BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh II

Kinh số 101-110

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 101
Kinh Devadaha
(Devadahasuttam)
- Discourse At Devadaha -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH DEVADAHA

1. Lúc Thế Tôn đang trú ở thị trấn Devadaha của các vị dòng dõi Thích Ca (Sakka), Thế Tôn thuật lại cho các Tỷ kheo nghe một cuộc trao đổi giữa Thế Tôn với các Sa-môn, Bà-la-môn Nigantha (Ni-kiều-tử) về chủ trương không đúng, không hợp về thuyết Nghiệp (kamma).

Các Sa-môn, Bà-la-môn Nigantha có chủ trương, tri kiến rằng:

"Phàm cảm giác gì con người cảm thọ (lãnh thọ), lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ. Do sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, do sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ diệt tận".

2. Chủ trương trên của Nigantha chỉ hợp lý (hợp lý nhưng chưa chắc đã đúng, thật) nếu các Nigantha tự mình biết rõ các điểm sau đây mà Thế Tôn đã nêu ra:

2.1. Các Nigantha biết rằng: Trong quá khứ họ hiện hữu, họ không hiện hữu?
2.2. Các Nigantha biết rằng: Trong quá khứ họ có tạo ác nghiệp, họ không tạo ác nghiệp?
2.3. Các Nigantha biết rằng: Trong quá khứ họ có tạo ác nghiệp như thế này, như thế kia?
2.4. Các Nigantha biết rằng: Khổ mức độ như thế này đãõ được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận; hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận?
2.5. Các Nigantha biết rằng: Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp?

Các Nigantha đều trả lời với Thế Tôn rằng: họ không biết như vậy về năm điều Thế Tôn hỏi trên.

3. Thế Tôn nêu ra trước các Nigantha về năm điểm ngay trong hiện tại có hai hệ quả, đó là:

3.1. Lòng tin (Faith: Saddhà)
3.2. Hoan hỷ, ưa thích (Inclination, liking: Ruci)
3.3. Truyền thống (Tradition: anussavo)
3.4. Thẩm định các lý lẽ (Consideration of reasons: àkàraparivitakko)
3.5. Tư duy và chấp nhận một quan điểm (Reflection on and approval of some view: ditthinjjhànakhanti)

Thế Tôn hỏi: "Ở đây, thế nào là lòng tin của các hiền giả (Nigantha) đối với bậc đạo sư trong quá khứ? Thế nào là sự hoan hỷ? Thế nào là truyền thống? Thế nào là thẩm định các lý lẽ? Thế là là tư duy về và chấp nhận một quan điểm?"

- Các Nigantha đã không có câu trả lời hợp lý nào.

4. Rồi Thế Tôn khai mở tâm cho các Nigantha về điểm không hợp lý của họ khi chấp nhận quan đi về Nghiệp đã nêu trên. Thế Tôn đặt ra câu hỏi để các Nigantha đi đến xác nhận rằng:

- Khi các Nigantha tinh tấn tinh cần (để hành hạnh tự hành khổ của họ) thì họ lãnh thọ các cảm giác đau đớn, thống khổ.

- Khi họ không tha thiết tinh tấn, tinh cần (...), thì họ không lãnh thọ các cảm giác đau đớn, thống khổ.

Nếu thế thì cảm giác thống khổ hiện tại này đã không do Nghiệp quá khứ tạo ra. Đây là điều không hợp lý khi họ chấp nhận chủ trương quan điểm về nghiệp nêu trên.

5. Thế Tôn tiếp tục khai sáng các Nigantha. Thế Tôn nêu ra các câu hỏi này:

- Có thể nói được chăng: " Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn, tinh cần, có thể khiến được thọ quả tương lai?

- Đáp: Không.

- Có thể nói được chăng: " Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai, do tinh tấn, tinh cần, có thể khiến được thọ Quả hiện tại?

- Đáp: Không.

- Có thể nói được chăng: " Mong rằng nghiệp được lãnh thọ lạc này, do tinh tấn, tinh cần, có thể được lãnh thọ khổ?

- Đáp: Không.

- Có thể nói được chăng: " Mong rằng nghiệp được thọ khổ này, do tinh tấn, tinh cần có thể lãnh thọ lạc?

- Đáp: Không.

- Tương tự đối với:

* Quả đã thuần thục / quả chưa thuần thục...

* Quả đa sở thọ / Quả thiểu sở thọ...

* Có sở thọ / không sở thọ...

- Nếu thế thì sự Tinh tấn, tinh cần tu tập của các Nigantha là không có kết quả.

- Đó là cách mà Thế Tôn giúp các Nigantha thẩm định lý lẽ, tư duy để chấp nhận một quan điểm.

6. Đây là hai hậu quả (hay hệ quả) do chủ trương về Nghiệp của các Nigantha: 10 hệ luận (tùy thuyết: cadanuvada: reasoned theses) thuộc chỉ trích về chủ trương hành khổ của Nigantha và 10 hệ luận tán thán về con đường vào giải thoát lạc của Thế Tôn:

6.1. 10 chỉ trích về hạnh của Nigantha:

- Nếu do nhân quá khứ lãnh thọ lạc, khổ, thì các Nigantha (đang tự hành khổ) đã làm các việc ác trong quá khứ.

- Nếu do một Tạo hóa ác độc tạo ra cảm giác lạc, khổ thì các Nigantha đã do Tạo hóa ác độc tạo ra.

- Nếu do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc, khổ thì các Nigantha bị các điềukiện kết hợp ác.

- Nếu do nhân sanh loại lãnh thọ lạc, khổ, thì các Nigantha thật sự là ác sanh loại.

- Nếu do tinh tấn trong hiện tại lãnh thọ lạc, khổ, thì các Nigantha đang hành ác (tà) tinh tấn.

- Nếu do nhân quá khứ thọ lãnh lạc, khổ thì các Nigantha đang bị chỉ trích; nếu không do nhân quá khứ lãnh lạc, khổ, các Nigantha cũng đáng bị chỉ trích.

- Nếu do Tạo hóa (như trên)..., các Nigantha đáng bị chỉ trích; nếu không do Tạo hóa...., các Nigantha cũng đáng bị chỉ trích.

- Tương tự đối với "các điều kiện kết hợp"..., đối với "sanh loại"....đối với "tinh tấn"...

6.2. 10 tán thán về tinh tấn phạm hạnh do Thế Tôn chủ trương:

a/ Tinh tấn có kết quả: - Tinh tấn chống nguyên nhân đau khổ mà không có tham dục, mà xả đối với nguyên nhân đau khổ.

b/ Lộ trình giải thoát của phạm hạnh (như đã được trình bày từ Trung Bộ I và Trung Bộ II)

Ngược lại với chỉ trích qua 10 lập luận đối với các Nigantha là 10 lập luận tán thán Thế Tôn.

III. BÀN THÊM

1. Thuyết chủ trương về Nghiệp của các Sa-môn, Bà-la-môn của Nigantha chỉ một chiều rất "buồn cười": tất cả những khổ, lạc mà con người đón nhận trong hiện kiếp là thảy do Nghiệp quá khứ (một quá khứ mơ hồ, không biết mình ở đâu?, làm gì?) định đoạt. Hiện tại chỉ là một cuộc sống "định mệnh". Nhận lãnh cho hết quả báo trong hiện tại do các nhân tạo ra trong quá khứ (làm thế nào mà nhận lãnh hết, đủ hay chưa hết, đủ?). Còn hiện tại làm là để hưởng vào đời sau (đời sau là ai? đi về đâu? đến lại cuộc đời như thế nào?). Để đời sau không còn khổ nữa thì hiện tại tự hành khổ, nhận trọn khổ cho hết khổ thì đời sau hưởng toàn lạc (sự thật này đến từ đâu? tại sao hành khổ lại được kết quả lạc?). Nếu hiện tại tự hành khổ mà cho rằng để đoạn diệt các Nghiệp qúa khứ, thì Nghiệp tự hành khổ trong hiện tại sẽ dẫn con người đi về đâu theo quy luật vận hành của Nghiệp?

