BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh II

Kinh số 51-60

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 51
Kinh Kandaraka
(Kandarakasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH KANDARAKA

1. Du sĩ Kandaraka, tại Campa tán thán hội chúng Tỷ kheo của Thế Tôn sinh hoạt trong im lặng. Cư sĩ Pessa được Thế Tôn cắt nghĩa rằng chúng Tỷ kheo im lặng, trang nghiêm do an trú Tứ niệm xứ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.

2. Đức Thế Tôn giới thiệu có bốn hạng người ở đời:

2.1. Hạng tự hành khổ mình.
2.2. Hạng hành khổ người.
2.3. Hạng vừa tự hành khổ mình, vừa hành khổ người.
2.4. Hạng không tự hành khổ mình và không hành khổ người.

- Pessa ưa thích hạng người thứ tư, không ưa thích ba hạng người đầu bởi vì trong khi mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc lại làm điều ngược lại.

- Thế Tôn giới thiệu hạng thứ nhất là hạng tà mạng ngoại đạo sống khổ hạnh, ép xác.

- Hạng thứ hai là hạng sát sinh và trộm cắp.

- Hạng thứ ba là hạng vua chúa, quyền thế mà sống tà kiến, tà mạng thực hiện các tế tự tà đạo.

- Chỉ có hạng thứ tư sống đời sống phạm hạnh là tốt đẹp, đáng tán thán.

III. BÀN THÊM

1. Câu chuyện trao đổi giữa Thế Tôn với du sĩ Kandaraka và cư sĩ Pessa nói lên rằng sự gặp gỡ và trao đổi các vấn đề tôn giáo giữa Thế Tôn và người bản xứ đương thời là phổ biến. Tùy theo cấp độ nhận thức và yêu cầu tâm linh của người đối thoại mà Thế Tôn giới thiệu "Con đường" vì lợi ích an lạc của họ. Tại đây, Thế Tôn giới thiệu tổng quát về nếp sống "Không làm khổ mình, không làm khổ người", hay nói khác đi, giới thiệu nếp sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.

2. Nếp sống thoát ly khổ đau cho mình và người chỉ có một, gọi là con đường độc nhất, đó là nếp sống hành thiện ba nghiệp thân, khẩu, ý: sống tiết độ, cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, thể hiện Giới học, Định học và Tuệ học dần dần dẫn đến kết quả loại trừ hết thảy lậu hoặc.

3. Cuộc trao đổi giữa Thế Tôn với các thành phần xã hội ở đời là cuộc đối thoại giữa chân lý và vọng tưởng, giữa thật và hư, giữa hạnh phúc và khổ đau. Những tập quán tư duy hữu ngã, tập quán dục vọng, tập quán thị phi, hơn kém, tập quán vị ngã, phóng dật v.v... của người đời là tất cả vật liệu, nhân duyên tạo ra sinh tử, khổ đau, bất an, sầu muộn, dao động, thất vọng v.v... Con đường giải thoát đi về "vô sinh", chân hạnh phúc hẳn phải là con đường đi ra khỏi các tập quán đó. Rất rõ ràng và rất giản dị! Rất tự nhiên, rất người và rất thực! Hệt như gỡ ra chỗ rối của một " mối " dây. Nếp sống phạm hạnh là nếp sống của con đường đi ra khỏi các tập quán rối rắm ấy, là nếp sống gỡ điểm rối ấy. Ở đây không có gì là thần bí, không có gì là phi khoa học, không có gì là nghiêm khắc, hà khắc cả. Con đường là thế! Không còn có phép lạ nào để chờ đợi cả.

Chỉ có một bí mật duy nhất mà bản kinh 51 đã hé mở ra từ nếp sống của ba hạng người đầu (tự hành khổ; hành khổ người; tự hành khổ mình và người) là con người vừa mong ước, chờ đợi hạnh phúc, vừa nắm giữ khổ đau.

Nhìn lại tự thân mình, một cư sĩ hay một tu sĩ, thì thấy rõ ngay: Vừa thiết tha với hạnh phúc, vừa thiết tha với dục vọng...

Các bản kinh tiếp theo của Trung Bộ Kinh II, sẽ dần dần tiết lộ cái bí mật trên hiện diện trong khắp các giai tầng xã hội.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 52
Kinh Bát Thành
(Atthakanagarasuttam )  
-  Discourse To A Citizen Of Atthaka -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Từ ngữ quen thuộc)

II.NỘI DUNG BẢN KINH BÁT THÀNH

1. Bản kinh nầy do tôn giả A-nan thuyết cho gia chủ Dasama ở thành Atthaka, triệu phú gia, về pháp môn độc nhất đi ra khỏi các ách phược, khổ ách ở đời.

2. Có bốn thiền Sắc giới: từ mỗi thiền, hành giả có thể có trí tuệ thấy rõ nguy hiểm của các pháp hữu vi mà tinh cần đoạn trừ hết lậu hoặc.

- Có bốn vô lượng tâm (hành trên cơ sở thành tựu Tứ sắc định): từ mỗi công phu hành một trong bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) mà hành giả có thể thấy rõ nguy hiểm của pháp hữu vi, mà tinh cần đoạn trừ tâm tham luyến hữu vi, đi đến tận trừ lậu hoặc.

- Có ba thiền Vô sắc giới: từ mỗi thiền, hành giả có thể thấy rõ nguy hiểm của pháp hữu vi mà đoạn trừ hết thảy lậu hoặc.

