tín, như đốt lửa, giết thú cúng tế thần, v.v. Chấp chặt vào các điều giới cấm của ngoại đạo, tà giáo, được gọi là Giới cấm thủ (Thủ = chấp thủ = giữ chặt một cách mù quáng).

Phạm hạnh: Phạm = cõi trời Phạm; hạnh = hạnh kiểm, tánh hạnh. Phạm hạnh là hạnh kiểm của người tu hành giữ giới thanh tịnh, sẽ được tái sanh lên cõi Trời Phạm. Phạm hạnh còn được gọi là giới hạnh của bực Thánh.

Duyên giác: Duyên = nhân duyên; Giác = giác ngộ. Duyên giác, còn gọi là Độc giác, hay Bích chi Phật, là bực đã tự mình giác ngộ, nhờ thông đạt được lý Nhân duyên; bực Độc giác chẳng phát nguyện cứu độ chúng sanh, chỉ lo tự độ thôi. (Bích-chi-Phật phiên âm tiếng Pàli Paccekabuddha).

Xả bỏ thọ mạng: chết.

Cảm thọ: Cảm = cảm giác, cảm xúc, tình cảm; Thọ = nhận chịu; Cảm thọ, đây, là một tình cảm khởi lên trong tâm khi tiếp xúc với cảnh bên ngoài, hoặc xúc động vì ý bên trong.

Xúc giới, Vô xúc giới: Xúc = tiếp xúc với, va chạm đến; Giới = chữ Giới có nghiã tổng quát là phạm vi hay lãnh vực, hoặc vùng. Xúc giới là lãnh vực được tiếp xúc đến, tức là nơi mà mình có thể chạm đến, rờ mó hay cảm giác được. Còn Vô xúc giới là vùng mà ta chẳng tiếp xúc đến được.

Nhưng ở đây, trong đoạn văn nầy (đoạn nhóm ba loại: xúc giới, vô xúc giới và Phạm hạnh) thì chữ Giới lại có nghiã là các điều răn cấm. Cho nên ở đây, xúc giới là sự vi phạm vào giới luật; vô xúc giới là chẳng vi phạm giới.

Y thế, y thân, y pháp: Y = nương tựa, dựa theo. Y thế là dựa theo đời sống thế tục; Y thân là nương tựa vào thân thể; Y pháp là nương theo, tuân theo Chánh Pháp.

Sở nguyện: Sở = nơi; Nguyện = cầu nguyện, thề nguyện, ước nguyện. Sở nguyện điều mong cầu.

Điạ ngục: Điạ = đất; ngục = nơi giam tù. Điạ ngục là một đường dữ, phải chịu hình phạt vì đã làm các việc ác lúc sống. Còn hai đường dữ kia là ngạ qủi (= qủi đói) và súc sanh (= thú vật).

Ô nhiễm: Ô = đen, dơ dáy;Nhiễm = dính vào. Ô nhiễm là làm cho dính dơ. Trái nghiã với Vô nhiễm.

Tịch kiến: Tịch = yên lặng; Kiến = ý kiến, tư tưởng; Tịch kiến là có tư tưởng về sự yên lặng, an vui của Niết-bàn.

Bạch y: Bạch = trắng; Y = áo; chữ Bạch y trỏ vào những người tu tại gia, gồm có đàn ông gọi là ưu-bà-tắc (Pàli: upàsaka) hay là cận sự nam; đàn bà tu tại gia được gọi là ưu-bà-di (Pàli: Upàsikà) hay là cận sự nữ. Đến chùa, họ mặc áo trắng, để phân biệt với áo vàng của tu sĩ.

Tánh giới: Tánh = đây có nghiã là họ hàng; giới = giới luật. Chữ Tánh giới đoạn nầy có nghiã là những tục lệ truyền thống theo thiên nhiên của một bộ tộc, đây là bộ tộc Uất-thiền-việt, sống vào thời Đức Phật Thích-ca, ở miền Bắc Ấn

Hạnh giới: Hạnh = nghiã thông thường là hạnh kiểm, thái độ thường ngày; ở đây, hạnh giới có nghiã là lối sống đúng theo luật lệ của quốc gia.

