BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Kinh số 31 & 32

Kinh Rừng Sừng Bò

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Kinh số 31
Kinh Ngắn: Rừng Sừng Bò
(Cùlagosingasuttam)
- Lesser Discourse in Gosinga -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ đã được giải thích...)

II. NỘI DUNG KINH RỪNG SỪNG BÒ

1. Ba đại tôn giả Anuruddha, Nandiya và Kimbila thực hành nếp sống phạm hạnh rất nhiệt tâm, tinh cần tại một khu vườn, rừng Gosinga, có nhiều cây Ta la và đã hoàn toàn thành tựu mục tiêu phạm hạnh.

Một chiều, đức Thế Tôn bỗng nhiên đến thăm ba đại tôn giả, thăm hỏi nếp sống của ba Người. Dưới đây là câu chuyện thăm hỏi:

1.1. Hỏi thăm việc thực hành "sáu hòa kính"...

1.2. Hỏi thăm việc thực hành không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

1.3. Hỏi thăm sự thành tựu pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng... (từ Sơ thiền Sắc định cho đến Diệt thọ tưởng định)

2. Ảnh hưởng độ tha của nếp sống phạm hạnh, và của sự thành tựu nếp sống ấy:

Trường quỷ dạ-xoa Parajana tán thán lợi ích đến với dân chúng Vajjì, nơi có đức Thế Tôn và ba đại tôn giả đang trú. Lời tán thán ấy được chư Thiên chuyển đi vang khắp sáu cõi trời Dục giới và Phạm Thiên. Nếu các thân nhân của ba đại tôn giả, nếu dân chúng Vajjì ..., nếu chư thiên trong các cõi trời, ác ma ... "nhớ đến ba đại tôn giả với tâm niệm hoan hỷ", thì các thế giới với chư thiên, ác ma, loài Người sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài. 

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh 31, Rừng Gosinga, ngoài việc giới thiệu một nếp sống phạm hạnh mẫu mực, còn nêu lên hai điểm giáo lý rất đặc biệt:

1.1. Danh từ "pháp thượng nhân" thường để chỉ các thần túc thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông, ở đây tôn giả Anuruddha vẫn xem sơ thiền, nhị thiềntam thiền Sắc định cũng là cảnh giới của pháp thượng nhân và của các tri kiến thù thắng (ở đây đã có mặt định và tuệ giải thoát).

1.2. Sự hiện diện của các vị chân tu, thực hành phạm hạnh ở đời đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc lâu dài cho đời, và cho cả các cõi chư thiên, nều người đời và chư Thiên nhớ đến vị chân tu ấy. Điểm trọng tâm của lợi ích nầy là nếu người đời tác ý đến với tâm hoan hỷ: chính tâm hoan hỷ, tùy hỷ tán thán phạm hạnh là nhân tố chính của thành quả của an lạc, hạnh phúc cho đời.

Hiện tại, thế gian biết có Thế Tôn và rất nhiều, nhiều lắm các bậc đại Thánh thành tựu mục tiêu phạm hạnh để nhớ nghĩ đến với tâm hoan hỷ, tùy hỷ, nếu làm thế thì thế gian sẽ trở nên an lạc, hạnh phúc biết bao nhiêu!

Phương chi, sự tưởng niệm Phật, tưởng niệm Pháp, tưởng niệm Tăng, sự đàm đạo, tụng đọc các Kinh điển đã được chư Tổ truyền dạy vì an lạc, hạnh phúc cho đời, nếu số đông ở đời hiểu như vậy, tin như vậy và làm như vậy.

Phương chi, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có một phẩm ca ngợi hạnh tùy hỷ, gọi là "Tùy Hỷ Công Đức".

Những người nghiên cứu Phật học tưởng cũng nên dành thời gian để xiển dương hạnh tán thán, tùy hỷ nầy.

2. Nét dung dị của Thế Tôn:

Kinh 31 thuật đức Thế Tôn đi đến rừng Sừng Bò một mình, không có thị giả, với dáng vẻ dung dị đến độ người giữ vườn của ba tôn giả Anuruddha, Kimbila và Nandiya, ngỡ Ngài chỉ là một Sa-môn bình thường. Ngài thân hành đến thăm ba đại đệ tử rất bình thường, giản dị, không thông báo, không kịp đón rước. Câu chuyện thăm hỏi rất tự nhiên, giản dị, nhưng vẫn hàm ẩn đầy sự quan tâm của bậc đạo sư đến sự thành tựu mục tiêu phạm hạnh đối với các đệ tử. Rồi đức Thế Tôn lại với phong cách dung dị từ giã ba tôn giả.

Đạo tình giữa Thế Tôn với các đệ tử lớn, tiếng tăm, biểu hiện rất là tự nhiên, dung dị, nhưng rất là trí tuệ giữa một bầu không gian rất là giải thoát, không gian bỗng trở nên thu hẹp lại, nhưng lại mở ra một phương trời "du hí" mới mà hành giả sẽ được gặp qua bản Kinh kế tiếp.


Kinh số 32
Kinh Dài: Rừng Sừng Bò
(Màhagosingasuttam)
- Greater Discourse in Gosinga -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ đã được giải thích...)

