BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Ác Hạnh
(Số 396. Tiền thân Kukku)


"Cái nóc nhà này cao thước rưỡi..."

Bậc Đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khuyến giáo một quốc vương. Hoàn cảnh này sẽ xuất hiện trong Tiền thân Tesakuna, số 521.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ tát là quốc sư về thế sự cũng như thánh sự. Vua ấy đi theo tà đạo, cai trị bất chánh và thâu góp tài sản bằng cách đàn áp dân chúng. Bồ tát muốn khuyến giáo vua, liền đi quanh quẩn tìm một ví dụ.

Bấy giờ, nội thất trong cung làm chưa xong, nên mái nhà trên ấy chưa hoàn chỉnh. Các cây rui chống đỡ nóc nhọn chỉ vừa mới được đặt vào đúng vị trí. Vua đã du ngoạn trong ngự viên, khi trở về cung, vua nhìn lên và thấy nóc nhà hình tròn, sợ nó sẽ rớt, vua bước ra đứng bên ngoài, rồi lại nhìn lên và suy nghĩ: "Làm thế nào nóc nhà này đứng yên như vậy? Các rui này ra sao?"

Vua liền ngâm vần kệ đầu hỏi Bồ tát:

1. Cái nóc nhà này cao thước rưỡi,
Tám cây kèo lớn đỡ quây quần
Bằng sim-sa với sà-ra [1] nữa,
Bởi vậy nóc nhà đứng vững chăng?

Nghe vậy, Bồ tát suy nghĩ: "Ta đã có được một ví dụ để khuyến giáo vua." Ngài liền ngâm các vần kệ sau:

2. Ba mươi rui nhỏ gỗ sà-ra
Được xếp đầu quanh dưới mái nhà,
Áp sát vào nhau nâng thật vững,
Cho nên nóc đứng thẳng ngay mà.

3. Vậy người có trí được quây quần
Với quốc sư hiền, bạn tận trung,
Sẽ chẳng sa cơ lúc mạt vận,
Như rui đỡ nóc mái thăng bằng.

Trong lúc Bồ tát đang nói, vua xem xét kỹ hành vi xử thế của mình: "Nếu không có nóc nhà thì các cây rui không đứng vững; nóc nhà cũng không đứng vững nếu không được các cây rui nâng đỡ. Nếu các cây rui gãy nhì nóc nhà sụp đổ. Cũng vậy, một vị vua ác hạnh không tập hợp các thân bằng, đại thần, quân đội, Bà la môn và gia chủ lại với nhau, và nếu đám quần thần tan rã, vua không được nâng đỡ sẽ mất hết quyền lực, vì thế vua phải sống công chính."

Ngay lúc ấy, đám thị nữ đem dâng vua một quả bưởi. Vua bảo Bồ tát:

-- Này hiền hữu, hãy ăn bưởi này.

Bồ tát cầm bưởi và thưa:

-- Tâu Đại vương, người nào không biết cách ăn bưởi sẽ làm cho nó đắng hoặc cay. Song người có trí biết cách lấy chất đắng ra, và không bỏ chất chua, hoặc làm hỏng hương vị của bưởi khi ăn bưởi.

Rồi dùng thí dụ này, ngài trình bày với vua cách tạo tài sản chân chánh qua hai vần kệ:

4. Ăn bưởi luôn phần vỏ đắng cay,
Nếu không gọt vỏ với dao này,
Chỉ ăn phần ruột là thơm ngọt,
Nếu thêm vỏ thì hết ngọt ngay.

5. Vậy người có trí chẳng hung tàn
Thâu góp thuế trong các xóm làng,
Tăng sản nghiệp nhưng không phạm tội.
Bước đường chân chánh tạo danh vang.

Vua vừa tham vấn Bồ tát vừa đi đến hồ sen, khi nhìn một hoa sen đang nở có màu sáng đẹp như mặt trời mới mọc, không bị nước làm ô nhiễm, vua bảo:

-- Này hiền hữu, hoa sen kia mọc thẳng lên không bị nước làm ô nhiễm sắc hương.

Bồ tát liền đáp lại:

-- Tâu Đại vương, một vị vua cũng phải như vậy.

Và ngài ngâm các vần kệ này để khuyến giáo:

6. Như hoa sen nở ở trong hồ

7. Rễ trắng, nước trong bảo dưỡng cho,
Dưới ánh mặt trời hoa nở đẹp
Không hề bụi bặm chẳng bùn nhơ.

8. Vậy người có đức hạnh đưa đường,
Khéo luyện ôn nhu, đủ thiện lương,
Như đóa sen trong hồ nước ấy,
Bùn nhơ chẳng cấu uế tâm can.

Vua nghe lời Bồ tát khuyên giáo từ đó về sau trị nước chân chánh và thực hành các thiện sự, bố thí cùng nhiều phước nghiệp khác, nên được tái sanh lên Thiên giới.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo sư tuyên thuyết các Thánh đế và nhận diện Tiền thân: "Thời ấy, vua là Ànanda và vị quốc sư có trí chính là Ta vậy."

