BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Đại Anh Vũ
(429. Tiền thân Mahàsuka)


"Bất cứ khi nào cây trái sinh"

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ kheo.

Chuyện kể rằng vị ấy sống trong rừng gần một làng biên địa ở Kosala và nhận được lời giáo huấn từ bậc Đạo Sư theo các đề tài Thiền quán. Dân chúng làm cho vị ấy một an thất trong một nơi họ thường lui tới, cung cấp nơi cư trú cả ngày lẫn đêm và phụng sự vị ấy rất tận tâm chu đáo. Ngay tháng đầu tiên vị ấy an cư mùa mưa, làng ấy bị đốt sạch và dân chúng không còn một hạt thóc nên không thể cúng dường thực phẩm thơm ngon vào bình bát vị ấy, cho nên mặc dù vị ấy ở trong một nơi thoải mái, vị ấy lại buồn khổ vì thiếu thực phẩm đến độ không thể nhập vào Thánh Đạo hay Thánh Quả được.

Vì vậy khi hết ba tháng mưa, vị ấy đến yết kiến bậc Đạo Sư, sau những lời ân cần chào hỏi, bậc Đạo Sư bày tỏ hy vọng lạ mặc dù khó khăn về thực phẩm cúng dường, vị ấy cũng có được một nơi an trú dễ chịu. Vị Tỷ kheo trình Ngài về tình hình đã diễn tiến ra sao. Khi nghe vị ấy có được một trú xứ an lạc, bậc Đạo Sư bảo:

- Này Tỷ kheo, nếu sự tình là như vậy, một vị tu khổ hạnh nên dẹp bỏ các thói tham đắm, và tri túc với những thức ăn gì mình nhận được để hoàn thành phận sự của người xuất gia. Các bậc trí ngày xưa khi được sinh vào loài súc vật, dù chỉ sống bằng bụi bặm trong cây hư mục mà mình cư trú, cũng đã bỏ mọi tham dục, tự biết sống đủ để ở lại nơi kia và hoàn thành đạo lý về ân tình. Thế thì tại sao ông lại bỏ một nơi cư trú đầy an lạc chỉ vì thức ăn nhận được quá ít ỏi thô sơ? Và theo lời thỉnh cầu của vị này, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

* * *

Ngày xưa có vô số chim anh vũ (két) sống ở vùng Tuyết Sơn trên bờ sông Hằng trong một rừng sung. Vua anh vũ ấy gặp lúc trái trên cây mình cư trú đã hết mùa, phải ăn bất cứ cái gì còn sót lại, dù là mầm, lá, vỏ cây hoặc giác cây và uống nước sông Hằng, vẫn thấy an lạc và tri túc nơi mình sống.

Do tâm trạng an lạc tri túc này, chiếc ngai của Sakka Thiên chủ rung động. Sakka tìm hiểu nguyên nhân và thấy anh vũ này, rồi muốn thử thách công hạnh của chim, ngài dùng thần lực làm cho cây héo tàn, trở thành một khúc thân cây mục đầy lỗ hổng đứng trơ vơ bị mưa gió vùi dập, và bụi bặm bay ra từ các lỗ ấy!

Anh vũ chúa vẫn ăn bụi cây và uống nước sông Hằng, không đi đâu khác và vẫn đậu trên ngọn cây, chẳng quan tâm gì đến nắng gió.

Sakka Thiên chủ nhận thấy anh vũ sống rất tri túc, liền tự bảo: "Sau khi nghe chim nói về đức tính của tình bằng hữu, ta sẽ đến ban cho chim một đặc ân và làm phép để cây sung sinh trái bất tử".

Vì thế Ngài giả dạng một thiên nga cùng với hoàng hậu của ngài là Suja (1) đi trước, biến hình thành một nữ thần Asura (A tu la). Ngài đến rừng sung kia, đậu trên một khóm cây gần đó và ngâm vần kệ bắt đầu đàm thoại với anh vũ:

1. Bất cứ khi nào cây trái sinh,
Bầy chim đói lại đến đầy cành,
Song khi cây đã thành khô héo,
Lập tức bầy chim bỏ chạy nhanh.