3. Gia chủ Dasama mừng rỡ cho rằng tự thân chỉ muốn tìm kiếm một kho báu, trong khi tôn giả A-nan chỉ cho thấy đến 11 kho báu. Gia chủ Dasna cúng dường ngọ trai cho chư Tăng ở Pataliputta và Vesali, cúng dường y và dâng cho tôn giả A-nan một Tăng xá có 500 Tăng phòng.

Thật là đại hoan hỷ đối với tâm thức trí tuệ của cư sĩ Dasama!

III. BÀN THÊM

1. Tôn giả A-nan là bậc đa văn đệ nhất, sau một thời gian dài được nghe Thế Tôn giảng dạy diệu pháp cho bao nhiêu Hội chúng, bao nhiêu thức giả, đã cô kết tinh hoa về " pháp môn độc nhất " thoát ly khổ ách vào thời pháp dành cho cư sĩ Dasama. Các nhà nghiên cứu Phật học chuyên môn đọc kinh Bát Thành thì thấy ngay nét "tinh yếu" của "con đường". Đặc biệt của bản kinh là tôn giả đã tránh giới thiệu cõi tứ thiền của Vô sắc giới (hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ) vì ở đó hành giả khó vận dụng thiền quán để thấy rõ cái nguy hiểm của các pháp hữu vi và do đó thiếu sức mạnh của trí tuệ để đoạn trừ sạch các lậu hoặc.

2. Nét đặc biệt thứ hai của kinh Bát Thành là Tứ vô lượng tâm hành từ tâm thức ở Tứ Sắc định cũng chỉ là pháp hữu vi. Chỉ có các bậc A-la-hán chứng bất động tâm giải thoát an trú vào sự biến mãn Tứ vô lượng tâm khắp mười phương pháp giới mới là pháp giải thoát bất động, vô tướng, vô thủ trước (vô vi pháp)

3. Nét đặc biệt thứ ba của kinh Bát Thành là: từ sơ thiền Sắc giới, nghĩa là từ lúc nhiếp phục được "Ngũ cái", hành giả có thể vận dụng thiền quán để thấy rõ pháp hữu vi, thấy rõ đến nhuần nhuyễn, đến thời điểm chứng đắc vô thượng an ổn, thoát ly khổ ách. Do vậy, điều mà cư sĩ Dasama gọi là mười một kho báu là nổi bật sắc thái trí tuệ, thiền quán. Qua Thiền quán, cửa bất tử sẽ mở ra cho hành giả ngay sau khi hành giả tẩy sạch tâm cấu uế, khi đang còn sự hoạt động của tầm và tứ (của tư duy).


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 53
Kinh Hữu Học
(Sekhasuttam)
- Discourse For Learners -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH HỮU HỌC

1. Đây là thời pháp Thế Tôn giảng cho dòng họ Thích ca ở Ca-tỳ-la-vệ vào buổi tối cho đến quá nửa đêm. Một thời Pháp rất dài và được giảng vào năm Thế tôn trọng tuổi (Thế Tôn bị đau lưng). Tiếp theo là thời Pháp do tôn gỉa A-Nan đảm trách. Bản kinh 53 nầy chỉ thuật lại nội dung Hữu học pháp mà tôn giả A-nan trình bày.

2. Để đắc Thánh quả (Sa-môn quả) từ Nhập Lưu đến Bất Lai, các đệ tử Thế Tôn cần thực hành thành tựu các Pháp:

- Thành tựu giới hạnh.
- Hộ trì các căn.
- Tiết độ ăn uống.
- Chú tâm cảnh giác.
- Thành tựu Tín, Tàm, Quý, Đa văn, Tinh tấn, Niệm và Trí tuệ.
- Hiện tại lạc trú.

Sau khi thành tựu các Pháp trên thì vị Tỷ kheo trở nên như trứng được ấp, chỉ chờ đúng thời là gà con tự phá vỡ vỏ trứng, sẽ thành tựu tâm giải thoát và tuệ giải thoát, minh và hạnh đầy đủ của một bậc Thánh Vô học, Vô lậu.

3. Thế Tôn ấn khả nội dung thuyết giảng trên của bậc tôn giả đa văn đệ nhất...

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh Hữu Học được giảng cho các Cư sĩ dòng Sakya. Điều nầy xác định rằng nội dung của các Pháp thực hành trên tương tự kinh Bát Thành 52, cũng dành cho các cư sĩ. Toàn bộ công phu trên đối với một Phật tử có Chánh kiến chỉ gom vào hai điểm cần nhớ:

1.1. Giác tỉnh ngăn tham ái khởi lên từ sáu căn.
1.2. Phát triển Niệm lực, Định lực và Thiền quán.

2. Các bản kinh hầu như chỉ thêm một lần lập lại một lộ trình của những bước đi giải thoát, nhưng không phải vì thế mà bản kinh không trở nên mới mẻ, không chuyên chở những gì mới mẻ, do vì:

2.1. Đối với hội chúng đang lắng nghe thì thực sự mới mẻ, rất mới mẻ.