-ooOoo-

Nhận xét:

Giảng dạy cho vua chúa về cách trị nước là một trong những đề tài quan trọng của bộ chuyện Tiền thân. Hàng chục chuyện dài được xây dựng quanh chủ đề này, chưa kể những chuyện ngắn lồng vào những đề tài khác rải rác khắp bộ chuyện. Ngay trong thời gian đầu tiên Đức Phật đi thuyết pháp độ sanh, Ngài đã đến viếng Đại vương Bimbisàra như đã hứa trước kia và thuyết giáo vua ấy cùng quần thần tại thành Ràjagaha (Vương Xá). Vua đắc quả Dự lưu liền cúng dường Đức Phật tinh xá Veluvana (Trúc Lâm) và trở thành đệ tử trung kiên của Ngài.

Về sau, vua Pasenadi nước Kosala cũng tìm đến Đức Phật để nghe Ngài thuyết pháp và trở thành đệ tử tại gia của Ngài. Mối tình thân hữu giữa Đức Phật và vua Pasenadi kéo dài hàng chục năm sau đó đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi để Ngài thuyết pháp cho vua về nhiều vấn đề liên hệ đời sống tại gia của một vị vua, và những kinh ấy đã được chư vị kết tập kinh điển đưa vào bộ kinh Tương Ưng với nhan đề "Tương Ưng Kosala". Mối thân tình này kéo dài cho đến tận ngày cuối đời của vua được diễn tả qua kinh Dhammacetiya (Pháp Trang Nghiêm, kinh Trung Bộ số 89), trước khi vua băng hà ngay sáng hôm sau đó.

Kinh điển nguyên thủy cũng ghi lại sự giáo hòa Đức Phật dành cho biết bao vua chúa, vương tử đương thời như vua Udena, Ajàtasattu, cùng một số quốc vương khác. Điều này chứng tỏ Ngài rất quan tâm đến đời sống của các vị vua chúa vì họ là giai cấp trực tiếp cai trị đất nước, có thể đem hạnh phúc hay khổ đau cho dân chúng tùy theo cách suy nghĩ và hành động của họ. Đặc biệt qua bộ Chuyện Tiền thân, ta gặp biết bao vua chúa độc ác được Bồ tát, Tiền thân Đức Phật, khuyến giáo và Bồ tát luôn thuyết giảng Thập vương pháp cho vua chúa nghe dù Ngài đang ở trong hình thức tái sanh làm chim muông, thú vật, hay thần tiên, thiên chủ v.v... Đối với Đức Phật, Thập vương pháp (Dasa-ràjahammà) là mười đức tính của một vị minh quân mà bất cứ vua chúa nào cũng phải học tập, đó là (1) Bố thí, (2) Giới đức, (3) Hy sinh, (4) Chân chánh, (5) Nhân từ, (6) Tiết độ, (7) Vô sân, (8) Bất hại, (9) Kham nhẫn và (10) Không trái lòng dân. Những đức tính này sẽ khiến vua cai trị công bằng chính trực, lấy hạnh phúc của muôn dân làm mục tiêu cai trị của mình, và điều này sẽ đem lại hạnh phúc thực sự cho bản thân vua ấy ở đời này cùng đời sau.

Như trong chuyện Tiền thân này, Bồ tát dạy một vị vua hiền phải được một nhóm triều thần tốt phò tá mới có thể vững vàng ngự ngôi báu. Nêế vua được nịnh thần xúi giục làm điều ác sẽ đưa đến sự suy tàn của triều đại ấy.

Đối với quần chúng thần dân, vua không thụ hưởng lợi nhuận bất chánh bằng sưu cao thuế nặng để tránh gây đau khổ và oán hận đối váơi dân, cũng như ta ăn bưởi phải chừa phần vỏ kẻo nếm phải vị đắng cay. Tóm lại, một vị vua có danh tiếng tốt đẹp chẳng khác gì một đóa sen nở thơm ngát dưới ánh mặt trời không bọ bùn lầy vấy bẩn.

Những lời dạy của Đức Phật đối với các nhà lãnh đạo đất nước mang đầy tính thực tiễn và ích lợi qua mọi thời đại. Điều này chứng tỏ Ngài quan tâm sâu sắc đến đời sống xã hội loài người và sẵn sàng khuyến giáo mọi người đúng cương vị của một người chân chính ở đời để đem lại chân hạnh phúc cho bản thân và nhiều người khác.

Những đặc điểm ấy trong những lời dạy của Đức Phật về đời sống tại gia này thật trái ngược hẳn với những nhận xét sai lầm của một số người ngoại đạo cho rằng Đức Phật chủ trương xa lánh cuộc đới nên không muốn liên hệ gì đến những vấn đề của đời sống thế tục trong xã hội. Bộ chuyện Tiền thân đồ sộ với những đề tài phong phú đa dạng đã lần lượt trình bày hầu hết mọi phương diện của đời sống con người: ngoài vấn đề tu tập của hội chúng xuất gia, còn có hằng trăm chuyện khác liên hệ các sinh hoạt của xã hội bình thường nhằm mục đích giúp mỗi người tìm thấy an lạc hạnh phúc tùy theo nguyện vọng của đời mình.

-ooOoo-

Ghi chú:

[1] Simsapa và Sàra: tên hai loại gỗ quý ở Ấn Độ

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 67, 10-2001)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 09-03-2003