Sau lời này, ngài lại ngâm vần kệ thúc giục chim đi chỗ khác:

2. Này ông Mỏ đỏ, hãy đi mau
Ông vẫn ngồi mơ mộng, cớ sao?
Hãy nói ta nghe, xuân điểu hỡi,
Sao ông bám khúc gỗ khô nào?

Chim anh vũ đáp:

- Này thiên nga, do ân nghĩa, ta không rời bỏ cây này.

Rồi chim ngâm hai vần kệ:

3. Những ai thân thiết tự ngày xuân,
Biết rõ mọi điều thiện, chánh chân,
Dầu sống, chết hay khi khổ lạc,
Đều không hề bỏ mặc thân bằng.

4. Ta muốn ân cần, giữ thiện tâm
Với cây kết bạn đã lâu năm,
Ta mong sống, dẫu lòng không nỡ
Rời bỏ cây khô đã chết dần.

Sakka nghe chim nói, rất hoan hỷ, vừa ca ngợi chim vừa muốn ban chim một điều ước, liền ngâm hai vần kệ:

5-6. Ta biết chim giao hữu thật tình,
Trí nhân chắc chắn phải hoan nghênh,
Ta ban chim thứ gì mong muốn,
Anh vũ, ước cho thỏa ý mình.

Nghe vậy, anh vũ vương ngâm vần kệ thứ bảy nói lên điều ước:

7. Thiên nga, nếu bạn muốn ban ân,
Mong ước cho cây sống lại dần,
Lần nữa vươn lên sức mạnh cũ,
Quả ngon tươi mát mọc đầy thân.

Rồi Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tám ban đặc ân này:

8. Bạn nhìn! Cây quý quả sai đầy,
Thích hợp cho chim ở chốn này,
Lần nữa vươn lên sức mạnh cũ,
Quả lành ngon ngọt mát tươi thay!

Cùng với các lời này, Sakka bỏ lốt ngỗng, thị hiện phép thần thông cùng hoàng hậu Sujà, lấy tay múc nước sông Hằng rảy vào thân cây sung. Lập tức cây mọc lên cành lá xum xuê, đầy trái ngọt như mật, tạo thành một cảnh tượng kỳ diệu như đỉnh núi Ngọc Bích lồ lộ.

Anh vũ thấy vậy, vô cùng hoan hỷ ngâm vần kệ thứ chín tán thán Thiên chủ Sakka:

9. Ước mong Thiên chủ, mọi Thiên thần,
Đều hưởng thọ tràn ngập phước ân,
Hạnh phúc như chim đang thọ hưởng
Khi nhìn cảnh tượng đẹp huy hoàng.

Sau khi ban điều ước cho anh vũ, và làm phép để cây sung mọc trái bất tử, ngài cùng hoàng hậu Sujà trở về cõi của ngài.

* * *

Để minh họa chuyện này, các vần kệ phát xuất từ trí tuệ Tối thắng của Đức Phật được thêm vào đoạn cuối:

10. Ngay khi anh vũ chúa cầu mong,
Lần nữa cây kia trổ trái dần,
Đế Thích cùng bà hoàng biến mất
Về vườn Thiên lạc (2) cõi Thiên thần.

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư bảo:

- Như vậy, này Tỷ kheo, các bậc trí ngày xưa dù sanh làm súc vật cũng dứt bỏ tham ái. Thế tại sao nay ông đã được thọ giới vào Giáo pháp tối thượng này, lại còn theo các thói tham lam? Hãy về ở lại chỗ ấy.

Và Ngài trao cho vị này một đề tài Thiền quán, rồi nhận diện Tiền thân:

- Vị Tỳ kheo trở về và nhờ Thiền quán đã đắc Thánh quả - "Thời ấy Sakka là Anuruddha (A Na Luật Đà) và anh vũ chúa chính là Ta".


