BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 8

Kinh Đoạn Giảm
(Sallekha Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Đoạn giảm: Sallekha (Expunging): Đoạn trừ, loại trừ.

- Sở kiến (Views) : Cái thấy biết; quan điểm; chủ trương.

- Ngã luận (Theories of the self): Các lý thuyết về linh hồn, về tự ngã, về tiểu ngã.

- Thế giới luận (Theories of the world): Các lý thuyết bàn về thế giới, về nguồn gốc, về bản chất, sự hình thành của thế giới.

- Hiện tại lạc trú: Trú tại bốn cảnh định thuộc Sắc giới (từ đệ nhất Sắc định đến đệ tứ Sắc định) gọi là hiện tại lạc trú.

- Tịch tịnh trú: Trú ở bốn cảnh định của Vô sắc giới gọi là Tịch tịnh trú.

II . NỘI DUNG KINH

1. Bản kinh đã phân biệt ý nghĩa Đoạn giảm (hay đối trị, hoặc khởi tâm, tác ý) thì khác với "Hiện tại lạc trú", khác với "Tịch tịnh trú". Công phu đoạn giảm bao gồm các việc:

a) Chánh quán với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi" để trừ bỏ, xả ly các sở kiến về ngã luận và thế giới luận, vốn thuộc hý luận, không phù hợp với chánh trí.

b) Khởi niệm tác ý đến sự từ bỏ các tâm cấu uế, các tà kiến, tà tư duy... tà định, tà giải thoát, từ bỏ 10 tà nghiệp, 5 triền cái, tà hữu (bạn tà). Tác ý cái chánh để đối trị cái tà cũng gọi là đoạn giảm, cũng gọi là hướng thượng, và cũng gọi là giải thoát khỏi các tà niệm, ác niệm, bất thiện niệm.

Công phu đoạn giảm thật sự là công phu tẩy sạch các tâm cấu uế vậy.

2. Sau công phu tác ý đoạn giảm là công phu hành thiền định để có điều kiện phát triển trí tuệ, hoàn thành phạm hạnh.

III. BÀN THÊM

1. Từ kinh số 1 đến kinh số 7, tại vườn Cấp Cô Độc, Thắng Lâm, thành Xá Vệ, Đức Thế Tôn đã lần lượt chỉ dạy về sự thật như thật của vạn hữu, về các ngõ đường hoàn thành phạm hạnh, về đoạn trừ tâm cấu uế để đi vào đại định và đại tuệ. Nay kinh "Đoạn giảm" mở đầu bước thực hành cụ thể từ bước khởi đầu công phu cho những đệ tử đang đối mặt với tâm mình trước các trói buộc của các sở kiến về ngã luận, thế giới luận, trước các ngăn che bởi "Ngũ cái", các ác niệm, bất thiện niệm.

Con đường chỉ dạy đi từ nhận thức đúng đến hành động hữu hiệu, từ trừu tượng đến cụ thể, thiết thực.

2. Qua tám bản kinh đầu vừa nghiên cứu (Trung Bộ, kinh số 1-8), hành giả đã đón nhận những lời dạy ngát hương giáo dục tâm lý về con đường dẫn đến đích điểm duy nhất: đoạn tận khổ. Ở đây không có chỗ đứng cho các triết lý huyền đàm, hý luận về con người và thế giới ngã tưởng mộng ảo. Ở đây đến để thấy, để tự mình sống, thể nghiệm, tiếp xúc với cái tâm, với con đường như đang tiếp xúc với hơi thở. Đi ra ngoài nếp sống đó là rơi ngay vào thế giới của các kiến trù lâm, hoang vu, kiết phược..., đi vào mênh mang của sinh tử.

Kinh (Suttam) là thế!

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 74, tháng 05-2002)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 07-02-2003