2.2. Đối với các Tỷ kheo được nghe nhiều lần hay với các học giả, hành giả ngày nay đọc nhiều bản kinh, hoặc đọc một bản kinh nhiều lượt, thì vẫn là mới mẻ, bởi vì thính chúng đang nghe với sự tập trung mạnh hơn, với sự giác tỉnh về cái nguy hiểm của các tâm cấu uế, của tầm, của tứ, của các cảm thọ và của cái gọi là " pháp được tán thành, do duyên tác thành ". Nó trở nên mới mẻ bởi vì được đón nhận với cái tâm thức sáng suốt hơn, định tĩnh hơn và với nhiệt tình, quyết tâm giải thoát mạnh mẽ hơn.

Với bậc Hữu học thì các Pháp hữu vi luôn luôn trở nên mới mẻ tương ứng với công phu phát triển giải thoát của tự thân.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 54
Kinh Potaliya
(Potaliyasuttam)
- Discourse To Potaliya -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

I I. NỘI DUNG KINH POTALIYA

1. Cư sĩ Potaliya đã từ bỏ các nghiệp vụ và tục sự gia đình, đi ngao du đó đây; ông ta nghĩ rằng như vậy là đã đoạn tận tục sự.

2. Đức Thế Tôn giảng dạy ý nghĩa tục sự được đoạn tận trong giáo lý của bậc Thánh thì khác:

- Đó là đoạn tận lòng dục, sau khi thấy rõ sự thật dục vọng đem lại nhiều khổ não, xả ly hoàn toàn lòng tham dục cho đến khi đắc Tam minh.

Thế Tôn đã đưa ra các ví dụ về mối nguy hiểm của dục: dục ví như khúc xương..., như miếng thịt..., như trái cây, như bó đuốc cháy hừng..., như hố than hừng...

Để đoạn tận tục sự, gia chủ cần thực hành tám pháp:

- Từ bỏ sát sanh...
- Từ bỏ trộm cắp...
- Từ bỏ nói dối...
- Từ bỏ hai lưỡi...
- Từ bỏ tham dục...
- Từ bỏ sân hận...
- Từ bỏ phẫn não...
- Từ bỏ quá mạn...

Potaliya cung kính tín thọ các lời dạy của Thế Tôn.

III. BÀN THÊM

1. Ý nghĩa tục sự: Các việc làm thuộc đời sống gia đình và các việc làm xã hội vì sinh kế gọi là các tục sự theo nhận thức phổ biến của người đời; sống đời sống tu sĩ gọi là tránh xa tục sự. Ý nghĩa đích thực của tục sự là cái tâm phàm tục: như tham dục, sân hận, não hại, sát sinh, trộm cắp, dối gạt, ngã mạn. Nếu tu sĩ chưa rời xa các phàm tâm ấy thì vẫn không thể gọi là người tránh xa tục sự. Ngược lại, với người đã thành tựu phạm hạnh vào đời hành "Tứ nhiếp " để giúp đời thì vẫn là những người đã đoạn trừ tục sự (như đoàn thể cư sĩ Hatthaka và Citta trong Tương Ưng Bộ Kinh)

2. Mọi phàm tâm, tục tâm đều phát khởi từ " Ngũ cái " mà cơ bản là tham dục và tà kiến (hay nghi). Đoạn trừ được " Ngũ cái " là hành giả đã cắt đứt được các phàm tâm, các tâm cấu uế. Tham dục thực sự được hoàn toàn trừ sạch khi nào hành giả tận trừ tham tùy miên, sân tùy miên và si tùy miên, thành tựu "Tam minh " (đại tuệ).


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 55
Kinh Jìvaka
(Jìvakasuttam)
- Discourse To Jìvaka -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH JÌVAKA

1. Cư sĩ Jìvaka nghe dư luận về Thế Tôn rằng: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết các sinh vật. Và, Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình". Jìvaka xin được nghe lời dạy của Thế Tôn.

2. Đức Thế Tôn dạy: "Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Và, "Vị Tỷ kheo thọ dụng các món ăn khất thực với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly."

3. Ai vì Như Lai hay đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, thì người ấy rơi vào 5 nguyên nhân làm phi công đức:

- Ra lệnh dắt con thú đến;
- Con thú bị lôi, kéo đau khổ;
- Ra lệnh giết con thú;
- Con thú đau đớn lúc bị giết;
- Cúng dường thịt như thế là phi công đức, phi pháp.

III. BÀN THÊM

- Thời đức Phật tại thế, các vị Tỷ kheo độ nhật bằng phương tiện khất thực: người đời có thức ăn nào thì cúng loại thức ăn ấy, bao gồm cả các loại thịt. Do đó, mới có một số dư luận trên, như cư sĩ Jìvaka báo lại, đặc biệt là trong các trường hợp các gia chủ cung thỉnh độ trai tại tư gia.

- Hẳn là trong các trường hợp biệt thỉnh, các vị Tỷ kheo cũng đã chỉ bày cho các gia chủ như thế nào là cúng dường đúng pháp, thế nào là phi pháp.

Phần tự thân, các vị Tỷ kheo biết thọ trai vừa chế ngự lòng dục đối với các thức ăn thượng vị, biết thọ dụng đúng pháp.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 56
Kinh Upàli
(Upàlisuttam)
- Discourse With Upàli -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Thân phạt: Kàyadandam: Wrong deed of body: Hành động sai lầm của thân dẫn đến phiền não, rối loạn.

- Khẩu phạt: Vacìdandam: Wrong deed of speech: Hành động sai lầm của miệng (lời) dẫn đến phiền não, rối loạn.

- Ý phạt: Marodandam: Wrong deed of mind: Hành động sai lầm của ý dẫn đến phiền não rối loạn.

