BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ năm
(tiếp theo)

-ooOoo-

Phẩm Ðại Mục-Kiền-Liên

Khi ấy, Ðại Mục-Kiền-Liên (Mahàmoggallàna). Ðại có nghĩa là thần thông trí tuệ rất lớn trong hàng Thanh-văn. Mục-Kiền-Liên là họ (gotta). Bạch Phật nghĩa là thưa với Thế Tôn.

Hỏi: - Vì sao thưa với Thế Tôn?

Ðáp: - Sau khi xuất gia được bảy ngày, Ðại Mục-Kiền-Liên liền chứng đắc Ba-la-mật của Thanh-văn (Sàvakapàramì) lại được Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất. Vì có năng lực thần thông nên Mục-Kiền-Liên suy nghĩ: Vùng Tỳ-lan-nhã quá đói kém, các Tỳ-kheo khất thực không được nên rất cực khổ. Ta nên lật ngược đất lên lấy chất bổ trong đất cúng dường Tỳ-kheo tăng.

Tôn giả lại suy nghĩ: Nếu ta làm như vậy mà không thưa với Thế Tôn thì chính là muốn cùng sánh thần lực với Như Lai, thật trái với pháp của ta.

Sau khi suy nghĩ như vậy, tôn giả bạch Phật:

- Thưa Thế Tôn! Khi mặt đất mới hình thành có chất béo bổ như bơ như mật. Lành thay Thế Tôn! Con muốn lật ngược đất lên lấy chất bổ này cúng dường chúng tăng.

Lật lại nghĩa là lấy phần dưới để lên trên. Vì sao? Vì chúng tăng vậy. Không muốn cho phép, để làm cho Mục-Kiền-Liên rống lên tiếng rống sư tử (Sìhanàda) nên Phật hỏi: - Này Mục-Kiền-Liên! Tất cả chúng sinh và thành phố làng xóm đều ở trên đất, mà đất thì không thể treo lơ lửng trên hư không, vậy làm sao ông làm được?

Mục-Kiền-Liên đáp: - Thế Tôn! Con dùng một tay hóa ra mặt đất đỡ lấy thành phố làng xóm cùng tất cả chúng sinh, còn một tay đỡ lấy chúng sinh dựa vào mặt đất.

Phật đáp:- Thôi đi Mục-Kiền-Liên (alam moggallàna).

Hỏi: - Vì sao Thế Tôn không cho Mục-Kiền-Liên lật ngược mặt đất?

Ðáp: - Vì thương xót chúng sinh phải bị sống ngược. Vì hoặc có người được, hoặc nói không, như nói rằng trú xứ, thành phố của chúng ta cùng nhau thay đổi kỳ lạ, đây không phải là thành phố, làng xóm, ruộng vườn, ao hồ của chúng ta.

Pháp sư nói: - Chỉ có thần lực mới làm được, chẳng phải người không thần lực, mà sự đói kém không phải chỉ (xảy ra) một lần, nếu gặp đói kém nữa thì có được ai như Mục-Kiền-Liên. Trong tương lai, đệ tử Thanh-văn ít có thần lực. Khi các vị này vào làng xóm khất thực, mọi người trông thấy nói: Khi Phật còn tại thế, đệ tử Thanh-văn trì giới đầy đủ nên có thần lực, gặp khi đói kém thì lật ngược mặt đất lấy chất bổ dưỡng để dâng cho chúng tăng. Ngày nay, chúng tăng trì giới không đầy đủ vì nếu giữ đầy đủ thì (có thần lực như trước) không khác. Do đó, họ không cho chút nào cả. Có kẻ còn sinh tà kiến điên đảo, khinh mạn bậc thánh. Do khinh mạn như vậy nên sau khi chết họ bị đọa địa ngục. Thế nên, Thế Tôn bảo với Mục-Kiền-Liên không nên lật ngược đất.

Sau khi đến xin Phật lật ngược đất nhưng không được, Mục-Kiền-Liên lại xin việc khác: Lành thay ...

Thế Tôn dạy: Thôi đi.

Pháp sư nói: - Tiếp theo lời lành thay như trước đã nói, hãy tự biết lấy. Nhưng có điểm nhỏ khác nhau. Ðó là Mục-Kiền-Liên muốn đưa vùng đất Uất-đan-việt vào vùng đất Diêm-phù-lỵ.

Hỏi: - Còn biển thì sao?