II. NỘI DUNG BẢN KINH DÀI RỪNG SỪNG BÒ

Một thời đức Thế Tôn và nhiều đại đệ tử trú tại ngôi rừng Gosinga. Vào một buổi chiều đẹp trời, sau khi xuất định, tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallàna) đi đến chỗ ở của tôn giả Đại Ca-diếp (Mahà Kassapa) và đề nghị tôn giả cùng đi đến tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta) để nghe Pháp. Rồi cả hai tôn giả đến mời thêm tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) cùng đi. Tôn giả A-nan (Ànanda) thấy thế, cũng đến mời tôn giả Ly-bà-đa (Revata) cùng đến chỗ tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất nêu lên một câu hỏi để tất cả cùng lần lượt phát biểu lời đáp rằng: "Khả ái thay khu rừng Gosinga! Đềm rằm sáng trăng, cây Ta-la trổ hoa cùng khắp, hương trời như được tỏa rộng khắp nơi. Này hiền giả, hạng Tỷ kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?

Câu trả lời của mỗi tôn giả là sở đắc giải thoát của tự thân:

- Tôn giả A-nan: hạnh đa văn, thuyết pháp với văn cú viên dung, lưu loát.

- Tôn giả Ly-bà-đa: sống tịnh cư, chuyên hành và an trú Chỉ, Quán hạnh, trú nơi Không tịch.

- Tôn giả A-nậu-lâu đà: Thiên nhãn đệ nhất, quán sát khắp nghìn thế giới ...

- Tôn giả Kassapa: đầy đủ các hạnh thuộc phạm hạnh, thành tựu trọn vẹn lộ trình Giới-Định-Tuệ-Giải thoát và Tri kiến giải thoát ...

- Tôn giả Mục-kiền-liên: có thể cùng với một đại đệ tử khác (như tôn giả Xá-lợi-phất) bàn luận về Luận tạng (Abidhamma) miên tục không vướng ngại (hỏi về pháp giới) ...

- Tôn giả Xá-lợi-Phất: có thể an trú bất cứ quả vị nào vào bất cứ lúc nào ... 

Đức Thế Tôn khen cả sáu câu trả lời của sáu tôn giả đều khéo nói, rồi Ngài cũng đưa ra câu trả lời giới thiệu hạng Tỷ kheo có thể làm chói sáng khu rừng, ấy là hạng:

"Tỷ kheo, sau bữa ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có dư tàn."

Lời dạy của Thế Tôn như vừa lập lại lời nguyện của Thế Tôn ở dưới cội cây bồ-đề bảy tuần lễ trước ngày giác ngộ, vừa xác nhận rằng tất cả các đệ tử Thế Tôn quyết tâm giác ngộ đều có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga .

III. BÀN THÊM

1. Theo Tăng Chi Bộ Kinh I, Chương một pháp, sáu tôn giả trên đều là đệ nhất về hạnh tu của mình:

- Tôn giả Xá-lợi-Phất là bậc trí tuệ đệ nhất.

- Tôn giả Mục-kiền-liên là bậc thần thông đệ nhất.

- Tôn giả Đại Ca-diếp là bậc khổ hạnh và nhập, trú, xuất định đệ nhất.

- Tôn giả A-nậu-lâu đà là bậc thiên nhãn đệ nhất.

- Tôn giả Ly-bà-đa là bậc độc cư thiền định đệ nhất.

- Tôn giả A-nan là bậc đa văn, ái ngữ và đi bộ đệ nhất.

Riêng ba đại tôn giả đầu, tôn giả Xá-lợi-phất có trí tuệ thể nhập pháp giới ngang bằng Thế Tôn; tôn giả Mục-kiền-liên có thần thông thiện xảo ngang bằng Thế Tôn; tôn giả Đại Ca-diếp thì nhập định, trú định và xuất định thiện xảo đệ nhất, ngang bằng Thế Tôn.

Các tôn giả đã có một cuộc gặp gỡ, hẹn hò, đàm đạo rất là đặc biệt, mỗi vị đã chân chánh nói lên sở chứng, sở đắc của mình, vừa trang nghiêm vừa hàm ẩn nghĩa "đùa tếu" rất ý vị, cởi mở nếu người đọc chỉ thêm vào chữ "Tôi" đầu lời phát biểu, ngầm ý là: chỉ có tôi là xứng đáng làm chói sáng khu rừng Gosinga (có lẽ cái mỉm cười của quý tôn giả sau lời phát biểu cũng nói lên ý ấy).

Cuộc đàm đạo giữa các đại tôn giả rất là đơn sơ, nhưng đã toát ra một thái độ rất chi là phóng khoáng, cởi mở, rất chi là "tiếu ngạo" và nghe ra tràn đầy lạc quan, hạnh phúc với một bát cơm mỗi ngày giữa khu rừng cô tịch. Một thái độ sống đấy hoan hỷ cởi mở tuy được gói kín trong nét trang nghiêm, nhưng có vẻ hầu như cứ trào ra bất tận.

2. Bậc đạo sư đại trang nghiêm cũng ngầm chia xẻ đạo tuệ với các tôn giả. Ngài đã hầu như cũng mỉm cười với các tôn giả khi nói rằng: "tất cả sáu tôn giả khéo trả lời". Ngài cũng tham dự cuộc đàm đạo bằng lời phát biểu riêng, mà như là đưa ra một mẫu số chung cho tất cả: đoạn trừ lậu hoặc: Ai đoạn trừ lậu hoặc thì đều có thể làm chói sáng cuộc đời nầy.

Ôi đẹp làm sao nếp sống của bậc đại Thánh!

Giản dị như không có gì, nhưng lại là của khát vọng cao thượng nhất của đời người, cái giản dị đựng đầy pháp giới thẩm mỹ cao tuyệt!

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, https://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005