II. NỘI DUNG KINH UPÀLI

1. Tại rừng Pavarikamba, Nalandà, ngoại đạo sư Nigantha Dìghatapassi đến yết kiến Thế Tôn và trao đổi quan điểm về thuyết nghiệp (Kamma). Dìghatapassi xác định chủ trương về Nghiệp của Nigantha Nàtaputta rằng: "Có ba loại để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân phạt, khẩu phạt và ý phạt (khác nhau). Thân phạt là tối trọng dẫn đến ác nghiệp".

Thế tôn thì chủ trương trong ba nghiệp, thân, khẩu, ý thì ý nghiệp là tối trọng để tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp.

2. Sau đó, Nigantha Nàtaputta cử gia chủ Upàli, thuộc Ni-kiền-tử, người thời danh, đến tranh luận với Thế Tôn về thuyết Nghiệp với sự chuẩn bị rất chu đáo hy vọng đánh bại thuyết Nghiệp của Thế Tôn. Nhưng sự thật thì ngược lại, sau khi Thế Tôn nêu lên sự thật căn cứ vào thực tại thì ý nghiệp là quyết định hình thành nghiệp. Upàli quy hướng Thế Tôn với lòng đầy ngưỡng mộ.

3. Upàli vốn là người nổi danh và rất giàu có, là chỗ dựa của các Nigantha về vật chất. Thế Tôn khuyên Upàli tiếp tục hộ trì cho Nigantha. Điều nầy khiến Upàli thêm quý kính thái độ xử sự của Thế Tôn, xin trọn đời làm đệ tử của Thế Tôn.

Thế Tôn tiếp tục nói Pháp khai ngộ Upàli, lần lượt theo trình tự các pháp: Bố thí, Giới hạnh, Cõi trời, sự nguy hiểm, ô nhiễm của các dục và sự xuất ly chúng: tiếp đến Tứ Thánh đế. Upàli, ngay chỗ nghe Pháp, đắt Pháp nhãn vô trần, ly cấu; "Phàm Pháp gì khởi lên, tất cả Pháp ấy đều bị tiêu diệt". Upàli thấy Pháp, chứng Pháp, ngộ Pháp và thể nhập Pháp.

4. Từ đó, Upàli đóng cửa không tiếp đón và không hộ trì các Nigantha nữa. Nigantha Nàtaputta, sau đó, cùng với chúng Nigantha đến trú xứ của Upàli để biết rõ sự tình, Upàli đã là đệ tử đức Phật. Tại đó, Upàli đã hết lời tán dương vô số đức và tuệ của Thế Tôn. Nàtaputta phẫn nộ đến thổ huyết ngay tại chỗ.

III . BÀN THÊM

1. Bản kinh trên để lại một số điểm suy nghĩ:

- Dưới thời đức Phật, các hoạt động của Lục sư ngoại đạo phát triển trên cùng nhiều vùng đất với Phật giáo, hẳn là có nhiều cuộc tranh luận, trao đổi và nhiều va chạm. Hình ảnh phẫn nộ của Nàtaputta đã gián tiếp nói lên nhiều va chạm, bất ổn khác. Việc truyền bá Chánh pháp là một Phật sự rất khó khăn.

- Thái độ của ngoại đạo rất kiêu ngạo, thiếu hẳn sự hiểu biết.

- Đức Thế Tôn vẫn phải hứng chịu nhiều xuyên tạc, vu khống cho thái độ thù nghịch của ngoại đạo.

2. Thuyết nhân quả nghiệp báo vốn đã có mặt trong văn hoá Ấn trước thời đức Phật. Cả phái Ni-kiền-tử cũng chủ trương về Nghiệp nhưng xây dựng trên cơ sở nhận thức sai lạc.

3. Upàli sau khi chứng ngộ Pháp, đã hết lòng tôn kính đức Thế Tôn, ca ngợi trí tuệ vô biên, tham ái đoạn tận... Đây là một đoạn ngắn thuật lại lời ca ngợi Thế Tôn của Upàli rất điển hình:

" Sống theo chánh đạo
Trầm tư thiền tưởng,
Nội tâm không nhiễm.
Thanh tịnh trong sạch,
Không trước không chấp,
Không nguyện không cầu
Độc cư độc tọa,
Chứng đối thượng vị,
Đã vượt qua dòng,
Giúp người vượt qua... "


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 57
Kinh Hạnh Con Chó
(Kukkuravatikasuttam)
- Discourse On The Canine Ascetic -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH HẠNH CON CHÓ

1. Punna Koliyaputta (hạnh con bò) và lõa thể Seniya (hạnh con chó) đến yết kiến Thế Tôn ở thị trấn Haliddavasana, thuộc dân Koliya.

Đây là câu chuyện về nghiệp, tiếp tục câu chuyện về nghiệp kinh 56, Koliyaputta xin đức Thế Tôn cho biết cảnh giới đầu thai của Seniya; Seniya thì xin Thế Tôn cho biết cảnh giới đầu thai của Koliyaputta.

Đức Thế Tôn hai lần từ chối câu hỏi, không trả lời, nhưng Seniya và Koliyaputta nài nỉ xin chỉ dạy.

Đức Thế Tôn dạy đại ý rằng: nếu làm hạnh con chó đúng in con chó, và làm với tâm con chó, thì sau nầy sẽ thác sinh về với chó; tương tự đối với hạnh con bò.