Ðáp: - Biển như vũng nước chân trâu, chỉ một bước là vượt qua, để các Tỳ-kheo được ăn uống như ở các tụ lạc (phong phú) khác. (Nitthità mahàmoggallànassa sìhanàdakathà).


Phẩm Xá-Lỵ-Phất.

Ưu-Ba-Ly (Upàli) muốn chứng minh căn bản của luật tạng. Khi ấy, trong sự yên tịnh, Xá-Lỵ-Phất suy nghĩ ...

Hỏi: - Thế nào là yên tịnh?

Ðáp: - Yên tịnh không tiếng động, cũng gọi là nhất tâm tịch tịnh.

(tiếp trên)... vì sao Phật pháp được tồn tại lâu dài... từ Phật Tỳ-Bà-Thi đến chỗ đáp... ý nghia các phần khác hãy tự tìm hiểu.

Hỏi: - Tại sao Xá-Lỵ-Phất không dùng thần lực của mình quán sát để biết mà lại đi bạch Phật?

Ðáp: - Không được, nếu Xá-Lỵ-Phất dùng thần lực của mình để quán sát thì biết rõ sự tồn tại dài hay ngắn của chư Phật nhưng nếu phân biệt các nhân duyên của chư Phật thì không thể thông suốt được. Ðại đức Ðại Liên Hoa nói có thể được. Vì sao? Vì có 16 loại trí của bậc thương đại A-la-hán. Nhưng theo lý này cũng không khó vì muốn y chỉ đức Như Lai, muốn biểu hiện Thế Tôn là bậc trên nên đến thưa hỏi Phật.

Phật đáp: - Này Xá-Lỵ-Phất ... (các phần sau đọc theo văn luật thì rõ).

Nhân duyên là gì? - Nghĩa này dễ hiểu.

Câu nói: Phật bảo Xá-Lỵ-Phất rằng Phật Tỳ-Bà-Thi... là lời nói đầu. Chư Phật không có biếng nhác, đối với một người, hai, ba người cho đến chúng sinh khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới mà có những tâm niệm khác nhau, như là với chúng sinh này ít nên nói lược, chúng sinh này lớn nhiều nên nói rộng, cũng không thuyết pháp một cách cao thấp mà chỉ thuyết pháp một cách bình đẳng cho tất cả. Như sư tử vương bảy ngày đi kiếm ăn một lần, sắp bắt chúng sinh thì bất kỳ lớn nhỏ, đều rống lên trước khi bắt. Vì sao? Nếu trước khi bắt chúng sinh mà sư tử không rống lớn thì tâm khinh suất có thể sẩy con mồi. Do đó, sư tử phải rống để chúng sinh sợ hãi rồi mới bắt. Ðức Phật cũng vậy, đối với tất cả chúng sinh không kể lớn nhỏ đều được ân cần thuyết pháp. Nếu nói lược, có khi chúng sinh không chuyên tâm tu tập. Vì sao? Vì Như Lai tôn trọng pháp vậy. Hiện nay, pháp của đức Thế Tôn của ta giảng thuyết, như nước trong biển lớn chỉ có một vị; (pháp) chư Phật trong quá khứ cũng như vậy. Nhưng tâm chúng sinh khi ấy dễ dạy bảo nên chỉ thuyết một kệ để hiểu bốn đế. Vì vậy, chư Phật quá khứ cũng không thuyết nhiều về kệ pháp tu chứng phải không? [ (tasmà na vitthàrena dhammam desesum) (dhamma=sutta geyya?)].

Pháp sư nói: - Câu trước đã trình bày rồi, không nói lại nữa.

Về câu: - Không chế giới cho Thanh-văn.

Hỏi: - Tại sao chư Phật quá khứ không chế giới cho đệ tử Thanh-văn?

Ðáp: - Vì các đệ tử Thanh-văn không phạm lỗi nên (chư Phật) không chế quy định cụ thể về Ba-la-đề-mộc-xoa (ànàpàtimokkha), cũng không thuyết giới mỗi nữa tháng, cho đến sáu năm. Sau sáu năm, mới có thuyết những lời khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa (ovàdapàtimokkha). Những lời này được Như Lai thuyết ra chứ không để cho Thanh-văn thuyết.

