BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 2

Kinh Tất Cả Lậu Hoặc
(Sabbàsava Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

- Jetavana : Thắng lâm hay Kỳ-đà-lâm. Ở Ấn độ ngày trước có hai loại rừng:

Rừng do con người trồng, gây dựng. Jetavana thuộc loại rừng này.
Rừng tự nhiên, hoang dã.

- Anathapindika (Cấp Cô Độc): Tên người cư sĩ, đệ tử của Đức Gotama, đã dâng cúng khu vườn và tịnh xá Jetavana.

- Như lý tác ý: Yoniso ca manasikàram = Wise attention: Khởi niệm rằng nhận thức hữu ngã sẽ làm dấy khởi tham, sân, si dẫn đến sầu, bi, khổ, ưu, não, đi vào sinh tử; nhận thức vô ngã, duyên khởi sẽ làm dấy khởi vô tham, vô sân, vô si, dẫn đến thắng tri, liễu tri các pháp, chơn chánh giác ngộ Chánh đẳng Chánh giác. Tác ý hữu ngã gọi là "Phi như lý tác ý".

- Tri kiến đoạn trừ: Là Chánh tri kiến thấy rõ thân ngũ uẩn, và thế giới là vô thường, vô ngã. Thấy biết này sẽ dập tắt cái thấy hữu ngã làm dấy lên 36 tư duy liên hệ tự ngã (self) như: "Ta có mặt trong thời quá khứ..., chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này chỗ kia, chính tự ngã của ta là thường hằng, sẽ vĩnh viễn tồn tại".

Chánh tri kiến này sẽ dập tắt các tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến kiết phược, kiến hý luận, kiến tranh chấp. Chánh tri kiến này sẽ giúp hành giả biết những gì cần tác ý, những gì không nên tác ý, đi đến thấy rõ sự thật của "Tứ Thánh đế". Tại đây chánh tri kiến có công năng cắt đứt 3 kiết sử đầu: thân kiến, nghi và giới cấm thủ, đắc pháp nhãn. Đây là ý nghĩa "tri kiến đoạn trừ".

- Phòng hộ đoạn trừ: Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì tâm tham hoặc tâm sân, tâm si khởi lên biểu hiện ra hành động của thân, khẩu, ý bất thiện. Các hành động này sẽ làm phát sinh các lậu hoặc dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và nuôi dưỡng các lậu hoặc phiền não. Do đó hành giả cần có sự cảnh giác, an trú chánh kiến, tỉnh giác gìn giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây chỉ là công phu giữ gìn, phòng hộ thuộc Giới học, chưa đi vào công phu dẹp trừ lậu hoặc. Sự phòng hộ các căn sẽ chế ngự được các tâm lý gây nên tàn hại, nhiệt não gọi là "phòng hộ đoạn trừ".

- Thọ dụng đoạn trừ: Thọ dụng là sử dụng các phương tiện sống để hỗ trợ công phu giải thoát, thực hành phạm hạnh. Đó là sự sử dụng y phục, thức ăn, sàng tọa, chỗ ở, xem chúng chỉ là phương tiện mà không sử dụng để hưởng thụ, giải trí, thích thú hay để làm đẹp. Cũng cần thận trọng tránh xa những nơi đem lại nguy hiểm, hay nghi ngờ về phạm hạnh - vùng quân sự, lầu xanh, vật quý, góa phụ v.v... Đây là ý nghĩa "thọ dụng đoạn trừ" các tàn hại, nhiệt não có thể khởi sinh, thuộc công phu hộ trì giới bổn.

- Kham nhẫn đoạn trừ: Xã hội vốn đầy dẫy các bất công, bất như ý, tranh chấp, bạo hành..., mà người tu phải giáp mặt: các hiểu lầm, vu khống, mạ lỵ, các rắn rít, ruồi muỗi... Với các đối tượng này, người tu cần kham nhẫn để tránh các phiền não gây trở ngại công phu giải thoát. Đây là ý nghĩa "kham nhẫn đoạn trừ" thuộc công phu hộ trì giới.