2. Các câu hỏi của Thế Tôn đặt ra với các Nigantha về việc họ có biết gỉ về Nghiệp quá khứ? Họ đã tạo tác như thế nào? v. v... là để vạch rõ chủ trương về Nghiệp của Nigantha là do tưởng tượng, là hư tưởng, không tưởng, mà không dựa vào cơ sở tự mình thấy, biết, chứng nghiệm.

3. Thế Tôn nêu ra năm điểm: tín, ưa thích, truyền thống, thẩm định lý lẽ và tư duy, chấp nhận một quan điểm là nhắc nhở các Nigantha nên:

- Cần suy xét, thẩm định, cân nhắc phân tích một quan điểm trước khi chấp nhậân, tin tưởng nó.

4. Thế Tôn lại giới thiệu sự nổ lực, tinh cần có kết quả là nổ lực để thoát khổ ngay trong hiện tại, nỗ lực để dập tắc các nhân gây ra khổ đau ngay trong hiện tại, điều mà con đường tu tập Phạm hạnh do Thế Tôn giảng dạy thực hiện được: Sự đoạn tận các bất thiện pháp và sự thành tựu các thiện pháp có thể thực hiện ngay trong hiện tại.

Bài kinh 101, Devadaha, là bản kinh trình bày thuyết về Nghiệp và phương thức đoạn diệt Nghiệp của Nagantha, từ đó các nhà nghiên cứu Phật Học có thể thấy rõ sự khác biệt với thuyết về Nghiệp và con đường đoạn diệt Nghiệp của Phật Giáo.  

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 102
Kinh Năm, Ba
(Pancattayasuttam)
-  Discourse On The Three fold Five -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH NĂM, BA

Nội dung kinh nầy trình bày các chủ thuyết của ngoại đạo tương tự nội dung được kiết tập ở kinh Phạm Võng, Trường Bộ I.

1. Các thuyết liên hệ về tương lai bàn về tự ngã

1.1. Sau khi chết tự ngã không bệnh, có tưởng.
1.2. Sau khi chết tự ngã không bệnh, không có tưởng.
1.3. Sau khi chết tự ngã không bệnh, phi tưởng và phi phi tưởng.
1.4. Chủ trương đoạn diệt, chết là hết, hữu tình không còn tồn tại.
1.5. Một thuyết chủ trương hiện tại Niết bàn lạc.
1.6. Sau khi chết tự ngã không bệnh, có sắc, có tưởng.
1.7. Sau khi chết tự ngã không bệnh, không sắc, có tưởng.
1.8. Sau khi chết tự ngã không bệnh, hoặc có sắc và không sắc, có tưởng.
1.9. Sau khi chết tự ngã không bệnh, không sắc và không không sắc, có tưởng.
1.10. Sau khi chết tự ngã không bệnh, nhất tưởng, có tưởng.
1.11. Sau khi chết tự ngã không bệnh, dị tưởng, có tưởng.
1.12. Sau khi chết tự ngã không bệnh, thiểu tưởng, có tưởng.
1.13. Sau khi chết tự ngã không bệnh, vô lượng tưởng, có tưởng.
1.14. Một số Bà-la môn-chủ trương thức biến nầy khi vượt qua khỏi sẽ trở nên vô lượng, bất động.

Tất cả chủ trương trên thật ra phát sinh từ kinh nghiệm giới hạn của các Bà-la-môn từ các định Sắc giới và định Vô sắc giới. Thế Tôn biết rõ tất cả kinh nghiệm trên nhưng không chấp thủ, còn biết rõ hơn rằng tất cả là hữu vi, chịu sự đoạn diệt, Như Lai giải thoát khỏi hữu vi.

Trong các chủ trương trên, các Bà-la-môn chủ trương vô tưởng vô bệnh sau khi chết thì phỉ báng các chủ trương sau khi chết tự ngã có tưởng vô bệnh, họ cho rằng: "Tưởng là bệnh hoạn, tưởng là mụt nhọt, tưởng là mũi tên, chỉ đây là tịch tịnh, thù diệu tức là vô tưởng"

Các Bà-la-môn chủ trương sau khi chết tự ngã không bệnh, không sắc, không tưởng thì nói rằng: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài hành, ngoài thức, ta chủ trương sự lai, vãng, tử, sanh, tăng trưởng, tăng thịnh hay tăng đại".

Thế Tôn dạy: sự tình không có như vậy. Đây còn thuộc hữu vi, chịu sự đoạn diệt. Như Lai thấy rõ sự thật ấy và giải thoát khỏi hữu vi.

2. Các thuyết liên hệ đến quá khứ bàn về tự ngã:

2.1. "Tự ngã và thế giới thường còn, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng"
2.2. "Tự ngã và thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng".
2.3. "Tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng".
2.4. "Tự ngã và thế giới là không phải thường còn, không phải vô thường, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng"
2.5. Tự ngã và thế giới là hữu biên.
2.6. Tự ngã và thế giới là vô biên.
2.7. Tự bgã và thế giới là Hữu biên và Vô biên.
2.8. Tự ngã và thế giới không phải hữu biên, không phải vô biên.
2.9. Tự ngã và thế giới là Nhứt tưởng.
2.10. Tự ngã và thế giới là Dị tưởng.
2.11. Tự ngã và thế giới là Thiểu tưởng.
2.12. Tự ngã và thế giới là Vô lượng tưởng.
2.13. Tự ngã và thế giới là Nhứt hướng lạc.
2.14. Tự ngã và thế giới là Nhứt hướng khổ.
2.15. Tự ngã và thế giới là Lạc và khổ.
2.16. Tự ngã và thế giới là không Lạc, không khổ.

Các chủ trương liên hệ với quá khứ vừa nêu trên cho rằng "ngoài tín, hỷ, truyền thống (tùy văn), thẩm định các lý lẽ, tư duy và chấp nhận một quan điểm", trí tự mình sẽ trở nên trong suốt, trong sạch: sự kiện này không xảy ra, vì ngay cả khi còn một ít, rất ít, trí mà các Bà-la-môn nỗ lực làm cho trong suốt, trong sạch thì vẫn còn vướng mắc vào chấp trước.

Thế Tôn biết như thế là hữu vi chịu sự đoạn diệt, Thế Tôn biết có sự đoạn diệt của hữu vi nên thấy được sự giải thoát khỏi hữu vi.

3. Các chấp thủ tế nhị của các Bà-la-môn từ bỏ quan điểm về quá khứ, từ bỏ quan điểm về tương lai và không hoàn toàn chú tâm đến những dục kiết sử

3.1. Các Bà-la-môn nầy đạt được Viễn ly hỷ và an trú. (nhưng khi viễn ly hỷ đoạn diệt thì sự ưu tư sinh khởi, khi ưu tư đoạn diệt thì viễn ly hỷ sanh khởi: đây vẫn là hữu vi).

3.2. Nếu các Bà-la-môn vượt qua viễn ly hỷ thì đạt phi vật chất lạc và an trú . (nhưng khi phi vật chất lạc đoạn, thì viễn ly sanh khởi; khi viễn ly hỷ đoạn thì phi vật chất lạc sanh khởi: đây vẫn là hữu vi).

3.3. Nếu các Bà-la-môn vượt qua được phi vật chất lạc thì đạt: vô khổ vô lạc thọ và an trú. (nhưng khi vô khổ vô lạc thọ đoạn diệt, thì phi vật chất lạc sanh khởi; khi phi vật chất lạc đoạn diệt, thì vô khổ vô lạc sanh khởi: đây vẫn còn là hữu vi, chịu sự đoạn diệt).

3.4. Nếu các Bà-la-môn vượt qua phi vật chất lạc, vượt qua vô khổ vô lạc, vị ấy quán, "Ta là tịch tịnh, ta là tịch diệt, ta là không chấp thủ".

Tại đây nếu Bà-la-môn khởi lên các chấp thủ nêu trên thì vẫn còn vướng vào chấp thủ quan điểm. Nếu vị đại đức không vướng vào chấp thủ các quan điểm thì chắc chắn vị đại đức sẽ tuyên bố con đường thích hợp đưa đến Niết bàn.

Tại đây, với Thế Tôn, vô lượng tịch tịnh, tối thắng đạo được Như Lai Chánh Đẳng Giác, nghĩa là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, có sự giải thoát không chấp thủ.