Khi ấy tại vườn Kiều-Ma Lộc-Dã, thành Bàn-đầu-ma-đề Vương-xá (Bandhumati ràjadhàni khemo Migadàyo), thuộc đất Diêm-phù-lỵ là trú xứ của đức Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassi), các Tỳ-kheo tập họp lại hết, đức Phật bố tát (Uposatha) với chúng tăng; ba người, hai người, một người cũng bố tát. Ngày xưa, đất Diêm-phù-lỵ có tám vạn bốn ngàn chùa, mỗi chùa có đến mười vạn hai mươi vạn Tỳ-kheo nhưng sống yên tịnh không ồn ào. Khi ấy, muốn nghe Phật thuyết pháp, thiên nhân phải tính toán số năm, cứ sáu năm tập họp tăng chúng một lần và họ đến gặp Phật để nghe Ngài thuyết giới. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nào có thần lực thì tự đến, vị nào không có thần lực thì được chư thiên đến thưa rằng: Ðã đến lúc bố tát và họ chuẩn bị y bát. Nương theo thần lực chư thiên, đến giảng đường bố tát, các Tỳ-kheo làm lễ sát chân đức Phật.

Biết chúng tăng đã tập hợp, đức Phật Tỳ-Bà-Thi giảng thuyết kệ khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa.

Nhẫn nhục đạo đệ nhất,
Niết-bàn giác tối thượng,
Xuất gia não hại người,
Không xứng danh sa-môn.
Không làm các điều ác,
Thực hành các pháp lành,
Tự thanh tịnh tâm ý,
Là lời chư Phật dạy.
Không gây phiền, nói lỗi,
Không phá hoại việc người,
Làm đúng giới được dạy,
Ăn uống biết vừa đủ,
Ít muốn với tất cả
Thường ưa nơi yên tịnh.
Là lời chư Phật dạy.

Bằng phương pháp này, tất cả chư Phật quá khứ dùng kệ này để khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa. Tuổi thọ của chư Phật có dài ngắn nên sự giảng dạy này cũng có dài ngắn. Chư Phật từ dưới cây Bồ đề chế giới cho đệ tử Thanh-văn. Về những qui định cụ thể về Ba-la-đề-mộc-xoa này, (thường kỳ) không phải Như Lai thuyết giới mà do các đệ tử Thanh-văn thuyết giới. Thế nên, đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni của chúng ta, từ khi (thành đạo) dưới cây Bồ đề đến 20 năm sau đều chỉ giảng thuyết khuyên dạy về Ba-la-đề-mộc-xoa.

Vào một lúc nọ, tại giảng đường mẹ Mi-Già-La (Migàramàtu) ở Tăng-già-lam Phú-bà (Pubbàràma), sau khi các Tỳ-kheo an tọa, Phật bảo các Tỳ-kheo: - Từ nay về sau Ta không tác pháp bố tát, Ta không thuyết giáo giới Ba-la-đề-mộc-xoa nữa, các ông hãy tự thuyết. Vì sao? Như Lai không bố tát thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa giữa chúng không thanh tịnh.

Từ đó đến nay, Thanh-văn đệ tử thuyết những qui định về Ba-la-đề-mộc-xoa. Do đó trong luật nói: Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: - Chư Phật quá khứ không thuyết những qui định cụ thể về Ba-la-đề-mộc-xoa mà chỉ thuyết giáo giới về Ba-la-đề-mộc-xoa. Ba Phật Tỳ-Bà-Thi... không thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa nên sau khi các vị ấy nhập Niết-bàn, các đệ tử Thanh-văn cũng nhập Niết-bàn, các đệ tử Thanh-văn vào thời gian cuối cùng thì khác nhau về dòng họ, về tên, hoặc họ Cù-đàm (Gotama), hoặc họ Mục-Kiền-Liên, hoặc tên Phật Vô-Ðức, hoặc tên Ðàm Vô-Ðức. Từ đẳng cấp khác nhau (jacca), hoặc Bà-la-môn (Bràhmana), hoặc cư sĩ, hoặc sát lỵ (Khattiya), lại khác nhau về gia đình hoặc giàu, hoặc nghèo, hoặc hạ tiện. Do xuất gia từ những gia đình khác nhau, đẳng cấp khác nhau mà tu phạm hạnh, do vào chánh pháp với tên họ giòng tộc khác nhau nên họ vẫn giữ theo ý riêng của mình, không tùy thuận hoàn toàn theo Phật pháp. Do đó, Phật pháp không tồn tại lâu dài.

Hỏi: - Các Tỳ-kheo không tinh cần tu tập, nên làm cho chánh pháp mau suy tàn phải không?