Bồ-tát: Bồ-tát, phiên âm chữ Pàli, Bodhisatta, chữ Phạn Bodhisatva, đủ chữ là Bồ-đề-tát-đoã, có nghiã là một chúng sanh đã giác ngộ. Riêng trong Giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, chữ Bồ-tát dành riêng cho Đức Phật Thích-ca, khi Ngài chưa thành Phật, còn tu theo hạnh Bồ-tát. Trong Giáo lý Phật giáo Bắc tông, chữ Bồ-tát chỉ đến các vị đã được giác ngộ (tự giác) đi giáo hoá chúng sanh khác để họ giác ngộ theo (giác tha). Đức Phật là bực đã tự giác, đi giác tha, và việc giáo hoá chúng sanh đã thành công, gọi là giác hành viên mãn.

Tứ chánh cần: Tứ = bốn; chánh = chơn chánh, đúng đắn; cần = siêng năng. Tứ chánh cần là bốn điều siêng năng:

(1) điều ác chưa phát sanh thì chận đừng cho phát sanh;
(2) điều ác đ
ã phát sanh, thì liền diệt bỏ đi;
(3) điều l
ành chưa sanh, thì khiến cho sanh ra;
(4) điều lành đã sanh, thì làm cho tăng lớn lên.

Trong Bát Chánh đạo, chánh tinh tấn, sự cố gắng chơn chánh, chính là tứ chánh cần.

Đạo sư: Đạo = con đường, đường lối tu hành, Sư = thầy dạy. Ở đây, trong đoạn giới uy nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, chữ Đạo sư chỉ đến Đức Phật Thích-ca.

Thế tục: Thế = đời; Tục = thông thường ngoài đời. Sống theo thế tục là sống theo tục lệ ngoài đời, chưa phải là người xuất gia tu hành.

Hành xứ: Hành = đi, ở đây có nghiã là tới lui và hành động. Trong đoạn nói về Hành xứ và phi hành xứ, chữ hành xứ chỉ cho các nơi mà người tu hành được phép tới lui; còn chữ phi hành xứ là những chốn mà giới luật cấm người tu hành đi đến; thí dụ như xóm điếm, quán rượu, v.v.

Sa-môn: phiên âm tiếng Pàli là samana, có nghiã là tu sĩ ẩn cư. Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn giải thích chữ Sa-môn bằng ba nghiã: (1) cần giả, người siêng làm điều thiện; (2) tức giả, người ngưng dứt hẳn mọi nghiệp ác; (3) phạp giả, người có hạnh nguyện chịu nghèo khó, thiếu thốn. Đức Phật Thích-ca thường được các tu sĩ ngoại đạo gọi là Sa-môn Cồ-đàm; Cồ-đàm (Pàli: Gotama) là họ của Đức Phật Thích-ca.

Tịnh xá: Tịnh = yên vắng; Xá = nhà. Tịnh xá là am, cốc, nhà nhỏ, nơi cư trú yên tịnh của người tu hành.

Nữ sắc: Nữ = phụ nữ, thuộc về đàn bà, cô gái; sắc = nhan sắc. Mua bán nữ sắc là mua bán dâm.

Tứ sự cúng dường: Tứ = bốn; Sự = sự vật; chữ Cúng dường đọc trại chữ Hán Việt Cung dưỡng (= cung cấp và nuôi dưỡng) thành ra sự dâng hiến phẩm vật cho các vị tu sĩ. Tứ sự cúng dường gồm có bốn việc: (1) thức ăn, vật uống; (2) y phục; (3) phòng, giường; (4) thuốc men.

Hoá duyên: Hoá = thay đổi, ở đây có nghiã khuyến hoá, khuyên mời việc bố thí, để kết duyên với Phật pháp. Duyên = cơ duyên, dịp tốt gặp được Đạo Phật. Đi quyên tiền nơi dân chúng, để cho họ có dịp biết đến đạo Phật, và hùn phước vào các việc cất chùa, in kinh v.v., gọi là hoá duyên.

Điều phục: bắt phải tuân theo lịnh của mình, kềm chế, nhiếp phục. Điều phục các căn có nghiã là giữ gìn các giác quan, chẳng chạy theo cảnh vật bên ngoài và ý bên trong. Nói cách khác, điều phục các căn "đóng bớt cửa" các căn lại, để giữ cho tâm chẳng loạn động.

Thủ hộ: Thủ = nắm giữ; Hộ = bảo vệ, hộ trì. Thủ hộ các căn là giữ gìn các căn, hay giác quan, chẳng cho cảnh vật bên ngoài len vào khuấy động tâm.