III. BÀN THÊM

1. Các chủ trương về thế giới và tự ngã của các Sa môn, Bà-la-môn trong kinh Năm, Ba, số 102, trên là kết quả chứng nghiệm tâm thức của họ qua Thiền chỉ, vào "Hiện tại lạc trú" và "Tịch tịnh trú"; tất cả chủ trương ấy là dựa vào cảm thọ và tri kiến qua cảm thọ với sự ràng buộc của chấp thủ, nghĩa là ngay đến các Bà-la môn từ bỏ các sắc, thọ và tưởng vẫn bị vướng mắc vào hành uẩn. Nói chung, tất cả đều bị vướng mắc, không thoát ly khỏi chấp thủ năm uẩn.

2. Sự chứng đắc của các Bà-la-môn luôn luôn ở trong phạm trù hữu ngã, vắng mặt thiền quán nên không thấy rõ sự nguy hiểm của các pháp hữu vi, không thấy rõ con đường xuất ly khỏi năm uẩn, không thể thấy rõ sự thật Duyên khởi, vô ngã. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Phật giáo và các Chủ thuyết liên hệ Thọ, Tưởng, Hành của các Bà-la-môn ngoại đạo (phi Phật giáo): một đằng là tuyên bố sự thật vô ngã và vô thủ trước các cảm thọ, các tri kiến, một đằng là hữu ngã (có tự ngã) và chấp thủ cảm thọ tri kiến.

-ooOoo- 

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 103
Kinh Như Thế Nào?
(Kintisuttam)
- Discourse On " What Then? " -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH "NHƯ THẾ NÀO"

1. Động cơ thuyết pháp của Thế Tôn:

Không vì thực phẩm, không vì y áo, không vì sàng tọa.

Không vì thành, bại - nghĩa là không vì danh vọng và lợi dưỡng. Thế Tôn thuyếtPháp vì từ tâm, vì lợi tha.

2. Thuyết Pháp để các đệ tử đắc thượng trí, đó là các pháp:

- Tứ niệm xứ.
- Tứ Chánh cần.
- Tứ Như ý túc.
- Ngũ căn.
- Ngũ lực.
- Thất giác chi.
- Bát Thánh Đạo.

3. Tăng già sống học tập và thực hành trong tinh thần hoan hỷ, hòa hợp, không tranh cải, theo "sáu pháp hòa kính":

- Trong trường hợp có cách hiểu Pháp và nói Pháp bất đồng: hoặc đồng về ý, khác về văn; hoặc đồng văn, khác ý; hoặc đồng ý và văn thì chỉ ghi nhận và chỉ xác nhận theo luật và theo pháp mà tránh tranh cải.

- Trong trường hợp có người phạm pháp, phạm luật thì nên khéo tìm cách giúp người ấy (Tỷ kheo ấy) an trú và thiện pháp. Với người khó nói, khó thuyết phục, có thể gây tổn hại đến mình và người ấy, thì nên xả, không nên khinh miệt.

III. BÀN THÊM

1. Mục đích của thuyết pháp là vị tha, giúp người khác ly tham, đắc thắng trí, vì lòng từ bi; tuyệt nhiên không thuyết pháp vì danh vọng và lợi dưỡng.

2. Thái độ sống để học tập và hành pháp của một Tỷ kheo là hoan hỷ, hòa hợp, không khen mình chê người, không tranh cải, thế nào để tất cả có thể an trú vào thiện pháp hướng đến giải thoát.

3. Vấn đề bản kinh nêu ra là rất giản dị: một Tỷ kheo sống với lòng từ đối với các đồng phạm hạnh và mọi người, sống không vị kỷ, không khen mình chê người, không tranh cải. Nhưng bình tâm mà nhìn kỷ tổ chức của Tăng già trong thời đại ngày nay và các tổ chức khác, đó không phải là việc dễ dàng được thực hiện. Nếu chỉ một việc giản dị đó mà không dễ dàng thực hiện đối với một tu sĩ, thì thật sự là còn xa để nói đến công việc thành tựu công phu tẩy sạch cấu uế của tâm, nói gì đến bước giải thoát phát triển "Hiện tại lạc trú" và "Thiền quán".

Đây là vấn đề mà mỗi cá nhân xuất gia có khác vọng thực hiện giải thoát trong hiện tại trầm tư và điều chỉnh công hạnh của mình.

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 104
Kinh Làng Sàma
(Sàmàgàmasuttam)
- Discourse At Sàmàgàma -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Tăng thượng hoạt mạng: Ajjhàjìva: The mode of living: cách sống; nếp sống.

- Tăng thượng Giới bổn: Adhipatimokha: The obbligations: giới luật.

- Thất diệt tránh: Satta adhikaranasamathà: The seven rules which are for deciding legal questions: Bảy pháp để dập tắt tranh cải.

- Ưng dữ hiện tiền tỳ ni: Sammukhàvinayo dàtabbo: A verdict of in the presence of may be given: Phán quyết với sự hiện diện cần cho.

- Ưng dữ ức niệm tỳ ni: Sativinayo dàtabbo: A verdict of innoncence may be given: phán quyết bất si cần cho.

- Ưng dữ bất si tỳ ni: amùlhavinayo dàtabbo: A verdict of past insanity may be given: phán quyết bất si cần cho.

- Quyết định tùy theo thú nhận: Patinnàya Kàretabbam: It may be carried out on his acknowledgement.

- Đa nhân mích tội: Yebhuyyassikà: the decision of the majority: Quyết định theo đa số.

- Quyết định tùy theo giới tội người phạm: Tassapayyasikà: The decision for specific depravity.

- Như thảo phú địa: Tinnavatthàrako: The covering up with grass: Trải cỏ che lấp (xuý xoá).

II. NỘI DUNG KINH LÀNG SÀMA

1. Nhân sự kiện Nigantha Nàtaputta mệnh chung tại Pàva, các đệ tử (jains) tranh chấp đi đến tàn hại nhau với miệng lưỡi và binh khí, tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn dạy các pháp để ngăn ngừa Tăng chúng, sau khi Thế Tôn nhập diệt.

Thế Tôn dạy sự tranh chấp về nếp sống và về Giới bổn chưa dẫn đến bất an, bất hạnh cho đa số, đau khổ cho Trời, Người; chính sự tranh chấp về "con đường" và về "đường hướng" (course = patipada) khởi lên giữa Tăng chúng mới đưa đến bất an cho đa số, đau khổ cho Trời, Người.

2. Do các ác tâm, bất thiện tạm khởi lên bốn tránh sự: tranh luận, chỉ trích, trách nhiệm, phạm giới tội. Để dập tắt các tránh sự, Thế Tôn dạy pháp "Thất diệt tránh" và "Sáu pháp ức niệm" (hay "sáu pháp hòa kinh").

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh với nội dung đơn giản, nhưng vô cùng quan trọng, qua đó sinh mệnh của Tăng già được bảo vệ hay không được bảo vệ.

Khi mà trong Tăng đoàn hiện diện nhiều phàm Tăng với các ác tâm, cấu uế tâm được nuôi dưỡng, danh vọng và lợi dưỡng được nuôi dưỡng, khi mà các tác nhân xã hội vật chất và các các nhân chính trị tác động mạnh vào thêm thì các tránh sự dễ xảy ra.

Khi mà nếp sống "lục hòa" ít được tôn trọng và phạm hạnh bị "xâm thực" thì các tránh sự dễ xảy ra.

Cách chống đỡ duy nhất là thực hiện pháp "Thất diệt tránh" để tránh bớt các đổ vỡ của Tăng đoàn để có điều kiện phát triển Chánh pháp.