Nếu có tà kiến rằng: sau nầy họ sẽ sanh về chư Thiên, thì sau khi chết sẽ sanh về địa ngục hay bàng sanh.

Cả hai Seniya và Koliyaputta đều khóc nức nở, xin đức Thế Tôn chỉ dạy nếp sống thoát ly nghiệp chó và nghiệp bò.

2. Đức Thế Tôn dạy có bốn loại nghiệp: Ác; Thiện; vừa Ác vừa Thiện; vượt lên Thiện, Ác dẫn đến đoạn trừ Nghiệp.

- Nghiệp ác thì sẽ dẫn đến địa ngục, ác thú...

- Nghiệp thiện thì sanh về chư Thiên, có thể sanh về Biến Tịnh Thiên (cõi thứ ba của Sắc giới)

- Nghiệp vừa Ác vừa Thiện thì sanh vào cõi thế giới con người, một số sanh về chư Thiên, một số rơi vào Ác thú.

- Nghiệp vượt qua Thiện Ác đưa đến sự đoạn tận nghiệp.

3. Koliya xin trọn đời làm đệ tử cư sĩ của Thế Tôn. Seniya thì xin xuất gia và được Thế Tôn nhận lời. Seniya tinh tấn, tinh cần hành phạm hạnh, sống một mình, không bao lâu sau đó đắc quả A-la-hán.

III. BÀN THÊM

1. Qua kinh 51, 56 và 57, các du sĩ ngoại đạo dễ dàng đến yết kiến Thế Tôn và trao đổi các quan điểm chủ thuyết. Các chủ trương của ngoại đạo thường không được hình thành trên căn bản chứng nghiệm sự thật của thực tại, trên căn bản trí tuệ như thật, nên hầu hết là sai lạc, tà kiến với các hạnh sống khổ hạnh kỳ dị, hoặc các lập luận quanh co, ngụy biện. Họ khó có thể đối thoại với Thế Tôn ngay cả câu hỏi đầu tiên, hay vấn nạn đầu tiên mà họ nêu ra. Bàn đến thực tại của tâm thức và của các cảnh giới thì ngoại đạo càng mờ mịt.

2. Sự kiện Seniya, hành hạnh con chó đầy tà kiến, nhưng khi rõ đạo, chỉ tinh cần thực hành Giới, Định, Tuệ trong một thời gian ngắn liền đắc quả A-la-hán cho Phật tử và tu sĩ của thời đại ngày nay một niềm tin lớn rằng: trong điều kiện của chính Phật tử, tu sĩ, giải thoát có thể thực hiện ngay tại đời nầy. Điều nầy có thể cho phép ta gọi tên của niềm tin lớn nầy là niềm tin Seniya của thời đại.

3. Koliyaputta va Seniya đã khóc cho quá khứ sai lầm của mình, thật là ngậm ngùi và cảm động!

Nhìn lại nếp giải thích của thời đại tin học cũng nghe có cái gì ngậm ngùi, thật ngậm ngùi đầy trăn trở.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 58
Kinh Abhaya
(Abbayaràjakumàrasuttam)
- Discourse To Prince Abhaya -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ   

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH HOÀNG TỬ ABHAYA

1. Nigantha Nàtaputta, ngoại đạo Ni-kiền-tử, luôn có thái độ thù nghịch với Thế Tôn, bởi ảnh hưởng của Thế Tôn đã tỏa sáng như mặt trời, trong khi ảnh hưởng của Nàtaputta thu nhỏ lại như đom đóm. Các thức giả lần lượt đến với Thế Tôn và từ bỏ Nàtaputta. Sau nhiều lần xúi giục luận chiến với Thế Tôn thất bại, lần nầy Nàtaputta lại xúi Hoàng tử Abhaya đến tranh luận để bôi nhọ ảnh hưởng của Thế Tôn.

Làm sao có thể hại được đấng toàn giác?!

Câu hỏi Nàtaputta gài bẫy là: "Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa không thích chăng?"

Cái bẫy là:

- Nếu câu trả lời: có các lời nói khiến người khác không ưa, thì Như Lai cũng chẳng khác người phàm.

- Nếu câu trả lời: Không có; thì tại sao Như Lai đã nói làm Devadatta phẫn nộ?

Biết rõ ác ý ấy, Thế Tôn đã thanh thản thuyết phục Abhaya bằng sự chân thật và đã thu phục Abhaya quy ngưỡng Ngài.

2. Đức Thế Tôn phân tích có sáu nội dung lời nói mà Thế Tôn có thái độ ứng xử khác nhau:

2.1. Lời phi thật, phi chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Thế Tôn không nói.

2.2. Lời phi thật, phi chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa: Thế Tôn không nói.

2.3. Lời nói như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Thế Tôn không nói.

2.4. Lời nói như thật, như chân, tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Như Lai biết giải thích lời nói ấy.

2.5. Lời nói như thật, như chân, tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa: Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy.

2.6. Lời nói như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa: Như Lai không nói.

III. BÀN THÊM

1. Trên đường mở đạo, đức Thế Tôn đã hứng chịu vô số khó khăn:

- Lúc Tăng già phát triển mạnh (có nhiều nghìn Tăng, Ni) thì sinh hoạt không dễ dàng: phải giải quyết nhiều vấn đề: ăn, ở, y phục, thuốc men, an cư kiết hạ...

- Nhiều tổ chức xã hội thù nghịch, tà giáo luôn luôn gây trở ngại, thách thức, vu khống...

