BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Đại vương huy hoàng
(Số 489. Tiền thân Suruci)


Thiếp là chánh hậu chúa Ru-ci ...,

Chuyện này do Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú gần Xá Vệ trong tòa nhà của Lộc mẫu (1), về việc bà nữ cư sĩ đệ nhất Visàkhà (Tỳ Xá Khư) này đã được Ngài ban Tám điều Nguyện ước như thế nào.

Một buổi nọ, bà ấy nghe thuyết pháp ở Kỳ Viên xong, rồi trở về nhà, sau khi mời Đức Phật và chúng đệ tử của Ngài đến nhà vào ngày hôm sau.

Nhưng khuya hôm ấy một cơn cuồng phong dữ dội hoành hành cả bốn châu thiên hạ, Đức Thế Tôn bảo các Tỷ kheo như sau:

- Khi mưa rơi ở Kỳ Viên, này các Tỷ kheo, thì mưa cũng rơi khắp bốn châu trên thế giới. Các ông hãy thấm nhuần ơn mưa móc đến tận thịt da: vì đây là cơn đại cuồng phong cuối cùng của Ta thổi khắp thế giới.

Rồi cùng với các Tỷ kheo thân mình đã thấm ướt nước mưa, Ngài dùng thần lực biến mất khỏi Kỳ Viên và xuất hiện trong gian phòng khách của tòa nhà bà Visàkhà. Bà kêu lên:

- Thật hy hữu thay! Thật linh diệu thay là thần thông lực của Đức Như Lai thị hiện! Nước ngập lụt đến tận đầu gối, nước ngập lụt đến tận thắt lưng, mà chẳng có bàn chân hay chiếc y của một Tỷ kheo nào bị ướt cả!

Trong nỗi hân hoan tràn trề ấy, bà cùng đám tín nữ phục vụ Đức Phật và Tăng chúng. Sau buổi thọ thực, bà thưa với Đức Phật:

- Thật tình con ước ao nhận được nhiều thỉnh nguyện từ Đức Thế Tôn.

- Này Visàkhà, các Như Lai có vô lượng ân lành.

- Song những điều thỉnh nguyện này xin được ban cho chúng con, những điều này không lỗi lầm!

- Này Visàkhà, cứ nói đi!

- Con ước ao rằng suốt đời con được quyền dâng áo khoác về mùa mưa cho Tăng chúng, thực phẩm cho các vị khách đến thăm nhà, thực phẩm cho Tăng chúng du hóa đường xa, thực phẩm cho các vị bị bệnh, thực phẩm cho những vị Tỷ kheo phục vụ các bệnh nhân, thuốc men cho các bệnh nhân, thường xuyên cúng dường cháo gạo và suốt đời cúng dường y phục cho các Tỷ kheo ni khi đi tắm.

Bậc Đạo Sư đáp:

- Này Visàkhà, bà dự định làm công đức gì khi bà thỉnh cầu Như Lai Tám nguyện ước này?

Bà liền thưa với Ngài những lợi lạc mà bazmong sẽ có được khi thỉnh cầu Như Lai Tám nguyện ước này.

Rồi Ngài bảo:

- Này Visàkhà, Ta cho bà Tám đặc ân này đó.

Sau khi ban cho bà tám Thỉnh nguyện ấy xong và nói lời tùy hỷ công đức, Ngài ra về.

Một hôm, khi Bậc Đạo Sư đang trú tại Đông Viên, Tăng chúng bắt đầu bàn luận việc này trong Chánh pháp đường:

- Này hiền hữu, nữ thí chủ Visàkhà, dù là nữ nhân, đã được chính Đấng Thập Lực ban cho Tám thỉnh nguyện. Công đức của bà ấy thật cao cả thay!

Bậc Đạo Sư bước vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì. Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:

- Đây không phải là lần đầu tiên nữ nhân này nhận được những thỉnh nguyện từ Ta, vì bà ấy xưa kia cũng đã nhận được như vậy.