2. Kinh nghiệm lịch sử phát triển Phật giáo kể từ thời kiết tập thứ nhất, chỉ có sự khác biệt nhỏ về 10 điều liên hệ về luật, Giáo Hội Tăng già đã phân ra làm hai bộ phái: Thượng Tọa bộ và Đại chúng bộ. Trong thời kỳ cận đại và hiện đại đang tồn tại nhiều sự khác biệt như: Tịnh Tăng và Tân Tăng (đang phát triển mạnh ở Nhật; khởi đầu phát triển ở Nam Triều tiên); Thượng Tọa bộ và Đại thừa (hay Phật giáo phát triển; Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông... (Hoa Nghiêm Tông, Pháp Hoa Tông, Nhật Liên Tông,...); Phát triển Ni bộ và không phát triển Ni bộ v.v... Các Giáo Hội Tăng già các nước đang nổ lực đi đến hiểu biết nhau nhiều hơn, và đang tìm kiếm một hướng thống nhất giáo lý (các giáo lý căn bản) và gần gũi về tổ chức, các bộ phái chấp nhận nhau mà không chỉ trích nhau. Hẳn nhiên là có cơ sở để các chủ trương, nhận thức về "con đường" thống nhất, hay ít nhất là xích lại ngày càng một gần gũi nhau hơn, bởi tất cả đề tôn kính một bậc đạo sư Gotama, và chỉ có một hướng giải thoát duy nhất là đoạn trừ Ái, Thủ, Vô minh.

Bản kinh nầy mãi là cơ sở của các thao thức để phát triển Tăng già và phát triển Phật giáo trên thế giới trong thiên niên kỷ mới.

3. Nếu công phu thiền quán về nguy hiểm của các dục, thiền quán về vô thường và khổ đau được số đông thực hiện, thì Tăng già sẽ tránh được nhiều nhiễu sự và có thiện duyên để hưng thịnh, không phải lo về các tránh sự dẫn đến đấu tranh với miệng lưỡi và binh khí

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 105
Kinh Sunakkhatta
(Sunakkhattasuttam)
- Discourse To Sunakkhatta -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Sanh y: Upadhi: Clinging: sự bám chặt vào các xúc xứ, các hiện hữu.

I. NỘI DUNG KINH SUNAKKHATTA

1. Lúc Thế Tôn trú ở Trùng Các giảng đường tại Vesalì (Tỳ-xá-ly), có nhiều vị Tỷ kheo tuyên bố thành tựu phạm hạnh, có một nghi ngờ khởi lên trong một số Tỷ kheo. Sunnakkhatta bạch hỏi Thế Tôn về sự thật của các lời tuyên bố trên.

Thế Tôn dạy:

- Một số Tỷ kheo đã tuyên bố một cách chân thật, một số thì tuyên bố không thật về sự thành tựu của mình. Đối với các Tỷ kheo tuyên bố không thật (Tăng thượng mạn), Thế Tôn nghĩ rằng cần phải thuyết pháp cho họ.

- Một số Tỷ kheo si ám thì bày chuyện hỏi Như Lai; đối với hạng Tỷ kheo nầy, Thế Tôn nghĩ cũng cần thuyết pháp cho họ.

2. Thế Tôn dạy về các hạng đệ tử của thế Tôn:

2.1. Hạng đang vướng vào ngũ dục lạc thì tâm hướng hướng về thế giới của ngũ dục lạc ...

2.2. Hạng đang hướng về bất động thì lánh xa thế giới của ngũ dục lạc ...

2.3. Hạng đang hướng về Vô sở hữu thì tránh xa thế giới của bất động và ngũ dục lạc ...

2.4. Hạng đang hướng về Phi tưởng phi phi tưởng thì tránh khỏi Vô sở hữu, bất động và ngũ dục lạc...

2.5. Hạng hướng về Niết bàn, thì tránh xa các hướng trên.

2.6. Hạng hướng về Niết bàn, biết tham ái là mũi tên, thuốc độc, vô minh gây não hại với dục, tham, sân, nhưng sáu căn lại còn truy cầu vị ngọt của sáu trần; nên tâm bị nhiễu loạn bởi tham dục... không thoái ly nỗi tham dục, đi đến đau khổ, có thể hoàn tục; có người thì kịp giác tỉnh trở về công phu hướng đến ly tham, Niết bàn; có người thì có giác tỉnh mạnh không truy cầu sáu trần, tâm không rơi vào đau khổ, phát triển định, tuệ và giải thoát, nhất hướng đi đến Niết bàn.

III. BÀN THÊM

1. Thế Tôn, qua kinh số 105, đã xác nhận một sự thật trong Giáo Hội của Thế Tôn.

- Có một Tỷ kheo tăng thượng mạn, chưa chứng các quả vị giải thoát mà tự tuyên bố đã chứng. Tình trạng nầy thì rất phổ biến và khá trầm trọng trong Giáo Hội xa dần thời kỳ Chánh pháp. Đây là dạng tâm lý giải thoát suy thoái, đi ngược lại với yêu cầu của giải thoát: Lẽ đáng giải thoát là thoát ly khỏi tham ái, chấp thủ tự ngã, thì tâm lý suy thoái lại vì tham ái, vì chấp thủ tự ngã, vì cung kính, danh vọng và lợi dưỡng mà tuyên bố giải thoát.

Nhân đây, Thế Tôn dạy về truyền thống của các tâm lý giải thoát của các đệ tử của Thế Tôn giúp người học Phật và hành giải thoát có cơ sở để thẩm định.

- Có hạng người đặt ra các câu hỏi nhưng là vì tâm lý huyênh hoang, mà không phải vì " cầu tri ". Hạng tâm lý nầy cũng cần biết truyền thống của tâm lý giải thoát để tự biết mình, tự sửa mình.

Bản kinh 105 là thái độ giáo dục của Thế Tôn về hai hạng tâm lý suy thoái trên.

2. Tuyên bố chứng đắc A-la-hán là truyền thống của Pháp và luật: Làm vậy là để cho các tỷ kheo trẻ tuổi và các Tỷ kheo Hữu học biết để mà tôn kính, tránh các lỗi lầm. Một vị Thánh Vô học là vị đã cắt đứt chấp thủ tự ngã nên không bao giờ tuyên bố chứng đắc để đề cao tự ngã. Nói khác đi, vì không còn vướng mắc tự ngã nên tuyên bố chứng đắc vậy.

3. Ngoại trừ chứng đắc A-la-hán, một vị Tỷ kheo cần tuyên bố, các quả vị chứng đắc khác nếu được tuyên bố thì trái với truyền thống của Pháp và Luật của bậc Thánh mà một vị chân tu sẽ không bao giờ làm.

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 106
Kinh Bất Động Lợi Ích
(Ànanjasappàyasuttam)
- Discourse On Beneficial Imperturbability -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Ghi Chú:

(1) Trong bản dịch Việt ngữ, Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1992, đoạn thứ ba (kể từ đầu kinh ghi rằng):  

"Ở đây, các ác, bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại trong việc tu tập của các đệ tử của các bậc Thánh... "

(2) Đoạn 4 của bản dịch Việt ngữ (ibid) ghi:

"Lại nữa, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: 'Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, phàm bất cứ sắc pháp gì, là bốn đại chủng và sắc do do bốn đại chủng tạo thành'..." Viết đúng là:

"Lại nữa này các Tỷ kheo, vị đệ tử của bậc Thánh suy nghĩ như sau: ' những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, và bất cứ sắc pháp gì đều là sắc pháp bao gồm bốn đại chủng và những gì do bốn đại chủng tạo thành '... "

(3) Phần giữa của đọan ba ghi:

"... Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, chiến thắng thế giới, sau khi xác định vị trí của ý..."

Viết đúng là:

"... Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, chiến thắng thế giới, với quyết định tâm..."

(4) Trang 102, Trung III, Đại tạng Kinh VN, 1992, ghi:

"Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn: 'Bạch Thế Tôn, ở đây vị Tỷ kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: 'Nếu (trước) không có như vậy, thời có thể không là của ta; nếu (nay) không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có' . Và như vậy vị ấy được xả. Bạch Thế Tôn, một vị Tỷ kheo như vậy có chứng được cứu cánh Niết bàn không?"

Viết đúng (và sát nghĩa) nguyên bản là:

"... Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn; 'Bạch Thế Tôn, ở đây vị Tỷ kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: 'Nếu nó đã không hiện hữu, nó đã không là của ta; nếu nay nó không hiện hữu, nó không là của ta'; ta nay đoạn trừ những gì đang có và những gì đã có' - như vậy vị Tỷ kheo chứng đắc xả. Bạch Thế Tôn, vị Tỷ kheo nầy có đắc được Niết bàn tối hậu không?"

