BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 29 & 30

Kinh Ví dụ Lõi cây

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Đại Kinh VÍ DỤ LÕI CÂY

(Kinh số 29: Mahàsàropamasuttam - Greater Discourse On The Simile Of The Pith)

-ooOoo-

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Devadata (Đề Bà Đạt Đa): Tôn giả Đề Bà Đạt Đa, theo tài liệu thuộc văn học Pàli, là một hoàng thân xuất gia. Tôn giả tu tập thành tựu Định uẩn, có các thần thông. Về sau khởi ý tham liên kết với Thái tử Ajàtasattu (A Xà Thế) phế vua cha là Bimbisàra (Tần Bà Sa La) thoán ngôi. Tôn giả dựa vào thế lực của vua A Xà Thế yêu cầu Đức Phật trao Giáo hội Tăng già cho Tôn giả lãnh đạo. Đức Phật từ chối yêu cầu của Tôn giả. Tôn giả dẫn theo 500 vị Tỷ kheo đến Gayàsìra, núi Kênh Kênh, tách khỏi Giáo hội. Về sau, các Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã chỉ rõ sai lầm, phi pháp của Tôn giả Đề Bà Đạt Đa và thuyết phục được 500 Tỷ kheo kia về với Giáo hội.

Tôn giả Đề Bà Đạt Đa rất ân hận về việc làm sai trái của mình, định đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, cầu sám hối, nhưng không còn kịp nữa; Tôn giả bị đất rút chết. Nay tại chỗ đất rút vẫn còn để lại dấu tích không có cỏ mọc, cỏ không thể mọc.

Đây là sự kiện "phá hòa hiệp Tăng" lớn nhất do Tôn giả Đề Bà Đạt Đa gây ra.

- Thời giải thoát: Samayavimokkha: (Release as to things of time): Chỉ là kết quả giải thoát khỏi các pháp thế gian, chưa bất động; nếu thiếu giác tỉnh và tinh cần, có thể thối chuyển.

- Phi thời giải thoát: (Asamaya as to things that are timeless): Giải thoát khỏi các pháp vượt khỏi thời gian, tâm bất động và trở nên bất thối chuyển.

- Tâm giải thoát bất động: Akuppà cetovimutti: (Unshakable freedom of mind): Sớ giải: đây là quả vị A la hán (Tâm đã tận trừ tất cả lậu hoặc).

II. NỘI DUNG ĐẠI KINH VÍ DỤ LÕI CÂY

1. Nhân sự kiện Tôn giả Devadatta sau khi tu tập thành tựu Định uẩn, không tiếp tục mục tiêu phạm hạnh, từ bỏ chúng Tăng vì danh vọng và sự tôn kính, lợi dưỡng, Đức Thế Tôn giảng dạy kinh dài Ví Dụ Lõi Cây (số 29).

2. Con đường xuất thế trải qua nhiều bước thành tựu. Mỗi bước thành tựu có đem lại niềm vui, niềm tự hãnh cho hành giả. Danh vọng và lợi dưỡng cũng theo đó mà đến nhiều hơn. Nếu thiếu giác tỉnh và thiếu nỗ lực đi tới thì hành giả sẽ rơi vào sai lầm, không thể thành tựu phạm hạnh mà còn có thể sa đọa.

1) Bước đầu từ bỏ gia đình, xuất gia tu hành...
2) Bước thành tựu Giới uẩn...
3) Bước thành tựu Định uẩn...
4) Bước thành tựu tri kiến...
5) Bước thành tựu "thời giải thoát"...
6) Bước thành tựu "Phi thời giải thoát"...

Năm bước thành tựu đầu, nếu hành giả tự hãnh thì sẽ rơi vào vòng danh vọng, lợi dưỡng và thối chuyển. Chỉ có bước thành tựu thứ sáu. "Phi thời giải thoát" thì bất thối chuyển, sẽ tiếp thành tựu bước đi cuối cùng là "Tâm giải thoát bất động" (A la hán vị).

3. Đức Thế Tôn ví các bước giải thoát đầu theo thứ tự là cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong và giác cây; chỉ có bước giải thoát thành tựu phạm hạnh là lõi cây. Như người đi đến cây để tìm về lõi cây, cũng thế, người xuất gia là cầu tìm "Tâm bất động giải thoát".

III. BÀN THÊM

1. Danh vọng, lợi dưỡng, lời khen ngợi, lời tán thán là những gì rất hấp dẫn con người, dẫn dắt con người vào hưởng thụ, phóng dật, khen mình, chê người, gây chia rẽ tập thể, phá hòa hợp Tăng. Hiện tượng "tha hóa" này đã xảy ra ở mức độ trầm trọng trong Giáo hội dưới sự lãnh đạo của Thế Tôn. Hiện tượng ấy trở nên khá phổ biến trong thời đại ngày nay. Đức Phật đã giảng dạy nếp sống "lục hoà" và chế pháp "Thất diệt tránh" để ngăn ngừa. Nhưng tâm lý trần thế ấy, hiện tượng "tha hóa" ấy vẫn luôn luôn là mối ưu tư đối với các tâm hồn giải thoát. Vì thế, Đức Thế Tôn đã dạy thêm kinh dài và kinh ngắn Ví Dụ Lõi Cây để nhắc nhở chúng Tăng.