Ðáp: - Các đại đức trước đây làm (như vậy) cũng đã không hay rồi, huống chi chúng ta không chịu giữ gìn pháp tạng, chính là khiến cho chánh pháp của Phật mau hoại diệt.

(Hoa) không được xỏ lại bằng tơ, có gió thổi, bị bay tứ tản. Xỏ nghĩa là kết lại. Cũng như các loại hoa nếu không được kết lại, có gió thổi thì bị bay tứ tản; Phật pháp cũng như vậy.

Về câu: Không chế giới vì trước phải dùng tâm quán sát sau mới giáo giới các Thanh-văn.

Hỏi: - Việc này nghĩa là gì?

Ðáp: - Chư Phật quá khứ, quán sát tâm Thanh-văn trước, sau đó mới giáo giới. Ðối với các Thanh-văn dễ hiểu được nghĩa lý thì Phật cũng không nói rộng.

Rừng khủng bố (bhimsanaka vanasanda) nghĩa là ai vào rừng này thì phát sinh sợ hãi.

Về câu: - Như vậy các ông hãy tư duy. Có ba tư duy mà thứ nhất là xuất gia. Câu: Các ông phải chuyên tâm tư duy thế này, đừng nên tư duy thế này nghĩa là có ba ác pháp, thứ nhất là tư duy về dục. Các ông cẩn thận chớ tư duy về pháp trên, mà phải luôn ghi nhớ trong tâm, quán sát vô thường, khổ, không, vô ngã. Tâm luôn ghi nhớ không tư duy như thế này: tư duy vô thường là thường, bất tịnh là tịnh. Các ông không nên tư duy như vậy, đây là điều các ông phải từ bỏ. Các ông phải từ bỏ các pháp ác, phải tu tập các thiện pháp, đã có thì làm cho tăng trưởng, từ đó phiền não không phát sinh và tâm được giải thoát. Do tâm không chấp thủ phiền não nên giải thoát, cũng gọi là do diệt nên không sinh (phiền não), nhờ diệt nên không còn (phiền não). Thế nên trong luật có nói: Do không (còn) sinh phiền não nên tâm được giải thoát.

Tất cả đều chứng A-la-hán. Cung như hoa sen, đồng loạt nở rộ khi mặt trời mọc.

Về câu: Này Xá-Lỵ-Phất, ngày xưa tại rừng khủng bố, người nào chưa ly dục mà vào rừng này thì dựng tóc gáy vì hiện tượng dữ tợn trong rừng.

Về câu: Xá-Lỵ-Phất do nhân duyên này.

Pháp sư nói: - Ý nghĩa câu này dễ, hãy tự biết lấy.

Không tồn tại lâu dài, Phật Tỳ-Bà-Thi sống tám vạn tuổi, chúng Thanh-văn cũng như vậy. Từ khi đức Phật ra đời, cho đến vị Thanh-văn cuối cùng, Phật pháp trú ở đời một trăm ngàn sáu vạn năm. Ðức Phật Thi-Khí (Sikhi) sống bảy vạn năm, chúng Thanh-văn cũng sống như vậy. Ðức Phật Duy-Vệ (Vessabhu) sống sáu vạn năm, chúng Thanh-văn cũng sống như vậy. Tuổi thọ hai vị Phật sau đến vị Thanh-văn cuối cùng, Phật pháp trú ở đời một trăm ngàn bốn mươi hai mười vạn năm. Do tuần tự giảm dần nên Phật pháp không tồn tại lâu dài.

Nghe Phật pháp của ba vị Phật không tồn tại lâu dài, ý muốn hỏi giáo pháp vị Phật nào tồn tại lâu dài nên Xá-Lỵ-Phất thưa: - Bạch Thế Tôn! Vì sao Phật pháp tồn tại lâu dài so với tuổi thọ chư Phật?

Ðáp: - Phật Câu-Na-Vệ (Kakusandha) sống bốn vạn năm, Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni (Konàgamana) sống ba vạn năm, Phật Ca-Diếp sống hai vạn năm, Phật Thích-Ca Mâu-Ny sống một trăm năm; tuổi thọ của đệ tử Thanh-văn cũng như vậy. Thế nên Phật pháp tồi tại lâu dài, như Ta bậc Thế Tôn ngày này nếu lấy một nửa tuổi thọ Phật Ca-Diếp (Kassapa) là một vạn năm, thì có thể xuất thế, nhưng khi ấy quán sát chúng sinh các căn chưa thuần thục; cho đến tuổi thọ năm ngàn năm thì xuất thế..., cho đến tuổi thọ 500 năm thì xuất thế nhưng vẫn chưa có chúng sinh mà căn thuần thục, cho đến một trăm năm mới có chúng sinh có thể độ được. Thế nên Phật ra đời vào lúc tuổi thọ ngắn ngủi, chúng Thanh-văn đệ tử cũng như vậy nhưng Phật pháp tồn tại lâu dài. Pháp ba vị Phật trước đều diệt theo tuổi thọ (của Phật), nên gọi là không tồn tại lâu dài. Ba vị Phật sau, Phật tuy diệt độ nhưng Phật pháp vẫn còn ở thế gian, nên gọi là tồn tại lâu dài.

