BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 27

Tiểu kinh Dấu Chân Voi
(Culahatthipadopama Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ đã trở nên quen thuộc đối với người đọc).

II. NỘI DUNG KINH DẤU CHÂN VOI

Một số quan điểm tán thán Như Lai và trí tuệ giải thoát của Như Lai mà kinh ngắn Dấu Chân Voi ghi lại, tiêu biểu là:

1. Du sĩ Vacchàyana tán thán: "Này Tôn giả (Jànussoni) tôi là ai mà có thể tán thán Sa môn Gotama, Bậc Tối thượng được tán thán trong các Bậc được tán thán, Bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người".

Du sĩ Vacchàyana chỉ có thể tán thán Thế Tôn gián tiếp qua sự chứng kiến các nhà bác học lỗi lạc thuộc hàng quý tộc, lãnh đạo và thường dân đã quy ngưỡng Thế Tôn, như chỉ phỏng đoán có một con voi lớn đi qua khi thấy các dấu chân voi để lại.

2. Một số nhà bác học gia chủ sau khi nghe Đức Thế Tôn giảng Pháp, đã chân chính xuất gia, tinh cần tu tập và thành tựu phạm hạnh. Các vị này khi chứng ngộ giải thoát đã thốt lên: "Thực sự chúng ta gần bại vong, hoại diệt. Xưa kia chúng ta không phải là Sa môn lại tự xem là Sa môn, không phải là hàng Bà la môn lại tự xem là Bà la môn, không phải là A la hán lại tự xem là A la hán. Nay chúng ta mới thực sự là Sa môn. Nay chúng ta mới thực sự là Bà la môn. Nay chúng ta mới thực sự là A la hán. Và Thế Tôn là Bậc Chánh Đẳng Giác".

Đức Thế Tôn dạy Bà la môn Jànussoni về sự việc như thế nào là phán đoán chính xác về sự có mặt của một con voi đực lớn, qua dấu chân voi được mục kích, qua dấu chân để lại trên mặt đất, cộng với sự kết hợp của ngà voi lớn để lại trên các thân cây, cành, lá, men theo các dấu vết ấy cho đến khi thật sự trông thấy con voi đực lớn xuất hiện trước mắt. Cũng thế, qua kết quả thành tựu Giới học, Định học, Tuệ học của hàng Tỷ kheo, vẫn chưa nhận ra sự xuất hiện của Như Lai, cho đến khi tự mình đoạn tận lậu hoặc, thấy rõ con đường đưa đến sự đoạn tận lậu hoặc, lúc đó mới có thể nhận ra các dấu vết để lại của Như Lai. Như Lai là Bậc Chánh Đẳng Giác

III. BÀN THÊM

1. Về giá trị thiết thực, trí tuệ và giải thoát của giáo lý Phật giáo, người đời, các nhà nghiên cứu, ... chỉ có thể thể nhận được một phần nhỏ qua sự nghe một bậc đệ tử Phật có trí tuệ thuyết giảng, qua sự đọc một số công trình Phật học được biên khảo có giá trị, qua các buổi thảo luận của các nhà Phật học và qua sự trầm tư của cá nhân, hoặc qua sự chứng kiến có nhiều nhà khoa học, bác học thời danh tán thán Phật giáo.

Sự thể nhận, đánh giá này tương tự nhận xét, đánh giá của du sĩ Vacchàyana trong kinh ngắn Dấu Chân Voi.

2. Sự nhận định, đánh giá giá trị của giáo lý Phật giáo trở nên sâu sắc hơn, thiết thực hơn và chính xác hơn qua sự thể nghiệm của chính tự thân của người tu tập thành tựu Giới học, Định học, Hiện tại lạc trú và Tịch tịnh trú. Càng sâu sắc và chính xác hơn qua sự tu tập thành tựu Tuệ học. Sự đánh giá đúng hơn nữa là sau khi tự mình đoạn trừ xong hết thảy dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đắc quả A la hán.

3. Sự đánh giá chân thật và chính xác, như thật chỉ xảy ra với vị chứng đắc Vô thủ trước Niết bàn, chứng đắc quả vị giác ngộ tối thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

4. Đối với trí tuệ toàn giác của Đức Thế Tôn cũng thế, chỉ có Phật mới hiểu được Phật, hiểu được thực chất của trí tuệ toàn giác. Do vậy, các nhà nghiên cứu Phật học nên biết tự giới hạn công tác khảo cứu của mình trong lĩnh vực kinh nghiệm giới hạn của tự thân, không nên đi xa vào việc khảo cứu, bàn luận về Niết bàn, chân như, Phật trí khi mà tâm mình còn đầy lậu hoặc và khi mà ngôn ngữ khái niệm không thể chuyên chở được thực tại như thật vốn siêu lý luận, siêu ngôn ngữ.

Đây là một số cảm nhận khi đọc kinh ngắn Dấu Chân Voi. Phật giáo là một nếp sống, con đuờng sống đến để thể nghiệm, mà không phải đến để bàn luận.

-ooOoo-

(Nguyệt san Giác Ngộ, số  84,03-2003)

Chân thành cám ơn anh Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2003)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 04-04-2003