2. Hướng giáo dục Phật giáo chân chính, qua bản kinh dài Ví Dụ Lõi Cây là hướng giáo dục phát triển Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Tri kiến giải thoát. Song song với việc trao truyền kiến thức, hướng dẫn tu trì, hướng giáo dục ấy cần luôn nhắc nhở, khích lệ, đánh thức Tăng, Ni giữ chặt mục tiêu phạm hạnh, và nắm chặt tâm lý hướng về mục tiêu ấy. Nếu cần khen ngợi, tán thán thì chỉ tán thán các thái độ sống, các nếp sống thiểu dục, tri túc, viễn ly, tán thán thái độ khiêm tốn, tinh cần, tùy hỷ.

Bản kinh số 29 quả là đã đánh thức dậy trong tâm các nhà giáo dục Phật giáo niềm thao thức của hằng thiên niên kỷ.

Bài viết này cũng đã khép lại trang kinh với nỗi u hoài ấy...


Tiểu kinh VÍ DỤ LÕI CÂY

(Kinh số 30: Cùlasàropamasuttam - Lesser Discourse On The Simile of The Pith)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Giới thiệu vài nét về Lục sư ngoại đạo Purana Kassapa, Makkhali-Gosalà, Ajita Kesa-Kumbala, Pakudha Kàtyayana, Sanjaya Belatthaputta, và Nigantha Nàtaputta, và các chủ trương của lục sư ngoại đạo:

1. Purana Kassapa: Ông là nhà khổ hạnh lõa thể, chết năm 572 trước Tây lịch.

Theo kinh Phạm Võng, Trường Bộ kinh I, chủ thuyết của ông gọi Phi nghiệp hay Vô nhân - Akiriyavàda hay Ahetuvàda. Theo ông, khi một người hành động hay khiến người khác hành động, thì không phải linh hồn hành động hay khiến người khác hành động. Linh hồn thực sự vô hành, ở ngoài kết quả của nghiệp thiện, ác. Thực tại cũng ở ngoài thiện, ác.

2. Makkhali-Gosàla: Theo kinh Sa Môn Qua, lý thuyết của ông là "Luân hồi tịnh hóa" (Samsàra-suddhi). Theo lý thuyết này, tất cả các người phàm, trí theo thời gian luân hồi, sẽ chuyển hóa đi đến chỗ toàn thiện.

3. Ajita Kesa-Kambala: Chủ trương duy vật. Có thể nói là chủ trương đoạn diệt luận: Cá nhân chết là hết. Khi chết các nội đại trở về với các ngoại đại - đất, nước, gió, lửa; các căn trở về hư không.

4. Pakudha Kàtyayana: Chủ trương lý thuyết bảy phạm trù. Theo ông, không có hành động giết, nghe, biết, giảng dạy trong thực tế. Chỉ có hành động tách rời các đại. Khi một người chặt đôi một cái đầu với thanh gươm, thực sự không có giết chết một người, mà chỉ có sự việc thanh gươm đi vào giữa bảy yếu tố.

5. Saijaya Belatthaputta: Ông được xem là vị nổi tiếng nhất chủ trương Hoài nghi thuyết. Học thuyết của ông được hiểu là "Bất khả tri luận" (Agnostics), hay Hoài nghi luận (Sceptics), học thuyết "Trườn uốn con lươn" (Eel Wrigglers). Tôn giả Sàriputta là môn đệ của ông trước khi quy hướng Đức Phật và trở thành vị Tướng quân Chánh pháp.

6. Nigantha Nàtaputta: Học thuyết của phái Ni Kiền Tử này, theo kinh Sa Môn Quả, Trường Bộ kinh I, là chủ trương "bốn tự chế", nhờ bốn tự chế (xem Sa Môn Quả) này mà Ni Kiền Tử tự chủ và toàn thiện.

II. NỘI DUNG TIỂU KINH VÍ DỤ LÕI CÂY

1. Như phần giới thiệu điểm xuyết trên về sáu học thuyết của lục sư ngoại đạo, đó là các tà thuyết, tà kiến. Do đó mà các giáo chủ ngoại đạo không bao giờ có thể là các Bậc Chánh Đẳng Giác, hay Nhất Thiết Trí được. Thế nên, Bà la môn Pingalakoccha sau khi nghe các vị giáo chủ ấy tự xưng chứng Nhất Thiết Trí đâm ra ngờ vực, đến bạch hỏi Thế Tôn sự thật.

