BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ tư
(tiếp theo)

-ooOoo-

Khi Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã suy nghĩ như vậy xong, đi đến gặp Phật cung kính thăm hỏi rằng thân thể Ngài có khỏe không, các Thanh-văn đệ tử ít bệnh hoạn, thân thể thoải mái không, sống an lạc không... nên gọi là thăm hỏi sức khỏe. Ðích thân Phật cùng Bà-la-môn thăm hỏi nhau theo thứ tự và có ý nghĩa, trong tâm hoan hỷ ghi nhớ không quên. Sau khi thăm hỏi, lui qua ngồi một bên, lui qua nghĩa là như mặt trời di chuyển. Ngồi là thân ổn định trên đất. Một bên nghĩa là ở một phía. Người có trí tuệ đến gặp bậc tôn đức, khi muốn ngồi không phạm vào sáu lỗi thì mới ngồi. Sáu lỗi là: Quá xa, quá gần, trên gió (uparivàta), chỗ cao, ngay trước mắt, sau lưng.

Hỏi: - Ngồi quá xa có lỗi gì?

Ðáp: - Nếu muốn nói chuyện thì không nghe tiếng.

Hỏi: - Gần quá có lỗi gì?

Ðáp: - Tiếp xúc vô lễ với bậc cao đức.

Hỏi: - Trên gió có lỗi gì?

Ðáp: - Do mùi hôi của thân thể.

Hỏi: - Cao hơn có lỗi gì?

Ðáp: - Không cung kính.

Hỏi: - Ở trước có lỗi gì?

Ðáp: - Bị nạn nhìn chăm chú mãi.

Hỏi: - Ngồi sau có lỗi gì?

Ðáp: - Nói chuyện với mình, vị cao đức phải quay đầu lại.

Khi ngồi, vị Bà-la-môn tránh sáu lỗi trên nên trong luật có nói ngồi lui qua một bên. Sa-môn (samana) là vị hàng phục phiền não, còn gọi là dẹp bỏ phiền não, còn gọi là ngăn tâm. Theo thế gian, Bà-la-môn hoàn hảo là người mà cả cha và mẹ đều cùng một đẳng cấp Bà-la-môn. Trưởng giả (mahallaka) nghĩa là người thân thể to lớn và lớn tuổi. Người có uy đức hay giàu có cũng gọi trưởng giả. Già cả nghĩa là đầu tóc bạc rụng, có khi gọi người là đã có con cháu nội ngoại. Suy tàn nghĩa là da dẻ khô nhăn, lời nói nhầm lẫn. Tuổi cao nghĩa là đã trải qua hai, ba đời vua mà vẫn còn sống. Sống lâu nghĩa là đã sống hơn trăm tuổi. Ðến năm (vayo anuppatta) nghĩa là vào năm cuối đời. Này Cù-đàm (Bho Gotama), sa-môn sao có hành động như vậy? Ðây là lời của Bà-la-môn.

Ðến gặp Phật, thấy Ngài không đứng dậy làm lễ và không trải chỗ ngồi mời nên ông ta nói rằng đúng như tôi được nghe, nay mới thấy Như Lai chỉ muốn đề cao mình và xem thường người khác. Với tâm từ bi, đức Phật trả lời cho Bà-la-môn: Ta không thấy rằng ngay từ khi Phật đản sinh trong vườn cây, xuống đất đi bảy bước về hướng Bắc và quán sát cả trăm ức vạn thiên, nhân, phạm, ma, sa-môn, Bà-la-môn, có ai đáng để cho Ta làm lễ cả. Sau khi quán sát như vậy rồi, Ta tuyên bố to lên: "Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tối tôn (Aggo’ham asmi lokassa, jettho’ham asmi lokasa, settho’ham asmi lokassa - Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn)". Nghe Bồ-tát tuyên bố như vậy rồi, thượng đế, phạm thiên liền chắp tay nói: Trong ba cõi, Bồ tát là tối tôn, không ai bằng được. Nghe như vậy, với tiếng rống Sư-tử, Bồ tát tuyên bố: Chỉ có ta tối tôn.