- Tránh né đoạn trừ: Có những thứ ở đời đem lại nguy hiểm, phiền não mà không thể đối trị bằng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, hay kham nhẫn, mà phải bằng sự lánh mặt, tránh né như đối với voi dữ, ngựa, trâu, bò dữ, điên, rắn độc, hố sâu, vực thẳm đầm lầy, người điên, say, hung bạo; những nơi nguy hại, gây tai tiếng v.v... Với các đối tượng này thì phương thức đối trị tốt nhất là "tránh né". Đây là ý nghĩa "tránh né đoạn trừ" thuộc phạm trù hộ trì công phu trì giới.

- Trừ diệt đoạn trừ: Tại đây không dừng lại ở công việc ngăn ngừa, mà là công việc tiễu trừ, theo dõi tâm để đoạn trừ, dập tắt các tâm dục, sân, trạo cử, hôn trầm, nghi và các bất thiện tâm khởi lên từ chúng. Đây là công phu thực hành Tứ niệm xứ để đoạn trừ "ngũ cái", chế ngự dục giới tâm, làm sinh khởi các đại hành tâm - tâm sắc giới, cho đến tâm đệ tứ Sắc định. Đây là ý nghĩa "trừ diệt đoạn trừ" chuẩn bị đi vào các "đại hành tâm" để hành thiền quán Duyên khởi - Vô ngã, Vô thường hay Tứ vô lượng tâm.

- Tu tập đoạn trừ: Tu tập được đề cập trong bản kinh số 2 là tu tập Thất giác chi (tham khảo thêm Tương Ưng Bộ kinh V). Sau khi hành "trừ diệt đoạn trừ", đoạn trừ được "ngũ cái" và các ác, bất thiện tâm thì niệm lực được củng cố. Từ đây, hành giả thực hành "như lý tác ý" liên tục thì lần lượt Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác chi thành tựu viên mãn. Công phu này là thuần thiền quán phát triển mạnh tâm lý tham, tâm từ bỏ sẽ cắt đứt các kiết sử (10 kiết sử) và lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu) đoạn tận khổ đau.

- Tà kiến: Micchàdtthi hoặc ditthigatam: wrong view: Nhận thức sai lầm cho rằng các hiện hữu có tự ngã thường hằng.

- Kiến trù lâm: Ditthigaharam (Holding wrong views): Tích lũy nặng nề các tà kiến.

-Kiến hoang vu: Ditthithikantàram (the wilds of wrong views): Tà kiến nặng, tối tăm như các cánh rừng hoang dã.

- Kiến hý luận: Ditthivisùkam (wriggling of wrong views): Chỉ các nhận thức quanh co, vô bổ.

- Kiến tranh chấp: Ditthivipphanditam (scuffling of wrong views): Các tà kiến dẫn đến tranh chấp, đấu tranh, chiến tranh.

- Kiến kiết phược: Ditthisamyojanam (fetters of wrong views): Chỉ các tà kiến trói buộc tâm thức giải thoát .

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ CỦA KINH

1. Nếu bản kinh số 1 giới thiệu các phiền não, lậu hoặc khởi lên là do nhận thức hữu ngã, do không thắng tri, không liễu tri các hiện hữu, thì bản kinh số 2 giới thiệu các phương cách để nhiếp phục, loại trừ các phiền não lậu hoặc ấy.

2. Các phiền não lậu hoặc dấy khởi do hai động cơ chính:

a) Do tham, sân và si tâm tác động
b) Do ngoại cảnh tác động

Do đó, các phương cách nhiếp phục cũng bao gồm hai nhóm:

- Nhóm đoạn trừ phiền não khởi lên từ tâm: gồm có "tri kiến đoạn trừ", "tu tập đoạn trừ" (thuộc Tuệ) và "trừ diệt đoạn trừ" (thuộc Định).

- Nhóm ngăn ngừa phiền não khởi lên do ngoại cảnh tác động: gồm "phòng hộ đoạn trừ", "thọ dụng đoạn trừ", "kham nhẫn đoạn trừ" và "tránh né đoạn trừ".

Con đường giải thoát khỏi nhất thiết lậu hoặc vẫn là con đường truyền thống của Giới học, Định học và Tuệ học mà Đức Thế Tôn trình bày qua nhiều thể cách khế cơ khác nhau suốt 45 năm giáo hóa.