Tác ý: Tác = làm; ý = ý kiến; tác ý, theo nghiã gốc, là sự khởi lên các ý kiến. Trong Tâm lý học, chữ tác ý thường được dùng để chỉ một tâm sở trong ấy tâm chú ý đến đối tượng và khởi lên ý nghĩ về đối tượng đó.

Tự tại: Tự = chính mình; tại = ngay tại đó. Chữ tự tại có nghiã là đang ở trong hoàn cảnh tự do, an nhiên, chẳng bị ràng buộc, thoải mái. Ở vài đoạn trong Luận văn, chữ tự tại lại được dùng như chữ thuần thục, thí dụ nói "tu Sơ thiền được tự tại rồi mới học sang Nhị thiền", tức là tu hành có thuần thục ở Sơ thiền rồi mới học đến Nhị thiền.

Dục lạc: Dục = sự ham muốn các thú vật chất; Lạc = vui; ráp hai chữ lại, dục lạc có nghiã chẳng tốt, chỉ sự tìm cầu các thú vui thấp kém, làm trở ngại cho việc tu hành. Dục lạc đồng nghiã với Tham dục.

Năm món dục lạc Ngũ dục: Ngũ = năm; Dục = dục lạc, ham muốn được vui. Năm món đó là: (1) sắc dục, ham muốn về hình sắc, nhứt là sắc đẹp; (2) thanh dục, ham muốn về âm thanh, như đàn ngọt hát hay, lời khen; (3) hương dục, ham mùi thơm; (4) vị dục, ham muốn ăn ngon uống ngọt.

Đoàn thực: Đoàn = vo tròn thành viên; thực = ăn, thức ăn. Theo phong tục người Ấn khi ăn, lấy tay vo tròn thức ăn để vào miệng nhai; chữ đoàn thực chỉ các thức ăn vật chất dùng để nuôi thân.

Tứ thực, bốn loại "ăn": (1) đoàn thực, thức ăn vật chất; (2) xúc thực, "thức ăn" cho các cảm thọ, như sự vui mừng, sự nghe ca hát, v.v. (3) tư thực, "thức ăn" bằng sự suy nghĩ, khi nghĩ đến các tư tưởng cao đẹp, để nuôi tinh thần; (4) thức thực, "thức ăn" bằng sự hiểu biết, dùng sự hiểu biết các kiến thức để nuôi ý thức và trí huệ của mình.

Thắng pháp: Thắng = ưu thắng, cao hơn hết; Pháp = pháp tu. Tu đắc được thắng pháp là tu hành đắc được pháp cao thâm. Còn gọi là pháp thù thắng.

Tà mạng: Tà = sái quấy, xiêng xéo; Mạng = lối mưu sanh để nuôi thân mạng. Tà mạng là lối mưu sanh sái quấy; trái nghiã với Chánh mạng.

Tội chướng: Tội = tội phạm; Chướng = trở ngại. Tội chướng là những tội lỗi gây thành chướng ngại khiến việc tu hành bị lùi sụt.

Chiên-đà-la: phiên âm chữ Pàli Candàla, giai cấp hạ tiện nhứt. Bốn giai cấp Ấn độ ngày xưa: (1) Bà-la-môn, Brahmana, giới tu sĩ; (2) Sát-đế-lợi, Khattiya, giới vua chúa; (3) Phệ-xá, Vessa, hạng buôn bán; (4) Thủ-đà-la, Sudda, hạng làm nghề canh nông và công nghệ.

011. Dàn bài của Phẩm 2: Phân biệt về Giới nằm ngay trong tiểu đoạn mở đầu của Phẩm đó.

Sau khi đã tìm hiểu xong nghiã các chữ khó trong Phẩm 2: Phân biệt về Giới, ta lại thấy rằng dàn bài nằm ngay trong những câu hỏi nêu tại phần đầu của Phẩm nầy.

Từ các câu hỏi "Giới là gì? Giới tướng ra sao"? cho đến câu hỏi "Giới và Hạnh khác nhau ra sao?", ta thấy tác giả muốn định nghiã chữ Giới một cách rộng rãi, kế đến nêu ra những trường hợp nào Giới phát sanh ra, ích lợi của Giới và các chướng ngại gây khó khăn cho việc giữ giới cho thanh tịnh.