Nhận xét:

Thiểu dục tri túc là một trong những đức tính căn bản của đời Phạm hạnh mà Đức Phật luôn khuyến giáo các Tỷ kheo thực hạnh trên con đường đưa đến Giác ngộ giải thoát.

Nhân dịp một Tỷ kheo đến hầu thăm Đức Phật và trình bày mọi nỗi khó khăn của mình trong một trú xứ nọ, Đức Phật khuyên vị ấy nên kham nhẫn chịu đựng hoàn cảnh ở một nơi đầy ân tình của những người bạn lành đã hết lòng phục vụ vị ấy trước đây, cho dù về sau họ phải chịu thiếu thốn và gây trở ngại cho việc tu tập của vị ấy vì không có thực phẩm đủ để cúng dường như ý.

Đức Phật xem sự thiếu thốn vật chất là điều phụ, việc quan trọng là vị ấy phải tập tri túc với những gì có được để trọn ân tình với một nơi có nhiều người mộ đạo tín thành đã từng tạo điều kiện tốt cho vị ấy trước đây vừa tu tập bản thân vừa làm lợi lạc người khác.

Rồi Ngài kể một chuyện Tiền thân chứng minh hạnh thiểu dục của Ngài khi được sinh vào loài chim két. Ngài giữ trọn ân tình với cây sung đã từng nuôi sống cả đàn chim, nay cây bị hư hoại, Ngài vẫn không muốn rời nó, dù chỉ còn đôi chút gỗ mục, trong khi cả bầy chim đã bay đi kiếm ăn nơi khác.

Đức hạnh sáng ngời của chúa chim anh vũ làm rúng động chiếc ngai của Thiên chủ Sakka và Ngài muốn đi tìm hiểu lý do và khi nghe chim trình bạy đức tính cao thượng của sự tri túc và tình bằng hữu, Thiên chủ làm phép thần cho cây sung trở lại tươi tốt như chim mong ước.

Không những chỉ ở chuyện đời xưa, mà khi Đức Phật còn tại thế, Đức Phật vẫn đề xướng hạnh thiểu dục tri túc và Ngài đã có lần biểu lộ đức tính ấy đến cao độ trong thời Ngài an cư ở Veranôja và sự kiện này được ghi lại trong Luật tạng. Thuở ấy Ngài được vị Bà la môn ở Veranôja mời Ngài đến an cư tại trú xứ ấy. Nhưng vì mất mùa, vị ấy không thể cúng dường thực phẩm tốt lành như dự định. Đức Phật đã kham nhẫn ở lại đó suốt mùa an cư ba tháng và chỉ sống bằng cám xay để trọn ân tình với người bạn tốt gặp cơn hoạn nạn.

Trong kinh Thừa Tự Pháp (Trung Bộ), Đức Phật cũng dạy các vị Tỷ kheo nỗ lực trở thành những kẻ Thừa tự pháp chứ không thừa tự tài vật dù phải chịu đựng hoàn cảnh khó khăn. Và trong nhiều kinh khác, Đức Phật cũng khuyên các đệ tử chỉ ở lại những trú xứ nào thuận lợi cho việc tu tập bản thân dù phải thiếu thốn vật chất, và phải xa lánh ngay những trú xứ dồi dào phương tiện vật chất nhưng không thuận lợi cho việc tu hành thoát tục. Và đây chính là lời khuyến giáo đầy ích lợi thực tiễn cho các đệ tử Phật muốn tu tập Thánh đạo của Ngài trong mọi thời đại.

Ghi chú:

(1) Sujà: con gái của vua các thần Asura, được Thiên chủ Sakka giả dạng một Bà la môn cướp về cõi trời và phong làm chánh hậu, vì thế Sakka còn có biệt hiệu Sujampati: phu nhân của Sujà.

(2) Nandana: vườn Thiên lạc ở cõi trời Ba mươi ba của Sakka./.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 73, 04-2002)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 17-02-2003