III . BÀN THÊM

1. Kinh số 1, Trung Bộ, đề cập đến khổ đau và các nhân duyên dẫn đến khổ đau. Kinh số 2 thì đề cập con đường chế ngự và dập tắt khổ đau. Cơ bản của con đường ấy là Giới, Định, Tuệ biểu hiện qua bảy phương cách thực hiện. Hai bản kinh rất cơ bản này đặt nền tảng trên hai điểm giáo lý trọng tâm: sự thật của khổ, và sự thật về con đường diệt khổ dẫn đến trí tuệ toàn giác thấy như thật các hiện hữu và chân hạnh phúc.

Hai bản kinh đều nhấn mạnh vai trò của Thắng tri, Liễu tri và công phu "Như lý tác ý" làm nổi bật sắc thái trí tuệ của giáo lý Phật giáo: bước đi đầu tiên và bước đi cuối cùng là bước đi trí tuệ. Công phu giải thoát không một khắc rời khỏi Thiền quán về sự thật Duyên khởi hiển lộ sự thật vô ngã, vô thường và khổ đau của mọi chúng sinh, dập tắt mọi ngã niệm...

Về sau, Bát nhã tông và Duy thức tông tiếp tục giới thiệu công phu Thiền quán ấy. Đây là nét giáo lý rất truyền thống của hầu hết các bộ phái Phật giáo, do vì: dập tắt các ngã tưởng là dập tắt tà kiến, vô minh; dập tắt vô minh là dập tắt Ái, dập tắt khổ đau.

2. Phần giáo lý "lậu hoặc do tri kiến đoạn trừ" nêu rõ 36 tác ý về hữu ngã (cái Tôi) làm dấy khởi dục ái, hữu ái và vô hữu ái dẫn đến sinh tử và khổ não; nhận thức sự thật vô ngã sẽ dập tắt 36 ngã tưởng ấy.

Ba mươi sáu tác ý tà kiến trên là nội dung của "Tập đế", và "tri kiến đoạn trừ" là nội dung của "Diệt đế"; con đường thực hiện "tri kiến đoạn trừ" cho đến thời điểm khổ diệt là nội dung của "Đạo đế".

3. Bản kinh số 2 đã xoáy mạnh vào điểm nhiếp phục các ngã niệm, nhiếp phục chấp thủ, tương tự Phật giáo Phát triển. Nối kết với sự thật Duyên khởi mà Đức Thế Tôn giác ngộ dưới cội bồ đề, chi phần Ái, Thủ luôn luôn cùng có mặt, nhưng tùy duyên mà khi thì Thế Tôn phân tích Thủ, khi thì phân tích Ái, khi thì phân tích Thức. Duy thức thì triển khai chi phần Thức; Bát nhã thì triển khai chi phần Thủ; các kinh Nikàya, A Hàm (Tứ đế) thì nhấn mạnh chi Ái; giáo lý nhân quả thì tập chú đi vào Hành. Như thế rõ là kinh số 1 và kinh số 2 thực sự giới thiệu phần giáo lý rất nền tảng và rất truyền thống của hầu hết các bộ phái Phật giáo, từ đó có thể triển khai ra vô cùng.

4. Về vấn đề sắc thái Thiền định của kinh số 2

Định học, hay 37 phẩm trợ đạo thuộc Đạo đế, được bản kinh giới thiệu qua hai nét tinh yếu của "Trừ diệt đoạn trừ" và "Tu tập đoạn trừ "như sau:

a) "Như lý giác sát" (wisely reflective): dập tắt ngay các dục niệm, sân niệm, hại niệm, các ác niệm, bất thiện niệm khởi lên trong tâm: đây là công phu theo dõi tâm của "Tứ niệm xứ" để đoạn trừ "Ngũ cái". Nói khác đi, công phu niệm xứ này được thực hành để vào đệ nhất Sắc định, có thể vào thẳng đến đệ tứ Sắc định làm nền tảng tốt cho công phu thực hành "Thất giác chi".

b) Tu tập "Thất giác chi": Tiếp tục công phu "Như lý giác sát" là công phu "Như lý tác ý" để lần lượt xả ly Ái, Thủ, thành tựu Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Hỷ, Khinh an, Định và Xả giác chi. Tại đây hành giả sẽ tận trừ dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Trong hai công phu tu tập vừa nêu trên vốn đã hàm ẩn công phu Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực và Bát Thánh đạo. Giới, Định và Tuệ.

Đây là sắc thái rất đặc thù của thiền định Phật giáo, nổi bật nét Thiền quán (Vipassana) mà các bản kinh tiếp theo sẽ triển khai từng phần.

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 69, tháng 12-2001)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005