Phật bảo Bà-la-môn: - Trong khi Ta chưa đắc đạo thì đã tối tôn trong ba cõi, huống chi hiện nay với các công đức toàn thiện, đạt đến giác ngộ, tại sao Ta lại làm lễ ông? Ai nhận sự lễ bái của Ta thì đầu họ bị rơi xuống đất. Thế nên, ông đừng hy vọng được Phật lễ bái mình.

Do mê mờ, không biết nên Bà-la-môn mới nói với Phật như vậy. Bà-la-môn lại nói: - Nếu thế, có khi chỉ là sắc-không-vị, không thật chất (arasarùpa - vật chất không có mùi vị). Vì sao? Vì chỉ có sắc mà không có thật vị.

Muốn giáo hóa Bà-la-môn, đức Phật đáp: - Ông nói không có vị, đúng là không có vị. Vì sao? Như người đời lấy sắc, thanh, hương, vị, xúc làm vị. Như Lai đã đoạn trừ những thứ ấy như chặt đầu cây Ða-la thì không còn mọc lại (vị) nữa.

Bà-la-môn đáp: - Người như vậy thì thật cao ngạo.

Phật nói: - Chính ông cho việc ấy là cao ngạo, sao lại bảo Ta là cao ngạo! Ba đời chư Phật không làm lễ người đời, Ta cũng như vậy nên cao ngạo à!

Bà-la-môn nói: - Nếu như vậy, thì không có làm gì cả (Akiriya).

Phật nói: - Ðúng như lời ông nói, Ta thật không làm? Ta không làm những việc trộm cắp, nói dối, lừa đảo, dâm dục... các nghiệp ác của thân, miệng, và ý. Ta hoàn toàn không làm những việc ấy nên gọi là không làm.

Bà-la-môn nói: - Người này tự mình tiêu diệt (uccheda) chủng tộc của họ phải không?

Phật đáp: - Ðúng vậy! Vì sao? Ta đã tiêu diệt tất cả các loại phiền não trong ba cõi nên được gọi là diệt chủng tộc.

Nghe nói, Bà-la-môn ngơ ngác rầu rĩ, không biết đáp thế nào nên cãi bướng: - Vậy người này đáng khinh, bất tịnh.

Phật đáp: - Theo ý Ta, thật có kẻ bất tịnh. Người nào phóng túng thân miệng làm ác, kẻ ấy thật đáng khinh, bất tịnh.

Bà-la-môn giận nói: - Người này nghe lời ta, rồi tùy theo từng việc mà phá diệt.

Phật đáp: - Ta đã diệt sạch các phiền não trong ba cõi rồi.

Bà-la-môn: - Nên nhớ người này để không nên nói chuyện với họ.

Phật đáp: - Nếu có người như vậy, Ta cũng ghi nhớ, với những kẻ ngu si, thật đáng thương xót vì thường làm việc ác không nghĩ đến việc tu thiện.

Nỗi giận, Bà-la-môn mắng nhiếc: - Người này sẽ bị thức suốt ngày đêm, để suy nghĩ tìm cầu sự tốt đẹp cho người khắp thế gian.

Phật đáp: - Ðúng vậy! Vì sao? Ta không vào ngủ trong thai cũng không vào ngủ ở cõi trời, nên gọi là không ngủ.

Sau khi Bà-la-môn đem tám việc chê Phật, Ðức Pháp-Vương Như Lai với tâm thương xót muốn trị mắt bệnh cho ông ta bằng pháp vị cam lộ nên Ngài thuyết pháp.

Ðược nghe pháp, tâm Bà-la-môn được thanh tịnh như hư không bị mây che, như ánh sáng nhật nguyệt phá tan bóng tối. Bằng các phương pháp, Như Lai giáo hóa làm cho ông hiểu rõ. Ngài tự tuyên bố Ta đã đắc trí tuệ vô thượng thường an trú ở Niết-bàn và nói với Bà-la-môn: - Ông đã già cả gần chết, nếu gặp Ta và đã thu hoạch được kết quả. Vì sao? Ví như có tám hoặc mười hoặc mười hai trứng.

Hỏi: - Vì sao số lượng được phân làm ba?

Ðáp: - Ðây là câu nói đầy đủ, cũng làm cho văn tự được hoa mỹ.

