BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Kinh số 47

Kinh Tư Sát
(Vìmamsakasuttam)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH TƯ SÁT

1. Đức Thế Tôn dạy về việc tìm hiểu Như Lai để tự mình biết chắc rằng Ngài là bậc Chánh Đẳng Giác.

Tìm hiểu tha nhân là dựa vào quan sát; quan sát thì dựa vào tai và mắt của người quan sát, và sự phản ứng từ tai, mắt đối với các Pháp của người được quan sát. Chỉ cần dựa vào phản ứng từ tai (đối với các thính trần) và mắt (đối với các sắc trần) là đủ dữ kiện để đi đến kết luận.

Khi nào phản ứng từ tai, mắt của người được quan sát biểu hiện đủ ba điểm cơ bản dưới đây thì có thể có nhận thức chắc chắn rằng người được quan sát là Chánh Đẳng Giác. Ba điểm cơ bản đó là:

1.1. Các pháp hoàn toàn thanh tịnh do tai, mắt nhận thức hiện khởi ở Như Lai và hiện khởi lâu dài.

1.2. Khi nổi danh, có tiếng tăm lớn, các pháp nguy hiểm không khởi lên đối với Ngài (vì đã đoạn tận ái).

1.3. Ngài đoạn tận tham ái vì vô úy, không phải vì sợ hãi.

Sau khi biết rõ như thế, người quan sát thân cận bậc Đạo sư để nghe Pháp biết rằng, Ngài dạy từ vấn đề vi diệu nầy đến vấn đề vi diệu khác, chánh tà rõ ràng, sau khi tự mình hành và chứng đắc cứu cánh từng pháp, sẽ thật sự thiết lập lòng tin bất hoại đối với Như Lai, " Ngài là Chánh Đẳng Giác, Pháp được Ngài khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì ".

2. Đức Thế Tôn xác định: chỉ có tìm hiểu Như Lai như vậy mới là sự tìm hiểu thiện xảo, đúng Pháp.

III. BÀN THÊM

1. Qua bản kinh ngắn, giản dị trên, chúng ta, những người học Phật ngày nay, cảm nhận rằng: đức Thế Tôn luôn giáo dục các đệ tử thiết lập Chánh kiến và Chánh tín. Chánh kiến và Chánh tín là được xây dựng trên nền tảng quan sát, phân tích rồi tự mình thể nghiệm. Sau khi tự mình thể nghiệm sự thật thì mới có thể tuyên bố Chánh kiến, Chánh tín đối với Như Lai. Ở đây không có cưỡng ép lòng tin, cưỡng ép nhận thức. Ở đây cũng không có bất cứ một mệnh lệnh nào, không có một sự đe dọa hay hứa hảo nào: chỉ có quan sát và thực nghiệm.

2. Qua nội dung trình bày ở trên, thật không dễ dàng cho một tu sĩ Phật giáo có lòng tin trong sáng và bất thối đối với Phật Bảo và Pháp Bảo. Điều nầy có nghĩa là rất hiếm có các tu sĩ đắc Pháp nhãn thanh tịnh của Sơ Thánh quả (Tu-đà-hoàn hay Nhập lưu quả). Chỉ khi nào tẩy sạch các cấu uế của tâm, người tu sĩ mới có niềm hy vọng tốt đẹp tự mình xác lập lòng tin đối với Thế Tôn và đối với Chánh Pháp.

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, https://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005