Phần thứ hai, có lẽ là phần gây rối rắm cho ta là khi đọc qua các loại giới, được tác giả xếp loại căn cứ trên hai loại, ba loại bốn loại, nhưng chẳng thấy nêu rõ đã dùng tiêu chuẩn nào để sắp xếp giới nầy thuộc hạng hai loại, giới kia thuộc hạng ba loại, bốn loại. Ta sẽ cố gắng tìm ra tiêu chuẩn đó.

Phần sau cùng, có lẽ là quan trọng nhứt, là xét đến những gì làm cho giới được thanh tịnh, và làm cách nào để sống an trú trong Giới hạnh.

Như thế, ta có được dàn bài sau đây:

012. Dàn bài của Phẩm 2: Phân biệt Giới

Phần I: Giới là gì?

11. Định nghiã rộng rãi: Tất cả pháp lành đều là Giới:

111. Tư giới, uy nghi giới, bất việt giới, hộ giới
112. Một đoạn của Luận A-tỳ-đàm nói về Giới.
113. Giới tướng là gì?

12. Vị, Khởi, Túc xứ, Công đức của Giới.
13. Ý nghi
ã đầu, lạnh an của Giới.

Phần II: Các loại giới và các chướng ngại cho Giới.

21. Các giai đoạn của Giới: sơ, trung, và hậu thiện
22. Các chướng ngại gây khó khăn cho việc giữ Giới
23. Các loại Giới: hai, ba, bốn loại.

Phần III: Thế nào là Thọ trì Giới?

31. Giải thích về Giới Ba-la-đề-mộc-xoa:

311. Uy nghi che phủ của Ba-la-đề-mộc-xoa
312. Chánh hạnh v
à phi hạnh
313. Hành xứ và phi hành xứ

32. Thế nào là Giới thanh tịnh?

321. Chẳng phạm tà mạng
322. Thủ hộ các căn
323. Giới về Tứ sự cúng dường v
à 8 điều quán

33. Giới thanh tịnh:

331. Thọ trì Giới cách nào cho thanh tịnh?
332. Làm cách nào để sống an trú trong Giới?

013. Tiêu chuẩn để phân loại các Giới.

1. Tiêu chuẩn Giới riêng cho mỗi hạng người:

11. Bốn hạng đệ tử (Tứ chúng):

111. Bạch y giới Bát quan trai giới dành cho cư sĩ tu tại gia: 5 điều và 8 điều.
112.
Sa-di giới hay Bất cụ túc giới: 10 điều;
113.
Cụ túc giới cho Tỳ-kheo: 250 điều;
114.
Cụ túc giới cho Tỳ-kheo-ni: 348 điều.

12. Giới thanh tịnh của hàng Thanh văn và Giới vô phạm của hàng Duyên giác.
13. Giới tại thế cho người tu tại gia, và Giới xuất thế cho người xuất gia đắc quả
14
. Người thất học có Giới học; bực A-la-hán có Giới vô học, kẻ phàm phu có Giới chẳng học chẳng vô học.

2. Tiêu chuẩn về hạn lượng của giới:

21. Giới hữu biên và giới vô biên.
22. Giới có thời hạn và giới trọn đời.
23. Giới hữu lượng và giới vô lượng.
24. Giới hữu tâm Giới vô tâm.
25. Giới căn bản và Giới vi tế.

3. Tiểu chuẩn về cách giữ giới:

31. Tánh giới chế giới.
32. Thoái giới đắc giới.
33. Giới khéo giới chẳng khéo.
34. Giới hữu y và giới vô y
35. Giới thấp, giới trung và giới cao.
36. Giới sợ, giới lo và giới ngu.
37. Giới thanh tịnh, giới chẳng thanh tịnh và giới có nghi ngờ.
38. Xúc giới, vô xúc giới Phạm giới.
39. Giới ngưng ác chẳng phạm, Giới cảm thọ chẳng phạm và Giới đoạn trừ chẳng phạm.

4. Tiêu chuẩn về uy nghi:

41. uy nghi Ba-la-đề-mộc-xoa;
42. uy nghi về chánh mạng;
43. uy nghi về các căn;
44. uy nghi về hoá duyên.

5. Tiêu chuẩn về chứng đắc:

51. Giới thoái phần, Giới trú phần, Giới thắng phần và Giới đạt phần.
52.Giới giới, Tập giới, Diệt giới Diệt đạo cụ túc

6. Tiêu chuẩn y cứ:

61. Giới y thế, giới y thân, giới y pháp
62. Giới sở nguyện chẳng đồng, Giới sở nguyện đồng đều và Giới vô sở nguyện.
63. Tánh giới, Hạnh giới, Pháp chí giới, Sơ nhân giới.

