BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 19

Kinh Song Tầm
(Dvedhàvitakka Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Dục tầm: Kàmavitakko (Thought of sense pleasures): Tư duy về dục lạc, về ham muốn sắc, thanh, hương, vị và xúc.

- Sân tầm: Byàpàdavitakko (Thought of malevolence): Tư duy về các đối tượng không ưa, chán ghét.

- Hại tầm: Vihimsàvitakko (Thought of harming): Tư duy về sự gây tổn hại mình và người.

- Vô dục tầm: Nekkhammavitakko (Thought of renunciation): Tư duy về từ bỏ, xả ly.

- Vô sân tầm: Abyàpàdavitakko (Thought of non-malevolence): Tư duy về không chán ghét, không hận, không tức bực.

- Vô hại tầm: Avihimsàvitakko (Thought of non harming): Tư duy về sự không gây tổn hại mình và người.

II. NỘI DUNG BẢN KINH SONG TẦM

1. Tầm, hay tư tưởng, tư duy, là hoạt động của tâm, sinh khởi ngay khi các căn tiếp xúc các trần. Các tưởng ấy được chia làm hai loại:

a) Loại thứ nhất là dục tầm, dục tưởng, sân tầm và hại tầm đưa đến các hành động của thân và khẩu hại mình, hại người, gây nên phiền não tiêu diệt trí tuệ.

b) Loại thứ hai là ly dục tầm, vô sân tầm, vô hại tầm không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không gây ra phiền não, tăng trưởng trí tuệ hướng đến Niết bàn.

Hành giả an trú vào loại tưởng thứ hai thì loại tưởng thứ nhất sẽ tiêu biến. Quán sát sự nguy hiểm của loại tầm thứ nhất, thì loại tầm ấy cũng tiêu biến.

2. Như có một hồ nước lớn rất sâu, rất nguy hiểm ở rừng thẳm; cạnh hồ là trú xứ của một đàn nai. Nếu chỉ mở một lối đi đầy nguy hiểm dẫn đến hồ nước, và khép lại các nẻo an toàn khác, thì đàn nai sẽ chết, hao mòn dần. Cũng thế, nếu thường khởi dục, sân, hại tầm thì trí tuệ sẽ yếu dần khi phiền não lớn dần.

Nếu chỉ mở một lối đi an toàn tránh hồ nước, và khép lại các nẻo hiểm, thì đàn nai sẽ an toàn và phát triển. Cũng thế, nếu chỉ khởi lên ly dục tầm, vô sân tầm, vô hại tầm và dập tắt các dục tưởng, thì trí tuệ sẽ phát triển hướng về Niết bàn.

Đây cũng là một pháp môn theo dõi các tưởng, các tầm rất giản dị. Hành giả có thể thực hành bên một gốc cây, tại một căn nhà trống ở một khu rừng vắng.

III. BÀN THÊM

1. Tổng kết từ kinh số 1 đến kinh số 19, tất cả đều giới thiệu con đường phạm hạnh xoáy vào các bước thực hành Giới, Định, Tuệ, dù thể cách trình bày khác nhau. Hành giả thực hành theo trình tự:

a) An trú giới và nỗ lực loại trừ các cấu uế của tâm, với bước đi này kinh Song Tầm giới thiệu loại bỏ dục tầm, sân tầm và hại tầm. Loại bỏ ba loại tầm này là loại bỏ "Ngũ triền cái", chuyển đổi tâm lý từ Dục giới tâm qua Sắc giới tâm.

b) Bước đi tiếp theo là an trú "Hiện tại lạc trú", lần lượt loại tầm, tứ, hỷ, lạc để vào xả và nhất tâm của đệ tứ Sắc định, thành tựu chánh định.

c) Hai bước thực hành trên là chuẩn bị nền tảng tâm và tuệ để thành tựu bước đi quyết định của giải thoát: Thiền quán, dẫn tâm vào "Tam minh", cắt đứt các kiết sử, lậu hoặc, đoạn tận khổ đau.

2. Công việc độ tha của hành giả đến sau thời điểm thành tựu phạm hạnh là tích cực và thuận pháp. Hành giả không thể giúp người khác tẩy sạch trần tâm giữa khi tự mình đang mang nặng trần tâm; không thể giúp người khác an trú "Hiện tại lạc trú" hay "Tịch tịnh trú" giữa khi tự mình đang vướng mắc vào tham ái các cảm thọ; càng không thể giúp người khác thực hiện Thiền quán vô ngã hay "Tứ vô lượng tâm" giữa khi tự mình đang bị chế ngự bởi lòng tham ái cõi Hữu.

3. Với vị A la hán đã tận trừ ái, thủ, đắc "Tam minh" hay "Lục thông", còn ở lại đời để giáo hóa độ sinh, thì các Phật sự của Người hầu như đang thể hiện các Ba la mật của một Đại Bồ tát, theo giáo lý Phát triển:

* Sự kham nhẫn độ sinh là ý nghĩa Nhẫn nhục ba la mật.
* Giảng dạy "Con đường" là ý nghĩa Bố thí ba la mật.
* An trú Giới bổn là ý nghĩa Trì giới ba la mật.
* Hiện tại lạc trú hay Tịch tịnh trú, là ý nghĩa Thiền định Ba la mật.
* Nỗ lực hoằng đạo là ý nghĩa Tinh tấn Ba la mật.
* Tự thân đã chứng đắc tuệ giải thoát là ý nghĩa Trí tuệ Ba la mật.

- Trong hàng A la hán, có vị thì đệ nhất trí tuệ, có vị thì đệ nhất thiền định, đệ nhất thần thông, đệ nhất đa văn... sự kiện này nêu bật ý nghĩa các vị A la hán đều chứng đắc giải thoát thân Vimutikàya, nhưng còn một khoảng cách nào ấy đến Pháp thân - Dhammakàya.

- Với các bậc A la hán đại tuệ, đệ nhất thuyết pháp, hay đệ nhất giảng rộng, có khả năng diễn pháp thiện xảo cho nhiều hạng căn cơ thì hầu như tương ưng với hàng Đại Bồ tát Thiện huệ địa và Pháp vân địa.

- Có một khác biệt nổi bật giữa sinh hoạt của các Thánh vô học, đệ tử Đức Phật, và của các Đại Bồ tát theo giáo lý Phát triển là: Các Thánh A la hán thì an trú nếp sống viễn ly, dù vẫn du hành trong dân gian để khất thực độ sinh, trong khi các Đại Bồ tát thì khéo hòa nhập vào nhiều sinh hoạt thế gian để hóa độ.

Trên đây chỉ là vài nét điểm xuyết đối chiếu giữa quả vị A la hán và Bồ tát. Sự đối chiếu nghiêm túc cần được thể hiện qua một tác phẩm biên khảo công phu .

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 80, tháng 11-2002)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 07-02-2003