Rồi Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện quá khứ.

*

Một thời, có vị vua Suruci trị vì tại Mithilà. Vua này có một vương tử đặt tên là Suruci Kumàra, hay vương tử Huy Hoàng. Khi chàng lớn lên, chàng quyết định đi du học tại Takkasilà, vì thế chàng đến đó và ngồi nghỉ ở một sảnh đường tại cổng thành. Bấy giờ vương tử của vua Ba La Nại tên là vương tử Brahmadatta cùng đi đến đó, và ngồi nghỉ trên cùng một chiếc ghế dài mà vương tử Suruci đã ngồi. Hai người trò chuyện và kết bạn với nhau, rồi cả hai cùng đi đến vị giáo thọ kia. Hai chàng trả học phí và học tập, chẳng bao lâu, việc học đã hoàn tất.

Rồi hai chàng từ giã thầy dạy và cùng nhau lên đường. Sau khi đi một đoạn ngắn, họ dừng lại ở một nơi có ngả rẽ, cả hai ôm nhau từ biệt, và để giữ mãi tình bạn thắm thiết, hai vị giao ước với nhau:

- Nếu ta có con trai và bạn có con gái hoặc bạn có con trai và ta có con gái thì chúng ta sẽ kết đôi cho chúng.

Khi hai vị lên ngôi, vua Suruci sinh hạ một vương tử và cũng đặt tên vương tử là Suruci. Còn vua Brahmadatta sinh con gái đặt tên là Sumedha hay công chúa Thiện Trí.

Vào đúng thời lớn khôn, vương tử Suruci đi đến Takkasilà để học tập và khi việc học hoàn tất, lại trở về. Sau đó vua cha muốn phong vương cho con mình bằng lễ quán đảnh, và nghĩ thầm: "Bạn ta là vua Ba La Nại đã sinh con gái, ta nghe nói vậy nay ta muốn cưới nàng ấy làm vương hậu cho con ta". Vì mục đích trên, vua phái đám sứ thần đem các sính lễ rất sang trọng ra đi.

Song trước khi sứ bộ đến nơi, vua Ba La Nại hỏi bà chánh hậu điều này:

- Này ái hậu, điều gì là nỗi khổ đau nhất đối với một nữ nhân?

- Muôn tâu, đó là việc tranh chấp với các thê thiếp khác của chồng mình.

- Vậy thì, này ái hậu, để tránh cho con gái duy nhất của ta là công chúa Sumedha khỏi nỗi khổ đau ấy, ta sẽ chẳng gả con cho một ai, ngoại trừ người nào chỉ cưới một mình nàng, chứ không có thê thiếp khác.

Vì vậy khi các sứ thần đến, và nêu danh hiệu công chúa để cầu hôn, vua bảo họ:

- Này các hiền hữu, quả thực ta đã hứa gả con gái ta cho con của vị vua thân bằng của ta ngày xưa. Song chúng ta không muốn thả con gái vào giữa một đám nữ nhân. Vì vậy chúng ta muốn gả con gái cho vị vua nào chỉ cưới một mình nàng, chứ không thêm ai khác.

Các sứ giả đem thông điệp ấy về tâu với vua. Nhưng vua này phật ý, bảo:

- Nước ta là một đại vương quốc với kinh thành Mi Thi Là chiếm bảy dặm, toàn thể đất nước gồm cả ba trăm dặm. Một vị đại vương như vậy phải có cả mười sáu ngàn cung phi là ít nhất.

Còn vương tử Suruci vừa nghe danh tiếng dung sắc tuyệt mỹ của công chúa Sumedha liền đâm ra si tình công chúa dù chỉ là nghe đồn thôi, nên chàng nhờ thưa lại song thân:

- Con quyết sẽ cưới một mình nàng chứ không thêm ai khác nữa. Con có cần gì cả đám nữ nhân kia chứ? Xin đi cưới nàng về ngay.