Khi nghe Phật dạy như vậy, muốn cho Phật pháp tồn tại lâu dài nên Xá-Lỵ-Phất bạch Phật: Cầu xin đức Thế Tôn chế giới cho các đệ tử Thanh-văn.

Như trong luật nói: Sau khi xuất định, Xá-Lỵ-Phất ... những câu sau tuần tự hiểu lấy.

Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: - Thôi, thôi, chưa đến lúc.

Xá-Lỵ-Phất lại bạch Phật: - Thế Tôn! Cầu xin Ngài chế giới cho các đệ tử Thanh-văn.

Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: - Thôi, thôi, pháp này không phải cảnh giới mà Thanh-văn, Duyên giác có thể biết được, chỉ có Phật với Phật mới có thể biết được, vì cấu nhiễm chưa phát sinh.

Hỏi: - Cấu nhiễm làm gì?

Ðáp: - Chỗ cấu làm cho phát sinh lỗi lầm từ hiện tại đến đời sau nên gọi là cấu nhiễm.

Về câu: Chưa chế giới cho Thanh-văn.

Hỏi: - Vì sao chưa chế giới cho Thanh-văn?

Ðáp: - Nếu chưa có hữu lậu mà Như Lai chế giới thì chúng sinh sinh ý tưởng phỉ báng rằng sa-môn Cù-đàm cũng như các đệ tử Thanh-văn đều là giòng họ quí tộc, hoặc là vương vị, mà từ bỏ tài sản, cung điện, vợ con, quyến thuộc của họ, không tiếc thân mạng, đều sống tri túc, không còn mong cầu điều gì ở thế gian, vậy sao Cù-Ðàm lại dùng giới luật Ba-la-đề-mộc-xoa để trói buộc họ. Vì ý nghĩ Cù-đàm thật chưa khéo phân biệt người thế gian nên họ nói như vậy. Nếu Ta chế giới, người thế gian cũng không có tâm kính trọng. Như thấy người mới sinh mụt nhọt, tuy có ung nhọt nhưng chưa to lớn làm mủ, thầy thuốc chưa trị bệnh giỏi đã vội phá ra. Sau khi phá, máu chảy ra lênh láng nên bệnh nhân rất đau đớn, phải dùng thuốc đắp vào vết thương mới bình phục. Thầy thuốc nói: - Ta đã trị bệnh cho ông, hãy trả công.

Bệnh nhân đáp: - Này thầy thuốc ngu si, nếu đúng ta có bệnh thì ông trị cho, nhưng ta không có bệnh lại cố phá thịt, làm cho chảy máu, khiến rất đau khổ, lại còn đòi trả công, chẳng phải là điên cuồng hay sao!

Ðối với đệ tử Thanh-văn cũng như vậy, nếu bị chế giới trước thì sinh hủy báng: Tôi không có tội sao lại bị chế giới. Thế nên Như Lai không chế giới trước.

Về câu: Nếu hữu lậu phát sinh.

Hỏi: - Thế nào là lậu phát sinh?

Ðáp: - Nếu trong chúng, có lậu phát sinh, khi ấy Như Lai sẽ chế giới cho các đệ tử, qui định về Ba-la-đề-mộc-xoa. Cũng như thầy thuốc giỏi, tùy bệnh cho thuốc để mau hết bệnh thì được ban thưởng nhiều và khen ngợi: Ðây là bậc y vương giỏi, khéo trị hết bệnh cho tôi. Như Lai cũng như vậy, tùy theo sự vi phạm mà chế giới nên họ hoan hỷ thọ trì, không có oán trách. Do đó, trong luật có nói rằng: Thôi thôi, này Xá-Lỵ-Phất! Nếu có pháp hữu lậu phát sinh, sau đó Như Lai mới chế giới.

Pháp sư nói: - Các câu khác, hãy tự biết lấy.