Gà mẹ ấp, tùy lúc di chuyển vị trí số trứng này.

Ấp nghĩa là dùng hai cánh phủ lên trứng cho đến khi sắp nở. Khi thấy ánh sáng thì gà con dùng mỏ mổ vỏ trứng, khi ra khỏi lại vẫy cánh và kêu vang. Gà con ra khỏi vỏ trước là lớn mạnh hay nhỏ?

Bà-la-môn đáp: - Con ra trước là lớn mạnh.

Phật đáp: - Ta cũng như vậy. Vì sao? Vỏ vô minh che kín cả ba cõi, Ta dùng mỏ trí tuệ mổ vỡ vỏ vô minh, thoát ra ba cõi trước, vậy ai lớn mạnh, ai nhỏ yếu?

Ðáp: - Cù-đàm là lớn mạnh.

Những câu sau không có nghĩa khác, hãy tự biết lấy. Ðệ nhất trong thế gian, nghĩa là không có thứ nhì, chỉ cho bậc Chánh-đẳng-giác, Vô-thượng-giác.

Hỏi: - Vô-thượng-giác là gì?

Ðáp: - Người nào đang ở địa vị Tu-đà-hoàn đạo mà hỏi Tu-đà-hoàn quả thì được Ngài đáp ngay... cho đến vị A-la-hán đạo hỏi về A-la-hán quả cũng được Ngài đáp ngay, đối với Thanh-văn đạo, Bích-chi đạo, Phật đạo cũng được đáp ngay theo câu hỏi, nên gọi là giác ngộ Vô thượng. Thế nên Ngài rất vĩ đại.

Khi ấp, gà mẹ tùy lúc di chuyển trứng, ví như khi dưới gốc cây Bồ đề, đức Phật quán sát pháp bốn Thánh đế, khổ, không, vô thường. Phật bảo Bà-la-môn: - Với chánh cần, tinh tấn, mà Ta chứng đắc quả vị tối thượng, không phải do tâm biếng nhác, phóng dật. Bằng sự dũng mãnh, chánh cần, tinh tấn, dưới gốc cây Bồ đề, Ta dùng bốn pháp tinh tấn là ngay thẳng, không gấp, không hoãn, không ngừng lại mà đắc đạo quả Vô thượng.

Không nhu nhược là không ngừng lại. Tâm hoạt động là tu tập theo đối tượng quán sát. Không lui là không mệt mỏi. Tâm định (samàhitam cittam) là nhất tâm. Lại nói rằng khéo đặt tâm vào định thì thành tựu nhất tâm thì không lỗi lầm, phóng dật. Ðây là thiện pháp đầu tiên. Nhờ vào pháp này chứng đắc sơ thiền. Từ sơ thiền tuần tự chứng đắc ba đạt trí là cùng cực. Thoát dục mà Phật chứng pháp Vô-thượng, nên trong luật có nói: Phật nói rằng này Bà-la-môn, đối với dục, Ta đã thanh tịnh nên đối với ác Ta cũng thanh tịnh.

Hỏi: - Dục (kàma) là gì?

Ðáp: - Dục tham theo trần, dục theo tình dục, dục tư duy về dục (channa kàma, ràga kàma, chandaràga kàma); đây gọi là dục.

Hỏi: - Ác pháp là gì?

Ðáp: - Dục, nghi ngờ là ác pháp. Ðối với hai pháp này, Như Lai đã hoàn toàn tịch tịnh.

Hỏi: - Thế nào là thanh tịnh trong dục?

Ðáp: - Cách ly dục cũng gọi là từ bỏ dục. Vì sao? Khi người mới vào sơ thiền, vô minh là bạn với dục, dục là kẻ thù (patipakkhabhùta?) của thiền định, vứt bỏ d?c thì đắc thiền định nên gọi nói là kẻ thù. Khi cách ly dục và ác thì thiền định có mặt. Diệt dục, ác thì thiền định phát sinh ngay. Hai câu này nên hiểu ý nghĩa như vậy. Lại có ba tịch tịnh là thân tịnh, tâm tịnh, xả ly tịnh (kàyaviveka, cittaviveka, vikkhambhanaviveka). Ba loại tịnh này cũng thuộc vào hai loại tịnh nói ở trước.