Hai vị không cản trở ước vọng của chàng, liền gửi sính lễ sang trọng cùng một đám sứ thần đông đảo đi rước nàng về cung. Thế là nàng được phong làm vương hậu và cả hai người này đều được tôn lên ngôi bằng lễ quán đảnh (rảy nước lên đầu).

Chàng trở thành quốc vương Suruci, cai trị rất đúng pháp và sống rất hạnh phúc với hoàng hậu. Song dù nàng đã về sống ở nhà chồng đến mười ngàn năm, nàng chẳng hề sinh hạ con trai hay con gái gì cả.

Sau đó dân chúng tụ tập lại trước sân chầu, với những lời trách móc. Vua hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Dân chúng tâu:

- Chúng thần chẳng thấy lỗi lầm nào ngoại trừ việc này: Đó là chúa thượng không có con trai để nối dõi. Chúa thượng chỉ có một chánh hậu, tuy nhiên một quốc vương phải có ít nhất là mười sáu ngàn cung tần. Xin chúa thượng hãy tuyển một đám phi tần mỹ nữ, rồi một thứ phi xứng đáng sẽ hạ sinh cho chúa thượng một hoàng nam.

- Này, các hiền hữu nói điều gì thế? Ta đã hứa không cưới ai khác ngoài hoàng hậu và theo những điều kiện thỏa thuận trên mà ta đã chiếm được nàng làm vợ. Ta không thể nuốt lời được, ta không cần cả một đám nữ nhân đâu.

Như thế vua từ chối lời thỉnh cầu của dân nên họ ra về. Song Sumedha nghe được câu chuyện. Bà nghĩ thầm: "Đức vua từ chối việc tuyển chọn cung phi vì lòng trung tín của ngài, được rồi, ta sẽ tìm thê thiếp khác cho ngài". Bà vừa đóng vai người mẹ, cùng vai người vợ đối với vua, nên bà tự nguyện tuyển một ngàn công nương thuộc dòng Sát đế lỵ, một ngàn tiểu thư của các con quan trong triều, một ngàn thiếu nữ nhà lành, một ngàn vũ nữ đủ loại, tổng cộng bốn ngàn, rồi đem dâng vua.

Các nàng ấy sống trong cung suốt mười ngàn năm cũng chẳng hề sinh con cái gì cả. Cứ theo cách ấy, ba lần nữa, bà dâng vua bốn ngàn cung nữ, song họ chẳng sinh được con cái gì. Như vậy bà đã dâng vua cả mười sáu ngàn cung tần mỹ nữ. Bốn mươi ngàn năm trôi qua, nghĩa là năm mươi ngàn năm tất cả, tính luôn mười ngàn năm vua đã chỉ sống với một mình hoàng hậu thôi. Sau đó dân chúng lại tụ tập với những lời trách móc; vua hỏi:

- Cái gì đây nữa?

- Tâu chúa thượng, xin ngài ra lệnh cho các cung phi cầu tự.

Từ đó, để cầu tự, các nàng cúng bái đủ các loại thần linh và thề nguyền khấn khứa đủ mọi cách, tuy thế, vẫn không có vương tử nào xuất hiện. Rồi vua ra lệnh cho bà Sumedha cũng phải cầu tự, hoàng hậu thỏa thuận.

Vào dịp lễ Trai giới ngày mười lăm (rằm) trong tháng, hoàng hậu giữ hạnh nguyện Bát quan trai giới và ngồi trầm tư về các công đức trong một cung thất lộng lẫy trên một sàng tọa êm ái. Các cung nữ khác đều ở trong ngự uyển, cầu nguyện sẽ cúng tế đủ loại dê bò. Vì công đức sáng chói của hoàng hậu Sumedha nên cung điện của Thiên chủ Sakka (Đế Thích) rúng động.

Đế Thích Thiên chủ suy xét và hiểu rằng bà Sumedha đang cầu tự: "Được rồi, bà sẽ được một hoàng nam. Song ta không thể ban cho bà một hoàng nam này hay một hoàng nam nọ một cách thiếu quan tâm, mà ta muốn đi tìm một vị nào xứng đáng". Rồi ngài thấy một Thiên tử còn trẻ tên là Nalakàra, Người đan giỏ.

