BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Thái tử Yuvanjana
(460. Tiền thân Yuvànjana)


"Con xin đảnh lễ đấng Quân vương..."

Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Đại sự Xuất thế của Ngài. Một ngày kia, các Tỷ kheo tụ họp trong Chánh Pháp đường:

- Này Hiền hữu - một vị Tỷ kheo bảo vị kia - Đấng Thập Lực trước kia hẳn có thể sống tại gia, có thể làm một vị Chuyển luân Thánh vương ở giữa Đại thế giới đầy đủ báu vật, vinh quang với bốn Thần lực siêu phàm, được đám vương tưọ vây quanh hơn ngàn vị. Tuy thế, Ngài đã từ bỏ mọi cảnh vinh quang ấy khi Ngài nhận thấy mối nguy hiểm nằm trong tham dục. Nửa đêm, cùng với Xa Nặc (Channa), Ngài cỡi vương mã Kiền Trắc (Kanthaka) của Ngài và ra đi. Trên bờ sông Anomà, dòng sông vẻ vang ấy, Ngài từ giã thế tục và suốt sáu năm liền, Ngài sống khổ hạnh ép xác, sau đó Ngài tự tu tập và chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác.

Tăng chúng nói với nhau như vậy về công hạnh của Đức Phật. Bậc Đạo Sư bước vào hỏi:

- Này các Tỷ kheo, trong lúc ngồi đây, các ông đang nói về vấn đề gì?

Tăng chúng thưa với Ngài. Bậc Đạo sư bảo:

- Này các Tỷ kheo, đây không phải lần đầu tiên Như Lai làm Đại sự Xuất thế. Ngày xưa, Ngài đã từ bỏ ngai vàng ở vương quốc Ba La Nại rộng đến mười hai dặm.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

* * *

Một thuở nọ, có một vị vua mệnh danh là Sabbadatta cai trị thành Ramma. Kinh thành mà nay ta gọi là Ba La Nại đã được gọi là Surundhana trong Tiền thân Udaya (số 488) cũng là Sudassana trong Tiền thân Cullasutasoma (số 525) hay là Brahmavaddhana trong Tiền thân Sonandana (số 530), và lạ Pupphavati trong Tiền thân Khandahàla (số 542). Còn trong Tiền thân Yuvanjana này, nó lại có tên là thành Ramma. Như vậy tên đó thay đổi theo nhiều hoàn cảnh.

Thời ấy vua Sabbadatta có một ngàn vương tử, và ngài phong chức Phó vương cho thái tử Yuvanjana.

Một sáng sớm kia, thái tử ngự lên vương xa lộng lẫy của chàng trong quang cảnh cực kỳ uy nghi, chàng nhàn du trong vườn thượng uyển. Khắp các đỉnh cây, ngọn cỏ, đầu cành, trên các mạng nhện giăng tơ qua các đầu ngọn lau, chàng thấy các giọt sương lủng lẳng như vô số xâu chuỗi ngọc trai. Chàng hỏi:

- Này Hiền hữu quản xa, cái gì đây?

- Tâu Điện hạ, đây là chất lỏng rơi xuống trong mùa lạnh, mà người ta gọi là sương mai.

Thái tử tiếp tục du ngoạn vui chơi trong ngự viên trọn ngày hôm đó. Về chiều, khi chàng quay lại lối cũ, chàng không còn thấy hạt sương nào nữa. Chàng hỏi:

- Này Hiền hữu quản xa, những hạt sương đâu rồi? Nay ta không còn thấy chúng nữa.

Vị kia đáp:

- Tâu Điện hạ, khi mặt trời lên cao, sương tan hết và chìm xuống đất.

Nghe vậy thái tử thất vọng bảo:

- Đời người ta cũng được tạo thành chẳng khác gì các giọt sương mai trên ngọn cỏ. Ta cần phải thoát khỏi gánh nặng bức bách của bệnh tật, tuổi già và chết chóc. Ta phải từ giã song thân và rời thế tục.

Như vậy là do nhân duyên các giọt sương mai, chàng nhận thức ba cõi sinh hữu (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) như thể đang ở trong ngọn lửa cháy bừng. Khi chàng về cung, chàng vào yết kiến phụ vương trong Đại pháp đình nguy nga của ngài. Đảnh lễ vua cha xong, chàng đứng sang một bên và ngâm vần kệ đầu để xin phép vua cha được rời thế tục:

1. Con xin đảnh lễ đấng Quân vương,
Giữa ngự quan, bằng hữu, đại thần,
Hoàng thượng, con mong rời thế tục,
Xin hoàng thượng chẳng chối từ con.

