BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Cây Kim
(Số 387- Tiền thân Suci)


"Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay"…

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về sự thành tựu Tối thắng trí [1]. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Mahàummagga, số 546. Bậc Đạo Sư bảo chư Tăng: Này các Tỳ kheo, đây không phải lần đầu tiên Như Lai [2] trí tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo. Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta (Phạm Thọ) trị vì tại Benares (Ba La Nại), Bồ tát [3] được sinh ra ở quốc độ Kàsi (Ca Thi) trong nhà một thợ rèn và khi lớn lên, ngài rất tinh thông nghề này. Cha mẹ ngài rất nghèo. Không xa làng này có một làng khác gồm một ngàn nhà. Người trưởng nghiệp đoàn của cả ngàn thợ rèn này là người được vua ân sủng, giàu tiền của và thế lực. Con gái vị này cực kỳ diễm lệ, chẳng khác nào một thiên nữ, đầy đủ mọi hảo tướng cát tường của một mệnh phụ phu nhân. Nhiều người từ các làng chung quanh đến nhờ rèn dao kiếm, rìu búa, lưỡi cày, gậy nhọn… đều trông thấy nàng…

Khi họ trở về làng, họ ca tụng sắc đẹp của nàng ở những nơi có đàn ông tụ tập và nhiều nơi khác. Chỉ mới nghe nói về nàng thôi, Bồ tát đã cảm thấy say mê và nghĩ thầm: "Ta sẽ lấy nàng làm vợ". Vì thế, ngài lựa thứ sắt tốt nhất, làm một cây kim thật cứng và mảnh có thể đâm thủng con súc sắc và nổi trên nước. Rồi ngài làm một cái bao bọc ngoài nó cùng thứ sắt ấy và cũng đâm thủng con súc sắc với bao kim kia.

Theo cách ấy, ngài làm bảy cái bao kim, phương pháp ngài làm chúng ra sao không được tiết lộ, vì việc ấy thành tựu nhờ trí tuệ hiểu biết vĩ đại của ngài. Sau đó ngài đặt kim vào ống và để ống vào một cái hộp, ngài đi vào làng kia, hỏi đường đến nhà người trưởng phường thợ rèn. Rồi đứng tại cửa nhà ấy, ngài hỏi:

-- Ai muốn mua cây kim loại đặc biệt này của tôi đổi lấy tiền chăng?

Và vừa đứng cạnh nhà ông trưởng phường thợ rèn, ngài ngâm vần kệ đầu tiên miêu tả cây kim:

1. Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay
Được bôi lóng nhoáng bột mài xanh xanh,
Đầu kim sắc nhọn, thanh thanh,
Kim đây, ai muốn mua mình bán cho?

Sau đó ngài lại ca tụng cây kim lần nữa qua vần kệ thứ hai:

2. Xâu nhanh, vững mạnh, thẳng ngay,
Thân kim khéo luyện tròn đầy đẹp sao!
Sắt kia cũng sẽ xuyên vào.
Kim đây! Ai muốn mua nào ai ơi!

Lúc ấy cô gái đang quạt cho cha bằng chiếc quạt lá thốt nốt trong lúc ông nằm trên chõng tre để được thoải mái sau buổi điểm tâm. Khi nghe giọng ngọt ngào của Bồ tát, nàng đã cảm thấy buồn nôn như thể nuốt một miếng thịt sống, và phải làm cho sự khó chịu ấy tan biến bằng cả ngàn ấm nước, nàng bảo:

-- Người nào đây lại có thể rao bán kim với giọng ngọt ngào như thế trong một làng thợ rèn? Người ấy đến đây vì việc gì? Ta phải tìm xem sự việc ra sao.

Vì thế, nàng đặt cây quạt xuống và bước ra nói chuyện với ngài bên ngoài, đứng ở hành lang. Mục đích của chư Bồ tát luôn đạt thành tựu: chính vì nàng mà ngài đã đến ngôi làng này. Nàng bảo ngài:

-- Này cậu, dân chúng trong nước đều đến làng này mua kim và các vật dụng tương tự. Còn cậu lại muốn bán kim trong làng thợ rèn thật là điên rồ! Dù cậu có ca tụng kim của cậu suốt ngày, cũng không ai mua hàng của cậu đâu! Nếu cậu muốn được giá thì qua làng khác. Thế rồi nàng ngâm hai vần kệ:

3. Móc câu ta đã bán rồi,
Làng trên xóm dưới ai người chẳng hay,
Thợ rèn ta ở thành này,
Còn ai bán được kim may nữa à?

4. Nghề rèn nổi tiếng chúng ta,
Việc làm khí cụ ai mà sánh ngang?
Thợ rèn ta ở trong làng,
Ai còn đem bán kim mang tới mình?