II. NỘI DUNG KINH

1. Một thời Thế Tôn ở thị trấn Kammassadhamma thuộc dân Kuru đã giảng dạy cho các Tỷ kheo về sự hư đối, nguy hiểm của dục lạc (sensual pleasures); dục lạc thuộc ma giới cần được loại bỏ để thành tựu các lợi ích giải thoái.

2. Dục lạc trong hiện tại, tương lai, các dục tưởng hiện tại và tương lai là pháp chướng ngại. Để loại bỏ chướng ngại nầy, vị Tỷ kheo cần làm sinh khởi và an trú vào các tâm vô lượng, tâm Sắc và vô sắc (tâm đại hành) để thành tựu tâm bất động trong hiện tại chìm sâu vào trí tuệ; vị Tỷ kheo cần thiền quán đối tượng của dục là các sắc, do Tứ đại và các sắc do Tứ đại sanh, khởi lên, an trú trong tâm thanh tịnh của thấy biết nầy; thiền quán các dục và các sắc (đối tượng của dục) là vô thường không đáng để ham muốn, chấp trước. Đó là ba hành đạo về "lợi ích bất động"

3. Vị Tỷ kheo cần thiền quán các dục, dục tưởng hiện tại và tương lai và cả bất động tưởng (thành tựu các pháp hành trên) nếu được đoạn diệt thì tâm liền an tịnh, thành tựu đệ nhất hành đạo về lợi ích vô sở hữu xứ.

4. Vị Tỷ kheo thiền quán: "Ngã và ngã sở là trống không"; đây là đệ nhị hànhđạo về lợi ích vô sở hữu xứ.

5. Vị Tỷ kheo thiền quán: "Ngã và ngã sở không có mặt bất cứ ở đâu, dưới hình thức nào". Đây là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.

6. Vị Tỷ kheo thiền quán: Các dục, dục tưởng, Bất động tưởng, Sắc tưởng, tất cả các tưởng được đoạn diệt thì tâm tịch tịnh, thù diệu của Phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Đây là hành đạo về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

7. Vị Tỷ kheo "đoạn trừ những gì đang có và đã có" sẽ đắc được xả. Nếu vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, thủ trước xả ấy, thủ trước phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì sẽ không thể đắc được Niết bàn tối hậu. Nếu không thủ trước xả ấy, thì sẽ đắc Niết bàn tối hậu.

III. BÀN THÊM

1. Dục lạc, hay ngũ dục lạc là đối tượng trói buộc tâm con người mãnh liệt nhất. Do dục tưởng mà lòng dục ngày càng mạnh, các dục lạc càng trói buộc mạnh mẽ hơn. Lòng dục và đối tượng của dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc) trở nên như lẽ sống và sự thật của sự sống con người. Do dục mà nuôi dưỡng, phát triển tham, sân. Bản chất của dục là si muội, nên dục tưởng nuôi dưỡng và phát triển mạnh tham, sân, si (cội nguồn của các ác pháp, bất thiện pháp) và là chướng ngại lớn nhất của công phu tu tập giải thoát.

2. Bước giải thoát đầu tiên là đối đầu với dục lạc, dục tưởng và đoạn trừ chúng. Khi dục tưởng được cắt đứt thì tâm an tịnh, bất động có mặt, thiền quán được phát triển: cái thấy biết về sự thật duyên sinh, hữu vi, vô thường của các thứ sắc pháp và của dục tưởng được an lập, phát triển: trí tuệ được phát huy.

3. Phát triển mạnh thiền quán ấy, phát triển mạnh cái thấy biết rằng: Ngã và ngã sở không thực có, là trống rỗng, thì tâm sẽ vào giải thoát bất động của Vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tại đây, nếu hành giả hoàn toàn xả ly, không chấp thủ vào cảm thọ xả, vào tri kiến ấy thì sẽ thể nhập Chánh trí, đắc Niết bàn tối hậu.

Như vậy, ở đây Niết bàn là đồng nghĩa với Thủ diệt, Thọ diệt, Tưởng diệt hay ngũ thủ uẩn diệt. Nó cũng đồng nghĩa với Ái diệt.

4. Bản kinh 106 giới thiệu đích điểm, hay tinh yếu của công phu giải thoát. Tại đây, sắc thái đặc thù của giáo lý Phật giáo cũng hiện rõ. Vấn đề còn lại duy nhất của hành giả là quyết tâm đoạn dục, đoạn trừ chấp trước ngã và ngã sở.

-ooOoo-

 Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 107
Kinh Gonaka Moggallàna
(Gonakamoggallànasuttam)
- Discourse To Gonaka Moggallàna -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH 107

1. Lúc Thế Tôn trú ở lâu đài Migaramàtu (Đông Viên Lộc Mẫu Giảng Đường), Sàvatthì, Bà-la-môn Gonaka Moggallàna yết kiến Thế Tôn và bạch rằng: một lâu đài được xây cất tuần tự; các nghề bắn cung; toán số,..., được học tập tuần tự; vậy trong Pháp và Luật của Thế Tôn có những bước đi tuần tự như vậy không?

- Thế Tôn dạy: Cũng thế.

2. Quá trình thực hành Pháp và Luật của Thế Tôn thuyết giảng:

2.1. Hộ trì giới bổn Ba-la-đe-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt...
2.2. Hộ trì các căn...
2.3. Ăn uống tiết độ...
2.4. Chú tâm cảnh giác khỏi các pháp chướng ngại ...
2.5. Chánh niệm cảnh giác ...
2.6. Đoạn trừ Ngũ cái ...
2.7. An trú bốn sắc định ...
2.8. Từ đệ tứ sắc định, an trú để thiền quán cắt đứt các kiết sử (Hữu học), và Hiện tại lạc trú cho các A-la-hán.

3. Thế Tôn xác định:

- Niết bàn có mặt ở đó;
- Con đường dẫn đến Niết bàn có mặt ở đó;
- Như Lai có mặt, nhưng chỉ là bậc chỉ đường.

Thành tựu phạm hạnh hay không là tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi hành giả.

Cuối thời pháp, Gonaka - Moggallàna tán thán Thế Tôn là bậc đạo sư cao cả nhất, Gonaka xin làm đệ tử tại gia trọn đời.

III. BÀN THÊM

1. Qua kinh 107 và các kinh đã giới thiệu, con đường học và tu của một Tỷ kheo chỉ bao gồm vào ba phần thật rất rõ ràng và dễ hiểu:

1.1. Văn huệ: bao gồm:

- Nghe và hiểu về Giới bổn Patimokkha;
- Nghe và hiểu giáo lý Tứ đế: sự thật của khổ; nguyên nhân của khổ; khổ diệt; và con đường dẫn đến khổ diệt.
- Nghe và hiểu về sự thật "duyên sinh" của mọi hiện hữu.
- Nghe và hiểu về dục và các pháp chướng ngại giải thoát.
- Nghe và hiểu về Ngũ thủ uẩn.
- Nghe và hiểu về thiền quán, Như lý tác ý.

1.2. Tư huệ: bao gồm:

- Quán về nguy hiểm của dục lạc, dục tưởng.
- Quán trở ngại của Ngũ triền cái.
- Quán trở ngại của tầm, tứ, hỷ, lạc (các cảm thọ thuộc nội thọ).
- Quán về "Duyên khởi".
- Quán Ngũ uẩn, ngã và ngã sở là trống không, Vô sở hữu.
- Quán thế giới là vô thường, vô hộ, vô chủ và vô sở hữu.

1.3. Tu huệ: bao gồm mấy bước thực hành:

- Tẩy sạch các cấu uế của tâm, tẩy sạch Ngũ cái
- Đoạn trừ lần lượt các thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc để an trú xả và nhất tâm.
- Thiền quán Tứ vô lượng tâm để vào Diệt thọ tưởng định.
- Thiền quán Ba pháp ấn để lần lượt cắt đứt 10 kiết sử, chứng đắc Tam minh, Lục thông.

2. Tu tập là một quá trình chuyển đổi tâm lý qua các bước thực hành cơ bản: chuyển đổi tập quán sống, chuyển hóa tâm thức bằng chuyển hoá từ ác tâm qua thiện tâm rồi đến giải thoát tâm và giải thoát tuệ. Đây là các bước đi mà các hành giả nào cũng phải trải qua, trải qua với thời gian ngắn hay dài.