Chàng có đầy đủ đức độ thiện hạnh, trong một đời trước đó sống ở Ba La Nại, thì chuyện này xảy ra cho chàng. Vào mùa gieo hạt, khi chàng ra đồng, chàng gặp một vị Độc giác Phật. Chàng bảo các tá điền gieo hạt, còn chính chàng quay về, đưa vị Độc giác Phật vào nhà, cúng dường một bữa ăn rồi dẫn vị ấy trở lại bờ sông Hằng. Chàng cùng con trai dựng túp lều, trụ bằng thân cây sung và đan kết lau sậy làm vách tường, gắn cửa vào và dọn một lối đi. Chàng mời vị Độc giác Phật ở đó suốt ba tháng và khi hết mùa mưa, hai cha con chàng đắp lên Ngài ba chiếc y rồi để Ngài ra đi. Cùng cách ấy, hai cha con thiết đãi đồ ẩm thực bảy vị Độc giác Phật trong túp lều ấy rồi cúng dường mỗi vị ba chiếc y, xong để các vị ai đi đường nấy.

Vì vậy dân chúng vẫn kể chuyện hai cha con làm nghề đan giỏ, tìm các cây liễu trên bờ sông Hằng (để lấy gỗ đan giỏ) và hễ khi nào thấy một vị Độc giác Phật thì họ cúng dường như trước đã nói. Lúc mạng chung, họ được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba, và cứ an trú sáu tầng trời cõi Dục liên tục tới lui theo vòng luân hồi sinh tử, tận hưởng vinh quang tột đỉnh giữa chư Thiên.

Hai vị ấy sau khi mạng chung ở cõi này lại ước mong được lên các thiên giới cao hơn. Đế Thích Thiên chủ nhận thức rằng một trong hai vị Thiên tử này sẽ thành Đức Như Lai, nên Thiên chủ đến cửa cung của hai vị, đảnh lễ vị ấy khi vị ấy đứng lên chào đón Thiên chủ và bảo:

- Thưa Tôn giả, ngài nên sinh vào thế giới loài người.

Song vị Thiên tử bảo:

- Tâu Đại vương, thế giới loài người đầy hận thù đáng kinh tởm, những người ở đó làm thiện sự và bố thí, cũng đều ước mong được lên thiên giới. Vậy thần xuống đó làm gì chứ?

- Thưa Tôn giả, ngài sẽ được hưởng trọn vẹn mọi lạc thú có thể hưởng được trong nhân giới; ngài sẽ ngự trong một cung điện làm toàn bằng bảo ngọc cao hai mươi lăm dặm. Xin ngài đồng ý cho.

Vị Thiên tử liền chấp thuận. Khi Đế Thích Thiên chủ đã được vị ấy hứa lời rồi, liền giả dạng một hiền nhân giáng xuống ngự viên, xuất lộ nguyên hình vừa bay lượn trên đầu các cung phi này, vừa ca hát:

- Ta sẽ ban diễm phúc cho ai được một nam tử đây? Ai mong được diễm phúc có một nam tử đây?

- Thưa ngài xin cho con, xin cho con!

Hàng ngàn cánh tay giơ lên. Sau đó Thiên chủ bảo:

- Ta sẽ ban các nam tử cho những người đức độ: vậy về công đức các nàng làm được những gì? Cuộc đời các nàng, lối sống các nàng ra sao?

Họ đều hạ tay xuống và thưa:

- Nếu ngài muốn thưởng công cho người đức hạnh thì xin ngài đi tìm chánh hậu Sumedha.

Ngài liền bay qua không gian và dừng lại ở cửa sổ cung thất của bà. Khi đó đám cung nữ đến trình với bà:

- Tâu lệnh bà, một vị Thiên chủ đã bay qua không gian và đứng ngay tại cửa sổ cung thất lệnh bà để ban cho lệnh bà diễm phúc được một vương tử!

