BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Củ sen và Hoa sen
(Số 392, Tiền thân Bhisapuppha)


"Ngài không được phép ngửi hương hoa..."

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kì viên về một Tì kheo. Chuyện kể rằng vị tì kheo ấy đã rời kì viên và trú ở quốc độ Kosala gần một khu rừng. Một hôm, vị ấy xuống hồ sen, khi thấy một hoa sen, vị ấy đứng tránh gió và ngửi mùi hương sen. Vị nữ thần trong khu rừng ấy đe doạ vị ấy:

-Này tôn giả, ngài ngửi trộm hương, đây là một hình thức trộm cắp.

Vị Tỉ khoe ấy hoảng sợ trở về Kì viên, đến đảnh lễ Bậc Đạo Sư và ngồi xuống một bên.

-Này Tì kheo, lâu nay ông ở đâu?

-Bạch Thế Tôn, con ở trong rừng nọ và vị nữ thần đe doạ con như vậy.

Bậc Đạo Sư bảo:

-Ông không phải là người đầu tiên bị nữ thần đe doạ khi ngửi hương hoa. Các bậc trí ngày xưa cũng từng bị đe doạ như vậy. Và theo lời thỉnh cầu của vị Tì kheo ấy, Ngài kể lại câu chuyện quá khứ.

Ngày xưa, khi Vua Brahmadat ta trị vì ở Banares (Ba la nại), Bồ tát thọ sanh vào một gia đình Bàlamôn Kàsi. Khi lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Takkhasi là và sau đó trở thành nhà khổ hạnh sống gần một ao sen. Một hôm ngài bước xuống ao và đứng ngửi một đoá hoa đang nở, một nữ thần ở trong một hốc cây gần đó ngâm vần kệ đầu đe doạ Ngài:

1. Ngài không được phép ngửi hương hoa,
Dù chỉ một hoa mới nở ra,
Đó thật là hình thức đạo tặc,
Sa môn, ngài trộm ngửi hương hoa.

Bồ tát liền ngâm vần thi kệ thứ hai:

2. Ta chẳng hái, không bẻ gãy hoa,
Mùi hương ta ngửi tự đằng xa,
Ta không thể bảo nào duyên cớ
Nàng nói ta đang ngửi trộm hoa.

Cùng lúc ấy, có một người đang đào bới ngó sen và củ sen, làm gãy nát thân cây sen. Bồ tát thấy thế, liền nói:

-Nàng gọi một người ngửi mùi hương từ đằng xa là ăn trộm. Sao nàng không nói vậy với người kia đi.

Thế là Ngài ngâm vần thi kệ thứ ba để nói chuyện này:

3. Kẻ nọ đang đào bới củ sen,
Phá thân cây gãy, đó nhìn xem,
Sao nàng không bảo cách hành động
Kẻ ấy là bừa bãi, thấp hèn?

Nữ thần liền ngâm vần kệ thứ tư và thứ năm giải thích tại sao nàng không nói với kẻ kia:

4. Những người phóng túng , sống buông lơi,
Như áo vú em, sống chán rồi,
Ta chẳng nói năng gì kẻ ấy,
Song ta chiếu cố nói ngài thôi.

5. Khi bỏ tham dục của thế nhân,
Và đi tìm chánh định thân tâm,
Tội dù chỉ nhỏ như đầu tóc
Chẳng khác trên trời đám hắc vân!

Nghe nữ thần cảnh báo như vậy, Bồ tát xúc động ngâm vần kệ thứ sáu:

6. Hiển nhiên nữ thần hiểu tinh tường,
Nên với ta, nàng đã đoái thương,
Nếu thấy ta rày còn tái phạm,
Xin nàng nói nữa, khẩn cầu nàng.

Sau đó, nữ thần ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Ta chẳng sống đây phụng sự ngài,
Chúng ta không ở mướn cho ai,
Xin ngài tự kiếm đường đi tới
Hạnh phúc tối cao giữa cõi đời.