- Với các căn cơ trí tuệ lớn, lộ trình tâm lý cũng phải đi qua các mốc điểm chuyển đổi ấy, nhưng đi qua với tốc độ nhanh hơn, có thể trong một thời khắc nào đó, một ngày cho đến bảy ngày, tám ngày; hay hai tuần đến bốn tuần; hoặc hai tháng đến bảy tháng. Với căn cơ khác thì có thể từ một năm cho đến bảy năm, hay lâu hơn.

3. Hành giả cần theo dõi tâm lý của tự thân và con đường, dựa vào nỗ lực của tự thân. Thế Tôn chỉ là bậc chỉ đường. Các bạn đồng phạm hạnh chỉ là trợ duyên nhỏ.

Sức mạnh giác tỉnh ly tham càng mãnh liệt thì kiết sử càng được cắt đứt nhanh chóng, lậu hoặc càng được tẩy sạch nhanh.

Sức mạnh của giác tỉnh thì tăng nhanh tỷ lệ thuận với nỗ lực và hữu hiệu của thiền quán ba pháp ấn của các hiện hữu.

Tất cả đó là thành quả của một quá trình huấn luyện tâm, tu tập tâm, hành lập đi lập lại nhiều lần.

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 108
Kinh Gopaka Moggallàna
(Gopaka Moggallànasuttam)
- Discourse To Gopaka Moggallàna -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH 108

1. Sau khi Thế Tôn thị tịch không bao lâu, tôn giả Ànanda trong thời gian đang trú ở Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương xá, đi đế gặp Bà-la-môn Gopaka-Moggallàna tại nơi làm việc của ông. Bà-la-môn Gopaka niềm nở tiếp đón tôn giả và nêu lên một câu hỏi rất đặc biệt rằng:

"Có thể chăng một Tỷ kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn đã thành tựu?"

Tôn giả Ànanda khẳng định: "Không có". Một đệ tử là vị sống hành đạo và tùy hành và sẽ thành tựu pháp ấy về sau (ở đời sau).

2. Bà-la-môn Gopaka lại nêu lên câu hỏi đặc biệt thứ hai: "Thưa tôn giả Ànanda, có vị Tỷ kheo nào được Thế Tôn sắp đặt: "Vị nầy sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Tỷ kheo, và các Tỷ kheo sẽ y chỉ vị này?"

Tôn giả Ànanda lại khẳng định: "Không có".

3. Gopaka lại nêu câu hỏi thứ ba rất đặc biệt:

"Thưa tôn giả Ànanda, có một Tỷ kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ kheo Trưởng lão sắp đặt: 'Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi và các Tỷ kheo sẽ y chỉ vị nầy?'"

Tôn giả Ànanda khẳng định: "Không có".

4. Gopaka hỏi câu thứ tư:

"Như vậy do nhân gì duyên gì các Tỷ kheo có thể hòa hợp?"

Tôn giả Ànanda đáp: "Pháp là chỗ nương tựa của các Tỷ kheo".

Tôn giả giải thích:

- Các Tỷ kheo sống hòa hợp dựa vào giới bổn Patimokkha.

5. Gopaka lại hỏi câu hỏi thứ năm:

"Có vị Tỷ kheo nào mà nay qúi vị cung kính, tôn trọng lễ bái, cúng dường và nương tựa?"

Tôn giả Ànanda đắp: "Có" và tôn giả giải thích ý có nầy:

- Đó là vị Tỷ kheo hội đủ 10 pháp khả hỷ sau đây:

5.1. Có giới đức ...
5.2. Vị ấy đa văn ...
5.3. Vị ấy sống tri túc...
5.4. Chứng bốn Sắc định rõ ràng...
5.5. Chứng Thần túc thông...
5.6. Chứng Thiên nhĩ thông (bản dịch của ĐTK.VN thiếu phần nầy)...
5.7. Chứng Tha tâm thông ...
5.8. Chứng Túc mệnh thông ...
5.9. Chứng Thiên nhãn thông ...
5.10. Chứng Lậu tận thông ...

Ghi chú: Chỉ có Thế Tôn là có đầy đủ 10 pháp trên. Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên vào cuối đời cũng hội đủ 10 pháp ấy và đã nhập vô dư y Niết bàn trước Thế Tôn.

6. Rồi bấy giờ Bà-la-môn Vassakara, đại thần của xứ Magadha thưa với tôn giả Ànanda:

" ... Tôn giả Gotama tán thán tất cả thiền định". Tôn giả Ànanda đính chính:

- Có hai dòng thiền định:

- Một dòng thiền định mà các hành giả sống thấm nhuần ngũ cái và dùng ngũ cái làm đối tượng để thiền tu, thiền tư, thiền định, thiền nhập. Với loại thiền nầy, Thế Tôn không tán thán.
- Một dòng thiền định ly dục, trừ ngũ cái, diệt tầm tứ. Với dòng thiền nầy, Thế Tôn tán thán.

III. BÀN THÊM

1. Về câu trả lời của tôn giả Ànanda cho câu hỏi thứ nhất của Gopaka xác định rằng hàng đệ tử của Thế Tôn không có ai thành tựu đầy đủ, trọn vẹn tất cả các pháp mà Thế Tôn đã thành tựu. Điều nầy khẳng định không có một Tỷ kheo nào có thể đóng vai trò đạo sư thay Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập diệt. Trên thực tế, lúc trú thế Thế Tôn có xác nhận hai đại đệ tử hàng đầu của Thế Tôn, tôn giả Sàriputta và Moggallàna có thể thay Thế Tôn chuyển vận bánh xe Pháp lúc gần cuối đời của hai tôn giả nầy. Nhưng hai tôn giả nầy đã nhập Niết bàn trước Thế Tôn. Sự kiện nầy nói lên truyền thống Phật Pháp, theo Nikàya, không thể có hai Thế Tôn cùng có mặt ở đời.

2. Về câu trả lời của tôn giả Ànanda cho câu hỏi thứ hai của Gopaka xác định Thế Tôn không có phú chúc người thay thế vai trò đạo sư của Thế Tôn sau khi Thế Tôn thị tịch. Đây chỉ là sự lập lại nội dung của câu trả lời thứ nhất của tôn giả Ànanda.

3. Về câu trả lời thứ ba của tôn giả Ànanda, xác định chúng Tỷ kheo,gồm các đại Trưởng lão, không có thỏa thuận sắp đặt một Tỷ kheo nào sẽ là chỗ nương tựa của chúng Tăng, sau khi Thế Tôn nhập diệt. Điều nầy lập lại nội dung của câu trả lời thứ nhất: do vì không có một Tỷ kheo nào thành tựu trọn vẹn các pháp mà Thế Tôn đã thành tựu. Điều nầy cũng xác định truyền thống của Chánh pháp, theo kinh tạng Pàli, không một A-la-hán Chánh Đẳng Giác có mặt ở đời giữa khoảng thời gian hai Thế Tôn ra đời. Cần lưu ý rằng các vị Bích Chi Giác chỉ là một A-la-hán, mà không phải là một A-la-hán Chánh Đẳng Giác.

4. Về câu trả lời thứ tư, tôn giả Ànanda lập lại lời dạy của Thế Tôn trước ngày vào Vô dư y Niết bàn rằng: "Sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp - con đường Giới, Định, Tuệ, hay tạng Luật và tạng Kinh là chỗ nương tựa của chúng Tăng".

5. Về câu trả lời thứ năm, tôn giả Ànanda nói lên 10 pháp khả hỷ mà một Tỷ kheo thành tựu trọn vẹn để trở nên chỗ y chỉ, nương tựa của chúng Tăng. Chỉ có Thế Tôn là vị thành tựu trọn vẹn 10 pháp ấy; các đệ tử của Thế Tôn chỉ có thể thành tựu về sau - nghĩa là thành tựu sớm nhất là vào thời kỳ tiếp theo khi có một Thế Tôn khác ra đời.

6. Câu trả lời thứ sáu của tôn giả Ànanda xác định Thế Tôn không tán thán tất cả thiền định, mà chỉ tán thán dòng Thiền định ly dục, ly tầm và tứ, chứng và trú đệ tứ thiền Sắc định (và Tịch tịnh trú). Điều này nói lên con đường thiền định của Phật giáo khác hẳn với con đường thiền định khác trong văn hóa Ấn đương thời và xác định gián tiếp rằng đó là con đường độc nhất dẫn đến Niết bàn.