014. Ý chánh của Phẩm 2: Phân biệt về Giới.

Tu hành là sửa đổi lại cho đúng, nên cần có kỷ luật để tuân theo. Kỷ luật tu ở chùa và tại nhà đã được Đức Phật chỉ dạy, ghi trong Luật tạng, thành Giới luật. Thái độ tu sĩ phải nghiêm trang, đứng đắn, nên thanh qui (= các điều lệ ở mỗi tu viện) có ấn định các tế hạnh, khiến cho cử chỉ, lời nói và hành động phù hợp với lối sống ở chùa. Học về giới luật và thực hành các tế hạnh, đó ý chánh của Phẩm 2: Phân biệt về Giới.

Khai triển ý chánh đó, Luận văn đã trích dẫn lời Phật nói để giảng thêm về thế nào là Giới, sự khởi phát, sự ích lợi, các chướng ngại liên quan đến Giới. Phần quan trọng nhứt là việc thọ trì Giới, nghiã là xem việc giữ đúng theo Giới hạnh như là mạng sống tu hành của mình. Luận văn chỉ rõ cách giữ sao cho giới được thanh tịnh, đặc biệt là cho bực xuất gia ở chùa.

Khi đọc bản dịch Luận văn, có sự khó khăn ở đoạn Giới có mấy loại. Tuy được Luận văn sắp xếp có vẻ gọn gàng, thành hai loại, ba loại, bốn loại, nhưng rất khó mà hiểu và nhớ hết tất cả các loại ấy, vì thiếu các tiêu chuẩn để xếp loại. Cho dù có sắp xếp lại theo tiêu chuẩn đi nữa, các loại giới được nêu trong Luận văn chỉ là phụ thuộc, chẳng cần nhớ hết ngay, điều quan trọng chính là các giới luật phải tuân theo thật nghiêm chỉnh, và các tế hạnh phải thực hành cho thật nhuần nhã.

Với các điều vừa nêu qua về ý tứ trong bài, hi vọng khi đọc kỹ lại bản dịch Luận văn sẽ thấy rõ và hiểu đúng những lời dạy về Giới.

015. Suy gẫm về vài ý tưởng được nói trong Phẩm 2: Phân biệt về Giới.

1) Luận văn (bản dịch trang: 6, 7), trích dẫn một đoạn Luận tạng: "... Lấy sự xa lià để cắt bỏ mọi ham muốn là GIỚI; có khả năng rời dứt mọi ác là tư giới, hộ giới, uy nghi giới. Lấy sự chẳng giận dẹp bỏ sự giận..." Đấy là định nghiã rộng rãi của chữ GIỚI = cắt bỏ mọi ham muốn, dứt trừ mọi ác. Hiểu đúng được định nghiã nầy, thì Giới luật sở dĩ được đặt ra là để cho người nào mà tuân theo thì tránh được các tội ác, tội ác lại bắt nguồn từ sự ham muốn. Do đó, người càng ít ham muốn, càng ít có dịp phạm tội ác, và đồng thời lại có nhiều triển vọng giữ giới được trọn vẹn. Như thế, bước đầu quan trọng cho người tu hành, chính là ít muốn, biết đủ, hay nói theo danh từ Hán Việt là thiểu dục, tri túc. Thực hiện bước đầu nầy, chẳng chi hơn là quay vào trong tâm, tự hỏi mình sắp làm như thế, có phải là do lòng mình còn ham muốn nhiều chăng? Nếu thấy còn có ham muốn nhiều, tự kềm chế lại chẳng làm, đấy chính là biết giữ giới đó, dưới hình thức ngưng lại chẳng làm. Ai biết thường ngưng lại như thế, sẽ có khá nhiều triển vọng khéo léo giữ được giới thanh tịnh.

Thí dụ, rằm ăn chay, vào ngày chúa nhựt, bạn rủ đi 'làm' bát phở. Nếu đi thì cứ đi, nhưng chẳng ăn phở, chỉ ăn bánh mì nướng, đó là đã biết giữ giới chẳng sát sanh, bằng quyết định ngưng lại chẳng ăn phở, chỉ ăn bánh mì nướng.