Trong Phật pháp, ai (vi phạm về) cho người xuất gia đầu tiên, là Ưu-Ba-Tư-Ca (upasena) con trai của Băng-Kiện-Ða (Vangantaputta). Sự chế giới này nhân vì Ưu-Ba-Tư-Ca chưa đủ mười tuổi hạ mà đã độ đệ tử và truyền cho giới cụ túc. Ưu-Ba-Tư-Na hai tuổi hạ và đệ tử một tuổi hạ. Do sự việc diễn tiến như vậy nên Phật chế giới: - Này các Tỳ-kheo, từ nay về sau, ai chưa đủ mười tuổi hạ mà được truyền giới cụ túc cho đệ tử, thì phạm tội Ðột-cát-la (dukkata).

Sau khi Phật chế giới này, có Tỳ-kheo đủ mười hạ (Vasa) hay hơn mười hạ, nhưng ngu si không trí tuệ mà lại truyền giới cụ túc cho đệ tử. Nhân đó, Phật lại chế giới, Phật bảo các Tỳ-kheo rằng người nào không có trí tuệ mà truyền giới cụ túc cho người khác, bị tội đột-cát-la.

Phật cho phép người có trí tuệ, đủ hoặc hơn mười tuổi hạ, biết cách dạy bảo thì được phép truyền giới cụ túc cho đệ tử.

Chưa có nhiều nghĩa là trong tăng chúng số lượng các vị già trẻ chưa nhiều, phóng xá cũng chưa lớn. Khi tăng chúng đông sẽ có người phạm pháp hữu lậu. Nhân đó, Như Lai mới chế giới:

- Tỳ-kheo nào cùng người chưa thọ giới cụ túc ngủ chung, quá hai đến ba đêm, Tỳ-kheo ấy phạm tội Ba-dật-đề (Pàcittiya).

- Tỳ-kheo nào mà năm nào cũng độ đệ tử thì phạm tội Ba-dật-đề.

- Tỳ-kheo ny nào mà năm nào cũng độ đệ tử thì phạm tội Ba-dật-đề.

Ðã nói rõ như vậy, ông hãy tự biết.

Ðại lợi dưỡng, nếu khi tăng chúng được lợi dưỡng nhiều thì phát sinh pháp hữu lậu, bấy giờ Như Lai sẽ chế giới:

- Tỳ kheo nào tự tay cho thức ăn uống... đến nam hay nữ ngoại đạo lõa hình (Acelaka) thì phạm tội Ba-dật-đề.

Chưa đa văn (chú trọng về văn tự) là khi trong tăng chưa có đa văn; nếu trong tăng, có Tỳ-kheo đa văn thì sinh lậu pháp. Ai dọc tụng thông suốt từ một A-hàm đến năm A-hàm (panca àgamà, samp.panca nikàya) nhưng với tâm không chân chính nên nói ra ý nghĩa điên đảo, trái với luật nói là luật, trái với pháp nói là pháp. Do đó Phật chế giới: - Tỳ-kheo nào nói thế này: Tôi đã biết rõ về pháp... (mà trái pháp luật như trên) của Phật dạy. Tỳ-kheo nào nói lời như vậy thì phạm tội Ba-dật-đề. Ðối với sa di có lời nói ấy, cũng xử như vậy. Vì sao Ta chế giới cho các đệ tử, đó là Như Lai căn cứ vào pháp hữu lậu.

Hỏi: - Thế nào là lậu?

Ðáp: - Là giặc cướp.

Hỏi: - Giặc cướp là gì?

Ðáp: - Kẻ phạm giới trong Phật pháp chính là giặc cướp.

Hỏi: - Sao gọi họ là giặc cướp?

Ðáp: - Kẻ phi sa-môn tự xưng ta là sa-môn, cướp vật dụng của bốn chúng.

Thế nên trong luật nói: - Chưa có pháp hữu lậu thì chưa có kẻ cướp này, cũng nói chưa có người phạm giới thì không có tội.

Nói không phiền não cũng gọi là không hoạn nạn. Người không phạm giới thì không bị nhiễm pháp đen (Niràdinava, apagatakàlaka). Pháp đen cũng gọi là phá giới. Nói chúng tăng không phá (giới) là cực kỳ thanh tịnh. Sống rất quang minh là sống trên đất chân thật (sàre patitthita). Ai có giới, định, tuệ, giải thoát là sống trên đất chân thật.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ tuần tự trình bày, khi tiền an cư ba tháng hạ ở vùng Tỳ-lan-nhã, với năm trăm Tỳ-kheo mà vị chứng quả nhỏ nhất là Tu-đà-hoàn đạo (sotàpanna).