- Nội bộ có nhiều vấn đề tương giao, thái độ và ý kiến bất đồng...

- Có nhiều trường hợp tu sĩ và cư sĩ " nằm vùng " để gây rối...

- Nigantha Nàtaputta là trường hợp điển hình.

2. Thành kiến, tà kiến và dục vọng của người đời quá mạnh như vùng lửa hừng, rất khó nhiếp phục. Đạo thì như là những gì luôn luôn đảo ngược các tập quán của đời, luôn đòi hỏi sự tinh cần, nỗ lực. Giáo hội Tăng già thì hầu như hoàn toàn vô sản, không dính líu đến quyền lực thế gian. Thời tiết các mùa của xứ Ấn thì nóng lạnh khe khắt...

Giữa quá nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài Giáo hội, Thế Tôn và các đại đệ tử của Ngài, vẫn trước sau bất động xử sự với lòng từ ái và toả sáng trí tuệ. Đây là một bài học kinh nghiệm rất lớn cho sự nghiệp truyền bá Phật giáo trong thời đại mới, kỷ nguyên mới: cực kỳ nhẫn nại, nhưng luôn luôn bám chặt chân lý và mục tiêu giải thoát khổ, như thái độ ứng xử của Thế Tôn nêu trên.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 59
Kinh Nhiều Cảm Thọ
(Bahu Vedaniyasuttam)
- Discourse On Much To Be Experienced -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Năm thọ: Panca vedanà: Five feelings: lạc thọ khởi lên từ năm căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân căn).

- Sáu thọ: Cha vedanà: Six feelings: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh,... tỷ xúc...,...thiệt...,... thân..., ý xúc sanh.

- 18 thọ: Atthàdasa vedanà: Eighteen feelings: lạc thọ, khổ thọ, xả thọ (bất khổ, bất lạc) khởi lên từ sáu căn (6 x 3 = 18).

- 36 thọ: Chattimsà vedanà: Thirty six feelings: 18 thọ như vừa đề cập ở trên liên hệ đời sống gia đình, và 18 thọ như thế liên hệ đời sống xả ly (viễn ly)

- 108 thọ: Atthàsata vedanà (Atthàsata ở đây là 108; nơi khác chữ số Atthà satam có nghĩa là 800): One hundred and eight feelings: 36 thọ vừa nêu trên được kể thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai thành 108 thọ (36 x 3 = 108).

Ghi chú:

1. Trong bản dịch Trung Bộ II, Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1992 ghi rằng: "Hai thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn,..."

Xin dịch lại là: "Hai thọ được Ta nói đến tùy theo một cách xếp loại"(từ pariyàya: có nghiã là Pháp môn; nó còn có nghiã là sự xếp hạng, xếp loại, liệt kê.

2. Lời dạy của Thế Tôn ở cuối bản kinh, bản dịch thuộc Đại Tạng kinh Việt Nam, Trung Bộ II, 1992 ghi:

"Nầy chư Hiền, Thế Tôn không chủ trương rằng chỉ có những gì tùy thuộc lạc thọ là thuộc về lạc; vì rằng, chư Hiền, Thế Tôn chủ trương rằng chỗ nào, chỗ nào có được lạc thọ, như vậy chỗ ấy, chỗ ấy thuộc về lạc."

Nguyên văn Pàli là: "Na kho àvuso Bhagavà sukham yeva vedanam sandhàya sukhasmim pannapeti. Api c'àvuso yattha yattha sukham upalabbhati yahim yahim tan tam Tathàgato sukhasmim pannapetìti".

Bản dịch Anh ngữ: (Pàli text Society): "Your reverences, the Lord does not lay down that it is only pleasant feeling that belongs to happiness; for, your reverences, the Tathàgata lays down that whenever, wherever, whetever happiness is found it belongs to happiness"

Nay xin dịch là:

"Nầy chư Hiền, Thế Tôn không có đặt để nguyên tắc rằng chỉ có cảm thọ lạc (thích thú) là thuộc lạc (hạnh phúc); vì; nầy chư Hiền, Như Lai đặt để nguyên tắc rằng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu lạc có mặt thì nơi đó, lúc đó thuộc lạc (hạnh phúc)".

Lời dạy trên phân biệt rằng: Lạc (hay cảm nhận hạnh phúc) không phải chỉ đến từ cảm thọ mà có thể đến ngoài cảm thọ, như ở Diệt thọ tưởng định là định mà thọ uẩntưởng uẩn ngưng vận hành (không hoạt động, nghĩa là không có mặt cảm thọ).

Thực ra lạc (hay cảm nhận hạnh phúc) có thể đến từ sắc, thanh, hương, vị và xức khả ái, khả hỷ, nhưng lạc đó thì vô thường, chóng vánh; khi nó diệt đi còn để lại cảm thọ khổ. Lạc (hay cảm nhận hạnh phúc) còn đến từ sơ định, nhị định, tam định (Sắc giới) nhưng nó cũng do điều kiện nỗ lực tu tập sinh; nó vô thường và sẽ sản sinh cảm thọ khổ. Lạc đến từ đại định (từ đệ Tứ sắc định và bốn Không định: là các định đã xả lạc thọ, xả khổ thọ, định tĩnh, nhất tâm) cũng là lạc ở ngoài lạc thọ, những lạc nầy còn là hữu vi, vô thường. Lạc ở Diệt thọ tưởng định là lạc có mặt thoát ly các uẩn, thoát ly hữu vi, nên lạc nầy mới thực sự tối thắng.

