BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 24

Kinh Trạm xe
(Rathanvinta Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Tự mình thiểu dục: Attanà ca appiccho (Desiring little for himself): Muốn ít cho tự thân, hay tự thân muốn ít.

- Tự mình tri túc: Attanà ca santuttho (Being content for himself): Biết đủ. Bằng lòng về những gì mình đang có, đang là.

- Tự mình độc cư: Attanà ca pavivitto (Being aloof himself): Sống một mình ở nơi xa vắng.

- Tự mình không ưa thích hội chúng: Attàna ca asamsattho (Being not sociable himself): Không tụ họp ăn uống, nghe, nhìn, nói chuyện.

- Tự mình tinh cần: Attanà ca àraddhaviriyo (One of stirred up energy): Tự nỗ lực liên tục.

- Tự mình thành tụu giới hạnh: Attanà ca sìlasampanno (One who is himself endowed with moral habit): Tự giữ giới thành tựu, thanh tịnh.

- Tự mình thành tựu định: Attanà ca samàdhi sampanno (One who is himself endowed with concentration): Thành tựu Định uẩn; thành tựu tứ Sắc định, hay tứ Sắc và tứ Không định.

- Tự mình thành tựu trí tuệ : Attanà ca paddàsampanno (One who is endowed with intuitive wisdom) : Thành tựu trí tuệ hữu học thấy rõ sự thật như thật của các hiện hữu.

- Tự mình thành tựu giải thoát: Attanà ca vimuttisampanno (One who is himself endowed with freedom): Thành tựu tâm giải thoát cắt đứt các kiết sử.

- Tự mình thành tựu tri kiến giải thoát: Attanà ca vimuttidanadassanasampanno (One who is himself endowed with the knowledge and vision of wisdom): Thành tựu trí tuệ thấy biết mình đã giải thoát.

1. Giới thanh tịnh: Sìla visuddhi (Purity of moral habit): Giữ trọn thanh tịnh 5 giới, 10 giới, Bát quan trai giới, 250/225 giới hoặc 350 giới.

2. Tâm thanh tịnh: Citta visudhi (Purity of mind): Nhiếp phục hết các tâm cấu uế và chứng đắc đến đệ tứ Sắc định (thành tụu Định uẩn). Với hành giả hành Thiền quán, có thể chỉ cần an trú đệ nhất Sắc định.

3. Kiến thanh tịnh: Ditthi visudhi (Purity of view) Thấy sự thật của các hiện hữu rằng: Cái gọi là Ta và thế giới chỉ là một quá trình vận hành tâm lý và vật lý quyện vào nhau. Không thấy có một tự ngã nào hiện hữu cả.

4. Đoạn nghi thanh tịnh (hay Thanh tịnh thắng vượt nghi ngờ): Kankhàvitarana visudhi (Purity through crossing over doubt): Thấy rõ quá trình tâm lý và vật lý tự phô bày sự thật Duyên khởi, sự tồn tại và sự tan rã của các cảm thọ, các tưởng... Bấy giờ hành giả cảm thọ an lạc tràn ngập thân tâm, dứt nghi tâm.

5. Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh: Maggàmaggadànadassana visudhi (Purity of knowledge and insight into the way and what is not the way): Tại đây, hành giả biết rõ các cảm thọ hỉ, lạc đều là chướng ngại cho sự phát triển trí tuệ rộng lớn, liền giác tỉnh rồi khởi cảm thọ. Đây gọi là đắc được trí biết rõ cái gì là Đạo và cái gì là chướng đạo (hay Phi đạo). Bấy giờ hành giả tự mình biết chắc rằng, cảm nhận rằng: giờ ta mới thực sự hạnh phúc.

6. Đạo tri kiến thanh tịnh: Patipadaìànadassana visuddhi (Purity of knowledge and insight into the course): Hành giả, tại đây thấy rất rõ quá trình thực hành, tu tập; thấy rõ hiện tượng tan rã của các quá trình thân và tâm, thấy không có gì hiện hữu nữa (tương đương định Vô sở hữu). Hành giả cảm nhận in như mất thiền quán (vì mất đối tượng thiền quán) các đối tượng chú tâm đều tan rã. Thấy rõ ba pháp ấn: khổ, vô thường, vô ngã.

7. Tri kiến thanh tịnh: Dàịadassa visudhi (Purity arising from knowledge and insight): Thanh tịnh do thấy và biết. Hành giả đi vào các Thánh quả (Thánh đạo và Thánh quả) đi đến thành tựu Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát Thánh đạo.

8. Vô thủ trước Niết bàn: Anupàdà parinibbàna (Nibbàna without attachment): Niết bàn của không chấp thủ: An trú vào định Vô thủ trước làm Niết bàn (tịch diệt) .