Bà liền đến đó đón ngài vô cùng trọng thể. Vừa mở cửa sổ ra, bà vừa hỏi:

- Tâu Thiên chủ, tiện thiếp trộm nghe rằng ngài sẽ ban diễm phúc cho một nữ nhân đức hạnh được một nam tử, có đúng vậy chăng?

- Đúng vậy, ta sẽ làm như thế.

- Vậy xin ngài làm ơn ban cho tiện thiếp diễm phúc ấy.

- Hãy cho ta biết chánh hậu đã tạo được công đức gì, rồi nếu chánh hậu làm đẹp ý ta, ta sẽ ban cho diễm phúc ấy.

Bà liền ngâm mười lăm vần kệ này nêu rõ công đức của mình:

1. Thiếp là chánh hậu chúa Ru-ci,
Vương hậu đầu tiên chúa cưới về,
Với chúa Su-ru-ci vạn tuế,
Thiếp đà sống trọn đạo hiền thê.

2. Huy Hoàng chúa tể ở My-la,
Là chính kinh thành của quốc gia,
Thiếp chẳng hề xem thường thánh ý,
Chẳng chê ngài thấp kém, sai ngoa,
Dù sau lưng chúa, hay ngoài mặt,
Về khẩu, ý, thân, đủ cả ba.

3. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.

4. Phụ hoàng, mẫu hậu của vương quân,
Hai đấng sinh thành ngự trị dân,
Trong lúc các ngài còn tại thế,
Vẫn thường dạy thiếp Đạo hiền nhân.

5. Thiếp ước không làm hại mạng ai,
Quyết lòng hành động chánh chân hoài,
Ân cần tận tụy hầu hai vị,
Không mệt mỏi cho dẫu tối ngày.

6. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.

7. Thứ phi sau thiếp cứ tăng dần,
Mười sáu ngàn không thiếu một nàng,
Tuy thế, chẳng hề, thưa Thánh giả,
Xảy hờn ghen giữa đám hồng quần.

8. Thiếp mừng khi chúng được ân lành,
Với mọi cung phi, thắm thiết tình,
Lòng thiếp nhân từ cùng tất cả,
Khác nào đối với bản thân mình.

9. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.

10. Nô tỳ, thị giả, mọi gia nhân,
Tất cả nơi đây ở hợp quần,
Thiếp đối ân cần, ban thực phẩm,
Tươi cười nét mặt tạo hân hoan.

11. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.

12. Các nhà ẩn sĩ, Bà la môn,
Hễ thấy người nào đến khẩn van,
Thiếp đãi uống ăn đều khắp cả,
Đôi bàn tay rửa sạch hoàn toàn.

13. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.

14. Vào ngày mồng tám, nửa tuần trăng,
Mười bốn, mười lăm, các buổi rằm,
Thiếp vẫn chuyên tâm trì giới luật,
Bước theo Thánh đạo của hiền nhân.

15. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.

Quả thật, dù cả trăm, cả ngàn câu kệ cũng không đủ lời tán thán mọi công đức của bà; tuy thế, Đế Thích Thiên chủ cứ để cho bà tự tán thán trong mười lăm vần kệ này. Ngài cũng không ngắt ngang câu chuyện, mặc dù ngài còn nhiều việc phải làm ở nơi khác. Sau đó ngài bảo:

- Công đức của chánh hậu thật là kỳ diệu và sung mãn tràn trề thay!

Rồi ngài ngâm hai vần kệ ca ngợi bà:

16. Nương nương hỡi, chánh hậu Huy Hoàng,
Công đức này cao trọng thập toàn
Đều thấy trong nàng, này chánh hậu,
Chính nàng ca ngợi đại danh nàng.
17. Một hoàng nam chính thống cao sang,
Muôn vẻ vinh quang, trí vẹn toàn,
Đại đế Vi Đề Ha chánh trực,
Sắp ra đời đó chính con nàng.