Đức Thế Tôn tế nhị không trả lời thẳng câu hỏi của Pingalakoccha, mà chỉ nói lên kinh ngắn Ví Dụ Lõi Cây giới thiệu toàn bộ lộ trình giải thoát như Pháp cho đến quả vị giải thoát sau cùng: "Bất động giải thoát tâm", gián tiếp xác định rằng: Ai đã đi suốt lộ trình giải thoát, ai đã vạch ra trọn lộ trình giải thoát ấy mới là Bậc Nhất Thiết Trí - chỉ có Bậc Nhất Thiết Trí mới có thể chuyển vận bánh xe Pháp.

2. Các bước đi giải thoát, cơ bản là tương tự phần giới thiệu ở kinh dài Ví Dụ Lõi Cây. Tuy nhiên, kinh số 30 này có sự trình bày lộ trình giải thoát rất đặc biệt như được trình bày dưới đây;

1) Thành tựu Giới.
2) Thành tựu Định.
3) Thành tựu Tri kiến.
4) Thành tựu Sơ thiền Sắc giới (Phật giáo).
5) Thành tựu Nhị thiền Sắc giới (Phật giáo).
6) Thành tựu Tam thiền Sắc giới (Phật giáo).
7) Thành tựu Tứ thiền Sắc giới (Phật giáo).
8) Thành tựu Không vô biên xứ (Phật giáo).
9) Thành tựu Thức vô biên xứ (Phật giáo).
10) Thành tựu Vô sở hữu xứ (Phật giáo).
11) Thành tựu Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Phật giáo).
12) Thành tựu Diệt thọ tưởng định (Phật giáo).

Chính chứng Diệt thọ tưởng định là an trú Tâm giải thoát bất động, thành tựu mục đích phạm hạnh.

Cần phân biệt ý nghĩa thành tựu Định (điểm 2) ở trên chỉ là sự thành tựu sức mạnh tập trung (samatha) của ngoại đạo, hay ngoại đạo thường thực hiện; riêng từ Sơ thiền Sắc định đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định cũng là ý nghĩa thành tựu định, nhưng đây là Định uẩn của Phật giáo vốn có mặt trí tuệ tẩy trừ cấu uế tâm, tẩy trừ tham ái và xả các nội thọ (không trước dính nội thọ). Phần Thiền định Phật giáo có nét đặc thù, không tìm thấy ở ngoại đạo, là Thiền quán, tuệ quán (Vipassana). Nhờ sự phát triển trí tuệ mới có thể chứng đắc Diệt thọ tưởng định là định ở ngoài kinh nghiệm của ngoại đạo.

Không có trí tuệ về sự thật như thật, và không chứng đắc Diệt thọ tưởng định thì không bao giờ có thể tự xưng là Nhất Thiết Trí. Đây là câu trả lời cho câu hỏi của Bà la môn Pingalakoccha.

III. BÀN THÊM

1. Bà la môn Pingalakoccha là một trí thức thời Đức Phật, sau khi nghe kinh ngắn Ví Dụ Lõi Cây đã thấy được "dấu chân voi", dấu chân của Bậc "Nhất Thiết Trí", đã nhận ra Thế Tôn là Bậc Chánh Đẳng Giác duy nhất ở đời và đã quy y Bậc Đạo Sư, trọn đời quy ngưỡng.

Sắc thái đặc thù của những ai thực hiện đúng con đường giải thoát của Phật giáo là trung thành với trí tuệ Vô ngã, không chấp thủ các sở đắc, các tri kiến, hoàn toàn thực hiện ly tham ái đối với bất cứ hiện hữu nào ở đời, giữa khi ngoại đạo thì đắm trước các thành quả của Giới, Định và các tri kiến, đắm trước tự ngã. Do không đắm trước mọi hiện hữu, mọi thành quả tu tập, Đức Thế Tôn, và các đệ tử của Ngài, đoạn trừ hết các sinh y, lậu hoặc, chứng đắc "Bất động tâm giải thoát", giác ngộ, Niết bàn.

2. Diệt thọ tưởng định là định khi an trú thì thọ, tưởng uẩn bị diệt, hay ngũ uẩn diệt-không hoạt động; ngũ uẩn diệt tức khổ diệt: đây là thành tựu của phạm hạnh.

3. Đọc xong bản kinh 30, tên gọi "Lõi Cây" còn để lại âm hưởng bên tai; hình ảnh lõi cây hiện rõ trong tâm như đang thầm nói với hành giả rằng: thật là vô lý nếu người tu dừng lại ở bất cứ thành tựu nào của công phu trên đường về! Thật là ngớ ngẩn nếu người đi tìm lõi cây lại đem về các cành lá, vỏ cây và giác cây! Thật là vô minh, nếu người khát vọng chân lý và hạnh phúc lại tham trước tham ái, và các đối tượng tham ái, tham trước tiếng tăm và lợi dưỡng!

Sứ mệnh của đệ tử Thế Tôn là tìm về "Bất động tâm giải thoát", và giúp những người khác tìm về.

-ooOoo-

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 85-2003)

Chân thành cám ơn anh Pháp Đăng đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005