II. NỘI DUNG KINH TRẠM XE

1. Đức Thế Tôn xác định một vị Tỷ kheo được tập thể các đồng phạm hạnh tán thán, xứng đáng là vị giáo giới, vị khai thị, vị trình bày, vị khích lệ, vị làm cho phấn khởi, vị làm cho đồng phạm hạnh hoan hỷ, là vị đã đạt các thành tựu như sau:

- Thiểu dục, tri túc, độc cư, không ưa thích hội chúng và tinh tấn.
- Thành tựu Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Tri kiến giải thoát đồng thời nhiệt tâm giúp các đồng phạm hạnh cũng thành tựu như thế.

Đó là những công phu giải thoát mà một vị Tỷ kheo chân chính, trí tuệ phải thực hiện. Theo trình tự các thành tựu ấy vạch mở thành lộ trình giải thoát truyền thống của ba đời chư Phật.

2. Mẩu đàm đạo giữa hai Đại Tôn giả Xá Lợi Phất và Mãn Từ Tử cũng chuyên chở nội dung thành tựu trên, nhưng xoáy mạnh vào Giới, Định, Tuệ, bảy bước thành tựu trước khi vào Vô thủ trước Niết bàn, bao gồm:

1) Giới thanh tịnh
2) Tâm thanh tịnh
3) Kiến thanh tịnh
4) Đoạn nghi thanh tịnh
5) Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh
6) Đạo tri kiến thanh tịnh
7) Tri kiến thanh tịnh

8) Vô thủ trước Niết bàn

3. Tôn giả Mãn Từ Tử nêu lên cuộc du hành của vua Pasenadi đi từ Sàvathì đến Sàketa, trải qua bảy trạm nghỉ chân, trước khi vào thành Sàketa, để ví dụ cho lộ trình giải thoát đi qua bảy bước thành tựu trước khi vào Vô thủ trước Niết bàn.

Mục tiêu chỗ đến của vua Pasenadi là Sàketa, không phải là các trạm dừng chân. Cũng thế, mục tiêu của đời sống phạm hạnh là Vô thủ trước Niết bàn, mà không phải là Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh..., Tri kiến thanh tịnh.

Bước đi không phải là nơi đến. Nhưng mỗi bước đi đều cần thiết cho sự thành tựu nơi đến.

III. BÀN THÊM

1. Kinh Trạm Xe không bàn đến pháp hành, mà chỉ giới thiệu các nét cương yếu về lộ trình dẫn đến mục tiêu phạm hạnh.

Như chiếc xe và các trạm nghỉ dừng chân chỉ là phương tiện để vua Pasenadi đến Sàketa; cũng vậy, các hạnh thiểu dục, tri túc..., và các thành tựu Giới, Định, Tuệ, cho đến điểm tri kiến thanh tịnh, chỉ là phương tiện để hành giả đến Vô thủ trước Niết bàn.

2. Như vua Pasenadi đi trên lộ trình "từ bỏ các trạm dừng chân" để đến Sàketa, cũng vậy, hành giả luôn luôn di chuyển trên lộ trình tâm lý với ý hướng từ bỏ, xả ly các thành tựu để đến đích sau cùng: Vô thủ trước Niết bàn. Ở đây, cũng hàm chứa ý nghĩa "Pháp thượng ưng xả" trong kinh Xà Dụ. Đây là quê hương của chân lý và hạnh phúc của vô lượng kiếp tìm kíếm của bao nhiêu vùng văn hóa!

3. Trong bản kinh Trạm Xe, ngoài nội dung giáo lý, toát lên hai điểm truyền thống cần cho các nhà nghiên cứu Phật học, đặc biệt là nghiên cứu truyền thống trong Kinh tạng Nikàya:

- Điểm thứ nhất: Tôn giả Mãn Từ Tử tán thán Tôn giả Xá Lợi Phất với lời tán thán đặc biệt. Khó tìm thấy ở các bản kinh Nikàya, A Hàm và Phát triển, rằng: "Tôi đang luận bàn với bậc đệ tử được xem là ngang hàng với Bậc Đạo Sư mà không được biết là Tôn giả Sàriputta". Thế là kinh đã tiết lộ Tôn giả Xá Lợi Phất ở cận kề quả vị Phật, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây hẳn là thời điểm gần thời điểm nhập Vô dư y Niết bàn của Tôn giả Xá Lợi Phất vào cuối cuộc đời. Đây cũng là điểm xác nhận Tôn giả Xá Lợi Phất đã vượt qua giới hạn của một A la hán Thanh văn đệ tử.

- Điểm thứ hai: Tôn giả Mãn Từ Tử là bậc A la hán mà sinh thời không vận dụng tha tâm thông để nhận ra người đang đối thoại là Tôn giả Xá Lợi Phất, mãi cho đến khi phát hiện được đại tuệ biểu hiện qua các câu hỏi và câu trả lời của Tôn giả và được nghe chính Tôn giả Xá Lợi Phất tự giới thiệu tên mình. Cho hay, cảnh giới Vô thủ trước Niết bàn đã để lại sau lưng cái nội dung gọi là tâm thanh tịnh, giải thoát, và tri kiến thanh tịnh. Còn biết bao nhiêu ý nghĩa khác hàm ẩn trong sự kiện này mà các ngành nghiên cứu có thể phát hiện!

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 83, 02-2003)

Chân thành cám ơn anh Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005