Hỏi: - Thế nào là dục?

Ðáp: - Dục có là hai dục xứ (vatthukàma), dục phiền não (kiselakàma).

Hỏi: - Dục xứ, dục phiền não là gì?

Ðáp: - Dục xứ là tâm đắm theo sắc trần; dục phiền não khiến cho người tìm đến dục.

Giải về hai câu sau, câu đầu là vứt bỏ lạc dục, câu sau là thoát khỏi phiền não dục; thế nên tâm hoàn toàn thanh tịnh đối với hai loại dục trên. Lại nữa, câu đầu là trừ dục xứ, câu sau là trừ bỏ phiền não dục. Câu đầu là trừ bỏ nhân duyên dao động; câu sau là trừ bỏ tướng si mê. Câu đầu là nhờ vào thanh tịnh; câu sau là chấm dứt dục, nên biết thứ tự như vậy.

Hỏi: - Với tham dục thì tham là dục hay khác dục?

Ðáp: - Cùng qui về một chỗ, vì sao? Theo lý thì tất cả ác pháp đều huớng về một chỗ nhưng phân biệt có khác nhau. Lại trong luật có nói rằng tham là phiền não, dục là dục xứ. Như tham dục là kẻ thù của thiền định. Hoan hỷ là kẻ thù của sân hận. Tư duy là kẻ thù của hôn trầm. An lạc là kẻ thù của động nghi ( trạo hối). Tư luờng (vicàra - tứ) là kẻ thù của hoài nghi. Như tham dục là kẻ thù của sơ thiền. Tham dục thuộc về năm triền cái (panca nivàranàni), các ác pháp cũng thuộc về các triền cái.

Hỏi: - Các triền cái là gì?

Ðáp: - Là ba độc căn bản (tham, sân, si), năm dục về năm trần, tà tham. Câu sau nghĩa là tham đắm vào cảnh giới vì phân biệt các trần rồi phát sinh sân, nhuế, si. Câu đầu là dục lưu, dục trước, dục tuyền, dục thủ, tâm sát hại, kết dục. Câu sau là những bộc lưu, dòng nước, chấp thủ, tham trước. Câu đầu là các ái... Câu sau là vô minh... Câu đầu là tham... tám tâm thọ. Câu sau phát sinh bốn tâm bất thiện. Như vậy là thanh tịnh đối với dục và ác pháp.

Hỏi: - Niệm và tư là gì?

Ðáp: - Niệm (vitakka-tầm) nghĩa là chuyển động, là hướng tâm thẳng đến đối tượng quán sát. Tư (vicàra-tứ) nghĩa là người hành thiền đặt tâm vào đối tượng quán sát, tập trung và bám vào đối tượng quán sát. Lại nữa, tư nghĩa là tâm gom lại, dính vào, liên tục như là tiếng chuông, ban đầu lớn sau nhỏ dần. Ban đầu tiếng lớn ví như niệm; sau nhỏ dần như tư. Như chim bay, ban đầu cánh chuyển động, sau đó ổn định. Chuyển động như là niệm, ổn định như là tư. Như con ong tìm hoa, mới đến hoa như là niệm, chọn được hoa như là tư. Sơ thiền có năm chi là niệm, tư, hỷ, lạc, định (tầm, từ, hỷ, lạc, nhất tâm). Như từ cây mà có hoa và trái, cũng vậy sơ thiền có niệm, có tư đều được sinh ra từ an tịnh.

Hỏi: - Thế nào là an tịnh?

Ðáp: - Xa lìa năm triền cái là an tịnh.

Hỷ (pìti) nghĩa là tràn đầy. Tràn đầy nghĩa là thân tâm tràn đầy sự hoan hỷ, sự vui vẻ tràn ra. Lạc là diệt hết khổ của thân và tâm. Lạc là bám vào vị ngọt của tưởng.

Hỏi: - Hỷ (sukha) là gì?