II. NỘI DUNG KINH NHIỀU CẢM THỌ

1. Do cư sĩ Pancakango và tôn giả Udàyi tranh cãi về lời dạy Thế Tôn cho rằng có hai thọ (khổ, lạc), ba thọ (khổ, lạc, phi khổ phi lạc), không đi đến kết luận, nên tôn giả A-nan đã trình bạch Thế Tôn dạy rõ.

Thế Tôn dạy rằng có nhiều cách liệt kê các thọ mà Thế Tôn đã dạy: 2 thọ, 3 thọ, 5 thọ, 6 thọ, 18 thọ, 36 thọ, 108 thọ. Tùy chỗ phân tích các thọ cần thiết khi giảng dạy mà giới thiệu.

2. Nhân đó đức Thế Tôn dạy về các lạc thọ mà hành giả có thể kinh nghiệm trải qua:

2.1. Lạc thọ đến từ "ngũ dục" (sắc, thinh, hương, vị và xúc)
2.2. Lạc đến từ Sơ định (Sắc giới)
2.3. Lạc đến từ Nhị định (Sắc giới)
2.4. Lạc đến từ Tam định (Sắc giới)
2.5. Lạc đến từ Tứ định (Sắc giới)
2.6. Lạc đến từ Không Vô biên xứ định
2.7. Lạc đến từ Thức Vô biên xứ định
2.8. Lạc đến từ Vô sở hữu xứ định
2.9. Lạc đến từ Phi tưởng phi phi tưởng định
2.10. Lạc đến từ Diệt thọ tưởng định

Chỉ có lạc sau nầy là hơn cả, là tối thắng.

3. Nhân vì sự kiện Diệt thọ tưởng định đã ngưng hoạt động của thọ uẩn và tưởng uẩn thì làm sao có lạc? Thế Tôn dạy sự khác biệt của lạclạc thọ: Lạc thọ là thuộc lạc; nhưng cũng có lạc không phải là lạc thọ (feeling of happiness). Có lạc đến từ các giác quan, đến từ các căn và các trần; có lạc đến từ Sắc định, có lạc đến từ Không định. Chỉ có lạc an trú ở định Diệt thọ tưởng định là đối tượng (NIẾT BÀN LẠC)

III. BÀN THÊM

1. Nghiên cứu, tìm hiểu những lời dạy của Thế Tôn cần nhớ đến kinh Xà dụ, nhớ đến ảnh dụ "Pháp ví như chiếc bè, để vượt qua, mà không phải để nắm giữ". Về các cảm thọ cũng thế, không nên cố chấp vào ngôn từ là phương tiện diễn đạt vốn rất giới hạn, các kinh nghiệm về cảm thọ của người đời cũng rất hạn chế: chỉ có thể khái niệm về khổ, lạc, xả, ưu, hỷ (chung chung). Thực tế của tâm thức có nhiều loại, nhiều cấp độ khác nhau về khổ, lạc, xả, ưu, hỷ, nhất là trạng thái tâm thức giải thoát của tâm giải thoát và tuệ giải thoát lại càng ở ngoài các phạm trù ngôn ngữ, khái niệm. Vì Niết bàn là khổ diệt, nên tạm diễn đạt là lạc của Niết bàn: lạc nầy không còn thuộc cảm thọ vốn là pháp hữu vi, bởi nó thuộc vô vi pháp. Lạc ở định Diệt thọ tưởng cũng thế.

2. Ý nghĩa của lời dạy: "Không phải chỉ lạc thọ là thuộc lạc" là thế. Sau khi nắm được ý nghĩa khái quát về Lạc thọ và Lạc, ta cũng cần quên đi các ý niệm về chúng. Vấn đề chính là thực hiện Giới, Định, Tuệ để diệt khổ. Chỉ cần biết tổng quát rằng: giải thoát chỉ đến từ Lạc mà không đến từ khổ. Đi vào công phu rồi mỗi người sẽ tự chứng nghiệm. Con đường thực nghiệm tâm thức sẽ rõ ràng, cụ thể hơn là các ngôn ngữ .


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 60
Kinh Không Gì Chuyển Hướng
(Apannakasuttam)
- Discourse On The Sure -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

Apannakasuttam:

- Đại tạng kinh Việt Nam, bản dịch của HT Minh Châu dịch là: "Kinh Không gì Chuyển Hướng".

- Bản dịch Anh ngữ, Pali Text Society, Oxford, 1989 ghi: "Discourse On The Sure"

Chúng tôi nghĩ rằng từ Apannaka (adj) có nghĩa là Certain, True, hay Absolute . Theo mạch của ý bản kinh thì đề kinh có thể dịch là: Kinh Pháp Chắc Thật hay kinh Pháp Không Nghi (Pháp không nghi hoặc).

(Các từ ngữ khác là quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH 60

1. Các Bà-la-môn của dân chúng Kosala ngưỡng mộ Thế Tôn đến yết kiến Ngài. Thế Tôn giới thiệu về Pháp chắc thật cho các Bà-la-môn để y chỉ như bậc đạo sư tin cậy của mình.

2. Pháp chắc thật ấy là kết quả sự chọn lựa Pháp an toàn giữa các chủ trương tương phản của các Bà-la-môn đương thời.

2.1

* Một thuyết chủ trương không có quả báo của các nghiệp thiện, ác, bố thí, tế tự... dẫn đến ba ác hành (thân, khẩu, ý) và tà kiến bị người trí đương thời chỉ trích.