Kế đó vua ngâm vần kệ thứ hai để khuyên can chàng:

2. Con có mơ gì, hỡi Dũ Vân,
Cha ban tròn vẹn mọi cầu mong,
Nếu ai làm hại, cha che chở,
Con nhớ làm tu sĩ ẩn thân.

Nghe thế, thái tử ngâm vần kệ thứ ba:

3. Chẳng có ai làm hại đến con,
Ước mơ con đạt được vuông tròn,
Song con muốn kiếm nơi an trú
Mà tuổi già không phá mỏi mòn.

Bậc Đạo sư ngâm nửa vần kệ để giải thích vấn đề này:

4. Thái tử tâu vầy với phụ vương,
Vua cha liền phán bảo cùng con,

Nửa khúc sau do đức vua ngâm:

Đừng rời thế tục, này vương tử,
Dân chúng kinh thành thảy khóc thương.

Vương tử lại đáp vần kệ này:

5. Đại đế, đừng làm trẻ phải xa
Cuộc đời không tục lụy phù hoa,
Con e say đắm nhiều tham dục
Sẽ hóa mồi ngon của tuổi già.

Khi nghe nói điều này, vua cha phân vân do dự. Sau đó, mẫu hậu được tin:

- Tâu lệnh bà, thái tử đang xin phép hoàng thượng để xuất gia.

Bà hỏi:

- Ngươi nói gì thế?

Tin ấy khiến bà ngạt thở, liền ngự vào chiếc kiệu bằng vàng, bà bảo đi nhanh đến Đại Pháp đường và ngâm vần kệ thứ sáu:

6. Mẹ van con đó, hỡi con thân,
Và mẹ mong con phải ở gần,
Mẹ muốn gặp con hoài, thái tử,
Con đừng rời bỏ chốn phàm trần.

Khi nghe vậy, thái tử ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Như đầu ngọn cỏ, đọng hơi sương,
Khi mặt trời lên rực ánh dương,
Cũng vậy là đời người thế tục,
Xin đừng cản bước, mẹ hiền thương.

Chàng nói vậy xong, bà vẫn van xin chàng mãi, với mục đích ngăn cản chàng. Sau đó, bậc Đại sĩ tâu với vua cha vần kệ thứ tám:

8. Bảo người khiêng kiệu, hãy cùng nâng!
Đừng để mẹ già cứ cản ngăn,
Con trẻ muốn đi vào Thánh đạo,
Xa đời sinh diệt
(1), tấu Minh quân!

Khi vua cha nghe con nói, ngài phán:

- Này ái hậu, hãy lên kiệu về cung Thường Lạc của ta mà an nghỉ.

Trước lệnh của vua, đôi chân vương hậu quỵ xuống, rồi bà được đám cung nữ vây quanh dìu bà ra về. Khi bước vào hậu cung, đứng nhìn về phía Đại Pháp đường, bà băn khoăn hỏi tin tức con mình. Sau khi mẫu hậu đi rồi, Bồ tát lại xin phép vua cha lần nữa. Vua không thể từ chối chàng được, liền phán:

- Này thái tử thân yêu, cứ làm theo ý nguyện của con và từ bỏ thế tục.

Khi vừa nghe vua chấp thuận điều này, tiểu hoàng đệ của Bồ tát là vương tử Yudhitthila, đến đảnh lễ vua cha, và cũng xin phép theo đời xuất gia như thế, vua liền bằng lòng ngay.

Cả hai vị vương tử từ biệt vua cha và giờ đây, sau khi từ bỏ mọi dục lạc thế gian, hai vị ra đi từ Đại Pháp đường giữa đại chúng. Chánh hậu nhìn theo bậc Đại sĩ và than khóc:

- Thái tử đã từ giã thế tục, kinh thành Ramma này sẽ trống rỗng.

9. Nhanh lên, cầu hạnh phúc, con ôi!
Ta chắc Ram-ma trống vắng thôi,
Đại đế Sab-ba vừa chấp thuận
Dũ-vân thái tử xuất gia rồi.

10. Thái tử, đại huynh giữa cả ngàn,
Hoàng nhi trông dáng thật như vàng,
Từ đây vương tử oai hùng đã
Đắp chiếc y vàng bỏ thế gian.

Bồ tát không đi ngay lên đường tu hành. Không, trước tiên ngài đến từ biệt song thân, rồi cùng với tiểu đệ là vương tử Yudhitthila, ngài rời kinh thành và bảo đám đại chúng đang theo sau hai vị phải quay về, còn hai vị tiến lên vùng Tuyết Sơn. Tại đó, hai vị dựng lên một thảo am ở một chốn đầy an lạc và hành trì cuộc đời của bậc hiền nhân thanh tịnh tu tập thiền định hướng thượng. Hai vị sống suốt đời bằng các củ, quả rừng rồi được sinh lên cõi Phạm Thiên.