Ðáp: - Tâm chứa đầy ý tưởng tốt đẹp. Lạc do cảm thọ về hỷ mà có. Lại nữa, hai pháp này không rời nhau, có hỷ thì có lạc và ngược lại. Hỷ thuộc về hành ấm; lạc thuộc về thọ ấm. Như người đi đường đang khát nước, nghe có nước liền sinh tâm sung sướng, gọi là hỷ. Ðến nơi, được uống nước và tắm rửa, gọi là lạc. Ðịnh sơ thiền, sơ là thiền thứ nhất, định là đốt cháy hoàn toàn (paccannikadhammme jhàpètìti jhànam) cũng gọi là đối tượng quán sát của thiền sư.

Hỏi: - Ðốt cháy hoàn toàn là gì?

Ðáp: - Năng lực đốt cháy hết triền cái; cũng gọi đoạn trừ phiền não. Cũng gọi là thấy. Thấy nghĩa là quán sát thấy pháp tướng, nắm rõ biểu tượng của tám loại định. Vì sao? Tướng của Ca-sư-na-a-lãm-ma-na (Hán dịch là 38 loại định - kasinàrammana - biến xứ). Quán sát về các tướng này gọi là thiền định. Ðây là quả kiến đạo. Vì sao? Vì quán sát về tướng. Quán sát về tướng nghĩa là quán vềâ sự vô thường, nhờ quán nên được đạo, dùng kết quả này mà quán sát diệt đế. Thế nên gọi thiền định là quán sát về tướng.

Hỏi: - Sơ thiền là gì?

Ðáp: - Nghĩa là sự có mặt của niệm, tư, hỷ, lạc, định. Như gọi là người có tài sản, có thân quyến, nếu bỏ tài sản và thân quyến đi thì còn có tên gọi ấy không? Ðáp: - Không còn. Thiền định cũng vậy, nếu bỏ niệm, tư, hỷ, lạc, định đi thì không còn tên gọi ấy. Như gọi quân trận là có người, binh, voi, ngựa, chiến cụ nên gọi là quân. Nếu bỏ hết người, binh, voi, ngựa, chiến cụ, thì không còn gọi là quân. Thiền định cũng vậy, nếu bỏ năm pháp trên thì không có tên thiền định. Nhập là đạt đến, cũng gọi là thành tựu. Trú nghĩa là an trú bằng thiền định dưới gốc cây Bồ đề (bodhimanda).

Hỏi: - Dưới gốc cây Bồ đề, đức Phật quán sát điều gì?

Ðáp: - Quán sát hơi thở vào, hơi thở ra.

Hỏi: - Có thiền gì nữa không?

Ðáp: - Cũng có.

Pháp-sư nói: - Pháp thiền định theo trong sách Thanh tịnh đạo (visuddhimagga), nếu ta nói rộng thì ý nghĩa của nó rất sâu rộng, rất phiền phức, hãy tự nghiên cứu trong A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa. Sự trình bày ở trước đây là căn cứ theo Chánh-luận Tỳ-ny Tỳ-bà-sa, các phần khác là nói lược. Ðây là thiền thứ nhất.

Diệt hết tư và niệm (vitakkavicàrànam vùpasamà), vượt qua hai pháp này là vào thiền thứ hai. Khi phát sinh thiền thứ hai thì hai pháp trên không còn nữa; Vì sao? Vì vượt qua hai chi lớn ấy nên gọi là thiền định thứ hai. Lại nữa, trong thiền định thứ hai không còn pháp của thiền thứ nhất nhưng lại có pháp khác. Trong thiền định thứ nhất bắt đầu với pháp xúc; nhị thiền đã vượt qua hai pháp trước thì nhập vào pháp của nhị thiền. Thế nên trong luật có nói rằng diệt hết niệm và tư thì vào thiền định thứ hai, pháp bên trong (ajjhatta) xuất hiện ra.

Hỏi: - Thế nào là xuất hiện?

Ðáp: - Xuất hiện là từ thân phát sinh. Thanh tịnh (sampasàdana) nghĩa là không cấu uế. Thiền cũng gọi là tịnh. Vì sao? Như cái áo vì có màu xanh nên gọi là áo xanh. Thiền cũng vậy, vì có pháp thanh tịnh nên gọi là thanh tịnh thiền.

Hỏi: - Sao gọi là định thanh tịnh?

Ðáp: - Niệm và tư là gốc của dao động, không còn niệm và tư nên gọi là thanh tịnh, phát sinh tướng một pháp (ekodibhàva).