* Một thuyết thì chủ trương ngược lại, dẫn đến ba thiện hành (thân, khẩu, ý) và được người trí đương thời tán thán.

- Dù có hay không có quả báo về kiếp sau, thì nếu sống theo thuyết thứ nhất sẽ đưa đến bất lợi hai đằng:

a) Nếu không có quả báo đời sau, thì bị các người trí chỉ trích.
b) Nếu có quả báo đời sau, thì sẽ bị thác sinh về ác thú, đọa xứ.

- Nếu sống theo thuyết thứ hai thì sẽ có lợi hai đằng:

a) Hiện tại được người trí tán thán.
b) Nếu có quả báo đời sau, thì sẽ sanh về thiện thú Thiên giới cõi đời nầy.

2.2.

* Một thuyết cho rằng các hành động tự mình làm ác hay khiến người khác làm ác thì không có tội ác gì. Thuyết này cũng sẽ dẫn con người đến ba ác hành và tà kiến và sẽ nhận hậu quả bất lợi hai đằng như trên.
* Một thuyết chủ trương ngược lại, sẽ dẫn đến ba thiện hành và Chánh kiến, sẽ nhận được hậu quả có lợi hai đằng như trên.

2.3.

* Một thuyết chủ trương tự nhiên luận, vô nghiệp, sẽ dẫn đến ba ác hành, tà kiến và nhận lấy hậu quả tai hại cả hai đằng hiện tại và đời sau.
* Một thuyết chủ trương phản lại thuyết trên và sẽ dẫn đến kết quả tương phản với kết quả trên.

2.4.

* Một thuyết chủ trương "Không thể có một vô sắc toàn diện".
* Một thuyết chủ trương "Có một vô sắc toàn diện".

Các chủ trương nầy dựa vào kinh nghiệm tu tập và chấp thủ vào sự thấy biết giới hạn.

Nếu chấp vào chủ trương thứ nhất thì sẽ thác sinh cõi Trời có sắc do ý tác thành.

Nếu chấp vào chủ trương thứ hai thì sẽ thác sinh vào cõi Trời không sắc do tưởng tác thành.

Nếu chấp vào thuyết thứ nhất thì sẽ rơi vào các liên hệ với sắc như đấu tranh, luận tranh, chấp kiến...

Nếu chấp nhận thuyết thứ hai sẽ được lợi ích là sẽ thành tựu sự ly tham, đoạn tận các Sắc pháp.

2.5

* Một thuyết chủ trương "Không thể có Hữu diệt toàn diện".

* Một thuyết khác thì chủ trương "Có thể có Hữu diệt toàn diện".

- Nếu chấp thuận thuyết đầu thì sẽ thác sinh vào cõi Trời không sắc do tưởng tác thành. Nếu chấp thuận thuyết thứ hai thì sự kiện nầy có thể xảy ra: có thể nhập Niết bàn ngay trong hiện tại (vì Hữu diệt).

- Nếu nhận thuyết đầu thì tâm sẽ thiên về tham trước, tham ái, chấp thủ. Chấp nhận thuyết sau thì sẽ có lợi ích là tâm sẽ thiên về ly tham, vô trước, vô chấp thủ.

3. Cuối thời Pháp, Thế Tôn phân biệt có bốn hạng người ở đời (như kinh 51, Kandaraka), trong đó hạng không hành khổ mình không hành khổ người được tán thán; hạng nầy sẽ sống ly dục tịch tịnh: đây là nếp sống phạm hạnh mà Thế Tôn và các đệ tử của Ngài dấn thân.

II. BÀN THÊM

1. Với các Bà-la-môn chưa vướng mắc vào chủ trương tôn giáo, học thuyết nào, đức Thế Tôn giới thiệu một pháp chọn lựa giữa các chủ thuyết đương thời dựa trên tiêu chuẩn lợi ích trong hiện tại - được các người trí tán thán và sự thác sinh vào đời sau, nếu là thật thì có lợi ích hơn, nếu không thật thì vẫn không đánh mất cái lợi ích trong hiện tại. Đây gọi là Pháp chắc thật, không nghi ngại.

Thế Tôn dẫn dắt dần dần, đi từ tin vào Nghiệp quả (thay vì vô nhân, vô nghiệp), có Nhân duyên, đến thà tin Hữu luận hơn là Đoạn diệt luận; thà tin "có Vô sắc toàn diện, có Hữu diệt toàn diện" hơn là "Không có Vô sắc toàn diện, không có Hữu diệt toàn diện" để trong hiện tại có thể thành tựu các thiện hành vô tham, vô sân, ly dục.

Sau cùng là giới thiệu chính con đường của Thế Tôn, nếu các Bà-la-môn muốn thực hiện thì có thể thử dấn thân. Ngài không chủ trương thuyết phục người ngoài đạo theo Ngài. Ngài không chủ trương chỉ thế nầy là đúng, còn tất cả là sai lầm.

2. Chỉ có sự thật và chỉ có sự thân chứng sự thật mới có sức mạnh thuyết phục các người trí ở đời. Đức Thế Tôn đã thuyết phục cả những trí thức và các tu sĩ ngoại đạo thời danh quy hướng Ngài, đi theo con đường của Ngài là vì lý do đó . 

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, https://cusi.free.fr
(Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005