Khi bà nghe những lời này, bà vô cùng hoan hỷ ngâm hai vần kệ để hỏi Thiên chủ:

18. Bụi bẩn, lấm lem tóc rối bồng,
Hình ngài lơ lửng ở trên không,
Nói bằng một giọng đầy thân ái,
Làm thiếp cảm rung tận cõi lòng.

19. Có phải ngài Thiên đế đại hùng,
Trên trời ngài ngự, hỡi hiền nhân?
Xin cho thiếp biết từ đâu đến,
Cho biết là ai đó giáng trần?

Thiên chủ đáp lời bà qua sáu vần kệ:

20. "Thiên nhãn Sak-ka" (2) nàng thấy đây,
Vì Thiên chúng vẫn gọi như vầy.
Những khi Thiên chúng đều đoàn tụ
Trong Thiện pháp đường mỹ diệu thay.

21. Khi nữ nhân hiền đức vẹn toàn,
Tại đây được thấy giữa trần gian,
Chánh chân nội tướng đầy nhân ái
Với mẹ chồng, như phận sự nàng.

22. Khi chư Thiên biết một hồng nhan,
Lòng trí cao minh, nghiệp thiện toàn,
Dù nữ nhi, mà từ thượng giới,
Thiên chúng đích thân đến với nàng.

23. Giữ đời đức hạnh, hỡi nương nương,
Nhờ tích trữ toàn việc thiện lương,
Công chúa xuất thân, đà đạt được
Trọn niềm hạnh phúc vẫn cầu mong.

24. Vậy nàng gặt hái nghiệp duyên nàng
Bằng cảnh huy hoàng ở thế gian,
Công chúa, về sau trên thượng giới
Tái sinh nàng được hóa Thiên thần.

25. Nữ nhi hiền đức, hưởng hồng ân!
Cứ sống giữ gìn hạnh chánh chân,
Nay lúc ta cần về thượng giới,
Vui mừng vì diện kiến tôn nhan.

- Ta còn việc phải làm trên thiên giới - Ngài bảo - Vậy ta đi đây, còn nàng hãy chuyên tâm tinh cần.

Cùng với lời khuyên nhủ này, ngài ra về.

Tảng sáng hôm ấy, Thiên thần Nalakàra được nhập mẫu thai của hoàng hậu. Khi bà biết chuyện ấy, bà liền tâu với vua. Vua làm đủ mọi việc cần thiết cho một thai phụ. Sau mười tháng, bà sinh hạ một vương tử, hai vị đặt tên là Mahà-panàda. Toàn dân của hai quốc độ đều đến kêu lên:

- Tâu chúa thượng, chúng hạ thần xin mang tiền mua sữa tới tặng hoàng thái tử.

Rồi mỗi người thả một đồng vàng vào trong sân chầu, thành ra một đống tiền lớn. Vua không muốn nhận tiền này, nhưng dân chúng không chịu lấy lại, và tâu với vua khi họ ra về:

- Tâu chúa thượng, số tiền này để dành cấp dưỡng vương tử khi ngài lớn lên.

Vương nhi lớn lên giữa cảnh huy hoàng và khi chàng đến tuổi trưởng thành, không quá mười sáu, chàng đã kiện toàn tất cả mọi môn học thuật. Vua nghĩ đến tuổi trưởng thành của chàng, bảo hoàng hậu:

- Này ái hậu, khi đến thời làm lễ quán đảnh cho hoàng nhi, ta hãy xây cho con ta một cung điện tuyệt đẹp vào dịp đó.

Bà thỏa thuận hoàn toàn. Vua liền cho triệu các người có tài đoán biết nơi chốn an lành để xây cung điện và họ bảo:

- Này các hiền hữu, hãy tìm một kiến trúc sư thượng thủ và xây cho ta một cung điện không xa cung ta. Cung này dành cho hoàng tử mà chúng ta sắp phong vương để kế vị ta đó.

