BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 21

Kinh Ví Dụ Cái Cưa
(Kakacùpama Sutta)
Lesser Discourse On The Parable Of The Saw

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Từ ngữ quen thuộc đã được cắt nghĩa trong các kinh trước).

II. NỘI DUNG KINH VÍ DỤ CÁI CƯA

1. Trong sinh hoạt thường nhật của Tăng-già, thỉnh thoảng xảy ra vài vụ cãi vã, bất hòa do nhiều lý do, điển hình là trường hợp sai phạm của Tôn giả Phaggunamoliya được nêu ra trong kinh số 21 nầy: Tôn giả Phaggunamoliya thiết lập mối quan hệ với các Tỷ-kheo-ni vượt quá mức cho phép, trở nên rất phẫn nộ trước những ai chỉ trích các Tỷ-kheo-ni ấy.

Để xây dựng một nếp sống tập thể thống lý, hòa điệu, đức Thế Tôn đã dạy "sáu phép hoà kính", kiết tập ở kinh Kosambiya số 48, trên cơ sở thực hành lòng Từ Vô lượng để dập tắt dục, sân, các cấu uế của tâm. Kinh số 21 thì nhắc nhở Tăng, Ni thường khởi niệm:"Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm! Mong rằng ta sẽ không nói lời ác ngữ! Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận!"

2. Trong xử sự hằng ngày Tăng, Ni cần phải giác tỉnh chế ngự khẩu nghiệp, xử dụng năm thứ ngôn ngữ đúng pháp: nói đúng thời; nói lời chân thật; nói lời nhu nhuyến; nói lời có ích, và nói với tâm từ bi, ngay cả lúc giáp mặt với những lời nói xúc phạm, cử chỉ thô ác đối với mình và đối với các đồng phạm hạnh; cả khi chứng kiến một người dùng cái cưa hai lưỡi đang cưa tay, chân của đồng phạm hạnh, tâm cũng không được sân hận, biến nhiễm.

III. BÀN THÊM

1. Từ kinh số 21 đến kinh số 30, đức Thế Tôn đã xử dụng nhiều ảnh dụ để minh họa các lời dạy của Thế Tôn giúp người nghe dễ nhận, dễ hiểu và dễ nhớ nhờ các ấn tượng khó quên.

2. Kinh Ví Dụ Cái Cưa nêu ra và giải quyết theo Pháp luật của bậc Thánh trường hợp sai phạm của một Tỷ kheo "khó nói" đối với các đồng phạm hạnh: trường hợp điển hình của Tôn giả Phaggunamoliya qua mối liên hệ với các Tỷ-kheo-ni vượt quá mức độ cho phép. Đây không phải là trường hợp thường xảy ra dưới thời Thế Tôn, nhưng xem ra khá phổ biến trong Giáo Hội Tăng Già trong thời đại ngày nay.

3. Vị Tỷ kheo giữ tâm không sân hận, biến nhiễm trước những xúc phạm và trước các cử chỉ nghịch ý, thô ác là để "tự chiến thắng mình", chiến thắng các tâm cấu uế để thực hiện mục tiêu phạm hạnh.

4. Thái độ sống chân chính của một Tỷ kheo, Tỷ-kheo-ni là thái độ từ bi đối với các đồng phạm hạnh, và đối với mọi người, qua kinh 21. Đây là thái độ sống được các Giáo Hội Tăng Già trân trọng giữ gìn cho đến ngày nay đã được người đời ghi nhận. Thế nên, người đời gọi cửa chùa là cửa "Từ bi"

-ooOoo-

 Source: Người Cư Sĩ, France, https://cusi2.free.fr


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005