Hỏi: - Tu đà hoàn đạo là gì?

Ðáp: - Tu đà hoàn có nghĩa là dòng nước (lưu).

Hỏi: - Dòng nước là nghĩa gì?

Ðáp: - Ðạo lộ, ai đã đi vào dòng nước đạo lộ này gọi là Tu-đà-hoàn đạo. Như kinh văn nói: Phật hỏi Xá-Lỵ-Phất, Tu đà hoàn, sao gọi là Tu đà hoàn?

Xá-Lỵ-Phất đáp: - Thưa Thế Tôn! Ðó là quán thông tám đường: chánh kiến, chánh tư, chánh khẩu, chánh hạnh, chánh sinh, chánh cần, chánh thức, chánh tam muội.

Lại hỏi: - Thế nào là vị Tu đà hoàn?

Ðáp: - Người nào nhờ quán thông tám đường này nên đi đến thiện đạo, gọi là vị Tu đà hoàn, như tên như vậy, họ như vậy (nên gọi như vậy), nhân đạo lộ này mà gọi quả như vậy nên gọi là Tu đà hoàn, hãy tự biết lấy.

Pháp không đọa lạc (avinipàtadhamma). Không thể nói rằng vị Tu đà hoàn mà còn đọa lạc địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Vì sao? Vì đã đoạn trừ phiền não.

Nhờ đạo lộ này nên đi đến Bồ đề (Sambodhi paràyana) nghĩa là cả ba đạo lộ trước đều quyết định đạt đến giác ngộ, vì có đạo lộ.

Như vậy, đại trí Xá-Lỵ-Phất trả lời Như Lai xong.

Sau khi an cư ba tháng tại Tỳ-lan-nhã và tự tứ xong, Phật bảo A-Nan rằng...

- Bảo là nói bằng lời.

...nên biết là từ lâu Phật pháp đã có pháp này, tức là chư Như Lai trong quá khứ đã bảo như vậy. Vị nào đã nhận biệt-thỉnh của người khác xong thì được phép ra đi. Các Thanh-văn đệ tử khác được thỉnh hay không đều được ra đi.

Phật vì thương tưởng chúng sinh nên muốn đi đến các nước khác.

Câu: Phật đi đến các nước khác. Phật tùy ý tự tại đi lại trong ba cảnh giới (mandala) là đại, trung và tiểu.

Hỏi: - Thế nào là đại cảnh giới?

Ðáp: - Là phạm vi rộng 900 do-tuần.

Hỏi: - Thế nào là trung cảnh giới?

Ðáp: - Là phạm vi 600 do-tuần.

Hỏi: - Thế nào là tiểu cảnh giới?

Ðáp: - Là phạm vi 100 do-tuần.

Khi Phật muốn đi lại trong đại cảnh giới, thì sau khi an cư xong, vào một ngày thuộc tháng chín, cùng các Tỳ-kheo vây quanh lên đường, tuần tự đi đến từng tụ lạc để giáo hóa thuyết pháp, thọ nhận các thức ăn uống, hóa độ những người đáng được hóa độ, làm cho những người chưa được hóa độ được phúc lợi. Sau chín tháng du hành, đến ba tháng an cư mùa hạ, nếu nhiều Tỳ-kheo chưa hành pháp thiền định xong, Như Lai không đại tự tứ mà đợi tiểu tự tứ, đến ngày 15 tháng 9 Ngài lại ra đi.

Ði lại trong trung cảnh giới là du hành trong tám tháng.

Ði lại trong hạ cảnh giới là trước hết Phật quán sát có chúng sinh căn thuần thục thì ở lại, căn chưa thành thục thì ra đi, đến một ngày trong tháng 11 cùng các Tỳ-kheo vây quanh lên đường và du hành trong bảy tháng. Ngài đi khắp nơi trong ba cảnh giới này vì muốn giáo hóa để chúng sinh thoát ly phiền não, đắc bốn đạo quả. Như người hái hoa đi khắp trong núi, thấy các loại hoa nở tươi tốt thì hái mang đi, Như Lai cũng vậy. Ngài lại có Phật sự khác như sáng sớm nhập định, rồi hoan hỷ xuất thiền, dùng đại từ bi quán sát mười phương thế giới. Ai đáng được độ thì được Như Lai đến độ. Ngài lại có những Phật sự khác như có những người từ nước khác mới đến, được Như Lai thăm hỏi và thuyết pháp.