Hỏi: - Một pháp phát sinh ấy là gì?

Ðáp: - Hoàn toàn không còn để ý đến niệm và tư nên gọi là tướng một pháp, cũng gọi là vô thượng cũng gọi là một tướng. Ðã rời xa niệm và tư, gọi là không hai, là một tướng.

Hỏi: - Sao gọi là tướng một pháp?

Ðáp: - Là chánh định.

Hỏi: - Chánh định là gì?

Ðáp: - Nhất tâm không hai, cũng gọi là định, là bất động; đó là một tướng của thiền thứ hai.

Hỏi: - Sao gọi là danh?

Ðáp: - Chẳng phải ngã cũng chẳng phải sự sống nên gọi là danh.

Hỏi: - Sơ thiền không có thanh tịnh hay sao?

Ðáp: - Có chứ.

Hỏi: - Nếu vậy sơ thiền cũng gọi là một tướng, sao chỉ gọi nhị thiền là một tướng?

Ðáp: - Niệm và tư giao động nước làm cho nổi sóng nên không thấy được rõ mặt; cũng như sơ thiền có niệm và tư làm tâm không thanh tịnh, nên không gọi là một tướng. Vì sao? Chánh định không được sáng rõ.

Hỏi: - Vì sao chỉ có định của nhị thiền là sáng tỏ?

Ðáp: - Vì tâm tịnh. Từ định sinh hỷ lạc nghĩa là từ định của sơ thiền sinh ra hỷ lạc; đó là thiền thứ hai. Hai chỉ cho số thứ tự. Sơ thiền có năm chi, nhị thiền có bốn chi là thanh tịnh, hỷ, lạc, nhất tâm. Nói rộng có bốn, nói lược có ba như trong kinh đã nói.

Hỏi: - Ba chi hỷ, lạc, nhất tâm cùng phát sinh khi nào?

Pháp sư đáp: - Ta xác định là trong một lược, những phần khác hãy tự biết lấy. Ðây là hết nhị thiền.

Viễn ly hỷ. Hỏi: - Viễn ly hỷ là gì?

Ðáp: - Làm cạn hỷ, cũng gọi vượt qua hỷ, cũng gọi diệt hỷ. Vì hỷ phát sinh sau khi diệt niệm và tư (nên chỉ cần diệt hỷ).

Hỏi: - Theo trong luận thì ở nhị thiền, sau khi diệt niệm và tư thì có hỷ; vì sao niệm được lặp lại?

Ðáp: - Vì muốn khen đệ tam thiền nên nói như vậy. Vì sao? Như đường vào tam thiền tà kiến chưa bị diệt, khi đắc Tu-đà-hoàn đạo mới diệt. Nay, được nói lại trong đường thứ ba này. Sao gọi là khen? Là đường thứ ba vậy. Trong này cũng như vậy, xả mà trú (upekkhako ca vihàsin).

Hỏi: - Xả là gì?

Ðáp: - Xả là nhìn một cách bình đẳng không thiên lệch, không bè đảng, luôn ổn định là thiền thứ ba. Lại nữa, xả có mười loại: Một, xả thuộc sáu căn; hai, xả thuộc bốn phạm ma (từ, bi, hỷ, xả); ba, xả thuộc Bồ đề phần; bốn, xả thuộc tinh tấn; năm, xả thuộc hành uẩn; sáu, xả thuộc thọ uẩn; bảy, xả thuộc minh sát; tám, xả thuộc trung tính; chín, xả thuộc thiền; mười xả thuộc thanh tịnh (chalangupekkhà,brahmihàrupekkhà, bojjhangupekkhà, viriyupekkhà, sankharupekkhà, vedanupekkhà, vipassanupekkhà, majjhattupekkhà, jhànupekkhà, pàríuddhiupekkhà). Mười xả này, do tâm quán sát một tướng về những vị trí sai biệt nhau nơi người khác. Ðây là nói lược, trong Sa-lỵ-da (Atthasàlini), Ðàm-ma-tăng-già-ha-ny-da (Dhammassangahatthakathà), thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) nói rõ, hãy tự tìm hiểu. Trong luật này, nếu tôi trình bày quá nhiều thì rắc rối thêm.