Trọn đoạn văn trích dẫn khá dài trong Luận tạng, nên đọc với tinh thần biết ngưng lại như trên, sẽ thấy được chỗ cao thâm trong các lời khuyên về sự giận hờn, về sự si mê, về sự hối tiếc, v.v. cần nên dẹp bỏ và dẹp bỏ bằng cách nào.

Và xin ghi nhớ: Việc giữ giới phải bắt đầu bằng sự bớt ham muốn

2) Nghiã của Giới, như đã được nói đến ở cuối trang 8 của Luận văn, là nghiã đầu, nghiã lạnh nghiã an. Trong ba nghiã đó, nghiã đầu quan trọng nhứt, vì mất đầu rồi thì còn sống làm sao! Nghiã đầu là sao? Còn biết giữ giới, giới mình giữ chẳng bị mình vi phạm, đó là còn đầu, còn được sống với đời sống tu hành, mất đầu đi lỡ vi phạm giới thì còn lại cái mình cũng chẳng có làm chi! Đó là muốn nói, dầu cho thuộc muôn Kinh ngàn Kệ, dầu cho bố thí, làm phước thật nhiều đi nữa, mà chẳng giữ giới cho trọn vẹn, để cho sứt mẻ, thì bao nhiêu công đức, bao nhiêu phước đức, kể cũng là như công dã tràng. Tại sao? Vì phước đức, công đức đã tạo đó làm sao có đủ duyên lành để đến được với kẻ còn thiếu sót đức hạnh. Vì lẽ đó, chẳng nên chọn giới quá cao, quá khó mà tu, thà cứ giữ cho trọn năm giới căn bản của người tu tại nhà, mà phải giữ cho kỹ, giữ chẳng sót, giữ chẳng phạm, đó là biết qúi trọng cái đầu của mình, để được ... còn sống để mà tiếp tục tu hành.

Hai nghiã lạnh an nói đến ích lợi của sự giữ tròn các giới. Khi giới được giữ thật thanh tịnh, thì thân tâm nhẹ nhàng, tinh thần an ổn, đó là vui được mát lạnh, vui được lâng lâng. Đây chẳng phải là lời nói suông theo lý thuyết, mà là nhận xét đầy thực tế, mỗi khi mình biết tự kềm chế mình trong giới luật, tránh được tội lỗi, cảm giác an lành mát lạnh chắc chắn khởi lên trong tâm. Còn chi qúi bằng!

3) Giới khởi lên qua mấy giai đoạn? Ai cũng dư biết bất cứ việc gì cũng có lúc khởi đầu, đoạn giữa và hồi kết cuộc. Giới cũng thế, khởi đầu bằng sự thọ trì, kéo dài hoài qua sự chẳng vi phạm, và hồi kết thúc là được niềm vui an lành. Đấy là lý thuyết. Thực tế cho thấy việc giữ đúng giới còn phức tạp hơn nhiều, nhứt là giai đoạn giữa chẳng vi phạm.

Thí dụ: thọ giới chẳng ăn phi thời, nói giản dị là ngoài bữa ăn chánh ra, chẳng ăn tạp nhạp thêm gì nữa. Vào khoảng tám, chín giờ tối, sót ruột, bụng cồn cào, nhìn thấy có nải chuối để trên bàn, muốn ăn. Tay sắp bẻ trái chuối, nhưng bụng nghĩ, sao lại ăn, phi thời mất rồi. Bụng lại nghĩ, ối! Giờ nầy Phật ngủ rồi, ăn có sao, sót ruột quá mà! Giằng co như thế, một đằng muốn ăn là bụng mình. Một đằng muốn ngưng lại, chẳng nên ăn, vì phi thời, cũng là mình, mình biết và nhớ đến giới cấm ăn phi thời. Đằng nầy xúi mình bẻ chuối; đằng kia biểu đừng. Đằng nầy là... ma chăng, đang xúi mình cứ ăn cho khoái miệng, no bụng. Đằng kia là... Thánh chăng, nhỏ nhẹ khuyên mình chớ có phạm giới. Thật ra, ma cũng là mình, mà Thánh cũng lại là mình. Nếu biết bước ra bàn nước, uống vào một ly nước mát, cố quên trái chuối đi, đó là mình thắng mình, một trận chiến nhỏ nhoi mà kẻ chiến thắng cũng vinh quang lắm đấy chớ! Đức Phật há chẳng nói:

Thắng ngàn ngàn người nơi quân trận,
Chưa vẻ vang bằng mình thắng được mình!
(Kinh Pháp cú, Kệ số 103)

Hoá cho nên, cả ba giai đoạn của Giới, giai đoạn giằng co giữa cám dỗ quyết tâm giữ giới, mới là quan trọng. Cả cuộc đời giữ giới chỉ nằm trong một khoảnh khắc ngắn ngủi: biết dừng lại, chẳng vi phạm đó thôi.