Họ tâu việc ấy tốt lành thay và bắt đầu đi vào khảo sát mặt đất.

Lúc ấy, chiếc ngai của Đế Thích Thiên chủ nóng rực lên. Nhận thấy điều này, Thiên chủ lập tức triệu Vissakamma - vị Thiên thần chuyên xây dựng - đến và bảo:

- Này Hiền giả Vissakamma, hãy xây cho thái tử Mahà-panàda một cung điện dài rộng nửa dặm và cao hai mươi lăm dặm, toàn bằng bảo ngọc.

Vissakamma liền giả dạng thợ hồ đi đến gần đám thợ kia bảo:

- Hãy đi ăn sáng xong rồi trở về đây.

Sau khi họ đi khuất cả rồi, vị ấy lấy cây gậy đập xuống đất, lập tức một cung điện hiện ra cao bảy tầng đúng kích thước như trên.

Bấy giờ triều đình cử hành liên tiếp ba đại lễ cho thái tử Mahà-panàda: Lễ khánh thành cung điện, lễ giương chiếc lọng hoàng gia trên đầu chàng (lễ phong vương) và lễ thành hôn cho chàng. Trong thời gian hành lễ, toàn dân cả hai xứ tụ tập lại tổ chức hội hè yến tiệc suốt bảy năm mà vua cũng không giải tán quần chúng: xiêm y, đồ trang sức, đồ ẩm thực và mọi thứ khác hoàng gia đều cung cấp đầy đủ cả.

Sau bảy năm ấy, dân chúng bắt đầu càu nhàu than phiền và vua Suruci hỏi tại sao, họ đáp:

- Tâu Đại vương, trong lúc chúng hạ thần mải vui chơi hội hè đình đám thì bảy năm đã trôi qua. Thế khi nào lễ hội này mới chấm dứt?

Vua đáp:

- Này các hiền hữu, suốt thời gian qua, vương nhi chưa hề một lần nào cười cả. Vậy khi nào vương nhi cười thì ta sẽ giải tán.

Sau đó dân chúng đi đánh trống và tập hợp các người làm trò múa rối nhào lộn lại với nhau. Hàng ngàn người diễn trò kéo đến và chia nhau thành bảy ban ca múa, nhưng họ không thể nào làm vương tử cười được. Rõ ràng chàng là một người đã từng xem múa hát của các vũ thần chốn thiên đình rồi thì không thể nào ham thích được các vũ công hạ giới như thế này.

Sau đó hai tên hề múa rối lanh lợi xuất hiện, đó là Bhandu Kanna và Pandu Kanna tức Tai Cụt và Tai Vàng. Chúng tâu:

- Chúng tiểu thần sẽ làm cho hoàng tử cười.

Bhandu Kanna liền hóa phép ra một cây xoài vĩ đại, mà gã gọi là "Vô song địch", mọc lên trước cửa cung, sau đó gã ném ra một cuộn dây làm cho nó mắc vào một cành xoài rồi gã trèo lên cây xoài Vô song địch ấy.

Thời bấy giờ người ta bảo cây xoài Vô địch ấy là của Vessavana (Tỳ Sa Môn Thiên vương). Bọn nô lệ của thần Vessavana bắt lấy gã, như thường lệ, chặt ra từng khúc và thả xuống đất. Bọn người làm trò ảo thuật kia ghép các khúc đó lại và tưới nước lên. Gã đó liền choàng mớ xiêm y cả bên trong lẫn bên ngoài đều kết bằng hoa rồi đứng dậy bắt đầu ca múa như cũ. Ngay cái cảnh tượng kỳ dị này cũng không làm vương tử cười được.

Sau đó Pandu Kanna chất dầu củi đốt lửa lên trước sân chầu và nhảy vào lửa với đồng bọn múa rối ấy. Khi lửa tan hết, người ta tưới nước vào đó, Pandu Kanna cùng cả bọn lại vùng dậy ca múa với đủ xiêm y từ trong ra ngoài kết bằng hoa! Khi dân chúng thấy họ không thể nào làm cho vương tử cười được thì họ bực tức lắm.