Bồ tát nghe lời nàng, vội đáp:

-- Thưa cô nương, cô nói vậy là do không hiểu biết gì cả đó.

Rồi ngài ngâm hai vần kệ tiếp theo:

5. Thợ rèn ở cả trong thành,
Nhưng người tài bán kim mình mới hay!
Tổ sư nghề sẵn trong tay,
Món hàng đệ nhất mua ngay kẻo hoài!

6. Một khi nghiêm phụ biết rồi
Cây kim này đã do tôi tự làm,
Tôn ông chắc chắn sẽ ban
Gia tài sản nghiệp cùng nàng cho tôi.

Người trưởng phường rèn nghe toàn thể câu chuyện, bèn gọi con gái vào hỏi:

-- Con đang nói chuyện với ai đó?

-- Thưa cha, một cậu trai bán kim.

-- Thế cho gọi cậu ấy vào đây.

Nàng ra gọi ngài vào. Bố tát cung kính chào vị trưởng phường rèn xong, đứng sang một bên. Vị ấy hỏi:

-- Cậu ở làng nào?

-- Thưa tôn ông, tôi ở làng nọ, là con trai gia đình thợ rèn kia.

-- Tại sao cậu đến đây?

-- Thưa, để bán kim.

-- Nào, đưa ta xem thử kim của cậu.

Bồ tát mong muốn công bố mọi đặc tính của ngài giữa nhiều người, bèn nói:

-- Một vật được nhiều người xem lại chẳng tốt hơn chỉ được một người xem hay sao?

-- Này anh bạn, đúng lắm.

Vì thế, vị phường trưởng tập họp tất cả thợ rèn lại, và đứng giữa đám đông, ông bảo:

-- Nào anh bạn, hãy lấy kim ra đây.

-- Thưa tôn ông, xin hãy bảo lấy một cái đe và một cái đĩa bằng đồng đựng đầy nước ra đây.

Việc ấy được thực hiện ngay. Bồ tát lấy cây kim ra khỏi hộp đưa cho đám kia xem. Ông trưởng phường rèn cầm lấy và hỏi:

-- Đây là cái kim chăng?

-- Không, đó không phải là cái kim, mà là cái cái bao.

Ông phường trưởng quan sát kỹ cũng không thấy đầu duôi gì cả. Bồ tát lấy lại, dùng móng tay rút cái bao ra và chỉ cho mọi người:

-- Đây là cây kim, đây là cái bao.

Ngài đặt cây kim trong tay ông phường trưởng và cái bao dưới chân. Ông phường trưởng lại bảo:

-- Ta chắc đây là cây kim rồi.

Ngài đáp:

-- Đây cũng chỉ là cái bao kim.

Rồi ngài lấy móc tay đánh bật nó ra và cứ thế ngài đặt sáu cái bao liên tiếp dưới chân vị phường trưởng và nói:

-- Đây là cây kim, và đặt kim vào tay vị kia.

Cả ngàn người thợ rèn búng ngón tay một cách thích thú và bắt đầu vẫy khăn tung hô. Sau đó vị trưởng phường hỏi:

-- Này anh bạn, thế cây kim này có sức mạnh thế nào?

-- Thưa tôn ông, hãy bảo một người lực lưỡng nâng nghiêng cái đe này lên và đặt chậu nước dưới cái đe. Sau đó đâm thẳng cây kim vào đe.

Vị ấy bảo làm đúng như vậy và đâm đầu nhọn của kim vào cái đe. Cây kim xuyên thủng cái đe và nằm ngang mặt nước không nhếch lên hay lệch xuống tí nào dù chỉ bằng một sợi tóc.

Mọi người thợ rèn đồng thanh bảo:

-- Chúng ta chưa từng bao giờ nghe, thậm chí qua lời đồn đại, rằng hiện có những người thợ rèn như thế này!