7. Câu trả lời thứ sáu, bao gồm phần cắt nghĩa của tôn giả Ànanda nói lên một sắc thái đặc thù, rất đặc thù của Phật giáo "Nương tựa mình và nương tựa Pháp. Pháp là con đường Giới, Định, Tuệ, hay tạng Kinh và tạng Luật" rất thực, rất người (nhân bản) và rất trí tuệ.

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 109
Kinh  Dài Mãn Nguyệt
(Mahàpunnamasuttam)
- Greater Discourse (At the Time) Of A Full Moon -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

* Đại Tạnh Kinh Việt Nam, 1992, tr.141, Trung III, ghi:

"Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thất gì mà không có mạn tùy miên rằng:

'Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm,' đối với tự thân có ý thức và đối với tất cả tưởng ở ngoài? "

* Nguyên bản Pàli của đoạn trên là:

" Katham pana, bhante, Jànato Katham passato imasmin ca savinnanake bahiddhà ca sabbanimittesu ahamkàramamamkàramànànusayàna hontìti?"

* Bản dịch Anh ngữ, PTS, Oxford 1990, Vol III, p. 68 ghi:

"But, revered Sir, (for a man) knowing what, seeing what, are there no latent conceits that 'I am the doer, mine is the doer' in regard to this consciousness - informed body and on the phenomena external to it?"

* Phần Việt ngữ cần dịch sát ý là:

"Bạch Thế Tôn do biết gì, do thấy gì, đối với thân sắc có ý thức và đối với tất cả thế giới hiện hữu bên ngoài, không có mạn tùy miên rằng; "Ta là người làm, người làm là của ta ".

II. NỘI DUNG KINH MÃN NGUYỆT

1. Lúc Thế Tôn trú ở Lộc mẫu Giảng Đường, thành Xá vệ, vào đêm trăng rằm, một Tỷ kheo đã bạch hỏi Thế Tôn mười câu hỏi rất đặc biệt về ngũ uẩn như sau:

1.1. Năm thủ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức thủ uẩn?

Thế Tôn dạy: "Đúng vậy".

1.2. Năm thủ uẩn lấy gì làm gốc rễ?

Thế Tôn dạy: "Lấy dục làm gốc rễ"

1.3. Chính chấp thủ là Năm thủ uẩn, hay là ngoài Năm thủ uẩn có một chấp thủ khác?

Thế Tôn dạy: "Không phải chính chấp thủ là Năm thủ uẩn, cũng không phải ngoài Năm thủ uẩn có một chấp thủ khác. Khi nào có lòng dục, lòng tham đối với Năm thủ uẩn, ở đây chính là chấp thủ".

1.4. "Phải chăng có sự sai khác trong lòng dục, lòng tham đối với Năm thủ uẩn?"

Thế Tôn dạy: "Có thể có" Có người nghĩ: mong rằng trong tương lai Sắc sẽ như thế nầy, Thọ..., Tưởng ..., Hành ..., Thức ... sẽ như thế nầy."

1.5. "Cho đến như thế nào là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn?"

Thế Tôn dạy: "Phàm Sắc gì, qúa khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Sắc uẩn. Phàm ... Thọ uẩn. Phàm .., Tưởng uẩn. Phàm Thức gì ... , Thức uẩn."

1.6. "Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận là Sắc uẩn? ... Thọ uẩn? ... Tưởng uẩn? ... Hành uẩn? ... Thức uẩn? "...

Thế Tôn dạy: "Bốn đại là nhân, là duyên được chấp nhận là Sắc uẩn. Xúc là nhân, là duyên ... Thọ uẩn. Xúc ... Tưởng uẩn. Xúc là nhân là duyên được chấp nhận là Hành uẩn. Danh sắc là nhân, là duyên được chấp nhận là Thức uẩn."

1.7." Thế nào là thân kiến? "

Thế Tôn dạy: "... xem Sắc là tự ngã, hay xem tự ngã như là có Sắc, hay xem Sắc là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong sắc. Xem thọ là tự ngã ... Xem tưởng là tự ngã... Xem thức là tự ngã ... "

1.8. " Thế nào là không thân kiến? "

Thế Tôn dạy: "... Không xem Sắc là tự ngã ... không xem Thọ là tự ngã ..., không xem Tưởng là tự ngã ..., không xem Hành là tự ngã ..., không xem Thức là tự ngã ... "

1.9. "Cái gì là vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của các uẩn?"

Thế Tôn dạy: "Hỷ lạc là vị ngọt ... vô thường, biến hoại là nguy hiểm ..., nhiếp phục hỷ lạc, dục tham đối với các uẩn là sự xuất ly các uẩn ".

1.10. "Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thấy gì, đối với thân sắc có ý thức và đối với tất cả hiện hữu ở bên ngoài (hiện tượng giới), không có mạn tùy miên rằng 'Ta là người làm, người làm là của Ta'?"

Thế Tôn dạy: " Thấy sắc ... thọ ... tưởng ... hành ... thức thấy như thật với trí tuệ rằng: "Cái nầy không phải của Ta, cái nầy không phải là Ta, cái nầy không phải là tự ngã của Ta"

2. Thế Tôn dạy như thế là vừa rõ ràng, đầy đủ, nhưng một vị Tỷ kheo khác bị ám ảnh bởi vô minh, chấp thủ tự ngã, nêu thêm một câu hỏi khác rằng:

"Nếu được nói rằng Sắc là vô ngã, Thọ là vô ngã, Tưởng là vô ngã, Hành là vô ngã, Thức là vô ngã, như vậy những hành động do vô ngã làm đão được ngã nào cảm thọ kết quả?"

Vị Tỷ kheo nầy đã bị Phật quở là thiếu trí tuệ để hiểu lời Thế Tôn dạy tất cả các pháp là do nhân duyên kết hợp mà có; và Sắc (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là vô thường dẫn đến khổ đau nên thật không hợp lý khi xem Sắc (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là: "Cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi ".

3. Tưởng cũng cần lưu ý rằng: Khi thời Pháp nầy vừa kết thúc, thì có sáu mươi vịTỷ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh 109 là bản kinh về Ngũ thủ uẩn rất đặc biệt (về Ngũ thủ uẩn, trọn Tương Ưng Bộ Kinh III đề cập rất đầy đủ), cả đến câu hỏi thứ 11 của bản kinh, bị Thế Tôn quở trách, nhưng là câu hỏi mở ra nhiều vướng mắc của người đời. Câu hỏi sai một cách đầy ý vị!

2. Câu hỏi thứ hai về gốc rễ của Ngũ thủ uẩn, gợi ý rõ sự hiện hữu của con người là do đâu? Thế Tôn đã dạy: "Lấy dục làm gốc rễ". Dục vốn là căn nguyên của hiện hữu con người. Nói khác đi, dục là gốc của sinh tử khổ đau. Nó chẳng phải là nguyên nhân đầu tiên, mà do nhân duyên sanh như các pháp hữu vi khác: nó đến và đi một cách đầy mộng mị. Cái ngã gọi là con người cũng thế: nó đến và đi một cách đầy mộng mị!

3. Câu hỏi thứ ba: "Chính chấp thủ là "Ngũ thủ uẩn" , hay ngoài "Ngũ thủ uẩn" có một chấp thủ khác? "

Thế Tôn đã dạy: "Không phải chính chấp thủ là Ngũ thủ uẩn, cũng không phải ngoài Ngũ thủ uẩn có một chấp thủ khác. Khi nào có lòng dục, lòng tham ái đối với Ngũ thủ uẩn, ở đấy chính là chấp thủ".

Tại đây ta nên nhớ rằng: sự chấp thủ, tâm chấp thủ và lòng dục, lòng tham là thuộc Hành uẩn, nên không thể nói nó (chúng) ở ngoài Ngũ thủ uẩn. Lại nữa, bốn uẩn kia không rời khỏi Hành uẩn, làm nên Hành uẩn, nên không thể nói chấpthủ và dục tham ở ngoài năm thủ uẩn.

Dù hành uẩn có mặt trong bốn uẩn còn lại, nhưng không thể nói chính chấp thủ uẩn, dục tham ở ngoài năm thủ uẩn.