Hỏi: - Mười xả này, lấy những xả gì?

Ðáp: - Lấy xả thuộc trung tính.

Hỏi: - Xả thuộc trung tính là gì?

Ðáp: - Không quan tâm đến sự việc do hỷ phát sinh.

Hỏi: - Sơ thiền và nhị thiền có xả thuộc trung tính không, hay chỉ có ở tam thiền.

Ðáp: - Hai thiền trước cũng có nhưng vi tế nên không hiện rõ. Vì sao? Vì bị niệm, tư và hỷ che lấp. Trong tam thiền, đã viễn ly niệm, tư và hỷ nên xả hiện rõ. Nói về chánh tư tri (chánh niệm tỉnh giác).

Hỏi: - Tư là gì?

Ðáp: - Tâm có nhiều tư tưởng nên gọi là tư. Tri nghĩa là thông suốt.

Hỏi: - Chánh tư là gì?

Ðáp: - Chánh tư là không quên, cũng gọi là thức, còn gọi là biết rõ sự phát sinh tướng.

Hỏi: - Thế nào là tri?

Ðáp: - Là chọn lựa, gom lại, rộng lớn. Ðây là nói lược, xem lại phần thứ tám xả thuộc trung tính thì biết rõ.

Hỏi: - Thiền định thứ nhất có tư tri không?

Ðáp: - Có chứ, tại sao? Nếu không có thì pháp thứ nhất nhờ đâu mà có.

Hỏi: - Vì sao trong sơ thiền không có tư tri xuất hiện?

Ðáp: - Có nhưng quá thô. Như mài dao, trước cùn sau bén, tư tri cũng vậy, trong thiền thứ nhất nó còn quá thô nên không xuất hiện, cũng như người lấy sữa đuổi con nghé đi, nhưng không bao lâu nó vẫn trở lại. Cũng vậy, thiền lạc thứ ba, cách ly hỷ nhưng không bao lâu nếu chẳng có tư tri giữ gìn thì nó liền hợp với hỷ ngay, nhờ có tư tri mạnh mẽ giữ lại nên nó rời xa. Lạc này là vô thượng lạc, cực lạc. Vì sao? Do tư tri giữ gìn. Ý nghĩa của văn này như vậy, hãy tự hiểu lấy.

Hỏi: - Thế nào là thân?

Ðáp: - Thân là danh sắc. Nhờ thân danh sắc nên biết lạc. Vì sao? Lạc kết hợp với thân danh sắc, hai bên kết hợp tối đa tạo ra mỹ vị, biết và mỹ vị hợp nhau, nên biết cảm giác, thế nên nhờ thân mà biết lạc. Người thiện nói: - Có xả có chánh tư thì an trú vào lạc.

Hỏi: - Người thiện nói là ai?

Ðáp: - Là Phật, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn, người đắc thiền thứ ba nói về nhân duyên của thiền này, nên gọi là người thiện nói.

Hỏi: - Thế nào là nói?

Ðáp: - Chỉ dẫn là nói, là phân tích cũng gọi là khen ngợi.

Hỏi: - Vì sao gọi là có xả và tư thì trú lạc?

Ðáp: - Vì sắp vào thiền thứ ba.

Hỏi: - Vào thế nào?

Ðáp: - Là cực lạc, vì cực lạc nên mỹ mãn. Trong thiền thứ ba, vì xả (lạc) nên hỷ không sinh nữa, gọi là có tư. Vì sao? Vì niệm và lạc của bậc thiện nhân là lạc thuần nhất không tạp nên được thiện nhân khen ngợi. Ðây là ý nghĩa của câu có xả, tư thì trú lạc và được thiện nhân khen ngợi. Trú vào thiền thứ ba cũng như vào thiền thứ nhất và thứ hai nhưng có điểm khác là thiền thứ nhất có đủ năm chi, thứ hai có bốn chi, thứ ba có hai chi, như trong kinh đã dẫn nói.

Hỏi: - Hai chi nào xuất hiện trong thiền thứ ba?

Ðáp: - Lạc và nhất tâm. Ðây là chấm dứt thiền thứ ba.

Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa

- Quyển Thứ Tư -

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001