Vấn đề này được giải thích qua vần kệ cuối cùng phát xuất từ trí tuệ Tối thắng của Đức Phật:

11. Vương tử Dũ-thi với Dũ-vân
Sống đời thanh tịnh của hiền nhân,
Giã từ vương phụ và vương mẫu,
Chặt đứt làm đôi xích Tử thần
(2).

* * *

Khi Bậc Đạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:

- Này các Tỷ kheo, đây không phải lần đầu Như Lai từ bỏ vương quốc để đi theo đời tu hành, mà ngày xưa cũng đã làm như thế.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thuở ấy, song thân trong hoàng tộc ngày nay là vương phụ và mẫu hậu, Ànanda là tiểu đệ Yudhitthila và thái tử Yuvanjana chính là Ta.


Nhận xét:

Đại sự Xuất thế là đề tài quan trọng nhất của bộ chuyện Tiền thân Đức Phật.

Bồ tát, tiền thân Đức Phật, có thể ra đi từ hoàn cảnh cao sang của vua chúa, Bà la môn đại phú, hay tiện dân nghèo hèn. Ta đã từng đọc nhiều tiền thân trong ấy Bồ tát xuất thân từ hoàng gia và rời cung điện để tu hành như chuyện vua Susimà ra đi nhân thấy sợi tóc bạc đầu tiên xuất hiện.

Trong tiền thân này, thái tử Yuvanjana đang độ hoa niên tràn đày sức sống và hy vọng về một tương lai huy hoàng trên ngôi vua giữa cả ngàn vương tử khác. Nhân một chuyến du ngoạn từ sáng sớm, thái tử nhìn thấy các hạt sương mai giăng mắc trên cây cỏ, nhưng về chiều chúng đều biến mất. Chàng thất vọng và ví đời người sinh diệt như những giọt sương kia. Rồi chàng quyết định đi tìm đạo thoát ly sinh tử. Từ đó chàng thấy cả ba cõi thế giới như đang bị thiêu đốt trong lửa cháy bừng, thúc giục chàng nhanh chân lên đường. Chàng liền đi tìm gặp phụ vương và mẫu hậu để trình bày lý do xuất gia của mình và thuyết phục hai vị đồng ý cho phép chàng toại nguyện.

Nhận thức cuộc đời như giọt sương mai và ba cõi thế gian đang bị thiêu đốt trong lửa là quan niệm phát xuất từ ba Pháp ấn (vô thường, khổ và vô ngã) xuyên suốt toàn bộ giáo lý của Đức Phật.

Thế giới quan này được Đức Phật trình bày ngay trong bài kinh thứ ba về "lửa bốc cháy" được Ngài thuyết giảng sau ngày Thành đạo cho hội chúng của ba Tôn giả Kassapa (Ca Diếp) khiến cả ngàn vị đệ tử này vốn là các đạo sĩ thờ lửa đều đắc Thánh quả A la hán. Ta cũng thường gặp quan điểm nhìn đời như giọt sương và thế giới bị thiêu đốt bởi lửa tham, sân, si trong nhiều bài kệ Pháp Cuỏ.

Hơn nữa, quan niệm này cũng được nêu bật như những nét đặc sắc qua hai quyển kinh tiêu biểu của Phật giáo Đại thừa (Phát triển) là kinh Kim Cương và kinh Pháp Hoa. Như vậy ta có thể nhìn thấy quan điểm nhất quán về Ba pháp ấn của mọi sự hiện hữu trên thế gian trong các hệ thống giáo lý của đạo Phật từ xua đến nay.

Đặc biệt trong Tiền thân này, Bồ tát không xuất gia một mình, mà còn có tiểu đệ của Ngài là Yudhitthila, tiền thân của Tôn giả Ananda, người bạn đồng hành cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn trong cuộc sống bên Ngài qua vô lượng kiếp./.

Ghi chú:

(1) Đấng Thập Lực (Dasabala): một danh hiệu của Đức Phật vì Ngài có đủ mười thần thông lực.

(2) Tarati (lánh xa thành hoại diệt): lánh xa cuộc đời được ví như kinh thành của sự hoại diệt, Anh dịch là: Flee from the City of Destruction.

(3) Tu tập thiền định đưa đến giải thoát sinh tử, như chặt đứt làm đôi cái vòng luân hồi ràng buộc mọi loài chúng sinh vào ba cõi sinh hữu nói trên.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 74, 05-2002)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 17-02-2003