Đế Thích Thiên chủ nhận thấy việc này, liền phái xuống một vũ công trên trời, bảo vị ấy làm cho vương tử Mahà-panàda cười. Thế rồi vị ấy đứng lơ lửng giữa không gian trên sân chầu, và biểu diễn một điệu múa gọi là Vũ khúc Bán thân: chỉ một tay, một chân, một mắt, một răng nhảy múa rung rinh, lắc lư qua lại, còn mọi phần kia vẫn trơ như đá!

Khi Mahà-panàda thấy thế thì chàng hơi nhếch mép cười một chút thôi! Còn đám dân chúng đều cười rộ lên từng tràng dài, và không thể nào kềm chế chân tay được nữa, nên họ cứ lăn quay lông lốc khắp cả sân rồng. Thế là kết thúc hội hè! Phần còn lại:

Đại đế Pa-nà, chúa đại hùng
Với cung bằng ngọc quý, vàng ròng...

Đã được giải thích trong Tiền thân Mahà Panàda (số 264, tập II, chương III).

Vua Mahà Panàda chuyên tâm làm thiện sự và bố thí nên lúc mạng chung được sinh lên thiên giới.

Khi Bậc Đạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Như vậy, này các Tỷ kheo, Visàkhà đã nhận được điều ước Ta ban trước kia.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời bấy giờ, Bhaddaji là Mahà Panàda, Visàkhà là hoàng hậu Sumedha, Ànanda là Vissakamma và Ta chính là Đế Thích Thiên chủ.

Nhận xét:

Đây là câu chuyện về bà Visàkhà (Tỳ Xá Khư), nữ cư sĩ được Đức Phật ban danh hiệu đệ nhất giữa các nữ thí chủ hào phóng.

Xuất thân từ một gia đình mộ đạo, ngay ấu thời bà đã là một đệ tử thuần thành của Đức Phật. Về sau, khi đã trưởng thành và về nhà chồng, bà vẫn tiếp tục làm vị đệ tử chuyên tâm tu tập tại gia và giữ đầy đủ giới đức đạo hạnh của người nữ gia chủ suốt đời ở trong cảnh phú quý. Chính bà đã xin phép Đức Phật đem bán bộ y phục đầy châu báu của bà để xây dựng tinh xá Đông Viên này.

Sau đó bà lại thỉnh cầu Đức Phật cho phép bà được hoàn thành Tám ước nguyện suốt đời phục vụ hội chúng Tỷ kheo và Tỷ kheo ni theo cách trên. Và sự kiện này được ghi lại trong Đại phẩm của Luật tạng.

Khi Tăng chúng bàn luận về sự kiện trên, Đức Phật xác nhận trong một đời trước, bà Visàkhà cũng đã được Ngài ban ước nguyện khi Ngài còn là Sakka Thiên chủ và bà là hoàng hậu Suruci, một vị hoàng hậu đức hạnh vẹn toàn đã cầu tự và làm cảm động đến trời cao.

Những chuyện Tiền thân này cho ta thấy ảnh hưởng của chúng đối với những nền văn học nhân gian, qua đó đức hạnh được đề cao giữa loài người và trong những trường hợp đặc biệt quan trọng như cầu tự, cứu nguy..., những người đức hạnh vẹn toàn thường được Thiên hoàng hiện xuống giúp đỡ và ban ước nguyền như ý.

Chú thích:

(1) Pubbàràma: Đông Viên Trùng Các: ngôi tinh xá do nữ cư sĩ Visàkhà Lộc Mẫu cúng dường Đức Phật và Tăng chúng ở ngoài thành Sàvatthi (Xá Vệ)

(2) Sàhassakkha: Thiên Nhãn Sakka: một trong các biệt hiệu của Thiên chủ Sakka vì ngài có ngàn mắt.

Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 87, 06-2003

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
25-02-2004