Câu hỏi thứ ba nầy cũng tràn đầy ý vị! Nó là sản phẩm của tư duy hữu ngã, tư duy nhị nguyên, nổi bật sắc màu của triết lý phương Tây: phân rõ minh và biệt (như triết lý của Descarte) giữa một ngã thể là chấp thủ và một ngã thể là năm thủ uẩn nghe thật là mộng mị!

Câu trả lời của Thế Tôn hẳn là rất thực tại, rất trí tuệ và rất Phật giáo!

4. Lời dạy của Thế Tôn cho câu hỏi thứ năm, hay là định nghĩa của Thế Tôn về năm thủ uẩn, mở ra một phương trời nhận thức mới về con người và thế giới, về mối tương quan bất khả phân giữa các hiện hữu (giữa vạn hữu). Đây là nội dung mở ra một tư duy mới, một nền văn hoá mới cho trái đất giải tỏa được các bế tắc, khủng hoảng của nhân sinh, giải quyết có cơ sở cho các khủng hoảng đạo đức, môi sinh và xã hội mà tư duy phương Tây đang bế tắc.

5. Lời dạy của Thế Tôn cho câu hỏi thứ bảy và thứ tám là mở ra con mắt pháp cho đời, trừ được thân kiến là đắc "Pháp nhãn" thanh tịnh, ly trần ly cấu. Chỉ vì một vọng tưởng về một tự ngã thường hằng cho mọi hiện hữu mà tâm lý tham, sân, si khởi dậy kéo theo khổ đau và sinh tử. Con đường đi ra khỏi khổ đau sinh tử chính là sự nhiếp phục dục tham đối với các pháp, sự nhiếp phục chấp thủ ngã, không xem mọi hiện hữu (trong và ngoài tâm) là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta. Đây cũng là câu trả lời đúng cho câu hỏi thứ chín và câu hỏi thứ mười: chỉ sự xuất ly khỏi Năm thủ uẩn và chỉ rõ cách đoạn trừ mạn tùy miên (mànànussayà): "Tôi là người làm, người làm là của tôi", điều mà vị Tỷ kheo thiếu giác tỉnh nêu ra trong câu hỏi thứ 11 của bản kinh.

6. Phân tích câu hỏi thứ 11:

"Nếu được nói rằng Sắc là vô ngã , ..., như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?"

6.1. Hỏi như thế là tâm lý người hỏi có một sự minh định rất hữu ngã rằng: vô ngã là một ngã tính và ngã tính ấy không có mặt một chủ thể hành động nên không có chủ thể nào nhận lãnh trách nhiệm của hành động. Với người nêu ra câu hỏi trên, thì hàm ẩn một sự xác định rằng chỉ có các ngã thể, ngã tính (hữu ngã) hành động và chỉ có ngã thể nhận lãnh hậu qủa của hành động. Trên thực tế, chỉ có sự hiện hữu của các nhân, các duyên từ vô thỉ đến vô chung, mà không có một ngã thể nào có mặt, nói gì đến chuyện có một ngã thể hành động, một ngã thể nhận lãnh trách nhiệm về hành động ấy. Thực ra chủ thể hành động là duyên sinh vô ngã, hành động là duyên sinh, vô ngã và hậu qủa cùng người nhận lãnh hậu qủa đều duyên sinh vô ngã thảy. Mơ hồ thay câu hỏi.

6.2. Tất cả hiện hữu vốn sự thật là duyên sinh vô ngã, nên chỉ có lòng dục và chấp thủ ngã hành động, và chỉ có lòng dục và chấp thủ nhận lãnh hậu qủa của hành động. Sự sống và thực tại thì không phải là những gì của " logic ", của tư duy ngã tính, ai giác tỉnh được sự thật vô ngã thì tâm lý liền khởi sinh vô tham, vô sân, vô si. Với tâm lý vô dục, vô thủ trước thì cái gọi là nghiệp (Kamma = Volitional action) không được thành lập, dựa vào đâu mà nói tâm thức ấy tạo tác nghiệp và tâm thức ấy cảm thọ hậu quả? (!) Vì đó là sự thật nên sự kiện giải thoát nghiệp, giải thoát khổ đau, hay giải thoát mới có mặt. Trên thực tế, giải thoát có mặt, như Thế Tôn và các đệ tử là các bậc A-la-hán đã chứng tỏ. Khi giải thoát đã có mặt thì sự kiện gọi là thọ qủa của các nghiệp thiện, ác chỉ là sự hiện diện như là sự hiện diện của lông rùa, sừng thỏ, của giờ thứ 25, của xứ thứ 13, của giới thứ 19 vậy.

Điều quan trọng nhất đối với người nêu ra câu hỏi đầy ngờ vực thứ 11 là, trở về với tinh thần thiết thực hiện tại và trí tuệ của Phật giáo, là ý thức rõ rằng: dục vọng gây ra khổ đau, và nhiếp phục dục vọng để chấm đứt khổ đau: đây là mục tiêu của phạm hạnh mà không phải là huyền đàm, dong ruổi vào thế giới của khái niệm.

Chỉ có 10 câu hỏi đầu của bản kinh là đi vào truyền thống của kinh tạng Phật giáo mở ra các bước đi định và tuệ rất lợi lạc, sáng tỏ như trăng rằm.

-ooOoo-

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 110
Kinh Ngắn Mãn Nguyệt
(Cùlapunnamasuttam)
- Lesser Discourse (At The Time) of A Full Moon -

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH MÃN NGUYỆT

1. Cũng tại Lộc mẫu giảng đường tại thành Xá vệ (Sàvatthì), vào một đêm trăng rằm khi Thế Tôn đang ở ngoài trời với chúng Tỷ kheo trong một bầu không khí rất yên lặng, Thế Tôn dạy về các pháp của người bất chánh (ác) và của người chân chánh (thiện). Tại đây, Thế Tôn giới thiệu đầy đủ hành trạng của hai hạng người vừa đề cập.

2. Hành trạng của người bất chánh có 10 điểm đáng nhớ:

2.1. Người bất chánh không thể biết người bất chánh.
2.2. Người bất chánh không thể biết người chân chánh.
2.3. Người bất chánh là người vô tàm, vô qúy, nghe ít (thiểu học), biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ.
2.4. Giao du với hạng người bất chánh (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu)
2.5. Suy nghĩ làm hại mình, làm hại người, làm hại cả hai.
2.6. Tư lường hại mình, hại người, hại cả hai.
2.7. Nói láo, nói hai lưỡi, nói ác ngôn, nói phù phiếm.
2.8. Sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục.
2.9. Có tà kiến: Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có đời nầy đời sau, không có cha, không có mẹ, không có các loại hóa sanh, không có các Sa-môn, Bà-la-môn chánh hạnh ...
2.10. Bố thí một cách vô lễ; không tự tay bố thí; bố thí không suy nghĩ kỷ lưỡng; bố thí các vật không cần dùng; bố thí không nghĩ đến tương lai.

3. Ngược lại 10 điều trên là các pháp thuộc người chân chánh.

4. Cảnh giới chờ đợi người bất chánh là địa ngục hay bàng sanh. Cảnh giới chờ đợi người chân chánh là loài Người hay chư Thiên.

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh 110 là phần giáo dục cơ bản chuyển các ác tâm, hại tâm thành tịnh quang tâm ở Dục giới (hay thiện tâm). Đây là bước đi đầu tiểu trừ "Ngũ cái". Phần chân chánh cũng là phần giáo dục về đạo đức ở đời, trong đời sống xã hội. Qua đó bản kinh đã giới thiệu rất rõ nét định nghĩa về Thiện, Ác của Phật giáo.

2. Phần kinh ngắn Mãn Nguyệt giới thiệu đầy đủ hành trạng và tư duy của hai hạng người Thiện Ác ở đời, cũng sáng tỏ như trăng rằm vậy, có đóng góp cho xã hội đang trên đà suy thoái đạo đức. Tại đây, sự thật nhân qủa và nghiệp báo đời sau của thiện nghiệp và ác nghiệp như là nền tảng vững chắc cho chủ trương, cổ võ điều thiện, đạo đức.

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, https://cusi.free.fr


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 01-01-2006