4) Giới uy nghi thủ hộ các căn, được nói đến ở khoảng giữa trang 20 của Luận văn, là một tiểu đoạn có tầm quan trọng rất lớn trong việc tu tập và giữ giới.

Luận văn dạy rất tóm tắt: "Khi thấy hình sắc, nghe âm thanh, ngữi mùi, nếm vị, va chạm đến vật, nghĩ tới pháp (= sự vật), mà chẳng để vướng mắc phiền não và thọ trì chẳng vi phạm, đó là biết giữ gìn các căn theo đúng giới uy nghi..."

Hiểu rõ lời dạy nầy là đã hiểu việc thủ hộ các căn, tức là giữ gìn các căn sao cho đúng uy nghi, là khi các căn (= giác quan) tiếp xúc với cảnh vật bên ngoài và ý tưởng về sự vật (= pháp) bên trong tâm, thì tâm chẳng để cho bị vướng mắc vào các phiền não, (tức là tâm chẳng khởi lên thương, thích hay giận, ghét liên quan đến đối tượng) và thọ trì chẳng vi phạm (tức là, có hành động đúng theo giới, nghiã là thấy sắc đẹp chẳng chạy theo, nghe lời khen chẳng nở mũi, nghe lời chê chẳng xụ mặt, v.v.). Việc thủ hộ các căn như thế, cũng chẳng quá khó, điều thật khó là phải thường xuyên thủ hộ các căn, chẳng có lúc nào lơ là cả, thì mới tránh được sự vi phạm giới. Trọn cuộc đời tu hành, có lẽ việc thủ hộ các căn là việc cần chăm chỉ làm, làm hoài hoài, chưa thấy bao giờ là làm xong cả.

Luận văn dạy tám hành động để thủ hộ các căn:

1) trừ các ác tướng khởi lên nơi các căn: ác tướng là hình tướng thô xấu, nguy hại của sự vật đang ở trước các căn;
2) đối trị việc
chẳng tác ý: nghiã là gặp việc thì ứng phó điềm tỉnh mà chẳng khởi ý lên chê, khen, thương, giận...
3) chẳng tạm ngưng nghỉ như cứu lửa cháy đầu: lúc nào cũng kềm giữ các căn, cấp thiết và cẩn mật như việc chữa lửa đang cháy bừng bừng trên đầu.
4) qua sự
tiết chế: tiết chế là giữ cho thật đúng mức; tức là chẳng vì thấy đẹp mà dòm lom lom, chẳng vì nghe lời nhạc lã lướt mà nhún nhẩy theo, v.v.
5) điều phục ác tâm: ác tâm là lòng xấu; điều phục chỗ xấu bụng bằng cách chẳng cho ý ác khởi lên trong tâm.
6) đắc định tâm tự tại: tức là thường giữ tâm an định, chớ có buông lơi tâm rong chạy rồi thành ra lơ là việc giữ giới.
7) tránh xa người chẳng biết giữ gìn các căn.
8)
sống gần người biết giữ gìn các căn.

Tám điều tỉ mỉ trên đây, nếu biết làm theo, thì đủ sức để thủ hộ các căn giữ được giới cho thanh tịnh. Nhưng, có kẻ nói, nếu lúc nào cũng như thế, hoá ra có mắt chẳng dám nhìn, có tai chẳng dám nghe, nào có khác chi người mù, kẻ điếc. Không phải vậy đâu! Cứ thấy, cứ nghe, nhưng phải giữ lòng dửng dưng trước cảnh vật, giữ làm sao cho hình sắc, âm thanh nếu có len vào tâm thì cũng chẳng khuấy động nổi được tâm. Nói là đóng cửa các căn cũng chỉ có nghiã là khép bớt cửa tâm lại, đừng để cho tâm xao xuyến vì cảnh vật, rồi sanh ra hành vi phạm giới. Chỉ có thế thôi!