Khích lệ ngài như thế xong, nữ thần trở về nơi cư trú của nàng. Còn Bồ tát nhiệt tâm nhập đại định về sau tái sinh lên Phạm thiên giới.

*

Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Thánh đế và nhận diện tiền thân: lúc kết thúc các thánh đế, vị Tì kheo đã được an trú vào sơ quả (Dự lưu). Thời ấy nữ thần là Uppalavanna (Liên hoa sắc) và nhà khổ hạnh chính là Ta vậy.

-ooOoo-

Nhận xét:

Đây là một chuyện tiền thân liên hệ đến lời dạy của Đức Phật về cách giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi hành động của một vị Tì kheo.

Đức Phật luôn dạy chúng tăng giữ chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi và tránh các cử chỉ buông lung phóng dật của người đời để có thể đạt được phong cách và ý tứ trang nghiêm của bậc chân tu.

Nhân dịp một vị Tì kheo trẻ ngửi một hoa sen bên hồ, một nữ thần đã xuất hiện và nhắc nhở vị ấy đừng ngửi trộm hoa như vậy mà không xin phép ai.

Vị ấy liền trình Đức Phật và được ngài dạy rằng ngày xưa khi ngài còn là Bồ tát tu tập trong rừng, ngài cũng được một nữ thần cảnh báo về hành vi tương tự.

Thuở ấy, Bồ tát đã so sánh hành vi của mình với hành vi của người đang bẻ ngó sen và củ sen một cánh bừa bãi, rồi hỏi tại sao nữ thần không nhắc nhở kẻ ấy. Nữ thần giải thích: Đối với những kẻ phàm tục chưa nghe chánh pháp và còn tham đắm mọi dục lạc ở đời thì nàng không muốn nhắc nhở vì họ đã từng phạm nhiều lỗi lầm khác có thể còn to lớn hơn nhiều, nên dù được nhắc nhở cũng vô ích.

Còn đối với chư Tì kheo đã phát nguyện xuất gia, bỏ lại đằng sau mọi dục lạc của thế gian thì phải luôn cẩn trọng trong mọi cử chỉ hành động để có thể sông đời sống phạm hạnh "hoàn toàn thanh tịnh và trắng bạch như vỏ ốc" theo đúng lời Phật dạy mới có thể tinh cần tiến lên cao trên con đường giải thoát giác ngộ.Vì thế chư vị ấy cần thấy rõ sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt để tránh phạm những lỗi lớn lao có thể cản trở bước đường tu thân của mình.

Tuy nhiên, lời cảnh báo ấy chỉ được đưa ra một lần và sau đó vị ấy phải tự giác chế ngự bản thân chứ không ai nhắc nhở mãi; vì việc xuất gia tu hành là ý nguyện riêng của từng người. Vì vậy, nếu vị ấy muốn đạt hạnh phúc tối cao thì phải tự mình thường xuyên hộ phòng tam nghiệp thân, khẩu và ý thanh tịnh.

Bài kinh này được xếp vào bộ Tương Ưng trong phẩm Chư Thiên. Ở đây, bài kinh được chư vị kết tập kinh điển chế tác thành một chuyện tiền thân theo thể văn xuôi xen kẻ thi kệ vấn đáp để tăng thêm phần thú vị cho người học đạo. Vị nữ thần ở đây chính là tiền thân của Tì kheo ni Uppalavannà (Liên hoa sắc), một trong hai vị nữ đại đệ tử của giáo hội Tì kheo ni đã được đức phật ban danh hiệu nữ đệ tử thần thông đệ nhất bên cạnh Tì kheo ni Khemà (Thái hoà) - trí tuệ đệ nhất. đồng đẳng với hai tì kheo Sariputta (Xá lợi phất) và Moggallàna (Mục kiền liên), trí tuệ đệ nhất và thần thông đệ nhất trong giáo hội tì kheo tăng.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 66, 09-2001)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 24-09-2002