Với nhân duyên hiện nay là sắp có sự chế giới. Ðây là đạo pháp vô thượng của chư Phật.

Hỏi: - Thế nào là pháp của Thanh-văn?

Khi Phật còn tại thế, có hai trường hợp tập chúng trễ; đó là sau ngày đầu tiên nhập hạ (tập chúng) để nhận đề mục thiền định; hai là sau ngày mãn hạ an cư, (tập họp chúng) để trình sự chứng đắc. Ðây là pháp của Thanh-văn. Nhu trong luật nói: Phật bảo A-Nan, hãy cùng nhau đi đến. Ðến là chỉ cho đến Bà-la-môn biệt thỉnh. Riêng là nói với họ rằng đã an cư xong, chúng tôi đang muốn du hành đến nước khác.

Khi ấy, vào sáng sớm, Phật mặc ca-sa, chỉnh trang y phục lên đường, với A-Nan theo hầu, cùng đi đến cửa thành. Sau khi vào thành, Ngài phóng ánh sáng lớn chiếu khắp đường sá, ngỏ hẻm, nhà cửa trong thành làm cho cảnh vật trở thành như khối vàng. Với hào quang năm màu vàng rực như điện, đức Phật đi đến nhà Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã và đứng ngay trước cửa.

Thấy hào quang rực rỡ của Phật chiếu đến, mọi người vội vào báo với Bà-la-môn: - Sa-môn Cù-đàm đã đến trước cửa.

Nghe tin Phật đến, Bà-la-môn bừng tỉnh ngộ ra, vội vàng bố trí chỗ ngồi bằng nệm và đích thân ra nghênh đón, bạch Thế Tôn: Xin mời Ngài đi vào bằng lối này.

Sau đó, Phật vào nhà và an tọa. Ý muốn ngồi gần Phật nhưng không có cách nào, Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã đành đứng vòng tay hầu bên Phật.

Pháp sư nói: - Những câu sau hãy tự hiểu lấy.

Bà-la-môn bạch Phật: - Thưa Thế Tôn! Con chưa làm những điều đáng phải làm.

Pháp sư nói: - Ðây là Bà-la-môn muốn nêu lên sự việc đã hứa cúng dường Như Lai trước đây.

Bà-la-môn thưa: - Trước đây, con có thỉnh Như Lai ba tháng an cư, đúng ra hàng ngày con phải đem cơm cháo, thức ăn, trái ngọt, nước uống đến cúng dường Thế Tôn. Nhưng vì ngu si quên mất nên chưa cúng dường một chút nào chứ chẳng phải con không cúng. Con chưa được dâng cúng vì là kẻ thế tục áo trắng bận bịu nhiều công việc, lại bị sân hận ngu si chèn ép đến mê loạn làm cho con quên mất nên chưa dâng cúng.

Pháp sư nói: - Tại sao Bà-la-môn nói như vậy? Vì không biết bị ma vương làm cho mê hoặc nên ông ta tự trách mình do bận công việc của thế tục nên quên Thế Tôn. Do đó, ông ta lại suy nghĩ rằng ta thỉnh an cư Phật ba tháng để cúng dường, nhung chưa dâng gì cả, vậy ta nên dùng hết phẩm vật dự định trong ba tháng đem cúng dường trong một ngày (và thưa rằng): Cầu mong Thế Tôn thương tưởng mà nhận sự cúng dường vào ngày mai. Bà-la-môn thỉnh Như Lai xin được cúng dường trọn vẹn vào ngày mai.

Quán sát tâm ý rất hoan hỷ của Bà-la-môn, đức Phật thương tưởng suy nghĩ: Nếu Ta không nhận lời thì Bà-la-môn này sẽ sinh tâm xấu với suy nghĩ rằng: Sa-môn Cù-Ðàm vì không được cúng dường suốt trong ba tháng được thỉnh nên nay oán hận không nhận lời thỉnh của ta nữa. Do đó ông ta sẽ nói rằng Sa-môn Cù-đàm không phải là bậc Nhất thiết trí, không biết nhẫn nại; hoặc sẽ nói những lời tương tự như vậy để khinh khi Như Lai thì phải chịu quả báo của tội nặng. Do đó, ta nên nhận lời mời của ông ta.

Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa

-Quyển thứ năm-

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001