Xin kể một câu chuyện vui trong Truyện cổ Phật giáo. Có một cô lái đò trẻ đẹp đưa khách sang sông. Một tu sĩ đang ngồi cùng khách sang đò. Đến bờ, mỗi người trả một tiền; cô lái đò đòi vị tu sĩ phải trả hai tiền. Hỏi tại sao, cô mỉm cười đáp: "Một tiền trả công đưa đò, còn một tiền để mua cái nhìn gái đẹp đưa đò!" Hôm sau, vị tu sĩ ngồi đò, lấy tay áo che mặt lại. Sang bờ, cô lái đòi bốn tiền. Hỏi tại sao, cô đáp: "Hôm qua thầy nhìn bằng mắt thịt tính một tiền, hôm nay thầy nhìn bằng mắt tâm, nên phải tính ba tiền!"

Xin ghi nhớ về thủ hộ các căn: Thọ trì giới là phải Giữ gìn các Căn thường xuyên.

5) "Sợ cả các lỗi nhỏ" trong khi giữ Giới, được nói đến ở giữa trang 16, cuối trang 18 và đầu trang 19 Luận văn, khi nhắc đến lời Đức Phật giảng cho các Tỳ-kheo thế nào là giới uy nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, đã giải thích rõ ràng và cặn kẽ lời Phật dạy, xin khỏi bàn thêm. Chỉ suy gẫm về thái độ thường tình của người đời đối với lỗi nhỏ gọi là "chuyện nhỏ nhặt".

"À! Có chút xiú mà, ăn nhằm gì đến giới!", người dễ dãi với chính mình thường tự nghĩ như thế, rồi lặng lẽ hái quả ớt bên nhà láng diềng, chẳng có lời hỏi xin. Đó là đang phạm giới trộm cắp, dầu là ăn cắp "trái ớt có chút xiú". Thử nghĩ, quen tay hái trộm như thế, thì đến khi thấy buồng chuối già chín ở sau vườn kẻ khác, đâu còn ngần ngại gì chẳng đốn để đem vào... cúng chùa. Cúng như thế, ai mà chứng cho! Các sự vi phạm nhỏ đó tích lũy lâu ngày trở thành tội lớn khiến cho giới thể bị hoen ố, chẳng được thanh tịnh.

Ngược lại, các điều lành nhỏ, xin đừng coi thường, cũng đừng chê nhỏ nhặt mà chẳng thèm làm. Các điều lành nhỏ, quen làm, tạo nên tập quán tốt: siêng làm việc thiện, tích trữ lâu ngày, trở nên phước đức lớn.

Vì lẽ đó, xin nhắc lại lời khuyên của ông bà mình:

Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm,
Chớ chê việc lành nhỏ mà chẳng làm.

Việc nhỏ còn biết để ý đến thì tới khi gặp việc lớn, mới đủ bình tỉnh, đủ thiện chí, đủ hăng hái, mà có hành động đúng theo giới luật.

6) "Phẩm 2: Phân biệt về Giới" khá dài, những đoạn ở cuối Phẩm bàn đến các tế hạnh của các bực đã xuất gia, như khi sống ở chùa, như khi đi khất thực. Người cư sĩ tu tại gia cũng nên đọc qua cho biết, biết để cố gắng học noi theo thái độ an nhiên, thanh thản, phảng phất trên dáng điệu từ tốn, thoang thoảng trong lời nói dịu hiền, thướt tha trong bước đi trầm lặng của ngưòi tu sĩ. Thái độ đó, dáng điệu đó, lời nói đó, bước đi đó tỏa ra từ bực chơn tu đã giữ vẹn giới thanh tịnh.

Xin nói thêm một chút nữa, trước khi chấm dứt việc tìm hiểu về Phẩm 2 nầy. Trong khi tập ngồi Thiền, nếu còn chưa đắc được Định, dầu là trong một giây phút, xin hãy tự xét mình, xét xem mình có bớt được chút nào các ham muốn hay chưa. Nếu chưa, thì khó vào Định lắm, vì cấp Sơ thiền, chính do sự ly dục (= lià xa các ham muốn) mà sanh ra Định.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục
Phần Chánh văn: 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08.1 | 08.2 | 08.3 | 08.4 | 08.5 | 09 | 10 | 11 | 12
Phần tìm hiểu: 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08.1 | 08.2 | 08.3 | 08.4 | 08.5 | 09 | 10 | 11 | 12 | Tổng kết

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 16-01-2004