Như thế họ lại búng ngón tay và tung vẫy cả ngàn chiếc khăn.

Ông phường trưởng gọi cô con gái vào, và đứng giữa đám đông, ông bảo:

-- Đây là cô gái xứng đôi với cậu.

Ông liền rót nước giao kết trên tay hai vị và trao nàng cho ngài đem đi.

Về sau, khi vị trưởng phường qua đời, Bồ tát trở thành trưởng phường rèn trong làng ấy.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Thánh đế và nhận diện tiền thân: "Thời ấy, con gái người trưởng phường rèn là mẫu thân Ràhula [4], chàng thợ rèn thông minh chính là Ta vậy."

-ooOoo-

NHẬN XÉT:

Đây là truyện tiền thân rút ra từ tập III, chương 6 với sáu bài kệ.

Nhân một buổi họp tại Chánh pháp đường, chư Tăng ca ngợi trí tuệ viên mãn tối thượng của Đức Phật và trình đề tài ấy lên Ngài. Sau đó, theo lời yêu cầu của chư vị, Ngài kể chuyện quá khứ này để chứng minh trí tuệ đặc biệt phi thường của Ngài trong các đời trước.

Trong tiền thân ấy, Bồ tát chỉ là một người thợ rèn nghèo khó ở địa vị hèn kém trong xã hội, nhưng nhờ có trí thông minh khác người, ngài đã lập được một kỳ công là làm một cây kim có sức mạnh đặc biệt nằm trong sáu bao kim. Khi rút ra, cây kim có thể đâm thủng hòn đe và đứng thẳng trên mặt nước trước sự thán phục của mọi người thợ rèn, và sau đó Bồ tát được vị trưởng phường rèn gả cô con gái tuyệt sắc đã từng làm mọi chàng trai mơ ước, trong số đó có Bồ tát. Người con gái ấy chính là tiền thân của mẫu thân Tôn giả Ràhula, thường được gọi là công chúa Yasodharà (Da Du Đà La). Theo truyền thống kinh điển, khi bồ tát còn là vị đạo sĩ Sumedha được thọ ký thành Phật dưới chân Đức Phật Dìpankara (Nhiên Đăng), có một thiện nữ nhân đã phát nguyện làm bạn đời của Bồ tát qua vô lượng kiếp sinh tử luân hồi cho đến khi Ngài thành đạo Vô thượng Giác ngộ. Về sau, chính nàng cũng được cảm hóa vào đạo pháp của Ngài và chứng đắc Thánh quả A la hán.

Mối nhân duyên tốt đẹp phi thường giữa Bồ tát và mẫu thân Ràhula đã là một trong những đề tài chính của bộ truyện tiền thân và truyện này là một ví dụ chứng minh.

Nhân dịp đầu Xuân Tân Tỵ, tôi xin gửi đến chư vị đạo hữu một chuyện đời xưa, nêu rõ trí tuệ phi thường của Bồ tát tiền thân Đức Phật lồng trong một mối kỳ duyên giữa đôi trai tài gái sắc đầy nét thơ mộng lãng mạn, diễn tả một chàng trai si tình đã yêu say đắm dù chưa gặp mặt cô gái, đó là một đặc điểm rất phù hợp với tình người muôn thuở và đã đem lại niềm hỷ lạc nhẹ nhàng cho người học đạo qua mọi thời đại.

-ooOoo-

Ghi chú:

[1] Tối thắng trí: trí tuệ viên mãn tối thượng của Đức Phật sau khi Ngài thành đạo dưới cội bồ đề.

[2] Như Lai: (Tathagata): nguyên nghĩa: vị đến như vậy, tức là vị đã đạt chân lý. Đây là tiếng Đức Phật dùng để xưng mình.

[3] Bồ tát (Bodhisattva): nguyên nghĩa: vị hữu tình hướng đến giác ngộ giải thoát. Ở đây chỉ nhân vật tiền thân của Đứt Phật trong các đời trước cuủw Ngài, dù là thần tiên, người hay thú vật v.v…

[4] Mẫu thân Ràhula (Ràhulamàtà): tên gọi công chúa Yasodharà hay Bimbadevi trong kinh điển Pàli.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 59, 02-2001)

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 09-03-2003